Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn .

 

Thủ tướng Anh Gordon Brown, cũng là chủ tịch hội nghị, đã nói về hội nghị thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn vào ngày 02 tháng tư vừa qua để giải quyết các vấn đề khủng hoảng kinh tế: ”Một hội nghị thượng đỉnh lịch sử. Một trật tự thế giới mới được khai sinh và qua đó chấm dứt đồng thuận Washington”. Ông muốn ám chỉ ở đây sự chấm dứt của các nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho các định hướng của nền kinh tế thị trường của Hoa Kỳ vào cuối thập niên 80. Tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng tuyên bố: “Về nhiều phương diện, đây là một hội nghị lịch sử”.

 

G20

Hội nghị thượng đỉnh ở Luân Đôn tiếp nối hội nghị ở Washington vào cuối năm 2008 vừa qua với sự tham gia của các nhà lãnh đạo của 20 quốc gia có nền kinh tế ảnh hưởng quan trọng hàng đầu trên thế giới và đại diện cho các lục địa. G (Group/Groupe/Groep/Nhóm)20 gồm: Hoa Kỳ, Canada, Argentina, Ba Tây, Mexico, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Á Rập Saoudi, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Nam Hàn, Nam Dương, Úc, Nam Phi và Liên Hiệp Âu Châu. Hai thành viên không chính thức tham dự hội nghị là Hòa Lan và Tây Ban Nha.

G20 được đề cập lần đầu tiên trong hội nghị thượng đỉnh G7 (1) ở Keulen (Cologne) vào tháng 6 năm 1999 và chính thức được thành lập trong hội nghị của G7 vào ngày 26 tháng 8 năm 1999. Hội nghị đầu tiên của G20 được tổ chức tại Bá Linh vào ngày 15 và 16 tháng 12 năm 1999. Các thành viên chính thức của G20 gồm: các bộ trưởng bộ tài chánh của các quốc gia thành viên đề cập trên, các thống đốc ngân hàng của các ngân hàng trung ương của các quốc gia G7 và của 12 quốc gia quan trọng khác, chủ tịch của Liên Hiệp Âu Châu. G20 không có tổng thư ký với ban điều hành thường trực. Quốc gia tổ chức hội nghị sẽ đề cử một tổng thư ký và ban điều hành tạm thời để đảm trách các công tác và tổ chức hội nghị.

Riêng Hòa Lan là một quốc gia có diện tích nhỏ và ít dân so với các quốc gia trong G20 (2), nhưng quốc gia này có nền kinh tế đứng hàng thứ 16 và có một nền tài chánh quan trọng trên thế giới đã đóng góp tích cực cho các công tác giúp đõ các quốc gia đang phát triển cũng như các đóng góp vào Quỹ Tiền Tệ Thế Giới hay Ngân Hàng Thế Giới. Thủ tướng Hòa Lan Jan-Peter Balkenende đã nhấn mạnh trong hội nghị ở Luân Đôn: “ Không đơn giản để là quốc gia G21 kế bên G20”. Hòa Lan đã phải đấu tranh rất nhiều với các quốc gia Á Châu để có thể tham dự vào hội nghị. Các quốc gia này e ngại số đại biểu của Âu Châu quá lớn trong G20. “Chúng ta có một vị thế ngang hàng như các quốc gia khác trong G20”, theo lời tuyên bố của bộ trưởng bộ tài chánh Hòa Lan Wouter Bos.

 

Diễn tiến hội nghị

Thật không dễ dàng để có thể mang lại đồng thuận cho các quốc gia với nhiều dị biệt trên các lục địa khác nhau. Mỗi quốc gia đều có vấn đề riêng và cần một phương thức thích hợp để giải quyết. Tuy nhiên các quốc gia này phải cùng nhau bàn thảo và tìm một đồng thuận để có thể giải quyết các vấn đề nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, đồng thời thiết bị một hệ thống tài chánh mới hoàn hảo hơn. Một trong các dị biệt nổi bật về phương thức giải quyết vấn đề là các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật hay Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỷ Mỹ kim vào hệ thống kinh tế để mong thúc đấy sự hồi phục kinh tế ở tầm mức quốc gia và thế giới, trong khi Âu Châu chủ trương nhắm vào sự thiết lập hệ thống luật lệ kiểm soát tài chánh ở cấp độ toàn cầu nhằm chấm dứt các tệ nạn tài chánh đã gây ra cuộc khủng hoảng trong hệ thống tư bản kinh tế thị trường. Hoa Kỳ cũng cho rằng nguyên nhân khủng hoảng tài chánh và kinh tế thế giới không chỉ hoàn toàn là trách nhiệm của Hoa Kỳ, các quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc cũng có phần trách nhiệm do đã tiết kiệm thật nhiều và chi tiêu rất ít nên đã hoàn toàn lệ thuộc vào sự tiêu thụ của Hoa Kỳ. Hoặc các quốc gia khác, theo Hoa Kỳ, như trường hợp Đức cũng phải thúc đẩy thêm sự tiêu thụ trong nước.

Tổng thống Pháp chủ trương phải tấn công vào các quốc gia được xem là ‘thiên đường của người đóng thuế' đã gặp sự phản đối của Trung Quốc. Trung Quốc e ngại cho vị trí cũng như các can thiệp tài chánh vào Hồng Kông và Ma Cao. Với sự hòa giải của tổng thống Obama, Trung Quốc sau đó đã chấp nhận quan điểm này. Hòa Lan trong hội nghị là quốc gia phản kháng mãnh liệt nhất về chính sách bảo vệ mậu dịch (protectionisme) và kỹ nghệ nội địa gây trở ngại cho các quốc gia mở rộng kinh tế như Hòa Lan. Đồng thời quốc gia này cũng trình bày những cơ hội mới mà thế giới có được bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng để có thể đầu tư vào năng lượng bền vững và cùng lúc giải qiuyết vấn đề thay đổi khí hậu.

Các quốc gia G20 đã đồng ý cố gắng giải quyết tích cực vấn đề của các “quỹ đầu cơ” (hedge funds/hedgefondsen) (3) và tiếp tục hứa hẹn sẽ bằng mọi giá chống lại sự bảo vệ mậu dịch và kỹ nghệ nội địa. Các quốc gia tham dự đã ý thức rõ về các vấn đề và các giải quyết đặc thù cần thiết cho mỗi quốc gia nên đặt trọng tâm vào sự duy trì tốt đẹp các quan hệ với nhau. Tuyên cáo bế mạc hội nghị do đó đã khéo léo không đưa ra một số các giải quyết cụ thể để tránh gây mâu thuẫn giữa các quốc gia và tôn trọng các quan điểm giải quyết vấn đề riêng của từng quốc gia.

 

Thành quả hội nghị G20

Sự đồng thuận tương đối rộng rãi trong hội nghị cũng như một vài vấn đề đã đạt được đồng thuận hơn sự mong đợi và được giải quyết ở cấp độ toàn cầu có thể được xem là thành công của hội nghị. Nhưng hội nghị có thật sự là một biến cố lịch sử hay không thì không được sự đồng ý của nhiều quan sát viên. Trước hết vấn đề cốt tủy để thoát ra khỏi sự khủng hoảng tài chánh và kinh tế là phương thức giải quyết các đầu tư bị ‘nhiễm độc' của các ngân hàng cũng như các biện pháp giải quyết sự thiếu tin tưởng để các ngân hàng có thể cho vay tiền lẫn nhau hay cho các xí nghiệp hoặc tư nhân vay không nằm trong tuyên cáo kết thúc hội nghị. Tệ hơn nữa, các đầu tư ‘nhiễm độc' của các ngân hàng cũng không được công nhận đúng mức. Nhiều lời hứa hẹn thay vì đề ra các phương thức giải quyết vấn đề cụ thể theo như tinh thần của tuyên cáo kết thúc hội nghị nói trên đã chuyển vấn đề cốt lõi nghiêm trọng phải giải quyết ở mức độ toàn cầu thành vấn đề phải giải quyết ở tầm mức quốc gia.

Tuy nhiên hội nghị G20 đã đề ra được một số phương thức để giải quyết vấn đề khủng hoảng tài chánh và kinh tế:

* Phương thức kiểm soát :

– Các ‘quỹ đầu cơ' phải được đặt dưới một hệ thống kiểm soát toàn cầu.

– Phải chấm dứt sự bảo mật của các ngân hàng.

– Phải hình thành các điều luật quốc tế cho các tiền thưởng đặc biệt (bonus).

* Phương thức thúc đẩy :

– Các quốc gia G20 sẽ ứng 1 triệu triệu Mỹ kim (1000 tỷ) cho vấn đề kinh tế qua Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và các cơ quan tài chánh khác.

– Các ngân hàng trung ương của các quốc gia G20 sẽ thực hiện một chính sách mở rộng.

– Các cường quốc kinh tế đang hình thành sẽ có tiếng nói có trọng lượng hơn trong sinh hoạt kinh tế thế giới.

Có thể nói thắng lợi lớn trong hội nghị G20 là Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund = QTTQT). Cơ quan tài chánh này sẽ giữ vai trò quan trọng trên nhiều lãnh vực trong tương lai: như là một cơ quan dự đoán tình hình kinh tế tài chánh, như một kiểm soát viên, như cơ quan soạn thảo các chính sách. Ngoài ra dưới bóng mát của G20, QTTQT sẽ phát triển như một ngân hàng thế giới, có thể cho vay và cung cấp tư bản. Giám đốc Dominique Strauss-Kahn đã tuyên bố đầy phấn khởi: “IMF is back ”.

 

Trung Quốc và G20

Hội nghị G20 cho thấy vai trò siêu cường của Hoa Kỳ trong thế kỷ XX bao trùm cùng lúc trên cả ba lãnh vực chính trị, quân sự và kinh tế đã cáo chung. Hoa Kỳ là quốc gia mà cuộc khủng hoảng tài chánh khởi đầu, kéo theo cuộc khủng hoảng tài chánh và kinh tế thế giới. Ngân sách của Hoa Kỳ thâm thủng trầm trọng và Hoa Kỳ cần Trung Quốc mua các công trái của mình. Trung Quốc là một cường quốc kinh tế đang lên, thặng dư tư bản, đã đầu tư rất nhiều vào công trái của Hoa Kỳ và do đó kinh tế của Trung Quốc lệ thuộc vào giá trị của đồng Mỹ kim. Với Trung Quốc điều cần thiết là kinh tế Hoa Kỳ không được phép sụp đổ vì sự sụp đổ sẽ kéo theo nền kinh tế tài chánh Trung Quốc theo xuống vực thẳm. Cả hai quốc gia đều có quyền lợi kinh tế đan chéo hỗ tương nhau. Trong suốt thời gian hội nghị, cả hai quốc gia này có nhiều sự tiếp xúc, thảo luận đến nỗi có nhiều người cho rằng đây là hội nghị G2 thay vì là G20.

Trung Quốc hiện là cường quốc kinh tế duy nhất của G20 mà chỉ số tăng trưởng kinh tế vẫn còn cao. Trung Quốc đã nhìn sự kiện kinh tế suy thoái ở Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật như là sự thắng lợi của hệ thống chuyên chế; dân chủ là một trở ngại, nhất là trong giai đoạn phải đối phó với các vấn đề khủng hoảng hiện nay, mà thực tế đã được minh chứng qua một số biện pháp quốc hữu hóa một số ngân hàng và công ty Âu Mỹ đang lâm nguy. Khủng hoảng tài chánh và kinh tế cũng được xem là cơ hội lịch sử để các cường quốc Âu Mỹ có thái độ nhún nhường hơn đối với Trung Quốc, nhất là trên lãnh vực nhân quyền. Chuyến thăm viếng Trung Quốc của bộ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton vừa qua cũng như áp lực của Trung Quốc lên Hòa Lan nặng nề hơn trong quá khứ để ngăn cản chính phủ Hòa Lan không tiếp xúc với đức Đạt Lai Lạt Ma vào tháng 6 tới đây đã xác định điều đó. Hoàn cảnh này đã là một hỗ trợ cho các thế lực bảo thủ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc ảnh hưởng lên các vấn đề chính trị, kinh tế và quân sự

Nhưng chính nền kinh tế của Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khá trầm trọng. Thị trường tài chánh của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng liên hệ. Mức tiêu thụ của thị trường Âu Mỹ đã sút giảm gây thiệt hại đến nền kinh tế quốc gia của Trung Quốc như sự suy thoái sản xuất hàng hóa nội địa, thị trường địa ốc, xây dựng, kỹ nghệ v.v... Khoảng 25 triệu người lao động đã mất việc làm. Nhà nước Trung Quốc đã bơm khoảng 4000 tỷ đồng Nhân Dân tệ vào hệ thống kinh tế. Nếu các biện pháp kinh tế quốc gia không có hiệu quả và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới còn kéo dài tới qua năm 2011 thì Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả nặng nề với những bất ổn xã hội mà Trung Quốc vẫn luôn e ngại. Năm 2009 được nhà nước đánh giá là năm khó khăn nhất kể từ khi chính sách cải cách được thực hiện cách nay gần ba mươi năm ở Trung Quốc.

 

Unhappy China

Ngoài các ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đối với Trung Quốc trên nhiều lãnh vực như vừa nêu trên, cuộc khủng hoảng còn ảnh hưởng đến mặt tư duy, ý thức hệ của Trung Quôc: Sự phát triển của chủ nghĩa quốc gia cực đoan. Trong thời gian gần đây, quyển sách Unhappy China với tác giả là một số trí thức thuộc cánh bảo thủ của đảng cộng sản được phát hành ở Trung Quốc. Quyển sách đề cập nhiều về sự cần thiết của một quốc gia Trung Quốc hùng cường, cương quyết và hiếu chiến hơn. Quyển sách này đã được bán chạy như tôm tươi. Các tác giả cũng đã khơi lại các vết thương lịch sử cũ (như cuộc Chiến Tranh Nha Phiến) với kẻ thù là các nước Tây Phương, Nhật Bản, kể cả Nga và Ấn Độ. Theo các tác giả, Trung Quốc cần thiết có những kẻ thù để có thể trở nên một cường quốc. Để giải quyết vấn đề khủng hoảng kinh tế, các tác giả này kêu gọi Trung Quốc đừng mua công trái của Hoa Kỳ, dẹp bỏ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế qua một bên vì cơ quan này do Hoa Kỳ kiểm soát. Một Trung Quốc hùng cường không cần phải quan tâm đến các nước ‘tư bản Tây Phương'.

Điều đáng được đề cập là nhà nước Trung Quốc không hề can thiệp kiểm duyệt quyển sách này trong khi các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc chính thức được đặt dưới các nhãn hiệu ‘phát triển hòa bình' hay ‘hài hòa xã hội'. Có thể nói sau thời gian dài ăn nằm với ý thức hệ kinh tế thị trường tự do, nhà nước cộng sản Trung Quốc cần một ý thức hệ mới và đã tìm được những điều muốn tìm trong chủ nghĩa dân tộc quá khích

Bên trong nội bộ Trung Quốc có những tiếng nói kêu gọi Trung Quốc phải tự phản tỉnh và khiêm nhường hơn. Khuynh hướng này cho rằng một quốc gia Trung Quốc hùng cường là điều tốt nhưng không nên sa vào chủ nghĩa dân tộc quá độ. Mặc dầu phần còn lại của thế giới bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng, hoàn cảnh của Trung Quốc cũng không phải hoàn toàn sáng sủa. Và để thoát ra khỏi những khó khăn đó Trung Quốc rất cần sự hợp tác của các quốc gia khác.

Trong chiều hướng này, các tổ chức và cá nhân yêu tự do dân chủ, đấu tranh cho nhân quyền ở Trung Quốc chắc chắn sẽ gặp rất nhiều trở ngại khó khăn. Văn hóa Trung Quốc có những yếu tố hòa giải để có thể đem lại sự hùng cường của Trung Quốc, đồng thời mang đến hòa bình và thịnh vượng chung trong vùng. Những yếu tố tích cực đó hầu như không được nhận diện. Qua hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, thế đứng của Trung Quốc trên thế giới hiện nay càng rõ nét hơn. Nhìn về Việt Nam, cho dù hoàn cảnh của Trung Quốc và kinh tế thế giới có phát triển theo bất cứ chiều hướng nào, với những liên hệ lịch sử hàng ngàn năm với Trung Quốc và để bảo toàn độc lập và chủ quyền đất nước, Việt Nam cần phải cấp thiết ổn định ít nhất trên ba lãnh vực căn bản:
1.- Văn Hóa: phục hoạt con người Việt và động viên được toàn thể nhân dân Việt Nam.
2.- Chính Trị: tự do dân chủ đa nguyên.
3.- Một nền Kinh Tế vững mạnh trong sinh hoạt nhà nước pháp trị.

 

Nguyễn Thị Quỳnh Anh

_________

Chú thích :

(1) Các quốc gia trong G7: Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ỳ và Nhật.

(2) Hòa Lan có diện tích là 41.528 km2 với hơn 16 triệu dân (16.428.360 dân trong năm 2008).

(3) Hedge Funds/Hedgefondsen: Các quỹ đầu tư chuyên tìm cơ hội dễ đem lại lợi nhuận, mượn đầu này đắp đầu kia, độc lập với chiều hướng của thị trường chứng khoán thông thường. Tuy nhiên các quỹ này lại giới hạn sự mở rộng cho các tư nhân muốn đầu tư chứng khoán. ‘Hedge' có nghĩa là ‘rào', ‘ngăn cản', ám chỉ sự ngăn cản các rủi ro đầu tư. Trên thực tế các quỹ này hạn chế được một số các rủi ro đặc thù nên tương đối hấp dẫn cho giới đầu tư cổ phần có chút ít máu phiêu lưu. Tuy nhiên điều nguy hiểm là một nhà hay một định chế đầu tư bỏ quá nhiều tài sản vào quỹ với tiền đầu tư toàn là tiền vay mượn. Nếu rủi ro xảy ra thì hậu quả của nó rất nghiêm trọng, do tác động của cái mà ngành kinh tế gọi là ‘hiệu ứng đòn bẩy'. Điều này đã xảy ra trong năm 2008 và là một trong những nguyên nhân gây khủng hoảng thị trường tài chánh.

 


Cái Đình - 2009 .