Nguyễn Trung
Cuộc bầu cử tổng thống ở Iran
Kết quả bầu cử
Trong khi dịch cúm Mexico đang hoành hành trên thế giới, giới truyền thông lại dành rất nhiều trang giấy và thời giờ để nói về cuộc bầu cử tổng thống đã diễn ra ở Iran.vào ngày 12-06 vừa qua. Sau cuộc vận động bầu cử khá gay gắt, ông Mahmoud Ahmadinejad, tổng thống Iran đương nhiệm thuộc cánh bảo thủ hy vọng sẽ được tái đắc cử. Nhưng ông phải e ngại trước đối thủ thuộc cánh cải cách và ôn hòa hơn: cựu thủ tướng Mir Hossein Mousavi. Các dự đoán đều cho rằng sẽ không có ứng cử viên nào chiếm đa số phiếu. Một cuộc bầu cử vòng thứ hai sẽ phải xảy ra và sẽ quyết định giữa hai ứng cử viên. Tổng thống đương nhiệm Ahmadinejad được sự ủng hộ của cánh bảo thủ và của đa số dân nghèo cũng như dân chúng ở các vùng nông thôn trong khi Mousavi nhận được sự ủng hộ của các thành phần cải cách, đa số là thế hệ trẻ.
Iran với tên gọi chính thức là Cộng Hòa Hồi Giáo Iran có diện tích 1.648.195km2, khoảng 65,9 triệu dân (cho đến năm 2008) gồm nhiều sắc sân khác nhau với hai phần ba dân số trẻ hơn 30 tuổi. Thủ đô là Teheran có hơn 10 triệu dân. Lợi tức quốc gia phần lớn do xuất khẩu dầu và hơi đốt (đứng hàng thứ 4 trên thế giới). Sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 dưới sự lãnh đạo của Thủ lĩnh Tối cao (ayatollah) (1) Ruhollah Khomeini lật đổ nhà vua (sjah) độc tài thân Tây phương Mohammed Raza Pahlavi, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran được thành lập. Cơ chế quyền lực cao nhất là Hội Đồng Bảo Vệ Hiến Pháp, hiện nay dưới quyền lãnh đạo của một nhân vật bảo thủ là ayatollah Ali Khamanei, có quyền tuyển chọn và đề cử các ứng cử viên tổng thống và quốc hội, nắm cả quyền tư pháp, đối ngoại, quân đội, mật vụ và truyền thông.
Cách đây bốn năm đa số cử tri đã nằm nhà, không tham dự cuộc bầu cử tổng thống vì đã thất vọng trước các thất bại của của cánh cải cách đang nắm chính phủ cũng như đang chiếm đa số trong quốc hội. Tổng thống lúc bấy giờ là Mohammed Khatami đã bỏ lỡ nhiều cơ hội cải cách đất nước và hầu như bất lực trước các thế lực bảo thủ dưới sự lãnh đạo tối cao của ayatollah Khamenei. Hiện nay thành phần nhân dân này đã bất mãn các chính sách dân tộc quá khích của Ahmadinejad như chương trình nguyên tử, cũng như các chính sách kinh tế, ngoại giao đã gây nhiều thiệt hại cho sự phát triển của quốc gia Iran. Các thành phần trẻ mong muốn một quốc gia Iran hiện đại, tân tiến với một xã hội cởi mở. Vì thế trong lần bầu cử tổng thống này, số cử tri đi bầu đã gia tăng rất nhiều đến nỗi nhiều phòng phiếu đã phải gia hạn giờ mở cửa cũng như không giải quyết tốt các vấn đề gây ra do số cử tri quá đông.
Theo kết quả chính thức của cuộc bầu cử được nhà nước thông báo, Ahmadinejad đã đạt được 63% số phiếu trong khi Mousavi đạt được khoảng 34%. Số phiếu còn lại được chia ra cho hai ứng cử viên khác. Khoảng 85% cử tri đã đi bầu. Con số đạt kỷ lục, điều được xem là sẽ mang lại thắng lợi cho Mousavi. Do đó kết quả cuộc bầu cử vừa đề cập trên đã lập tức mang đến sự nghi ngờ của phe Mousavi. Trong bốn năm qua, tổng thống Ahmadinejad đã đưa các người thân tín vào toàn bộ máy của nhà nước, do đó việc gian lận bầu cử không phải là điều khó thực hiện. Hơn nữa, Thủ lĩnh Tối cao của Iran ayatollah Ali Khamenei đã chính thức tuyên bố sự thắng cử của Ahmadinejad. Điều này cũng là trở ngại lớn cho Mousavi khi muốn phản biện về kết quả cuộc bầu cử vừa qua.
Các cuộc biểu tình của phe đối lập
Trong một tuyên cáo, Mousavi cho rằng cuộc bầu cử tổng thống đã gian lận, kêu gọi những thành phần nhân dân ủng hộ mình phản đối kết quả cuộc bầu cử bằng phương cách “hòa bình và hợp pháp”. Một cuộc biều tình đã được nhóm vận động bầu cử của Mousavi tổ chức vào ngày 15-06 tại thủ đô Teheran. Cả một khối lớn quần chúng đã với đoàn người dài khoảng 9 cây số tham dự cuộc biểu tình tuần hành từ trưa đến tối qua trung tâm của thủ đô. Khẩu hiệu “Hãy trả lại lá phiếu của chúng tôi” đã được hô to. Tuy nhiên vào giai đoạn cuối của cuộc tuần hành, một nhóm người đã dự định đốt tòa nhà của lực lượng võ trang Basij, một trong những lực lượng bảo vệ chế độ mà quần chúng vẫn ghê sợ. Họ đã bắn vào nhóm người biểu tình, gây tử thương một người và làm nhiều người khác bị thương. Sinh viên ở đại học Teheran cũng đã đụng độ với lực lượng công an. Các cuộc biểu tình tuần hành cũng đã xảy ra ở các thành phố khác.
Điều bất ngờ đã xảy ra là ayatollah Khamenei đã ra lệnh cho Hội Đồng Bảo Vệ Hiến Pháp điều tra sự gian lận của cuộc bầu cử. Dường như chế độ đang cân nhắc giữa hai biện pháp: đàn áp mạnh hay phải nhượng bộ đối lập. Các quan sát viên cho rằng có thể đây chỉ là thủ thuật kéo dài thời gian để đợi khí thế của phe đối lập giảm xuống. Cũng có thể chế độ sẽ bỏ rơi Ahmadinejad nếu cần. Trong trường hợp phải chọn Mousavi, chế độ sẽ bằng mọi cách để giữ lại thực quyền như trong thời gian của tổng thống thuộc phe cải cách Khatami. Cũng cần nhắc lại, trong khoảng thời gian này con số các tờ báo có tư tưởng cải cách bị đóng cửa và các ký giả đều bị bắt giam chưa từng xảy ra ở Iran.
Cuộc biểu tình đã tiếp tục vào ngày sau với sự tham dự của hàng chục ngàn người ủng hộ Mousavi. Mặc dù đã nghiêm cấm, nhưng chế độ vẫn chưa can thiệp vào đoàn biểu tình. Các ký giả, phóng viên nước ngoài không được quay phim, chụp ảnh và tường trình diễn biến các cuộc biểu tình. Phát ngôn viên của Hội Đồng Bảo Vệ Hiến Pháp tuyên bố chỉ điều tra sự gian lận một phần của cuộc bầu cử và khẳng định sẽ không ủy bỏ hoàn toàn kết quả cuộc bầu cử.
Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục vào năm ngày kế tiếp nhau với sự tham dự của khoảng hàng trăm ngàn người ở thủ đô Teheran. Các khẩu hiệu càng ngày càng trở nên bạo dạn hơn như “Hãy giết chết tên độc tài”. Một tuần sau ngày bầu cử đã có 646 vụ thưa kiện về vấn đề gian lận bầu cử được ghi nhận. Mousavi cũng đã đưa lên báo mạng ba trang đầy những vụ vi phạm bầu cử. Tuy nhiên sau khoảng thời gian này, việc tụ tập biểu tình đã trở nên nguy hiểm hơn. Trong một bài diễn văn phát biểu vào ngày 19-06 ở trường đại học Teheran, Khamenei đã khẳng định tổng thống đương nhiệm Ahmadinejad đã thắng Mousavi với hơn 11 triệu phiếu và kết quả cuộc bầu cử không hề bị gian lận, cuộc bầu cử đã xảy ra trung thực và Ahmadinejad rõ ràng là người thắng cử. Khamenei cũng tuyên bố rằng Iran sẽ không có một cuộc cách mạng xảy ra như trường hợp ở một số quốc gia cũ của Liên Sô. Ông cũng buộc tội Mỹ, nhất là Anh và một số quốc gia thù nghịch khác đã khích động quần chúng gây hỗn loạn ở Iran. Đồng thời Khamenei cũng đe dọa sẽ can thiệp cứng rắn hơn nếu các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên các cuộc biều tình vẫn tiếp tục với các xung đột với các lực lượng công an bảo vệ chế độ. Mousavi đã tuyên bố đã bị các áp lực nặng nề bắt ông phải rút lại việc thưa kiện gian lận bầu cử. Ông vẫn kêu gọi mọi người tiếp tục xuống đường mặc dù chế độ đã nghiêm cấm biểu tình tuần hành và tụ tập công chúng. Cho đến nay, theo tin chính thức có khoảng 17 người đã bị tử thương.
Phản ứng của Mỹ và các quốc gia khác
Trước các biến cố như trường hợp ở Iran trong thời gian qua, Mỹ thường có hai thái độ phải cân nhắc: Chính thức lên tiếng ủng hộ phe đối lập chống chế độ độc tài hoặc giữ vai trò bàng quang để khỏi bị kết án can thiệp vào nội bộ quốc gia liên hệ. Trường hợp này đã xảy ra trong biến cố 1968 ở Đông Âu (Praag), biến cố Thiên An Môn ở Trung Quốc vào năm 1989, biến cố năm 2007 ở Miến Điện. Chính phủ Mỹ đã phải cẩn thận, nếu trong trường hợp phe đối lập bị thất bại, nếu cần thiết Mỹ còn có thể giữ liên lạc với chế độ cũ.
Tổng thống Obama hầu như cũng không ra khỏi thái độ phản ứng đó. “Điều đó tùy thuộc vào nhân dân Iran để chọn người đại diện của mình. Mỹ tôn trọng chủ quyền và tránh không muốn trở thành đề tài ở Iran”, tổng thống Obama đã tuyên bố. “Tuy nhiên nhân dân Mỹ lo ngại về vấn đế bạo lực được sử dụng đối với những người biểu tình ôn hòa. Nếu một trăm ngàn người xuống đường biểu tình ôn hòa và bị giải thể bằng bạo lực, điều đó có nghĩa là nhân dân Iran không tin tưởng vào tính hợp pháp của cuộc bầu cử.”. Obama đã tuyên bố tiếp: “Sự khác nhau giữa Ahmadinejad va Mousari trong chính sách thật sự có thể không lớn như đã được được bàn đến”.
Dưới áp lực của các dân biểu bảo thủ trong quốc hội, của truyền thông và của cộng đồng Iran tổng thống Obama sau đó đã lên án sự đe dọa, đàn áp cũng như giam giữ những người tham dự các cuộc biểu tình ở Iran với ngôn ngữ cứng rắn hơn. Tuy nhiên trong cương vị tổng thống Mỹ, Obama đã thận trọng không để chế độ độc tài ở Iran sử dụng Mỹ như lý do chánh đáng để đàn áp đối lập. Chính nhiều chuyên gia Iran cũng đồng ý điều này. Tổng thống Obama cũng tuyên bố cũng chưa quá trễ để chính quyền Iran công nhận rằng có phương cách giải quyết hòa bình.
Các bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia Âu Châu cũng đã bày tỏ sự lo ngại lớn lao về việc sử dụng bạo lực để đàn áp biều tình ở Iran đồng thời kêu gọi Teheran phải tôn trọng quyền tự do biểu tình của dân tộc Iran và điều tra công bằng trong việc tổ chức bầu cử vừa qua. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cũng tuyên bố rất quan tâm đến kết quả của cuộc điều tra. Ngoại trừ Syria và tổ chức Hezbollah ở Libanon, các quốc gia Trung Đông quan sát biến cố ở Iran với những tâm trạng khác nhau. Họ không thích các ảnh hưởng của Iran sau cuộc cách mạng Hồi Giáo trên sinh hoạt xã hội của các quốc gia trong vùng cũng như sự bành trướng thế lực của Iran ở Trung Đông. Đồng thời họ cũng không muốn các cuộc biểu tình ở Iran thành công sẽ có thể trở thành các bài học đòi hỏi tự do dân chủ cho nhân dân trên chính các quốc gia này.
Cuộc cách mạng digital
Các quan sát viên đều cho rằng việc biểu tình công khai chống đối lãnh đạo ở Iran là biến cố lớn kể từ khi cuộc cách mạng Hồi Giáo năm 1979. Tuy Mousavi cũng xuất thân từ tập đoàn của cuộc cách cách mạng Hồi Giáo bên cạnh Khomeini va cũng thuộc giai cấp lãnh đạo ở Iran, ông đã được nhân dân ủng hộ do các đòi hỏi cải cách. Ông không phải là người đối lập, đấu tranh cho tự do dân chủ theo nghĩa của Tây Phương, nhưng trong hoàn cảnh sinh hoạt chính trị ở Iran, đó là cơ hội để đòi hỏi và đấu tranh cho một đất nước hiện đại và tự do hơn. Hơn nữa đó cũng là điều minh chứng cho sự chia rẽ trầm trọng trong giai cấp lãnh đạo, đưa đến hậu quả giảm bớt thế lực độc tài.
Cũng tương tự như biến cố đàn áp ở Miến Điện năm 2007, khi tất cả ký giả, phóng viên chuyên nghiệp của báo chí và kênh truyền thông bị cấm hoạt động hay bị trục xuất, các ký giả, phóng viên nhân dân nghiệp dư đã sử dụng mạng lưới điện tử và điện thoại di động để thông báo tất cả chi tiết của biến cô chống đối chế độ đến mọi người trong và ngoài Iran. Một người đang hoạt động đấu tranh có thể có đến 10 điện thoại di động khác nhau để thông tri, liên lạc, làm cho sự theo dõi bắt bớ của chế độ trở nên khó khăn hơn. Những bloggers được nhiều người biết đến như Andrew Sullivan của The Atlantic hay Nico Pitney của The Huffington Post đã được sử dụng. Hoặc các mạng lưới của Facebook hay Youtube được dùng để thông báo tin tức và hình ảnh. Trên mạng Teheranlive.org các hình ảnh đấu tranh đã được cập nhật hầu như mỗi giờ.
Hội Đồng Bảo Vệ Hiến Pháp vừa tuyên bố “không có dấu hiệu bất thường trong cuộc bầu cử tồng thống vừa qua”. Ứng cử viên Mousavi đã bác bỏ lời tuyên bố trên. Diễn tiến những ngày sắp đến ở Iran sẽ như thế nào thì chúng ta phải chờ xem. Tuy nhiên biến cố ở Iran đã gây sự ngạc nhiên cho chính cả người Iran và cùng lúc sự phấn khởi cho nhiều người. Một nhà văn Iran ở hải ngoại đã mơ ước sẽ có một ngày mời Salman Rushdie (1) đến Iran để cùng chào đón bình minh tự do trên đất nước này.
Nguyễn Trung
___________
Chú thích:
(1) Ayatollah: Nghĩa đen là dấu hiệu của đấng tối cao. Ayatollah thuộc hàng giáo phẩm Hồi Giáo cao nhất ở Iran.
(2) Salman Rushdie: Nhà văn Anh gốc Ấn Độ, một trong những nhà văn có nhiều ảnh hưởng nhất trong nền văn học hiện đại của Anh. Năm 1988 ông cho xuất bản quyển The Satanic Verses (Quỷ Thi), đưa ra quan điểm của ông về sự hình thành Hồi Giáo. Tác phẩm trên đã bị nhiều quốc gia Hồi Giáo nghiêm cấm với lý do “nhục mạ tình cảm tôn giáo của nhiều thành phần dân tộc”. Ông đã bị Khomeini tuyên bố “fatwa” tử hình và chính quyền Anh phải bảo vệ an ninh cho ông. “Fatwa” không phải là bản án tử hình như nhiều người nghĩ. “Fatwa” chỉ là một đề nghị, một ý kiến được đưa ra của một chuyên gia Hồi Giáo về một vấn đề pháp lý hoặc chuyên biệt trong Hồi Giáo, không có tính hiệu lực phải được thi hành. Tuy nhiên với đề nghị của một lãnh tụ tối cao Hồi Giáo, các tổ chức hoặc cá nhân Hồi Giáo quá khích sẽ có thể nhân danh Hồi Giáo ám sát ông.