Phạm Đình Lân
Iran và chủ nghĩa anh hùng
Quốc hiệu cũ của Iran là Persia được người Trung Hoa phiên âm thành Ba Tư. Năm 1921 Reza Shah Pahlavi lên làm thủ tướng sau một cuộc đảo chánh. Năm 1925 ông lên ngôi, khai sáng ra triều đại Pahlavi. Reza S. Pahlavi là một quân nhân yêu nước và có tinh thần cải cách như Mustapha Kemal ở Thổ Nhĩ Kỳ, tức là muốn cải cách theo các nước Tây Phương, giảm thiểu vai trò của các lãnh đạo Hồi Giáo, bãi bỏ nghi thức và luật Hồi Giáo trong nước. Ông đổi quốc hiệu Persia thành Iran, nghĩa là đất nước của người Aryans.
Năm 1941 vua Reza Shah Paklavi bị áp lực của Anh và Nga phải thoái vị, nhường ngôi cho con là Mohammed Reza Pahlavi (1919 - 1980). Ông là vị vua thứ hai và là vị vua cuối cùng của dòng Pahlavi. Ông tiếp nối đường lối cải cách của phụ hoàng. Kinh tế Iran phát triển nhờ xuất cảng dầu hỏa do Công ty AIOC (Anglo-Iranian Oil Company) khai thác. Đời sống dân chúng Iran được cải thiện. Phụ nữ không phải mang vải che mặt. Họ được quyền đầu phiếu. Nạn mù chữ trong nước giảm sút đáng kể. Nhưng nhà vua rất mạnh tay với Cộng Sản, những người đối lập tả khuynh hay những người Hồi Giáo cực đoan. Năm 1951 Mossadegh, một nhà chánh trị thiên tả, lên làm thủ tướng. Ông quốc hữu hóa các giếng dầu. Quyền lợi của vua Pahlavi và công ty AIOC bị thương tổn nặng nề. Anh Quốc phong tỏa Vịnh Ba Tư khiến cho dầu hỏa không bán được. Các chuyên viên dầu hỏa Anh rời khỏi Iran. Việc khai thác dầu sụt giảm vì thiếu chuyên viên kỹ thuật, lại bán không được vì tàu chở dầu không qua eo biển Hormuz được. Đời sống dân Iran bị đe dọa. Mossadegh bị áp lực phải từ chức.
Đảng viên Cộng Sản, những người bảo thủ lẫn cực đoan và người nghèo ở thành phố ủng hộ Mossadegh. Họ biểu tình bạo động. Vua Pahlavi phải bổ nhiệm Mossadegh làm thủ tướng và trở nên vô quyền trước áp lực của quần chúng. Mossadegh tiếp tục việc quốc hữu hóa các giếng dầu, thi hành chánh sách nông nghiệp như các nước Cộng Sản thực thi. Anh Quốc hướng về Hoa Kỳ để tìm cách lật đổ Mossadegh. Ngày 19-08-1953 Mossadegh bị lật đổ và bị đưa ra tòa. Dư luận thế giới cho rằng CIA nhứng tay vào việc lật đổ vị thủ tướng thiên tả nầy của Iran. Năm 2009 tổng thống Hoa Kỳ là Obama lên tiếng xin lỗi về biến cố năm 1953 ở Iran. Sự xin lỗi nầy cùng với bức ảnh chụp tổng thống hạ thấp mình khi bắt tay với vua Saudi Arabia làm cho dư luận Hoa Kỳ không hài lòng, nhất là đảng Cộng Hòa. Ông Romney viết cuốn No Apology để minh định lập trường của ông trước khi ra tranh cử tổng thống. Mọi chánh sách của Hoa Kỳ đều nhằm đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ nên tự chúng không có ĐÚNG hay SAI như sự phê phán mà chỉ có THÀNH CÔNG hay THẤT BẠI mà thôi. Tổng thống Bush I không hề xin lỗi Nhật Bản vì Hoa Kỳ đã dùng bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh năm 1945 như ngầm trả lời rằng Nhật tấn công Pearl Harbor mà không tuyên chiến và làm chết 2.000 thủy thủ Hoa Kỳ thì sao? Lê Khả Phiêu muốn tổng thống Clinton xin lỗi về chiến tranh Việt Nam khi ông đến Hà Nội năm 2000. Ông Clinton chỉ mỉm cười mặc dù ông là một thanh niên phản chiến trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Trong số những lãnh tụ đối lập với vua Pahlavi đáng kế nhất là Ruhollallah M. Khomeini (1900 - 1989). Ông là một giáo sư giáo lý Hồi Giáo. Năm 1963 ông bị cầm tù vì biểu tình chống lại cuộc cách mạng trắng của vua Pahlavi. Ông đả kích nhà vua vì:
– Dành cho người Hoa Kỳ "trị ngoại pháp quyền".
– Va chạm luật và cổ tục Hồi Giáo.
– Nới rộng nữ quyền (phụ nữ được đi bầu, không mang vải che mặt...).
– Quốc hữu hóa rừng, cải cách ruộng đất.
– Cho người không theo đạo Hồi tham chánh.
Năm 1964 Khomeini được tự do. Nhưng ông vẫn tiếp tục cổ xúy biểu tình chống nhà vua, lên án nhà vua thân Do Thái, Anh, Hoa Kỳ và có thái độ khoan dung đối với đạo Bahaï mà ông chủ trương phải dẹp bỏ. Bị đàn áp, ông sống lưu vong ở Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ rồi Pháp. Từ Pháp ông vẫn tiếp xúc với các lãnh đạo Hồi Giáo ngấm ngầm lật đổ chế độ quân chủ do dòng Pahlavi đại diện.
Năm 1979 chế độ quân chủ bị lật đổ ở Iran. Vua và gia đình đáp phi cơ đi Ai Cập, nơi tổng thống Sadat cho vua Pahlavi tỵ nạn chánh trị. Nhà vua sang Hoa Kỳ để giải phẫu dưới tên của một người Hoa Kỳ. Chánh phủ Cộng Hòa Hồi Giáo Iran do giáo chủ Khomeini làm lãnh tụ tối cao yêu cầu Hoa Kỳ trao trả vua Pahlavi về Iran để xét xử. Hoa Kỳ từ chối. Iran bắt 53 nhân viên sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran làm con tin. Lúc ấy tổng thống Hoa Kỳ là Jimmy Carter (thuộc đảng Dân Chủ). Vì vận động ngoại giao thất bại không cứu được 53 con tin và vì sự thất bại trong việc giải thoát họ bằng một toán đặc vụ như Hoa Kỳ đã làm ở Sơn Tây năm 1969 thời tổng thống Nixon, uy tín của tổng thống Carter bị sứt mẻ không ít. Mãi đến khi ông Reagan đắc cử, 53 con tin Hoa Kỳ mới được tự do.
Cộng Hòa Hồi Giáo Iran của Ayatollah Khomeini chống Do Thái, Tây Phương, nhất là Hoa Kỳ và Anh Quốc. Hiến pháp và luật pháp Iran dựa vào luật Sharia. Tín đồ Bahaï phải cải sang đạo Hồi. Phụ nữ phải đội khăn, không được mặc quần. Đàn ông phải để râu. Không ai mang cà vạt vì đó là sản phẩm của văn hóa Tây Phương! Ai chống lại Hồi Giáo sẽ bị treo cổ. Khomeini là lãnh tụ tối cao được xem như Thần Thánh. Tất cả các tôn thất dòng Pahlavi còn ở lại Iran đều bị hành quyết.
Khomeini lập ra Vệ Binh Cộng Hòa làm lực lượng xung kích trung kiên nòng cốt của Cộng Hòa Hồi Giáo Khomeini. Iran nuôi mộng cường quốc Hồi Giáo, lãnh đạo người Hồi Giáo chống Do Thái, chống Tây Phương và văn hóa của họ. Iran yểm trợ Syria, tổ chức Hezbollah ở miền Nam Lebanon và Hamas trên dải Gaza để chống Do Thái. Iran và Iraq là hai quốc gia láng giềng cùng theo đạo Hồi nhưng khác phái. Iran theo Hồi Giáo Shiite. 70% tín đồ Hồi Giáo ở Iraq thuộc phái Shiite. Saddam Hussein sợ Iran giúp cho tín đồ Shiite ở miền Nam lật đổ ông. Ông cũng lo ngại Iran cản trở việc xuất cảng dầu của Iraq qua Vịnh Ba Tư. Saddam Hussein và Khomeini đều theo chủ nghĩa anh hùng bằng cách phô trương sức mạnh quân sự của mình. Thế là chiến tranh giữa hai nước tôn vinh chủ nghĩa anh hùng bùng nổ và kéo dài tám năm bất phân thắng bại (1980 - 1988). Khomeini bắt mỗi gia đình phải có ít nhất một người "tử đạo" trong cuộc chiến Iran-Iraq. Cuộc chiến khốc liệt làm thiệt hại hàng trăm tỷ Mỹ Kim cho mỗi bên giao chiến với số thương vong lên đến trên 1.000.000 người.
Iran nuôi mộng bá chủ trong vùng. Muốn như vậy phải có võ khí nguyên tử và quân đội hùng mạnh. Đó là ước vọng tầm thường của các nhà lãnh đạo tôn thờ chủ nghĩa anh hùng bằng chinh chiến mà không cần biết hậu quả tai hại do chinh chiến gây ra.
Năm 1989 Khomeini mất. Tổng thống Ali Khameini được tôn lên làm lãnh tụ tối cao. Ông cản trở mọi ý định cải cách của tổng thống Khatami (1997 - 2005). Mahmoud Ahmadinejad đắc cử tổng thống năm 2005. Ông Ahmadinejad là người cực đoan, quá khích, rất ngưỡng mộ Ayatollah Khomeini. Ông không ngừng đùa giỡn với các nước Tây Phương kể cả Hoa Kỳ và Cơ Quan Quốc Tế Năng Lượng Nguyên Tử (IAEA; International Atomic Energy Agency). Amadinejad đòi xóa nước Do Thái trên bản đồ và cho rằng holocaust là một huyền thoại.
Từ năm 1967 dưới triều vua Pahlavi, Iran đã có Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Tehran (Tehran Nuclear Research Center) nhưng chỉ dùng năng lượng nguyên tử vào mục tiêu hòa bình. Chương Trình Nguyên Tử của Cộng Hòa Hồi Giáo Iran là tinh luyện uranium để tiến đến việc sản xuất bom nguyên tử như Pakistan và Bắc Hàn, nhưng chánh phủ Tehran luôn luôn cho rằng họ chỉ dùng năng lượng nguyên tử cho mục tiêu hòa bình. Ý định sản xuất võ khí nguyên tử của Iran làm cho Do Thái, Hoa Kỳ, Liên Âu và các quốc gia Á Rập ở Trung Đông và Bắc Phi lo ngại. Saudi Arabia, Jordan, Ai Cập, Kuwait lo sợ sức mạnh quân sự của Iran như đã từng thấy thời xưa khi Iran hướng đến Địa Trung Hải. Ngày nay nước nầy tìm đường ra Địa Trung Hải bằng ngả Syria, Lebanon. Từ khi Ahmadinejad đắc cử tổng thống đến đầu năm 2012, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa ra bảy nghị quyết sau đây nhằm kiểm soát và chận đứng Chương Trình Nguyên Tử của Iran:
– Nghị quyết 1696 và 1737 (2006) (2 nghị quyết trong một năm).
– Nghị quyết 1747 (2007).
– Nghị quyết 1803 và 1835 (2008) (hai nghị quyết trong một năm).
– Nghị quyết 1927 (2010).
– Nghị quyết 1984 (2011).
Cuối năm 2011 Hoa Kỳ rút quân khỏi Iraq. Hàng loạt những vụ nổ bom điễn ra ở Iraq liền sau đó. Một phó thủ tướng thuộc Hồi Giáo Sunni bị buộc tội dính líu vào các cuộc bạo động. Hoa Kỳ lo ngại Iran can thiệp vào nội tình Iraq bằng cách giúp đỡ cho Hồi Giáo Shiite (chiếm khoảng 70% dân số Iraq). Thủ tướng Iraq hiện nay thuộc phái Shiite, Saddam Hussein trước kia thuộc phái Sunni. Iran ủng hộ tổng thống Assad ở Syria, quốc gia có 75% Hồi Giáo Sunni đặt dưới sự lãnh đạo của gia đình Assad thuộc phái Alawi, một phái nhỏ của phái Shiite. Ít ra Iran là quốc gia đàn anh đối với Syria, người Hồi giáo phái Shiite ở miền Nam Iraq, tổ chức Hamas và Hezbollah ở Nam Lebanon.
Trong nước Iran đề cao HỮU THẦN, tinh thần Hồi Giáo.
Ngoài nước Iran kết thân với một số quốc gia Cộng Sản hay thân Cộng Sản đề cao VÔ THẦN và cả các nước đàn áp Hồi Giáo mạnh bạo như Liên Sô đối với Chechnya và các Cộng Hòa Sô Viết Trung Á và Trung Hoa Cộng Sản đối với người Huy Hồi Giáo ở Tân cương (Sinkiang). Sự đề cao Ayatollah không khác gì sự tôn vinh cá nhân của các lãnh tụ Cộng Sản như: Stalin, Mao Zedong, Kim Il Sung, Kim Jong Il, Hồ Chí Minh, Fidel Castro. Họ thân thiện nhau không phải vì lý tưởng tôn giáo, ý thức hệ chánh trị mà vì lợi ích kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật, nhất là vì chủ nghĩa anh hùng và sự lãnh đạo độc tài. Ahmadinejad đồng minh với Nga của Putin; Trung Hoa Cộng Sản, quốc gia mua nhiều dầu của Iran; các nước Mỹ Châu theo Cộng Sản hay thân Cộng Sản có đường lối chống Mỹ như Cuba, Venezuela, Nicaragua, Ecuador,... như tạo một vòng đai bao vây Hoa Kỳ trên lục địa Mỹ Châu!
Một mặt Ahmadinejad chối bỏ Chương Trình Nguyên Tử của Iran không nhằm vào việc sản xuất võ khí nguyên tử. Mặt khác, ông cho biết đã tinh luyện uranium thành công và phô trương những tiến bộ của Iran trong việc sản xuất hỏa tiễn tầm xa có thể bắn đến Do Thái và việc sản xuất máy bay không người lái. Cuối năm 2011 một chiếc máy bay không người lái của Hoa Kỳ đáp xuống Iran. Iran trưng bày chiếc máy bay có kỹ thuật mới nhất nầy như một thành tích bắn hạ được máy bay không người lái của Hoa Kỳ xuất phát từ Afghanistan. Tổng thống Obama kêu gọi Iran trả lại chiếc máy bay nầy vì lo ngại Trung Hoa Cộng Sản sẽ ăn cắp kỹ thuật sản xuất máy bay không người lái tối tân của Hoa Kỳ. Cố nhiên Iran không trao trả vì đó là chiến lợi phẩm quí giá như đã từng giữ 53 con tin suốt 444 ngày vào năm 1979.
Năm 2011 Do Thái có kế hoạch oanh tạc các lò nguyên tử của Iran. Nhưng đến cuối năm nầy họ tạm gác bỏ kế hoạch nầy vì không thể đo lường nổi kết quả và hậu quả của nó. Nếu Iran có bom nguyên tử thì an ninh của Do Thái bị đe dọa nặng nề. Iran tiếp tục thách thức và đùa giỡn với Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương khác vì thấy các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An LHQ không có kết quả gì trong việc kiểm soát và ngăn chận họ tiến hành Chương Trình Nguyên Tử. cuối năm 2011 Hoa Kỳ dùng biện pháp tài chánh làm tê liệt việc xuất cảng dầu của Iran để nước nầy không có phương tiện sản xuất bom nguyên tử. Năm 2010 một nhà vật lý Iran trong Chương Trình Nguyên Tử bị ám sát chết. Đầu năm 2012 một nhà hóa học khác bị chết vì xe bị đặt bom. Dĩ nhiên Iran luôn luông qui trách cho CIA của Hoa Kỳ hay Mossad của Do Thái. Vốn tài chánh và vốn chuyên viên dùng đẩy mạnh Chương Trình Nguyên Tử giảm dần. Biện pháp trừng phạt mới của Hoa Kỳ được Nhật Bản hưởng ứng mặc dù nước nầy bị thiệt hại rất nhiều. Ấn Độ, Trung Hoa Cộng Sản Nhật, Đại Hàn và nhiều nước Âu Châu mua dầu thô của Iran. Âu Châu hưởng ứng chánh sách cấm vận mới của Hoa Kỳ bằng cách không mua dầu của Iran. Nhưng họ cũng e ngại hậu quả khó tiên liệu nếu sự cấm vận kéo dài quá lâu. Trung Hoa Cộng Sản phản đối kịch liệt. Nga âm thầm hưởng lợi vì sản xuất nhiều dầu hỏa tuy rằng họ luôn ủng hộ Iran, Syria tại Hội Đồng Bảo An LHQ. Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Bahrain có thêm khách hàng mới.
Sau lưng Iaran có Nga và Trung Hoa Cộng Sản hậu thuẫn. Iran lớn tiếng đe dọa Do Thái và Hoa Kỳ trong trường hợp "dám" đụng đến Iran. Họ đe dọa phá tan giàn hỏa tiễn của NATO trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nếu bị Hoa Kỳ hay Do Thái tấn công. Họ tập trận, thử hỏa tiễn trên Vịnh Ba Tư và tuyến bố phong tỏa eo biển Hormuz dễ dàng như "uống một ly nước"! Đó là sự đe dọa làm cho giá dầu trên thế giới tăng lên, phương hại đến kinh tế thế giới vốn đang bị khủng hoảng nếu họ bị trừng phạt. Nếu eo biển Hormuz bị phong tỏa, các nước Oman, Liên Bang Á Rập Emirates, Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Kuwait, Iraq đương nhiên bị phong tỏa. Tàu dầu và tàu chở hàng xuất nhập vào các nước kể trên không lưu thông được trong vịnh Ba Tu để ra biển Á Rập được. Một cuộc khủng hoảng kinh tế, chánh trị và xã hội không thể tránh được. Iran tự biến mình thành kẻ thù của các nước Hồi Giáo láng giềng như Oman, Liên Bang Á Rập Emirates, Qatar, Bahrain, Saudi Arabia, Kuwait và cả Ai Cập cũng như các nước vốn sẵn thù nghịch như Do Thái, Hoa Kỳ, Liên Âu. Nếu họ thực sự phong tỏa eo biển Hormuz, cửa biển ra vào giữa biển Á Rập và Vịnh Ba Tư, thì chắc chắn hạm đội của Hoa Kỳ can thiệp ngay tức khắc. Chiến tranh sẽ khó tránh được. Hiện giờ tàu chiến của Hoa Kỳ lai vãng gần Vịnh Ba Tư, đối diện với tàu chiến Iran đang tập trận và Iran có thể đóng cửa eo biển Hormuz sau khi lịnh cấm vận của Hoa Kỳ được công bố như đã dõng dạc tuyên bố rằng phong tỏa eo Hormuz dễ như "uống một ly nước".
Chủ nghĩa anh hùng của Hitler đưa đến sự thất bại của Đức và sự chia đôi nước Đức từ 1945 đến 1989.
Chủ nghĩa anh hùng của Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) đưa Bắc Triều Tiên vào quĩ đạo của Trung Hoa Cộng Sản.
Chủ nghĩa anh hùng của Hồ Chí Minh đưa đến sự chia đôi đất nước năm 1954 mặc dù Pháp bị đánh bại ở Điện Biên Phủ, sự lệ thuộc Trung-Sô ở miền Bắc, chiến tranh chống Mỹ (1960 - 1975), sự tàn phá đất nước, sự phá vỡ đoàn kết dân tộc, sự ly hương của 3 triệu người Việt Nam đi tìm tư do và lẽ sống và cuối cùng là sự lệ thuộc của Việt Nam thống nhất vào Trung Hoa Cộng Sản với lá cờ 6 sao (Trung Nguyên và Ngũ Ngoại Tinh. Ngoại tinh thứ 5 là nước nào? Không phải Việt Nam?) như các em học sinh ở Hà Nội đã cầm trên tay để đón tiếp Xi Jinping (Tập Cận Bình) trước Giáng Sinh năm 2011. Dù dưới bất cứ danh nghĩa tốt đẹp gì, hai cuộc chiến tranh Việt Nam sau đệ nhị thế chiến được xây dựng trên xương máu, mồ hôi và nước mắt của người Việt Nam theo Hồ Chí Minh và không theo Hồ Chí Minh. Ở điểm nầy Hồ Chí Minh và Kim Il Sung gặp nhau hoàn toàn khác với đường lối của Tây Đức Tự Do đối với đồng bào của họ ở Đông Đức Độc Tài trong khi Tây Đức mạnh hơn Đông Đức về mọi mặt. Cuối cùng nước Đức được thống nhất trong tình thương và đoàn kết dân tộc (1989).
Đại tá Nasser không thành công với chủ nghĩa anh hùng của ông. Trước khi chết, ông thấy được những chiến bại chua chát của Ai Cập trong Chiến Tranh Sáu Ngày với Do Thái (1967).
Chủ nghĩa anh hùng đã đưa Saddam Hussein đến chiến tranh với Iran (1980 - 1988), sự xâm lăng của Iraq vào Kuwait (1990) và bị liên quân các nước dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ đánh bại năm 1991. Đến năm 2003 Iraq bị liên quân Anh-Hoa Kỳ xâm lăng. Saddam Hussein bị bắt và bị xử treo cổ (2006).
Chủ nghĩa anh hùng của đại tá Qadafi qua những vụ khủng bố và nổ máy bay nhắm vào các nước Tây Phương dẫn đến sự cô lập của nước Libya và đưa đến kết cuộc bi thương cho đời ông ta vào tháng 10 năm 2011.
Chủ nghĩa anh hùng của các nhà lãnh đạo Iran có lợi cho dân Iran hay có lợi cho Nga và Trung Hoa Cộng Sản vì tạo sự nhức đầu cho Hoa Kỳ? Nếu đụng độ với Hoa Kỳ, Iran có thể thắng được không với đà phát triển khoa học kỹ thuật; với số lượng tàu chiến, hỏa tiễn và phi cơ và đội Vệ Binh Cộng Hòa mà Iran hiện có?
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.