Nguyễn Hoàng Hà


Du-bai, “mộng trên cát vàng” tan vỡ và bài học nào cho Việt nam?

 

Hơn hai thập kỷ qua nhiều người Việt nam và các khách du lịch mỗi khi vào châu Âu đều qua ngả Du-bai và đều choáng váng trước sự thay đổi đến kinh ngạc của quốc gia này, người ta ví nó như là chuyện về những thành phố có trong truyện 1001 đêm. Từ một sa mạc khô cằn tưởng như không có gì sống được ngoài những con lạc-đà gầy và những con thằn lằn, nơi không có lấy một ngọn cỏ mọc, không có khoáng sản, dầu mỏ như các quốc gia Ả-rập khác nhưng chỉ mới 20 năm mà nơi đây đã mọc lên biết bao nhiêu lâu đài tráng lệ, những cao ốc mấy chục tầng và các khách sạn từ 5 đến cả 10 sao và một hội đồng chứng khoán còn sầm uất hơn cả New York của Hoa kỳ. Sau những đổ vỡ tài chính Mỹ, nhiều nhà đầu tư lớn của Hoa kỳ và cả châu Âu, châu Á chẳng những không rút ra bài học mới tinh này mà đã đem những khoản tiền kếch xù đổ vào đây để thu lãi nhanh bằng việc đầu tư xây các cao ốc chọc trời, những tòa nhà sang trọng bậc nhất để bán cho các đại gia giầu có đang muốn có chân nơi đây. Lại nữa, ngay nhiều tỷ phú khi đã bỏ số tiền đến hàng trăm triệu đô-la mua những căn hộ tại đây và sắm những con tầu xa hoa đi du ngoạn trên vùng Vịnh, họ đã nghe những lời ngon ngọt của những Ra-pha (những ông hoàng lớn với các loại khăn trắng trùm nếp trên đầu, đại diện cho các thế lực tài chính và quyền bính của vương quốc này) về sự hấp dẫn của lãi suất lớn và nhanh khi góp vốn đầu tư tiền vào đây. Ngồi ở đâu người ta cũng thổi phồng các con số vốn của các ngài, nào là mấy chục tỷ đô-la, nào là ngài này là vua dầu hỏa, vua sân bay, vua tài chính v.v… và vân vân…Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, có cả núi tiền đã đổ vào đây mà phần lớn là đầu tư vào các ngân hàng và vào kinh doanh địa ốc. Theo nhà nghiên cứu Christopher Davidson, tác giả cuốn sách "Dubai: The Vulnerability of Success", thì trên giấy tờ, thành công của Dubai quả là ngời sáng. Với 95% GDP cho đến năm 2008 là từ khu vực dịch vụ và cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, đầu tư nước ngoài bắt đầu giảm và căn bệnh của Dubai, như ông Davidson nhận định, là "vươn ra quá rộng" với nhiều dự án khổng lồ (mega projects), từ đảo nhân tạo cho đến cao ốc nhất vùng, tất cả chỉ nhờ tiền vay từ bên ngoài. Nhưng câu chuyện bên trong đã cho thấy đó chỉ là chuyện nước bọt, rồi họ cũng lại dẫm chân vào vết xe đổ của Mỹ đó là “vay bẩn” và cho vay lãi vô tội vạ để rồi nay khó có hy vọng lấy lại được vốn. Đến nay, nhiều tòa nhà cao ốc đẹp xây xong hàng mấy năm nay không có khách mua, vốn đọng; và giờ đây có tin đồn là nếu tuyết ở Bắc Cực tan thì coi như các toàn nhà ở đây sẽ mọc dưới biển, do đó, không ai còn dám đến đây để mua nhà nữa. Vì thế, chính quyền Du-bai đang ở trong tình trạng mất đi khả năng chi trả cho những khoản nợ khổng lồ mà tập đoàn Du-bai World – do nhà nước nắm – gây ra. Đây chính là do chính sách sai lầm của chính quyền Du-bai khi chọn con đường 'tăng trưởng là trên hết', với việc mở rộng cửa mời gọi đầu tư vào hệ thống dịch vụ. Tất nhiên, theo ông Mohammed Alabbar, chủ nhiệm ủy ban chống khủng hoảng của chính phủ, thì nợ của Dubai là khoảng 80 tỷ đôla, so với 350 tỷ tài sản. Nhưng người ta không tin con số này mà cho rằng tổng số nợ phải gấp 3 đến 4 lần tức là vào khoảng 250 tỷ đô-la trở lên. Chuyện đổ vỡ này đã được nói ra ngay từ đầu 2009, chính phủ nước này đã biết chuyện gì đang đến với mình và họ đã tìm mọi cách nhằm thu hút dòng đầu tư tiếp tục nhưng đã không thành công. Nhiều quốc gia anh em vừa hứa là không để cho người anh em của mình chết ngụp, sẽ bơm tiền cứu vớt bạn, nhưng nay họ cũng không còn hào hứng cứu cháy nữa vì đám cháy này không thể dập tắt được khi mà lòng tin của các nhà đầu tư đã hết, họ đổ xô rút tiền dù phải mất đi một phần ba hay một nửa vốn đã bỏ vào đây. Đây là nguyên nhân nữa, khó có thể cứu vãn uy tín tài chính của Du-bai và nợ lại càng lớn hơn, đang đi đến một cuộc đại khủng hoảng tài chính vùng Vịnh hiện nay. Một số nhà quan sát khác lại cho rằng tình hình Dubai vẫn chưa phải là quá tệ, và Dubai vẫn có mức tăng trưởng 6%, có xuống so với 10% năm ngoái, nhưng ngược lại thì nhiều người ta cho rằng, vụ này còn nguy hiểm hơn vụ tài chính ở Mỹ vì đây như là canh bạc cuối cùng của nhiều nhà tư bản sau khi đã thất bại tại Mỹ và nay là cuộc đỏ đen tiếp theo sẽ dẫn họ đi đến trắng tay. Thị trường chứng khoán ở Mỹ và châu Âu lập tức bị tụt ngay và sẽ còn tụt thêm, còn châu Á thì chưa biết ra sao? Người ta đang ngày càng lo ngại về một số nền kinh tế mới lên như Mexico, Việt Nam, rồi cả Latvia và nhiều nước đang phát triển nữa.

 

Sự khủng khoảng của Du-bai có ảnh hưởng gì đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt nam?

Nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt nam không chịu ảnh hưởng to lớn về tài chính vì sự đổ vỡ này nhưng đó lại là bài học của chính các quốc gia này vì có chung một cách làm ăn. Tất nhiên ngoài hàng vạn công nhân nước ngoài – đa số từ Nam Á – đã bị kẹt ở Du-bai, sẽ còn nhiều công ty tại đây ngưng hoạt động, khiến số phận của những người này chưa rõ sẽ ra sao? Và việc lo cho họ công ăn việc làm khi trở về là những vấn đề các quốc gia này phải tính đến, nhưng có một hậu quả đến ngay: đó là nguồn ngoại tệ từ những công nhân này hàng tháng gửi về cho gia đình. Nếu tính mỗi quốc gia có 3 đến 4 ngàn người sang đây lao động và mỗi tháng gửi về là 500 đô-la, nếu nhân cho một năm thì con số này không nhỏ. Những người phương Tây cũng sẽ mất việc, không kể những người bỏ tiền vào đầu tư bất động sản tại Dubai, nay không chỉ mất tiền mà có thể mất cả quỹ hưu. Tin hôm 29/11/2009 của hãng Bloomberg nói chính quyền UAE ra lệnh cấm phát hành ấn bản của báo Anh, tờ Sunday Times về món nợ của Dubai và cơ quan quản lý báo chí của UAE từ chối không bình luận nhưng theo Bloomberg thì bức hình ghép mô tả vị vương của Du-bai, Shaikh Mohammed Bin Rashid al Maktoum ngập đầu trong đống nợ. Hôm 21/06 vừa qua, báo này đã có bài "Dubai's dream is built on sand” (Giấc mộng của Dubai được xây trên cát) nói rằng "khủng hoảng tín dụng đã đến Dubai" thì các nhà đầu tư Anh đã ném vào 200 triệu bảng trong số dự án bất động sản một tỷ bảng Anh ở Dubai, mà đa số không hoàn tất. Theo báo này, du lịch Dubai, chiếm 20% GDP xứ này vào năm ngoái, cũng sụt và các chính quyền các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất gần như đã có một sự thống nhất chọn cách ngăn không cho "tin xấu" lan truyền về khó khăn tài chính của họ. Riêng về Việt Nam, theo các hãng tin quốc tế, nợ của chính phủ Việt Nam đang tăng nhanh, chiếm 44,6% của GDP năm 2008. Người ta nhìn thấy ở các thành phố lớn như Hà Nội, tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và nhiều tỉnh khác như Hải Dương Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh v.v… đã có hàng loạt những nhà cao tầng mọc lên. Sau khi ầm ĩ người xếp hàng mua nốt các căn hộ thì nay lại bắt đầu im ắng đáng sợ. Nếu bất động sản từ nay đến cuối năm không bán chạy thì số vốn ứ đọng sẽ rất kinh khủng, ước tính có thể lên tới 20 tỷ đô-la hoặc hơn. Đó là chưa kể các dự án tràn lan như các sân golf, các máy thủy điện v.v… Sân thì vắng khách trong khi đất mầu mỡ trồng trọt đang dần mất đi, còn giá gạo trên thế giới đang lên cao, các nhà máy thủy điện lúc mưa bão thì là nguyên nhân góp tay cùng thiên tai làm lũ lụt, khi không mưa thì giết nước đầu nguồn mà tiêu diệt môi trường, gây hạn hán đồng thời số vốn huy động vào đây là con số kinh khủng. Chỉ tính mỗi đập thủy điện là 30 triệu đô-la, cả nước có khoảng 3 trăm đập thì đã ngốn ngân sách là chục tỷ đô-la rồi. Nay lại đến nhà máy điện hạt nhân, nếu tính cho một nhà máy điện này cũng khoảng 20 tỷ đô-la mà mỗi khi có động đất hay thiên tai kéo đến thì đó là nỗi lo sợ luôn luôn đe dọa tính mạng hàng chục triệu con người. Hiện nay có tình trạng nhiều doanh nghiệp của nhà nước và tư nhân được hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi của gói kích cầu 1 và 2 thì con số ngân sách ném vào đây ứ đọng trong đầu tư bất động sản cũng phải chiếm 1/3 và cứ đà thị trường như hiện nay, giá cả cao vọt thì vốn này sẽ còn đọng rất lâu dài. Cuối cùng thì hệ quả một Du-bai mới lại sẽ xẩy ra là điều tất nhiên. 

Việc Việt Nam, chỉ mới tuần trước đã phá giá đồng tiền của họ vì ngân sách không bền vững và “thâm hụt ngoại thương", báo chí trong và ngoài nước từ một thời gian nay cũng đặt câu hỏi về tính khả thi và hiệu quả của nhiều dự án to tát của các tập đoàn nhà nước tại Việt Nam. Bài học Du-bai về giấc mộng vàng trên cát có thể là một cảnh báo cho việc làm ăn lớn nhưng khả năng có hạn. Người ta lại nhớ về câu thơ xưa:

Giang tay ta với ngoài vô tận,
Ta với không ngoài ta với ta.

Người ta ví cách làm này như là hình ảnh “người khổng lồ đi trên đôi chân đất sét” và cho rằng cách làm ăn chắc chắn, khoa học, có kế hoạch rõ ràng trên cơ sở những gì đã có sẵn trong tầm tay để vươn lên vững chắc vẫn là cách làm ăn tốt nhất hiện nay.

 

Ngày 1 tháng 12 năm 2009.
Nguyễn Hoàng Hà

 


Cái Đình - 2009