Trần Bình Nam
Hoa Kỳ và Trung Quốc xác định thái độ tại Biển Đông
Giáo sư Carl Thayer
(Trần Bình Nam phóng dịch)
Lời giới thiệu: Tháng 7/2010 có hai biến chuyển đáng quan tâm tại Á châu. Thứ nhất, hội nghị của Diễn Đàn An Ninh Á châu (Asean Regional Forum – ARF) họp thường niên tại Hà Nội. Tại hội nghị, Hoa Kỳ tuyên bố chính sách mới tại Biển Đông. Thứ hai, Hải quân Hoa Kỳ và Nam Hàn tập trận tại vùng biển chung quanh bán đảo Triều Tiên (1).
Trước đó cũng trong tháng 7/2010, giáo sư Carlyle Thayer ở Úc viết bài “The United States and Chinese Assertiveness in the South China Sea” (Hoa Kỳ và Trung Quốc xác định thái độ tại Biển Đông) với đầy đủ chi tiết về sự tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc, Việt Nam và Hoa Kỳ. Tài liệu ngắn gọn, nhưng súc tích giúp cho những ai muốn tìm hiểu về các vấn nạn của Biển Đông trong mấy chục năm qua.
Sau đây là bản lược dịch. Giáo sư Thayer bắt đầu bài viết bằng cách nói đến sự quan trọng của căn cứ Hải quân Trung Quốc tại Hải Nam và vụ tàu Trung Quốc chận đường chiến hạm Impeccable của Hải quân Hoa Kỳ và những lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Ba động tác này là một thách thức các nước chung quanh vùng Biển Đông và Hoa Kỳ. Gíao sư Thayer đưa ra 3 nguyên nhân gỉải thích tại sao Trung Quốc lại có thái độ giành quyền kiểm sóat Biển Đông. Và sau cùng đưa ra 7 đề nghị giúp giải quyết căng thẳng tại đó .
Trần Bình Nam
***
Bối cảnh
Với chính sách chính thức tuyên bố là “hòa bình, hợp tác và phát triển” (peace, cooperation and development) Trung Quốc đã theo đuổi chủ thuyết tạo một thế giới “hài hòa” (harmonious world) qua đường phát triển kinh tế và góp phần duy trì hòa bình thế giới.
Trung Quốc rất thành công trong chính sách kinh tế nhắm vào xuất cảng là chính, và việc này đòi hỏi năng lượng. Hai nhu cầu, phát triển kinh tế và đầy đủ năng lượng đòi hỏi Trung Quốc lo bảo đảm sự lưu thông của các đường biển huyết mạch gần lục địa Trung Quốc. (Sea Lines of Communications – SLOCs).
Mặc dù thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn rất mạnh trong vùng. Trung Quốc đặc biệt có vị thế quan trọng vì Trung Quốc là chủ nợ 2 trillion mỹ kim mà con nợ là Hoa Kỳ.
Để giúp giải quyết khủng hoảng kinh tế thế giới Trung Quốc giải tỏa ngân khoản kích thích kinh tế (stimulus package) trong nước, chính yếu trong ngành xây cất và ngoài nước bỏ nhiều tiền đầu tư làm cho Trung Quốc càng có uy thế khi kinh tế thế giới vãn hồi dần.
Nhờ sức mạnh kinh tế, Trung Quốc cải tiến trang bị quân đội như tăng cường hỏa tiễn đặt trên đất liền và trên biển đồng thời cải thiện kho vũ khi nguyên tử để đối đầu với kho vũ khí nguyên tử của Hoa Kỳ.
Trung Quốc còn phát triển hỏa tiễn tầm ngắn và tầm trung dùng vào việc tấn công Đài Loan trong trường hợp Đài Loan tuyên bố độc lập. Đồng thời Trung Quốc tăng cường sức mạnh của Hải quân để bảo vệ các đường giao thông trên biển và bảo đảm không ai có thể chận eo biển Malacca.
Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc châu từng nhận xét rằng sự phát triển quân lực Trung Quốc vượt ngoài nhu cầu tự vệ, và ngân sách quốc phòng Trung Quốc công bố chỉ là một phần của ngân sách thực chi. Từ năm 1997 đến nay ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 500%. Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Bộ Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc đặc biệt tăng cường lực lượng Hải quân nhằm có khả năng đối phó với các căn cứ Hải quân Hoa Kỳ trong vùng Á châu.
Các nhà nghiên cứu chiến lược cho rằng Trung Quốc đang nới rộng vòng đai phòng thủ tại tây Thái Bình Dương ra vòng đảo ngoài Biển Nhật Bản, Biển Phi Luật Tân và Biển Nam Dương bao gồm cả quần đảo Marianas và Palau tiến sát đến đảo Guam của Hoa Kỳ. Tháng Ba & tháng Tư vừa qua (2010) Hải quân Trung Quốc cho tập trận tại phía Nam đảo Okinawa.
Cuộc tập trận đầu tiên trong tháng Ba gồm 6 chiến hạm thuộc Hạm đội Bắc hải tập đánh nhau với Hạm đội Nam hải. Sau đó Hạm đội Bắc hải băng qua eo biển Bashi phía bắc Phi Luật Tân vào neo tại Fiery Cross Reef thuộc quần đảo Trường Sa trước khi tiếp tục tập trận tại phía đông eo biển Malacca.
Cuộc tập trận thứ hai gồm 10 chiến hạm thuộc Hạm đội Đông hải diễn tập tại phía đông bờ biển Đài Loan cùng với máy bay căn cứ trên đất liền tập tiếp tế nhiên liệu trên không, bay đêm, bay tránh radar và thực tập oanh tạc trên biển.
Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương nói sự phát triển lực lượng của Trung Quốc làm thay đổi cán cân quân sự trong vùng Thái Bình Dương.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là quan hệ vừa tranh đua vừa hợp tác, trong đó Đài Loan chiếm một vị trí quan trọng. Trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Bush, quan hệ giữa hai bên có chiều dịu xuống, nhưng trong những tháng 9 & 10/2008 Trung Quốc ngưng các chương trình hợp tác quân sự khi Hoa Kỳ quyết định bán 6,5 tỉ mỹ kim vũ khí cho Đài Loan. Sau khi tổng thống Obama đắc cử, Trung Quốc tiếp nối lại quan hệ quân sự. Bộ trưởng ngoại giao hai nước thăm viếng qua lại. Tổng thống Obama và Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào gặp nhau không chính thức qua các buổi họp G-20 tại Luân Đôn và Pittsburgh. Cuối năm 2009 tổng thống Obama chính thức thăm viếng Bắc Kinh. Trước khi lên đường tổng thống Obama nói ông cho rằng sự vươn lên của Trung Quốc không có tính đe dọa ai. Tuy nhiên đầu năm 2010, ông Obama chấp thuận một đợt bán vũ khí khác cho Đài Loan và Trung Quốc lại ngưng các chương trình hợp tác quân sự.
Ý nghĩa chiến lược của căn cứ Hải quân Yulin
Năm 2007 vệ tinh dân sự của Anh khám phá Trung Quốc xây cất gần xong một căn cứ Hải quân lớn tại Yulin gần thành phố Sanya nằm ở cực nam đảo Hải Nam. Khi hoàn tất căn cứ này có khả năng đưa Hải quân Trung Quốc vào hoạt động tại Thái Bình Dương và Biển Đông.
Các hình chụp được cho thấy các hầm và cầu tàu tại Yulin có khả năng đồn trú nhiều chiến hạm và tàu ngầm. Các cầu đang xây có khả năng làm chỗ đậu cho các chiến hạm tấn công loại lớn và hàng không mẫu hạm.
Đồng thời Trung Quốc cho cải tiến phi trường tại đảo Woody trong quần đảo Paracels và xây một đài radar tại Fiery Cross Reef trong quần đảo Trường Sa, và các đơn vị Hải quân khác hiện diện gần như thường trực tại Mischief Reef ở phía tây Phi Luật Tân. Các căn cứ và cơ sở này cho Trung Quốc khả năng bảo vệ quyền “tự biên tự diễn” của mình trên Biển Đông, và sự giao thông qua lại của hai eo biển Malacca và Singapore.
Căn cứ Yulin giúp rút ngắn đường tiếp vận cho hạm đội Trung Quốc hoạt động trong Biển Đông và gián tiếp đe dọa sự tự do lưu thông của thương thuyền các nước Nhật, Đài Loan và Nam Hàn.
Một phần căn cứ Yulin nằm dưới hầm không thể chụp hình bằng vệ tinh, nên không thể xác định được khả năng thật sự của nó. Phần chụp được cho thấy căn cứ Yulin đã có khả năng đồn trú tàu ngầm mang hỏa tiễn liên lục địa. Cuối năm 2007 người ta thấy tàu ngầm nguyên tử thế hệ thứ hai thuộc loại Jin 095 tại căn cứ Yulin. Trước đây loại tàu ngầm này chỉ có mặt trong Hạm đội Bắc hải.
Khi Yulin hoàn tất căn cứ này sẽ là căn cứ tàu ngầm tấn công của Hải quân Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc chưa đóng xong các tàu ngầm tối tân, nhưng khi xong Trung Quốc có tàu ngầm mang 12 hỏa tiễn có khả năng phóng ngoài biển. Và đây là lực lượng đáng quan ngại khi Trung Quốc trang bị chúng với hỏa tiễn nhiều đầu đạn nguyên tử. Chung quanh đảo Hải Nam là vùng nước sâu nên tàu ngầm Trung Quốc có thể ẩn náu để phóng hỏa tiễn một cách kín đáo. Theo Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ Trung Quốc sắp hoàn tất 5 tàu ngầm nguyên tử phóng hỏa tiễn (SSBN), một số sẽ được đồn trú tại Yulin.
Căn cứ Yulin như vậy có khả năng thay đổi cán cân lực lượng trên Biển Đông và là một trở ngại cho sự đi lại của Hải quân Hoa Kỳ (theo nhận xét của Đô đốc Willard) cũng như của Hải quân các nước chung quanh Biển Đông như Việt Nam và Phi Luật Tân.
Trung Quốc quấy nhiễu tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ
Tháng Hai - Ba 2009 chiến hạm Hoa Kỳ USNS Impeccable đang làm công tác dò đáy biển tại một vùng cách mũi nam đảo Hải Nam 75 hải lý để đo lường khả năng hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc xuất phát từ căn cứ Yulin thì ngày 5/3 một chiến hạm nhỏ của Trung Quốc chạy chận đầu không quá 100 mét mà không báo trước bằng vô tuyến. Hai giờ sau một máy bay quân sự Trung Quốc loại Y-12 bay thật thấp trên chiếc Impeccable, và chiến hạm Trung Quốc trở lại chận đầu chiếc Impeccable lần này cách xa khoảng từ 400 đến 500 mét.
Ngày 7/3 một chiến hạm thu thập tin tức tình báo của Hải quân Trung Quốc đến sát chiếc Impeccable dùng vô tuyến liên lạc với đài chỉ huy yêu cầu chiếc Impeccable rời vùng hoạt động nếu không “sẽ lãnh hậu quả”. Hôm sau 8/3 Trung Quốc cho 5 chiếc tàu bám theo chếc Impeccable (một chiếc thuộc sở kiểm ngư, một chiếc thuộc Viện hải học, một chiến hạm tuần duyên và hai chiếc giả cào (trawler) (2). Hai chiếc trawler tiến sát chiếc Impeccable 15 mét phất cờ Trung Quốc bảo Impeccable rời khỏi khu vực tức khắc. Chiếc Impeccable dùng vòi phun nước đuổi tàu Trung Quốc. Sau đó chiếc Impecable yêu cầu tàu Trung Quốc tránh đường để rời khu vực an toàn tránh tạo khủng hoảng. Có lúc chiếc Impeccable phải ra lệnh lùi máy để tránh húc vào hai chiếc trawler. Khi Impeccable rời vị trí, ngư phủ các chiếc trawler dùng câu móc định cắt đứt dây kéo máy dò đáy biển (Sonar) của tàu Impeccable.
Ngày 11/6 Hải quân Trung Quốc lại gây sự với Hải quân Hoa Kỳ khi cho tầu ngầm tìm cách cắt máy Sonar của chiếc USS John S. McCain khi chiếc tàu này đang thao dượt với hải quân Nam Dương và Phi Luật Tân .
Hai cuộc đụng chạm này cho thấy với thái độ của Trung Quốc Biển Đông có thể là nơi bùng phát những sự cố bất ngờ.
Trung Quốc xác định thái độ chủ quyền tại Biển Đông.
Từ năm 2007 Trung Quốc đã làm một số hành động đụng chạm chủ quyền của Việt Nam.
Thứ nhất: Trung Quốc áp lực các hãng dầu Hoa Kỳ ngưng tiến hành các giao kèo khai thác dầu khí ký với Việt Nam trong vùng “gọi là tranh chấp” trong Biển Đông.
Thứ hai: Trung Quốc đơn phương cấm đánh cá trong Biển Đông.
Thứ ba: Trung Quốc phản đối với Liên hiệp quốc khi Việt Nam và Mã Lai Á nộp hồ sơ xác định “vùng biển nối dài” chung của hai nước. Đồng thời Trung Quốc đòi chủ quyền trên Biển Đông bằng cách đơn phương công bố một bản đồ gồm 9 đường chấm chấm (họp lại thành hình thù như một cái lưỡi bò) choán trọn 80% Biển Đông.
Năm 2007 Việt Nam vạch kế hoạch phát triển vùng biển, dự kiến đến năm 2020 vùng này sẽ đóng góp 55% GDP quốc gia và 55-60% hàng hóa, phẩm vật xuất cảng. Trung Quốc âm thầm áp lực các công ty Hoa Kỳ đang tính toán đầu tư vào vùng biển Việt Nam, trong đó có công ty ExxonMobil, rằng nếu ký giao kèo với Việt Nam các công ty này sẽ mất quyền lợi làm ăn với Trung Quốc.
Năm 2009 và 2010 Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá trên vĩ tuyến 12 từ 15-5 đến 1-8. Trung Quốc nói mục đích cấm để cho cá sinh đẻ, để chận nạn đánh cá lậu và bảo vệ quyền lợi của ngư dân Trung Quốc. Thời gian cấm là mùa đánh cá hằng năm của ngư dân Việt Nam.
Năm 2009 Trung Quốc phái 9 chiếc tàu thuộc sở Bảo vệ Ngư nghiệp chạy tuần tra để thi hành lệnh cấm. Tàu Trung Quốc chận bắt, lấy cá và đuổi thuyền bè ngư dân Việt Nam ra khỏi khu cấm. Có một lần tàu Trung Quốc húc chìm một thuyền đánh cá Việt Nam. Ngày 16/7 Trung Quốc bắt giữ 3 thuyền đánh cá của Việt Nam và 37 ngư dân gần đảo Paracels. Sau khi thả 2 thuyền, Trung Quốc giữ lại thuyền thứ ba với 12 ngư dân đòi 31.700 Mỹ kim tiền phạt. Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi (nơi xuất phát các thuyền đánh cá bị bắt) không chịu đóng tiền phạt. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối qua tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.
Lợi dụng hai bộ Thương Mãi Việt Nam và Trung Quốc có chung một Trang Nhà, Trung Quốc cho đăng một bản tin phản đối chính quyền Việt Nam (TBN: làm như Việt Nam tự chửi mình!). Khi nhận ra việc dối trá này của Trung Quốc, Bộ Thương Mãi Việt Nam cho đóng trang nhà chung.
Chưa hết, tháng 8 khi hai thuyền đánh cá và 25 ngư dân Việt Nam chạy vào tránh bão tại Paracels, Trung Quốc giam thuyền và giam giữ các ngư dân. Lần này Việt Nam phản ứng mạnh mẽ đòi hủy bỏ các phiên họp chung để thảo luận về các vấn đề khai thác ngoài biển đã lên lịch. Trung Quốc thả các ngư dân.
Tháng 4/2010 Trung Quốc lại ban hành lệnh cấm như năm trước và hai chiếc tàu Yuzheng 311 và tàu tuần duyên 202 của Hải quân Trung Quốc đã được phái đến bênh vực cho ngư dân Trung Quốc nói là bị lực lượng Hải quân Việt Nam xách nhiễu. Các thuyền đánh cá Việt Nam dùng chiến thuật bao vây gây trở ngại vận chuyển cho tàu Yuzheng 311. Khi Trung Quốc gởi thêm chiến hạm tới, các thuyền đánh cá Việt Nam rút đi.
Ủy ban Liên hiệp quốc về Thềm Lục Địa nối dài (Commission on the Limits of the Continental Shell – CLCS) đã định ngày 13/5/2009 là ngày cuối cùng để các quốc gia ven biển trên thế giới nộp bản khai Thềm Lục Địa Nối Dài theo một điều khoản của Luật Biển (UN Convention of Law of the Sea – UNCLOS). Ngày 6/5 Việt Nam và Mã Lai nộp một bản khai cho vùng chung phía Nam, và ngày 7/5 Việt Nam nộp một bản riêng trong vùng phía Bắc (3).Trung Quốc lập tức gởi một văn thư phản kháng đến Liên hiệp quốc (nhưng không nộp bản khai của mình theo tinh thần Luật Biển). Việt Nam gởi văn thư phản đối văn thư của Trung Quốc.
Ngay sau đó Trung Quốc (như đã nói ở trên) cho công bố một bản đồ gồm 9 đường chấm chấm mơ hồ họp thành một hình chữ U bao trọn Biển Đông nói là vùng biển chủ quyền. Trong 3 bản tuyên bố trước đây (9/1958 về lãnh hải, 1992 về lãnh hải và vùng lân cận, 1996 về đường chuẩn cho lãnh hải) và một bộ luật ban hành năm 1998 về thềm lục địa Trung Quốc chưa bao giờ có một đòi hỏi có tính tự tác tự thọ như vậy.
Những hành động của Trung Quốc làm Hoa Kỳ quan tâm và thấy cần điều chỉnh thái độ để bảo vệ quyền thương mãi và uy tín của mình. Thái độ của Hoa Kỳ trước đây là không can thiệp vào việc tranh chấp biển đảo giữa các nước trong vùng, và chỉ đặt quan tâm chính vào việc an toàn và tự do lưu thông trên biển.
Những tháng đầu của chính quyền Obama, Trung Quốc và Phi Luật Tân bất hòa khi Phi vạch đường căn bản qua các hải đảo Trung Quốc gởi chiến hạm tới có ý đe dọa, tổng thống Obama đã ủng hộ Phi bằng cách điện thoại cho bà tổng thống Phi Gloria Macapagal Arroyo xác định rằng Hoa Kỳ vẫn tôn trọng thỏa ước về tàu bè thăm viếng (Visiting Forces Agreement) giữa Hoa Kỳ và Phi.
Tháng 7/2009 Hoa Kỳ xác định quan điểm tại Biển Đông trước quốc hội. Chính phủ gởi hai ông Scot Marciel (Phụ tá bộ trưởng ngoại giao) và Robert Scher (Phụ tá bộ trưởng quốc phòng) đến điều trần trước Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương. Ông Marciel tuyên bố một cách dứt khoát rằng những tuyên bố về biển của Trung Quốc tại Biển Đông không có một cơ sở quốc tế nào cả.
Ông Marciel nói với quốc hội rằng Hoa Kỳ có “lợi ích thiết yếu” (vital interest) khi duy trì sự ổn định, tự do lưu thông và bảo vệ quyền buôn bán của mình tại Đông Á. Ông Marciel sau khi tóm tắt cho quốc hội biết việc Trung Quốc de dọa các công ty dầu khí của Hoa Kỳ định làm ăn với Việt Nam đã khẳng định: “Chúng ta cương quyết chống lại mọi de dọa các công ty Hoa Kỳ.”
Về việc tàu Trung Quốc quấy nhiễu hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ ngoài khơi đảo Hải Nam ông Scher xác định thái độ 4 điểm của Hoa Kỳ:
1.- Bằng lời và bằng hành động Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện trong vùng.
2.- Hải quân Hoa Kỳ quả quyết duy trì quyền lưu thông trên biển.
3.- Quan hệ an ninh với các nước trong vùng qua các cuộc nói chuyện về chính sách và chiến lược và hợp tác bảo đảm an toàn trên biển.
4.- Tăng cường quan hệ ngoại giao – quân sự với Trung Quốc để tránh đụng chạm do sự hiểu lầm.
Khi quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng, Việt Nam trở nên gần gũi với Hoa Kỳ hơn. Tháng 6/2008 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Hoa Kỳ và hội kiến với tổng thống Bush. Thủ tướng Dũng là vị thủ tướng Việt Nam đầu tiên đến viếng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sau năm 1975. Trong một thông cáo chung sau chuyến viếng thăm hai bên đồng ý duy trì các cuộc gặp gỡ cao cấp về an ninh và chiến lược. Ngoài ra tổng thống Bush còn tuyên bố Hoa Kỳ ủng hộ “chủ quyền, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” (nguyên văn: the US supports “Vietnam’s national sovereignty, security and territorial integrity”.
Lời tuyên bố của tổng thống Bush không nói đến Biển Đông. Tuy nhiên người ta hiểu rằng đấy là một cách nói tiếp theo lời tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates trước đó vào đầu năm tại Singapore rằng: “Trong chuyến đi Á châu, tôi nghe nhiều quốc gia nói về tình trạng an ninh trong vùng do nhu cầu tài nguyên thiên nhiên và than phiền những chính sách ngoại giao có tính áp lực làm cho tình hình trong vùng trở nên phức tạp… Chúng ta nên tránh thái độ có tính áp lực mặc dù được che dấu dưới lớp vỏ hợp tác”. (TBN: Ai cũng biết bộ trưởng Robert Gates nói tới Biển Đông và thái độ đại hán của Trung Quốc).
Các lời tuyên bố của Bộ trưởng Gates, của tổng thống Bush và của ông phụ tá ngoại giao Marciel là những lời nhắn nhủ Trung Quốc rằng họ không nên đe dọa các công ty Hoa Kỳ định làm ăn với Việt Nam trên Biển Đông.
Quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng được cải thiện hơn từ năm 2008. Tháng 10/2008 bộ Ngoại giao Việt Nam và Hoa Kỳ bắt đầu nói chuyện cấp cao về chính trị - quân sự. Tháng 4/2009 một số sĩ quan cao cấp Việt Nam được máy bay Hoa Kỳ chở đến mẫu hạm USS John Stennis để quan sát lực lượng Hải Không Quân thao dượt. Tháng 8/2009 và tháng 3/2010 cơ sở sửa tàu của Việt Nam sửa chữa các tàu hải quân Hoa Kỳ thuộc lực lượng vận tải đường biển (US Navy Military Sealift Command). Cuối năm 2009 bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh viếng thăm Hoa Thịnh Đốn và gặp bộ trưởng Gates tại Bộ Quốc phòng. Trên đường đi tướng Thanh ghé Hawai thăm Bộ Tư Lệnh Hoa Kỳ tại Thái bình Dương. Theo chương trình, trong những tháng cuối năm 2010 này các giới chức quân sự cao cấp Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ gặp nhau. Tờ Quadrennial Defence Review năm 2010 viết rằng Hoa Kỳ xem Việt Nam và Indonesia là hai đối tác chiến lược quan trọng.
Những trở lực trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc
Sau khi nhậm chức chính quyền Obama mở đầu quan hệ với Trung Quốc qua cuộc họp song phương bàn về Chiến lược và Kinh tế (Strategic and Economic Dialogue - SED) trong tháng 7/2009 tại Hoa Thịnh Đốn. Buổi họp sau đó tổ chức tại Bắc Kinh tháng 5/2010.
Tháng 8/2009 bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates tiếp tướng Xu Caihou, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương của quân đội Trung Quốc tại Pentagone. Tướng Xu Caihou còn gặp Cố vấn an ninh quốc gia James Jones, Tham mưu trưởng Liên quân Đô đốc Michael Mullen, thứ trưởng ngoại giao James Steinberg và thăm xã giao tổng thống Obama.
Ông Gates và tướng Xu đồng ý một chương trình 7 điểm:
Tuy nhiên tướng Xu nêu ra 4 trở lực chính trong mối quan hệ Mỹ Trung gồm:
Tháng Ba/2010 Trung Quốc nói với hai viên chức Hoa Kỳ thăm viếng Trung Quốc rằng Trung Quốc xem Biển Đông là vùng có “quyền lợi thiết yếu” (core interest) của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa Biển Đông lên hàng “quyền lợi thiết yếu” như Đài Loan và Tây Tạng với ý nghĩa nếu bị xâm phạm Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để bảo vệ.
Có nhiều lý do giải thích tại sao gần đây Trung Quốc khẳng định lập trường đòi chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Thứ nhất, Trung Quốc muốn áp lực Việt Nam cùng với Trung Quốc khai thác dầu khí chung trong vùng biển ngoài khơi trên nguyên tắc thuộc Việt Nam. Nếu quả thật vậy thì Trung Quốc khó đạt được ý đồ của mình vì Việt Nam không dễ gi để Trung Quốc hưởng lợi những gì nằm trong (hay sát với) vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình. Trước đây Trung Quốc áp lực các công ty nước ngòai không ký giao kèo khai thác dầu khí với Việt Nam cũng trong mục đích này (và tạm thời thành công). Hai công ty BP của Anh và ExxonMobil của Mỹ đã tạm ngưng khai thác theo giao kèo, nhưng gần đây cho biết sẽ tiếp tục tiến hành giao kèo đã ký. Hoa Kỳ đã cho Trung Quốc biết Hoa Kỳ không chấp nhận ai làm áp lực với các công ty Hoa Kỳ làm ăn hợp luật lệ quốc tế .
Thứ hai, Trung Quốc muốn cho Việt Nam thấy sự bất mãn khi biết Việt Nam hình như đang chuẩn bị mang việc xích lại với Hoa Kỳ ra bàn thảo trong đại hội 11 của đảng vào năm 2011. Từ năm 1995 sau khi thiết lập bang giao với Hoa Kỳ Việt Nam vẫn rất dè dặt trong quan hệ với Hoa Kỳ vì ngại làm mất lòng Trung Quốc. Nhưng từ năm 2003 về sau áp lực trên Biển Đông của Trung Quốc càng mạnh thì Việt Nam càng bớt dè dặt khi xích lại với Hoa Kỳ.
Cuối năm 2007 khi Trung Quốc thành lập quận huyện bao gồm cả Trường Sa, sinh viên Việt Nam tại Sài gòn và Hà Nội đã biểu tình phản đối và Trung Quốc đã mạnh mẽ áp lực Việt Nam ngăn cấm các cuộc biểu tình. Qua năm 2008 sự chống đối của nhân dân trong nước trước ý đồ lấn chiếm của Trung Quốc lên cao và cao điểm là năm 2009 khi tướng Võ Nguyên Giáp lên tiếng cho rằng vụ Trung Quốc khai thác mỏ Bauxite ở cao nguyên Việt Nam là có hại cho an ninh quốc gia. Đảng cộng sản Việt Nam nhận ra rằng khuynh hướng chống Trung Quốc trong nước là một đe đọa cho sự lãnh đạo của đảng cộng sản nếu họ không có chương trình đáp ứng.
Những nhà quan sát tình hình Việt Nam đồng ý rằng nội bộ lãnh đạo Việt Nam có hai khuynh hướng. Một muốn mở rộng quan hệ quốc tế để hội nhập rộng rãi. Một muốn thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Và Trung Quốc tỏ thái độ cứng rắn trên Biển Đông để cảnh cáo Việt Nam rằng theo họ thì có lợi hơn là chống họ. Nhưng hình như trước tình cảm chống Trung Quốc của nhân dân nhóm thứ hai chủ trương thân Trung Quốc cũng phải đồng ý cần tìm một con đường quốc phòng khác hơn là dựa vào Trung Quốc.
Thứ ba, chính sách Biển Đông của Trung Quốc có thể do nhu cầu năng lượng. Làm chủ được Biển Đông có nghĩa là làm chủ một kho dầu khổng lồ và bảo đảm một đường lưu thông quan trọng trên biển. Trung Quốc đã cải tiến thiết bị Hải quân và thiết lập căn cứ ở Yulin trong mục đích này.
Năm 2002 khối Asean và Trung Quốc ký bản “Tuyên bố về Cách ứng xử trên Biển Đông” (Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea) đồng ý “tự chế và thận trọng trong các hoạt động để tránh gây ra tranh chấp” (self restraint in the conduct of activities that would complicate or escalate disputes). Tuy nhiên tình hình an ninh trên Biển Đông càng căng thẳng và trở nên cấp bách trong ba năm qua. Sự đụng chạm giữa Hải quân Trung Quốc và Hải quân Hoa Kỳ tại phía Nam đảo Hải nam cho thấy Biển Đông có thể là nơi “tóe ra lửa” nếu các bên liên hệ thiếu thận trọng.
Để kết thúc bản Tài liệu về tranh chấp Biển Đông, giáo sư Thayer đề nghị một giải pháp 7 điểm để giảm căng thẳng trên Biển Đông:
Trần Bình Nam
August 15, 2010
***
1.- Xem tài liệu số 360 www.tranbinhnam.com trang Bình Luận, link: http://www.tranbinhnam.com/binhluan/HoaKy_Va_MatTran_BienDong.htm
2.- Giả cào là danh từ ngư dân vùng duyên hải miền Trung Việt Nam dùng để gọi thuyền đánh cá bằng lưới kéo lê sát đáy biển.
3.- Xem tài liệu số 311 www.tranbinhnam.com trang Bình Luận, link: http://www.tranbinhnam.com/binhluan/Them_LucDia_NgoaiBien.html