Phạm Ðình Lân


Đông Bắc Á
Vùng tập họp các lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới

 

Đông Bắc Á là nơi hội tụ những lực lượng quân sự hàng đầu thế giới như quân đội Nga, quân đội Trung Hoa Cộng Sản, quân đội Nam Triều Tiên và lực lượng Không, Hải Quân Nhật Sự gây hấn của Trung Hoa Cộng Sản trên không phận và hải phận Senkaku có nguy cơ dẫn đến chiến tranh lớn trong vùng trước tiên giữa Nhật Bản và Trung Hoa Cộng Sản, giữa Nam- Bắc Triều Tiên và giữa Trung Hoa Cộng Sản và Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan). Đó là sự khởi đầu của Đệ Tam Thế Chiến với sự tham dự của Nga và Hoa Kỳ tức là có sự tham dự ba đại cường kinh tế và ba đại cường quân sự…

 

***

Đông Bắc Á bao gồm các quốc gia giới hạn bởi Bắc vĩ tuyến 23 - 75 độ và Đông kinh tuyến 105 - 180 độ như Nga Á, Trung Hoa, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên và đảo Taiwan (Đài Loan). Đông Bắc Á hướng ra Thái Bình Dương và các biển nhỏ như Biển Okhotsk, Nhật Hải, Hoàng Hải và Đông Trung Hải (East China Sea). Đông Bắc Á chiếm 27.360.000 km2 (kể cả Nga Âu + Nga Á) với 1.718.000.000 dân (1 tỷ 718 triệ̣u) được phân phối như sau:

Quốc Gia Diện Tích Dân Số
Nga 17.000.000 km2 143,5 triệu dân
Trung Quốc 9.706.000 km2 1 tỷ 35 (1.350.000.000)
Nhật Bản 378.000 km2 127,6 triệu
Bắc Hàn 120.500 km2 24,7 triệu
Nam Hàn 100.210 km2 50,2 triệu
Taiwan 36.000 km2 23,3 triệu

Đông Bắc Á là giao điểm của Bắc Á và Bắc Mỹ. Miền cực đông của Nga Á phân cách với Alaska bằng eo biển Bering rộng 82 km. Một vài đảo của chòm đảo Aleutian nằm về phía Đông Bắc Á.

Vào thế kỷ XIX Nga hoàng mở cuộc Đông Tiến hướng về Thái Bình Dương, Mãn Châu và vài hải cảng miền Đông Bắc Trung Hoa.

Hoa Kỳ xem Nhật Bản và Trung Hoa như hai thị trường to lớn ở Đông Bắc Á. Tiếng trọng pháo cảnh cáo của Perry năm 1853 làm cho Nhật thức tỉnh và bắt đầu nghĩ đến canh tân xứ sở bằng cách học hỏi người Tây Phương trên mọi bình diện từ cách ăn mặc, cắt tóc ngắn đến canh tân quân sự, học hỏi kỹ thuật phương Tây để trở thành một nước Á Châu kỹ nghệ hóa đầu tiên và một cường quốc quân sự trong vùng. Hoa Kỳ nhìn thấy quyền lợi của họ ở tây Thái Bình Dương sau khi mua Alaska của Nga (1863), chiếm quần đảo Hawaii (1898) và thay thế Tây Ban Nha cai trị quần đảo Phi Luật Tân sau khi đánh bại Tây Ban Nha ở Cuba năm 1898. Nga, Hoa Kỳ và Nhật đều hiện diện trong Bát Quốc Liên Quân tấn công Beijing (Bắc Kinh) năm 1901.

Như Việt Nam vào thế kỷ XIX, Triều Tiên là một vương quốc độc lập nhưng phải triều cống cho nhà Thanh. Phe bảo thủ ở Triều Tiên hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Trung Hoa giữa lúc Nga lẫn Nhật đều dòm ngó bán đảo nầy như một đầu cầu tiếp cận hai quốc gia rộng lớn và đông dân: Trung Hoa và Nga.

Đới với Nga đó là đường tiếp cận với Hoàng Hải và Nhật Hải, nơi Nga có cảng Vladivostok (Hải Sâm Uy).

Đới với Nhật, Triều Tiên là đầu cầu nối liền Nhật Bản và lục địa Đông Bắc Á nhất là Mãn Châu, nơi đất rộng mênh mông, thổ nhưỡng phì nhiêu lại có nhiều quặng mỏ. Năm 1894 quân Nhật đánh bại quân Trung Hoa trên chiến trường Triều Tiên. Hiệp ước Shimonoseki năm 1895 tách rời ảnh hưởng Trung Hoa ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Ngoài tiền bồi thường chiến phí, Trung Hoa còn phải nhường đảo Taiwan (Đài Loan), quần đảo Penghu (Bành Hồ) cho Nhật. Năm 1945 Nhật bị bại trận. Nhật phải trả lại Taiwan cho chánh phủ Chiang Kaishek (Tưởng Giới Thạch) nhưng thỏa ước Potsdam năm 1945 không nói đến những đảo đá không người ở Senkaku. Ngày nay người ta cho rằng vùng biển quanh quần đảo Senkaku có nhiều cá và nhiều túi dầu cũng như khoáng sản hiếm quí nên nó trở thành đề tài tranh chấp gay gắt giữa Trung Hoa (Quốc, Cộng) và Nhật Bản. Năm 1905 hạm đội Nga bị hải quân Nhật đánh bại tại eo biển Tsushima. Nga phải nhường cho Nhật nửa đảo Sakhalin phía Nam theo tinh thần hiệp ước Potsmouth năm 1905. Nhật thiết lập nền bảo hộ trên bán đảo Triều Tiên năm 1910.

Trung Hoa là quốc gia rộng lớn và đông dân nhưng Trung Hoa chỉ là một cường quốc phong kiến về chiều trong vùng. Vào thế kỷ XIX và XX Trung Hoa là miếng mồi chia sẻ của các cường quốc kỹ nghệ Âu Châu như Anh, Nga, Pháp, Đức và Nhật, một quốc gia Đông Bắc Á vừa vươn lên sau cuộc canh tân năm 1868. Trung Hoa phải ký hàng loạt hiệp ước bất bình đẳng với các nước kỹ nghệ Âu Châu và cắt nhường đất đai, hải cảng cho họ. Ma Cao thuộc Bồ Đào Nha từ lâu. Hong Kong thuộc Anh sau Chiến Tranh Nha Phiến; Port Arthur (Lữ Thuận) thuộc Nga; bán đảo Shandong (Sơn Đông) thuộc Đức; Shanghai (Thượng Hải) bị chia ra làm nhiều tô giới v.v... Cách mạng Tân Hợi (1911) lật đổ được nhà Thanh nhưng cách mạng chỉ có ảnh hưởng ở miền Nam mà thôi. Yuan Shikai (Viên Thế Khải), một tướng lãnh người Hán được nhà Thanh (Qing) trọng dụng, thao túng chánh trường sau cách mạng Tân Hợi. Nhật dung dưỡng tham vọng quyền hành của Yuan Shikai và chế độ quân phiệt ở Hoa Bắc để gây ảnh hưởng ở Trung Hoa. Năm 1928 Chiang Kaishek thống nhất Trung Hoa bằng cách Bắc phạt và đánh bại các đốc quân ở miền Bắc. Nhưng chánh phủ Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek không giải quyết nổi các vấn đề xã hội ở Trung Hoa và không ngăn chặn nổi tham vọng bành trướng lãnh thổ của Nhật. Trong nước đảng Cộng Sản ráo riết hoạt động với những lời hứa cải cách ruộng đất đầy quyến rũ ngọt ngào. Ở Nhật đảng Koruryukai (Hắc Long) chủ trương biên giới nước Nhật nằm tận trên bờ Hắc Long Giang (Hei Longjiang). Đảng Cộng Sản Trung Hoa chỉ trích sự yếu kém của Quốc Dân Đảng trước Nhật. Các thành phần sáng lập đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1921 là những người lãnh đạo Phong Trào Ngũ Tứ năm 1919 (04 tháng 05 năm 1919) khi Nhật lăm le chiếm bán đảo Shandong thay thế Đức bị bại trận trong đệ nhất thế chiến.

Năm 1931 Mao Zedong thành lập Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi (Giang Tây). Đó là thành quả chánh trị đầu tay của Đảng Cộng Sản Trung Hoa sau cuộc đàn áp đẫm máu năm 1927 do Quốc Dân Đảng gây ra. Chiang ra sức đánh dẹp Cộng Sản để củng cố chánh quyền Quốc Dân Đảng giữa lúc Nhật thành lập Mãn Châu Quốc (Manchukuo) (1932) và đưa vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh về làm vua: Pu Yi (Phổ Nghi). Năm 1934 quân Quốc Dân Đảng và các cố vấn quân sự Đức mở cuộc tấn công càn quét nhắm vào Cộng Hòa Sô Viết Jiangxi. Mao phải mở cuộc Vạn Lý Trường Chinh, đưa người ngược lên Shaanxi (Thiểm Tây). Dù bị bại về quân sự, Cộng Sản Mao thành công lớn trong việc tuyên truyền rằng Chiang Kaishek lo giết người đồng chủng nhưng tỏ ra nhu nhược và thấp hèn trước quân Nhật ở Manchukuo! Sau vụ bắt cóc Chiang Kaishek ở Xian (Tây An) năm 1936 Cộng Sản và Quốc Dân Đảng liên hiệp lần thứ nhì để chống Nhật theo sự chỉ đạo của Stalin muốn Trung Hoa chống Nhật hữu hiệu để biên giới Liên Sô được an toàn. Năm 1937 Nhật mở đầu cuộc xâm chiếm Trung Hoa. Chiang Kaishek phải bỏ Nanjing (Nam Kinh) dời đô về Chongqing (Trùng Khánh) kháng Nhật nhờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Chiến tranh Hoa - Nhật giúp cho Mao Zedong củng cố và phát triển đảng Cộng Sản theo chủ nghĩa Mao (Maoism) và tạo uy tín trong quần chúng bằng những chiến thắng du kích trước quân Nhật.

Nhật đầu hàng vô điều kiện vào tháng 08 năm 1945 sau khi Hiroshima và Nagasaki bị tàn phá vì bom nguyên tử. Trung Hoa là nước hưởng nhiều lợi lộc nhờ đứng về phía Hoa Kỳ: thu hồi đảo Taiwan, quần đảo Penghu; Trung Hoa là một trong Ngũ Cường sáng lập tổ chức LHQ; quân Trung Hoa (QDÐ) giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 của Việt Nam; nước Trung Hoa sạch bóng quân Nhật; Manchukuo giải thể và sáp nhập vào lãnh thổ Trung Hoa v.v... Cuộc nội chiến Quốc - Cộng lại tiếp diễn với thắng lợi to lớn và nhanh chóng về phía Cộng Sản Mao (1949). Mao tìm cách tái lập ảnh hưởng của Trung Hoa ở Việt Nam và Triều Tiên. Bán đảo triều Tiên bị chia đôi. Bắc Triều Tiên theo chế độ Cộng Sản. Nam Triều Tiên chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Đới với Việt Nam, Mao viện trợ võ khí, thuốc men, lương thực, gởi cố vấn chánh trị và quân sự giúp cho chánh phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Đảng Cộng Sản Việt Nam được phục hồi dưới tên đảng Lao Động Việt Nam năm 1951 do Trường Chinh Đặng Xuân Khu, một đảng viên Cộng Sản Việt Nam thân Trung Hoa làm tổng bí thơ. Tướng Nguyễn Sơn, một người Việt Nam gia nhập đảng Cộng Sản Trung Hoa, được đưa về Việt Nam. Một cuộc cạnh tranh quyền hành giữa tướng Võ Nguyên Giáp và hai vị tướng thân Trung Hoa Cộng Sản như Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thanh diễn ra. Thực chất đó là sự cạnh tranh quyền hành ngấm ngầm giữa Hồ Chí Minh (thân Liên Sô) và Trường Chinh (thân Trung Hoa). Các chánh ủy trong Quân Đội Nhân Dân đều là những đảng viên Cộng Sản theo chủ nghĩa Mao.

Mao gởi chí nguyện quân sang Bắc Triều Tiên đánh nhau với quân Liên Hiệp Quốc do tướng Mc Arthur chỉ huy. Sự can thiệp của Trung Hoa Cộng Sản vào chiến tranh Việt Nam lần thứ nhất và chiến tranh Triều Tiên là cho CHNDTQ có vị thế quan trọng trên chánh trường quốc tế. CHNDTQ ký hiệp ước đình chiến với Hoa Kỳ ở Panmunjom (Bàn Môn Điếm) năm 1953. Thủ tướng Zhou Enlai (Châu Ân Lai) năng nổ tại hội nghị Geneva năm 1954 đưa đến việc qua phân nước Việt Nam để cho Liên Sô được xả hơi sau khi nhà độc tài Stalin qua đời và để cho CHNDTQ né tránh cuộc đụng độ võ trang có thể xảy ra với Hoa Kỳ.

CHNDTQ đặt dưới sự lãnh đạo độc đoán của Mao Zedong. Hàng chục triệu người chết vì đói kém, vì cuộc cải cách ruộng đất, diệt trừ địa chủ, phản động, phản đảng, phản cách mạng, và vì sự thất bại của Bước Tiến Nhảy Vọt của Mao và cách Mạng Văn Hóa (1966 - 1976) do Mao và vợ là Jiangqing (Giang Thanh) phát động. Tự ái và niềm tự hào Hán tộc được Mao đền bù bằng sự xâm lăng Tây Tạng (1959), chiến tranh biên giới với Ấn Độ (1962), chiến tranh biên giới với Liên Sô (1969), sản xuất bom nguyên tử (1964) và việc phóng vệ tinh nhân tạo lên không gian (Đông Phương Hồng I - Dong Fang Hong I -1970). Sau khi Mao qua đời, Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) đưa ra Bốn Hiện Đại Hóa và gởi nhiều sinh viên sang học hỏi và ‘tặc’ kỹ thuật của Hoa Kỳ. Sau sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản ở Đông Âu năm 1989 và Liên Sô năm 1991, chỉ còn CHNDTQ, Việt Nam, Bắc Hàn, Lào, Cuba theo chủ nghĩa Cộng Sản. Chủ nghĩa Cộng Sản ở Trung Hoa đã biến thể thành chủ nghĩa Mao (Maoism). Sau 30 năm theo đuổi chương trình Bốn Hiện Đại Hóa thành công, Trung Hoa trở thành một cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ. Sự phát triển kinh tế giúp cho ngân sách quốc phòng gia tăng. Kỹ nghệ quốc phòng của CHNDTQ tiến rất nhanh. Ngày nay CHNDTQ là quốc gia có lực lượng quốc phòng đứng hàng ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Nga mà thôi. CHNDTQ là quốc gia bán nhiều võ khí hơn Anh Quốc.

Sau đệ nhị thế chiến Hoa Kỳ chiếm đóng trên đảo Okinawa của Nhật. Sau khi ký hiệp ước đình chiến năm 1953, Hoa Kỳ duy trì một số quân ở Nam Triều Tiên. Hiện nay quân số Hoa Kỳ ở Nam Triều Tiên vào khoảng 28.500 người.

Đông Bắc Á là nơi hội tụ những lực lượng quân sự hàng đầu thế giới như quân đội Nga, quân đội Trung Hoa Cộng Sản, quân đội Nam Triều Tiên và lực lượng Không, Hải Quân Nhật. Bắc Triều Tiên có không đến 25 triệu dân nhưng luôn luôn thiếu lương thực và thường bị nạn đói đe dọa. Mặc dù vậy Bắc Triều Tiên tỏ ra rất hiếu chiến. Họ luôn luôn đề cao võ lực, sản xuất hỏa tiễn, tầu ngầm, bom nguyên tử để đe dọa đồng bào họ ở phía Nam, đe dọa Nhật Bản, quốc gia từng đô hộ họ từ năm 1910 đến 1945, và đe dọa sinh mạng của quân sĩ Hoa Kỳ đồn trú ở Nam Triều Tiên.

Taiwan được sự bảo vệ của Hoa Kỳ từ năm 1949 đến 1971. Từ khi Hoa Kỳ bang giao với Trung Quốc lục địa, họ ngưng viện trợ cho Trung Hoa Dân Quốc vì để bang giao với lục địa, họ phải nhìn nhận chỉ có một nước Trung Hoa mà thôi. Thỉnh thoảng Hoa Kỳ bán võ khí cho Taiwan để phòng thủ trong trường hợp bị CHNDTQ tấn công. Taiwan có một nền kinh tế lành mạnh ở Đông Á. Họ tìm cách tự sản xuất võ khí, phòng khi Hoa Kỳ không bán võ khí cho họ vì sợ đụng chạm với Beijing (Bắc Kinh).

Nam Triều Tiên có khả năng sản xuất hàng không mẫu hạm, hỏa tiễn và các loại võ khí sát thương khác. Phần đất lớn hơn Nam Bộ 1,67 lần nầy là một vùng kinh tế quan trọng trong số 15 quốc gia có nền kinh tế phồn thịnh trên thế giới. Nam Triều Tiên luôn luôn sát cánh với Hoa Kỳ và Nhật Bản tạo thế liên minh quân sự trong trường hợp có chiến tranh với Bắc Triều Tiên và CHNDTQ bên hàng ngũ Bắc Triều Tiên.

Quốc gia bị thất thế hiện nay là Nhật Bản. Sau khi bại trận, Nhật phải thi hành hiến pháp do các nhà luật học Hoa Kỳ soạn thảo. Nhật không có quân đội, không được quyền sản xuất võ khí nặng v.v... Nhật chú trọng đến sự chấn hưng kinh tế và không bao lâu, Nhật là cường quốc kinh tế thứ nhì sau Hoa Kỳ và vượt qua Liên Âu. Hiện nay kinh tế Nhật bị CHNDTQ qua mặt nên tuột xuống hàng thứ ba trên thế giới. Nhật vẫn là chủ nợ thứ hai của Hoa Kỳ sau CHNDTQ. Nhật tranh chấp về chủ quyền đảo Kurils với Nga, đảo Takeshima (tên Nhật có nghĩa là đảo tre) tức đảo Dokdo với Nam Triều Tiên, một quốc gia Đồng Minh và chòm đảo Senkaku với Trung Hoa Cộng Sản và Taiwan. Trung Hoa gọi chòm đảo nầy là Diaoyu (Điếu Ngư). Suốt trên nửa thế kỷ sau ngày bại trận Nhật chỉ chú trọng đến việc chấn hưng và phát triển kinh tế dưới tàng dù an ninh của Hoa Kỳ. Ngân sách quốc phòng của Nhật rất nhỏ. Tuy vậy Hải Quân và Không Quân của Nhật được liệt vào một trong 10 quốc gia có lực lượng Hải Quân và Không Quân hùng hậu trên thế giới.

Hoa Kỳ xem sự thắng bại trên chánh trường và chiến trường như một trận giao đấu thể thao. Không vì thắng mà ngạo nghễ hay vì thua mà thù hận chờ ngày phục thù hay không nhìn mặt và bắt tay với kẻ thù. Nói tổng quát họ không có bạn vong niên cũng không có kẻ thù truyền kiếp. Họ không bị ràng buộc bằng một chủ nghĩa, tôn giáo hay một khái niệm đạo đức nào vì trên đời không có cái gì bất biến hay vĩnh cửu cả.

Người Nhật là người Á Châu nhưng họ có tinh thần võ sĩ đạo trong việc phân biệt thắng-bại. Nhiều người harakiri (mổ bụng tự sát) khi nghe Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện sau khi bị Hoa Kỳ dội bom nguyên tử tàn phá hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Sau khi đầu hàng họ chấp hành đúng đắn những qui định của người thắng trận, dùng hiến pháp dân chủ do Hoa Kỳ soạn trơn tru. Đô đốc Yamamoto từng học ở đại học Harvard, Hoa Kỳ. Khi được lịnh tấn công Pearl Harbor ngày 07-12-1941 ông thi hành lịnh một cách nghiêm túc mặc dù ông biết rằng Nhật sẽ gặp vô vàn khó khăn khi ‘rủ’ Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến bên phe Đồng Minh. Nhật và Hoa Kỳ không xem nhau là kẻ thù truyền kiếp. Trái lại họ tương kính nhau và dựa vào nhau để phát triển và sinh tồn. Người Nhật không ngần ngại học cái hay của người khác và sẵn sàng vất bỏ cái yếu kém của mình hay những cái không cần thiết phải giữ. Không bao lâu kinh tế Nhật chỉ thua kém Hoa Kỳ mà thôi. Người Nhật ít nói và ít khoa trương như người Trung Hoa. Họ kết hợphài hòa sự yên tĩnh trong tâm với Zen (Thiền), trà đạo (Chanoyu), sức mạnh của ‘bắp thịt’ với tinh thần võ sĩ đạo (Bushido) và niềm tin không lay chuyển về nguồn gốc con cháu của Amaterasu (Thái Dương Thần Nữ) của họ.

Khi Trung Hoa lục địa vừa khởi sắc và có nền kinh tế hạng nhì trên thế giới, họ muốn nền kinh Hoa Kỳ kiệt quệ để họ là quốc gia lãnh đạo thế giới, dùng đồng Renminbi (nhân dân tệ) thay thế đồng đô-la của Hoa Kỳ! Không ai phủ nhận sự vươn lên của CHNDTQ nhưng nếu đem GDP của nước nầy so sánh với GDP của Nhật ta thấy được điều gì?

* Diện tích nước Nhật chỉ bằng 1/25,7 diện tích CHNDTQ
* Dân số Nhật chỉ bằng 1/10,6 dân số CHNDTQ
* GDP của Nhật: 5.150 tỷ Mỹ kim
* GDP của CHNDTQ: 8,227 tỷ Mỹ kim
* Lợi tức tính theo đầu người của Nhât: 46.726 Mỹ kim/năm
* Lợi tức tính theo đầu người của CHNDTQ: 6.076 Mỹ kim/năm

Nước Nhật là quốc gia kỹ nghệ, đất đai nhỏ hẹp. Người Nhật phải vất vả trong việc mưu sinh. Họ sản xuất nhiều xe hơi nhưng để xuất cảng. Dân chúng thường đi làm bằng xe lửa. Sáng phải thức dậy thật sớm để đi làm việc. Mãi đến 10 giờ tối mới về đến nhà. Nhưng tại sao họ không bỏ xứ để đi tìm sự sống thỏai mái hơn? Còn CHNDTQ đã tạo giấc mơ Trung Hoa nhưng sao dân chúng lại tìm cách sang Hoa Kỳ, Úc, Canada và các nước Âu Châu khác ngày càng đông? Ngay cả các viên chức hô hào giấc mơ Trung Hoa cũng đưa con ra nước ngoài và mua sắm điền sản ở nước ngoài. Giấc mơ Trung Hoa nằm ở nước ngoài chớ không ở trên lục địa Trung Hoa?

Chính trên quần đảo Nhật Bản đầy núi đá và rừng xanh nầy có những nhà lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm cao, tạo được sự cảm thông trọn vẹn giữa chánh quyền và nhân dân. Một vị tổng trưởng từ chức chỉ vì chiếc xe lửa trật đường rầy và gây tai nạn cho dân chúng. Một tổng trưởng khác tự tử chết vì tham nhũng. Trước khi chết ông để lại một bức thơ nhận lấy tội cho phần mình và yêu cầu dư luận đừng hiểu lầm gì đến vị thủ tướng mà ông phục vụ. Người người quyện hồn trong công việc không phải vì chức vụ cao hay đ̣ồng lương cao mà vì yêu công việc và vì lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Một lao công phục vụ trong khách sạn lau từng chiếc lá trầu bà trong khách sạn. Một công nhân điện tử lượm một sợi dây điện rớt dưới đất và lau chùi sạch sẽ một cách trịnh trọng với tất cả sự yêu quí của mình chớ không dùng giày chà đạp nó vì nó nằm sẵn dưới đất rồi. Một người phục vụ nhà hàng cảm ơn thực khách cho tiền ‘pourboire’ nhưng không nhận vì đó là qui định của các nhà hàng Nhật. Những chuyện nhỏ nầy không phải được tìm thấy khắp mọi nơi trên thế giới. Những cái nhỏ đó phản ánh sức mạnh tập thể của dân tộc Nhật.

Ý thức kinh tế của người Nhật có vẻ sâu sắc và thực tế và thực tế hơn người Trung Hoa và nhiều dân tộc khác trên thế giới. Khi kinh tế Hoa Kỳ suy kém, Nhật tỏ ra lo ngại, ý thức rằng sự đổ vỡ của Hoa Kỳ dẫn theo sự đổ vỡ của thế giới như cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 và 1930 vừa qua. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hóa các nước. Dân chúng có đời sống cao nên mãi lực rất cao. Nếu dân chúng bị khủng hoảng thì mức tiêu thụ của họ giảm sút theo. Các nhà kỹ nghệ Nhật luôn luôn theo dõi nhu cầu và sở thích của người tiêu thụ. Họ mạnh dạn chinh phục niềm tin của người tiêu thụ bằng phẩm chất của hàng hóa do họ sản xuất. Hàng hóa Nhật vào thập niên 1930 bán rẻ như bèo. Cố nhiên phẩm chất thấp gắn liền với giá rẻ theo kiểu đồng hồ bán ký-lô. Họ bỏ ý niệm nầy sau đệ nhị thế chiến và chinh phục sự tin cậy của khách hàng thế giới dễ dàng với xe hơi, đồ điện tử, dụng cụ âm nhạc và các mặt hàng khác.

Chủ nghĩa Marx-Lenin đến Trung Hoa trở thành chủ nghĩa Mao (Maoism). Chủ nghĩa Mao chuyển sang thuyết mèo trắng, mèo đen của Deng Xiaoping tạm gọi là chủ nghĩa Deng Xiaoping (Dengxiaopingism). Đó là chủ nghĩa Mao xét lại + kinh tế thị trường + kỹ thuật Hoa Kỳ dưới sự chỉ đạo bất biến của độc đảng Cộng Sản cầm quyền. Chủ nghĩa Deng Xiaoping mang lại kết quả rực rỡ nhờ sự đầu tư của các nước ngoài vì lục địa Trung Hoa có một nguồn nhân lực rẻ tiền khổng lồ. CHNDTQ sớm trở thành một cường quốc kinh tế thứ nhì sau Hoa Kỳ và cường quốc quân sự thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Liên Bang Nga. Ngân sách quốc phòng CHNDTQ gia tăng đồng nhịp với sự phát triển kinh tế của nước nầy. CHNDTQ phóng vệ tinh nhân tạo, mua hàng không mẫu hạm, đóng nhiều tàu chiến, xe tăng, phi cơ, sản xuất nhiều hỏa tiễn, bom nguyên tử và võ khí hiện đại. Các nhà nghiên cứu chiến lược Tây Phương chủ quan cho rằng ngân sách quốc phòng của CHNDTQ chỉ có 166,1 tỷ Mỹ kim trong khi ngân sách quốc phòng của Hòa Kỳ là 682,4 tỷ Mỹ kim. Đó là cách lập luận khá chủ quan vì đừng quên rằng nếu Hoa Kỳ dùng $T để trang bị và chi phí cho một tiểu đoàn thì với $T ấy CHNDTQ có thể chi phí và trang bị cho 01 hay 02 sư đoàn của họ!

Hiện nay Trung Hoa Cộng Sản có 2.170.000 quân với 2.954 phi cơ và 1.936 tàu chiến và tàu ngầm. Lực lượng quân sự hùng hậu và một nền kinh tế phi tiễn Trung Hoa Cộng Sản không phải khép nép trước các liệt cường Âu-Mỹ như trước kia. Họ thi hành đúng câu Mạnh vì gạo, bạo vì tiền với Nga, Anh, Pháp, Hoa Kỳ và các nước Âu Châu khác. Họ xem Bắc Triều Tiên, Việt Nam như là quốc gia bộ thuộc cũ và các nước Đông Nam Á như những người hàng xóm nghèo, yếu và sợ sệt trước uy danh của họ. Họ tách rời Cambodia và Lào ra khỏi quĩ đạo của Cộng Sản Việt Nam, dùng Cambodia chống lại chánh quyền Thái Lan, lật đổ Thaksin và gạt bỏ vấn đề Biển Đông trong nghị trình hội nghị ASEAN khi Cambodia làm chủ tịch năm 2012. Họ nâng đỡ chánh quyền quân phiệt độc tài ở Miến Điện. Nhưng đến năm 2010 chánh phủ nước nầy tìm cách xích lại gần các nước Tây Phương hơn sau khi nhận thức được hiểm họa của CHNDTQ.

CHNDTQ có tiến bộ rõ rệt về kinh tế lẫn quân sự nhưng họ vẫn duy trì chế độ độc tài, độc đảng Cộng Sản cầm quyền như một hình thức vĩnh cửu quyền hành. Trái đất không ngừng quay thì lịch sử loài người không ngừng biến đổi. Nó không dừng lại ở điểm nào cả. Người ta không thể mua tự hào và danh dự ảo bằng sự bất công, nghèo khổ và mất tự do mãi mãi được. Lục địa Trung Hoa vẫn còn 500 triệu người sống trong cảnh nghèo khó. Sự cách biệt giữa Giàu - Nghèo, Nông Thôn - Thành Thị, Thường Dân - Đảng Viên Cai Trị càng ngày càng xa hơn. Giới trung lưu thành thị có cơ hội giao tiếp với các nước dân chủ trên thế giới không thấy tính ưu việt của chủ nghĩa Cộng Sản và cũng không ưa thích sự lãnh đạo độc đoán của đảng Cộng Sản. Họ muốn có tự do và thụ hưởng một đời sống đáng sống. CHNDTQ là quốc gia có nền kinh tế hạng nhì trên thế giới nhưng lục địa Trung Hoa đầy dẫy bất công, tham nhũng. Không khí không thanh sạch, các dòng sông bị ô nhiễm đầy rong rêu và độc chất do các nhà máy kỹ nghệ phóng thải. Phương châm con vua thì lại làm vua vẫn có giá trị trong chế độ Cộng Sản. Các đảng viên trung ương tựa như những nhà quí tộc triều đình và đảng viên địa phương như những quí tộc tỉnh thời cách mạng 1789 ở Pháp. Bất công xã hội, vấn đề tứ ngoại tỉnh (Mãn, Tạng, Hồi <Tân Cương>) và sự bấp bênh kinh tế khi các nước rút hay giảm đầu tư là những bài toán không đáp số của CHNDTQ. Để che lấp những bài toán khó giải nầy Trung Hoa Cộng Sản trở về chủ nghĩa đế quốc cổ điển, kích thích chủ nghĩa quốc gia mà Cộng Sản gọi là chủ nghĩa dân tộc (nationalism) bằng cách dương oai điệu võ với các quốc gia láng giềng ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Ở Đông Nam Á họ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 khi Mao Zedong còn sống. Năm 1988 họ đánh chiếm một phần quần đảo Trường Sa. Hiện nay CHNDTQ tự cho mình có chủ quyền lối 3 triệu km2 trên Biển Đông. Họ gây khó dễ cho cư dân Việt Nam ở Quảng Ngãi ra đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa mà họ xâm chiếm của VNCH vào năm 1974, gây khó dễ cho bất cứ công ty ngoại quốc nào thăm dò dầu khí trong vùng Lưỡi Bò do họ vẽ ra. Phi Luật Tân kiện họ xâm phạm chủ quyền trên bãi cạn Scarborough ngoài khơi đảo Palawan. Mặc dù vụ kiện nầy không đi đến đâu nhưng nó làm tổn thương danh dự của CHNDTQ không ít vì đây là một trong Ngũ Cường có quyền phủ quyết tại tổ chức LHQ, lại không tôn trọng luật pháp quốc tế. Những lý lẽ dựa vào lịch sử của họ không có tính thuyết phục mà chỉ là những lời ngụy biện cho hành vi dùng bạo lực hù dọa của họ đối với các quốc gia trong vùng. Xi Jinping (Tập Cận Bình) nổi bật trong hội nghị APEC ở Indonesia và ASEAN ở punei vào tháng 10 năm 2013 nhờ sự vắng mặt của tổng thống Obama vì khủng hoảng ngân sách.

Ở Đông Bắc Á, CHNDTQ liên kết với Bắc Triều Tiên và không dùng bằng chứng lịch sử để đòi Nga trả lại hàng triệu cây số vuông đất đai đã nhượng cho Nga dưới thời Nga hoàng vì họ không thể dương oai diệu võ với cường quốc quân sự thứ nhì trên thế giới nầy. Họ đùa giỡn với các nước dân chủ như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức dễ hơn là đùa giỡn với Nga, quốc gia từng đánh nhau với họ năm 1969 và từng dọa dùng bom nguyên tử nếu họ còn thái độ hung hãn. Trung Hoa Cộng Sản quay sang Nhật và đòi chủ quyền trên chòm đảo đá không người ở mà họ gọi là Diaoyutai (Điếu Ngư Đài) và Nhật gọi là Senkaku. Thái độ ương ngạnh và gây hấn của Beijing khơi động sự thù hận của người Trung Hoa đối với người Nhật và làm sống dậy tinh thần võ sĩ đạo của Nhật lắng đọng từ 65 năm qua. Nhật tỏ ra ôn hòa nhưng cương quyết. Nhật và CHNDTQ cần nhau về phương diện kinh tế. Senkaku đã đặt dưới sự quản trị hành chánh của Nhật từ lâu. Năm 2012, sau khi mua lại các đảo đá của một tư nhân người Nhật, Senkaku thuộc chủ quyền của quốc gia Nhật. Tháng 12 năm 2012 đảng Tự Do Dân Chủ đắc cử. Ông Abe trở lại chánh quyền trong chức vụ thủ tướng. Phương châm của ông là Nước giàu, quân sự mạnh nghĩa là chấn hưng kinh tế và gia tăng ngân sách quốc phòng lên 0,8% GDP tức gần 60 tỷ Mỹ kim. Nhật chủ trương tu chỉnh hiến pháp hiện hành để đủ sức tự vệ giữa lúc đồng minh Hoa Kỳ cắt giảm ngân sách quốc phòng. Ông Abe cho rằng không có tranh chấp về vấn đề Senkaku vì nó thuộc về Nhật nên không thể đặt vấn đề thương thuyết.

Trên lục địa Trung Hoa nhiều cuộc biểu tình bạo động hành hung người Nhật và đập phá các cửa hàng Nhật. Trái lại dân Nhật vẫn giữ bình tĩnh trước những đoàn tàu và phi cơ của Trung Hoa Cộng Sản xâm phạm lãnh hải và không phận Senkaku. Nhật đưa tàu và phi cơ Jet-15 ra săn đuổi. Từ tháng 04 đến tháng 06 năm 2013 phi cơ Jet-15 của Nhật xuất phát từ phi trường Naha trên đảo Okinawa phải cất cánh 69 lần để đuổi phi cơ của Trung Hoa Cộng Sản ra khỏi không phận Nhật. Tháng 09 năm 2013 phi cơ không người lái của Trung Hoa Cộng Sản xuất hiện trên không phận Senkaku song song với đội tuần duyên của họ tiến gần hải phận Senkaku. Nhật dự trù lập một đài ra-đa trên đảo Yonaguni gần Taiwan để theo dõi những hoạt động quân sự của Trung Hoa Cộng Sản.

Xi Jinping không có dấu hiệu cải cách như nhiểu người trông đợi. Trái lại ông có nhiều dấu hiệu chủ chiến và lui về thời Mao Zedong với Phê và Tự Phê. Đông Bắc Á có thể là ngòi lửa chiến tranh do Bắc Triều Tiên và Cộng Sản gây ra. Nhật Bản và Nam Triều Tiên là hai quốc gia hứng chịu chiến tranh. Bắc Triều Tiên có thể gặp nạn đói vì chánh quyền say sưa sản xuất bom nguyên tử và vũ khí để tấn công Nam Triều Tiên. Sự gây hấn của Trung Hoa Cộng Sản trên không phận và hải phận Senkaku có nguy cơ dẫn đến chiến tranh lớn trong vùng trước tiên giữa Nhật Bản và Trung Hoa Cộng Sản, giữa Nam- Bắc Triều Tiên và giữa Trung Hoa Cộng Sản và Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan). Đó là sự khởi đầu của Đệ Tam Thế Chiến với sự tham dự của Nga và Hoa Kỳ tức là có sự tham dự ba đại cường kinh tế và ba đại cường quân sự.

Chiến tranh giữa Nhật Bản và Trung Hoa Cộng Sản rất khó tránh vì cả hai nước đều đang khởi động chủ nghĩa quốc gia (nationalism) trong lòng dân tộc mình. Điều kiện thuận lợi cho Trung Hoa Cộng Sản:

  1. Hoa Kỳ đang gặp khó khăn kinh tế và tài chánh. Họ mệt mỏi vì hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Hai cuộc chiến tranh ấy kéo dài tổng cộng 21 năm (Afghanistan: 2001 - 2014; Iraq: 2003 - 2011). Nhật và Hoa Kỳ ký hiệp ước an ninh hỗ tương năm 1951. Nhưng Hoa Kỳ rất nặng nợ với Do Thái và các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông.
  2. Nhật Bản bị ràng buộc không được có quân đội, không phát triển Hải Quân, Không Quân, không được sản xuất võ khí nặng... sau khi bại trận trong đệ nhị thế chiến.
  3. Dân số Nhật sụt giảm. Tỷ lệ cư dân trên 65 tuổi vào năm 1989 là 11,6% . Đến năm 2007 tỷ lệ nầy lên đến 21,2%. Người ta lo ngại rằng đến năm 2060 tỷ lệ cư dân trên 65 tuổi có thể lên đến 40%. Đây không còn là sự báo động nhân mãn mà là sự báo động về sự sụt giảm và già nua dân số đáng ngại. Theo sự ước đoán, đến năm 2060 dân số Nhật chỉ còn 86 triệu người! Nhật là một quốc gia kỹ nghệ có nhiều núi và rừng. Số cư dân độc thân hay có gia đình nhưng không ‘dám’ sinh con khá cao.
  4.  Kinh tế Nhật suy thoái trong thập niên qua. Nhật bị thiệt hại nặng nề vì trận động đất và sóng thần năm 2011. Nhật và Hoa Kỳ suy trong khi CHNDTQ thịnh.

Xi Jinping (Tập Cận Bình) ở trong thế bị động khi phải chọn chiến tranh vì đã kích thích lòng tự hào Hán tộc quá nhiều. Nếu không dám đụng đến Nhật Bản thì hóa ra CHNDTQ chỉ là con cọp giấy như Mao Zedong đã gán cho Hoa Kỳ vào thập niên 1960. Một thế bị động khác là ông cần sự ủng hộ của phe quân nhân để giữ vững địa vị. Phe nầy luôn luôn chủ chiến để có vai trò quan trọng trong đảng và trong chánh quyền. Chiến tranh với Nhật, nếu xảy ra, là chiến tranh phục thù đồng thời khỏa lấp những khó khăn nội bộ, sự chống đối của người Tây Tạng và người Hồi Giáo Tân Cương và khủng hoảng xã hội do tình trạng bất công và tham nhũng gây ra.

Nhìn phiến diện ta thấy CHNDTQ có nhiều ưu thế căn cứ vào số lượng phi cơ và tàu chiến mà họ có, mặc dù chưa rõ phẩm chất và khả năng của người xử dụng.

Quốc Gia Ngân Sách Quốc Phòng Phi Cơ Tàu Chiến
CHNDTQ 166,1 tỷ M.k 2.954 1.936
Nhật Bản 59,2 tỷ M.k 723 502

Nhật có tàu chiến từ thời Meiji (1867 - 1912) và đã thắng hạm đội Nga ở Tsushima năm 1905. CHNDTQ mới mua một hàng không mẫu hạm của Ukraine. Hải Quân Trung Hoa Cộng Sản chiến thắng Hải Quân VNCH trong trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và Hải Quân CHXHCNVN trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988.

Nếu chiến tranh bùng nổ ở Senkaku, Trung Hoa Cộng Sản phải dùng hải chiến và không chiến hơn là lục chiến. Trung Hoa Cộng Sản yếu về hải chiến và không chiến so với Nhật. Nếu Nhật đánh chìm hạm đội của CHNDTQ thì chuyện gì sẽ xảy ra trên lục địa Trung Hoa trong cảnh ‘giậu đổ bìm leo’?

 

Phạm Ðình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2013