Phạm Đình Lân


"Dân chủ" Ai Cập?

 

Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập lật đổ chế độ độc tài quân sự do tổng thống Hosni Mubarak đứng đầu. Tướng Mubarak duy trì chế độ độc tài quân sự suốt 30 năm liền (1981 - 2011). Trên thực tế Ai Cập đặt dưới chế độ độc tài quân sự từ năm 1952 sau khi vua Farouk I bị tướng Naguib lật đổ. Vai trò của tướng Naguib (1901 - 1984) tương tự vai trò của tướng Dương Văn Minh trong cuộc đảo chánh lật đổ tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1963. Cả hai đều không giữ chánh quyền bền vững sau khi cuộc đảo chánh thành công.

Đại tá Nasser và đại tá Nguyễn Văn Thiệu có vài điểm tương đồng sau hai cuộc đảo chánh không cùng thời gian và địa điểm. Chế độ độc tài quân sự ở Ai Cập kết hợp với tinh thần Hồi Giáo nhưng sức mạnh của quân đội là chính yếu. Nasser (1918 - 1970) khắc phục được sự ngưỡng mộ của dân chúng Ai Cập bằng lập trường chống đế quốc Tây Phương, quốc hữu hóa kinh đào Suez, chống Do Thái và phát huy ảnh hưởng của Ai Cập ở các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông (sát nhập Syria vào Ai Cập khi thành lập Cộng Hòa Á Rập Thống Nhất năm 1958). Ông được tôn vinh như anh hùng dân tộc sau khi Ai Cập giành lấy quyền kiểm soát kinh đào Suez (1956). Để thực hiện mộng bành trướng ảnh hưởng của Ai Cập trong vùng, Nasser phải nhận viện trợ kỹ thuật của Liên Sô để xây đập Assouan, mua phi cơ, xe tăng và các loại võ khí của Liên Sô. Nhiều cố vấn và chuyên viên Liên Sô được phái sang Ai Cập. Ai Cập cùng vài quốc gia Hồi Giáo Trung Đông tấn công Do Thái khắp ba mặt trận phía bắc, đông và nam. Chỉ trong vòng 6 ngày Do Thái đánh bại liên quân các nước Hồi Giáo trong vùng, chiếm bán đảo Sinai và dải Gaza của Ai Cập ở phía nam, thành phố Jerusalem, West Bank từ Jordan, đồi Golan từ Syria. Đó là cuộc Chiến Tranh Sáu Ngày năm 1967. Nasser thất vọng vì mất Sinai và Gaza, tổng cộng trên 60.000km2, tức lớn hơn diện tích nước Do Thái gấp ba lần. Ông mất năm 1970 sau khi chứng kiến quân đội Do Thái tung hoành trên bán đảo Sinai vào năm 1956 và 1967.

Tướng Sadat (1918 - 1981) lên cầm quyền sau khi Nasser mất. Ông theo đuổi chánh sách của Nasser và tìm mọi cách lấy lại bán đảo Sinai. Năm 1973 Ai Cập và Do Thái thình lình tấn công Do Thái. Trong những ngày đầu cuộc chiến Do Thái bị thất thế. Nhưng sau đó họ phản công và đầy lui các đợt tấn công của Ai Cập và Syria để tiếp tục chiếm giữ Sinai, West Bank và đồi Golan.

Sadat thực tế hơn Nasser trong vấn đề Do Thái. Năm 1977 ông thăm viếng nước nầy. Năm 1979 Sadat và thủ tướng Do Thái, Begin, ký thỏa ước David qua trung gian của tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter. Ai Cập là quốc gia Hồi giáo Trung   Đông đầu tiên nhìn nhận nước Do Thái. Các quốc gia Á Rập khác lên án Sadat nặng nề. Do Thái trân quí đường lối của cựu thủ tướng Ben Gurion, người có công thành lập quốc gia Do Thái: Đánh chiếm đất của địch rồi hoàn trả lại để mua hòa bình.

Để mua hòa bình với Ai Cập, Do Thái hứa sẽ trả lại cho Ai Cập bán đảo Sinai. Sadat bị nhóm Hồi Giáo cực đoan ám sát chết năm 1981 vì không theo đuổi chánh sách xóa bỏ nước Do Thái trên bản đồ Trung Đông.

Mubarak, một tướng Không Quân, lên cầm quyền. Ông duy trì chánh sách của Sadat: làm hòa với Do Thái và nhận viện trợ quân sự của Hoa Kỳ hàng năm trên 1 tỷ Mỹ kim. Mubarak thi hành chánh sách cai trị cứng rắn đối với phe đối lập và cấm không cho nhóm Huynh Đệ Hồi giáo hoạt động. Chế độ Mubarak được các tổ chức bảo vệ nhân quyền lưu ý về các vụ bắt bớ và tra khảo tù nhân thuộc thành phần Huynh Đệ Hồi Giáo hay tổ chức khủng bố Al Qaeda. Sau 30 năm cầm quyền, Mubarak nghĩ đến việc chuẩn bị cho con ông tranh tổng thống như Assad đã làm ở Syria hay Kim Il Sung ở Bắc Hàn (Kim Il Sung trao quyền kế  vị cho con chớ không thông qua bầu cử dù là bầu cử hình thức). Tháng 3 năm 2011 Mubarak từ chức vì những cuộc biểu tình rầm rộ ở Cairo và ở những thành phố lớn khác. Năm 2012 ông bị tuyên án chung thân nhưng những người chống đối ông, nhất là nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo, lại biểu tình chống lại bản án mà họ xem là quá nhẹ mặc dù Mubarak đã 84 tuổi và bị bịnh trầm trọng.

*

Mubarak (1928 - ) bị lật đổ. Nhưng Hội Đồng Quân Lực Tối Cao vẫn còn. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào cuối năm 2011, nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo thắng lớn. Ai Cập bắt đầu có chế độ đa đảng nên trong cuộc bầu cử tổng thống không có ứng cử viên đảng nào được đa số quá bán để được đắc cử ngay trong vòng đầu. Trước khi tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vòng hai, vào ngày 14-06-2012 Tối Cao Pháp Viện phán quyết luật bầu cử Quốc Hội bất hợp hiến. Hội Đồng Quân Lực Tối Cao giải tán Quốc Hội gồm đa số dân biểu thuộc khuynh hướng Huynh Đệ Hồi Giáo và Hồi Giáo cực đoan khác.

Trong cuộc bầu cử vòng hai cả hai phe Huynh Đệ Hồi Giáo của ứng cử viên Mohammed Morsi và phe quân đội của cựu thủ tướng thời Mubarak là Ahmed Shafik đứng đầu đều cho mình đắc cử. Phe Huynh Đệ Hồi Giáo biểu dương lực lượng bằng cách tập họp đông đảo tại Quảng Trường Tahrir như sẵn sàng đấu tranh nếu phe quân đội của cựu thủ tướng Ahmed Shafik đắc cử. Trong trường hợp ấy họ viện cớ gian lận bầu cử để tiếp tục đấu tranh mạnh bạo. Kết quả cuộc bầu cử vòng hai được công bố vào ngày chúa nhật 24-06-2012. Mohammed Morsi của Huynh Đệ Hồi Giáo đắc cử với 51,7% phiếu bầu. Tỷ lệ thắng cử sít sao nầy có thể là đề tài tranh tụng trong tương lai chăng? Điều không chối cãi được rằng không phải hầu hết dân chúng Ai Cập đều ủng hộ lập trường quá khích của Huynh Đệ Hồi Giáo.

Sự thắng cử của Morsi là sự thắng lợi của Hunh Đệ Hồi Giáo bị cấm hoạt động trong suốt ba thập niên qua. Morsi là một tổng thống trẻ (sinh năm 1951) được bầu trong một cuộc bầu cử tự do với sự tham dự của đa đảng chánh trị ở Ai Cập.

Mohammed Morsi sinh năm 1951 trong tỉnh Sharqia ở miền Bắc xứ Ai Cập. Ông có bằng cử nhân và cao học về kỹ thuật ở trường đại học Cairo vào năm 1975 và 1978. Ông sang Hoa Kỳ và lấy tiến sĩ ở đại học University of Southern California. Từ năm 1982 đến 1985 ông dạy ở California State University, Northridge. Về nước ông tiếp tục dạy đại học. Ông âm thầm hưởng ứng đường lối của Huynh Đệ Hồi Giáo nhưng không lộ diện vì nhóm nầy bị cấm hoạt động và bị chánh quyền Mubarak theo dõi. Từ năm 2000 đến 2005 ông là dân biểu Quốc Hội. Khi Mubarak từ chức, Morsi lập đảng Tự Do và Công Lý. Trong cuộc bầu cử tổng thống ông được xem là đại biểu của nhóm Huynh Đệ Hồi Giáo.

Căn cứ vào đường lối quá khích của Huynh Đệ Hồi Giáo và liên hệ của Morsi với nhóm nầy cũng như lập trường bành trướng tôn giáo và chống Do Thái của ông trong thời gian vận động bầu cử, nhiều người lo ngại:

– Ai Cập lật đổ chế độ độc tài quân sự để có chế độ độc tài tôn giáo như Iran.

– Luật Hồi Giáo Sharia sẽ được thi hành. Nữ quyền không được tôn trọng như mong mỏi. Những người uống bia cũng lo ngại bị cấm uống rượu! Nếu thi hành triệt để hơn thì phụ nữ phải mang tấm vải che mặt, không được lái xe, không được ly dị chồng vì bất cứ lý do gì, phụ nữ bị hãm hiếp bị xử tội chớ không phải người hãm hiếp hoặc trường hợp phụ nữ bị hãm hiếp phải nhận người hãm hiếp làm chồng như đã xảy ra ở Afghanistan dưới thời Taliban.

– Đạo Thiên Chúa Coptic lâu đời ở Ai Cập chuẩn bị tinh thần để chấp nhận những gì sẽ xảy ra cho họ.

– An ninh của nước Do Thái ở phía nam và tây bị đe dọa nặng nề hơn. Ai Cập và Syria tham dự tất cả các cuộc chiến tranh với Do Thái vào những năm 1948 (năm lập quốc Do Thái), 1956 (Do Thái tấn công Sinai và tiến về bờ đông của kinh đào Suez), 1967 (Ai Cập mất Sinai, Gaza) và 1973. Iran chưa trực tiếp tham gia chiến tranh chống Do Thái. Nếu Iran và Ai Cập liên kết thì Do Thái phải đối đầu với hai nước lớn và đông dân ở Trung Đông.

– Bang giao giữa Ai Cập - Iran có thể khắng khít hơn trong khi bang giao giữa Ai Cập và Hoa Kỳ có thể kém hơn trước.

Có người hoài nghi cho rằng làm thế nào một người của đảng phi dân chủ đắc cử trong một cuộc bầu cử dân chủ có thể xây dựng dân chủ được?

Hoa Kỳ, Anh, Iran và cả Do Thái đều chúc mừng sự đắc cử của Morsi.

Mohammed Morsi biết thế giới đang hướng mắt về ông nên có những lời tuyên bố trái ngược với điều ông nói khi ra tranh cử như để trấn an dư luận thế giới. Ông tuyên bố tôn trọng các hiệp ước quốc tế hàm ý muốn nói đến hiệp ước ký kết với Do Thái. Ông dự trù chọn một người Thiên Chúa Giáo Coptic làm phó tổng thống và một người thuộc khuynh hướng độc lập làm thủ tướng để tạo sự đoàn kết quốc gia.

Morsi đối đầu với nhiều khó khăn trước mắt:

– Đối với dân và nước Ai Cập tân tổng thống phải giải quyết nạn nghèo đói của trên 40% dân số Ai Cập, nạn thất nghiệp, một nền kinh tế suy kém lại càng bệ rạc thêm sau cả năm trường biểu tình, đập phá và bắn giết nhau đẫm máu trên đường phố.

Tân tổng thống sẽ mất viện trợ của Hoa Kỳ khoảng 1,5 tỷ Mỹ kim mỗi năm nếu có lập trường chống Do Thái và chống Hoa Kỳ.

– Tân tổng thống Morsi phải dẹp bỏ quyền hành của quân đội theo ý muốn của Huynh Đệ Hồi Giáo. Mubarak bị lật đổ nhưng Hội Đồng Quân Lực Tối Cao vẫn còn đó. Họ giành việc giữ an ninh nội chính, quốc phòng, ngoại giao và cả quyền lập pháp khi dự định cử người viết Hiến Pháp giống như tướng Nguyễn Khánh với Hiến Chương Vũng Tàu năm 1964 ở Nam Việt Nam! Việc giải tán Quốc Hội ngày 14-06 cho thấy quyền uy của Hội Đồng Quân Lực Tối Cao.

Không làm đúng theo đường lối của Huynh Đệ Hồi Giáo và những lời hứa trước cử tri ủng hộ khuynh hướng nầy, tân tổng thống bị xem như thất bại ngay trong đảng của mình. Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập xem như không có kết quả gì cả vì Hội Đồng Quân Lực Tối Cao vẫn còn nguyên vị.

Rất khó cho Morsi dùng luật Sharia thay cho luật thế tục trong các điều kiện nói trên. Quân đội sẵn sàng dùng biện pháp mạnh. Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập được đánh dấu bởi sự thắng lợi của Huynh Đệ Hồi giáo để quốc gia tiến về sự lệ thuộc tôn giáo thay vì tách rời thế quyền ra khỏi giáo quyền, nghĩa là tách rời tôn giáo ra khỏi quốc gia như Ataturk Mutafa Kemal (1881 - 1938) đã làm ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1923. Mutafa Kemal được tôn là ATATURK tức Cha Già Dân Tộc vì ông là người yêu nước, thực tâm muốn cải cách để Thổ Nhĩ Kỳ vươn lên trong cộng đồng thế giới. Ông giải phóng phụ nữ Hồi Giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách cấm đa thê, bải bỏ lịnh buộc phụ nữ phải mang tấm vải che mặt, cho phụ nữ quyền bình đẳng với nam giới, quyền học hành, quyền ứng cử và bầu cử, bãi bỏ chữ viết Á Rập và qui định cách viết họ tên theo kiểu người phương Tây v.v... Con gái của Mustafa Kemal là người phụ nữ đầu tiên lái phi cơ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tiến sĩ Morsi từng học và dạy đại học ở Hoa Kỳ, có bốn con là công dân Hoa Kỳ bẩm sinh lại muốn quay về cổ tục đa thê, kỳ thị phụ nữ sao? Hoa Kỳ kỳ vọng gì nơi Morsi và Anh đã kỳ vọng gì với Assad ở Syria? Cả hai đều tiếp thu văn hóa cao cấp Tây Phương. Một người muốn lui về luật Sharia. Một người kỳ thị ngay cả đồng bào mình dù cùng tôn giáo nhưng khác phái.

Iran chúc mừng Morsi vì nghĩ rằng họ sẽ có một đồng minh lớn thuộc phái Sunni, không chia xẻ quan điểm tôn giáo với phái Shiite nhưng cùng mẫu số chánh trị chung đối với Do Thái.

Anh, Hoa Kỳ, Do Thái chúc mừng Morsi với hy vọng ông lèo lái nước Ai Cập về bến DÂN CHỦ. Hy vọng và hoài nghi lẫn lộn nhau trước sự thắng lợi của Huynh Đệ Hồi Giáo trong cuộc bầu cử Quốc Hội (bị HĐQLTC giải tán) và cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. Các quốc gia nầy tin Morsi và Huynh Đệ Hồi Giáo được bao nhiêu phần trăm khi họ nói nhiều điều trái ngược nhau về một chủ đề? Các nước Á Rập thân Tây Phương như Saudi Arabia, Jordan, Morocco có vẻ dè dặt trước sự thắng lợi của Huynh Đệ Hồi Giáo ờ Ai Cập mà Morsi là đại diện.

Kết quả cuộc bầu cử cho thấy không phải toàn thể người Ai Cập đều muốn Ai Cập trở thành một Cộng Hòa Hồi Giáo như Iran. Morsi được 51,7% phiếu bầu; Ahmed Shafik, tướng lãnh và cựu thủ tướng dưới chế độ Mubarak, được 48,3% phiếu bầu. Sự chênh lệch về sự ủng hộ của quần chúng cho Huynh Đệ Hồi Giáo trước phe quân nhân chỉ có 3,4%. Điều đó cho thấy phe quân nhân không phải không có quần chúng sau 60 năm cầm quyền (1952 - 2012). Chẳng những vậy họ còn có quân đội, có cơ quan an ninh, tình báo, có võ khí và có kinh nghiệm ngoại giao với các nước dân chủ Tây Phương.

Nếu những người ủng hộ Huynh Đệ Hồi Giáo tiếp tục xuống đường để chống sự hiện diện của Hội Đồng Quân Lực Tối Cao và phản đối luôn cả Morsi bất lực trong việc thi hành luật Sharia, lật đổ chế độ quân nhân hoàn toàn, bành trướng Hồi giáo trong nước và trong vùng, e rằng máu vẫn còn đổ. Tình trạng hỗn loạn và vô trật tự (có thể có) sẽ giúp cho quân đội có lý do để dùng sức mạnh của sắt thép để vãn hồi an ninh và trật tự quốc gia. Morsi trước Huynh Đệ Hồi Giáo và luật Sharia hao hao giống hoàn cảnh của tướng Nguyễn Khánh trước Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do hai vị Thượng Tọa Thích Trí Quang và Thích Tâm Châu cầm đầu. Tướng Nguyễn Khánh, quốc trưởng Phan Khắc Sửu và thủ tướng Phan Huy Quát có vẻ kiêng dè Thượng Tọa Thích Trí Quang hơn là Thượng Tọa Thích Tâm Châu.

Việc biến nước Ai Cập trở thành một Cộng Hòa Hồi giáo như Iran không phải là một việc làm dễ dàng đối với một giáo sư đại học còn thiếu nhiều bản lĩnh chánh trị như Morsi. Cách mạng 1979 ở Iran lật đổ chế độ quân chủ của nước nầy. Cách Mạng Mùa Xuân Á Rập chỉ lật đổ Mubarak và chế độ độc tài của ông để có chế độ đa đảng. Có thể có nhiều tướng lãnh không tán đồng việc Mubarak vĩnh cửu quyền hành, nhưng chắc chắn họ tán đồng chế độ quân nhân do ông nuôi dưỡng và bảo tồn suốt 30 năm qua. Ai Cập là một quốc gia trong đó đa số dân đều theo Hồi Giáo, nhưng luật Hồi Giáo Sharia không thể là luật quốc gia được vì nó sẽ dẩn đến sự kỳ thị các tôn giáo khác trong nước như đạo Thiên chúa Coptic chẳng hạn. Nó tạo một ấn tượng không mấy tốt đẹp trong cộng đồng thế giới.

Du lịch đóng góp một phần không nhỏ trong kinh tế Ai Cập vì nước nầy có nhiều di tích lịch sử cổ xưa như Kim Tự Tháp và các thành phố cổ được các sách cổ Hy Lạp, La Mã và Do Thái đề cập đến. Việc bảo tồn cổ tục theo luật Sharia (nếu có) sẽ giới hạn số du khách du lịch sang Ai Cập. Người đi du lịch cần sự thoải mái khi tiêu xài tiền chớ không phải đi tìm sự khắc khổ như không được khiêu vũ với phụ nữ, không được bày tỏ cảm xúc của mình trước các mỹ nhân, không được uống rượu, không được đánh bài v.v…

Trước mắt Morsi có hai nhận vật đang theo dõi việc làm của ông.

Người thứ nhất là Mohammed Hussein Tantawi, chủ tịch Hội Đồng Quân Lực Tối Cao và tổng trưởng bộ Quốc Phòng.

Người thứ hai là Mohammed Badie, lý thuyết gia lèo lái đường lối chánh trị của Huynh Đệ Hồi Giáo.

Tân tổng thống Morsi phải làm gì để vừa lòng cả hai khuynh hướng tôn giáoquân đội trên đường xây dựng dân chủ sau một cuộc bầu cử được xem là có tính lịch sử vì sự tự do và trong sạch của nó?  Ông là nạn nhân của những người chống ông hay của chính những người quá khích ủng hộ ông bằng sự hy sinh xương máu của họ tại Quảng Trường Tahrir? Rất khó cho ông khi mua thời gian bằng cách tỏ ra ôn hòa giữa lúc ông được Huynh Đệ Hồi Giáo chọn làm đại diện với lập trường gần như "phi ôn hòa"! Người trong cuộc như ông hiểu được sự khó khăn và phức tạp, nhưng những người quá khích từng ủng hộ ông chủ trương quá khích một cách vô tội vạ.

Giả sử có một thế lực quốc tế to lớn nào đó giúp cho tân tổng thống Morsi loại bỏ ảnh hưởng của quân đội trong nước thì Morsi có theo đuổi chiến tranh nhằm xóa Do Thái trên bản đồ như vua Farouk I, đại tá Nasser, tướng Sadat đã làm năm 1948, 1967 và 1973 không? Nếu thành công thì ông sẽ trội hơn vua Farouk I, người hùng Nasser và tướng Sadat. Nếu bại thì số phận của bán đảo Sinai sẽ ra sao?

Trong thời đại nầy việc tiêu diệt một dân tộc hay xóa bỏ bản đồ của một quốc gia không thể là một việc làm dễ dàng. Ai Cập và các quốc gia Hồi Giáo trong vùng từng xua quân tấn công Do Thái ngay trong ngày lập quốc (1948). Lúc ấy Do Thái như một hài nhi mà họ không thắng nổi. Bây giờ nước nầy như một thanh niên trưởng thành và khỏe mạnh, việc đánh và diệt thanh niên ấy chắc chắn không dễ dàng. Người thanh niên ấy không lẻ loi. Anh ta có nhiều thân nhân giàu có và có thế lực khắp nơi trên địa cầu. Họ có những vận động ngoại giao vô cùng kiến hiệu có lợi cho anh ta.

Morsi như một người lái chiếc thuyền Ai Cập. Trên thuyền có hai người luôn luôn theo dõi người lái thuyền. Một người thuộc phe Huynh Đệ Hồi Giáo của người lái thuyền và một người thuộc phe quân đội. Morsi lái con thuyền Ai Cập đến bến Dân Chủ theo ước muốn của người bàng quan trong cộng đồng thế giới? Về phần ông, ông chưa biết đích xác tọa độ của bến Dân Chủ mà người ta kỳ vọng ông đến.

Trong thâm tâm ông có thực sự nghĩ đến bến Dân Chủ không?

Liệu quân đội và Huynh Đệ Hồi Giáo có ưa thích bến ấy chăng?

Liệu Morsi có đủ bản lãnh chánh trị để vươn lên khỏi ảnh hưởng của quân đội và Huynh Đệ Hồi Giáo?

Trước mắt khó khăn và éo le đang chờ tân tổng thống Morsi. Năm 1981 Sadat là nạn nhân của những người hiện ủng hộ ông. Giữa quân đội và Huynh Đệ Hồi Giáo tập thể nào gây trở ngại cho con thuyền Dân Chủ Ai Cập và đường lối của Morsi trong những ngày sắp tới? Nền Dân Chủ Ai Cập sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ có câu trả lời trong một tương lai không xa.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2012