Phạm Đính Lân


Hoa Kỳ và Thế Giới Hồi Giáo

 

Sự giao tiếp và đương đầu của Hoa Kỳ với các nước Hồi Giáo khó khăn và phức tạp hơn đương đầu với Liên Sô trong chiến tranh lạnh vì có sự pha lẫn màu sắc tôn giáo về phía các nước Hồi Giáo trong lúc uy lực kinh tế - tài chánh của Hoa Kỳ sụt giảm trước sự vươn lên của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ)...

 

Trên thế giới có 50 quốc gia nơi đại đa số dân đều theo Hồi Giáo. Các quốc gia Hồi Giáo được tìm thấy nhiều trên lục địa Á Châu (Trung Đông, Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á), Phi Châu (Bắc Phi, Trung Phi, v.v.). Theo thứ tự các quốc gia dưới đây có cộng đồng tín đồ Hồi Giáo lớn nhất thế giới: Indonesia, Pakistan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Hiện nay Hồi Giáo có 1,5 tỷ tín đồ so với 1,2 tỷ tín đồ Thiên Chúa Giáo. Nếu tín đồ Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo và Tin Lành cộng lại thì con số tăng lên 2,2 tỷ. Tín đồ Hồi giáo đứng thứ nhì ở Âu Châu sau tín đồ Thiên Chúa Giáo mặc dù các quốc gia Âu Châu đều là quốc gia theo đạo Thiên Chúa hay Tin Lành. Trên lục địa Trung Hoa có từ 20 - 30 triệu tín đồ Hồi Giáo. Ở Hoa Kỳ có 7 triệu tín đồ Hồi Giáo bao gồm một số người Hoa Kỳ Da Đen gốc Phi châu và người Trung Đông.

Vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX phần lớn các nước Hồi Giáo ở Trung Đông (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ), lục địa Phi Châu, Trung Á và Nam Á là thuộc địa của Anh. Một số quốc gia Hồi Giáo Phi Châu khác là thuộc địa của Pháp, Ý và các nước Âu Châu khác. Pakistan là quốc gia Hồi Giáo tách rời khỏi Ấn Độ vào năm 1947. Mã Lai là thuộc địa của Anh trong khi Indonesia là thuộc địa của Hòa Lan. Đa số người Phi Luật Tân theo đạo Thiên Chúa. Chỉ khoảng 10% dân số Phi cư ngụ trên đảo Mindanao theo đạo Hồi.

Marocco là quốc gia Hồi Giáo có quan hệ ngoại giao thân thiện lâu đời với Hoa Kỳ ngay từ thế kỷ XVIII.

Năm 1932 Ibn Saud thống nhất bán đảo Á Rập và lập ra vương quốc Saudi Arabia. Vua Ibn Saud thân thiện với Hoa Kỳ.

Năm 1938 dầu hỏa được phát hiện ở Damman. Công ty Á Rập-Hoa Kỳ là ARAMCO khai thác dầu hỏa từ năm 1944. Trong đệ nhị thế chiến Saudi Arabia không tham chiến nhưng rất thân thiện với các quốc gia Đồng Minh Tây Phương.

Thổ Nhĩ Kỳ, xưa kia là đế quốc Hồi Giáo, có bang giao thân thiện với Hoa Kỳ suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Năm 1952 nước nầy là thành viên của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi Giáo không gây chiến với Do Thái và sớm nhìn nhận sự hiện diện của nước nầy ở Trung Đông. Saudi Arabia thân thiện với Hoa Kỳ nhưng đã liên minh cùng các nước Hồi Giáo trong vùng để tấn công Do Thái khi nước nầy tuyên bố lập quốc.

Các quốc gia Hồi Giáo có những đặc điểm chung sau đây:

– Các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông và Bắc Phi là cựu thuộc địa của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ trước kia. Sau khi đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu và sụp đổ, họ trở thành thuộc địa của các nước Tây Phương, chủ yếu là Anh, Pháp, Ý. Ở Á Châu Indonesia là thuộc địa của Hòa Lan ngay từ thế kỷ XVII. Vì vậy các quốc gia Hồi Giáo có thái độ kém thân thiện với các quốc gia Tây Phương, kể cả Hoa Kỳ mặc dù Hoa Kỳ không chiếm một quốc gia Hồi Giáo nào làm thuộc địa cả.

– Về phương diện tôn giáo, giữa đạo Hồi và đạo Thiên Chúa từng xảy ra Thánh Chiến đẫm máu vào thời Trung cổ. Tín đồ Hồi Giáo tôn kính giáo chủ, kinh Qran và giữ đạo chặt chẽ. Họ chống mọi hệ phái tôn giáo thờ đấng Christ và cây Thánh Giá (Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành Giáo, Anh Quốc Giáo). Họ không chấp nhận dấu hiệu chữ Thập của Hội Hồng Thập Tự vì chữ Thập giống hình Thánh Giá. Vì vậy có sự hiện hữu của Hội Hồng Thập Tự dành cho thế giới và Hội Lưỡi Liềm dành cho thế giới Hồi Giáo.

– Các quốc gia Hồi Giáo dù là phái Sunni hay Shiite đều ghét Do Thái. Ngay cả những nước Hồi Giáo ở Á Châu xa xôi như Indonesia, Mã Lai cũng không bang giao với Do Thái.

– Về tài nguyên, các nước Hồi Giáo nổi tiếng về dầu hỏa (Saudi Arabia, Iraq, Kuwait, Iran, Lybia, Nigeria, Indonesia, Brunei, v.v.).

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh các quốc gia Hồi Giáo theo chế độ quân chủ đều thân Tây Phương vì chế độ quân chủ là đối tượng đả kích của các phe chánh trị khuynh tả hay thân Cộng Sản. Đảng Cộng Sản không phát triển mạnh ở các nước Hồi Giáo vì tính vô thần của chủ nghĩa Marx-Lenin, nhưng các tướng lãnh cầm quyền ở Iraq hay Syria đã dùng đảng Baath, độc đảng cầm quyền như đảng Cộng Sản. Nhiều nhà lãnh đạo Hồi Giáo được đào luyện ở Liên Sô như Mahmoud Abbas của Palestine, Hosni Mubarak của Ai Cập, Hafez Assad của Syria, v.v. Tổng thống Algeria Boumedienne khi bị trọng bịnh cũng sang Moscow để chữa. Ai Cập, Syria từng mua võ khí và nhận cố vấn của Liên Sô. Liên Sô giúp Nasser xây đập Aswan ở Ai Cập. Năm 1962 Algeria độc lập. Nước nầy hướng về Liên Sô hơn là Hoa Kỳ. Năm 1969 đại tá Qadafi lên nắm chánh quyền sau một cuộc đảo chánh lật đổ chế độ quân chủ khi vua Libya sang Thổ Nhĩ Kỳ chữa bịnh. Libya có thái độ thách thức đối với Hoa Kỳ bằng những vụ không tặc và khủng bố.

Ở Á Châu tổng thống Sukarno của Indonesia hướng về Beijing nên bị lật đổ năm 1965. Suharto lên cầm quyền, có đường lối thân Hoa Kỳ. Sau khi Suharto từ chức năm 1998, Indonesia trải qua một thời gian lạnh nhạt với Hoa Kỳ cho đến khi tướng Yudhoyono đắc cử tổng thống năm 2004. Nhưng Indonesia không thân với Hoa Kỳ như dưới thời tổng thống Suharto. Nước nầy hưởng ứng chánh sách chống khủng bố của Hoa Kỳ vì trên quần đảo Indonesia cũng có nhóm khủng bố liên hệ đến Al Qaeda từng gây vụ nổ bom đẫm máu ở Bali năm 2002. Indonesia cần bang giao thân thiện với Hoa Kỳ vì e ngại sự đe dọa và bành trướng của Trung Hoa Cộng Sản ở Đông Nam Á.

Lợi dụng sự can thiệp của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, Ai Cập, Syria và Jordan tấn công Do Thái ba phía: bắc (Syria), đông (Jordan) và nam (Ai Cập). Nhưng liên quân ba nước Hồi Giáo này bị đánh bại trong cuộc chiến tranh ngắn ngủi kéo dài 6 ngày (1967). Ai Cập mất bán đảo Sinai và Gaza. Syria mất đồi Golan. Jordan mất West Bank và Jerusalem. Năm 1973 Ai Cập và Syria lại mở cuộc tấn công khác nhắm vào Do Thái nhưng lại thất bại.

Các nước Hồi Giáo trong khối OPEC sản xuất dầu hỏa đã dùng dầu hỏa làm võ khí gây khủng hoảng nhiên liệu cho Hoa Kỳ và các quốc gia kỹ nghệ Âu Châu giữa lúc phong trào phản chiến dâng cao ở Hoa Kỳ và một số quốc gia khác trên thế giới kể cả Anh, Pháp, Thụy Điển, v.v. Các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông và Bắc Phi đoàn kết trong việc ủng hộ Palestine chống Do Thái dưới sự lãnh đạo của Arafat sau tháng chín đen (1970) đánh dấu sự bạo động của người Palestine ở Jordan và sự trục xuất những người nầy ra khỏi vương quốc Jordan. Vì vụ trục xuất nầy mà vị thủ tướng của Jordan bị nhóm Al Fatah ám sát chết ở Cairo (1971). Tiếp theo là vụ ám sát hụt đại sứ Jordan ở London, vụ cướp phi cơ Do Thái từ Bỉ về Do Thái (1972), vụ giết chết các lực sĩ Do Thái tại Thế Vận Hội Munich (1972). Những biến cố dồn dập diễn ra từ các quốc gia Hồi Giáo vào thập niên 1970.

Năm 1973 Hoa Kỳ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam sau khi hiệp định Paris được ký kết. Hai năm sau Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Sự thành công của Cộng Sản Việt Nam khích lệ các nước Hồi Giáo vốn không cảm tình với các nước Tây Phương, nhất là đối với Hoa Kỳ. Sức mạnh của Hoa Kỳ không phải là sức mạnh bất bại nữa. Qui luật thắng lợi lúc nào cũng là sự đoàn kếtkiên trì chịu đựng.  Điện Biên Phủ tạo tấm gương cho Algeria vùng lên đánh Pháp đòi độc lập. Sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa cho các nước Hồi Giáo, Châu Mỹ La Tinh và các cựu thuộc địa của các đế quốc Âu Mỹ một phương thức chống các cựu đế quốc do Hoa Kỳ đứng đầu.

Đoàn kết trong một nước đã khó, sá gì đoàn kết của nhiều nước chỉ dựa vào chất keo duy nhất: Hồi Giáo. Thực tế, trong một quốc gia Hồi Giáo cũng có nhiều phức tạp linh tinh như sắc tộc, phái tôn giáo (Sunni, Shiite), óc địa phương, quá khứ lịch sử, v.v. Những quốc gia nhỏ hay ít dân nhưng giàu dầu hỏa hay có GDP cao như Kuwait, Saudi Arabia, Qatar có lợi gì khi đứng chung với các quốc gia đông dân, đồng đạo nhưng nghèo khó khác. Để bảo đảm an ninh, chủ quyền và độc lập của họ trước sự thèm thuồng của các nước đông dân láng giềng Hồi Giáo và của Cộng Sản Liên Sô, không có cách gì tốt hơn là ngả theo Hoa Kỳ để tựa vào tàn dù an ninh của nước nầy. Hoa Kỳ là nơi có ngân hàng tín nhiệm và cũng là nơi sinh sống lý tưởng trong trường hợp quyền hành không còn nữa.

Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ. Chánh sách và đường lối nước nầy thay đổi qua những cuộc bầu cử tổng thống cứ bốn năm một lần. Ưu điểm của Hoa Kỳ là có kỹ thuật cao không nước nào sánh kịp, kinh tế phồn thịnh, quân sự vững mạnh (bây giờ có khác chút ít). Nếu có ưu điểm thì cũng có nhược điểm. Đời sống tiện nghi không cho phép người dân Hoa Kỳ chịu khắc khổ quá lâu trên chiến trường xa lạ, bị mọi người chung quanh nhìn là kẻ thù và nghi mọi người quanh mình là kẻ thù. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào mà kẻ thù quá nhiều thì hy vọng chiến thắng chắc chắn không cao. Đối với chiến tranh du kích hay chiến tranh chống khủng bố, làm cách nào phân biệt thường dân và kẻ thù thật sự mà mình tìm để diệt?  Dân chúng Hoa Kỳ dễ trở nên phản chiến khi có một cuộc chiến tranh kéo dài lâu hơn cuộc chiến tranh cách mạng của họ với những cảnh chết chóc bất ngờ. Trong một nước dân chủ chỉ cần biến truyền thông thành bộ máy phản chiến thì toàn nước và toàn thế giới sẽ phản chiến. Không lẽ kẻ đối địch của Hoa Kỳ không biết lợi dụng sinh hoạt dân chủ để làm lợi cho mình?

Việc đối nghịch giữa Palestine với Do Thái lan rộng thành sự đối nghịch của thế giới Hồi Giáo với Do Thái và thế giới Hồi Giáo với Hoa Kỳ vì các nước Hồi Giáo cho rằng Hoa Kỳ là quốc gia tích cực ủng hộ Do Thái. Sau đệ nhất thế chiến, người Anh được ủy trị ở Palestine. Họ từng hứa với các nhà khoa học Do Thái về việc thành lập quốc gia Do Thái trên đất Palestine. Nhưng họ lại không giữ lời hứa sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Nội dung cuốn Exodus nói lên phần nào điều đó. Thực tế chánh trị là thế! Nếu giữ lời hứa thì họ gặp sự chống đối của đông đảo quốc gia Hồi Giáo trong vùng và bị mất cảm tình với thế giới Hồi Giáo. Do đó không gì hay hơn là thất hứa, phó mặc mọi việc cho Thiên định.

Hoa Kỳ chưa hề cai trị một quốc gia Hồi Giáo nào ở Trung Đông hay Bắc Phi như Anh, Pháp hay Ý. Kinh nghiệm về vấn đề Hồi Giáo của họ tương đối "trễ" so với Anh, Pháp hay Ý. Đối với Hoa Kỳ, Do Thái là một đồng minh đặc biệt tựa như hình với bóng. Do Thái nằm trên lục địa nối liền ba đại dương (Địa Trung Hải - Ấn Độ Dương - Đại Tây Dương) và ba lục địa (Âu - Á -  Phi Châu). Hoa Kỳ là nơi tập trung gần 50% tổng số người Do Thái sống rải rác trên thế giới. Phần lớn họ là những người thành công trên lãnh vực kinh tế, tài chánh, khoa học, kỹ thuật, truyền thông, giáo dục, v.v. Họ có những cống hiến lớn trong việc phát triển và lớn mạnh của Hoa Kỳ. Nếu năm 1959 chế độ Batista bị Fidel Castro lật đổ bị xem là sự thất bại của Hoa Kỳ, thì năm 1975 Hoa Kỳ cũng gặp trường hợp tương tự ở miền Nam Việt Nam, vì dù muốn dù không, Hoa Kỳ từng ủng hộ chánh quyền Havana và chánh quyền Sài Gòn. Hoa Kỳ không có quân ở Cuba nhưng có quân ở Nam Việt Nam. Nếu bây giờ các nước Hồi Giáo, dưới chiêu bài ủng hộ Palestine, thành công trong việc đánh bại Do Thái hay xóa bỏ nước nầy trên bản đồ Trung Đông thì đó sẽ là sự thất bại to lớn của Hoa Kỳ.

Chế độ quân chủ ở Iran bị lật đổ năm 1979. Iran trở thành Cộng Hòa Hồi Giáo với giáo chủ Khomeini (1900 - 1989), một lãnh tụ có quyền hành tối thượng. Iran có hành động gây hấn với Hoa Kỳ khi bắt 53 nhân viên tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Teheran làm con tin vì Hoa Kỳ từ chối không trao vua Pahvi chữa bịnh ở Hoa Kỳ về Iran. 53 con tin bị giữ trên 400 ngày. Tổng thống Carter tìm cách cho đặc vụ giải thoát họ nhưng thất bại. Từ đó bang giao giữa Hoa Kỳ và Iran bị gián đoạn cho đến bây giờ.

Iran là một quốc gia Hồi Giáo rộng lớn và đông dân cư. Hầu hết tín đồ Hồi Giáo Iran thuộc phái Shiite. Nước nầy có nhiều dầu hỏa với một dòng lịch sử vẻ vang vào thời cổ sử. Từ khi thành lập Cộng Hòa Hồi Giáo, Iran có mộng cường quốc trong vùng, muốn thay thế Ai Cập thuộc Hồi Giáo Sunni lãnh đạo các nước Hồi Giáo Trung Đông chống Do Thái. Đó là cách nêu cao thanh thế quốc gia và cũng là ước muốn tìm đường ra Địa Trung Hải để nới rộng đế quốc Iran, làm chủ các giếng dầu trong vùng, xóa bỏ ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Nhưng mộng cường quốc của Iran bị Saddam Hussein của Iraq chận đứng sau  tám năm chiến tranh tàn khốc, gây thiệt hại nặng nề cho cả đôi bên. Trong cuộc chiến tranh Iraq-Iran Saddam Hussein được sự ủng hộ của Hoa Kỳ lúc ấy do tổng thống Reagan lãnh đạo.

Iran yểm trợ tổng thống Assad thuộc phái Alawi, vẫn biết rằng đa số người Syria theo Hồi Giáo phái Sunni.  Phái Alawi là một phái nhỏ của Hồi Giáo Shiite ở Syria, cũng cố quyền hành ở Syria và nuôi mộng tái chiếm đồi Golan mà Do Thái chiếm năm 1967. Qua Syria, Iran viện trợ tiền bạc và võ khí cho tổ chức Hồi Giáo Shiite quá khích Hezbollah ở nam Lebanon và tổ chức Hamas ở Gaza (Palestine) để quấy phá Do Thái. Hezbollah (Đảng của Thượng Đế) do Narrallah lãnh đạo và do Iran giúp đỡ thành lập. Tổ chức nầy bị Hoa Kỳ xem là một tổ chức khủng bố như Fatah, Hamas, Al Qaeda. Hezbollah được biết đến nhiều trong cuộc nội chiến ở Lebanon (1975-1989). Đây là cuộc nội chiến giữa người Hồi Giáo Shiite với người tỵ nạn Palestine và người Thiên Chúa Giáo Lebanon với sự tham dự của Syria (do Iran yểm trợ) và Do Thái. Do Thái xâm lăng vào Lebanon để đánh nhóm Fatah của Palestine tỵ nạn và nhóm Hezbollah. Quân đội Anh, Pháp, Hoa Kỳ tiến về Lebanon. Bom nổ ở tòa đại sứ Hoa Kỳ làm 63 người chết. Năm 1983, 300 quân sĩ Hoa Kỳ ở Lebanon bị giết chết vì bom của khủng bố Hezbollah. Hoa Kỳ phải rút quân ra khỏi Lebanon. Syria và Do Thái vẫn còn đóng quân ở Lebanon. Đến năm 2000 Do Thái mới chịu rút quân nhưng Syria vẫn giữ 14.000 quân tại đó. Sau vụ ám sát cựu thủ tướng Hariri năm 2005, Syria bị áp lực của Hoa Kỳ đành phải rời khỏi Lebanon.

Mộng lãnh đạo các nước Hồi Giáo và Phi Châu để chống văn hóa và tôn giáo Tây Phương lớn mạnh trong tâm não Qadafi của Libya và giáo chủ Khomenei của Iran. Libya muốn có bom nguyên tử và võ khí hóa học. Pakistan là quốc gia Hồi Giáo đầu tiên có bom nguyên tử để cân bằng cán cân quân sự với Ấn Độ. Để phô trương chủ nghĩa anh hùng, Libya cho nổ bom ở Berlin làm chết một số quân sĩ Hoa Kỳ (1986). Tổng thống Reagan ra lịnh oanh tạc Tripoli và Benghazi. Dinh của Qadafi cũng bị oanh tạc. Năm 1988 Libya lại cho nổ chiếc phi cơ của Công Ty Pan Am từ Frankfurt về New York, làm chết 259 hành khách Hoa Kỳ. Mãi đến năm 2003 Qadafi mới nhận trách nhiệm về vụ nổ bom nầy và bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Mộng nguyên tử của Qadafi tan vỡ sau khi Hoa Kỳ tấn công Iraq, lật đổ Saddam Hussein. Qadafi nghĩ đến thân phận của mình nên bắt đầu đấu dịu với Hoa Kỳ. Ông bị lật đổ và bị giết chết trong cuộc nổi dậy mùa Xuân năm 2011 vì có sự can thiệp của phi cơ Anh, Pháp và sự yểm trợ của hải không quân Hoa Kỳ ngoài khơi Địa Trung Hải.

Iran cũng muốn khai triển bom nguyên tử như Pakistan và Bắc Hàn với sự giúp đỡ của Nga và có thể dựa vào kinh nghiệm kỹ thuật của Pakistan và cả Bắc Hàn nữa. Do Thái lo ngại Iran có võ khí nguyên tử. Hoa Kỳ cũng lo ngại, nếu Iran có bom nguyên tử, võ khí nầy có thể rơi vào tay quân khủng bố thì cả thế giới lâm vào cảnh bất an. Hiện nay Iran dùng Syria làm đường tiếp vận cho Hezbollah ở nam Lebanon và Hamas ở Gaza để gây áp lực quân sự đối với Do Thái. Năm 2012 Hezbollah dùng máy bay không người lái của Iran thám thính Do Thái. chiếc máy bay nầy bị bắn rơi. Do Thái từng oanh tạc lò nguyên tử Iraq năm 1981, Syria năm 2007 và lăm le oanh tạc lò nguyên tử Iran. Nhưng việc oanh tạc Iran tương đối khó khăn vì khoảng cách quá xa. Chẳng những vậy, hậu quả của cuộc oanh tạc rất khó lường. Hoa Kỳ lo sợ Iran trả đũa bằng cách đánh phá các cơ sở kinh doanh của Hoa Kỳ ở ngoại quốc. Tháng 11-2012 vừa qua một kho võ khí và đạn dược ở Sudan bị đánh phá. Có tin cho đó là sự chiến đấu ngầm giữa Do Thái và Iran vì Do Thái cho rằng Iran đưa võ khí sang Sudan để cung cấp cho Hamas qua bán đảo Sinai.

Năm 1979 có nhiều xung đột quốc tế quan trọng: Quân Liên Sô xâm lăng Afghanistan và bị sa lầy như Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Đây là cơ hội cho thế giới Hồi Giáo liên kết chống lại xâm lăng quân sự và văn hóa Tây Phương (Liên Sô) vào một xứ Hồi Giáo. Hoa Kỳ và Âu Châu lên án sự xâm lăng của Liên Sô ở Afghanistan. Chế độ Cộng Sản được thiết lập ở Afghanistan thay thế cho chế độ quân chủ. Hoa Kỳ và các nước Tây Phương tẩy chay thế vận hội Moscow. Hoa Kỳ giúp đỡ cho du kích Afghanistan đánh nhau với Liên Sô. Quân Liên Sô rơi vào thế tuyệt vọng vì không thấy ánh sáng của ngày chiến thắng vinh quang trên một quốc gia rộng mênh mông, núi đồi trùng điệp, khô hạn vào mùa hạ và băng giá vào mùa đông. Kẻ thù nhan nhản khắp nơi. Kinh tế Liên Sô suy kiệt, bị hao mòn vì chiến tranh và cuộc thi đua võ trang với Hoa Kỳ. Năm 1988 Liên Sô đành phải rút ra khỏi Afghanistan.

Liền sau đó chánh quyền Cộng Sản Afghanistan do Liên Sô tiếp sức cũng sụp đổ. Phe kháng chiến nắm chánh quyền và tranh giành với nhau. Cuối cùng phe quá khích Taliban giành chánh quyền và thiết lập một chế độ giáo trị cũng cứng rắn không kếm gì Cộng Hòa Hồi Giáo Iran. Chánh quyền Taliban thi hành luật Sharia chặt chẽ: Phụ nữ phải che kín mặt, chỉ chừa hai con mắt để thấy đường đi mà thôi; nữ phái không được đi học; phụ nữ ra đường một mình thì bị đánh đập tàn nhẫn; dân chúng không được thả diều, nghe nhạc phương Tây, v.v. Chánh quyền Taliban hoàn toàn bất thân thiện với các nước Tây Phương. Ngược lại, các nước Tây Phương cũng không bang giao với Afghanistan. Nước nầy khép kín với thế giới bên ngoài ngoại trừ với Pakistan, nước Hồi Giáo láng giềng, và một ít quốc  gia Hồi Giáo khác. Một người Á Rập giàu có từng sống ở Hoa Kỳ, tên là Osama Bin Laden âm thầm đến Afghanistan trong thời kỳ đánh nhau với quân Liên Sô xâm lăng. Sau nầy Bin Laden dùng Afghanistan làm trại huấn luyện khủng bố quốc tế hoạt động khắp nơi trên thế giới như Somalia, Sudan, Kenya, Trung Đông, Âu Châu, Đông Nam Á (Phi Luật Tân, Indonesia, Mã Lai) và cả Trung, Nam Mỹ nữa. Nhưng mục tiêu chánh vẫn là Hoa Kỳ, tòa đại sứ Hoa Kỳ và các công ty Hoa Kỳ ở ngoại quốc.

Năm 1992 tổng thống Bush I cho quân sĩ Hoa Kỳ vào Somalia cứu trợ nạn đói, hậu quả của cuộc xung đột quyền hành ở quốc gia thân Liên Sô trong suốt thời kỳ tướng Barre lãnh đạo (1969 - 1991). Trong cuộc chiến tranh giữa Somalia và Ethiopia (1977 - 1978), mặc dù Somalia tự nhận là Cộng Hòa Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa, Liên Sô vẫn viện trợ cho Ethiopia và Cuba gởi 20.000 quân chi viện cho Ethiopia "Xã Hội chủ Nghĩa anh em" nên Somalia bị đánh bại. Kinh tế và quân sự nước nầy sụp đổ. Cuộc tranh giành quyền hành bằng bạo lực và võ trang giữa Barre và Farrah Aidid diễn ra làm 270.000 người Somalia bị chết vì đói kém. Sự hiện diện của quân Liên Hiệp Quốc và quân cứu trợ Hoa Kỳ làm cho Aidid lo ngại. Nhiều cuộc đụng độ giữa phe Aidid với quân Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc diển ra tại thủ đô Mogadishu. Dư luận Hoa Kỳ khiếp sợ khi thấy ảnh chụp quân Somalia giết chết một quân sĩ Hoa Kỳ và cột người chết vào một chiếc xe kéo lê trên đường phố Mogadishu. Cho đến nay Somalia vẫn chưa có chánh phủ ổn định. Dân quân Hồi Giáo hoạt động ráo riết ven thủ đô và đe dọa cướp chánh quyền bằng võ lực. Ngoài biển, Somalia nổi tiếng về việc bắt tàu buôn và thủy thủ ngoại quốc để lấy tiền chuộc.

Khủng bố càng lúc càng công khai gây hấn và thách thức Hoa Kỳ. Trước kia, nước nào xâm phạm đến tàu hay tòa đại sứ Hoa Kỳ, tức khắc bị Hoa Kỳ đáp trả thích đáng vì đó là biểu tượng thiêng liêng của xứ Hoa Kỳ. Những cuộc tấn công của khủng bố Al Qaeda nhắm vào Hoa Kỳ liên tục diễn ra dưới thời tổng thống Bill Clinton (đảng Dân Chủ) và đầu nhiệm kỳ của tổng thống Bush II (đảng Cộng Hòa).  Năm 1941 Nhật tấn công Hoa Kỳ ở Pearl Harbor. Hoa Kỳ tham chiến chống phát xít Đức và Nhật cho đến khi đạt chiến thắng cuối cùng.

Ngày 26-02-1993 Al Qaeda dùng xe tải chở bom với ý định làm sập World Trade Center, tháp đôi cao nhất ở New York. Bom nổ làm cho sáu người chết và trên 1.000 người bị thương. Lãnh thổ Hoa Kỳ bị khủng bố xâm phạm.

Ngày 07-08-1998 khủng bố cho nổ bom ở tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Nairobi, thủ đô Kenya và Dar es Salaam, thủ đô Tanzania, gây thiệt mạng 258 người và làm cho 5.000 người bị thương. Ngày 20-08-1998 tổng thống Bill Clinton ra lịnh bắn hỏa tiễn nhắm vào Afghanistan, nơi có trại huấn luyện khủng bố của Osama Bin Laden và công ty dược phẩm của Sudan bị tình nghi nhận tiền của Al Qaeda. Không biết đây là phản ứng của tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton trước khủng bố của nhóm Hồi Giáo quá khích hay là cách tự vệ của ông nhằm thoát khỏi cuộc khủng hoảng do vụ Monica Lewinski gây ra? Đến năm 2000 khủng bố cho nổ bom nhắm vào chiếc USS Cole của Hoa Kỳ đậu ở cảng Aden của Yemen, gây thiệt mạng cho 17 người và làm bị thương 39 người. Đây là lần thứ hai tàu chiến Hoa Kỳ bị khủng bố Hồi Giáo tấn công. Chiếc tàu thứ nhất là chiếc USS Stark bị hỏa tiễn của Iraq bắn năm 1987 làm cho 37 người trên tàu chết và 21 người khác bị thương.

Chiến tranh Iraq-Iran làm cho cả hai nước đều bị khủng hoảng tài chánh. Saddam Hussein mượn tiền vua Kuwait là Jahìr III không được bèn lấy cớ là Kuwait hút dầu nằm trên lãnh thổ phía nam Iraq để xâm chiếm Kuwait. Kuwait là một quốc gia nhỏ nhưng sản xuất gần 20% tổng số lượng dầu lửa sản xuất trên thế giới. Tổng thống Bush I áp lực cho Saddam Hussein rút quân khỏi Kuwait. Saddam tỏ ra không nao núng trước áp lực của Hoa Kỳ. Đầu năm 1991 một liên minh quân sự gồm 34 quốc gia đặt dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ đánh đuổi quân Iraq ra khỏi Kuwait. Đó là sự thành công to lớn của Hoa Kỳ sau chiến tranh Việt Nam. Trong 34 quốc gia tham gia chiến tranh, được gọi là Bão Tố Sa Mạc nầy, có 11 quốc gia Hồi Giáo (Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Morocco, Syria, Saudi Arabia, Barhain, Oman, Qatar, Kuwait, Bangladesh). Đó là một thắng lợi quân sự và cũng là một thắng lợi ngoại giao của tổng thống Bush I đối với các quốc gia Hồi Giáo vì Iraq cũng là quốc gia Hồi Giáo, nơi đa số dân theo Hồi Giáo Shiite nhưng lãnh tụ Saddam Hussein theo Hồi Giáo Sunni. Mặc dù vậy nó không giúp cho tổng thống Bush I tái đắc cử năm 1992 trước Bill Clinton vì kinh tế Hoa Kỳ sau bốn năm cầm quyền của ông không có dấu hiệu tiến triển. Đã vậy ông còn bị ông Perot đồng đảng Cộng Hòa phá mất 19% phiếu bầu.

Tổng thống Bush II vừa nhậm chức chưa đầy tám tháng thì Hoa Kỳ bị khủng bố cướp máy bay tấn công World Trade Center, Ngũ Giác Đài (Bộ Quốc Phòng) ngày 11-09-2001. Tháp đôi World Trade Center sụp đổ, một phần của Ngũ Giác Đài bị thiệt hại; 3000 người chết không để lại dấu vết. Tổng thống Bush II và phó tổng thống Cheney được xem là những nhà lãnh đạo bảo thủ và cứng rắn, cương quyết thẳng tay trừng phạt quốc gia nào chủ trương hay chứa chấp khủng bố bằng cách xâm phạm lãnh thổ, gây tổn hại nhân mạng và tài sản vật chất của Hoa Kỳ. Afghanistan bị quân Hoa Kỳ và NATO tấn công (2001). Chánh quyền Taliban sụp đổ. Pakistan vốn thân thiện với Taliban miễn cưỡng tỏ ra "tử tế" với Hoa Kỳ bằng cách cho phi cơ Hoa Kỳ dùng phi trường trên lãnh thổ họ. Nhưng Hoa Kỳ và NATO không bắt hay giết chết Osama Bin Laden và lãnh tụ Omar của Taliban. Quân Taliban bị đánh tan nhưng không đầu hàng.

Khủng bố Al Qaeda cho nổ bom tại nhà ga xe lửa Madrid khiến chánh phủ Tây Ban Nha thất cử. Chánh phủ Xã Hội lên thay, tuyên bố rút quân Tây Ban Nha ở Afghanistan về nước! Đến năm 2011 Osama Bin Laden bị giết chết trên lãnh thổ Pakistan. Thì ra trùm khủng bố sống an lành từ lâu ở Pakistan chớ không phải ở hang động núi Tora Bora gì cả. Chẳng những vậy, vị bác sĩ Pakistan cộng tác với Hoa Kỳ trong việc cung cấp tin tức về Osama Bin Laden bị chánh phủ Pakistan hạ ngục, vẫn biết rằng hàng năm Hoa Kỳ viện trợ cho Pakistan hàng tỷ Mỹ kim nhưng Pakistan và cả chánh quyền Karzai của Afghanistan do Hoa Kỳ yểm trợ không ngớt lên án hoạt động máy bay không người lái của Hoa Kỳ dọc theo biên giới hai nước vì "giết hại thường dân".

Nguyên nhân cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 hơi khó hiểu và bị các quốc gia Đồng Minh của Hoa Kỳ trong NATO như Pháp và Đức cực lực phản đối. Vì Nga, Pháp, Đức có quyền lợi giao dịch với Saddam Hussein? Vì Saddam có võ khí hóa học? Những cuộc thanh tra của Liên Hiệp Quốc xác nhận không có. Từ năm 1981 Do Thái oanh tạc nhà máy nguyên tử của Iraq dưới chân núi. Như vậy Iraq cũng không có võ khí nguyên tử. Vì các giếng dầu hỏa? Giá dầu ở Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Bush II vào mùa hè năm 2008 lên đến 4,50 Mỹ kim sau khi chiếm được Iraq! Vì cần tạo vòng đai an ninh bảo vệ Do Thái? Iraq chỉ tham dự chiến tranh chống Do Thái thời lập quốc. Khác với quốc gia Hồi Giáo  tham chiến khác, Iraq không ký một hiệp ước nào với Do Thái cả. Saddam Hussein không ưa gì Osama Bin Laden, nhưng lại cười khoái trá trước cảnh khủng bố 11-09-2001. Saddam Hussein từng là bạn rồi thù của Hoa Kỳ. Sau khi bị Hoa Kỳ và liên quân 34 nước đánh đuổi ra khỏi Kuwait năm 1991, Saddam Hussein âm mưu cho người ám sát tổng thống Bush I, ân nhân của vương quốc Kuwait và nước Đức thống nhất trước đó.

Saddam Hussein bị lật đổ. Nhóm Shiite từng ủng hộ Iran đồng đạo và đồng phái trong chiến tranh Iran-Iraq lên cầm quyền. Khủng bố dùng sự hiện diện của quân Anh - Hoa Kỳ để tuyên truyền và hoạt động sau khi mất địa bàn huấn luyện ở Afghanistan. Cuộc chiến tranh Iraq vừa không được dư luận quốc tế tán đồng như cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan, vừa đẫm máu lại vừa tốn kém. Cuối năm 2011 Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Iraq. Trong cuộc nổi dậy đẫm máu và dai dẳng ở Syria, có tin Iran vận chuyển võ khí giúp cho tổng thống Assad đánh dẹp phe chống đối qua không phận Iraq. Lại có tin Trung Hoa Cộng Sản lăm le vào khai thác dầu hỏa ở Iraq. Nếu hai tin nầy đúng thì Hoa Kỳ phí công lật đổ Saddam Hussein, đánh dẹp nhóm khủng bố hay nhóm quá khích chống chánh quyền Hồi Giáo Shiite thời hậu Saddam, huấn luyện cho quân đội của chánh quyền mới để Iran và Trung Hoa Cộng Sản hưởng lợi!

Khủng bố Hồi Giáo luôn luôn nhắm vào các tòa đại sứ Hoa Kỳ để tấn công như vụ nổ ở Jeddah, Saudi Arabia năm 2004; Belgrade, Serbia năm 2008; Sanara, Yemen năm 2011; Kabul, Afghanistan năm 2011. Từ năm 2005 về sau Taliban tái hoạt động dọc theo biên giới Pakistan-Afghanistan. Ở Pakistan có hoạt động khủng bố của nhiều nhóm Hồi Giáo cực đoan khác nhau và nhóm Taliban Pakistan. Taliban phục kích và tấn công NATO hay đột kích, đốt phá xe tiếp tế nhiên liệu của Hoa Kỳ hay NATO. Hoa Kỳ hứa sẽ rút quân vào năm 2014. Anh tuyên bố rút quân vào năm 2013. Pháp có thể rút quân trước. Viễn ảnh chiến thắng không rõ ràng. Hoa Kỳ đồng ý thương thuyết với Taliban, nhưng Taliban thấy được yếu điểm của dư luận Hoa Kỳ và sự yếu thế của chánh quyền Karzai nên không quan tâm đến thương thuyết mà chỉ nghĩ đến việc nắm chánh quyền bằng bạo lực như họ đã làm. Taliban dùng sự khủng bố để tách rời dân chúng ra khỏi chánh quyền Karzai và Hoa Kỳ, NATO. Họ vận động quân sĩ trong chánh phủ Karzai, bắn quân sĩ và sĩ quan Hoa Kỳ hay NATO gây sự khiếp sợ cho dư luận Hoa Kỳ và các nước Âu Châu có quân chiến đấu ở Afghanistan. Liệu Taliban chịu ra tranh cử vào năm 2014 không? Liệu chánh quyền do Karzai lãnh đạo với sự yểm trợ của Hoa Kỳ đứng vững sau khi Hoa Kỳ và NATO rút khỏi Afghanistan hay không? Hay nó sẽ sụp đổ như Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1975? Nếu chuyện nầy xãy ra thì CHNDTQ và Pakistan là hai nước hưởng lợi. CHNDTQ khai thác quặng mõ và mở đường xuống Ấn Độ Dương để bao vây Ấn Độ. Cơ hội dòm ngó các giếng dầu Trung Đông và lục địa Phi Châu gặp nhiều thuận lợi cho CHNDTQ.

Cuộc Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập không mang dân chủ cho các nước Hồi Giáo Bắc Phi và Trung Đông. Nó cũng không có lợi gì cho Hoa Kỳ. Sự thắng cử của Morsi của Huynh Đệ Hồi Giáo ở Ai Cập cho thấy Hoa Kỳ tiếp tay (dù trực tiếp hay gián tiếp, bằng hành động hay bằng lời) lật đổ nhà độc tài Mubarak thân Hoa Kỳ để có một Morsi chống Hoa Kỳ nhưng Hoa Kỳ vẫn phải viện trợ như đã viện trợ cho Mubarak trước kia. Nhà độc tài Qadafi bị lật đổ với sự tiếp tay của Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Những thành phần chống Qadafi có lý lịch phức tạp khác nhau kể cả lý lịch khủng bố. Chánh quyền hậu Qadafi không chống khủng bố hữu hiệu bằng Qadafi và không bảo đảm đường lối của họ có lợi cho Hoa Kỳ ngoài việc nhận viện trợ Hoa Kỳ. Vụ tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Benghazi bị tấn công suốt bảy giờ đồng hồ làm chết bốn người Hoa Kỳ, trong đó có đại sứ Chris Stevens cho thấy nhóm Hồi Giáo cực đoan có môi trường hoạt động sau cái chết của nhà độc tài Qadafi.

Năm 2008 dân chúng Hoa Kỳ trao ghế tổng thống cho Barak Hussein Obama với hai hy vọng chánh yếu:

1- Chấn hưng kinh tế suy kiệt.

2- Hàn gắn sự cảm thông giữa Hoa Kỳ và thế giới Hồi Giáo vì Obama có nhiều gần gũi với Hồi Giáo. Ông nội, cha, chồng chắp nối của mẹ ông theo đạo Hồi, nhưng theo tài liệu ông là tín hữu Tin Lành. Ông từng sống và học tiểu học ở Indonesia, quốc gia có số tín đồ Hồi Giáo cao nhất thế giới. Tổng thống Obama có vẻ được lòng các quốc gia Hồi Giáo và dư luận Liên Âu nhưng khủng bố quốc tế không có dấu hiệu triệt tiêu sau khi Osama Bin Laden bị SEAL giết chết trên lãnh thổ Pakistan. Những người bảo thủ cực hữu Hoa Kỳ cho rằng ông chống đấng Christ, xem thường giá trị truyền thống Hoa Kỳ với những chủ trương cấp tiến chống lại tư bản chủ nghĩa, bất thân thiện với Anh và Do Thái mặc dù đài BBC hay hảng thông tấn Reuters Anh luôn luôn tạo dư luận thuận lợi cho ông.

Sau bốn năm cầm quyền, nợ quốc gia lên 6.100 tỷ Mỹ kim so với 4.800 tỷ sau tám năm cầm quyền của tổng thống Bush II. Tổng số nợ mà Hoa Kỳ đang có trên 16.000 tỷ Mỹ kim. Hai chủ nợ lớn nhất là CHNDTQ và Nhật Bản. Hoa Kỳ không còn là quốc gia giàu nhất thế giới mà là quốc gia mang nhiều nợ nhất thế giới.

Uy thế của Hoa Kỳ trong thế giới Hồi Giáo xuống thấp với những cuộc tấn công nhắm vào lãnh thổ Hoa Kỳ (World Trade Center, Ngũ Giác Đài), tàu Hoa Kỳ, tòa đại sứ Hoa Kỳ và thậm chí giết chết cả đại sứ Hoa Kỳ (Chris Stevens); biểu tình xâm nhập tòa đại sứ Hoa Kỳ, xé và đốt cờ nước nầy; liệng giày vào tổng thống Bush II; tổng thống Iran và Venezuela dùng diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại New York để chửi Mỹ; nhiều lần Do Thái bị Iran đe dọa xóa trên bản đồ v.v.

Hoa Kỳ tiếp tay (dù bằng hành động hay bằng lời) lật đổ những lãnh đạo quân nhân thân Hoa Kỳ ở Ai Cập và Yemen. Hoa Kỳ có vẻ rơi vào thế bị động và vòng lẩn quẩn trong sách lược ngoại giao với các nước Hồi Giáo. Ai Cập, Pakistan chống đối Hoa Kỳ ra mặt. Chánh quyền Karzai, chánh quyền Iraq thời hậu Saddam, chánh quyền Libya thời hậu Qadafi không làm lợi cụ thể cho Hoa Kỳ, trái lại đôi khi còn chống đối và gây thiệt hại tiền bạc và nhân mạng cho Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ phải viện trợ hàng năm cho các nước nói trên hàng tỷ Mỹ kim! Dù nhận viện trợ Hoa Kỳ, Pakistan vẫn có truyền thống thân CHNDTQ, quốc gia không thân thiện với Ấn Độ mà Pakistan không ưa thích vì còn tranh chấp nhau về vấn đề Kashmir. Huynh Đệ Hồi Giáo có thể có cảm tình với CHNDTQ hơn là Nga và Hoa Kỳ, hai cường quốc Da Trắng theo đạo Christ (Chính Thống Giáo, Tin Lành, Thiên Chúa Giáo, Anh Quốc Giáo). Iraq và Afghanistan sau năm 2014 có phải là địa bàn khai thác quặng mỏ và á phiện (?) của CHNDTQ không? Trong tình thế hiện tại Iran nghiêng theo Nga và CHNDTQ để ngăn chận sự tấn công của Do Thái và Hoa Kỳ vì Iran không từ bỏ ý định sản xuất bom nguyên tử mặc dù nước nầy luôn luôn cho rằng họ chỉ dùng nguyên tử năng vào mục tiêu hòa bình.

Nga, Hoa Kỳ và cả Trung Hoa Cộng Sản đều có những khó khăn về vấn đề Hồi Giáo.

Nga trải qua một cuộc chiến tranh do người Hồi Giáo ở Chechenya gây ra. Cuộc chiến nầy làm cho Yeltsin lo sợ vì trước đó không lâu Liên Sô phải rút quân ra khỏi Afghanistan, một quốc gia Hồi Giáo. Giới lãnh đạo Nga bắt đầu có óc chủ bại đến nỗi chánh khách phản chiến được đề cao. Nhưng Putin đã chấm dứt tinh thần chủ bại đó mặc dù hiện nay khủng bố Hồi Giáo thỉnh thoảng vẫn cho nổ bom ở các thành phố lớn ở Nga.

Trung Hoa Cộng Sản chiếm Xinjang (Tân Cương), nơi cư dân đều theo Hồi Giáo. Họ đã dùng biện pháp sắt thép để duy trì an ninh trật tự nên cho đến nay vấn đề Hồi Giáo chưa có tầm quan trọng to lớn như vấn đề Tibet (Tây Tạng) đối với Beijing (Bắc Kinh).

Úc là một nước rộng lớn nhưng thưa dân. Đa số dân đều tập trung ở các cảng nằm trên bờ biển. Nội địa có khí hậu khắc nghiệt và rất ít người cư trú. Thủ tướng Úc minh định rõ lập trường của Úc đối với những người nhập cư Hồi Giáo rằng nước Úc là quốc gia của người Da Trắng nói tiếng Anh và thờ đấng Christ. Úc tôn trọng các tôn giáo khác nhưng không thể chấp nhận áp lực của bất cứ tôn giáo nào đòi Úc phải áp dụng luật của tôn giáo ấy vào nước Úc hữu thần, thờ đấng Christ nhưng theo luật pháp thế tục do các nhà lập pháp soạn ra. Ai không chấp nhận như vậy thì cứ tự nhiên rời khỏi Úc để đến nơi nào mà họ có thể sống và duy trì tiếng nói, tôn giáo và tập tục riêng của mình và đòi nơi đó theo luật tôn giáo của mình!

Hoa Kỳ, Âu Châu, Nga đang bối rối về vấn đề người Hồi Giáo thì CHNDTQ là quốc gia điềm nhiên tọa hưởng thành quả của sự va chạm văn hóa và tôn giáo giữa các nước Hồi Giáo và các nước Tây Phương. Vào thập niên 1960 Mao Zedong (Mao Trạch Đông) muốn thấy một cuộc xung đột võ trang giữa Liên Sô và Hoa Kỳ để nắm quyền lãnh đạo thế giới. Chuyện nầy không xãy ra mặc dù Mao không ngớt cho rằng Hoa Kỳ là Cọp Giấy để khích tướng Khrushchev. Bây giờ CHNDTQ hưởng lợi không ít trong sự va chạm nẩy lửa giữa Hoa Kỳ, Âu Châu và thế giới Hồi Giáo quanh vấn đề Do Thái - Palestine và những chuyện lặt vặt như hí họa của họa sĩ Đan Mạch về giáo chủ Hồi Giáo, vụ đốt kinh Qran hay phim Innocence of Muslims v.v.  Liệu Hoa Kỳ giữ vững địa vị siêu cường lãnh đạo thế giới một khi:

– Địa vị lãnh đạo của người Anglo Saxon bị lung lay khi tỷ lệ người da màu gốc Phi Châu, Latinos, Á Châu kể cả Trung Đông ngang hàng hay cao hơn người Da Trắng?
– Óc hưởng thụ thái quá và chủ nghĩa tự do phóng túng của người Hoa Kỳ đạt đỉnh cao của nó?
– Nền dân chủ bị lợi dụng và lạm dụng để Hoa Kỳ bị các đối thủ đưa vào thế gậy ông đập lưng ông?

Sự hưng, suy của một con người tùy vào cái HẠNH của người đó.

Vận hưng, suy của một quốc gia tùy vào ĐỨC ĐỘ, PHONG CÁCH và HÙNG TÂM của tập thể dân tộc của nước ấy.

Quốc gia như một con người. Có lúc mạnh, có lúc yếu. Có lúc hưng, có lúc suy. Vạn vật luôn luôn biến đổi. Người mạnh nào cũng có thể bị bịnh để đi đến con đường mà ai cũng phải đến. Người khôn ngoan biết giữ gìn sức khỏe thì được trường thọ nhưng đến thời gian nào đó rồi cũng rơi vào qui luật thông thường của vũ trụ. Con voi không thể thua con kiến. Nhưng bị kiến cắn thì voi đau nhức và mất sức dần dần. Nếu trong bụng có thêm trùng lãi thì sự kiệt sức càng nhanh hơn vì bị bịnh ngoài da lẩn bịnh nội tạng dầy vò. Chiếc xe có sườn tốt, sơn tốt chưa được xem là chiếc xe tốt nếu không có máy tốt. Sức mạnh vật chất rất cần nhưng không đủ. Nó cần thêm sức mạnh tinh thần thì sức mạnh mới trọn vẹn. 

Sự giao tiếp và đương đầu của Hoa Kỳ với các nước Hồi Giáo khó khăn và phức tạp hơn đương đầu với Liên Sô trong chiến tranh lạnh vì có sự pha lẫn màu sắc tôn giáo về phía các nước Hồi Giáo trong lúc uy lực kinh tế-tài chánh của Hoa Kỳ sụt giảm trước sự vươn lên của CHNDTQ. Hy vọng Hoa Kỳ vượt qua những phức tạp trên để tìm lại địa vị xứng đáng đã có trong cộng đồng thế giới.

 

Phạm Đính Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2012