Phạm Đình Lân
Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2008
Bài viết này được viết ra trước khi hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa mở đại hội
để chánh thức công nhận ứng cử viên tổng thống và hai ứng cử viên sắp được đảng công khai chấp nhận
chưa chính thức loan báo ứng cử viên phó tổng thống.
Trong kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2008 sắp tới ứng cử viên của đảng Cộng Hòa là John Mc Cain và ứng cử viên của đảng Dân Chủ là Barack Hussein Obama.
Đặc điểm của hai ứng cử viên
Hai ứng cử viên của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ có vài đặc điểm sau đây:
1.- Ứng cử viên John Mc Cain là ứng cử viên tổng thống lớn tuổi nhất từ sau đệ nhị thế chiến đến nay. Ông sinh ngày 29-08-1936.
Barak Hussein Obama là người da màu trẻ tuổi đầu tiên được đảng Dân Chủ chọn ra ứng cử tổng thống Hoa Kỳ. Ông sinh ngày 04-08-1961, nghĩa là nhỏ hơn John Mc Cain 25 tuổi.
2.- Ông John Mc Cain sinh ở căn cứ Hải-Không Quân Coco Solo trong vùng kinh đào Panama, lúc bấy giờ đặt dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ. Ông nội và cha của ông John Mc Cain đều là đô đốc hải quân. Ông mang trong người dòng máu Scotland (Tô Cách Lan) và Ái Nhĩ Lan.
Ông Obama sinh ở Honolulu, Hawaii, hai năm sau khi quần đảo này được công nhận là tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ. Cha ông là người Kenya học ở trường Harvard và làm chuyên viên kinh tế cho chính phủ Kenya. Mẹ ông là người da trắng gốc ở Kansas. Bà có tiến sĩ về nhân chủng học. Bà gặp người thanh niên Kenya này trong lớp Nga ngữ ở Hawaii. Năm 1961 bà mới mười tám tuổi khi Obama chào đời. Khi Obama lên ba tuổi cha mẹ ông không còn chung sống với nhau. Mẹ ông tái giá với một sinh viên người Indonesia. Bà có một người con gái với người chồng này. Bà theo chồng về Indonesia năm 1967. Obama theo mẹ và học ở một trường học Indonesia, một quốc gia có nhiều tín đồ Hồi Giáo nhất thế giới. Năm 10 tuổi Obama trở về Hawaii sống với bà ngoại và tiếp tục việc học ở đây.
3.- John Mc Cain là một quân nhân. Ông nổi tiếng về môn đô vật khi học ở bậc trung học. Ông thường binh vực cho những người bạn bị người khác hiếp đáp. Ông tốt nghiệp trường Hải Quân Anapolis rồi trường huấn luyện Không Quân Pensacola, Florida. Ngày 26-10-1967 phi cơ của ông bị bắn rớt xuống hồ Trúc Bạch ở Hà Nội trong một phi vụ oanh tạc miền Bắc Việt Nam. Ông bị cầm tù gần sáu năm ở nhà giam Hỏa Lò mà người Hoa Kỳ gọi là Hà Nội Hilton. Ông được tự do sau khi hiệp định Paris được ký kết ngày 27-01-1973. Việc trao trả tù binh Hoa Kỳ được hoàn tất ngày 29-03-1973. Từ năm 1983 đến năm 1987 John Mc Cain là dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ. Từ năm 1987 đến ngày bài này được viết ra ông là thượng nghị sĩ của tiểu bang Arizona. Người tiền nhiệm của ông là Barry Goldwater, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa năm 1964.
Barack H. Obama được xem là thành phần trí thức ưu tú. Ông học và tốt nghiệp các đại học trứ danh như Columbia, New York và Harvard, Massachusetts. Ông dạy luật hiến pháp ở đại học Chicago từ năm 1992-2002. Từ năm 1997 đến 2004 ông là thượng nghị sĩ tiểu bang Illinois. Năm 2004 ông đắc cử vào Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ với 70% phiếu bầu.
Ưu và nhược điểm của hai ứng cử viên
Ứng cử viên được xem là đắc cử tổng thống Hoa Kỳ không phải là ứng cử viên có nhiều phiếu bầu mà là ứng cử viên được nhiều phiếu cử tri đoàn. Số phiếu cử tri đoàn tối thiểu để được xem là đắc cử tổng thống là 270. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 ông Al Gore được nhiều phiếu bầu hơn ông Bush II nhưng chỉ được 267 phiếu cử tri đoàn trong khi ông Bush II được 271 phiếu cử tri đoàn. Tổng số cử tri đoàn của một tiểu bang là tổng số 2 thượng nghị sĩ của tiểu bang cộng với tổng số dân biểu Hạ Viện. Tiểu bang nào cũng có 2 thượng nghị sĩ. Nhưng số dân biểu lớn hay nhỏ căn cứ vào số dân. Thí dụ: tiểu bang A có 10 dân biểu. Số cử tri đoàn của tiểu bang A là 2 + 10 = 12. Ứng cử viên được nhiều phiếu bầu trong tiểu bang này sẽ được 12 phiếu cử tri đoàn. Cử tri đi bầu dựa vào các tiêu chuẩn sau đây:
1.- Đảng phái:
Hoa Kỳ có hai đảng lớn luân phiên cầm quyền qua các cuộc bầu cử. Đó là đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ. Nói theo từ ngữ chánh trị Âu Châu, đảng Cộng Hòa là đảng bảo thủ hữu khuynh, đảng Dân Chủ là đảng tự do tả khuynh (1). Số tiểu bang thuộc khuynh hướng chánh trị Cộng Hòa rất nhiều nhưng đều là những tiểu bang có số cử tri đoàn nhỏ. Vì vậy, mỗi lần bầu cử, vai trò của các tiểu bang Ohio, Florida, Michigan và Pennsylvania trở nên nổi bật để quyết định sự thắng cử. Trong các cuộc bầu cử tổng thống từ hậu đệ nhị thế chiến đến nay đảng Cộng Hòa thắng cử tổng thống 8 lần trong khi đảng Dân Chủ thắng cử 6 lần. Năm 1972 Richard Nixon (CH) tái đắc cử với 520 phiếu cử tri đoàn (96%). Năm 1984 Ronald Reagan (CH) tái đắc cử trước Walter Mondale (DC) với 525 phiếu cử tri đoàn (97%). Đó là tỷ lệ mà không vị tổng thống nào của đảng Dân Chủ đạt được từ hậu đệ nhị thế chiến đến cuộc bầu cử năm 1996.
Trong cuộc bầu cử sơ bộ vào đầu năm 2008 ông Mc Cain được đảng Cộng Hòa chọn nhanh chóng ngay từ tháng 3 năm 2008 trong khi đảng Dân Chủ phải mất thêm ba tháng nữa mới phân định sự thắng bại giữa bà Hillary Clinton với ông Barack H. Obama. Ông Obama đã thắng bà Hillary Clinton rất chật vật. Điều đáng lưu ý là ông thua bà Hillary Clinton ở các tiểu bang có nhiều phiếu cử tri đoàn như California, Massachusetts, New York, Pennsylvania, Ohio, Texas, Kentucky, New Mexico nơi có nhiều người Hoa Kỳ gốc Hispanis. Michigan và Florida bỏ phiếu cho bà Hillary nhưng hai tiểu bang này bị đảng kỷ luật vì tổ chức bầu cử sơ bộ sớm hơn thời gian do đảng qui định. Rốt cuộc bà Hillary Clinton có nhiều phiếu bầu lại kém phiếu đại diện nên bị thua trong cuộc vận động để được đảng Dân Chủ đề ra ứng cử tổng thống. Trong thời kỳ vận động này các chức sắc của đảng Dân Chủ ủng hộ ông Obama. Có người công khai kêu gọi bà Hillary Clinton bỏ cuộc. Các ông Dean (chủ tịch đảng), cựu tổng thống Carter, thượng nghị sĩ Kennedy, con gái cố tổng thống Kennedy, thượng nghị sĩ Kerry, cựu ứng cử viên tổng thống Mc Govern... sớm lên tiếng ủng hộ Obama để bà Hillary Clinton ngưng vận động. Ông Richardson, cựu bộ trưởng năng lượng và đương kim thống đốc New Mexico, lên tiếng ủng hộ Obama trước sự kinh ngạc của gia đình Clinton.
Liệu đảng Dân Chủ thực sự đoàn kết chặt chẽ sau khi bà Hillary Clinton tuyên bố thua cuộc và kêu gọi những người đã ủng hộ bà ủng hộ cho Barack Obama? Bà Geraldine A. Ferraro, cựu dân biểu New York và nữ ứng cử viên phó tổng thống của Walter Mondale (DC) năm 1984 cho rằng nếu ông Obama là người da trắng thì ông không đạt được thành công được như vậy. Liệu bà có bỏ phiếu vận động cho ông Obama vào mùa thu năm 2008 này không?
Năm 1968 ông Humphrey (DC) bị ông Nixon đánh bại do đảng Dân Chủ bị phân hóa vì chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến tranh khởi động thời chánh quyền Dân Chủ Kennedy rồi Johnson. Những người phản chiến phần lớn lại là những dân biểu và thượng nghị sĩ của đảng Dân Chủ kể cả hai thượng nghị sĩ Robert Kennedy và Edward Kennedy. Kể từ cuộc bầu cử năm 2004 ứng cử viên Dân Chủ là ông Kerry đưa ra lập trường chống chiến tranh Iraq mặc dù trước đó ông đã bỏ phiếu thuận. Công việc phản chiến này sẽ do Obama tiếp nối vì Obama vào Thượng Nghị Viện vào năm 2005 nên không tham dự cuộc bỏ phiếu về chiến tranh Iraq năm 2002.
Từ năm 2000 đến năm 2006 đảng Cộng Hòa nắm quyền hành pháp lẫn lập pháp. Đa số các chánh án Tối Cao Pháp Viện đều do các tổng thống đảng Cộng Hòa bổ nhiệm. Trong cuộc bầu cử năm 2006 đảng Dân Chủ chiếm đa số ở Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Nếu dư luận tín nhiệm hành pháp Cộng Hòa bằng tỷ lệ 28% thì tỷ lệ tín nhiệm lập pháp Dân Chủ còn thấp hơn nhiều. Sự thành công của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử Thượng và Hạ Viện cùng thống đốc tiểu bang năm 2006 và tỷ lệ mà dư luận đánh giá thành quả của lập pháp Dân Chủ sau hai năm chiếm đa số trong quốc hội lại có thể trở thành sự bất lợi cho đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống mặc dù hành pháp Cộng Hòa lưu lại nhiều khuyết điểm đáng kể. Cử tri luôn luôn dè dặt không muốn để cho đảng nào nắm cả hành pháp lẫn lập pháp. Vã chăng lập pháp Dân Chủ đã đạt được thành quả thiết thực gì mà cử tri trông đợi từ 2006 đến nay để họ tín nhiệm đảng Dân Chủ nắm quyền hành pháp?
2.- Chánh sách
a- Chiến tranh Iraq
Ông John Mc Cain mạnh dạn ủng hộ tổng thống Bush II trong chiến tranh Iraq. một cuộc chiến tranh rất tốn kém. Trung bình mỗi tháng phải hao tốn từ 10 đến 12 tỷ Mỹ kim. Vì bất đồng ý kiến với đảng Dân Chủ về chiến tranh Iraq, thượng nghị sĩ Joe Lieberman, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân Chủ năm 2000, đã tái tranh cử vào Thượng Viện với tư cách ứng cử viên độc lập và đã đánh bại hai ứng cử viên của đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ở Connecticut. Trong Thượng Viện đảng Dân Chủ chiếm 50 ghế, đảng Cộng Hòa chiếm 49 ghế. Lieberman chiếm 1 ghế độc lập.
Trong thời gian vận động trong các kỳ bầu cử sơ bộ đảng Dân Chủ, ông Obama mạnh dạn chống chiến tranh Iraq và đòi rút quân ra khỏi nước này. Nhưng khi được chọn làm ứng cử viên tổng thống, ông lại đưa ra thời gian rút quân là 16 tháng sau ngày ông làm tổng thống. Bị cho là chao đảo lập trường, ông không ngừng đính chánh.
b- Kinh tế
Không ai chối cãi được sự suy thoái kinh tế hiện nay. Giá xăng dầu gia tăng nhanh chóng. Giá xăng vào năm 2000 là $1,20/gallon nay lên đến $ 4,10/gallon. Nhiều nơi còn lên đến $5,00/gallon. Xe hơi sản xuất không bán được vì giá xăng quá cao và không có vẽ dừng lại ở mức nào cả. Giá ga, điện nước gia tăng theo giá xăng. Cả hai ứng cử viên Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều không có chính sách kinh tế khả dĩ thuyết phục cử tri tin vào sự chấn chỉnh và phục hồi kinh tế của họ.
c- Đối ngoại
Giống như cựu tổng thống Jimmy Carter ông Obama chủ trương thương thuyết với Cuba và Iran. Tổng thống Carter đã thất bại trong vụ con tin Hoa Kỳ ở Iran năm 1979. Người ta chưa ghi rõ sự thành công của ông sau khi tiếp xúc với Cuba và Hamas. Vì yêu chuộng ‘hòa nhã vạn sự lành' ông Carter không ngần ngại viết sách lên án Do Thái nhưng không nói đến những người khủng bố hay những người đòi xóa bản đồ Do Thái.
Mc Cain vốn là một quân nhân nên không ngần ngại nói lên đường lối ‘lấy răng chống răng, lấy mắt chống mắt'. vẫn biết rằng Hoa Kỳ hao tốn quá nhiều tiền bạc trong hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan.
Dư luận các nước ngoài có vẻ hoan nghinh Obama. Ở Kenya người ta thích thú biết một người mang dòng máu Kenya được đưa ra tranh cử tổng thống và có thể trở thành tổng thống một siêu cường trên thế giới. Ở Nhật có thành phố Obama, dân ở đây vui sướng có một người trùng tên thành phố của họ được chọn ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ. Dư luận ở Pháp tán thưởng Obama. Indonesia đã từng hân hạnh tiếp đón và dạy dỗ Obama từ năm 1967. Một số người Hoa Kỳ cũng tin rằng với lý lịch đặc biệt, Obama sẽ tạo thiện cảm của các quốc gia khác đối với Hoa Kỳ. Các quốc gia ở Trung Đông đều hy vọng Obama sẽ đắc cử tổng thống. Ông Obama nói ông là tín hữu Tin Lành, nhưng ông hiểu biết nhiều về Hồi Giáo vì cha ruột của ông theo đạo Hồi. Người chồng thứ nhì của mẹ ông là người Indonesia theo đạo Hồi (2). Obama từng sống ở Indonesia, nơi có nhiều tín đồ Hồi Giáo nhất thế giới, và Hawaii, một tiểu bang Hoa Kỳ có nhiều người Á Châu như Nhật Bản, Trung Hoa và người Polynesians. Nhưng không ai biết chắc chắn cử tri Hoa Kỳ sẽ dồn phiếu cho ông Obama không vì ông được dân nước ngoài hoan nghinh để tạo một hình tượng tốt đẹp cho Hoa Kỳ trên thế giới ?
Dư luận Hoa Kỳ cho rằng ông Mc Cain vững vàng hơn Obama trong vấn đề đối ngoại và an ninh trong trường hợp khẩn trương với tư cách là một tổng tư lệnh quân đội. Chánh quyền cộng Hòa do tổng thống Bush II lãnh đạo không được lòng thế giới vì chiến tranh Iraq. Pháp và Đức phản đối mạnh mẽ nhất. Ở Tây Ban Nha và Ý thủ tướng Jose Marie Aznar Lopez và Silvo Berlusconi thất cử trước đó vì ủng hộ tổng thống Bush II. Nhưng trong những cuộc bầu cử đã qua khuynh hướng bảo thủ hữu khuynh thắng cử ở Đức với bà Merkel, ở Pháp với ông Sarkozy và ở Ý với ông Berlusconi. Albania và Kosovo là hai xứ Hồi Giáo xem tổng thống Hoa Kỳ là ân nhân. Quan hệ giữa Washington và tòa thánh Vatican có vẻ tốt đẹp.
4.- Cá nhân ứng cử viên
Obama còn trẻ, tốt nghiệp ở các đại học nổi tiếng ở Hoa Kỳ và ăn nói lưu loát. Đó là một lợi thế trong một quốc gia trẻ trung như Hoa Kỳ. Gia đình Kennedy sốt sắng ủng hộ Obama vì cho rằng ông kích thích nhiệt huyết và tạo hy vọng cho tuổi trẻ như cố tổng thống Kennedy trước kia (3). Nếu đắc cử tổng thống, Obama vượt hơn Kennedy vì ông là một thượng nghị sĩ không đầy một nhiệm kỳ đã lên tột đỉnh quyền hành.
Mc Cain lớn hơn cả mẹ của Obama đến sáu tuổi. Ông là một cựu quân nhân và một người dấn thân vào sinh hoạt chính trị quốc gia trong 25 năm tính từ năm 1983 đến năm bầu cử tổng thống 2008.
Theo dõi những cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1960 đến 2004 người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy:
– Người có kinh nghiệm 8 năm làm phó tổng thống như Nixon lại bị một người trẻ như Kennedy không già dặn kinh nghiệm chánh trị nhưng ăn nói giỏi và duyên dáng đánh bại.
– Năm 1992 một người kinh nghiệm trong ngành tình báo, ngại giao, từng làm phó tổng thống 8 năm, một nhiệm kỳ tổng thống, từng làm sụp đổ chế độ Cộng Sản ở Đông Âu và cả Liên Sô, chiến thắng Iraq trong chiến tranh vùng Vịnh là tổng thống Bush I lại bị Bill Clinton, một ứng cử viên trẻ chỉ có kinh nghiệm hành chánh trong tiểu bang Arkansas đánh bại.
– Các quân nhân như Michael Dukakis (DC), Bob Dole (CH), John Kerry (DC) đều không đắc cử tổng thống trong các cuộc bầu cử năm 1988, 1996 và 2004. Ông Dole đã từng bị thương nặng trong đệ nhị thế chiến. Ông Kerry thì phản chiến theo trào lưu thời bấy giờ khi rời chiến trường về nước. Ông Dukakis chỉ thi hành nghĩa vụ quân sự ở Triều Tiên sau khi chiến tranh chấm dứt.
– Phản chiến như ông Mc Govern lại bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử năm 1972. ‘Hòa nhã vạn sự lành' như ông Carter chỉ được làm tổng thống một nhiệm kỳ mà thôi.
Bề ngoài người Hoa Kỳ trông có vẻ đơn giản, cởi mở, thậm chí có vẻ nông cạn. Thực tế họ lại phức tạp và khó hiểu.
Obama là giáo sư dạy luật hiến pháp ở đại học. Ông được giới trẻ và trí thức ngưỡng mộ. Nhưng không biết vì lý do gì ông thường tránh né những cuộc tranh luận với bà Hillary Clinton và ông Mc Cain khi hai vị này mời ông tranh luận. Người ta ngạc nhiên khi ông nói về một người cậu giải thoát người Do Thái trong trại tập trung Auschwitz khiến các cố vấn của ông phải đính chánh vì quân Liên Sô tiến vào trại này chớ không phải quân Hoa Kỳ.
Truyền thông và đối thủ của Obama như dành cho ông quyền bất khả xâm phạm, một miễn dịch tính chính trị vì sợ bị lên án ‘kỳ thị chủng tộc'. Ông Mc Cain bị ‘kỳ thị tuổi tác' và được xem là người sinh vào ‘thời tiền computer'. Bà Hillary từng bị một nữ giáo sư ủng hộ ông Obama gọi là ‘con quái vật'. Tướng Clark từng chỉ huy NATO vào thập niên 1990 đả kích Mc Cain khi cho rằng biết lái máy bay bị bắn rớt và bị bắt làm tù binh không phải là điều kiện để trở thành tổng thống. Lời tuyên bố này không áp dụng cho ông Obama.
Ông Obama thu hút giới trẻ bằng chủ trương Thay Đổi và Sứ mệnh Thống Nhất của ông. Ông thay mặt cho giới trẻ, cho giới trí thức, cho người da màu. Những người dè dặt lại nói rằng Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ với một hệ thống tổ chức chánh trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng... tương đối hoàn bị hơn nhiều quốc gia trên thế giới để trở thành một siêu cường quốc vế kinh tế, quân sự và định chế chánh trị dân chủ.
Vậy thay đổi cái gì?
Thay đổi đảng cầm quyền và người cầm quyền?
Sự thay đổi như vậy đã có từ xưa qua các cuộc bầu cử từ cấp địa phương, tiểu bang đến liên bang trên cơ sở luật pháp, hiến pháp và tinh thần dân chủ.
Thay đổi theo chiều hướng xã hội chủ nghĩa như vài quốc gia Nam Mỹ đã làm?
Nếu thay đổi theo chiều hướng đó thì là mối nguy lớn. Trước hết nó làm mất tính sáng tạo và chỉ đạo của Hoa Kỳ. Sau cùng sự phồn vinh và nền dân chủ của nước này hoàn toàn không được bảo đảm.
Thay đổi thân phận người da màu và giới trẻ?
Hoa Kỳ làm một quốc gia trẻ nhưng trưởng thành trong mọi cơ cấu tổ chức. Mọi người sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ dù có quốc tịch hay không đều được luật pháp bảo vệ. Người da màu và giới trẻ không bị ngăn cấm hay bị hạn chế trong mọi sinh hoạt hợp pháp trong nước. Họ được quyền và được nâng đỡ để phát triễn khả năng của họ. Người da đen chiếm 14% tổng số dân Hoa Kỳ nhưng ở bất cứ nơi nào cũng có cảnh sát trưởng, cảnh sát, hội đồng thành phố, dân biểu và các thượng nghị sĩ người da đen. Nhiều người da đen nổi tiếng và giàu có trong các ngành thể thao, truyền thông, âm nhạc, nghệ thuật. Có người là tỷ phú. Có người được đề cử ra tranh ghế tổng thống như ông Obama chẳng hạn.
Ở Hoa Kỳ có nhiều triệu phú ở vào tuổi 20. có người là tỷ phú. Ông Bill Gate là một người trẻ trở thành tỷ phú khi ông ở vào tuổi 30. Như vậy người trẻ bị hạn chế như thế nào? Và trên thế giới có được bao nhiêu quốc gia nâng đỡ người trẻ học hành để đạt được những thành tích lớn hơn những thành tích mà Hoa Kỳ đã có?
Có thể ghi lại ở đây nhận xèt của ông Collin Powell về ứng cử viên Obama. Ông cho rằng cả hai ứng cử viên đều có thể trở thành một tổng thống giỏi của Hoa Kỳ trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông Collin Powell, Obama không hề bị các vấn đề chung quanh cuộc bầu cử làm xáo động, ông có sự tò mò trí thức và kiến thức sâu sắc về các vấn đề; cũng như về vấn đề khủng hoảng tài chánh, vấn đề chọn ứng cử viên phó tổng thống đã cho thấy Obama sẵn sàng để là một vị tổng thống. Cũng cần nói thêm, Collin Powell là một cựu tướng lãnh, từng làm tổng tư lệnh trong chiến tranh vùng Vịnh cũng như cố vấn an ninh dưới thời tổng thống Bush I, là cựu bộ trưởng bộ Ngoại Giao trong nhiệm kỳ một của tổng thống Bush II. Cũng là dân da màu như ông Obama và là người thuộc đảng Cộng Hòa, ông được sự nể trọng của nhiều người qua các thành tích ông đạt được. Việc ông công khai lên tiếng ủng hộ một ứng cử viên của đảng Dân Chủ trong chương trình truyền hình Meet the Press vừa qua được các quan sát viên đánh giá có thể là một thất lợi đáng kể cho ứng cử viên Mc Cain. Lý do để ông ủng hộ Obama là Obama ‘đã vượt qua các ranh gìới sắc tộc, chủng tộc và ranh gìới thế hệ, Obama nghĩ đến giá trị của tất cả làng mạc và thành phố. Trong hoàn cảnh lịch sử của Hoa Kỳ hiện nay, nhân dân Hoa Kỳ cần một tổng thống thay đổi chánh sách đã được áp dụng trong nhiều năm qua, cần một khuôn mặt có khả năng chuyển hóa, đại diện cho sự chuyển tiếp của các thế hệ'.
Ứng cử viên Obama có nhiều ưu điểm hơn ứng cử viên Mc Cain về nhiều mặt, kể cả việc gây quỹ bầu cử. Còn khoảng hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống, số tiền ủng hộ vận động bầu cử của ứng cử viên Obama lên đến 600 triệu Mỹ kim do đóng góp của khoảng 3,1 triệu ủng hộ viên. Sau ngày bầu cử có thể số tiền trong quỹ bầu cử của ông Obama hơn cả số tiền mà ứng cử viên George W. Bush của đảng Cộng Hòa và John Kerry của đảng Dân Chủ cộng lại trong năm 2004. Điều đáng ghi nhận là khoảng một phần tư hay phân nửa số tiền trên được đóng góp do các ủng hộ viên dưới 200 Mỹ kim. Phần còn lại do các ủng hộ viên thuộc giới giàu có, tư bản. Mỗi cá nhân chỉ được phép ủng hộ tối đa 2300 Mỹ kim cho quỹ vận động bầu cử theo luật định ở Hoa Kỳ, xí nghiệp không được phép ủng hộ để tránh trường hợp gây áp lực hay mua chuộc các ứng cử viên. Tuy nhiên cả hai phe đều có những quỹ khác để nhận thêm tiền ủng hộ bằng các phương thức khác (thí dụ nhằm mục đích đóng góp, phát triển đảng phái chánh trị của ứng cử viên đại diện). Khác với ứng cử viên Mc Cain, ứng cử viên Obama không tham dự vào các vận động kêu gọi đóng góp cho quỹ vận động bầu cử của mình.
Tuy có nhiều ưu điểm, ông Obama cũng có nhiều nhược điểm:
– Tên của ông Barack Hussein Obama làm cho nhiều người Hoa Kỳ có một ấn tượng không thoải mái. Hussein gợi lại nhà độc tài Iraq bị lật đổ năm 2003. Tên Obama của ông làm nhiều người lầm lẫn với Osama bin Laden, trùm khủng bố. Chính vì vậy ông bỏ bớt chữ lót Hussein mà tự gọi là Barack Obama cho ngắn gọn.
– Ông là người thường hay đính chánh và có quá nhiều tin đồn mù mờ về ông và vợ ông. Ông đính chánh không phải là tín đồ Hồi Giáo. Không biết việc đính chánh này cần thiết hay không vì tự do tôn giáo được triệt để tôn trọng ở Hoa Kỳ. Ông đính chánh về việc vợ ông gọi người da trắng là ‘Whiteys' với nghĩa đầy gây hấn: ‘tụi da trắng', ‘bọn quỉ trắng'. Ông đính chánh về sự sự thay đổi lập trường trong vấn đề Iraq. Ông bực tức với mục sư da đen Jesse Jackson, người từng ủng hộ ông, khi ông này nói ông hạ thấp đàn ông da đen trong dịp ông nói về trách nhiệm của người cha trong gia đình. Càng bực tức hơn khi trang bìa của tạp chí New Yorker ngày 21-07-2008 vẽ một hí họa ông Obama đội khăn, mặc áo thụnt kiểu Hồi Giáo và vợ ông mang giày cao cổ, mang súng AK như một dân quân Hồi Giáo bên trong tòa Bạch Ốc có treo ảnh Osama bin Laden và cờ Hoa Kỳ bị đốt trong lò sưởi. Có ảnh chụp ông mặc bộ đồ trắng và đội khăn như vậy khi về quê nội ở Kenya.
– Ông luôn luôn nhấn mạnh ông là người theo đạo Tin Lành và yêu nước. Mục sư hướng dẫn ông lại rủa ‘Trời phạt Hoa Kỳ'. Có những người ủng hộ làm cho ông hốt hoảng và chối bỏ sự ủng hộ của họ là những người da đen cực đoan đòi thành lập nước Hồi Giáo ở Hoa Kỳ. Ông yêu Hoa Kỳ nhưng rất tự hào về quê cha ở Kenya và đã về thăm quê cha đất tổ mặc dù ông chỉ gặp cha ông một lần và đã viết sách nói về giấc mơ của cha ông trong cuốn Dreams From My Father. Bạn của ông là một giáo sư đại học nổi tiếng chống Do Thái mặc dù ông cho biết rằng ông có nhiều thiện cảm với người Do Thái. Dưới nhãn quan của một ít ngườI Hoa Kỳ ông là ngườI Hoa Kỳ vì mẹ ông là người Hoa Kỳ và nơi sinh của ông là Honolulu. Cha của ông không phải là người Hoa Kỳ mà là một du sinh siên Kenya ly dị với mẹ ông năm 1964 để học ở Harvard rồi về nước sau khi lấy bằng tiến sĩ kinh tế học ở trường đại học này. Ông viết sách đề cao cha của ông nhiều hơn là mẹ. Cha của ông đã có vợ trong nước trước khi chung sống với mẹ ông ở Hawaii.
– Khi đương đầu với thực tế, ông Obama lại rụt rè khi phát biểu lập trường và đường lối của mình. Ông chao đảo trong vấn đề Iraq, phá thai, hôn nhân đồng phái, mua và giữ súng ống trong nhà v.v. Vợ ông hứa với cử tri thay ông về các vấn đề mà các tôn giáo ở Hoa Kỳ không ưa thích như phá thai, hôn nhân đồng phái.
– Ông Karl Rove, một cố vấn có uy tín của thống đốc và tổng thống Bush II, cho rằng ông Obama là người ‘phách lối ngầm'. Đó là sự tự tin và hãnh diện của một người trí thức xuất thân từ các trường đại học trứ danh trên thế giới như Oxford, Cambridge, Sorbonne, Harvard, Yale. Mục sư Jesse Jackson khó chịu khi nghe Obama, một hậu bối 47 tuổi, nói về trách nhiệm làm cha của nam nhân hắc chủng. Ông tự hào đã làm được những điều mà những vĩ nhân da đen trước kia chưa làm được. Ông cảm thấy có sứ mệnh thiêng liêng chánh trị. Ông bắt chước giấc mơ (dream) của Martin Luther King nhưng đổi giấc mơ ấy thành giấc mơ của cha ông ở Kenya. Ông muốn có những buổi hô hào và diễn thuyết trước đám đông vài chục ngàn nguời ngoài sân vận động. Nếu đắc cử, ông có thể tiến đến giấc mơ vĩ nhân như Mandela và Carter, nghĩa là vừa là tổng thống vừa nhận giải thưởng Nobel.
5.- Tôn giáo
Hoa Kỳ là một quốc gia có chánh quyền thế tục. Mọi công dân đều có quyền có tôn giáo hay không có tôn giáo. Tuy vậy không một ứng cử viên tổng thống nào có thể đắc cử nếu không được các tôn giáo ủng hộ. Cử tri bỏ phiếu theo tôn giáo trong kỳ bầu cử năm 2008 chia ra làm ba nhóm chánh: Tin Lành, Thiên Chúa và Hồi Giáo.
Đạo Tin Lành các phái chiếm 55% dân số Hoa Kỳ. Đảng Cộng Hòa là đảng bảo thủ hữu phái. Các ứng cử viên do đảng chọn đều là người bạch chủng. Tin Lành và bảo thủ Mc Cain hội đủ các điều kiện trên nên được chọn mặc dù tuổi đã cao. Juliani theo đạo Thiên chúa và thuộc đảng Dân Chủ trước khi theo đảng Cộng Hòa. Romney theo đạo Mormon. Ông Mc Cain sẽ được phiếu của cử tri Tin Lành mặc dù cũng có người cho rằng ông chưa bảo thủ đúng mực.
Đạo Thiên Chúa ở Hoa Kỳ chiếm 24% dân số. Tín đồ Thiên Chúa ở Hoa Kỳ phần lớn là những người gốc Ái Nhĩ Lan, Pháp, Ý và Hispanic. Số tín đồ Thiên Chúa Giáo gốc Việt Nam không đông như các cộng đồng nêu trên nhưng đó là những tín đồ ngoan đạo và năng giữ đạo.
Tổng thống Kennedy là vị tổng thống Thiên Chúa Giáo đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông thuộc đảng Dân Chủ. Đảng Dân Chủ vừa có một dân biểu theo đạo Hồi trong Hạ Viện. Ông Obama được các nhóm chủ trương phá thai và hôn nhân đồng phái ủng hộ. Không biết sự ủng hộ của các cử tri tôn giáo đối với ông ra sao vì Tin Lành hay Thiên Chúa đều chống phá thai và hôn nhân đồng phái. Ông Kerry mất phiếu Thiên Chúa Giáo trong cuộc bầu cử năm 2004 mặc dù ông là tín đồ Thiên Chúa Giáo.
Cử tri Hồi Giáo không đông. Tỷ lệ tín đồ Hồi Giáo ở Hoa Kỳ là 0,6%. Giữa Mc Cain và Obama họ sẽ chọn Obama vì gần gủi với họ hơn từ hình vóc cho đến tên gọi cho dù Obama không phải là tín đồ Hồi Giáo. Trái lại Mc Cain có vẻ cứng rắn như tổng thống Bush II. Cử tri Hồi Giáo bỏ phiếu theo cá nhân của ứng cử viên chớ không theo tôn giáo hay chủ trương tôn giáo.
6.- Tâm lý nữ cử tri
Cử tri phụ nữ thuận lợi cho Obama hơn là Mc Cain. Những người ủng hộ bà Hillary Clinton trước kia đều muốn thấy có một nữ tổng thống đầu tiên ở Hoa Kỳ. Bây giờ đứng trước hai ứng cử viên: một trẻ, một già, một bảo thủ và một tự do phóng khoáng, họ sẽ chọn khuynh hướng tự do phóng khoáng hơn là bảo thủ. Một số phụ nữ ủng hộ Hillary Clinton nhưng không ủng hộ Obama, hoặc họ dửng dưng trước cuộc bầu cử, hoặc họ bỏ phiếu cho Mc Cain vì đồng màu da.
7.- Nghề nghiệp và thành phần xã hội
Trí thức, công đoàn, sinh viên, thanh niên, những người quan tâm đến sự chăm sóc sức khỏe, những người nhập cư sẽ ủng hộ Obama. Obama không nắm ưu thế đối với người da trắng gốc Hispanic như bà Hillary Clinton. Nhưng ông có ưu thế hơn ông Mc Cain trong cộng đồng này. Nhưng cộng đồng người Cuba chống Fidel Castro ở Florida sẽ gần với Mc Cain hơn với Obama.
Mc Cain được các quân nhân, các nhà kinh doanh giàu có và những người bảo thủ ủng hộ.
8.- Sắc tộc
Yếu tố sắc tộc trở nên quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 này. Trong các kỳ bầu cử sơ bộ Obama đại thắng bà Hillary Clinton ở những tiểu bang có nhiều người da đen. Người da đen ở Hoa Kỳ chỉ chiếm 14% tổng số dân nhưng tạo thành một lực lượng bầu cử vô cùng quan trọng. 90% người da đen sẽ phấn khởi bầu cho Obama. Đó là danh dự to lớn đầu tiên của họ trong lịch sử chánh trị Hoa Kỳ. Ngay cả những người da đen trong đảng Cộng Hòa cũng có thể bỏ phiếu theo màu da hơn là theo đảng phái. Khi còn làm tổng thống, ông Bill Clinton được mệnh danh là tổng thống da đen (4). Nhưng trong cuộc bầu cử sơ bộ vừa qua của đảng Dân Chủ nhiều người da đen thân thiết với ông trong đảng đã vận động cho Obama. Khi đề cập đến sắc tộc, ông gặp ngay sự miễn nhiễm chánh trị của Obama. Ông này đã nặng lời với cựu tổng thống hai nhiệm kỳ đồng đảng với ông ta. Trái lại vị cựu tổng thống da đen lại bị xem là kỳ thị.
Chúng ta chờ xem sự đầu phiếu của cử tri dân da trắng vào ngày bầu cử trong phòng phiếu kín. Nếu 80% người da trắng xem đây là cuộc bầu cử tẻ nhạt và ngồi nhà thì văn minh Anglo-Saxon tạm thời rẽ sang ngã khác. Nếu họ sốt sắng đi bầu để duy trì cái hiện hữu thì họ phải chọn cái vinh quang cỗ do người sinh ra ‘thời tiền computer' đại diện. Nếu không phải như thế thì ta có một công thức chánh trị đặc biệt trong vấn đề sắc tộc làm đảo lộn các công thức toán học tự cổ chí kim. Công thức đó tóm gọn bằng ký hiệu:
14% > 80%
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
________
Chú thích:
(1) Trong Thần Điêu Đại Hiệp nhà văn tả phái Trung Quốc Kim Dung (Kin Yung) mô tả Dương Quá bị cụt cánh tay phải mà chỉ còn cánh tay trái.
(2) Tên ông ấy là Lolo Soetoro.
(3) Định mệnh của ông Obama như gắn liền với chữ K. Cha ông người Kenya, mẹ ông người da trắng ở Kansas, người ủng hộ ông trong đảng là Kennedy và Kerry.
(4) Gọi như thế vì ông dành cho người da đen nhiều ân huệ và thiện cảm như cố tổng thống Kennedy