Nguyễn Trung


Giải Nobel Hòa Bình năm 2008

 

Sự lựa chọn của Ủy Ban Giải Nobel để trao giải Nobel Hòa Bình năm 2008 cho ông Martti Ahtisaari, một trong 197 nhân sĩ được đề cử cho giải này, đã là sự ngạc nhiên cho nhiều người. Trước hết năm 2008 là năm kỷ niệm 60 năm công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Nhiều cơ quan thông tấn quốc tế như AFP, AP, DPA cùng báo chí và một số kênh truyền hình thế giới đã tiên đoán đó là lý do để giải Nobel năm nay sẽ được trao cho các nhân vật có thành tích đấu tranh trong lãnh vực nhân quyền. Một số nhân vật tên tuổi trong lãnh vực đấu tranh nhân quyền liên hệ đến tự do dân chủ và sinh hoạt tôn giáo như ông Hu Jia ở Trung Quốc, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ của Việt Nam hay bà Lidia Yusupova ở Nga đã đuợc xem là một trong những người có nhiều cơ hội nhận giải Nobel Hòa Bình năm 2008. Hơn nữa giải Nobel Hòa Bình trong những năm vừa qua đã được trao cho các nhân vật đấu tranh bảo vệ môi sinh hay những người tranh đấu cho nhân quyền. Sau hết tên ông Martti Ahtisaari không được nhắc nhở nhiều trong danh sách những người được xem là có nhiều cơ hội đoạt giải. Với quyết định trao giải Nobel Hòa Bình năm 2008 cho ông Ahtisaari, Ủy Ban Nobel đã quay về truyền thống như ông Alfred Nobel mong muốn khi nghĩ ra các giải thưởng Nobel vào năm 1895: trao giải Nobel Hòa Binh cho những người có khả năng và thành tích hòa giải các tranh chấp nóng bỏng nhằm chấm dứt hay ngăn chận chiến tranh xảy ra trên thế giới. Ông Martti Ahtisaari, cựu tổng thống nước Phần Lan, đã nhận được giải Nobel Hòa Bình 2008 với thành tích do Ủy Ban Giải Nobel công bố: “Trên các lục địa khác nhau và hơn ba thập niên qua ông đã nỗ lực để đem lại hòa bình”.

Ông Martti Ahtisaari sinh vào ngày 23 tháng 6 năm 1937. Có thể quê hương Phần Lan của ông đã góp phần tạo nên khả năng và nhân cách đặc biệt của ông để ông có thể đảm nhận vai trò hòa giải. Phần Lan là quốc gia trung lập, là thành viên của tổ chức Liên Hiệp Âu Châu nhưng không là thành viên của khối NATO. Thành phố sinh quán của ông, Viipuri, sau đó trở thành vùng đất thuộc Nga, đã làm ông chú ý nhiều đến các vấn đề quốc ngoại ngay từ khi ông còn bé. Ông tốt nghiệp ngành sư phạm và đảm trách các công tác phát triển. Năm 1965 ông nhận được việc làm ở bộ Ngoại Giao, nơi ông bắt đầu sự nghiệp ngoại giao sau này. Khi vấn đề tranh chấp ở Namibia xảy ra, ông đang là đại sứ của Phần Lan ở Tanzania. Ông Ahtisaari đã từng hòa giải trong suốt thời gian mười ba năm giữa các người cầm quyền của Nam Phi và kháng chiến quân của xứ Namibia cho đến khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1990. Tên tuổi ông được thế giới biết đến nhiều hơn sau này khi ông giữ vai trò hòa giải ở các vùng tranh chấp trầm trọng khác như Atjeh, Kosovo, Bắc Ái Nhĩ Lan, Bosnia, Do Thái, các vùng ở Phi Châu.

Vào năm 1994, trong khi ông còn đang thương thuyết giữa các phe đối đầu nhau ở Bosnia, ông trở thành tổng thống Phần Lan (1994 - 2000). Một năm sau khi ông đắc cử tổng thống, Phần Lan trở thành thành viên của Liên Âu. Qua Liên Hiệp Âu Châu, ông được đề cử thương thuyết với tổng thống Milosevic của Servia trong vấn đề Kosovo (lúc bấy giờ đã bị quân đội NATO dội bom). Ông đã thành công thuyết phục tổng thống Milosevic chấp nhận các điều kiện của khối NATO và do đó chấm dứt chiến tranh ở Kosovo. Vào năm 2000, ông đã thành lập tổ chức Crisis Management Initiative chuyên đảm nhận vai trò hòa giải quốc tế. Theo lời ông, chưa có một tranh chấp nào mang tầm vóc quốc tế mà một phe tranh chấp không mời gọi đến tổ chức của ông. Vốn là một người khiêm nhường, lời tuyên bố trên của ông được xem là sự kiện xác thực.

Sau khi thành công thương thuyết về vấn đề Kosovo, ông được mời đến Bắc Ái Nhĩ Lan để giúp tổ chức IRA giải giới. Vào năm 2005 ông đã được mời giữ vai trò hòa giải giữa Nam Dương và Atjeh. Nhờ đóng góp của ông, sự xung đột kéo dài trong hơn 15 năm đã chấm dứt. Sau thành công này ông đã được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình lần đầu. Tuy nhiên, những cuộc thương thảo về qui chế của Kosovo sau đó đã không mang lại nhiều thành công. Sau hai năm thương thuyết giữa Servia và Kosovo, ông đã đi đến kết luận vào tháng ba năm 2007 rằng cả hai phe không thể nào đạt được đồng thuận. Chính ông đã đưa ra kế hoạch cho Liên Hiệp Quốc đề nghị Kosovo được độc lập vởi những điều kiện ràng buộc và đặt dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc cùng sự bảo đảm cho những người thiểu số Servia đang sinh sống ở Kosovo. Nga không đồng ý với kế hoạch này và đã sử dụng quyền phủ quyết ở Liên Hiệp Quốc. Vào tháng hai năm nay Kosovo tuyên bố độc lập và được 50 quốc gia trên thế giới công nhận. Liên Hiệp Quốc và Nga không công nhận sự độc lập này. Biến cố này là nguyên nhân đưa đến việc Nga đã sử dụng sự kiện trên để tuyên bố độc lập cho vùng Nam Ossetia và Abchazia trong cuộc chiến tranh ngắn với Gruzia (Georgia) vừa qua. Đây cũng là lý do làm nhiều người ngạc nhiên khi ông được lãnh giải Nobel trong thời điểm này. Tuy nhiên có thể nói việc ông Ahtisaari được chọn lãnh giải Nobel Hòa Bình năm 2008 đã làm những người đấu tranh cho nhân quyền ở Trung Quốc và Việt Nam lỡ một cơ hội để có thể làm thế giới chú ý nhiều hơn về tình trạng đàn áp nhân quyền trong nước hiện nay, đồng thời nó cũng cho phép các chính quyền độc tài Trung Quốc và Việt Nam tạm thời thở phào nhẹ nhõm.

Cựu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã nói về ông Ahtisaari như sau: “Ông là người độc nhất tôi được biết đã mang lại hòa bình cho ba lục địa Phi Châu, Á Châu và Âu Châu. Tôi luôn thấy ông sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi để làm cho thế giới trở thành một nơi chốn tốt đẹp hơn.” Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng ba năm nay khi nhận giải thưởng Geuzenpenning (1) ở Hà Lan, ông Ahtisaari nói về sự kiện ông được lãnh nhiều giải thưởng của nhiều quốc gia khác nhau do các thành quả ông đạt được: “Có lẽ mọi người cũng nhận thấy rằng tôi đã già quá rồi và tốt hơn hết họ nên phát giải thưởng cho tôi ngay bây giờ trước khi quá trễ.”

 

Nguyễn Trung

_______

(1) Geuzenpenning là giải thưởng được phát hàng năm ở Hà Lan cho các nhân sĩ hay các tổ chức đã nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ chống lại sự độc tài, kỳ thị chủng tộc và đối xử phân biệt.

 


Cái Đình - 2008 .