Nguyễn Trung
Hải quân Trung Quốc bành trướng thế lực
Sinh nhật 60 năm
Vào cuối tháng 4 vừa qua, nhân dịp kỷ niêm sinh nhật 60 năm thành lập Lực Lượng Hải quân Giải Phóng Nhân Dân (PLAN: Peoples’s Liberation Army Navy), Trung Quốc đã tổ chức một cuộc diễn binh của hải quân ở Thanh Đảo, hải cảng quân sự của Bắc Hải Hạm Đội Trung Quốc. Cuộc diễn binh đã xảy ra trên biển cách bến cảng khoảng 20 cây số dưới sự hiện diện của một số quan khách quốc tế chọn lọc được mời dự khán trên một chiếc tàu dành riêng cho quan khách của quốc gia tổ chức.
Trung Quốc đã huy động 25 tàu chiến của ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải cùng 31 phi cơ. Trung Quốc cũng đã trình diễn 4 tàu ngầm trong đó có 2 tàu ngầm nguyên tử Trường Chinh 3 và Trường Chinh 6, cùng lúc giới thiệu tàu sân bay mới (chỉ dành cho máy bay trực thăng) với những thiết bị thích hợp cho các công tác cấp cứu trên biển. Trong thảm họa sóng thần cách đây vài năm, chỉ có hải quân Mỹ có khả năng đưa loại tàu trên vào công tác cấp cứu. Ngoài các tàu chiến Trung Quốc, còn 21 tàu chiến của các quốc gia được mời tham dự vào cuộc diễn binh trong đó có Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nam Hàn, Pakistan, Thái Lan, Singapore, Mexico, Brazil, Úc và Pháp. Trong số tàu này có khu trục hạm USS Fitzgerald của Đệ Thất Hạm Đội Mỹ. Nhật chỉ gởi một sĩ quan cao cấp đại diện đến tham dự. Có thể nói đây là cuộc phô trương lần đầu tiên ở một tầm mức lớn để nói lên sự quyết tâm phát triển của quân lực Trung Quốc. Trong tháng 10 năm 2008 Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc đại diễn binh tại Bắc Kinh với các dàn pháo, hỏa tiễn, phi cơ và xe tăng được chế tạo tại Trung Quốc.
Trung Quốc xem cuộc diễn binh hải quân như dấu ấn của sư phục hồi sức mạnh hải lực của một cường quốc đang hình thành, tiếp nối truyền thống vào khoảng năm 1400 đời nhà Minh (1368 – 1644) Trung Quốc có hạm đội lớn vào lúc bấy giờ, vượt hơn cả các quốc gia Âu châu có truyền thống hàng hải như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Hà Lan. Theo các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự bành trướng sức mạnh của hải quân là một yếu tố hợp lý song song với việc phát triển kinh tế. Trung Quốc càng ngày càng có nhiều hơn các quyền lợi có tính cách chiến lược trên thế giới. Một trong những quyền lợi này là sự vận chuyển dầu và nhiên liệu cần thiết bằng đường biển từ Phi châu hay Trung Đông cho vấn đề phát triển kinh tế. Trung Quốc đã nhấn mạnh vào điểm: Cũng như các cường quốc khác, Trung Quốc có quyền phát triển sức mạnh của hải quân để bảo vệ các quyền lợi chiến lược của mình. Ở điểm này có thể hiểu rằng hải quân Trung Quốc không chỉ bảo vệ biên giới lãnh hải của mình mà còn bảo vệ luôn cả biên-giới-quyền-lợi của mình trên biển.
Sự vươn lên của hải lực Trung Quốc
Hải quân Trung Quốc tuy còn lâu mới có thể so sánh sức mạnh với hải quân Mỹ nhưng đã được xem mạnh ngang hàng với hải quân Nhật. Quân lực của Trung Quốc nói chung, gồm khoảng trên 2 triệu quân cùng các vũ khí trang bị, có thể được xem là quân lực lớn nhất trên thế giới. Nhưng phần lớn quân đội vẫn còn được trang bị và huấn luyện lạc hậu. Ý thức rất rõ điều đó, Trung Quốc quyết định tổ chức cũng như hiện đại hóa quân đội theo mô thức ‘nhỏ hơn nhưng có sức mạnh trội vượt’ và do đó đã đổ hàng tỉ Mỹ kim để đầu tư vào kế hoạch trên với các tàu chiến, phi cơ, hỏa tiễn. Ngay cả nhân lực phục vụ cho quân đội cũng được chế độ lương bổng và hộ khẩu khá hơn.
Vào năm vừa qua, ngân quỹ quốc phòng của Trung Quốc đã tăng đến 17,8% (khoảng 35 tỉ Âu kim). So sánh với Mỹ, tuy chưa đến 10% ngân sách quốc phòng của nước này, con số trên được xem là kỷ lục cho đến nay. Theo các quan sát viên Mỹ, con số thật sự của ngân sách quốc phòng Trung Quốc lớn hơn gấp ba lần con số được chính thức công bố bởi vì các chi tiêu của các đại xí nghiệp của quân đội đều được bảo mật. Kể từ năm 1980, số tàu chiến của Trung Quốc đã gia tăng gấp 5 lần, tổng cộng khoảng hàng trăm chiếc với khoảng 300.000 quân được chia làm ba hạm đội: một ở miền Nam, một ở miền Đông và một ở miền Bắc Trung Quốc.
Ngoài việc gia tăng số lượng của các chiến hạm, các tàu tuần tiễu trên biển, các tiềm thủy đĩnh tối tân hơn, các tàu sân bay là niềm mong ước của các cấp lãnh đạo hải quân. Chính họ đã tích cực vận động với chính phủ ở Bắc Kinh để có thể nhận được ngân sách lớn cho mục tiêu trên. Nhà nước Trung Quốc đã bật đèn xanh cho việc việc hình thành các tàu sân bay trong tương lai. Mục tiêu hải quân Trung Quốc nhắm đến là vấn đề blue water capacity (khả năng có thể hành quân và hoạt động xa các hải cảng hậu phương – như trường hợp Đệ Thất Hạm Đội của Mỹ).
Các mục tiêu chiến lược quan trọng của Trung Quốc
Trung Quốc từ nhiều năm nay muốn giảm bớt áp lực của Mỹ và Nhật trong vùng biển Thái Bình Dương, nơi được Trung Quốc xem là phải thuộc khu vực ảnh hưởng của mình. Khu vực này bao gồm cả Đài Loan và các quần đảo, với tiềm năng các túi dầu và khí đốt nằm bên dưới đáy biển. Trầm trọng hơn, Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến lược nhằm xác lập và củng cố thế lực ở vùng biển Đông, nơi Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và 4 quốc gia khác trong vùng. Về mặt quân sự, Trung Quốc tăng cường thế lực của Hạm Đội Nam Hải, các tàu tuần tiễu đã thường xuyên hiện diện trong vùng. Một cơ quan hành chánh đã được nhà nước Trung Quốc thành lập để đặc trách tất cả các vấn đề liên hệ đến biển Đông. Ngoài ra Trung Quốc cũng muốn thoát khỏi sự theo dõi các cuộc diễn tập của tiềm thủy đĩnh Trung Quốc do các tàu dọ thám của Mỹ trong vùng biển gần đảo Hải Nam, nơi Trung Quốc có một căn cứ tàu ngầm.
Với các tàu ngầm mới có khả năng phóng các hỏa tiễn tầm xa, Trung Quốc có thể tấn công hai căn cứ Mỹ quan trọng ở Thái Bình Dương là Guam và Hawaii. Cũng như hải quân của Mỹ và Nga, hải quân Trung Quốc cũng có khả năng tặng đối thủ ‘vố thứ hai’ trong trường hợp chiến tranh nguyên tử nếu các vũ khí nguyên tử trên lục địa đã bị loại khỏi vòng chiến.
Đối với Ấn Độ, Trung Quốc cũng thực hiện việc chạy đua vũ khí. Ấn Độ cũng là quốc gia Á châu đang phát triển kinh tế, là quốc gia có vũ khí nguyên tử, đang phát triển khoa học không gian và cũng đang xây dựng một thế lực hải quân mạnh trên vùng Ấn Độ Dương. Trung Quốc vẫn giữ liên hệ ngoại giao tốt với Bắc Hàn, đã đẩy mạnh thêm các liên hệ ngoại giao chặt chẽ với Pakistan (cũng là một quốc gia Á Châu có vũ khí hạt nhân) và xây một hải cảng ở quốc gia này để hổ trợ các hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển Á Rập.
Thế kỷ Thái Bình Dương.
Việt Nam là một quốc gia nằm dọc theo bờ Thái Bình Dương, chịu ảnh hưởng của hai nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ. Một số các nhà nghiên cứu và báo chí Tây Phương đã dự báo thế kỷ thứ 21 sẽ là thế kỷ của Thái Bình Dương. Dự đoán này mang ý nghĩa tích cực hay tiêu cực trong chiều hướng nhân văn, hòa bình và thịnh vượng chung hay không thì phải chờ thời gian trả lời. Sự kiện Bắc Hàn thử nghiệm bom nguyên tử và hỏa tiễn, tình trạng căng thẳng giữa Nam và Bắc Hàn, việc Mỹ đã gởi thêm 10 chiến đấu cơ F22 đến Nhật với lý do ‘bảo vệ an ninh trong vùng’, việc Trung Quốc lấn chiếm lãnh hải Việt Nam và tranh chấp với một số quốc gia đã thúc đẩy tình trạng trong vùng phát triển theo chiều hướng nóng và căng thẳng hơn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đang là một quốc gia độc tài với khủng hoảng văn hóa xã hội. Điều nghiêm trọng hơn là các lãnh đạo nhà nước hiện nay sẵn sàng hy sinh quyền lợi tối thượng của đất nước cho quyền lợi cục bộ củng cố thế lực của đảng cộng sản. Hành động dâng đất dâng biển cho Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải cũng đã gây nhiều bất mãn trong chính giới quân đội và sinh viên học sinh. Do đó việc đòi hỏi và đấu tranh cho tự do dân chủ còn mang ý nghĩa quan trọng trong một chiều kích sâu sắc hơn: Tiếp nối cha ông bảo tồn độc lập và tự chủ của đất nước và dân tộc.
Nguyễn Trung