Phạm Đình Lân


Khó thành công trong đường lối mâu thuẫn thiếu sáng tạo và thiếu thành thật.

 

Năm 1925 Lý Thụy (Hồ Chí Minh) thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội để mang hột giống Cộng Sản vào Việt Nam. Một nhận xét làm cho một số người Việt Nam hãnh diện là:

– Đạo Khổng, đạo Lão do người Trung Hoa truyền giảng ở Việt Nam trong thời Bắc thuộc.

– Đạo Phật do các sư tăng từ bán đảo Ấn Độ và Trung Hoa đến truyền giảng. Nhưng ảnh hưởng của các sư tăng Trung Hoa quan trọng hơn vì Việt Nam là một nước bộ thuộc của họ. Sakya Muni, nhà hiền triết thị tộc Sakya, người khai sáng ra đạo Phật lại đóng vai trò phụ với một bức tượng nhỏ bé bên cạnh các tượng Phật khổng lồ trong chùa Đại Thừa Trung Hoa và Việt Nam với ý niệm sơ đẳng về sự hiện hữu của hằng hà sa số Phật hay người ăn cướp giết người nếu vất bỏ tư tưởng "dao búa" trong tâm thì trở thành Phật!

– Đạo Thiên Chúa do các giáo sĩ Tây Ban Nha truyền giảng ở miền Bắc; giáo sĩ Bồ Đào Nha ở miền Trung và giáo sĩ Pháp ở miền Nam trong thời nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn và cả nước Việt Nam sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ và bảo hộ Trung, Bắc Kỳ.

– Đạo "Cộng Sản" do "giáo chủ" Karl Marx chủ xướng và "chưởng giáo" Lenin, người khai sinh ra Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản năm 1919, truyền giảng và được Lý Thụy (Hồ chí Minh), một người Việt Nam lấy bí danh Trung Hoa trong thời kỳ làm thông dịch viên cho Borodin ở Guangzhou (Quảng Châu) năm 1925, du nhập vào Việt Nam như một Thánh tông đồ Cộng Sản Việt Nam vậy.

Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (1925), rồi đảng Cộng Sản Việt Nam cải thành đảng Cộng Sản Đông Dương (1930) đều thành lập trên lãnh thổ Trung Hoa.

Thánh tông đồ Cộng Sản Việt Nam do Cộng Sản Nga đào luyện vào năm 1924 và 1934 khi mang tên Nga là Lin và Nilovsky nhưng địa bàn hoạt động của ông lại là Trung Hoa (1925 - 1927, 1938-1940) nên những bí danh Lý Thụy (Lee Suie), Vương Sơn Nhị (Wang Shan Zee), Tống Văn Sơ (Song Wen Shu), Hồ Quang (Hu Kwang), Hồ Chí Minh (Hu Chi Ming) (bí danh của Hồ Học Lãm, người Việt Nam hưởng ứng đường lối cách mạng của Phan Bội Châu và là đại tá của Quốc Dân Đảng Trung Hoa) đều mang đầy đủ màu sắc Trung Hoa. Tăng Tuyết Minh (Zheng Xui Ming) mà Lý Thụy (Hồ Chí Minh) cưới năm 1926 là một phụ nữ Trung Hoa và đảng viên đảng Cộng Sản Trung Hoa. Hồ Tùng Mậu, đồng sáng lập viên Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội với Lý Thụy (Hồ Chí Minh) và cháu của đại tá Hồ Học Lãm (người thực sự mang bí danh Hồ Chí Minh), gia nhập đảng Cộng Sản Trung Hoa. Lâm Đức Thụ (Nguyễn Công Viễn), một trong những đồng sáng lập viên của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, hoạt động ở Trung Hoa, có vợ Trung Hoa trong gia đình họ Lee (Lý) giàu có nổ tiếng ở Guangzhou (Quảng Châu) thời bấy giờ.

Cộng Sản Trung Hoa há không ảnh hưởng gì đến những người Cộng Sản Việt Nam hoạt động trên đất Trung Hoa vào thập niên 1920, 1930 và trong đệ nhị thế chiến?

Tướng Nguyễn Sơn há không phải là đảng viên Cộng Sản Trung Hoa?

Tướng Nguyễn Chí Thanh há không do Cộng Sản Trung Hoa đỡ đầu sao?

Tổng bí thơ Trường Chinh không do Cộng Sản Trung Hoa yểm trợ tối đa hay sao?

Các đảng viên Cộng Sản Việt Nam gốc Thổ, Nùng, Tầy mà người Trung Hoa ở Guangxi (Quảng Tây) gọi là người Choang như Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thụ, Nông Đức Mạnh há không thân Cộng Sản Trung Hoa?

Cộng Sản Trung Hoa há không chi phối đảng Lao Động Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp một khi họ là những người viện trợ khí giới, thuốc men, cố vấn chánh trị, huấn luyện, chứa chấp thương binh và những chiến binh Việt Minh bị Pháp đánh bại bỏ chạy sang Trung Hoa?

Cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu trong vùng Việt Minh năm 1953 và ở miền Bắc năm 1955, 1956 mô phỏng theo cuộc cải cách ruộng đất ở Trung Hoa. Hình ảnh Mao Chủ Tịch được trưng bày khắp nơi ở miền Bắc bên cạnh ảnh của Hồ Chí Minh, Malenkov, Karl Marx, Lenin sau năm 1954 ở miền Bắc. Cách ăn mặc, những điệu ca vũ đều rập theo khuôn của Cộng Sản Trung Hoa trên lục địa. Các chức vụ chánh ủy được bố trí khắp các tổ đảng ở cơ quan dân sự và quân sự xuất phát từ cách tổ chức của đảng Cộng Sản Trung Hoa mà ra. Vai trò của Trường ChinhĐặng Xuân Khu quá quan trọng đến nỗi làm lu mờ địa vị của Hồ Chí Minh. Sau khi bị hạ bệ năm 1956, Trường Chinh vẫn còn là nhân vật số 3 trong Bộ Chánh Trị của đảng Lao Động Việt Nam. Vai trò nầy vẫn bất biến sau khi Lê Duẩn nghiêng hẳn về Liên Sô chống lại Cộng Sản Trung Hoa thời Hoa Quốc Phong (Hua Guo-feng) và Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao-ping) vào thập niên 1970, 1980. Điều nầy cho thấy đảng Cộng Sản Trung Hoa thao túng và dẫn đạo đảng Cộng Sản Việt Nam ngay từ ngày thành lập đến ngày nay. Trong thập niên 1980, giữa lúc Lê Duẩn thân Liên Sô và chống Trung Hoa Cộng Sản mãnh liệt, ở miền Bắc xu hướng thân Trung Hoa Cộng Sản vẫn mạnh ở các địa phương tuy rằng Hoàng Văn Hoan đã trốn sang Trung Hoa lục địa từ Pakistan khi trên đường sang Đông Đức chữa bịnh và Chu Văn Tấn bị hạ bệ. Vào năm 1995 Hoa Kỳ và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) thiết lập bang giao. Ở Sài Gòn phong trào học tiếng Anh dấy lên mạnh mẽ từ vài năm trước đó nhưng ở miền Bắc lại có phong trào học tiếng Trung Hoa!

Đảng Cộng Sản đề cao giai cấp vô sản và hô hào tận diệt trí, phú, địa, hào mà họ xem là kẻ thù bất khoan nhượng của giai cấp vô sản. Đảng đề cao tinh thần quốc tế vô sản bất chấp biên cương của tổ quốc. Năm 1958 chánh quyền Cộng Sản miền Bắc không ngần ngại chấp nhận chủ quyền của Trung Hoa Cộng Sản trên quần đảo Hoàng Sa, mà người Trung Hoa gọi là Xisha (Tây Sa), vì lúc ấy Hoàng Sa thuộc Việt Nam Cộng Hòa. Khi hải quân Cộng Sản Trung Hoa đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, chánh quyền Cộng Sản ở miền Bắc im lặng. Năm 1988 Trung Hoa Cộng Sản đánh chiếm vài đảo trong quần đảo Trường Sa, nhiều đảng viên Cộng Sản cao cấp, trong đó có Đỗ Mười, xem đó là chuyện không đáng quan tâm vì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) là nước Cộng Sản anh em.

Hồ Chí Minh rồi Lê Duẩn say sưa trong tinh thần quốc tế vô sản. Tinh thần đó được Nguyễn Minh Triết làm sáng tỏ khi thăm viếng Cuba. Ông cho rằng Việt Nam và Cuba là hai quốc gia có nhiệm vụ canh giữ hòa bình cho Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản được yên ổn xây dựng và phát triển đất nước vì: Cuba thức thì Việt Nam ngủ. Cuba ngủ thì Việt Nam thức. Việt Nam được mệnh danh là Cuba Phương Đông nhờ tận tụy theo đuổi chiến tranh ngót 30 năm sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt bằng xương máu của người Việt, sự tan nát của đất nước và sự hận thù lẫn nhau của dân tộc Việt vì những cuộc chém giết quá tận tụy của những người muốn tiêu diệt người Tư Sản cuối cùng  trên mặt hành tinh nầy chỉ để bảo vệ "hòa bình" cho Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản phát triển bom nguyên tử, bom khinh khí, vệ tinh nhân tạo v.v...

Nước nào được hưởng lợi với việc tận diệt trí, phú, địa, hào mà đảng Cộng Sản Việt Nam đeo đuổi từ ngày thành lập đến nay?

Liên Sô quá xa Việt Nam và cũng ít quan tâm đến Việt Nam, nơi mà Stalin chê phong trào công nhân hầu như không có gì. Việc tẩy sạch chất xám và triệt tiêu trí, phú, địa hào mà Cộng Sản Việt Nam đã tiến hành trong quá khứ có lợi cho Trung Hoa rất nhiều. Đó là điều mà họ đã làm khi đô hộ Việt Nam, nhưng không ghê gớm và hệ thống hóa như đảng Cộng Sản Việt Nam đã làm cho đồng bào họ. Sau năm 1975, tuy không còn tiêu diệt trí thức như năm 1930, 1931, 1940, 1945, sau 1954 ở miền Bắc, trí thức Việt Nam cũng bị ngược đãi và bị vất ra ngoài lề xã hội. Các ông Nguyễn Mạnh Tường và Trần Đức Thảo đã đóng góp được gì cho đất nước sau khi chấp nhận phục vụ cho Cộng Sản dưới danh nghĩa người trí thức yêu nước? Sau năm 1975 thạc sĩ kinh tế học Vũ Quốc Thúc đã làm được gì nếu không nhờ Pháp bảo lãnh sang Pháp sau khi Paris viện trợ cho CHXHCNVN.

Pol Pot, một người Khmer gốc Hoa, theo chủ nghĩa Maoist, mới nắm quyền 3 năm (1975-1978) đã giết 1/3 dân số Cambodia. Thế giới hoang mang kinh hoàng về cảnh giết chóc  mà họ chỉ thấy qua phim Killing Field, Nhưng ít ai biết hay để ý đến những cảnh giết chóc ghê rợn sau ngày đảng Cộng Sản Việt Nam chào đời với Phong Trào Sô Viết Nghệ Tỉnh (1930), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (1940), Việt Minh cướp chánh quyền (1945), cải cách ruộng đất trong thời kỳ kháng chiến ở vùng Việt Minh chiếm đóng, cải cách ruộng đất ở miền Bắc trong thời kỳ đất nước qua phân và 30 năm chinh chiến đẩm máu sau đệ nhị thế chiến. Bao nhiêu di sản đất nước tiêu tan? Bao nhiêu xương máu người Việt Nam đã đổ? Cho cái gì?

Để trả lời, bạn đọc cứ tưởng tượng sự vĩ đại và hùng mạnh về tài chánh, kinh tế lẫn quân sự của Hoa Kỳ. Thế mà chỉ cần hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan trong vòng 10 năm, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia mang nợ nhiều nhất thế giới. Việt Nam là một quốc gia có quá khứ thuộc địa nghèo nàn, đã trải qua 30 năm chinh chiến sau đệ nhị thế chiến, chưa kể những cảnh đổ máu từ ngày đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời cho đến năm 1945 và sau 1954 ở miền Bắc.

Cho độc lập nước nhà?

Có quốc gia nào đánh bại kẻ thù lại chấp nhận một nền độc lập chia đôi như Việt Nam năm 1954 không? Ông Hồ Chí Minh không thể cưỡng lại ý đồ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Liên Sô dùng sự qua phân nước Việt Nam để tránh va chạm với Hoa Kỳ. Ông Hồ Hữu Tường vẫn tưởng ông Hồ Chí Minh là Phi Lạc (một nhân vật hư cấu trong tác phẩm của ông), lúc thì đùa giỡn với Nga, lúc thì đùa giỡn với Hoa Kỳ. Không ít người Việt ưa thích chuyện nầy lắm. Nhưng lại có câu sấm lạ lùng của thời đại nói ngược lại cái nhìn uyên bác và đầy tinh thần ngạo nghễ dân tộc của Hồ Hữu Tường:

Thưởng công chú Cộng chan dầm,

Vào sanh ra tử lại lầm kế ai.

Kế ai là kế nào? Của ai? Người đọc tự đoán và trả lời không mấy khó khăn.

Hồ Chí Minh là một chiến sĩ Cộng Sản (Comiternchik) đã dùng lòng yêu nước của người Việt Nam để đánh đuổi Pháp, quốc gia đã cướp mất ảnh hưởng chánh trị của Trung Hoa ở Việt Nam từ năm 1884, và đánh Mỹ cứu nước, tức đánh quốc gia đã ngăn cản Trung Hoa Cộng Sản chiếm nốt đảo Taiwan (Đài Loan), gây tử thương cho con Mao Zedong (Mao Trạch Đông) trên chiến trường Triều Tiên và ngăn chận âm mưu thôn tính Đông Nam Á của Cộng Sản Trung Hoa.

Lê Duẩn tiếp nối sự nghiệp của Hồ Chí Minh với câu hỏi trở thành khẩu hiệu ghê gớm của Cộng Sản Việt Nam: Ai thắng ai? Ông tự hào đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào năm 1975 với câu nói đầy kiêu hãnh: Đánh thắng bất cứ kẻ thù nào dù lớn đến đâu và xuất phát từ đâu. Bốn năm sau ngày đánh chiếm miền Nam Việt Nam, CHXHCNVN đánh nhau với CHNDTQ sau khi vừa làm nghĩa vụ quốc tế ở Cambodia để xứng đáng là một nước Cộng Sản trung kiên của Liên Sô chống chủ nghĩa Mao. Khi Liên Sô sụp đổ năm 1991, CHXHCNVN rơi vào quĩ đạo của Trung Hoa Cộng Sản với vô vàn nhục nhã.

Năm 1999 rồi năm 2000 CHXHCNVN phải ký hiệp ước nhường đất đai ngoài biên giới và lãnh hải trong Vịnh Bắc Bộ. Cột mốc biên giới mới ăn sâu vô nội địa Việt Nam từ 400-600m. Trung Hoa Cộng Sản thăm dò dầu khí ngoài khơi tỉnh Thái Bình, sát nhập Hoàng Sa và Trường Sa dưới tên là Nansha (Nam Sa), tự cho mình có chủ quyền trên 3 triệu km2 biển ở Tây Thái Bình Dương, chặn bắt thuyền đánh cá Việt Nam và đòi tiền chuộc, ra lịnh cấm đánh cá ngay trong hải phận Việt Nam v.v... Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam không bảo vệ được bờ biển của mình, cũng không bảo vệ được ngư phủ bị Trung Hoa Cộng Sản bắt bớ, đánh đập, tịch thu xăng dầu cũng như hải sản đánh bắt được và đòi tiền chuộc, mà chỉ nói vu vơ là bị tàu lạ, người lạ bắt. Những khẩu hiệu Ai thắng ai? hay Đánh thắng bất cứ kẻ thù nào dù to lớn đến đâu và phát xuất từ đâu tự nhiên biến mất. Một vài thanh niên mặc áo cờ đỏ sao vàng biểu tình với khẩu hiệu Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đều bị bắt cầm tù.

Trung Hoa Cộng Sản biết rõ về Cộng Sản Việt Nam hơn bất cứ nước nào khác. Họ biết từng cá nhân lãnh đạo. Họ biết tình trạng xã hội rỗng nát ở Việt Nam; sự đoàn kết dân tộc tan biến từ lâu; nguồn trí tuệ bị khinh rẻ chà đạp. Người có học bị xem là kẻ thù của giai cấp vô sản. Kinh tế sụp đổ bất cứ lúc nào mà Trung Hoa Cộng Sản muốn. Đó là điều kiện chín mùi để họ bắt nạt Việt Nam. Chánh quyền Cộng Sản do họ dựng lên và hà hơi tiếp sức. Người vô sản năm xưa nay là đại phú gia có dẫy đầy sản nghiệp trong và ngoài nước. Lòng yêu nước của dân chúng đã bị lợi dụng và chịu trả giá bằng máu quá đắt nay đã trở nên khắc khoải. Gần đây tàu hải giám của Trung Hoa Cộng Sản tháo gỡ dây cáp của các tàu thăm dò của CHXHCNVN ngay trên hải phận Việt Nam. Vì quá tủi nhục, chánh quyền Cộng Sản Việt Nam cho một phụ nữ ra nói lập trường cứng rắn của mình như là phản ứng bảo vệ quốc thể. Trong nước có hai cuộc biểu tình diễn ra ở hai thành phố lớn. Tổng cộng khoảng trên 1.000 người tham dự ở hai thành phố tiêu biểu của nước Việt Nam. Con số nầy quá nhỏ (0,5/1000) so với số người tham dự Ngàn Năm Thăng Long tổ chức vào ngày 01-10-2010, ngày Quốc Khánh của CHNDTQ và so với dân số 90 triệu người của Việt Nam ngày nay trước một vấn đề trọng đại. Có một số thanh niên bị bắt về phường điều tra. Beijing ra lịnh cho Hà Nội trấn áp những người còn chút tinh thần quốc gia.

Ngày xưa An Dương Vương bị Triệu Đà đánh bại phải cỡi ngựa cùng con gái là Mỵ Châu, vợ của Trọng Thủy, chạy xuống Nghệ An. Ông cầu Thần Kim Qui để vấn kế. Thần Kim Qui xuất hiện và chỉ nói câu ngắn gọn: "Kẻ thù ngồi sau lưng Ngài". Những người lãnh đạo tối cao ra lịnh ký kết nhường đất đai, biển đảo, cho Trung Hoa Cộng Sản thuê đất trồng rừng, cho khai thác bauxite trên cao nguyên Nam Trung Bộ và cho Trung Hoa Cộng Sản đưa người sang làm việc như công dân trong nước, vẫn ung dung tự tại trong những đền đài nguy nga tráng lệ và được tôn kính chớ không bị chém đầu như An Dương Vương đã làm với con gái của mình. Các ông tướng mặc quân phục và mang quân hàm oai phong như ông tổng trưởng và thứ trưởng quốc phòng đều dùng từ ngữ uyển sáo của các nhà nho "hiếu hòa" và "yêu nước" để kêu gọi hòa bình và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ!

Sự gây hấn và hung hãn của Trung Hoa Cộng Sản không được dư luận thế giới ủng hộ. Nhưng chánh quyền Cộng Sản Việt Nam cũng cô đơn không kém trước sự đe dọa của CHNDTQ.

Đối với dân chúng Việt Nam, các nhà lãnh đạo Cộng Sản không phải là "phụ mẫu" hay "bạn dân" mà là "mẹ ghẻ". Họ không vì dân vì nước mà vì quyền và vì tiền. Và cả hai thứ mà họ cần đó đều do Trung Hoa Cộng Sản ban cho. Dân xem chánh quyền như guồng máy khủng bố, bắt bớ, tra tấn, cướp đất, làm tiền, chèn ép, áp bức, tham nhũng, hối lộ. Chánh quyền Cộng Sản xem dân là những tù nhân không bản án và là những nô lệ không khế ước, đất nước là tài sản mà họ cướp được nên họ có quyền cầm cố hay bán ra cho bất cứ ai và bất cứ lúc nào mà họ muốn.

ASEAN không thể vì Việt Nam mà mất lòng với Trung Hoa Cộng Sản. Indonesia, Singapore, Miến Điện, Thái Lan, Cambodia, Lào không dính líu gì đến chuyện tranh chấp Biển Đông.

Singapore, cố vấn kinh tế của Việt Nam, là một đảo quốc phồn vinh có 75% dân số gốc người Hoa. Đảo quốc nhỏ bé và phồn vinh kinh tế nầy vừa tiếp tàu của Trung Hoa Cộng Sản và cho lưu hành tiền tệ của CHNDTQ như đã xài Mỹ kim.

Mã Lai, tuy có tranh chấp chủ quyền trong quần đảo Trường Sa, lại đang có quan hệ thương mại lớn với Trung Hoa Cộng Sản. Khoảng 30% dân số nước nầy gốc Hoa.

Ảnh hưởng của người Hoa ở Thái Lan rất lớn. Thái Lan từng có nhiều thủ tướng và chánh trị gia gốc Hoa. Thái Lan và Việt Nam ít khi có mẫu số chung chánh trị. Thái Lan đã tự cứu mình bằng chánh sách phù hợp với thực tiễn chánh trị. Vào thế kỷ XIX họ hướng về Anh, cường quốc có thế lực thời bấy giờ. Trong đệ nhị thế chiến họ hướng về Nhật. Khi Nhật đầu hàng họ hướng về Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Nam Việt Nam, họ hướng về Trung Hoa Cộng Sản. Thái Lan không thích thú gì khi thấy Việt Nam vươn lên. Một quốc gia với óc thực tế như vậy làm sao có thể nhập phe với Việt Nam để mất lòng Trung Hoa Cộng Sản được?

Năm 1998 có phong trào chống đối thương gia người Hoa ở Indonesia. Indonesia không liên quan gì đến Biển Đông. Nước nầy hiện là chủ tịch luân phiên của ASEAN, chỉ có thái độ cầm chừng trước sự hù dọa của tàu chiến Trung Hoa Cộng Sản trong vùng hơn là binh vực Việt Nam và Phi Luật Tân trước sự xâm phạm của Trung Hoa Cộng Sản vào lãnh hải của hai nước nầy. Dù sao Indonesia cũng nể mặt CHNDTQ, một cường quốc quân sự và kinh tế đang lên ở Đông Á.

Brunei giữ im lặng trước mọi sự ồn ào trong vùng mặc dù cũng có lên tiếng về chủ quyền trên đảo san hô nằm trong quần đảo Trường Sa mà nước nào cũng hy vọng sẽ có túi dầu khổng lồ nằm dưới lòng biển.

Hai nước đàn em của Việt Nam là Lào và Cambodia đã trở mặt với Việt Nam và hướng về Trung Hoa Cộng Sản để nhận viện trợ dồi dào mà không có điều kiện gì cả.

Miến Điện là nơi chánh quyền quân phiệt được hậu thuẫn mạnh mẽ của Trung Hoa Cộng Sản lại không có phần biển nào trong Biển Đông nên không nhập cuộc với phe nào cả. Trong trường hợp nầy im lặng có nghĩa là theo phe mạnh: Trung Hoa Cộng Sản.

Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam lẫn lộn hai mặc cảm trái ngược: mặc cảm chiến thắng trong quá khứ và mặc cảm nương tựa để được bảo vệ khi cần. Hai mặc cảm trái ngược nầy làm cho Việt Nam vô cùng nhột nhạt. Nhột nhạt vì người chiến thắng sao lại phải nhờ người chiến bại bảo vệ? Hoa Kỳ không có quyền lợi gì trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ không có sự ràng buộc nào với Việt Nam vì Việt Nam không phải là đồng minh của họ. Sự né tránh đụng chạm giữa các cường quốc là điều dễ hiểu. Năm 1974 Trung Hoa Cộng Sản chiếm Hoàng Sa khi tàu chiến Hoa Kỳ còn hiện diện ở Cam Ranh. Năm 1988 tàu chiến của Liên Sô đậu trong vịnh Cam Ranh khi hải quân Trung Hoa Cộng Sản đánh bại hải quân Cộng Sản Việt Nam ở Trường Sa. Khi ký hiệp ước an ninh với Liên Sô, Cộng Sản Việt Nam tin chắc rằng Liên Sô sẽ chết sống với CHXHCNVN, người canh gác hòa bình thế giới ở phương Đông như ông Nguyễn Minh Triết đã nhắc lại khi đến Cuba. Thực tế hoàn toàn trái ngược lại. Cảnh nhìn người mất của để mình được yên ổn vẫn luôn luôn xảy ra trên bàn cờ chánh trị quốc tế như trường hợp Sudetenland và hiệp ước Munich năm 1938 chẳng hạn. Trường hợp nầy như minh định số phận của Hoàng Sa và Trường Sa vậy.

Trong những lập luận về chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chánh quyền Cộng Sản Việt Nam không hề nhắc đến sự công nhận chủ quyền của chánh phủ Bảo Đại trên hai quần đảo nói trên trong hội nghị San Francisco năm 1951 vì lúc bấy giờ Cộng Sản Việt Nam rêu rao Bảo Đại là bù nhìn, bán nước. Người bị gọi là bù nhìn và bán nước lại thâu hồi Nam Bộ về với tổ quốc qua hiệp ước Elysée (1949) và được quốc tế công nhận chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa năm 1951. Người ấy cũng không hề ký kết một hiệp ước nhường đất cho bất cứ nước nào giống như hiệp ước mà Hà Nội ký kết với Beijing (Bắc Kinh) năm 1999 và 2000. Lúc ấy Bảo Đại bang giao với bất cứ cường quốc nào trên thế giới một cách tự do và bình đẳng chớ không phải chấp nhận khẩu hiệu bang giao nào như Beijing đã ấn định cho Hà Nội với 16 chữ vàng. Nên nhớ rằng Bảo Đại là vị vua dưới điểm trung bình của nhà Nguyễn.

Cộng Sản Việt Nam cũng không dám nhắc đến sự chiến đấu của hải quân Việt Nam Cộng Hòa chống Trung Hoa Cộng Sản năm 1974 vì lúc đó họ im lặng nhìn đồng chí của họ chiếm một phần đất của quê hương mình vì say sưa tôn thờ tinh thần quốc tế vô sản. Năm 1954 họ nghe lời của Beijing chấp nhận sự qua phân xứ sở rồi xem phần đất và nhân dân ở phía Nam là kẻ thù chung chớ không phải là quê hương và đồng bào ruột thịt.

Giải pháp quân sự hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam.

1- Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm về hải chiến.

2- Về phẩm và lượng tàu chiến Việt Nam không thể đương đầu hữu hiệu trước tàu chiến Trung Hoa Cộng Sản khi bị tấn công.

3-Trung Hoa Cộng Sản đang chờ hải quân Việt Nam khai hỏa trước để có cớ trả đũa và đè bẹp hải quân Việt Nam mà tránh tiếng xâm lăng.

4- Tinh thần chiến đấu của bộ đội Việt Nam chắc chắn không cao. Họ uể oải vì sự thối nát của giới lãnh đạo, tính ngoại đội nội đạp của giới lãnh đạo, sự thiếu khả năng và đạo đức của người chỉ huy của họ. Từ ngày chiếm được miền Nam, các tướng lãnh và sĩ quan Cộng Sản bắt đầu làm giàu như những công an, thành phần ưu đãi của chế độ vì là công cụ chánh trị võ trang để bảo vệ chế độ Cộng Sản. Trong 20 năm nay thanh niên Việt Nam hai miền Nam-Bắc hưởng thụ tối đa những thú vui vật chất ở các phòng trà, quán nhậu, sòng bạc, động mãi dâm và được dạy quên đi thế sự.

Tất cả các chi tiết trên tạo thành một bức tranh đen tối cho tương lai Việt Nam. Trên thực tế Việt Nam đã bị Hán hóa.  Chùa chiền tân lập đều đầy dẫy chữ Hán. Hàng hóa, thức ăn, phim ảnh Trung Hoa tràn ngập ở Việt Nam, đến nỗi Lý Công Uẩn, người khai sáng ra triều Lý cũng bị Hán hóa. Ngày ông dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long cũng được chọn là ngày Quốc Khánh của Trung Hoa Cộng Sản. Phim Lý Công Uẩn phải do kép Trung Hoa đóng để đưa về xứ ngàn năm văn vật thường thức!

Không một chánh sách mâu thuẫn, dối gạt và thiếu sáng tạo nào thành công được. Cộng Sản Việt Nam vừa giết trí, phú, địa, hào, đày ải những người không cùng chiến tuyến với họ, gây thống khổ và chia ly gia đình của họ vừa kêu gọi đoàn kết.

Họ phục vụ cho Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, dựng tượng Lenin, làm thơ khóc Stalin..., lại gán cho mình nhãn hiệu yêu nước và bôi bẩn người không Cộng Sản là Việt gian, bán nước, phản quốc, phản động, phản cách mạng, tức là gán tất cả tội lỗi của họ cho người khác. Họ không có sáng kiến gì hơn là làm theo những gì Stalin và Mao Zedong đã làm ở Liên Sô và Trung Hoa lục địa. Một chế độ tàn bạo, mâu thuẫn, dối gạt và thiếu sáng tạo như vậy tất phải thất bại, nhưng ngược lại nó đã thành công. Và sự thành công đó trở thành đại họa cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ dẫn đến sự chia đôi đất nước và một triệu người phải bỏ miền Bắc đi tìm tự do và lẽ sống ở miền Nam.

Chiến thắng mùa Xuân năm 1975 dẫn đến sự phá sản tinh thần và vật chất cho cả nước; sự ly hương vĩnh viễn của gần ba triệu người mặc cho những hiểm nguy ngoài biển cả và trong rừng sâu Cambodia.

Sự đứng vững của đảng Cộng Sản Việt Nam và chế độ Cộng Sản Việt Nam sau khi chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu năm 1989 và Liên Sô năm 1991 được xây dựng trên sự nhục nhã của các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam như Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Trần Đức Lương, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Minh Triết. Họ không ngừng sang Trung Hoa lục địa xin được tha tội vì đã theo Liên sô và chống lại CHNDTQ và xúc phạm lãnh tụ Deng Xiaoping khi đặt bài ca với tựa đề thô tục: Đặng Tiểu Bình Đi Xách Bình Tiểu. Họ phải chấp nhận những điều kiện do Beijing đưa ra để được tha tội, sau đó họ phải thường xuyên sang Trung Hoa lục địa để nhận những chỉ thị mới nhằm đưa Việt Nam vào vị trí quốc gia bộ thuộc Trung Hoa Cộng Sản mà không cần phải tốn một viên đạn hay một xác chết trong 1,5 tỷ người Trung Hoa lục địa. Bù lại Beijing hà hơi tiếp sức cho họ giữ chánh quyền, thụ hưởng nhiều đặc quyền cho phần họ và con cháu họ để đưa quốc gia và dân tộc Việt Nam vào vực thẳm diệt vong.

Dù khiếp sợ và nhân nhượng tối đa, Cộng Sản Việt Nam vẫn bị Trung Hoa Cộng Sản đe dọa xâm chiếm bằng võ lực như một trắc nghiệm khả năng quân sự, tinh thần chiến đấu, trả thù sự ương ngạnh của Việt Nam thời Lê Duẩn và dằn mặt các quốc gia Đông Nam Á còn lại trên đường bành trướng của họ về phương Nam. Trong hoàn cảnh nầy Cộng Sản Việt Nam đành phải muối mặt nghĩ đến sự bảo vệ của Hoa Kỳ mà họ từng gọi là sen đầm quốc tế, đế quốc sừng sỏ bị họ đánh bại như các bài học đầu tiên trong các trại học tập cải tạo sau năm 1975 đã ghi. Hiện nay kẻ gây hấn lẫn người bị đe dọa và người bàng quang vô tích sự đều không ngớt kêu gọi hòa bình. Sự định nghĩa "hòa bình" của ba đối tượng trên đều khác nhau, nhưng cách định nghĩa nào cũng qui về sự thiệt hại của Việt Nam cả.

Sự hiện hữu của đất nước và sinh tồn của dân tộc Việt Nam chỉ còn trông đợi vào THIÊN CƠ mà thôi. Chuyện người không làm được thì phải trộng đợi vào TRỜI vậy.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2011