Nguyễn Trung
Khủng hoảng lương thực và năm 2009
Nhìn lại năm 2008 vừa qua, thế giới không chỉ kinh qua một năm với khủng hoảng tài chánh mà còn là một năm với khủng hoảng lương thực. Giá biểu thị trường nông phẩm đã gia tăng đến mức độ được gọi là lịch sử. Chỉ trong vòng một năm giá biểu các lương thực chủ yếu đã gia tăng từ 40% đến 80% hoặc còn cao hơn ở tại một số các quốc gia có nhu cầu nhập cảng lương thực. Giá biểu thực phẩm đã tiếp tục gia tăng khiến cộng đồng thế giới và các cơ quan hữu trách phải đặc biệt quan tâm và theo dõi trong suốt năm qua.
Năm 2009 bắt đầu với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chánh, đưa đến suy thoái kinh tế. Tuy nhiên về vấn đề lương thực ở tầm mức thế giới, năm 2009 bắt đầu với một nguồn tin tương đối phấn khởi hơn: Các giá biểu thực phẩm sẽ hạ xuống. Cuối tháng 12 vừa qua, Cơ Quan Lương Nông Quôc Tế (FAO) của Liên Hiệp Quốc đã thông báo rằng trong năm 2008 thế giới đã thu gặt được ngũ cốc nhiều hơn bao giờ hết. Giá biểu ngũ cốc, so sánh với giá biểu cách đây một năm, đã giảm xuống từ 20% đến 40%. Kể cả giá gạo mặc dù hiện nay vẫn còn cao hơn khoảng 54% so với giá cách đây một năm.
Câu hỏi được đặt ra: Như thế cuộc khủng hoảng lương thực thực sự đã qua?
Các giới hữu trách cho rằng trong thời gian ngắn giá nông phẩm sẽ hạ, đưa đến sự hạ giá của các sản phẩm được thực hiện, biến chế từ ngũ cốc. Nhất là ở các quốc gia nghèo, nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của cuộc khủng hoảng lương thực, giá cả thực phẩm sẽ hạ nhiều. Ở các quốc gia Tây Phương, giá thực phẩm sẽ giảm xuống ít hơn do sự tiêu thụ các sản phẩm được biến chế, thí dụ như trong trường hợp gạo sấy, đòi hỏi sự tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, chi phí nhiều hơn do vận chuyển, đóng hộp, bao gói, v.v...
Nhưng những điều trên vẫn chưa phải là lý do để mọi người có thể lạc quan về vấn đề khủng hoảng lương thực. Các chuyên gia đã cảnh cáo rằng thế giới vẫn chưa thoát ra khỏi các áp lực của cuộc khủng hoảng lương thực. Do giá cả nông phẩm hạ xuống, các nông gia sẽ gieo trồng ít hơn. Nhiều người trong giới này sẽ cảm thấy không phấn khởi để trồng ngũ cốc cho thật nhiều. Cho đến nay thị trường thế giới vẫn chưa đủ rộng rãi để có thể giữ mức cung cầu và giá cả ổn định. Trong năm 2009 mức thu hoạch ngũ cốc sẽ thấp hơn, chỉ cần một biến cố xảy ra là giá cả ngũ cốc sẽ tăng vọt, tương tự như trường hợp đã xảy ra từ giữa mùa hè 2006 và 2007.
Hơn nữa cuộc khủng hoảng tài chánh cũng đã tác động tiêu cực lên khủng hoảng lương thực. Nhiều nhà đầu tư đã rút tiền lại. Mặc dầu giá nguyên liệu biến chế từ nông phẩm như dầu đã hạ xuống đưa đến việc làm mùa và vận chuyển thực phẩm ít tốn kém hơn, nhưng những hậu quả này của khủng hoảng tài chánh trong thời gian dài hơn lại dẫn đến sự gia tăng giá cả của thực phẩm như đã đề cập trên. Các chuyên gia cho rằng vấn đề sản xuất các loại ngũ cốc quan trọng ở một số các quốc gia xuất cảng phải được cải thiện để có thể giữ được giá hạ trong lâu dài. Vấn đề là hiện nay các quốc gia này không đủ tư bản để có thể đầu tư đúng mức trong ngành này cho mục đích vừa nêu ra.
Nơi đây cũng cần nhìn lại hậu quả của cuộc khủng hoảng lương thực ở Việt Nam. Trước các biến động của cuộc khủng hoảng này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lấy quyết định không xuất cảng lúa gạo nhằm bảo đảm vấn đề cung cấp thực phẩm cho nhu cầu trong nước. Nhưng đây là quyết định sai lầm đưa đến hậu quả gây ứ đọng, hư hại do vấn đề lưu trữ, bảo quản và sự phá giá lúa gạo. Đến khi nhà nước đưa dến quyết định xuất cảng 4 triệu tấn gạo thì giá nông phẩm trên thị trường đã hạ xuống quá nhiều hoặc các nhà xuất nhập cảng đã ký hợp đòng với các quốc gia xuất cảng gạo khác. Các quyết định trên đã gây thiệt hại trầm trọng cho giới nông dân Việt Nam.
Chuyên gia của Viện Nghiên Cứu Phát Triển Hải Ngoại Anh đã nghiên cứu về hậu quả của khủng hoảng lương thực ở các quốc gia nghèo. Họ cũng cho rằng hãy còn quá sớm để có thể lạc quan. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng các nông gia nghèo không có khả năng để có thể làm mùa đi ngược lại sự vận hành của giá cả thị trường (giá nông phẩm giảm, vẫn tiếp tục sản xuất thật nhiều ngũ cốc). Như thế vấn đề sẽ xảy ra: giá nông phẩm thấp, nông gia nghèo sẽ giảm làm vụ mùa đưa đến hậu quả là sự tăng giá nông phẩm. Tuy nhiên theo các chuyên gia, giá cả nông phẩm đã lên đến mức độ kỷ lục nên họ không nghĩ rằng nó sẽ tăng hơn nữa. Nhưng giá nông phẩm trong suốt năm 2009 và khoảng nửa năm đầu của năm 2010 sẽ tăng giảm thất thường.
Nguyễn Trung