Lại Mạnh Cường


Họa vô đơn chí
hay Thế bí cần gỡ!

Mới trong vòng hai năm qua Việt Nam ít nhất hai ba lần bị lâm vào thế kẹt lớn, khiến cho từ nhân dân đến chính quyền khốn đốn. Tai họa sau còn tệ hại hơn và có khi làm nặng thêm tai họa trước.

*

Đầu năm 2003 dịch SARS từ Hồng Kông bất thần đổ ập vào Hà Nội. Tình hình thế giới ngày một căng thẳng khi con số các nước bị dịch SARS chiếu cố ngày một gia tăng khắp năm châu. Thậm chí có nơi dịch kéo dài dai dẳng như ở Hồng Kông, Quảng Đông, Bắc Kinh, Đai Loan, Toronto. Nguy cơ SARS trở thành đại dịch toàn cầu (pandémie), như đại dịch cúm Tây Ban Nha 1917, đánh mạnh vào cân não con người. Người ta cuống quít trốn chạy vô vọng sau những khẩu trang bé bằng lòng bàn tay ...

Rất may Việt Nam là nước đầu tiên thoát khỏi SARS với số bệnh nhân và tử vong rất thấp. Tuy nhiên thiệt hại về kinh tế không phải nhỏ. Ngành du lịch VN đang trên đà phát triển, do nhờ các khủng bố của các phe nhóm Hồi giáo quá khích sau biến cố 11/9 tại NewYork, bị khựng lại và ngày một tụt hậu. Cuối năm 2003 VN lại là nước đăng cai tổ chức Sea Games 22 (SG). Tình hình xem ra không lấy gì làm sáng sủa.

Một lần nữa VN đã gặp may. SARS lặng lẽ biến đi già nửa năm trước và SG gặt hái nhiều thành công hơn dự trù về số huy chương vàng và tổng số huy chương các loại. Ở đây không thể phủ nhận những nỗ lực đáng khen của chính quyền các cấp, nhất là khi so sánh kết quả phòng chống SARS với nước láng giềng Trung Quốc.

Viết thêm: Một tin hậu SG, theo kết quả xét nghiệm Ban Tổ chức SG công bố danh sách 5 vận động viên (vđv) thi đấu tại Đại hội, bị phát hiện có chất kích thích trong mẫu nước tiểu; trong đó có tới 4 vđv Việt Nam. Bất ngờ lớn hơn nữa là 2 vđv lặn, bộ môn mà VN làm bá chủ trong SG 22, có tên trong danh sách trên. Ban huấn luyện môn lặn biện hộ, các vđv có phản ứng dương tính là do sử dụng thuốc giảm đau!? Theo quy định, vđv sử dụng "doping" sẽ bị tước huy chương và cấm thi đấu 2 năm ở mọi giải đấu.
Tuy phát hiện trên không ảnh hưởng lắm tới thành tích của đoàn thể thao Việt Nam (vẫn đứng đầu với 155 HC vàng), nhưng kết quả này sẽ tác động rất xấu tới sự nghiệp thể thao, cũng như tâm lý các vđv tuổi trẻ, những mầm hy vọng của nền thể thao Việt Nam.
Điều an ủi duy nhất, những công bố rộng rãi phát hiện này đã thể hiện phần nào sự quyết tâm sạch hoá ngành thể thao, một ngành ngày càng hứng chịu nhiều tai tiếng ở bộ môn bóng đá.

*

Một tin nhỏ cuối năm qua sự kiện nữ ký giả Patricia Schultz đã cho ra mắt một cuốn sách có tựa đề rất ly kỳ "1000 nơi cần thấy trước khi chết". Ngay sau khi sách được phát hành, nhiều hãng thông tấn ngoại quốc đã có bài giới thiệu.

Sách liệt kê tất cả những nơi mà nhà báo này từng đặt chân đến trong tư cách ký giả chuyên đề hướng dẫn du lịch. Hầu hết các địa điểm được bà Schultz nhắc đến là những khách sạn 5 sao sang trọng nhất thế giới, những kỳ quan của nền văn minh nhân loại, những khu giải trí bên bờ biển thơ mộng... Nhưng cạnh đó xuất hiện một cái tên thật bình dị: Quán Chả Cá Lã Vọng ở Hà Nội.

Riêng hãng MSNBC còn tự chọn ra "10 nơi cần thấy trước khi chết", với Chả Cá Lã Vọng làm đại diện cho các nhà hàng. Bỗng nhiên VN có nhiều cơ may là nơi tụ hội của du khách năm châu bốn bể nhờ một quán ăn bình dân, nhưng có lịch sử 100 năm tại thủ đô.

Viết thêm: Đầu năm âm lịch lại thêm tin hát cung đình (nhã nhạc Huế) triều đại nhà Nguyễn đuợc Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Hiện phía VN đang xin cho bộ môn hát quan họ Bắc Ninh cũng đuợc hưởng vinh dự này. Tuy nhiên, qua nhận định của giáo sư Trần Văn Khê, người ta không biết nên lấy đó làm vui hay buồn!
Nhã nhạc Huế cũng như quan họ Bắc Ninh được "làm mới" khiến mất đi rất nhiều bản chất nguyên thủy thật sự. Trong quá trình bảo tồn và phục hồi (restoration) các di tích và giá trị cũ, người ta hay có khuynh hướng làm mới (renovation) một cách vô ý thức, gây nên những tổn hại không sao hàn gắn được. Hiện tượng làm mới này hiện nay rất phổ biến ở khắp nước và lan truyền trong nhiều lãnh vực.

*

"Họa vô đơn chí", vụ khiếu kiện bán tôm xuất khẩu quá giá sang Mỹ vào cuối năm 2003 báo hiệu cho một chuỗi sự cố ("séries noires") sau những tin trên.

Việt Nam sẽ tiếp tục nhờ cậy hãng luật White & Case biện hộ. Tuy nhiên, VN không lấy gì làm phấn khởi sau khi thua kiện cá basa và cá tra. Vấn đề ở chỗ Mỹ đã không công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. Vì vậy, tất cả những thông số về chi phí, giá cả đưa ra đều không được coi là bằng chứng tin cậy. Các quan sát viên quốc tế nhận định, chính sự thể này càng thôi thúc Việt Nam gia nhập WTO ngay trong năm 2005.

Đến nay, vụ kiện này vẫn chưa chính thức bắt đầu và lần này có nhiều nước cũng chia sẻ chỗ ngồi nơi phía bị cáo với VN, như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Ecuador và Mexico! Vì quyền lợi riêng, các nước đã không liên kết thành một khối chống lại nguyên đơn, nhưng lại tìm cách vận động hành lang (lobby) riêng lẻ với chính phủ Mỹ!

Qua sự thăm dò các giới chức VN liên hệ đến vụ kiện của phóng viên đài BBC được phát thanh về nước hôm thứ sáu 16/01 cho thấy, tâm lý "thủ bại" phổ biến nơi mọi người! Họ chia sẻ chung một thành kiến sai lạc, người Mỹ luôn luôn bênh vực lẫn nhau, có đi kiện cũng nắm chắc phần thua, chỉ mong sao ít bị xử ép hơn các nạn nhân khác. Ngược lại các ký giả toa rập với quan chức cố tình đánh lạc hướng dư luận (1), khiến những người dân nuôi tôm đành chọn thái độ "wait and see" ! Tình trạng này chả khác chi vụ kiện cáo bán phá giá cá tra và basa trước đó không lâu.

Kết luận, lại thêm bằng chứng rõ nét nhất về sự thiếu kinh nghiệm trầm trọng của các cán bộ chính quyền khi kinh tế VN thực sự bước vào đấu trường quốc tế. (2)

*

Đầu năm tây cuối năm ta VN lại bị thiệt hại năng nề bởi trận dịch cúm gà (Bird Flu; Avian Influenza). Tin tức về cúm gà được cập nhật hoá mỗi ngày, đôi khi có những nguồn tin trái ngược nhau, khiến người không kiến thức chuyên môn dễ hiểu sai lạc các sự kiện cũng như khó nắm bắt chính xác diễn tiến dịch bệnh.

Một cách tổng quát đến đầu tháng hai năm nay, có tất cả 10 nước ở Á châu bị dịch cúm gà. Theo trình tự khai báo của chính quyền các nước trước quốc tế, dịch khởi đầu từ Nhật Bản, Nam Hàn đến Việt Nam, lan qua Hồng Kông, Đai Loan, Thái Lan, Trung Hoa, Pakistan, Indonesia và cuối cùng Kampuchia và Lào. Chỉ riêng ở hai nước Việt Nam và Thái Lan mới khẳng định chắc chắn có người chết vì cúm gà.

(Tin giờ chót tại hạt Kent, bang Delaware, Mỹ, vừa phát hiện một số con gà bị cúm. Kiểm tra ban đầu cho thấy, thủ phạm là virus cúm thuộc dòng H7, loại hoàn toàn khác với virus dịch cúm H5N1 đang hoành hành ở châu Á).

Hai quốc gia bị mang tai tiếng nhiều nhất trong dịch cúm gà là Thái Lan, kế đó Indonesia . Các nước khác, trong đó có VN, cũng lần lượt không thoát khỏi búa rìu dư luận. Báo chí trong và ngoài nước phanh phui những sự thật bị che dấu, phát hiện đầu tiên dịch cúm gà ở VN hồi tháng 7, nhưng vì Sea Games gần kề, các quan chức VN đã ém nhẹm sự vụ. Gần đây nhất qua các cuộc điều tra sâu rộng cho thấy, ngay ở các cơ quan quốc tế đầu não, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cũng phạm phải những khiếm khuyết trầm trọng trong thông tin và phối hợp hành động. Nhờ vậy "tội trạng" chính quyền VN được tạm "giảm khinh", nhưng thiết nghĩ quan chức hai ngành liên hệ trực tiếp, thú y và y tế, đáng bị cảnh cáo kèm theo các hình phạt tương xứng để làm gương. Ngành thú y VN, nhờ sự giúp đỡ của thú y Mỹ, đã phát hiện ra cúm gà hồi tháng hai năm 2003, nhưng do chủ quan và ỷ y nên không phối hợp hành động đồng bộ hữu hiệu với bên y tế, gây nên thảm trạng hôm nay. Phía y tế, chưa thực sốt sắng trong quá trình phòng chống dịch từ gia cầm lây sang người vào giai đoạn tiên khởi. Cán bộ lãnh đạo một số địa phương, điển hình ở Biên Hoà, không chấp hành nghiêm chỉnh lệnh trung ương, cũng phải lãnh chịu biện pháp chế tài.

Tại VN cho đến tuần đầu tháng hai, toàn quốc đã có 56/64 tỉnh, thành phố bị cúm gà tấn công. Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y, dịch đã bùng phát thêm ở 33 huyện, thị mới, nâng tổng số huyện có dịch lên 328. Số gia cầm bị tiêu hủy lên tới 14 triệu con. Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết, con số bệnh nhân nghi mắc viêm phổi cấp do virus H5N1 vẫn dừng lại ở 119, trong đó 15 trường hợp đã khẳng định nhiễm virus này với 10 ca tử vong.

Hiện vẫn còn tồn tại một số bất đồng ý kiến giữa chuyên viên y tế VN và ngoại quốc về cơ chế lây lan bệnh cúm từ gà qua người. Tuy nhiên tất cả đều nhất trí, phòng bệnh là phương thức hiệu nghiệm duy nhất chống lại lây lan bệnh thành dịch trong tình trạng hiện nay. Phải giết chết và thiêu hủy mọi con gà, dù chưa mắc bệnh, trong vùng dịch. Chính quyền đã nghiêm nhặt kiểm soát việc buôn bán gà trên thị trường và có biện pháp bồi thường cho các hộ chăn nuôi gà trong vùng dịch.

Trước mắt dịch cúm gà gây nhiều khốn đốn cho dân quê. Nhiều bà con nông dân chăn nuôi gà vịt bị phá sản. Giới buôn bán gia cầm như gà vịt và người tiêu thụ cả nước cũng xôn xao vì bị ảnh hưởng dây chuyền trong dịp năm hết Tết đến.

VN Express đưa tin hôm thứ sáu, 16/1/2004 : "Lo ngại dịch cúm gà, nhiều bà nội trợ quyết định sẽ chuyển sang mua hải sản, thịt bò hay lợn để chế biến trong dịp lễ cổ truyền. Giá các mặt hàng này, do đó đang tăng lên từng ngày. Bán chạy nhất và đắt nhất là tôm, cua, cá; thậm chí nhiều nơi còn găm hàng, chờ giá tăng hơn nữa vào sát Tết." Ngoài ra, nhiều nước trong khu vực, như Phi Luật Tân, Cam Bốt, Thái Lan, Đài Loan và Trung Hoa loan báo cấm nhập cảng gia cầm từ các nước đang bị bệnh dịch.

Chính quyền VN rút tỉa được bài học lớn trong vụ SARS đã tìm cách gõ cửa cầu cứu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) và Liên hiệp Âu châu (EU). Ngoài ra đến nay các quan chức cao cấp cũng ý thức được tầm mức quan trọng của tai họa, đang nỗ lực tìm cách giải quyểt thoả đáng. Dĩ nhiên với phương tiện về nhân vật lực và tài chính còn quá eo hẹp của VN, các chuyên gia thế giới đánh giá VN chưa đủ khả năng để giải quyết tai họa này, nhất là nếu một trận dịch cúm gà thực sự xẩy đến cho người.

Tóm lại, cúm gà chẳng những đánh mạnh vào hoạt động kinh tế, mà cả vào sinh hoạt xã hội. Một khi cúm gà vươn vai thành trận dịch cúm nơi người, cho dù là một trận dịch nhỏ, không hiểu tương lai VN đi về đâu ??? Một câu hỏi cần đuợc chính quyền trong nước và các chuyên viên VN ngoài nước mau chóng tìm câu trả lời.

*

Chưa giải quyết xong dịch cúm gà, giờ đây đến lượt lợn (heo) có nguy cơ bị dịch cúm gà. Đã có những thông tin trái ngược nhau ở trong nội bộ FAO ở Việt Nam và ở Roma. Nếu như giả thuyết lây lan dịch cúm gà của từ gia cầm qua người của chuyên gia Việt Nam là đúng, thì đây là dấu hiệu khởi đầu của một trận dịch cúm gà nơi người.

Theo giáo sư Hoàng Thủy Long, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho hay là theo kinh nghiệm của thế giới H5 là một phân chủng (subtype) của cúm type A thường gây dịch cúm ở gia cầm và không lây trực tiếp sang người. Tuy nhiên, chủng này có thể lây sang động vật có vú, kết hợp với một loại virus nào đó ở loài này để hoàn thiện kháng nguyên bề mặt rồi từ đó lây sang người. Ông Long cho biết thêm: "Tốc độ lây lan chậm thường làm người ta chủ quan, nhưng trong thời gian dịch cúm ở gia cầm bùng phát, thì cần cảnh giác cao như với SARS." (3)

Nguy cơ dịch cúm gà nơi người còn nguy hiểm gấp nhiều lần hơn dịch SARS, các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định như vậy. Lý do tại Việt Nam gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, chim) sống chung lộn với gia thú (chó, mèo, lợn, bò, dê, cừu) và cả với người. Trẻ em lại hay chạy nhảy ngoài đường, nên thường tiếp cận mật thiết với các gia súc thả rông ngoài đường hay trong sân nhà, do vậy dễ bị nhiễm bệnh hơn người lớn. Phân gà còn dùng làm phân bón trong nông nghiệp. Bệnh còn có thể lan truyền qua không khí. Ngoài ra các gia cầm khi chết toi thường vất ngổn ngang quanh nhà hay quanh các chuồng gia súc. Đấy là những nguy cơ lớn khiến bệnh thành dịch chẳng những nơi thú vật, mà ngay nơi người.

Về phương diện y tế, trong thời gian gần đây một số bệnh nhiễm trùng do siêu vi có chiều hướng gia tăng thành các trận dịch ở người. Trong đó phải kể Sốt xuất huyết (SXH) và Viêm não cấp (VNC). SXH lần này chẳng những gây tử vong trên trẻ em, mà còn lây lan và gây chết nơi người lớn. Theo dự báo SXH sẽ tăng cao thêm nữa trong đầu năm 2004.

Tin giờ chót: Hiện gia súc ở một số nơi tại miền Trung đang bị dịch Lở mồm Long móng (Mond Klauw Zeer: MKZ/ Mouth Foot Disease: MFD).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Xuân Phúc chính thức công bố dịch lở mồm long móng ở trâu, bò, lợn trên địa bàn từ ngày 6/2. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.200 gia súc, chủ yếu là trâu và lợn bị nhiễm bệnh. Bệnh dịch này xuất hiện lẻ tẻ trên một vài con lợn, bò ở huyện Điện Bàn từ đầu tháng 12/2003 và đến nay đa lan rộng tới 11 xã của 5 huyện: Điện Bàn, Duy Xuyên, Đông Giang, Đại Lộc, Thanh Bình.

Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thừa nhận, có dịch lở mồm long móng tại một số tỉnh miền Trung. Vì dịch chỉ diễn ra trên diện hẹp và đã được khoanh vùng, không có khả năng lây lan, nên Cục Thú y chưa công bố dịch trên toàn quốc. Ông Quang Anh cho biết thêm, hằng năm thường có một số lượng nhỏ gia súc mắc bệnh này.

*

Thay lời kết:

Điều làm người ta ngạc nhiên và thích thú nhất có lẽ là bài báo "Cúm gà thay đổi tập quán chính trị ở Đông Nam Á" đăng trên VN Express ngày thứ năm 05/02/2004. Ký giả K. Huyền, dựa theo tin của Reuters, đã mạnh dạn trích dẫn một số tuyên bố của ông Ong Keng Yong, Tổng thư ký ASEAN, phát biểu hôm thứ ba 03/02, tại hội nghị các bộ trưởng du lịch khu vực. Xin được trích dẫn một số đoạn quan trọng của bài báo:

(...) Ông Ong Keng Yong nói: "Dịch SARS và cúm gà đã khiến các nhà lãnh đạo Đông Nam Á hiểu rằng họ cần thẳng thắn và công khai với nhau và với công chúng".

Ông còn nhận xét, khái niệm về ASEAN như là một diễn đàn chỉ nói mà không làm là lạc hậu, bởi SARS và cúm gà đã thuyết phục các chính phủ thấu hiểu rằng con đuờng duy nhất phải đi là cởi mở và hành động tập thể, hợp tác.

Ông nói với Reuters sau hội nghị. "(Dịch bệnh) đã có ảnh hưởng đáng chú ý tới văn hoá chính trị của chúng tôi"; "Chúng tôi đã cởi mở, lắng nghe và cung cấp thông tin, luôn thông báo cho người dân về sự liên quan giữa các sự kiện riêng lẻ. Một vấn đề nữa là không thể lơ là công chúng. Nếu anh lơ là công chúng, anh sẽ phải trả giá".

Ông Tổng thư ký cũng nhận xét rằng các chính phủ Đông Nam Á, với học thuyết "không can thiệp" vào công việc nội bộ của nhau, cần phải mở hơn nữa và nhanh hơn nữa.

Trong dịch cúm gà lần này, Thái Lan và Indonesia đều bị chỉ trích che đậy thông tin. (...) "Cách tốt nhất trong tình huống như vậy là nói cho mọi người cảnh giác, rằng bệnh dịch đang đâu đó quanh mình. Cần cho thấy rằng chúng ta đang kiểm soát tình hình, điều đó sẽ tạo lòng tin", tổng thư ký ASEAN nói.
"Khủng hoảng trong nông nghiệp sẽ tác động đến du lịch, chính trị, bởi những người bị thất nghiệp, mất của có thể biến nỗi thua thiệt của mình thành sự tức giận" với chính quyền, ông Yong dự báo.

Riêng đối với người viết, các sự kiện nêu trên đang là những vấn nạn mà đất nước cần được mau chóng tháo gỡ. Đó cũng là chất thuốc thử mầu để đo lường mức độ dân chủ hoá đất nước.


09/02/2004.
Lại Mạnh Cường

____________________________

1) VN Net vào lúc 10:28' 17/01/2004 (GMT+7) : "Con tôm Việt Nam chuẩn bị điều trần tại Mỹ".
Thua kiện bán tôm qua Mỹ gây thiệt hại trầm trọng nhiều lần hơn khi thua kiện bán cá tra và cá basa qua Mỹ. Trả lời phỏng vấn tờ Sun Herald của Mỹ, phát ngôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Washington khẳng định: "Nếu vụ kiện này diễn ra, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của chúng tôi. Lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cao gấp 10 lần so với cá basa, vì vậy có thể tưởng tượng ra mức thiệt hại mà ngư dân của chúng tôi phải hứng chịu sẽ lớn đến nhường nào. Mỗi quốc gia đều phải bảo vệ lợi ích của mình, đặc biệt là khi nó ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Chúng tôi sẽ làm mọi việc có thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân".
Vấn đế xuất khẩu tôm xú sang Mỹ còn nhiều chi tiết đáng bàn, nhưng nằm ngoài phạm vi bài viết, xin đuợc hẹn vào dịp khác.

2) Trong quá khứ không xa chính sách di dân từ miền thượng du và đồng bằng Bắc bộ vào Tây nguyên để dãn dân và thực thi chính sách kinh tế trồng trà và cà phê xuất khẩu đã gây nhiều xáo trộn xã hội và kinh tế. Trước tiên, gây mối bất hoà Kinh-Thượng không sao hàn gắn nổi; kế đó, vài năm sau cà phê trên thị trường quốc tế bị phá giá, gây thiệt hại rất nhiều cho những người dân nghe theo lời khuyên của chính quyền đầu tư vào trồng cà phê.
Sự yếu kém trong dự trù và quản lý kinh tế lại được thể hiện qua việc xuất khẩu sản phẩm may mặc theo quota qua Mỹ trong năm vừa qua.

3) Vì có nhiều nguồn thông tin khác biệt, do sự không chuyên môn (về y học) hay/và sự bất cẩn của các phóng viên hay người đua tin, nên tôi đa lọc lựa, phối kiểm và tổng hợp kỹ lưỡng trước khi đua các tin vào bài viết. Do đó phần ghi chú về dịch cúm H5N1 sẽ khá dài.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hạnh, Viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương mới đây giải thích thêm: "Theo nguyên lý, virus ở gia cầm dù có kháng nguyên giống với ở người, nhưng vẫn không thể lây trực tiếp sang người được, vì bề mặt của chúng khác nhau. Do đó, cần có một quá trình tái tổ hợp trên một động vật có vú mẫn cảm với nhiều loại virus, mà chúng tôi xác định là lợn. Tuy nhiên, chỉ khi có kết quả xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm thì mới có thể biết giả thuyết này đúng hay sai."
Trong khi đó giáo sư Albert Osterhaus của đại học Eramus Hoà Lan tuyên bố trong một chương trình Netwerk buổi tối hôm chủ nhật 18 tháng giêng trên kênh truyền hình 1 Hòa Lan (NOS 1) cho biết: "Nếu một người bị nhiễm cùng một lúc siêu vi cúm của người (Human Influenza virus) và siêu vi cúm của loài lông vũ (Avian Influenza virus) thì hai loại virus này có thể trao đổi nhửng yếu tố di truyền với nhau, kết quả tạo ra một loại virus mới, có khả năng gây ra một đại dịch cúm toàn thế giới (pandémie)!" Từ đó ông đề nghị tạo ra loại virus này trong phòng thí nghiệm để mau chóng sản xuất ra thuốc chích ngừa. Nếu đợi đến khi dịch cúm xẩy ra thì e quá trễ. Ý kiến này đã gặp nhiều phản đối, vì người ta sợ virus từ phòng thí nghiệm thoát ra ngoài gây dịch.
Một chuyên gia HL khác trong chương trình trên giải thích tường tận sự nguy hiểm của dịch cúm gà đang de doạ ở VN: Thông thường sự kết hợp giữa hai hai chủng (variant) virus cúm nêu trên rất hiếm. Nhưng hiện nay đang trong mùa đông dịch cúm xảy đến cho người gia tăng, kết hợp tình cờ với dịch cúm nơi gia cầm đang hoành hành dữ dội một số nơi ở Châu Á, trong đó chẳng may có Việt Nam. Ở VN dân cư đông đúc, người và gia cầm thường sống gần nhau, nên khả năng một đại dịch có thể xảy ra. Một trong hai vị trên sẽ đi VN nghiên cứu.
Tin mới nhận đuợc trên Teletex đài truyền hình thương mại RTL5 ở Hoà Lan và CNN điện tử buổi sáng ngày thứ hai 19 tháng 01 cho biết, nạn nhân thứ năm, một bé gái 8 tuổi người tỉnh Hà Tây, đã qua đời vì virus cúm gà H5N1. Nạn nhân thứ tư là một bé trai 5 tuổi người tỉnh Nam Định. Tóm lại, đến nay có 5 trường hợp bị chết đuợc xác định rõ ràng do H5N1 trong số 18 trường hợp nghi ngờ bị cúm do H5N1.

Điều may mắn là không thấy có sự liên hệ giữa các dịch cúm gà tại các nước. Dịch cúm gà ở Đài Loan do chủng H5N2. Điều đáng buồn là chỉ ở Việt Nam mới xảy ra những trường hợp cúm gà truyền sang cho người và dịch cúm gà VN xem ra dữ dội nhất trong vùng.
Theo thông báo của WHO ngày 16 tháng giêng vừa qua cho biết, H5N1 là một trong 15 chủng của viurs cúm nơi loài lông vũ (chim, gà, vịt v.v...), cho đến nay đa gây nhiều bộc phát mạnh mẽ cúm nơi người. Năm 1997 tại Hồng Kông một trận dịch cúm do H5N1 làm toi trên một triệu gia cầm, đồng thời gây bệnh cho 18 người và làm thiệt mạng cho 6 bệnh nhân. Tháng hai năm 2003 cũng chính chủng này gây bệnh cho hai người và một trong hai bệnh nhân đó đã thiệt mạng. (H5N1 is the only one of the 15 subtypes of avian influenza (birth flu) that has, to date, caused severe outbreaks in humans. In Hong Kong in 1997, H5N1 caused disease in 18 persons, of whom 6 died. In February, 2003, H5N1 infected two persons, causing the death of one.)
Người ta ghi nhận vào các năm 1999 và 2003 đã có ba lần các chủng khác của virus cúm loài lông vũ, cụ thể H7N7 và H9N2, gây ra bệnh cúm nơi người, nhưng chỉ là cúm nhẹ và cộng chung cả ba lần chỉ có một trường hợp tử vong. (Three incidents of human infection with other avian subtypes, namely H7N7 and H9N2, were documented in 1999 and 2003, but caused only mild illness and altogether only 1 death).


Cái Đình - 2004