Minh Hạnh
Lực lượng Đặc nhiệm Hòa Lan ở Uruzgan, 4 năm nhìn lại.
Ngày 01/08/2010 là ngày mà đại tướng Peter van Uhm, Tổng Tư Lệnh Quân lực Hòa Lan có thể thở phào nhẹ nhõm. 'Kinh nghiệm có một không hai trong lịch sử cận đại của đất nước chúng ta,' ông tuyên bố. 'Đó là một chiến dịch phức tạp, nhọc nhằn và đầy thách đố, trong đó có sự tham dự của hầu hết các ngành trong quân đội.'
Sau 4 năm có mặt ở Uruzgan (Afghanistan) với nhiệm vụ tạo và duy trì hòa bình cho người dân vùng này có thể sinh sống không sợ sự đe dọa của quân Taliban, đạo quân Hòa Lan đã hoàn thành nhiệm vụ một cách ‘có thể gọi là tốt đẹp’. Gần như không có những tin có ảnh hưởng xấu đến thanh danh của đội quân Hòa Lan, điều này đã gột rửa được những chuyện đáng tiếc đã xảy ra ở Srebrenica năm 1995, khi đạo quân Hòa Lan Dutchbat rút chạy khỏi căn cứ, bỏ mặc hơn 7000 dân họ có nhiệm vụ phải bảo vệ bị tàn sát bởi quân Servier.
Ðể hiểu Uruzgan, chúng ta hãy trở lại những thập niên chót của thế kỷ 20, khi Hồng quân Liên Xô tấn công Afghanistan năm 1979 đã làm dấy lên một phong trào kháng chiến chống ngoại xâm của nhiều phe phái. Năm 1988, khi quân Liên Xô bắt buộc phải rút, cuộc kháng chiến đã trở thành cuộc nội chiến giữa các phe nhóm, trong đó mỗi phe cố tranh thủ sự giúp đỡ vũ khí cũng như sự ủng hộ ngầm của các nước lân bang, của Hoa Kỳ lẫn các quốc gia Hồi giáo ở vùng Trung Đông và Trung Á. Trong số những phe phái này, phe Taliban được thành lập, phần lớn từ dân tị nạn trong chiến tranh với Liên Xô mà thành phần nòng cốt là những tu sinh Hồi giáo (Talib = sinh viên).
Taliban trở nên lớn mạnh từ những năm đầu thập niên ‘90 phần lớn là nhờ vào những hành động khủng bố dã man chống lại những phe chống đối khác. Năm 1994 quân Taliban dùng vũ lực chiếm Kandahar, đặt nơi này làm thủ đô với mộng thành lập một tiểu vương quốc (emirat) riêng cho họ. Năm 1995 quân Taliban công hãm thủ đô Kabul của Afghanistan với chiến thuật bao vây cho chết đói. Mặc dù Hội Hồng Thập Tự lập cầu không vận tiếp tế, Kabul cũng rơi vào tay Taliban vào tháng 9/1996. Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan thành hình, Taliban bắt đầu áp dụng một chế độ cai trị sắt máu dựa trên bạo lực và khủng bố.
Một tháng sau khi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới (WTO) ở New York bị không tặc Hồi giáo cho máy bay đụng sập (biến cố 9/11/2001), liên quân Anh - Mỹ đã tấn công vào Afghanistan nhằm trả đũa những âm mưu khủng bố mà Hoa Kỳ cho là có sự thông đồng giữa Taliban và Al Qaida với mục đích tấn công thế giới Tây phương (Thiên chúa giáo + văn hóa xã hội kiểu Âu Mỹ). Cuối năm đó quân Taliban bị đẩy lui khỏi Kabul, trận địa chiến trở thành thành chiến tranh du kích. Trong khi đó Harmid Karzai trở thành tổng thống Afghanistan vào tháng 12/2004 sau khi ông tuyên bố đoạn tuyệt với Taliban.
Vì Hoa Kỳ tấn công quân Taliban với danh nghĩa chống khủng bố, NATO (NAVO, OTAN) bắt buộc phải ủng hộ, theo như điều 5 của Hiến chương thành lập NATO. Đó là lý do của sự có mặt của NATO tại Afghanistan. Hòa Lan, một thành viên của NATO đương nhiên phải tuân thủ quyết định này. Từ năm 2002, Hòa Lan đã gửi 250 quân tham gia Lực lượng Bảo an Quốc tế ISAF (International Security Assistance Force), có đại bản doanh đặt ở thủ đô Kabul của Afghanistan. Ngoài Kabul, ISAF còn chia Afghanistan thành từng vùng, mỗi vùng có một khu đóng quân với các nước giữ nhiệm vụ như sau: vùng Trung ương do Pháp, vùng Bắc do Ðức, vùng Nam do Hòa Lan (bản doanh ở Kadahar), vùng Tây do Ý, và vùng Ðông do Hoa Kỳ đảm trách.
Do tình hình, ISAF đã ra quyết định mở những chiến dịch bình định cho toàn Afghanistan. Hòa Lan sẽ cùng Úc mở chiến dịch ở phía nam, bắt đầu từ tỉnh Uruzgan. Việc gửi thêm quân sang Afghanistan và trực tiếp tham chiến đã là nguyên nhân cho những vụ bàn cãi. Dư luận phản đối gay gắt việc gửi quân ‘giữ hòa bình’ ở Afghanistan, nơi tình thế rối ren trong tranh chấp giữa những phe phái tôn giáo và chủng tộc khác nhau. Việc gửi quân sang một quốc gia hoàn toàn xa lạ về văn hóa, phong tục, ngôn ngữ… với nguy cơ trước mắt là ‘một cuộc tuyên chiến ngầm với khối Hồi giáo’ có thể dẫn đến bạo loạn trong nước Hòa Lan, là một quyết định không dễ cho Hòa Lan, với bản tính không thích gây hấn. Thế nhưng, những ràng buộc về quan hệ với Hoa Kỳ và NATO đã khiến Hòa Lan không thể có một chọn lựa nào khác.
Sự tham dự sâu hơn vào những chiến dịch ở Afghanistan cũng khó tránh khỏi khi nào Hòa Lan vẫn còn muốn duy trì vai trò cần thiết trên bang giao quốc tế về kinh tế, chính trị..., tóm lại, là vẫn giữ được vị trí một nước đàn anh. Ðiều này sẽ mang lại lợi lộc lớn trên nhiều mặt khác. Do đó, tuy một cuộc trưng cầu dân ý chắc chắn sẽ đưa đến quyết định không tiếp tục tham chiến, nhưng nhiều quyết định có tầm mức quốc gia, quốc tế không thể đặt trên nguyên tắc dân chủ kiểu này được.
Ngày 14/03/2006 toán quân Hòa Lan đầu tiên đã được chở đến Tarin Kowt, thủ phủ của tỉnh Uruzgan. Trại Hòa Lan (Kamp Holland) được dựng lên, làm Bộ Chỉ Huy Lực lượng Đặc nhiệm Uruzgan, chính thức đảm nhận trách nhiệm cho vùng này kể từ tháng 8/2006. Bản doanh Bộ Chỉ huy đặt ở gần Tarin Kowt và một căn cứ khác ở Deh Rawod, cách Tarin Kowt 60km. Kamp Holland là căn cứ quân sự lớn nhất của Hòa Lan ở Afghanistan, với chừng 1000 quân nhân thường xuyên hiện diện. Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm Uruzgan hiện nay là Chuẩn tướng Kees van den Heuvel. Căn cứ được trang bị xe tăng và pháo binh. Khi cần, căn cứ có thể kêu gọi Không quân Hòa Lan yểm trợ bằng phản lực F16 và trực thăng chiến đấu AH-64 Apache. Bằng chiến thuật ‘vết dầu loang’, từ căn cứ này, những cuộc hành quân thám sát đã được thực hiện, tiếp xúc với dân chúng địa phương và tìm cách duy trì mối dây liên lạc này. Đường lối thực hiện được tóm vào trong 3 điểm: Mở rộng, Ngoại giao và Phòng ngự (3D-concept: Development, Diplomacy, Defence). Mục tiêu cụ thể là: Trẻ em phải có thể tiếp tục đến trường, chăm sóc y tế phải được mở rộng thêm nhiều, chính quyền địa phương phải được tổ chức tốt hơn, vị trí của người phụ nữ được cải thiện, còn mục tiêu chính đương nhiên là 'đẩy lui quân Taliban'. Sau vài cuộc đụng độ, lớn nhất là cuộc chạm súng ở Chora tháng 6/2007 với 58 thường dân bị thiệt mạng, tình hình an ninh ở Uruzgan kể từ cuối năm 2007 đã được coi là đang trên đà ổn định.
Khởi thủy, đóng góp quân sự của Hòa Lan được ấn định là 2 năm. Thế nhưng, qua diễn biến tốt đẹp, thời hạn này đã được gia hạn thêm 2 năm. Quyết định này lại một lần nữa gây ra nhiều phẫn nộ trong cư dân Hòa Lan, họ không muốn Hòa Lan lún sâu hơn vào một trận chiến chưa thấy lối ra. Hơn nữa, người dân lý luận một cách giản dị: Hòa bình đã vãn hồi, thì nên tìm cách trả lại quyền 'cai trị' cho chính phủ Afghanistan. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy, trong một quốc gia mà tranh chấp giữa các phe phái vẫn còn tiếp tục xảy ra. Một sự rút chân ra khỏi lò lửa sẽ có thể làm sụp đổ nhanh chóng những gì mới vừa tạo dựng xong. Ngoài ra, nếu Hòa Lan rút khỏi Uruzgan thì sẽ phải có quân đội một nước thành viên khác của NATO thay thế, với một sách lược có thể khác hơn. Điều này có thể gây hoang mang cho dân chúng ở những vùng mới được bình định. Cũng nên biết rằng: Quân đội Quốc gia Afghanistan (Afghan National Army) chỉ có 160 quân vào năm 2006, năm 2010 đã lên tới được con số... 3000!!! (trong khi đó, lực lượng cảnh sát Afghanistan từ con số 0 năm 2006 đã lên tới... 1600 vào năm 2010). Cuối cùng, một điều giản dị: Khi nào Hoa Kỳ chưa có ý định rút thì khó mà cưỡng lại được quyết định chung của NATO.
Thế nhưng cuộc chiến đã xoay chiều, quân Taliban đổi sang chiến thuật du kích, tăng cường việc sử dụng bom tự tạo và mìn bẫy. Nếu trong năm đầu tiên, số thương vong chỉ là do tai nạn và tự sát do stress, nhưng kể từ tháng 4/2007, con số tử trận (chết trong giao tranh) đã gia tăng đến 11 trong 12 tháng tiếp đó (trong số này có thiếu úy Dennis van Uhm, con của đại tướng Tổng Tư Lệnh Peter van Uhm). Những chiếc quan tài phủ quốc kỳ theo máy bay trở về đã mang đến cho người dân Hòa Lan sự nghi ngờ khi người ta nghe những báo cáo là tình hình tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp. Không ai muốn con mình chết trong một trận chiến mà họ chẳng thấy có dính dáng gì đến họ, đó cũng là tâm trạng của những bà mẹ Hoa Kỳ có con tham chiến ở Việt Nam 40 năm trước.
Vì vậy, khi thời gian gia hạn 2 năm sắp chấm dứt, trước một viễn cảnh là thời hạn này có lẽ sẽ được gia hạn thêm 2 năm nữa, cuộc tranh cãi đã bùng nổ giữa những đảng phái. Đảng Lao Động PvdA đòi giữ nguyên quyết định chỉ gia hạn tối đa đến cuối năm 2010, trong khi đó đảng liên minh cầm quyền Dân chủ Thiên chúa giáo CDA tuyên bố rằng mọi phương sách đều có thể được mang ra thảo luận, kể cả việc chuyển mục tiêu của chiến dịch bình định thành chiến dịch khác với mục tiêu huấn luyện. Rạn nứt không thể hàn gắn này, cộng thêm áp lực ‘mờ ám’ từ NATO với lời đồn đãi rằng có những vận động hành lang ‘mật’ cho một quyết định gia hạn thêm đã đưa đến sự sụp đổ của quốc hội Balkenende IV (ngày 20/02/2010). Và như thế, đương nhiên Hòa Lan sẽ rút quân khỏi Afghanistan đúng thời hạn là từ 01/08/2010 cho tới cuối năm. Cuộc bình định sẽ được trao lại cho quân đội Hoa Kỳ và Úc. Hòa Lan sẽ giữ một nhiệm vụ khiêm tốn hơn trong đạo quân ISAF ở Afghanistan.
Quyết định rút quân xét ra hợp lý. Càng ngày người ta càng thấy bớt đi hy vọng một nền hòa bình thực sự được nhanh chóng vãn hồi ở Uruzgan nói riêng và ở Afghanistan nói chung. Vấn đề nằm ở chỗ là phải giải quyết được phần lớn những tranh chấp giữa các phe đang chống đối nhau. Một chính phủ 'thân Hoa Kỳ' hay 'thân NATO' về lâu về dài sẽ là điểm nhắm của những phe còn lại. Sau 4 năm, tình hình có vẻ không sáng sủa như người ta nghĩ ban đầu. Nhà cửa được cất lại, con đường từ Tarin Kowt đến Reh Rawod được sửa sang, dân bắt đầu tụ tập về, số trường học tăng gấp đôi, gần như mọi người dân có được một sự chăm sóc y tế tối thiểu. Nhưng những thứ này có được do sự viện trợ dồi dào từ Hoa Kỳ và Âu châu. Trong 4 năm, Hòa Lan đã chi phí cho công tác Uruzgan 2,3 tỉ euro, trong đó có 1,4 tỉ về quân sự. Nếu tiếp tục, sẽ khó tránh khỏi chuyện tố cáo thâm lạm tiền viện trợ hay chuyện lạm quyền. Và rồi làm sao nhà cầm quyền địa phương (và cả trung ương) tránh được chuyện mang tiếng là 'tay sai đế quốc', 'lính đánh thuê'? Với chiêu bài này, Taliban có thể cầm cự lâu dài. Sau 4 năm, Taliban vẫn còn kiểm soát khoảng 30% dân. Kẻ thù đã không bị đánh bại mà dường như chiến sự vẫn tiếp tục gia tăng ở mức độ tàn bạo, nhiều cuộc đánh bom nhắm vào thường dân, mìn bẫy được gài nhiều chỗ.... Theo Kees Homan, chuyên gia phân tích của viện Clingendael (Den Haag), người ta vẫn chưa thành công trong việc dựng nên một chính quyền địa phương. Vị trí của phụ nữ, kể từ khi đạo quân Hòa Lan hiện diện, cũng gần như không được cải tiến. Điều này có thể được giải thích là do khác biệt về văn hóa (trong số 55.000 học sinh hiện nay, chỉ có 7500 em nữ sinh!!!).
Chuyên gia quốc phòng Rob de Wijk của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược ở Den Haag (The Hague Centre for Strategic Studies) cảnh báo là tình hình ở Uruzgan có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi Hòa Lan rút quân, vì Hoa Kỳ, kẻ thay thế, sẽ có một chiến lược khác hẳn. Hoa Kỳ sẽ chỉ tranh thủ cảm tình của những nhóm mạnh, trong khi đó Hòa Lan thi hành chính sách dựa trên thảo luận giữa mọi phe nhóm, và tạo cho những nhóm thiểu có cơ hội góp tiếng nói.
'Chúng ta sẽ mang lại hòa bình và an ninh cho Uruzgan.' Lời tuyên bố 4 năm về trước xét ra còn thiếu một lời hứa về một mốc thời gian cụ thể. 4 năm sau, sau khi gần 20.000 quân Hòa Lan lần lượt thi hành sứ mạng 'tạo và gìn giữ hòa bình' ở đây, với 24 quân nhân thiệt mạng, và 140 bị thương (chưa kể những ảnh hưởng về tinh thần trên những quân nhân đã tham chiến). 1,4 (hay 2,3) tỉ euro bỏ ra trong khi cả thế giới chìm trong cơn suy trầm kinh tế, hòa bình nơi tỉnh Uruzgan nghèo và đầy tranh chấp này vẫn còn là niềm hy vọng mong manh của người dân Afghanistan. Họ vẫn đang mòn mỏi trông chờ. Trông chờ nhưng vẫn tiếp tục bị xoáy vào những tranh chấp triền miên của những lãnh tụ phe nhóm nhân danh Thượng Ðế tiếp tục cuộc chiến đấu ‘vì dân Afghanistan’.
Minh Hạnh