Phạm Đình Lân


Được và mất trong phong trào quần chúng nổi dậy ở Bắc Phi và Trung Đông?

 

Cách mạng Hoa Lài phát xuất từ Tunisia, một cựu thuộc địa Pháp thu hồi độc lập vào năm 1956. Từ ngày độc lập đến năm 2011 nước này chỉ có hai nhà lãnh đạo mà thôi. Tổng thống Habib Bourguiba (1903-2000) cầm quyền từ năm 1956 đến 1987 thì rời ghế tổng thống trong một cuộc đảo chánh không đổ máu: các bác sĩ cho rằng tổng thống Bourguiba không còn sức khỏe để cầm quyền. Thủ tướng Zine El Abidine Ben Ali thay thế Bourguiba làm tổng thống từ đó cho đến khi cách mạng Hoa Lài bùng nổ (2011).

Nguyên nhân của cách mạng không ngoài những nguyên nhân thông thường như kinh tế suy sụp, xã hội bất công, tham những thối nát, chế độ độc tài, gia đình trị, lạm dụng quyền thế của người lãnh đạo và giới cầm quyền. Đệ nhất phu nhân Tunisia, bà Leila Trabelsi (Leila Ben Ali), dùng thế lực của chồng để xa hoa phung phí, dùng máy bay của tổng thống để thăm viếng các quốc gia Âu Châu, dành cho dòng họ Trabelsi đủ thứ đặc quyền kinh doanh trong nước. Sau gần 25 năm cầm quyền chắc chắn tổng thống Ben Ali vấp phạm nhiều lỗi lầm chánh trị. Tư tưởng độc tài không thể thiếu một khi người cầm quyền muốn vĩnh cửu quyền hành của mình. Đối lập bị đàn áp. Các cuộc bầu cử không thể trong sạch được. Dân chúng bị tước đoạt mọi quyền tự do căn bản. Một chế độ cảnh sát dầy đặc được thiết lập làm cho người bàng quan có cảm giác như chế độ Ben Ali không bao giờ sụp đổ. Cái chết tự thiêu bi thảm của Mohamed Bouazizi dẫn đến những cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài 28 ngày (17-12-2010 đến 14-01-2011) làm cho tổng thống Ben Ali hoảng sợ phải rời Tunisia sống lưu vong ở Saudi Arabia.

Cuộc cách mạng Hoa Lài Tunisia tạo cảm hứng cho các dân tộc Hồi Giáo sống dưới chế độ độc tài, bất công và nghèo khó trong vùng. Sau Tunisia là Ai Cập, nơi tướng Hosni Mubarak (1928-) cầm quyền từ năm 1981 sau khi tổng thống quân nhân Sadat bị ám sát chết. Hàng trăm ngàn người Ai Cập biểu tình ở Cairo và các thành phố lớn ở miền Bắc Ai Cập từ ngày 25-01-2011. Mubarak hứa không ra tranh cử vào tháng 9 tới và chọn một giám đốc tình báo thân tín của ông là Omar Suleiman làm phó tổng thống. Trước đó ông có kế hoạch đưa con trai của ông ra tranh cử tổng thống như là một sự "truyền ngôi" như đã thấy ở Bắc Hàn, Syria, Taiwan  (Đài Loan sau cái chết của Chiang kai-shek - Tưởng Giới Thạch), Cuba (Fidel Castro truyền quyền lãnh đạo cho em là Raul Castro). Nhưng những người biểu tình cương quyết đòi ông phải từ chức. Cảnh sát đàn áp cuộc biểu tình một cách manh bạo làm cho 315 người chết. Hoa Kỳ phải kêu gọi Ai Cập chấm dứt những cuộc đàn áp thô bạo gây tử vong cho người biểu tình như đã từng kêu gọi chánh quyền Tusisia trước đó. Ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Tunisia rất nhỏ so với ảnh hưởng của Pháp. Trái lại tổng thống Hoa Kỳ có ảnh hưởng quan trọng ở Ai Cập. Hoa Kỳ yêu cầu Mubarak cải cách vì hàng năm Hoa Kỳ viện trợ cho Ai Cập hàng tỷ Mỹ kim và bị mang tiếng là ủng hộ và củng cố chế độ độc tài. Lời kêu gọi đó đã có từ trước nhưng chánh quyền Mubarak vẫn cố duy trì chánh sách cứng rắn đã thực thi và có vẻ hữu hiệu trong việc "vĩnh cửu" quyền hành. Ông cho quân đội thay thế cảnh sát để đối diện với người biểu tình. Quân đội không đàn áp biểu tình. Sau 17 ngày biểu tình tổng thống Mubarak phải từ chức. Quân đội không đàn áp biểu tình, không muốn Mubarak tiếp tục giữ ghế tổng thống và cũng không muốn người biểu tình bạo động và đi quá xa để dẫn đến hỗn loạn.

Sau trên 30 năm cầm quyền ông Mubarak phải đương đầu với sự gia tăng dân số quá nhanh của Ai Cập. Năm 1966 dân số Ai Cập là 30 triệu người, nhưng đến năm 2008 dân số tăng lên đến 80 triệu người (166% trong 42 năm). Hầu hết dân chúng sống chen chúc dọc theo thung lũng sông Nile. Lợi tức hàng ngày của 40% tổng dân số chỉ có 2 Mỹ kim/ngày trong khi người ta phỏng đoán Hosni Mubarak có 50-70 tỷ Mỹ kim và có nhiều tổng trưởng trong chánh phủ có trên 12 tỷ Mỹ kim. Hàng năm Ai Cập nhận 1,5 tỷ Mỹ kim viện trợ từ Hoa Kỳ.

Làn sóng biểu tình lan sang Libya, nơi đại tá Qadafi cầm quyền sau khi lật đổ vua Idris I đi chữa bịnh ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1969. Qadafi nắm chánh quyền khi mới 27 tuổi, là nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới với những mộng ước to tát như thống nhất các nước Á Rập, bành trướng đạo Hồi, biến Libya thành một cường quốc nguyên tử.  Ông không thành công trong việc thực hiện một trong ba giấc mộng trên. Khi cầm quyền, ông dùng sự phong phú dầu hỏa của Libya, 58% trị giá tổng sản lượng quốc gia, để thuê lính Chad bảo vệ cho ông, mua võ khí, tài trợ những hoạt động khủng bố vào những thập niên 1970, 1980, 1990 trên thế giới hơn là đem lại no ấm cho nhân dân ngoại trừ chương trình Đại Hà với 5000 km hệ thống ống dẫn nước ngọt cung cấp cho dân chúng trong một quốc gia rộng 1.713.000 km2 (5,2 lần lớn hơn nước Việt Nam). 90% tổng diện tích nước này là sa mạc. Như những nhà độc tài khác, ông có hàng chục tỷ Mỹ kim trong ngân hàng ngoại quốc. Trong nước ông dùng người trong gia đình và bộ lạc Bedouin của ông nắm các chức vụ quan trọng và có nhiều tiền. Nạn tham những, hối mại quyền thế hoành hành. Ông không ngần ngại dùng ngục tù, tra tấn và sắt thép để trừng trị những ai dám chống đối lại ông.

Áp bức nhiều thì phản kháng càng mạnh. Ngày 15-02-2011 nhân dân Libya vùng lên đòi Qadafi phải từ chức. Phe chống đối Qadafi chiếm nhiều thành phố quan trọng ở Đông Bộ Libya và dọc theo Địa Trung Hải. Đó là những vùng sản xuất nhiều dầu hỏa. Qadafi chỉ còn vững mạnh ở Tripoli và vài thành phố nhỏ, thiếu tài nguyên ở Tây và Nam Bộ Libya mà thôi. Ông không ngần ngại ra lịnh cho phi cơ oanh tạc những người biểu tình, bắn phá, dội bom vào những thành phố do người nổi dậy chiếm đóng. Cuộc nổi dậy ở Libya sớm trở thành cuộc nội chiến. Nhiều sĩ quan, quân sĩ trong quân đội ngã theo người biểu tình chống đối Qadafi. Hai phi công không chịu dội bom những người chống đối Qadafi, lái phi cơ sang đảo Malta xin tỵ nạn. Vài viên chức cao cấp trong chánh quyền Qadafi từ chức và lên án nhà lãnh đạo lập dị và có nhiều biểu hiện dị thường nầy. Thế giới theo dõi những cảnh thảm sát của Qadafi đối với người Libya chống đối ông. Anh, Pháp, Hoa Kỳ và vài quốc gia Á Rập muốn lập vùng cấm bay trên không phận (no-flyzone) Libya để ngăn chận oanh tạc cơ của Qadafi dội bom xuống các thành phố do người chống đối ông chiếm giữ. Quyết định nầy có thể được Hội Đồng Bảo An Liện Hiệp Quốc thông qua, nhưng có thể Nga hay Trung Hoa Cộng Sản dùng quyền phủ quyết để bác bỏ. Tài sản của Qadafi bị phong tỏa. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc lên án hành động vô nhân đạo của Qadafi đối với dân tộc ông. Qadafi bị xem như một tội phạm chiến tranh như Bashir ở Sudan. Hoa Kỳ không ngớt kêu gọi ông nên từ chức. Ông vẫn còn một số đồng minh như Cuba, Venezuela, Iran, Việt Nam.... và hậu thuẫn ngoại giao của Nga và Trung Hoa Cộng Sản nên vẫn cố bám chánh quyền với hy vọng tái chiếm các vùng đã mất vì những người chống đối không có võ khí đầy đủ và cũng không có kinh nghiệm quân sự để chiến đấu lâu dài cho đến thắng lợi. Ngày 09-03 tổng thống Pháp Sarkozy mạnh dạn nhìn nhận Hội Đồng Quốc Gia của phe chống Qadafi. Ý là quốc gia từng đô hộ Libya chưa có hành động ngoại giao cụ thể trước cuộc nổi dậy của người Libya.

Liệu Qadafi trở thành Saddam Hussein sau trận chiến năm 1991?
Hay cũng chung số phận với Saddam Hussein vào năm 2003?
Hay nước Libya sẽ có hai chánh quyền: Đông Bộ của Hội Đồng Quốc Gia và Tây Bộ của Qadafi như Bắc và Nam Sudan vậy?

***

Quốc gia nào ĐƯỢC cái gì và MẤT cái gì trong phong trào quần chúng Hồi Giáo ở Bắc Phi và Trung Đông này?

Các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông có phong trào quần chúng nổi dậy. Từ đầu năm 2011 có vài chuyển động  chánh trị lớn ở Bắc Phi và các quốc gia Trung Đông, tức là trong các nước Hồi Giáo nổi tiếng về việc sản xuất dầu hỏa với những điểm chung như sau:

1- Đó là những quốc gia theo đạo Hồi (Tunisia, Ai Cập, Libya, Bahrain, Yemen).
2- Bahrain là một đảo quốc nhỏ theo chế độ quân chủ. Tunisia, Ai Cập, Yemen đều có tổng thống cầm quyền từ 20 năm trở lên. Qadafi cầm quyền từ năm 1969.
3- Chánh quyền ở những quốc gia nói trên đều thân Hoa Kỳ. Libya là quốc gia chống Hoa Kỳ dữ dội và từng bị phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc năm 1986 ở Tripoli và Benghazi. Nhưng khi Hoa Kỳ tấn công Iraq và lật đổ Saddam Hussein năm 2003 thì Qadafi tìm cách làm hòa với Hoa Kỳ. Khi ông Obama ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ thì Qadafi an ủi khi nói rằng Obama là người Hồi Giáo.
4- Không quốc gia Hồi giáo nào có thiện cảm với Do Thái cả (ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ). Chiến tranh cuối cùng giữa Do Thái – Ai Cập diễn ra vào năm 1973. Việc đánh nhau với Do Thái không có kết quả lại còn mất thêm đất đai khiến tổng thống Sadat phải làm hòa với Do Thái qua trung gian của tổng thống Jimmy Carter (1979). Việc làm hòa và bang giao với Do Thái của Sadat là nguyên nhân của cái chết của ông vào năm 1981, vẫn biết rằng nhờ đường lối hòa bình nầy mà Ai Cập thu hồi lại bán đảo Sinai bị Do Thái chiếm giữ trong cuộc chiến tranh 6 ngày vào năm 1967.

Tunisia là cựu thuộc địa Pháp. Sau khi độc lập, tổng thống Bourguiba theo đuổi đường lối xã hội của đảng Xã Hội Pháp chớ không theo Xã Hội Chủ Nghĩa của Marx-Lenin. Sự thành công của những người biểu tình ở Tunisia chống Ben Ali đánh dấu sự từ chức của nữ tổng trường Ngoại Giao Pháp, Michèle Alliot Marie, vì bà tỏ ra ủng hộ tổng thống Ben Ali.

Lục địa Âu Châu là nơi chịu gánh nặng của những người di cư Hồi Giáo. Lục địa này báo động về tỷ lệ người Hồi Giáo nhập cư quá nhiều so với sinh suất quá nhỏ của người Âu Châu. Người ta lo ngại rằng không bao lâu nữa, lục địa Âu Châu có nhiều tín đồ Hồi Giáo hơn Thiên Chúa Giáo, Tin Lành Giáo, chính Thống Giáo và Anh Quốc Giáo. Trong khi đó ở Hoa Kỳ người ta nghĩ rằng miền Trung Tây có thể là Trung Đông trên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Libya có 6 triệu dân. Mới giao tranh nhau chưa đầy nửa tháng mà đã có 1 triệu người tỵ nạn.

Liệu các chánh phủ thời hậu độc tài mang lại tự do, no ấm và công bằng xã hội cho những quốc gia trên để lục địa Âu Châu giảm bớt sự lo âu về tình trạng di dân ồ ạt của người Hồi Giáo vào lục địa này không?

Một loại hy vọng như vậy thường trở thành mây khói. Tự do, dân chủ là những món ăn chánh trị sang trọng khó nấukhó ăn ở những quốc gia nghèo nàn khép kín với thế giới bên ngoài với những cổ tục bất hợp thời và từng trải qua quá khứ thuộc địa đầy thù hận.

Cách mạng 1789 lật đổ chế độ quân chủ chuyên chính do vua Louis XVI đại diện để có chế độ độc tài đẩm máu thời Robespierre. Phải đợi đến gần một thế kỷ nền dân chủ mới le lói ở Pháp với Đệ Tam Cộng Hòa (1875).

Cách mạng 1917 chấm dứt chế độ sa hoàng ở Nga khi Lenin ra lịnh xử bắn Nga hoàng Nicolas II và toàn thể gia đình ông kể cả gia nhân tôi tớ. Phải đợi đến năm 1991 Nga mới tập tễnh xây dựng một nền dân chủ èo uột.

Trung Hoa là quốc gia tự hào với nền văn hóa cổ xưa. Quốc gia nầy từng có không biết bao nhiêu hôn quân bạo chúa và trải qua 5 thế kỷ bị ngưuời Mông Cổ và Mãn Châu đô hộ, rồi bị các nước Tây Phương và Nhật Bản xâu xé. Cách mạng Tân Hợi 1911 lật đổ nhà Mãn Thanh nhưng không đem lại tự do, dân chủ, công bằng và no ấm cho dân tộc Trung Hoa. Cho đến ngày nay, thời kỳ mà Trung Hoa Cộng Sản phát triển mạnh về kinh tế, quân sự và khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ và công bằng xã hội vẫn còn là một khái niệm mơ hồ.Và, ít ra, còn 500 triệu người trên lục địa Trung Hoa không được no cơm ấm áo.

Cách Mạng Mùa Thu 1945 của Việt Nam cũng theo những con đường vừa nói qua tuy rằng có một thời Việt Nam mang quốc hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hiện nay chánh quyền Việt Nam rất dị ứng với từ dân chủ.

Lịch sử cũng có qui luật tương đối của nó. Sau chế độ thối nát là chế độ độc tài. Sau nhà độc tài là nhà lãnh đạo mị dân. Sau kỷ cương trận tự là sự hỗn loạn. Đó là cái ĐƯỢC và cái MẤT của quốc gia xảy ra chính biến.

Lợi dụng sự bất mãn của các dân tộc Hồi Giáo sống dưới chế độ độc tài, những người Hồi Giáo quá khích trà trộn vào để hoạt động, gây cơ sở, lôi cuốn cảm tình viên và dùng danh nghĩa tỵ nạn để sang hoạt động ở Âu Châu hay xa hơn ở Mỹ Châu.

Những người Hồi Giáo quá khích cho rằng Tunisia có thái độ dễ dãi với Do Thái. Ở Ai Cập nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo không ưa thích Sadat hay Mubarak vì bang giao với Do Thái. Biến cố bất thuận lợi cho Mubarak ở Ai Cập làm cho Do Thái lo ngại hơn cả. Dù muốn dù không, chánh phủ tương lai ở Ai Cập thời hậu Mubarak cũng không thân thiện với Do Thái như đã thấy từ năm 1979 đến tháng hai năm 2011. Nếu Huynh Đệ Hồi Giáo thắng cử trong cuộc bầu cử sắp tới ở Ai Cập thì Do Thái lại phải chú trọng đến an ninh ở phía Nam nhiều hơn. Những xung đột giữa thiểu số người Thiên Chúa Giáo Coptic và Hồi Giáo ở Ai Cập không cho chúng ta một sự lạc quan nào về vấn đề tôn giáo thời hậu độc tài Mubarak. Ở phía Bắc Do Thái hiện nay, nhóm Hezbolla được sự viện trợ tích cực của Syria và Iran có ảnh hưởng chánh trị quan trọng ở Lebanon. Hòa bình Trung Đông sẽ bị đe dọa trầm trọng.

Các cuộc biểu tình chống độc tài, chống tham nhũng, lạm quyền và bất công xã hội ở các quốc gia Hồi Giáo phần lớn thân Hoa Kỳ cho thấy Hoa Kỳ minh định lập trường yêu chuộng dân chủ của mình đối với những nhà lãnh đạo từng được Hoa Kỳ ủng hộ. Người Hoa Kỳ rất thực dụng và uyển chuyển trước mọi tình huống khi:

Không có kẻ thù truyền kiếp.
Không có bạn vong niên.

Họ không bị ràng buộc bởi một chủ nghĩa hay một giáo điều nào với:

Không Cộng Sản.
Không Chúa Jesus.

Nhưng họ không đề cao chủ nghĩa vô thần mà luôn luôn tôn trọng đức tin của người khác.
Họ giúp kẻ yếu và người cần giúp đõ nhưng rất thực tế khi:

Nếu bạn đánh không ngã kẻ thù của bạn thì bạn phải theo nó.

Việc sửa đổi hiến pháp để nới rộng quyền tranh cử của tổng thống đương quyền hay việc đắc cử với 90-100% phiếu bầu cử đều phi dân chủ. Chiêu "dân chủ" nhắm vào các quốc gia độc tài dù là dạng độc tài quân phiệt hay độc tài Cộng Sản. Các cuộc biểu tình rầm rộ chống độc tài ở Tunisia, Ai Cập và đối kháng võ trang ở Libya làm cho các nhà lãnh đạo Trung Hoa Cộng Sản, Bắc Hàn, Việt Nam, Miến Điện nom nớp lo sợ. Trung Hoa Cộng Sản tìm mọi cách ngăn chận đừng để nó bùng nổ. Vì nếu nó bùng nổ, họ phải dùng bạo lực trấn áp và như thế họ bị mang tiếng nhơ như đã xảy ra trong vụ Tiananmen (Thiên An Môn) năm 1989. Libya là quốc gia có liên hệ mật thiết với Trung Hoa Cộng Sản và Việt Nam vì đồng bản chất độc tài, độc tônđộc quyền. Độc tài ở Libya là độc tài cá nhân. Nó kém nguy hiểm và kém tàn độc hơn độc tài tập thể ở Việt Nam và Trung Hoa Cộng Sản. Những biến cố ở Bắc Phi và Trung Đông ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi kinh tế và chánh trị của Trung Hoa Cộng Sản ở Bắc Phi và lục địa Phi Châu.

Thế giới, nhất là lục địa Âu Châu, thiếu dầu. Giá xăng dầu gia tăng giữa lúc phần lớn các quốc gia trên thế giới phải đối diện với những khó khăn kinh tế. Trung Hoa Cộng Sản trên đà phát triển kỹ nghệ. Nhu cầu xăng dầu của họ rất cao. Họ cần nhiều xăng dầu Trung Đông chở ngang qua kinh đào Suez. Tình trạng cung cấp dầu từ Trung Đông khó khăn làm cho Trung Hoa Cộng Sản nghĩ đến các túi dầu ở Tây Thái Bình Dương khiến cho hòa bình Đông Nam Á và Đông Bắc Á gặp nhiều thử thách cam go. Việt Nam là tuyến đầu của sự thử thách đó. Kế đó là Phi Luật Tân và Mã Lai. Ở Đông Bắc Á, Nhựt cũng phải đối đầu với những thách thức xuất phát từ Trung Hoa Cộng Sản và cả Bắc Hàn nữa. Các phong trào quần chúng Hồi Giáo ở Bắc Phi và Trung Đông làm cho Hoa Kỳ bận rộn. Đó là cơ hội cho Trung Hoa Cộng Sản phô diễn sức mạnh quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Trong chừng mực nào đó, chiến tranh là cách giải quyết những khó khăn xã hội và chặn đứng những phong trào quần chúng nõi dậy chống bất công, áp bức và khoảng cách quá xa giữa GIÀU-NGHÈO trong một xã hội Cộng Sản biến thể và "tư bản hóa".

Việt Nam đứng trước một trong hai nguy cơ sau đây:
1- Nguy cơ chiến tranh do Trung Hoa Cộng Sản khởi động mặc dù Việt Nam luôn hàng phục và khiếp sợ họ.
2- Nguy cơ quần chúng nổi dậy lật đổ chính quyền độc tài, bất công, áp bức và hoàn toàn không có lòng yêu nước. Đừng vội lạc quan về vấn đề này. Nếu có cũng khó có kết quả tốt vì không đủ sức mạnh để lay chuyển chánh quyền Cộng Sản do tâm lý rụt rè, tự mãn, cầu an, cầu thực hơn cầu những khái niệm xa xôi như yêu nước, tự do, dân chủ và bất công xã hội. Việt Nam chưa có những cuộc đấu tranh rầm rộ như người Miến Điện chống chính quyền quân phiệt. Dù đấu tranh rầm rộ như vậy, phe quân phiệt Miến Điện vẫn không hề hấn gì. Đối với Việt Nam, thêm một yếu tố khác đáng được lưu ý là: ngày nào Trung Hoa lục địa còn duy trì chế độ Cộng Sản thì chế độ Cộng Sản vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.

Iran lật đổ chế độ quân chủ do Mohammad Reza Pahlavi đứng đầu để có chế độ độc tài giáo trị từ năm 1979 đến nay. Biến cố Tunisia và Ai Cập kích thích những nhà đối lập ở Iran sau khi họ thất bại trong các cuộc biểu tình chống gian lận bầu cử năm 2009. Để bảo vệ chế độ giáo trị, Iran tự biến mình thành cường quốc nguyên tử để kích thích sự tự hào dân tộc, đồng thời ra sức viện trợ cho Hezbolla và Hamas để đe dọa Do Thái. Hướng hận thù về Do Thái là tạo chất keo đoàn kết cho người Hồi Giáo mặc dù sự sống chung giữa người Hồi Sunni và người Hồi Shiite ít khi được hòa hảo, an bình. Do Thái theo dõi hoạt động của hai tàu chiến Iran vượt qua kinh Suez để vào Địa Trung Hải vào tháng hai vừa qua. Do Thái và Thổ Nhĩ Kỳ không còn thân thiện như xưa sau vụ xung đột giữa lính Do Thái và những nhà thiện nguyện Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng tiếp tế cho Hamas. Quốc gia Do Thái 20.000 km2 như đang chìm trong biển Hồi Giáo bao quanh.

Biến cố ở Libya ảnh hưởng đến việc bán võ khí của Nga cho Qadafi. Nga phản đối không phận cấm bay (no-fly zone) mà Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các nước Á Rập đề cập như từng phản đối Hoa Kỳ trong vấn đề Irag năm 2003. Việc xăng dầu lên giá lại không có hại gì cho Nga vì hiện nay nước nầy bán nhiều dầu hỏa trên thế giới.

Nhật Bản bị thiệt thòi nhiều. Sự vươn lên của Trung Hoa Cộng Sản, việc Bắc Hàn sản xuất bom nguyên tử là những lo âu thường xuyên của Nhật. Hiện nay địa vị số 2 về kinh tế của Nhật đã mất vào tay Trung Hoa Cộng Sản. Nhật thiếu xăng dầu, lại còn bị Nga và Trung Hoa Cộng Sản lấn vào các hải đảo của mình ở phía Bắc đảo Hokkaido và phía Nam quần đảo Ryu Kyu. Trung Hoa Cộng Sản có những dấu hiệu xem thường sức mạnh quân sự của Nhật vì sau đệ nhị thế chiến Nhật là quốc gia chiến bại, bị cấm không được có quân đội, sản xuất võ khí và có kỹ nghệ quốc phòng. Nhật chú tâm vào việc phục hồi và phát triển kinh tế. Ngân sách quốc phòng của Nhật rất nhỏ. Hiện Trung Hoa Cộng Sản có được nhiều lợi thế:

a- Nga tranh chấp với Nhật về chủ quyền trong chòm đảo Kurils. Nga mời Trung Hoa Cộng Sản cùng hợp tác khai thác hải sản trên các đảo nầy. Cùng thời gian nầy Nga cho biết sẽ dùng 620 tỷ Mỹ kim để gia tăng tàu chiến, phi cơ và võ khí như là một sự đe dọa đối với Nhật và Âu Châu và sự phòng ngừa một cuộc tấn công bất ngờ từ phía Trung Hoa Cộng Sản. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX Nhật đánh bại Trung Hoa và Nga. Bây giờ Nhật đang bị hai nước nầy gây hấn. Nga tạm hợp tác kinh tế với Trung Hoa Cộng Sản trên chòm đảo Kurils còn trong vòng tranh chấp, vừa có đồng minh đe dọa Nhật Bản vừa làm cho Trung Hoa Cộng Sản quên đi rằng Nga đã chiếm trên 1 triệu km2 lãnh thổ của họ ở phía bắc sông Amur vào thế kỷ XIX.

b- Nhóm Hồi Giáo quá khích gây nhức đầu cho Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga và các nước Âu Châu nhưng không đụng chạm đến Trung Hoa Cộng Sản tuy rằng nước nầy có nhiều tín đồ Hồi Giáo ở Sin Kiang (Tân Cương) và Yunnan (Vân Nam) và từng đàn áp đẩm máu những người Hồi Giáo chống đối sự hiện diện của người Hoa ở Sin Kiang.

c- Hoa Kỳ và các nước Tây Phương chưa vượt qua những khó khăn kinh tế. Hoa Kỳ vướng bận hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq và trở thành con nợ của Trung Hoa Cộng Sản. Uy lực của họ ngày nay không giống như thời hậu đệ nhị thế chiến.

Anh kêu gọi Qadafi từ chức và chủ trương thành lập vùng cấm bay để bảo vệ những người nổi dậy. Điều đáng chú ý là những người nổi dậy chống Qadafivà chiếm Đông Bộ Libya mang màu sắc bảo hoàng. Họ dùng lá cờ ba màu và trăng lưỡi liềm dưới thời vua Idris I (1889-1983) và trưng ảnh của vị vua này. Chắc chắn người Anh có ít nhiều thiện cảm với vị vua thân Tây Phương. Dưới triều đại của Idris I, Lybia ủng hộ Anh trong cuộc khủng hoảng kinh Suez, tức là mất lòng với Nasser. Libya cho Hoa Kỳ lập căn cứ không quân.Vua Idris I không có con trai. Ông chọn người cháu là Hasan as Senussi làm người kế nghiệp trước khi chế độ quân chủ bị Qadafi lật đổ. Idris I sống lưu vong ở Cairo. Năm 1971 ông bị tòa án Libya xử tử hình khiếm diện. Năm 1983 ông mất ở Cairo, thọ 94 tuổi. Thủ tướng Anh, David Cameron (1966-) của đảng Bảo Thủ mạnh dạn tuyên bố khả năng can thiệp quân sự vào Libya nhăm ngăn chận sự tàn sát dân chúng do lính của Qadafi. Anh Quốc là một trong ba cường quôc Tây Phương chủ trương thiết lập vùng cấm bay không cho phi cơ của chánh phủ Qadafi oanh tạc vào những nơi chiếm đóng của người chống đối ông, nhất là ở những thành phố có nhiều giếng dầu và gần sinh quán Sirte của ông. Năm 1986 Anh cho phi cơ Hoa Kỳ mượn đường oanh tạc Tripoli.

Nếu Qadafi còn bám chánh quyền như Saddam Hussein năm 1991 thì đây là sự thất bại của tam cường Tây Phương Anh–Pháp–Hoa Kỳ. Pháp là quốc gia nhanh nhẩu trong việc thừa nhận Hội Đồng Quốc Gia của phe nổi dậy dưới lá cờ bảo hoàng ở Đông Bộ Libya.

Nếu Qadafi từ bỏ chánh quyền và Libya có một chánh phủ thân Tây Phương thì đó là một đòn kinh tế chánh trị quan trọng đối với Trung Hoa Cộng Sản. Nước nầy có 50.000 công nhân Trung Hoa hoạt động ở Libya. Libya là nước sản xuất dầu hỏa đứng hạng thứ 17 trên thế giới. Sư phong phú dầu hỏa của Libya, tài nguyên thiên nhiên và đất đai mênh mông của lục địa Phi Châu hấp dẫn Trung Hoa Cộng Sản rất nhiều. Họ hy vọng thay thế Anh, Pháp, và các nước Âu Châu từng xâm chiếm và đô hộ Phi Châu trước kia bằng cách nuôi dưỡng các chế độ độc tài để các nhà độc tài nhường cho họ nhiều quyền lợi khác như khai thác tài nguyên và đưa người sang cư trú dưới dạng công nhân v.v...

***

Phải chờ một thời gian mới thấy được mục tiêu thực sự của phong trào quần chúng Hồi Giáo ở Bắc Phi và Trung Đông.

Đấu tranh chống độc tài đòi tự do và quyền sống?

Hay đấu tranh chống Mỹ và Do Thái đòi thay thế quyền bằng thần quyền?

Ben Ali bị xem là nhà độc tài nhưng thân Tây Phương và dễ dãi với Do Thái.

Mubarak bị xem là thân Hoa Kỳ và thân Do Thái.

Từ năm 2003 Qadafi không còn là người kịch liệt chống Hoa Kỳ, bài Do Thái mà có lập trường chống lại khủng bố Al Qaida. Nhưng từ lâu ông ta không được lòng các nước Á Rập lẫn Phi Châu. Những người nổi dậy ở Libya thực sự có phải là những người bảo hoàng của cố vương Idris I, người đấu tranh cho độc lập Libya, ngự trị từ 1951 đến 1969 và là cháu nội của lãnh tụ giáo phái Huynh Đệ Hồi Giáo Sasuni thành lập năm 1837 thời Đế Quốc Ottoman?

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

__________

Chú thích của Cái Đình:

Hezbollah (Đảng của Thượng Đế) là một đảng chính trị ở Liban và là một phong trào quân nhân Hồi giáo thuộc phái Shiite với chủ trương chống ảnh hưởng của Tây phương. Kể từ 1992 Hezbollah được đặt dưới quyền lãnh đạo của Hassan Nasrallah.

Hamas là tên víết tắt của Phong trào Kháng chiến Hồi giáo, một nhánh ly khai của nhóm Huynh đệ Hồi giáo. Hamas là một phong trào chính trị Hồi giáo Palestin, tranh đấu cho cuộc giải phóng Palestin và sự tiêu diệt Do Thái. Hamas coi Hoa Kỳ và Liên Âu như là những tổ chức khủng bố.

*****

Hội Đồng Bảo An liên Hiệp Quốc đã ban hành nghị quyết vùng cấnm bay (no-flyzone). Trung Quốc và Nga không sử dụng quyền phủ quyết và đã bỏ phiếu trắng, Liên Hiệp Á Rập đã ủng hộ nghị quyết. Tích cực hơn, nghị quyết đã cho phép các quốc gia hội viên "được quyền sử dụng tất  cả các biện pháp cần thiết" để bảo vệ dân chúng tránh sự thảm sát bởi quân đội Qadafi (Kadhafi) ngoại trừ việc sử dụng bộ binh để chiếm đóng lãnh thổ Lybia. Cho đến khi bài phân tích trên đây:“Được và Mất Trong Phong Trào Quần Chúng Nổi Dậy Ở Bắc Phi và Trung Đông” được đưa lên mạng, chiến dịch "Odyssey Dawn" của đồng minh đã bắt đầu. Phi cơ của Pháp đã dội bom các xe tăng và các quân xa của quân đội Qadafi ở Benghazi. Sau đó Anh, Hoa Kỳ và Pháp đã pháo kích bằng hỏa tiễn cùng dội bom  các dàn hỏa tiễn phòng không, các hệ thống ra-đa, phi trường, các địa điểm chỉ huy quân đội ở Thủ đô Tripoli và ở các thành phố  Tây Bộ cũng như Trung Bộ của Lybia như Misurata, Sirte,..., để rồi chuyển giao lại cho NATO phối hợp những chiến dịch tiếp theo. Ngoài Pháp, Anh, Hoa Kỳ, chiến dịch Odyssey Dawn được sự tham dự hay hỗ trợ của các quốc gia đồng minh khác như Canada, Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Bỉ, Hòa Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Qata,... Mục tiêu chánh trị phía sau của chiến dịch này như thế nào thì chúng ta phải chờ đợi các diễn tiến trong những ngày kế tiếp. (Chú thích của Cái Đình, 27.03.2011).

 


Cái Đình - 2011