Hoàng Giang
Nhân ngày Quốc Tế Nhân Quyền, nhìn lại Hiến chương 08
Bức tranh 'Hiến chương 08' của họa sĩ ShawNShawN với 303 chữ ký tượng trưng
Ngày 10.12.1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1). Ðây là bản tuyên ngôn mang dấu ấn trọng đại nhất trong lịch sử nhân loại. Một kỷ nguyên mới được mở ra: kỷ nguyên liên quốc gia, trong đó con người mang một ràng buộc hỗ tương toàn cầu. Sinh hoạt liên đới này đòi hỏi một khuôn mẫu chung cho tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc.
Ngoài bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, trong lịch sử cũng từng có nhiều bản tuyên ngôn nằm trong phạm vi một quốc gia, một nhóm quốc gia, hay một nhóm người mang chí hướng cách mạng. Ảnh hưởng của quốc gia đó trên trường quốc tế, hoàn cảnh phát sinh ra bản tuyên ngôn, và nhất là tính phổ quát của bản văn là những yếu tố quyết định mức chú ý của quần chúng đối với bản văn. Thí dụ Bản Tuyên Ngôn Độc Lập (nǎm 1776) của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, quốc gia “hiệp chủng” thành công trên thế giới trong nhiều lãnh vực, nhiều lần đã được nhắc đến như một căn bản cho một xã hội dân quyền. Hay bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của cách mạng Pháp Quốc (nǎm 1791), ra đời sau sự cáo chung của nền quân chủ qua vụ phá ngục Bastille năm 1789. Trong khi đó, bản Bình Ngô Ðại Cáo do Nguyễn Trãi viết năm 1428, có thể coi như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ 2 của Việt Nam (sau bài Nam Quốc Sơn Hà), vì không hội đủ 3 yếu tố trên cho nên tiếng vọng của nó cũng chỉ giới hạn trong phạm vi nước Việt và dân Việt.
Có những bản tuyên ngôn tuy mang tính phổ quát nhưng vì hoàn cảnh chính trị, đã không (hay chưa) gây được tiếng vang đúng tầm mức thông điệp chuyên chở trong bản văn. Một trong những bản tuyên ngôn đó là bản Hiến chương 08 (Linh Bát Hiến Chương) (2).
Hiến chương 08 được phát lên mạng vào ngày 10.12.2008, nhân dịp kỷ niệm 60 năm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Hiến chương đầu tiên mang chữ ký của 303 trí thức và nhà hoạt động nhân quyền, được soạn dựa theo Hiến chương 77 (hiến chương này được công bố tháng 01.1977) với chữ ký đầu tiên của 243 công dân Tiệp Khắc tranh đấu cho nhân quyền tại quốc gia này. Một trong những người tích cực vận động cho sự ra đời của Hiến chương 77 là kịch sĩ Vaclav Havel, năm 1989 ông đã trở thành vị tổng thống dân chủ đầu tiên ở Tiệp Khắc (ông qua đời tháng 12/2011)..
Hiến chương 08 chứa đựng kêu gọi cho 19 thay đổi cần có để cải thiện nhân quyền tại Trung Quốc. Ðó là:
1. Sửa đổi hiến pháp;
2. Phân quyền;
3. Dân chủ lập hiến;
4. Tư pháp độc lập;
5. Kiểm soát xã hội đối với công chức;
6. Bảo đảm quyền con người;
7. Bầu cử các quan chức trong bộ máy công;
8. Bình đẳng Nông thôn - Thành thị;
9. Tự do lập hội;
10. Tự do hội họp;
11. Tự do ngôn luận;
12. Tự do tôn giáo;
13. Giáo dục toàn dân;
14. Bảo vệ quyền sở hữu tư nhân;
15. Cải cách Tài chính và thuế;
16. An sinh xã hội;
17. Bảo vệ môi trường;
18. Chế độ Cộng hòa liên bang;
19. Hòa giải dân tộc
Người ký vào Hiến chương nổi tiếng nhất là nhân vật số 16, ông Lưu Hiểu Ba. Sinh năm 1955, ông là một nhà hoạt động nhân quyền, nguyên giáo sư đại học ở Bắc Kinh, Chủ tịch của Trung tâm Văn Bút Quốc Tế độc lập của Trung Quốc từ năm 2003 và là tác giả của nhiều bài viết nổi tiếng về quyền con người. Năm 1989, khi Lưu Hiểu Ba đang ở Hoa Kỳ thì xảy ra biến cố Thiên An Môn, với cuộc đàn áp đẫm máu bằng xe tăng vào đám sinh viên đang tụ tập biểu tình ở quảng trường này. Lưu Hiểu Ba quyết định quay trở lại Trung quốc để tham gia phong trào, và được coi là 1 trong bốn lãnh đạo chính trong vụ Thiên An Môn, đã đứng ra thuyết phục những sinh viên rời quảng trường, cứu được sinh mạng cho họ. Ông nổi tiếng từ đó.
Ngoài Lưu Hiểu Ba, những người ký tên vào Hiến chương 08 trong đợt đầu phần lớn là nhà văn, nhà thơ, nhà báo…, tức là những người dùng ngòi bút để nói lên lập trường của mình. Sau đợt ký tên đầu tiên này (cùng với sự công bố bản Hiến chương), hơn 20 đợt xin chữ ký đã được phát động. Trong những đợt sau này đã có nhiều sinh viên và học sinh tham gia ký tên, mặc dù biết rằng chữ ký cũng đồng nghĩa với một bản án. Cho tới nay đã có hơn 8000 người trong và ngoài Trung Quốc đã ký tên vào bản Hiến chương. Gần một nửa những người này nằm trong lứa tuổi 40 – 49, tức là đã trải qua những đắng cay của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc và biến cố Thiên An Môn.
Ðương nhiên nhà cầm quyền Trung Quốc dùng đủ mọi biện pháp ngăn chặn sự quảng bá của Hiến chương 08. Vài giờ trước khi bản Hiến chương được phát tán trên mạng Internet, Lưu Hiểu Ba đã bị bắt giữ với tội danh “nghi ngờ khích động lật đổ quyền lực nhà nước”. Sau đó, vào năm 2009, ông bị kết án 11 năm tù. Thế nhưng, năm 2010, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho ông căn cứ trên những hoạt động tranh đấu cho nhân quyền bền bỉ của ông. Trước sự kiện này Trung Quốc đã phản đối kịch liệt, dùng cả những áp lực ngoại giao đối với những quốc gia được mời dự lễ phát giải.
Ngoài ra, ít nhất đã có 70 người tham gia ký tên đợt đầu đã bị thẩm vấn. Các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc hoàn toàn không loan tin về bản tuyên ngôn này.
Dư luận báo chí quốc tế đã tích cực ca ngợi Hiến chương 08 trong thời gian sau ngày công bố. Hiến chương 08 được coi là một cố gắng phi thường của những người dấn thân cho công cuộc tranh đấu cho nhân quyền trong một đất nước lấy sắt máu làm phương tiện trị dân, những người ‘trí thức’ đúng nghĩa. Chính phủ Hoa Kỳ, Ðức, Ðài Loan… đã lên án việc chính phủ Trung Quốc trấn áp những người đã ký tên vào bản Hiến chương.
Việt Nam có một cơ cấu chính trị, xã hội tương tự như Trung Quốc, sự nhập nhằng giữa một đảng chính trị độc quyền với guồng máy lãnh đạo quốc gia dẫn đến tình trạng dân chủ và tự do bị bóp méo theo ý một nhóm thiểu số đang nắm quyền lực. 19 mục cần phải thay đổi, như Hiến chương 08 đề ra do đó chắc chắn là những nền tảng giúp cho Việt Nam theo kịp trào lưu tiến hóa của nhân loại hiện nay. Chúng phải được phổ biến sâu rộng để mọi người có thêm được nhận thức đối chiếu, cần thiết trong việc nâng cao dân trí.
Rất tiếc, sau khi Hiến chương 08 được công bố, những chuyển biến toàn cầu liên tiếp trong lãnh vực kinh tế tài chánh có ảnh hưởng lớn đến Hoa Kỳ và các quốc gia trong khối EU, cũng như những biến động chính trị trong những quốc gia Ả Rập ở Bắc Phi phần nào đã làm lu mờ Hiến chương 08. Nhất là từ khi thế giới dần dần ý thức được sự chi phối của Trung Quốc trong cuộc chơi hiện tại, truyền thông quốc tế dường như đã cố tình ‘quên hẳn’ Hiến chương 08 để chạy theo những đề tài mang tính thời sự hơn.
Cho dù đối mặt với nguy cơ sẽ bị đi vào quên lãng, nhưng Hiến chương 08 đã cắm được cột mốc quan trọng trong tiến trình tranh đấu cho những người dân Trung Quốc thấp cổ bé miệng.
Hoàng Giang
(12/2011)
_______
Chú thích:
(1) Xem bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, bản Việt ngữ
(2) Xem toàn bản văn của Hiến chương 08, bản dịch Việt ngữ của Khánh Ðăng