Phạm Đình Lân


Khôn Nhà Dại Chợ và Dại Nhà Khôn Chợ

Một đứa bé ra đời trong sự giàu sang phú quí và quyền uy luôn luôn được nuông chiều, không làm gì đụng đến móng tay mà chỉ biết bắt hô, bắt nạt với cha mẹ lẫn gia nhân tôi tớ trong nhà. Nhưng bước ra khỏi nhà nó là một đứa trẻ mù mờ trước mọi việc, thua sút và thiếu tinh thần hòa đồng xã hội như những đứa trẻ khác. Đứa bé ấy trở nên nhút nhát vì ngập tràn tự ty mặc cảm.

Một người trưởng thành ra làm việc và có gia đình. Nếu anh ta là người hỗn hào với cha mẹ, hiếp đáp vợ con trong nhà thì ra ngoài xã hội anh ta là người khiếp nhược trước nnhững người khác. Đó là cảnh:

Khôn nhà dại chợ

Ngược lại một người ở nhà bị cha mẹ và vợ con xem thường lại trở thành một người hùng hổ ngoài đường. Đó là cảnh:

Dại nhà khôn chợ

Đó là phản ứng tâm lý bình thường của nhân loại. Nếu nói theo khoa học thì đó là luật quân bình hay luật bù trừ để cân bằng Âm (-) và Dương (+), giống như người thích ăn thịt mỡ vì cơ thể anh ta thiếu chất béo và người thích ăn ngọt vì cơ thể anh ta cần đường v.v... Trên trường chánh trị qui luật nầy vẫn có giá trị tương đối của nó.

*

Ngày 15-11-2012 Xi Jinping (Tập Cận Bình) nắm quyền lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa với tư cách Tổng Bí Thơ. Ngày 13-03-2013 ông thay thế Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) nắm chức Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương và Chủ Tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Cùng ngày nầy một hồng y người Argentina được bầu lên làm Giáo Hoàng ở Vatican. Đức Giáo Hoàng là người lãnh đạo tinh thần của 1,2 tỷ tín đồ Thiên Chúa Giáo khắp thế giới. Xi Jinping là nhà lãnh đạo Trung Hoa lục địa với gần 1,5 tỷ dân với một nền kinh tế đứng hạng nhì trên thế giới.

Trước khi Xi Jinping lên lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa, Bo Xilai (Bạc Hy Lai), bí thơ đảng bộ Chongqing (Trùng Khánh) và Ủy Viên Bộ Chánh Trị (2007-2012) bị loại ra khỏi đảng. Bo Xilai như có đường lối chống lại Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào) và Wen Jiabao (Ôn Gia Bảo) ở Beijing. Ở Chongqing người ta nghe hàng ngày những khúc hát có âm điệu của thời Hồng Vệ Binh trong thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao Zedong. Vợ của Bo Xilai bị đưa ra tòa và bị tuyên án tử hình treo (?) trong một phiên tòa xử nhanh chóng vì bị cáo nhận tội dễ dàng. Qua ảnh chụp một phụ nữ mập mạp xuất hiện trước tòa, nhiều người hoài nghi ấy không phải là Gu Kailai (Cốc Khai Lai), vợ của Bo Xilai.

Để đánh tan sự để ý tình hình nội bộ trong đảng lẫn những bất mãn của quần chúng trước tình trạng lạm quyền của chánh quyền Cộng Sản các cấp về vấn đề đất đai và tệ nạn tham nhũng, Beijing đẩy mạnh việc tranh chấp chủ quyền của Trung Hoa trên chòm đảo Senkaku với Nhật Bản và tuyên bố ra lệnh cho hải quân Trung Hoa khám xét tàu bè vi phạm lãnh hải của họ. Chủ nghĩa ái quốc cực đoan (ultra nationalism-chauvinism) được khai thác triệt để khi nhà cầm quyền Beijing kích thích dân Trung Hoa lục địa chống Nhật. Nhiều cuộc biểu tình đả đảo Nhật, tẩy chay hàng hóa Nhật, hành hung kiều dân Nhật diễn ra ở nhiều thành phố lớn. Một vài người dùng cây đập chó làm thịt cũng nói rằng họ giết ‘chó Nhật’ giống như các phim Hong Kong gọi các hoàng đế nhà Thanh là ‘tên hoàng đế chó Thanh’. Những việc làm nhỏ mọn nầy không làm cho cộng đồng thế giới thán phục hay nể trọng Trung Hoa Cộng Sản. Đó là văn hóa của một quốc gia tự hào với văn hóa ngàn năm khả dĩ lãnh đạo thế giới sao? Nó không nói lên sức mạnh thật của Trung Hoa Cộng Sản mà chỉ là một dạng trả thù giá thấp của một quốc gia to lớn, đông dân nhất thế giới trước một quốc gia nhỏ, dân số chỉ bằng 1/10 dân số Trung Hoa, nhưng đã từng đánh bại Trung Hoa hai lần vào năm 1894 và 1937, chi phối chánh phủ Bắc Ðường từ thời Yuan Shikai (Viên Thế Khải) đến năm 1928, tiếp quản Shandong (Sơn Đông) từ Đức theo tinh thần hiệp ước Versailles (1919) và nhảy múa ở Mãn Châu Quốc (Manchukuo) từ năm 1932 đến 1945. Sự đe dọa của Trung Hoa Cộng Sản đối với Nhật có vẻ không có kết quả rõ ràng. Tàu đánh cá của họ vi phạm lãnh hải của Nhật bị Nhật chận bắt và phải trả tiền phạt mới được thả. Phi cơ của họ vi phạm không phận Senkaku bị phi cơ của Nhật săn đuổi phải quay về nước. Dư luận Nhật tỏ ra cứng rắn trước thái độ hống hách và gây hấn của Trung Hoa Cộng Sản. Họ bầu cho đảng Tự Do Dân Chủ để đưa Abe Shinzo trở lại chức vụ thủ tướng. Một viên chức cao cấp của Nhật công khai tuyên bố, nếu Trung Hoa Cộng Sản có dấu hiệu tấn công Nhật, nước nầy sẽ giành lấy quyền đánh phủ đầu. Lời tuyên bố không che dấu một ẩn ý gì khó hiểu cả.

Trung Hoa Cộng Sản quay xuống phía Nam bằng cách phái nhiều tàu chiến dương oai diệu võ với sự hiện diện của một chiếc hàng không mẫu hạm mua lại của Ukraine về tân trang và trí súng. Dưới mắt Hoa Kỳ, Nga, Nhật và kể cả Ấn Độ, chiếc hàng không mẫu hạm nầy không có gì đặc biệt nhưng đối với các nước quốc gia trong khối ASEAN có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Hoa Cộng Sản, nó lợi hại vô cùng. Phi Luật Tân đưa việc tranh chấp bãi cạn Scarborough ra tòa án quốc tế (21-01-2013). Hoa Kỳ và Nhật tán đồng vụ kiện nầy của Phi Luật Tân vì đó là cách giải quyết ôn hòa theo luật pháp quốc tế để tránh một cuộc chiến không tương xứng. Hoa Kỳ lo ngại một cuộc chiến giữa Trung Hoa Cộng Sản và Phi Luật Tân vì họ có hiệp ước an ninh với nước nầy. Singapore cho rằng vụ kiện nầy càng gây phức tạp cho an ninh trong vùng. Một số quốc gia khác hoài nghi công lý quốc tế vì vị trí của Trung Hoa Cộng Sản hiện nay không giống như xưa.

Việt Nam là một nước Cộng Sản như Trung Hoa lục địa nhưng là quốc gia bị Trung Hoa Cộng Sản hạ nhục nặng nề nhất. Sự bang giao giữa Việt Nam với Trung Hoa Cộng Sản phải dựa trên căn bản Bốn Tốt Mười Sáu Chữ Vàng do Beijing đề ra. Việc đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa đều bị công an đàn áp thẳng tay. Nhiều người bị bắt và bị đưa ra tòa vì tội phá rối trị an, âm mưu lật đổ chánh quyền v.v... Trên hộ chiếu nhập cảnh vào Việt Nam có vẽ bản đồ lưỡi bò, tức 80% diện tích Biển Đông thuộc về Trung Hoa Cộng Sản. Lồng đèn bán ở Hải Phòng vào dịp Tết năm 2013 vừa qua có chữ Tam Sa bằng Hoa ngữ. Địa danh Tam Sa (Sansha) bao gồm quần đảo Tây Sa (Xisha) tức Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Nansha (Nam Sa). Thái độ khiêm tốn và ôn hòa đến nhu nhược và khiếp nhược của Cộng Sản Việt Nam trước sự cư xử phách lối của Trung Hoa Cộng Sản làm cho ta ngạc nhiên, nhất là những người từng sống ở Việt Nam sau ngày 30-04-1975. Sự nhục nhã đến với người Cộng Sản Việt Nam khi họ tận tụy giết đồng bào của họ, xé nát đoàn kết dân tộc, hủy diệt không thương tiếc tài nguyên, nhân lực và trí lực của đất nước nên bây giờ phải chịu quỳ gối trước kẻ cướp quê hương mình. Nhận xét thứ nhất rơi vào Cộng Sản Việt Nam. Nhiều người bi quan cho rằng Việt Nam đã mất vào tay Trung Hoa Cộng Sản rồi. Họ đưa ra những bằng chứng sau đây:

Nhận xét của người bi quan có vẻ tiêu cực nhưng không hẳn sai.

Khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng rồi Tổng Bí Thơ Nguyễn Phú Trọng được Đức Giáo Hoàng tiếp đầu năm 2007 và 2013, nhiều người lạc quan cho rằng Cộng Sản Việt Nam tiến bộ hơn Trung Hoa Cộng Sản về vấn đề tôn giáo, nhất là Thiên Chúa Giáo. Chuyện gì xảy ra cho tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Thái Hà, Cồn Dầu, Nghệ An và nhiều nơi khác? Gần đây đảng Cộng Sản lại tỏ ra quan tâm đến dân ý dân chủ bằng cách kêu gọi dân chúng góp ý vào việc thay đổi hiến pháp năm 1992. Trong một nước độc đảng cầm quyền, quân đội là công cụ của đảng; công an là công cụ của đảng; quyền hành pháp, lập pháp, tư pháp đều do đảng mà ra. Chủ Tịch nước, Thủ Tướng đều dưới quyền ông Tổng Bí Thơ đảng. Đảng ấy phải báo cáo mọi việc cho đảng Cộng Sản Trung Hoa thì làm gì có độc lập hay yêu dân chủ để kêu gọi dân góp ý trong khi nước giám hộ đàn anh vẫn còn là một nước độc đảng, độc tài? Hay đây là cái bẫy Trăm Hoa Đua Nở để công an theo dõi và bắt bớ những người yêu nước và tư tưởng xây dựng tiền đồ tổ quốc theo lệnh của Beijing? Cuối năm 2011 người tiếp đón Xi Jinping khi thăm viếng Hà Nội là Đại Tướng Lê Hồng Anh, chỉ huy Công An. Đó là nhân vật có thực quyền ở Việt Nam hiện nay. Các tướng được thăng chức trong những tháng vừa qua đều là tướng trong coi công an nhờ đàn áp thô bạo và chận đứng những cuộc biểu tình chống Trung Hoa Cộng Sản ở Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh.

Một Việt Nam Cộng Sản tuân thủ Bốn TốtMười Sáu Chữ Vàng một cách nhục nhã bằng cách trấn áp đồng bào mình, giam cầm tra tấn những thanh niên còn tồn đọng chút tình yêu tổ quốc. Nhưng các nhà lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa vẫn chưa hài lòng. Họ đang khao khát một thành tích quân sự to lớn để làm thỏa mãn một số đông người hiếu chiến và hiếu thắng trên lục địa vì trong quá khứ lịch sử, dải đất nhỏ bé ở Phương Nam nầy như một khúc xương to lớn, ăn không ngon, không bổ béo, nhưng bỏ không được vì danh dự của một nước lớn từng bị tổn thương trước một tiểu nam quốc. Khúc xương từng làm mẻ răng người muốn ăn nó. Không cần biết dân Trung Hoa lục địa nghĩ gì về việc hy sinh cuộc đời bằng cách chấp nhận bất công, tham nhũng, lạm quyền, độc tài, áp bức... để mua bom đạn và chiến công ảo. Đó là cách giải quyết những khó khăn chánh trị và xã hội ở các nước độc tài. Và đó là ước muốn khoa trương khả năng lãnh đạo của người mới lên nắm quyền. Điều kiện để thực hiện ước muốn nầy là sự hưng vượng kinh tế hiện nay trước mắt để dập tắt những mầm móng nổi dậy có thể xuất phát từ nội bộ đảng, từ dân chúng cũng như từ các dân tộc ở tứ ngoại tỉnh. Hu Jintao và Xi Jinping đã loại bỏ Bo Xilai ra khỏi đảng. Cả hai rất khó chịu về việc Jiang Zemin đã rời khỏi chức vụ 10 năm nhưng vẫn xen vào việc bố trí nhân sự trong đảng với tư cách cựu Chủ Tịch Quân Ủy. Hu Jintao như nhắc khéo Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) khi ông ta trao quyền cho Xi Jinping và từ bỏ những danh tước trong đảng và Quân Ủy. Đó là dấu hiệu của sự bất đồng ý kiến giữa Hu Jintao và Jiang Zemin, người tiền nhiệm của ông.

Jiang Zemin được xem là người lãnh đạo của nhóm Shanghai (Thượng Hải), cái nôi của Cộng Sản Trung Hoa và của sự nẩy nở văn hóa, kinh tế và thương mại của Tây Phương ở Hoa Bắc đối lại Hong Kong ở Hoa Nam.

Xi Jinping là đại diện của nhóm thái tử đảng,tức những người con của các ông lớn trong đảng tiếp nối nắm quyền như các thái tử nối ngôi trong chế độ quân chủ. Cha ông Xi Jinping là phó Thủ Tướng của Zhou Enlai (Châu Ân Lai) và từng khốn đốn trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa.

Hu Jintao là đại diện của nhóm Thanh Niên Cộng Sản Đoàn (Komsomon), tự phấn đấu để trở thành người Cộng Sản chân chính. Thực tế đường quan lộ của ông hanh thông là nhờ sự nâng đỡ của gia đình Deng Xiaoping và từ đó tạo được thành tích trị an ở Tây Tạng (Xi Zang).

Xi Jinping có hành động đi ngược lại ý muốn của Jiang Zemin khi ông nầy yểm trợ cho Liu Yun Shan (Lưu Vân Sơn) và muốn loại ông Li Yuan Chao (Lý Nguyên Triều). Xi Jinping chọn Li Yuan Chao làm phó Chủ Tịch, một chức vụ với quyền hành tượng trưng nhưng phải là một Ủy Viên Bộ Chánh Trị mới giữ chức vụ nầy. Lý do dễ hiểu là vị phó Chủ Tịch nầy có thể là người lãnh đạo trong 5 hay 10 năm sau. Trong đại hội tháng 11 năm 2012 Li Yuan Chao không còn là Ủy Viên Bộ Chánh Trị theo ý muốn của Jiang Zemin. Sự lựa chọn Li Yuan Chao làm phó Chủ Tịch cho thấy sự ‘bất kính’ của Xi Jinping đối với Jiang Zemin, vị lãnh đạo tiền bối 86 tuổi. Nó cũng cho thấy Jiang Zemin mất ảnh hưởng rất nhiều. Như vậy Trung Hoa Cộng Sản trong những ngày đầu của tân lãnh tụ Xi Jinping ở vào cảnh :

Khó khăn trong nhà chọc phá ngoài chợ.

*

Trung Hoa lục địa là một nước Cộng Sản theo chế độ thái tử đảng cầm quyền. Bắc Hàn là nước Cộng Sản theo chế độ quân chủ Marxist quân phiệt cha truyền con nối do họ Kim đại diện. Người khai sáng ra vương triều Marxist quân phiệt là Kim Il Sung (1912-1994).

Tên thật của ông là Kim Song Ju. Cha mẹ ông đều theo đạo Tin Lành. Cha ông chống lại sự xâm chiếm của người Nhật nên lẩn trốn ở Mãn Châu. Vì vậy ông nói tiếng Trung Hoa rất thông. Kim Song Ju sớm mồ côi cha mẹ. Năm 1931 ông gia nhập vào đảng Cộng Sản Trung Hoa. Thời bây giờ Triều Tiên đặt dưới sự bảo hộ của Nhật. Đảng Cộng Sản Triều Tiên ở Seoul rất yếu và sớm bị giải tán. Kim Song Ju có khiếu quân sự. Ông được Wei Zhenmin (Vi Chánh Dân) để ý và báo cáo về Yenan cho Mao Zedong. Người ta truyền rằng Kim là sư đoàn trưởng năm 24 tuổi. Một câu hỏi được đặt ở đây là đó là sư đoàn mà ông chỉ huy của dân quân Cộng Sản Trung Hoa hay của Triều Tiên? Dù là của Cộng Sản Trung Hoa hay Triều Tiên đây không phải là một sư đoàn theo đúng nghĩa của nó về quân số, sự chỉ huy, huấn luyện và trang bị võ khí. Chức sư đoàn trưởng của ông cũng vậy thôi. Đôi khi vì lý do tuyên truyền người ta phải khuếch tán tầm quan trọng của một đạo quân và người chỉ huy xuất thân từ ‘nông dân’ được phóng đại thành một thiên tài quân sự hay một toán du kích 50, 60 người trở thành một sư đoàn tinh nhuệ để cướp tinh thần đối phương. Năm 1937 Kim Song Ju thắng quân Nhật trong một trận đánh nhỏ. Nhưng đến năm 1940 ông lại phải vượt biên giới chạy sang Liên Sô. Gần biên giới Bắc Triều Tiên trên lãnh thổ Liên Sô có trại Khabarovsk nơi người Nga huấn luyện và trang bị võ khí cho người Triều Tiên đánh nhau với quân Nhật. Năm 1940 Kim Song Ju đổi tên thành KIM IL SUNG, mang quân hàm đại úy của Liên Sô dưới tên Nga IRSEN. Người ta cho rằng Kim II Sung là tên của một sĩ quan Triều Tiên có nhiều chiến tích oanh liệt khi đánh quân Nhật dọc theo biên giới Triều Tiên - Liên Sô. Nhưng ông nầy đã chết. Kim Song Ju chọn Kim II Sung làm tên mới với nhiều dụng ý.

Năm 1945 Nhật bại trận. Bán đảo Triều Tiên bị chia đôi. Quân Liên Sô chiếm đóng phía bắc vĩ tuyến 38 tức Bắc Hàn và quân Hoa Kỳ chiếm đóng ở phía nam vĩ tuyến 38 tức Nam Hàn. Năm 1948 quân Liên Sô rút ra khỏi Bắc Hàn. Stalin đưa Kim II Sung về lãnh đạo chính phủ Cộng Sản ở Bắc Hàn. Kim trở thành người lãnh đạo trẻ nhất trong khối Cộng Sản lúc bấy giờ (36 tuổi). Ông được Stalin giúp đỡ chiến xa, võ khí để thành lập quân đội. Năm 1949 Kim II Sung cải tổ đảng Lao Động Triều Tiên, đặt dưới sự lãnh đạo của ông. Ông trở thành nhà độc tài ưa chuộng tôn thờ cá nhân theo gương Stalin. Ông củng cố chính quyền bằng quân đội do ông đứng đầu và có công thành lập nhờ sự giúp đỡ của Stalin. Năm 1950 Bắc Hàn tấn công Nam Hàn. Thủ đô Seoul của Nam Hàn thất thủ nhanh chóng. Nam Hàn chỉ còn vỏn vẹn thành phố cảng Pusan trước khi Liên Hiệp Quốc can thiệp để cứu vãn tinh thế. Cuộc chiến tranh Triều Tiên trở nên đẫm máu và được quốc tế hóa. Trung Hoa Cộng Sản đưa quân vào giúp Bắc Hàn để đương cự lại quân Liên Hiệp Quốc dưới sự chỉ huy của Đại Tướng Mac Arthur. Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt khi hiệp ước Pyongyang (Bàn Môn Điếm) được ký kết (27-07-1953). Ảnh hưởng của Trung Hoa Cộng Sản tái xuất hiện ở Bắc Hàn ngay khi Stalin còn sống vì:

Dù vậy Kim vẫn kính trọng Stalin, người đã giúp đỡ ông lên cầm quyền ở Bắc Hàn năm 1948. Theo gương Stalin ông thanh trừng những người từng sáng lập đảng Cộng Sản Triều Tiên khi ông mới 13 tuổi như Pak Hong Yong (1900-1956). Những người khả dĩ cạnh tranh chức quyền với ông dù thuộc khuynh hướng Yenan (thân Trung Hoa Cộng Sản) như Kim Tu Bong (1886-1957) hay thân Liên Sô như Pak Hong Yong hay Ho Kai tức Aleksei Ivanovich Hegai (1908-1953) đều bị thanh trừng và chết bí mật.

Kim Tu Bong sáng lập đảng Tân Nhân Dân. Năm 1946 đảng nầy hợp với đảng Lao Động Triều Tiên để thành lập đảng Lao Động Triều Tiên do chính ông làm Chủ Tịch. Từ năm 1948 đến 1957 ông là Chủ Tịch nhà nước ở Bắc Hàn. Ông bị xử tử hình vì âm mưu ‘lật đổ chánh quyền’ Kim II Sung.

Ho Kai là người Triều Tiên sinh ở Khabarovsk trên lãnh thổ Nga, có tên Nga Aleksei Ivanovich Hegai, theo Cộng Sản Nga và có vợ Nga. Dĩ nhiên ông được sự ủng hộ tích cực của Moscow. Ông mất chức vụ trong đảng lẫn chánh phủ. Năm 1953 người ta nghe tin ông tự sát! Kim II Sung dùng sự tự sát – có thể do Bắc Hàn bịa đặt – để lên án ông hèn nhát. Lịch sử đảng Lao Động Triều Tiên không hề nhắc đến tên Ho Kai tức Aleksei Ivanovich Hegai và những người vừa kể tên ở trên.

Kim II Sung không nể mặt Malenkov, Khrushchev hay Mao Zedong khi thanh trừng những nguyên lão Cộng Sản Triều Tiên thân Nga lẫn thân Trung Hoa Cộng Sản không khác gì cuộc thanh trừng của Stalin vào thập niên 1920 và 1930 và cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao Zedong từ năm 1966 đến 1976 .

Có điều đáng lưu ý là đảng Lao Động Triều Tiên có đảng kỳ khác với những đảng Cộng Sản khác. Trên đảng kỳ đảng Lao Động Triều Tiên cũng có hình búa,liềm như các đảng Cộng Sản khác nhưng có thêm cây bút có nghĩa là đảng Lao Đông Triều Tiên là đảng của công nhân, nông dân trí thức giữa lúc Mao Zedong khinh trí thức không bằng cục phân và đảng Cộng Sản Đông Dương do ông Hồ Chí Minh và Trần Phú thành lập hô hào ‘đào tận gốc, trốc tận rễ’ trí, phú, địa, hào. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy Bắc Hàn đói rách nhưng lại có một đội ngũ khoa học gia và kỹ thuật gia khả dĩ làm được hỏa tiễn, bom nguyên tử, đóng tàu ngầm v.v... Ít ai để ý đến hình ảnh của cây bút trên đảng kỳ của đảng Lao Động Triều Tiên. Kim II Sung hướng về Mao Zedong khi Khrushchev hạ bệ Stalin. Nhưng khi Mao Zedong phát động Cách Mạng Văn Hóa và giết hại các đồng chí từng sát cánh với ông trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh, cuộc kháng chiến chống Nhật và cuộc nội chiến với Quốc - Cộng, ông lại hướng về Liên Sô. Điều đó cho thấy ông có tinh thần độc lập. Muốn được như vậy ông phải có hậu thuẫn của quần chúng và của quân đội. Vì muốn làm độc tài hay muốn xây dựng dân chủ đều phải có hậu thuẫn của quần chúng mới thành công. Kim II Sung đã tạo được uy tín cá nhân trong đệ nhất thế chiến bằng những trận đánh anh dũng trước quân Nhật. Năm 1994 ông mất. Con ông là Kim Jong II thay ông làm Chủ Tịch Nước, Chủ Tịch Đảng và Tổng Tư Lịnh quân đội.

Nếu Kim II Sung có chiến tích đánh Nhật thì Kim Jong II không có gì để nói. Về thể chất người con không cao lớn dềnh dàng như cha, trái lại có tướng bịnh hoạn vì đắm chìm trong tửu, sắc, nổi tiếng hoang phí tiền bạc và luôn luôn mặt áo ngắn bỏ ngoài dù là tiếp quốc khách. Vì vậy chế độ phải cho ông bao phủ bằng nhiều hào quang muôn màu. Ông sinh ngày 06-02-1941 tại Vyatskoye gần trại huấn luyện quân sự Khabarovsk của Liên Sô, nơi cha ông phục vụ với tư cách là một đại úy mang tên Nga là Irsen. Còn tên Nga của Kim Jong II là Yuri Irsenovich Kim. Ngày sinh 06-02-1941 được sửa thành 16-02-1942. Năm 1941 là năm Tân Tỵ được sửa thành năm 1942 tức là năm Nhâm Ngọ. Tân Tỵ là năm Âm; Nhâm Ngọ là năm Dương. Nhâm Ngọ > Tân Tỵ. Nam nhân được tuổi Nhâm thì đắc cách! Nơi sinh của ông nằm trên lãnh thổ của Nga phải đổi lại thành nơi cao nhất nước. Đó là đỉnh núi Paekdu. Người ta thêu dệt thêm rằng trước khi ông sinh có chim én bay lên báo điềm. Một vòng cầu ngũ sắc hiện lên trên núi. Một vì sao mới ra đời! Ông có số Thiên tử nhưng sợ đi phi cơ gặp nạn nên luôn luôn đi bằng xe lửa hay xe hơi nên không đi xa được! Ông có hầm rượu với 10.000 chai rượu hiếm quí. Ông sưu tập đủ loại xe hơi, máy chụp ảnh, máy quay phim và ăn trứng cá caviar tươi chở từ Nga đến hay ăn sushi từ Nhật đem về! Khi đi đâu ông có nhiều toa xe lửa chở thực phẩm tươi, rượu ngon. Ông học tiếng Anh khi làm đại sứ ở Đông Âu và bị chánh phủ Nam Hàn buộc tội điều khiển vụ ám sát tổng thống Nam Hàn và các viên chức cao cấp tháp tùng Tổng Thống trong chuyến thăm viếng Miến Điện năm 1983. Ngày Chủ Tịch Kim Jong II chết toàn dân phải khóc một cách thảm thiết. Cách khóc cũng giống nhau. Trước khi khóc phải ăn mặc như nhau như nhắc nhở cái gì cũng phải ‘nhất trí’.

Dân Bắc Hàn đồng loạt khóc khi nghe tin Chủ Tịch Kim Jong Il qua đời

Khi còn sống, Kim Jong II sống với 4 người vợ nhưng chỉ có hai người có con mà thôi. Người con đầu của ông và bà Song Hye-rim là Kim Jong Nam, sinh năm 1971. Bà vợ nầy cùng con sống ẩn. Kim Jong Nam được nuôi dưỡng và giáo dục riêng. Hình như bà Song Hye-rim mất trong một bịnh viện Moscow năm 2002. Kim Jong Nam được mô tả là người giống Kim Jong II từ vóc dáng đến tánh tình và sở thích. Chủ Tịch Kim Jong II cũng có nghĩ đến việc truyền ‘ngôi’ cho ‘hoàng tử’ nầy nhưng ông ta bị tai tiếng về vụ dùng hộ chiếu giả để sang Nhật. Kim Jong Nam sống ở Ma Cao.

Kim Jong II và bà Koth Young-hee mà ông rất sủng ái có hai con trai: Kim Jong Chul sinh năm 1981 và Kim Jong Un sinh năm 1983. Kim Jong Chul là anh trưởng nhưng không được cha để ý vì có nhiều ‘nữ tính’ hơn là nam tính. Bà Koth Young-hee chết vì ung thư năm 2004. Từ đó Chủ Tịch Kim vĩ đại sống chung với một nữ thơ ký. Năm 2009 Kim Jong II chánh thức chọn Kim Jong Un làm người lãnh đạo tương lai của Bắc Hàn. Kim Jong Un được cha dẫn sang Beijing giới thiệu, được phong làm Đại Tướng và bây giờ là Thống Chế. Cuối năm 2011 Kim Jong II mất. Kim Jong Un lên thay với tư cách là người lãnh đạo Bắc Hàn, lãnh đạo đảng và chỉ huy quân đội.

Nếu thành tích của Kim Jong II quá mỏng thì Kim Jong Un quá trẻ và không có thành tích gì để nói. Có lẽ bộ máy văn hóa tuyên truyền của Bắc Hàn đang soạn thành tích cho ‘tân vương trẻ’ bằng cách sửa năm sinh từ 1983 sang 1982 hay 1984 chẳng hạn vì năm 1983 là năm Quí Hợi còn 1982 là năm Nhâm Tuất nhưng vẫn còn kém hơn 1984 là năm Giáp Tý! Đã có tin loan ra rằng Kim Jong Un biết cầm súng năm 3 tuổ̉i để chứng minh ông xứng đáng chỉ huy quân đội.

Làm sao các quân nhân già không đau lòng khi đã dùng hết cuộc đời trong quân ngũ mà chỉ được quân hàm cai (hạ sĩ), đội (trung sĩ) trong khi ‘con vua’ chỉ biết cầm súng cao su mà đã trở thành Đại Tướng, Thống Chế? Các ông phó Chủ Tịch nước, phó Chủ Tịch đảng chờ Chủ Tịch chết để vinh thăng mà không được. Các đảng viên Lao Động vào sinh ra tử trong đấu tranh và ngục tù vẫn không được làm đến Chủ Tịch Ủy Ban Hành Chánh xã trong khi ‘con vua’ sống ở nước ngoại hưởng thụ đủ thứ thú vui vật chất và về nước lãnh đạo đảng, chánh phủ và quân đội bằng những kinh nghiệm phim ảnh, football... và được dân chúng tung hô như Thánh sống tái sinh.

Kim Jong Nam không khỏi đau lòng vì bị gạt ra khỏi gia đình họ Kim và xứ Bắc Hàn giá lạnh nhưng có nhiều nhân sâm để sống lưu vong ở Ma Cao bên các đỗ trường. Dù ông tuyên bố không thiết tha đến quyền hành, người ta cũng đoán được ông nói như vậy vì ở trong thế tuyệt vọng hơn là lời nói thực tâm tự đáy lòng.

Kim Jong Chul cũng có cảm giác tương tự. Gia đình Kim Jong II có hai con trưởng thuộc hai dòng khác nhau. Cả hai đều bị mất quyền con trưởng theo văn hóa truyền thống Đông Phương.

Kim Jong Un được mô tả như một người nhút nhát khi học ở Thụy Sĩ. Các nhà phân tích chánh trị Tây Phương kỳ vọng một cái gì mới nơi người lãnh tụ 30 tuổi nầy? Vì ông ta học ở Thụy Sĩ? Đó là sự lạc quan của người Tây Phương. Ông Bashar al Assad của Syria không học ở Anh sao? Chuyện đơn giản là họ Kim được quyền hành tối thượng từ năm 1948 đến nay nhờ chế độ độc tài củng cố vững chắc bằng đảng Lao Động và quân đội Triều Tiên. Việc đi học Thụy Sĩ hay Hoa kỳ chỉ là cái bình phong trí thức tư sản để phân biệt với đại đa số quần chúng nghèo dốt trong nước. Đó không phải là cái nhãn dân chủ mà là sự xa hoa quí phái của những người Cộng Sản không ngừng gào thét việc xây dựng xã hội chủ nghĩa và chế độ vô sản chuyên chính. Chế độ Cộng Sản nào cũng đề cao DÂN CHỦ nhưng DÂN CHỦ TẬP TRUNG. Giữa quyền hành tuyệt đối hiện đang có và Dân Chủ do ảnh hưởng của trường học Tây Phương đề cao, cái nào quan trọng hơn? Đối với người Đông Phương từ bỏ cái gì do tổ tiên để lại là mang tội BẤT HIẾU, xứng đáng bị tổ tiên quở trách.

Bị người ta xem là lãnh tụ non trẻ, thiếu bản lĩnh, thiếu kinh nghiệm, Kim Jong Un càng trở nên điên tiết, nóng lòng làm một cái gì long trời lở đất để cho thấy quyền uy và bản lãnh của mình. Theo luật bù trừ người nhút nhát và có nhiều tự ty mặc cảm dễ trở nên hiểm ác khi có quyền hành. Thời niên thiếu Pol Pot là người nhút nhát rụt rè đầy tự ty mặc cảm vì học kém.Ông được đảng Cộng Sản Pháp thâu nhận làm đảng viên Cộng sản chỉ vì học bạ có thành tích kém bị xem như thuộc thành phần bị áp bức, khinh rẻ!! Khi cầm quyền, ông ta xem cảnh giết người như một tuồng hát hấp dẫn!

Trung Hoa Cộng Sản thường dùng Bắc Hàn gây rối cho Nhật, Nam Hàn và Hoa Kỳ ở Đông Bắc Á. Trước phản ứng mạnh mẽ của Nhật về việc giành quyền đánh phủ đầu nếu Trung Hoa Cộng Sản tấn công họ, Beijing có vẻ nao núng nên bày tỏ sự yêu chuộng hòa bình bằng cách tán đồng Liên Hiệp Quốc có biện pháp chế tài gay gắt đối với Bắc Hàn sau khi nước nầy thí nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn ngày 12-02-2013 vừa qua. Kim Jong Un trở nên ngông nghênh khi tiến thêm một bước nguy hiểm ngoài ước muốn của Beijing là đe dọa gây chiến với Nam Hàn và dọa đánh cả Hoa Kỳ bằng bom nguyên tử. Hiện có từ 65-80% các đơn vị quân đội của Bắc Hàn tập trung cách vùng phi quân sự lối100km. Kim Jong Un thị sát đơn vị từng pháo kích đảo Yeonpyeong năm 2010. Bắc Hàn đòi chủ quyền trên các đảo Yeonpyeong, Baenguyeong và Daecheong trong Hoàng Hải gần duyên hải tỉnh Hwanenghae của Bắc Hàn. Họ kêu gọi dân trên đảo Yeonpyeong tránh xa khỏi đảo. Trong khi ấy hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn tập trận trên Hoàng Hải (03-2013). Phi cơ B-52 xuất hiện trên vòm trời như sẵn sàn ứng phó với sự tấn công của Bắc Hàn. Một mặt Trung Hoa Cộng Sản bỏ phiếu trừng phạt Bắc Hàn. Mặt khác họ lo ngại sự mạnh tay của Hoa Kỳ đối với đàn em. Dù ưa Kim Jong Un hay không, Beijing cũng có bổn phận bảo vệ Bắc Hàn, hàng rào và vùng trái độn bảo vệ Trung Hoa lục địa ở phía đông bắc. Dĩ nhiên Hoa Kỳ không sợ lời đe dọa của vị lãnh tụ còn non trẻ về mọi mặt của Bắc Hàn. Nhưng Hoa Kỳ dựa vào lời đe dọa đó để đưa hỏa tiễn và chiến đấu cơ về Đông Bắc Á nhiều hơn làm cho Trung Hoa Cộng Sản trở nên bối rối. Nếu do sự ấu trĩ chánh trị và ngoại giao, Bắc Hàn thực sự gây chiến, Nam Hàn và Hoa Kỳ phải đánh trả. Chiến tranh Triều Tiên thứ hai bùng nổ. Trung Hoa Cộng Sản bắt buộc phải nhảy vào vòng chiến giúp cho Bắc Hàn dù thương hay ghét Kim Jong Un. Tương lai sự nghiệp xây dựng suốt 30 năm của họ sẽ trở nên bấp bênh. Kim Jong Un sẵn sàng gây khó khăn cho Trung Hoa Cộng Sản vì nghi ngờ họ yểm trợ cho Kim Jong Nam ở Ma Cao về lãnh đạo Bắc Hàn để dễ bề điều khiển hơn.

Khi còn sống, Deng Xiaoping không thích tánh tình và lối sống của Kim Jong II. Về phần ông nầy, ông vẫn ước muốn độc lập với Beijing bằng cách biến Bắc Hàn thành một quốc gia có bom nguyên tử mặc cho nền kinh tế bệ rạc của Bắc Hàn, nhân dân đói khổ cơ hàn. Đó là ước muốn của Kim II Jung khi còn sống, ước muốn độc lập và tự cường. Kim Jong II nhận quyền lực từ uy thế và thành tích của cha ông, Kim II Sung, chớ không phải từ sự ban phát của Beijng như các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Việc ông gởi con sang Thụy Sĩ học thay vì sang Beijing (Bắc Kinh), Tianxin (Thiên Tân), Shanghai (Thượng Hải) ngầm hiểu rằng ông không thích thú tùy thuộc Trung Hoa. Tôn Giáo Tin Lành của ông nội và bà nội ông cho thấy điều đó mặc dù họ nói tiếng Trung Hoa rất thông. Họ sống lưu vong ở Mãn Châu vì dám đứng lên chống lại sự đô hộ của Nhật. Việc đảng kỳ của đảng Lao Động Triều Tiên có hình cây bút bên cạnh búa liềm cho thấy Kim II Sung là người có óc sáng tạo, tinh thần độc lập và lòng can đảm ngay khi Stalin còn sống. Đó là điều mà Mao Zedong, Hồ chí Minh, Tito và các lãnh tụ Cộng Sản khác không dám nghĩ đến.

Kim Jong Un có hành động hung hãn như muốn gào lên rằng: “Tôi muốn được độc lập và bình đẳng với mọi người”. Độc lập với ai? - Trung Hoa Cộng Sản. Một người trẻ hấp thu Tây học như ông ta chắc chắn không thích hợp với văn hóa Trung Hoa và cách cư sử trịch thượng của các nhà lãnh đạo ở Beijing. Liệu ông ta có đủ bản lãnh như Kim II Sung và Bắc Hàn có thể tự túc về kinh tế để được thực sự độc lập không? Câu trả lời khẳng định như là một phép lạ.

Ở điểm nầy tôi thử so sánh hai nhà độc tài của Bắc Hàn và Nam Hàn: Kim II Sung và Park Chung Hee vì không ít nhân loại vẫn tưởng rằng Kim II Sung là nhà yêu nước, một nhà quân sự và lãnh đạo sáng chói, còn Park Chung Hee (1917-1979) là nhà độc tài tay sai của Nhật và Mỹ.

Kim và Park đều là quân nhân và là hai nhà độc tài: một ở Bắc Hàn và một ở Nam Hàn. Kim có gốc đạo Tin Lành. Park có gốc đạo Phật. Kim phiêu bạt rất sớm vì sớm mồ côi cha mẹ. Park là một giáo viên trước khi sang Manchukuo (Mãn Châu Quốc) học khóa sĩ quan do Nhật đào tạo. Xong ông được gởi sang học trường Võ Bị Hoàng Gia Nhật. Trong đệ nhị thế chiến ông chiến đấu trong quân đội Nhật và mang cập bậc trung úy. Park Chung Hee mang tên Nhật Masao. Kim II Sung là đại úy trong quân đội Liên Sô dưới tên Nga là Irsen. Năm 1931 Kim gia nhập vào đảng Cộng Sản Trung Hoa. Năm 1945 Park Chung Hee bí mật gia nhập vào đảng Lao Động Triều Tiên tức đảng Cộng Sản Triều Tiên. Ông từng bị ngồi tù và bị cho giải ngũ khỏi quân đội Nam Hàn. Khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ ông mới được trở về quân đội. Do sự nâng đỡ của Stalin, Kim II Sung nắm chánh quyền ở Bắc Hàn. Park Chung Hee được biết đến sau cuộc đảo chánh năm 1961 do chính ông cầm đầu.

Suốt 46 năm cầm quyền từ năm 1948 đến 1994 Kim II Sung gây tang tóc cho cả Nam Hàn lẫn Bắc Hàn bằng chiến tranh thảm khốc đẫm máu và đẫm lệ. Ông cướp tự do, sự ấm no của dân chúng Bắc Hàn bằng chế độ độc tài. Kinh tế Bắc Hàn rất bệ rạc. Nạn đói thường xuyên xảy ra. Trẻ em suy dinh dưỡng. Người người da bọc xương. Cả nước như thiếu tiếng cười ngoại trừ tiếng cười vui vẻ của vị Chủ Tịch mập mạp.

Park Chung Hee cầm quyền từ năm 1963 đến 1979. Ngay từ giữa thập niên 1960 Nam Hàn đã kỹ nghệ hóa. Xe buýt của Nam Hàn được bán sang Việt Nam Cộng Hòa. Park Chung Hee được xem là một trong 10 nhà lãnh đạo Á Châu vĩ đại của thế kỷ XX. Dân chúng Nam Hàn được ấm no và không bao lâu Nam Hàn trở thành một trong Tứ Hổ Kinh Tế ở Á Châu. Park Chung Hee mang tiếng là một nhà độc tài mặc dù Nam Hàn vẫn có bầu cử các cấp. Dân chúng vẫn biểu tình rầm rộ chống ông. Bắc Hàn ám sát ông. Ông không chết nhưng vợ ông đã nhận phát đạn vô tình thay cho ông. Người lãnh đạo khắc khổ, ốm gầy, can đảm, liêm khiết và có tinh thần trách nhiệm đã mang no cơm áo ấm cho dân chúng và sự phồn vinh cho đất nước nhưng ông vẫn bị chửi bới. Trong khi Kim II Sung mập phì sống xa hoa phung phí giữa lúc dân chúng chết đói hay thiếu ăn lại được tôn thờ như Thần Thánh. Năm 2012 dân Nam Hàn bầu con gái Park Chung Hee là Park Geun Hye làm nữ tổng thống Nam Hàn đầu tiên như ngầm công nhận công lao của Park. Park độc tài vì tương lai và hạnh phúc của đất nước và dân Nam Hàn. Kim độc tài vì lợi ích riêng của ông và gia đình ông. Ai yêu nước, yêu dân?

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2013