Vann Phan
Cộng Sản Việt Nam 33 năm sau ngày đánh chiếm Miền Nam Việt Nam
Từ 'chiến thắng' Tháng Tư, 1975 tới gia nhập Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc Tháng Giêng, 2008
'Chiến thắng' ngày 30 Tháng Tư, 1975, với việc Sài Gòn của miền Nam tự do sụp đổ, và việc Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO), ngày 11 Tháng Giêng, 2007, đều được những người Cộng Sản tại Hà Nội coi là những thành tựu vĩ đại của Việt Nam dưới danh xưng là một nước xã hội chủ nghĩa, tức cộng sản. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát quốc tế đồng ý rằng hai thành tựu mang tính cột mốc lịch sử được thực hiện cách nhau hơn ba thập niên này của Cộng Sản Việt Nam mang những ý nghĩa hết sức khác biệt nhau, bởi vì Cộng Sản Việt Nam hiện nay, trên thực tế, đã khác xa Cộng Sản Việt Nam mà thế giới từng nhìn thấy khi những chiếc xe tăng đầu tiên của Cộng quân tông vào chiếc cổng Dinh Ðộc Lập tại Sài Gòn để tiến vào bên trong mà nhận sự đầu hàng không điều kiện của chính quyền và quân đội Miền Nam Việt Nam do Tổng Thống Dương Văn Minh lãnh đạo cách nay 33 năm.
Trong khoảng thời gian hơn ba thập niên đó, từ này 30 Tháng Tư năm 1975 tới ngày 30 Tháng Tư năm 2008, nhiều biến cố tại Việt Nam và trên khắp trên thế giới liên hệ tới Việt Nam đã diễn ra trong bối cảnh một Việt Nam ngày càng thay đổi, đáng kể nhất là về mặt kinh tế, và ít ỏi hơn là trên phương diện chính trị.
Bài viết sau đây là bản liệt kê có thêm một vài chi tiết của những biến cố tiêu biểu liên hệ tới Cộng Sản Việt Nam trong khoảng thời gian nói trên. Vì khuôn khổ giới hạn của bài báo, một số không ít những biến cố khác - có thể được độc giả coi là mang tính tiêu biểu - đã không được đề cập tới.
*
- Ngày 4 Tháng Tư, 1975, 'thuyền nhân' Việt Nam đầu tiên tới Malaysia. Những thuyền nhân đầu tiên chạy trốn chế độ Cộng Sản tại Việt Nam không đợi cho đến khi những chiếc xe tăng đầu tiên của bộ đội Cộng Sản Bắc Việt tông vào chiếc cổng sắt trước Dinh Ðộc Lập tại Sài Gòn vào sáng ngày 30 Tháng Tư năm 1975 và chính phủ Dương Văn Minh của miền Nam Việt Nam chính thức đầu hàng mới bắt đầu ra đi. Sự thực thì những người đầu tiên trong đoàn hải hành bất đắc dĩ và dường như là bất tận này này đã rời bỏ miền Nam Việt Nam ngay sau khi Ðà Nẵng rơi vào tay Cộng quân (vào ngày 30 Tháng Ba) và Cộng quân hùng dũng tiến mạnh qua Quảng Ngãi, Qui Nhơn... trên đường tiến về Sài Gòn giữa những lời đoán già, đoán non của các đài phát thanh Tây Phương - cỡ BBC - rằng miền Nam tự do thế nào cũng mất vào tay Cộng Sản. Ngày 4 Tháng Tư năm 1975, những thuyền nhân đầu tiên này đã đến bờ biển Malaysia, mở đầu cho trường thiên tỵ nạn thuyền nhân bi tráng độc nhất, vô nhị trong lịch sử thế giới với hằng loạt, hằng loạt dân chúng từ Ðông Hà đến Hà Tiên bỏ nước ra đi lánh nạn Cộng Sản sau khi Sài Gòn rơi vào tay Cộng quân. Tính cho tới giữa thập niên 1980, có hơn 1 triệu người Việt Nam đã trở thành những thuyền nhân như thế, dùng từ những chiếc tàu lớn vững chắc cho tới những chiếc thuyền gỗ mong manh và lậu nước để tới các bến bờ tự do như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Phi Luật Tân, Hồng Kông, và cả Ðài Loan cũng như Nhật Bản nữa. Hằng nghìn thuyền nhân khác, vì thiếu may mắn, đã chết thảm dưới đáy đại dương trên đường vượt biển, số khác thì tuy đến được bến bờ tự do nhưng lại bị bị hải tặc cướp bóc và hãm hiếp dã man.
- Ngày 7 Tháng Năm, 1975, Tổng Thống Ford chính thức kết thúc “kỷ nguyên Việt Nam (“Vietnam era”). Sau khi nỗ lực kéo dài ba thập niên của sáu đời tổng thống Mỹ nhằm ngăn chặn sức bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản tại Ðông Dương - từ sau Thế Chiến 2 cho tới năm 1975 - chấm dứt với việc Cộng Sản chiến thắng vang dội tại Việt Nam, Lào và Căm Bốt, vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975, chính quyền Ford đã chính thức lên tiếng kết thúc kỷ nguyên Việt Nam trong lịch sử Mỹ để dân chúng Mỹ có thể quên đi cơn ác mộng Việt Nam mà vững tâm nhìn về tương lai nhằm phục hồi uy tín và sức mạnh của Hoa Kỳ trong vai trò là núc lãnh đạo Thế Giới Tự Do.
- Ngày 11 Tháng Tám, 1975, Mỹ dùng quyền phủ quyết tại Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bác bỏ việc thu nhận Bắc và Nam Việt Nam vào LHQ. Sau khi chiếm được Sài Gòn, Cộng Sản Bắc Việt vẫn để chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam (của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) tồn tại ít lâu dưới danh xưng “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” - để che đậy việc họ là nỗ lực chính yếu tấn công thôn tính Miền Nam tự do - trước khi sát nhập luôn chính quyền đó và miền Nam Việt Nam vào tay chính quyền Cộng Sản tại Hà Nội một năm sau đó. Việc phủ quyết của Hoa Kỳ diễn ra ngay sau khi đơn xin gia nhập Liên Hiệp Quốc của Ðại Hàn Dân Quốc (Nam Hàn) bị Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc - có Liên Xô và Trung Quốc nắm quyền phủ quyết - bác bỏ.
- Ngày 2 Tháng Bảy, 1976, Nam Bắc Việt Nam thống nhất. Ðảng Cộng Sản Việt Nam và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đồng ý tiến hành việc thống nhất hai miền Bắc và Nam Việt Nam để trở thành nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam theo chế độ xã hội chủ nghĩa, tức cộng sản. Với việc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Cộng Sản Trung Quốc đỡ đầu và được chính phủ Pháp lúc bấy giờ công khai ủng hộ bị giải thể để dẫn tới việc thống nhất đất nước một cách vội vàng - bất chấp những khác biệt to lớn về chính trị và kinh tế giữa hai miền sau hơn hai thập niên chia cắt - phe Cộng Sản miền Nam đã bắt đầu biểu lộ sự bất mãn và chống đối phe Cộng Sản Hà Nội, với việc nhiều thành viên cao cấp cũ của mặt trận này hoặc rời bỏ chủ nghĩa cộng sản (trường hợp Dương Quỳnh Hoa) hoặc bỏ nước ra đi (trường hợp Trương Như Tảng) và việc Cộng Sản Trung Quốc đâm ra hận thù Cộng Sản Việt Nam, dẫn tới việc Trung Quốc cắt đứt viện trợ cho Việt Nam và sau cùng thì đem quân tiến đánh Việt Nam trong cuộc chiến tranh trừng phạt của họ để “dạy cho Việt Nam một bài học” hồi năm 1979.
- Ngày 18 Tháng Bảy, 1977, Việt Nam gia nhập tổ chức Liên Hiệp Quốc. chính quyền của Tổng Thống Hoa Kỳ Gerald Ford, dù hết sức miễn cưỡng, đã không làm gì được mà đành phải để cho Cộng Sản Việt Nam, kẻ thù cũ cay đắng trên chiến trường trong cuộc chiến tranh Việt Nam, trở nên thành viên chính thức của Liên Hiệp Quốc, tổ chức thế giới mà hồi trước năm 1975 cả miền Nam Việt Nam lẫn miền Bắc Việt Nam đều hưởng quy chế nước quan sát viên.
- 1977-1978: Cộng Sản Việt Nam bắt đầu siết chặt cuộc bao vây kinh tế và chính trị tại miền Nam Việt Nam. Trước hết, nhà cầm quyền cộng sản bắt buộc dân chúng phải có “hộ khẩu” mới được quyền hợp pháp cư trú và nhận được nhu yếu phẩm tiếp tế (để nhà cầm quyền có thể nắm chặt lấy chiếc “bao tử” của người dân đặng dễ bề sai khiến), và sau đó tung ra những đợt “đánh tư sản” (nhằm xóa bỏ quyền tư hữu và tịch thu tài sản của những công, thương, kỹ nghệ gia tại miền Nam Việt Nam có cơ nghiệp lớn) và đổi tiền liên tiếp (nhằm vô hiệu hóa số tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt của người dân tích lũy được hồi trước năm 1975). Ðồng thời, nhà cầm quyền Cộng Sản ra sức cưỡng ép dân chúng phải hợp tác hóa nông nghiệp, đi lao động sản xuất tại các nông trường tập thể, vào hợp tác xã sản xuất, đóng góp ngày công cho chính phủ, xung phong đi thủy lợi và khai phá đất đai... tức là đi vào sản xuất và kinh doanh tập thể trong mô thức kinh tế trung ương chỉ huy chặt chẽ với việc nhà nước xóa bỏ quyền tư hữu đất đai, tập trung quản lý mọi nguồn vốn và nguyên liệu sản xuất, ấn định giá cả thị trường... theo sát những gì mà sách vở Cộng Sản đã dạy. Thêm vào đó, mọi quyền tự do căn bản của người dân trong một thể chế dân chủ sơ đẳng nhất, như các thứ tự do ngôn luận, báo chí, tôn giáo, lập hội, cư trú, hoặc chỉ đơn giản là tự do không đồng ý với các chủ trương, đường lối của chính phủ... trên thực tế, đều bị xóa bỏ mặc dù những quyền này vẫn có đó trên ngôn từ bóng bẩy mà tất cả các chế độ Cộng Sản khắp thế giới chuyên dùng.
- Ngày 31 Tháng Mười Hai, 1977, Căm Bốt đoạn giao với Việt Nam. Chính phủ nước Kăm-pu-chia Dân Chủ (tức Căm Bốt) của Cộng Sản Khmer Ðỏ đã chính thức đoạn giao với nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (Cộng Sản Việt Nam) sau khi cả hai Ðảng tại hai “nước cộng sản anh em” này không giải quyết được những bất đồng trầm trọng sau chiến thắng và sau khi có sự gia tăng không kiểm soát được trong các cuộc tấn công “cáp duồn” giết người Việt tại các vùng biên giới hai nước. Vì những hiềm khích chớm nở trong “quan hệ thầy-trò” Việt-Hoa - bị rạn nứt trầm trọng sau vụ Cộng Sản Việt Nam bất ngờ dẹp bỏ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam - Trung Quốc, nước đỡ đầu của Kăm Pu Chia Dân Chủ, ngầm ủng hộ quyết định này của đồng minh Khmer.
- Ngày 25 Tháng Mười Hai, 1978, Việt Nam đánh chiếm Căm Bốt (Căm-pu-chia). Quân đội Cộng Sản Việt Nam, với khí thế chiến thắng “đế quốc Mỹ” và “quân đội Sài Gòn” còn đang vang dội trên trường quốc tế và với việc vừa thống nhất thành một nước hùng mạnh về quân sự - sau khi đã gom được vào tay mình cả hai kho vũ khí hiện đại của khối Cộng Sản và phe Thế Giới Tự Do vì Sài Gòn sụp đổ - đã xua quân vượt biên giới tiến thẳng vào Căm-pu-chia để thanh toán chế độ diệt chủng của Pol Pot và Iêng Sary tại đây. Sau hơn một tuần tấn công, ngày 5 Tháng Giêng, 1979, quân đội nhân dân của Cộng Sản Việt Nam chiếm được thủ đô Phnom Penh, và quân Khmer Ðỏ thoát chạy về hướng biên giới Lào và Thái Lan.
- Ngày 17 Tháng Hai, 1979, xảy ra chiến tranh biên giới Việt-Trung. Lấy lý do phải “dạy cho Việt Nam một bài học” sau khi Việt Nam đem quân chiếm đóng Căm-pu-chia, ngày 17 Tháng Hai năm 1979, Trung Quốc đã xua hằng chục nghìn quân bộ chiến có chiến xa và đại pháo yểm trợ đánh chiếm sáu tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Quân Cộng Sản Việt Nam phản công kịch liệt, khiến cả hai phía đều thiệt hại rất nặng về nhân mạng. Cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước Cộng Sản thầy trò này kéo dài cho tới ngày 8 Tháng Ba thì quân Trung Quốc rút về, sau khi đã gây tàn phá nặng nề cho sáu tỉnh mà họ tạm thời chiếm đóng.
- Tháng Giêng năm 1980, Hoa Kỳ và Việt Nam thỏa thuận thành lập Chương Trình Ra Ði Có Trật Tự (Orderly Departure Program, ODP) nhằm giúp các công dân Mỹ có thân nhân ruột thịt tại Việt Nam có thể bảo lãnh những người này sang Mỹ đoàn tụ, với mục đích làm giảm thiểu con số người vượt biên và vượt biển tìm tự do quá đông đúc đang là một thảm kịch của thế giới vào thời điểm này.
- Năm 1981, Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắt giam vì bị tình nghi hoạt động chống đối chính sách đàn áp tôn giáo của Việt Nam, sau đó bị quản thúc tại gia. Cùng chịu cảnh ngộ tương tự là Hòa Thượng Thích Huyền Quang, viện trưởng Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngoài những vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo ra, nhiều nhà bất đồng chính kiến khác tại Việt Nam cũng đã bị bỏ tù, quản thúc tại gia, hoặc bị công an theo dõi, trong đó có các ông Hoàng Minh Chính, cựu viện trưởng Viện Triết Học Hà Nội và chủ tịch đảng Dân Chủ thế Kỷ 21, ông Hà Sĩ Phu, một nhà lý thuyết chống đối chủ nghĩa Cộng Sản, Ông Trần Khuê, phó chủ tịch đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21, cựu Ðại Tá Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam Phạm Quế Dương, ký giả Nguyễn Vũ Bình...
- Năm 1983, đài truyền hình PBS cho chiếu bộ phim dài 13 tập về cuộc chiến tranh Việt Nam của nhà sản xuất Richard Ellison (1924-2004) nhan đề “Vietnam: A Television History” (Việt Nam: Thiên Sử Truyền Hình). Ðây là một bộ phim đầy những thiên kiến và nhận định lệch lạc này về lịch sử cuộc xung đột Quốc Cộng từ 1945 tới 1975 tuy có làm vừa lòng đa số quần chúng Mỹ - và đoạt nhiều giải thưởng truyền hình của Mỹ - vừa có khuynh hướng phản chiến vừa thích đổ lỗi các thất bại của phe Ðồng Minh cho những yếu kém của chính phủ miền Nam Việt Nam và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nhưng đã gây phẫn nộ trong dư luận người Việt Quốc Gia tại hải ngoại và những thành phần dân chúng từ khắp nơi trên thế giới từng có cảm tình với cuộc chiến đấu tự vệ của miền Nam tự do chống lại cuộc xâm lược của cộng sản từ miền Bắc tiến vào. Bộ phim này còn được chiếu đi, chiếu lại trên truyền hình Mỹ trong các năm 1989 và 1997 nữa.
- Ngày 11 Tháng Tư, 1984, Trung Quốc lại đánh Việt Nam thêm một trận nữa tại vùng biên giới phía Bắc, nhưng trận chiến cũng không vượt quá khuôn khổ của cuộc xung đột địa phương giữa hai nước thù địch nhau.
- Tháng Tư năm 1986, Dương Thu Hương, nhà văn phản kháng chế độ Cộng Sản Việt Nam, cho phổ biến các tác phẩm “Bên Kia Bờ Ảo Vọng” (lấy bối cảnh là thủ đô Hà Nội), và “Tiểu Thuyết Vô Ðề” với nội dung phơi bày những mặt yếu kém và những điều nghịch lý trong cấu trúc xã hội tại Cộng Sản Việt Nam.
- Tháng Mười Hai năm 1986, sau Ðại Hội Ðảng Lần Thứ Sáu và với Nguyễn Văn Linh (1986-1991) là tổng bí thư, Cộng Sản Việt Nam cho ra đời chính sách đổi mới trong tư duy và hành động, tiêu biểu là chuyển đổi nền kinh tế chỉ huy trong nước sang nền kinh tế thị trường và cho phép dân chúng được quyền tư hữu giới hạn, được phép buôn bán, kinh doanh nhỏ trong khuôn khổ một nền kinh tế tự do phôi thai. Tổng Bí Thư Linh còn đề ra “Những Việc Cần Làm Ngay” cho cán bộ, đảng viên cộng sản thực hiện nhằm xoa dịu những bất mãn trong dân chúng, chấm dứt hệ thống nông trường tập thể, bãi bỏ việc chính phủ kiểm soát các xí nghiệp, chấm dứt cuộc chiếm đóng Căm Bốt, và lo bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, là nước dẫu sao cũng là quốc gia cộng sản bậc thầy và từng là ân nhân của Cộng Sản Việt Nam trong thời chiến tranh chống Mỹ gian khổ trước kia.
- Tháng Mười Hai năm 1987, Việt Nam công bố luật Hồi Hương Dành Cho Trẻ Lai Mỹ (mà Hoa Kỳ gọi là “Home Coming Act”) nhằm để cho con cái của các quân nhân và viên chức Mỹ còn kẹt lại tại Việt Nam sau năm 1975 được sang Mỹ đoàn tụ với gia đình hoặc đến ở với những tổ chức bảo trợ tại Mỹ.
- Năm 1988, Việt Nam khởi sự cho phép Mỹ vào tìm hài cốt quân nhân Mỹ cũng như các quân nhân Mỹ bị coi là mất tích (MIA) nhưng nghi là còn sống sót đâu đó trên lãnh thổ Ðông Dương sau cuộc Chiến Tranh Việt Nam.
- Năm 1988, hải quân Trung Quốc đánh vào quần đảo Trường Sa, giết 70 quân Việt Nam: Trong các trận thủy chiến, nhờ lực lượng hải quân hùng hậu hơn và trang bị tối tân hơn phía Cộng Sản Việt Nam, quân Trung Quốc đã chiếm đóng một số đảo trước đây vẫn do quân đội nhân dân Việt Nam canh giữ trong quần đảo đang bị nhiều nước trong vùng (như Ðài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei và Indonesia) tranh chấp ráo riết.
- Ngày 30 Tháng Bảy năm 1989, Hoa Kỳ và Việt Nam thỏa thuận để cho những cựu tù nhân chính trị (những người bị nhà cầm quyền Cộng Sản bắt đi “học tập cải tạo” tại các trại tập trung ở Việt Nam sau năm 1975) và các thành viên trong gia đình họ được sang định cư tại Hoa Kỳ. Chương trình này được gọi tắt là Chương Trình H.O. (Humanitarian Operation).
- Ngày 26 Tháng Chín, 1989, người lính cuối cùng trong số 26,000 quân còn lại của Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam rời khỏi Căm-pu-chia về nước sau một thập niên chiếm đóng.
- Tháng Mười Hai, 1989, nhà cầm quyền Anh tại Hồng Kông cưỡng bức 51 thuyền nhân Việt Nam đang tạm trú tại các trại tị nạn ở Hồng Kông phải hồi hương về Việt Nam sau khi ghép họ vào loại “tị nạn kinh tế” chứ không phải tị nạn chính trị. Ðây là dấu hiệu đầu tiên của hội chứng “tình thương mệt mỏi” của cộng đồng thế giới trước những đợt tị nạn cộng sản hầu như bất tận của người Việt Nam từ Nam chí Bắc lũ lượt bỏ nước ra đi để mưu tìm một cuộc sống ấm no và tự do hơn nơi các “đệ tam quốc gia,” tức là những nước ngoài các quốc gia cho người tị nạn tạm trú đầu tiên.
- Tháng Chín, 1992, cựu phi công phản lực Không Lực Việt Nam Cộng Hòa Lý Tống đã cướp một phi cơ của Hàng Không Việt Nam và buộc phi công phải bay vào không phận Sài Gòn của Việt Nam từ đó ông rải xuống hằng chục nghìn truyền đơn kêu gọi dân chúng nổi lên chống chính phủ Cộng Sản. Lý Tống bị bắt sống sau khi bị buộc phải nhảy dù ra khỏi phi cơ. Người hùng này bị nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam biệt giam mãi tới năm 1998 mới được ân xá, cùng đợt với các nhà bất đồng chính kiến Ðoàn Viết Hoạt và Nguyễn Ðan Quế.
- Ngày 14 Tháng Mười Hai, 1992, Hoa Kỳ cho phép các công ty Mỹ ký hợp đồng kinh doanh với Việt Nam sau 17 năm cấm đoán.
- 1992-1993, sau 7 năm tù vì tội chống đối chính quyền Cộng Sản Việt Nam, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Ðình Huy thành lập “Phong Trào Ðoàn Kết và Xây Dựng Dân Chủ.” Sáu tháng sau khi được phóng thích, Ông Huy bị bắt lại vào năm 1995 và bị kết án tù giam vì tội âm mưu lật đổ chính phủ Hà Nội.
- Ngày 3 Tháng Hai, 1994, Tổng Thống Bill Clinton hủy bỏ 19 năm Hoa Kỳ cấm vận Việt Nam.
- Ngày 11 Tháng Bảy, 1995, Hoa Kỳ dưới chính quyền Clinton thiết lập bang giao đầy đủ với Cộng Sản Việt Nam.
- Ngày 28 Tháng Bảy, 1995: Việt Nam gia nhập Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations, ASEAN), một tổ chức kinh tế và chính trị của các nước không Cộng Sản ở Ðông Nam Á.
- Ngày 1 Tháng Mười Một, 1995, nhà thơ danh tiếng chống đố chế độ Cộng Sản Việt Nam, Nguyễn Chí Thiện, 56 tuổi, đến định cư tại Hoa Kỳ sau 32 năm bị nhà cầm quyền Cộng Sản giam cầm tại quê nhà và chỉ chịu trả tự do cho ông dưới áp lực nặng nề của quốc tế. Thi phẩm Hoa Ðịa Ngục gồm những bài thơ ông viết trong tù đã được độc giả và các nhà tranh đấu cho nhân quyền trên khắp thế giới hoan nghênh. Quyển hồi ký Hỏa Lò của thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, kể về cuộc sống tù đày như trong địa ngục của ông từng được cộng đồng thế giới đánh giá cao, đã được dịch sang Anh ngữ (Hanoi Hilton) và sẽ do nhà xuất bản Ðại Học Yale University xuất bản trong năm nay.
- Ngày 23 Tháng Sáu, 1997, lần đầu tiên, công nhân Việt Nam làm việc cho các cơ xưởng do các tập đoàn ngoại quốc đầu tư và làm chủ tại Sài Gòn mở cuộc đình công đòi tăng lương và cải thiện tình trạng làm việc.
- Ngày 31 Tháng Bảy, 1997, cựu Hoàng Bảo Ðại (Emperor of Annan), vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam và từng là quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam, mất tại Pháp. Cựu Hoàng Bảo Ðại từng là Cố Vấn Tối Cao trong chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Chủ Tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo tại Hà Nội hồi năm 1945.
- Ngày 25 Tháng Mười Một, 1997, Hội Nghị Thượng Ðỉnh Khối Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation, APEC), nhóm họp tại Vancouver ở Canada, đồng ý kết nạp Nga, Việt Nam và Peru vào tổ chức này, kể từ 1998.
- Ngày 15 Tháng Mười Hai, 1998, Hội Nghị Thượng Ðỉnh Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN) khai mạc tại Hà Nội, Việt Nam. Ngày 16 Tháng Mười Hai, hội nghị chấp thuận “Kế Hoạch Hành Ðộng Hà Nội” (“Hanoi Action Plan”) gồm 34 điểm, nhấn mạnh vào việc hục hồi kinh tế trong vùng và đẩy mạnh chính sách thị trường tự do tại các quốc gia thành viên.
- Ngày 26 Tháng Hai, 1999, khách Sạn Hilton Hà Nội Opera Hotel, trị giá 64 triệu Mỹ kim, được khánh thành tại thủ đô Hà Nội. Khách sạn này gợi nhớ tới “Hanoi Hilton” là tên mà các tù binh chiến tranh Mỹ hồi Chiến Tranh Việt Nam đặt cho nhà tù Hỏa Lò (đã bị phá bỏ để xây các cao ốc mới) từng giam giữ cả các tù binh chiến tranh Mỹ lẫn các tù chính trị và hình sự thuộc loại tội nặng của Việt Nam. Tù binh Mỹ danh tiếng nhất của “Hanoi Hilton” là Ðại Tá John McCain, hiện nay là Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ, đang vận động để được Ðảng Cộng Hòa cử ra tranh cử tổng thống vào năm 1998. Người tù chính trị Việt Nam danh tiếng nhất của Hỏa Lò là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, hiện định cư tại California, Hoa Kỳ, tác giả quyển hồi ký về cuộc sống tù đày của ông nhan đề “Hỏa Lò” đã xuất bản. Một cựu tù binh chiến tranh Mỹ khác từng bị giam giữ tại “Hanoi Hilton,” Ðại Tá Jeremiah Dalton, cũng đã viết một hồi ký về cuộc sống tù đày của các tù binh Mỹ nơi đây, nhan đề “When Hell Was in Session,” xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1976.
- Ngày 7 Tháng Chín, 1999, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright đến Việt Nam khánh thành tân lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn.
- Ngày 22 Tháng Sáu, 1999, tác giả Lewis Sorley ra mắt quyển sách về cuộc Chiến Tranh Việt Nam nhan đề A Better War (mà tên sách đầy đủ là A Better War: The Unexamined Victories and Final Tragedy of America's Last Yeras in Vietnam) trong đó tác giả tỏ ý tiếc rằng sức chiến đấu kiên cường và anh dũng của Quân Ðội Hoa Kỳ và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã không thể cứu vãn được miền Nam tự do khi quân đội miền Nam Việt Nam chưa kịp đạt tới chiến thắng sau cùng thì lại bị đồng minh Hoa Kỳ cắt viện trợ khiến quân đội miền Nam phải thua trận. Tác giả lập luận rằng, trên thực tế, Hoa Kỳ đã thắng cuộc chiến tranh tại Việt Nam vì sau một thập niên đến Việt Nam đánh trận theo kiểu “một tay bị trói sau lưng,” Hoa Kỳ vẫn có thể giúp giữ vững miền Nam Việt Nam cho tới năm 1973 khi họ rút quân về nước (trong khi Cộng Sản Bắc Việt bị tàn phá hết sức nặng nề) nhưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thì lại đành phải thua kẻ thù cộng sản vì bị đồng minh Hoa Kỳ bỏ rơi sau khi Hiệp Ðịnh Hòa Bình Ba Lê (Paris) được ký kết và sau khi Mỹ đã rút được hết hằng trăm tù binh bị ngược đãi và khủng bố kinh hoàng về nước. Quân đội của miền Nam Việt Nam, với những tướng lãnh tài ba đầy tiết tháo anh hùng thành-mất-chết-theo-thành và những đoàn quân tinh nhuệ, lẽ ra phải được chiến đấu trong một cuộc chiến tranh danh dự hơn, không bị dư luận thế giới vì lầm mê mà lên án và không bị đồng minh vì thiếu ý chí mà rút lui nửa chừng rồi còn cắt đứt viện trợ quân sự cần thiết cho cuộc chiến đấu để sinh tồn của mình.
- Ngày 16 Tháng Mười Một, 2000, Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton khởi sự chuyến công du lịch sử tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh việc phát triển kinh tế và khuyến khích các cải cách chính trị tại Việt Nam.
- Ngày 17 Tháng Mười Một, 2000, Lý Tống (bị cáo buộc) đã cướp một phi cơ nhỏ từ Thái Lan bay sang không phận Sài Gòn và rải 50,000 truyền đơn chống Cộng xuống thành phố lịch sử này, trùng hợp với thời gian Tổng Thống Bill Clinton đang viếng thăm thiện chí Việt Nam. Về đến không phận Thái Lan, ông bị bắt và bị kết án bảy năm, bốn tháng tù giam.
- Tháng Hai năm 2001, những người Thượng theo đạo Cơ Ðốc tại Ban Mê Thuột, Pleiku, và Kontum biểu tình chống việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam cấm họ đến nhà thờ và tịch thu đất đai của họ. Nhiều người Thượng sau đó đã phải chạy trốn sang Căm Bốt trong khi những người khác thì bị bắt giam vì tội tổ chức đưa người trốn ra khỏi nước.
- Ngày 21 Tháng Hai, 2001, Tổng Giám Mục Francois Xavier Nguyễn Văn Thuận, từng bị cộng sản bỏ tù sau năm 1975, đã được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao lồ Ðệ Nhị tấn phong Hồng Y với tước hiệu chính thức Cardinal Deacon of S. Maria della Scala. Trước đó, khi mới được phóng thích và đến La Mã, Tổng Giám Mục Thuận đã được Ðức Giáo Hoàng giao việc lãnh đạo Hội Ðồng Giáo Hoàng Vì Công Lý và Hòa Bình (Pontifical Council for Justice and Peace) tại Tòa Thánh Vatican.
- Ngày 17 Tháng Tư, 2001, Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu bị Ủy Ban Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam cách chức vì chủ trương bảo thủ và cứng rắn. Nông Ðức Mạnh, 60 tuổi, người dân tộc Tày và được coi là con trai của cố Chủ Tịch Hồ Chí Minh, được cử giữ chức Tổng Bí Thư, ngày 22 Tháng Tư.
- Ngày 8 Tháng Tám, 2001, cựu Ðại Tướng Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, qua đời tại Pasadena, California, ở Hoa Kỳ.
- Ngày 29 Tháng Chín, cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu qua đời tại Boston, Massachusetts, ở Hoa Kỳ.
- Tháng Mười Hai năm 2001, Hoa Kỳ và Việt Nam ký một thỏa hiệp kinh tế song phương.
- Ngày 22 Tháng Tư, 2002, nhiều nhóm dân chúng tại Việt Nam biểu tình tại 20 thành thị và tỉnh lỵ chống việc nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam nhượng 800 dặm vuông đất và lãnh hải thuộc vùng biên giới phía Bắc cho Trung Quốc mà không tham khảo ý kiến quốc hội hay dân chúng.
- Ngày 24 Tháng Tám, 2003, hàng không Việt Nam tiếp nhận 1 trong 4 chiếc phi cơ phản lực thương mại Boeing 777-200 ER nhờ ngân khoản vay được từ ngân hàng Export-Import Bank của Mỹ.
- Ngày 8 Tháng Mười, 2003, Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý mở các chuyến bay thương mại giữa hai nước, lần đầu tiên kể từ khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam chấn dứt hồi năm 1975.
- Ngày 19 Tháng Mười Một, 2003, một khu trục hạm trang bị hỏa tiễn vô tuyến điều khiển của hải quân Hoa Kỳ ghé bến Sài Gòn trong chuyến viếng thăm hữu nghị lần đầu tiên thời hậu chiến của một chiến hạm Mỹ đến Việt Nam.
- Ngày 31 Tháng Mười Hai, 2003, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Vũ Bình, 35 tuổi, bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản thúc tại gia vì, vào năm 2002, đã viết bài trên mạng lưới Internet chỉ trích thỏa hiệp biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
- Ngày 10 Tháng Mười Hai, 2004, hãng hàng không Mỹ United Airlines bắt đầu các chuyến bay thương mại tới Sài Gòn, với chuyến bay United Flight 869 đáp xuống phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt.
- Ngày 1 Tháng Giêng, 2005, Việt Nam có dân số 83.7 triệu người, đạt mức tăng trưởng kinh tế dự trù trong năm là 6.8%, và lợi tức bình quân tính theo đầu người là 560 Mỹ kim/năm.
- Ngày 19 Tháng Sáu, 2006, Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam Phan Văn Khải, 71 tuổi, đặt chân lên Seattle, tiểu bang Washington, trở thành nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam viếng thăm Hoa Kỳ kể từ sau cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Ông Khải đã bị những người Việt Quốc Gia tại hải ngoại, bất bình với chính sách đàn áp chính trị và tôn giáo tại Việt Nam, biểu tình phản đối và hô khẩu hiệu “Ðả Ðảo Cộng Sản.” Trong chuyến công du Mỹ quốc kéo dài một tuần này, Thủ Tướng Khải đã được Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 21 Tháng Sáu, với lời tuyên bố rằng Hoa Kỳ ủng hộ tối đa việc Việt Nam xin gia nhập tổ chức kinh tài thế giới WTO.
- Ngày 29 Tháng Mười Một, 2005, Giáo Hội Công Giáo La Mã làm lễ tấn phong cho 57 vị tân linh mục tại Hà Nội, Việt Nam. Ðây là số giáo sĩ Công Giáo đông đảo nhất thụ phong tại một buổi lễ trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
- Ngày 22 Tháng Tư, 2006, Việt Nam chào đón nhà tỷ phú Bill Gates, chủ tịch công-ty điện toán khổng lồ Microsoft của Mỹ, đến thăm Hà Nội và Bắc Ninh để thăm dò khả năng phát triển công nghiệp điện toán tại Việt Nam.
- Ngày 13 Tháng Năm, 2006, Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI bổ nhiệm một tân giám mục tại Việt Nam, mặc dù giữa Vatican và Việt Nam chưa có quan hệ chính thức. Dẫu sao, Việt Nam vẫn là nước có số tín đồ Công Giáo La Mã đông vào hàng thứ nhì tại Á Châu, chỉ đứng sau Phi Luật Tân mà thôi.
- Ngày 4 Tháng Sáu, 2006, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld đến thăm Việt Nam nhằm tăng cường mối quan hệ về an ninh với Việt Nam trước những quan ngại mới của đôi bên về việc Trung Quốc ngày càng bành trướng sức mạnh quân sự của họ trong vùng.
- Ngày 27 Tháng Sáu, 2006, quốc hội Cộng Sản Việt Nam chọn Nguyễn Minh Triết, 63 tuổi, nguyên bí thư cộng sản thành phố Sài Gòn, lên làm chủ tịch nước. Chủ Tịch Triết sau đó chỉ định Phó Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, 56 tuổi, lên làm thủ tướng thay thế cho Thủ Tướng Phan Văn Khải nghỉ hưu.
- Ngày 7 Tháng Mười Một, 2006, Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) chính thức chấp thuận cho Việt Nam làm thành viên của tổ chức quốc tế này. Chính phủ Hoa Kỳ lên tiếng chúc mừng Việt Nam và thúc giục Quốc Hội Mỹ mau lẹ cấp cho Việt Nam quy chế Quan Hệ Mậu Dịch Bình Thường Vĩnh Viễn (PNTR).
- Ngày 17 Tháng Mười Một, 2006, Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush đến dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hà Nội. Nhà lãnh đạo Mỹ đã có những cuộc hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam cũng như với các vị nguyên thủ quốc gia khác đến dự hội nghị, kể cả Tổng Thống Vladimir Putin của Nga, Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào của Trung Quốc, và Thủ Tướng Úc John Howard. Sau cuộc họp, Tổng Thống Bush và phái đoàn Mỹ đã bay vào Sài Gòn và ghé thăm thị trường chứng khoán tại đây.
- Ngày 11 Tháng Giêng, 2007, Việt Nam trở nên thành viên thứ 150 của Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO), một biến cố mang tính cột mốc lịch sử mở đầu một thời đại mới với những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế và chính trị nhằm đưa quốc gia Cộng Sản này tại Ðông Nam Á tiến về phía nền kinh tế thị trường của thế giới.
- Ngày 25 Tháng Giêng, 2007, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng hội kiến Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI tại Tòa Thánh Vatican. Ðây là lần đầu tiên vị thủ tướng nước cộng sản tại Ðông Nam Á này gặp gỡ nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Mã sau khi cộng sản đánh chiếm miền Nam Việt Nam hồi năm 1975.
- Ngày 30 Tháng Ba, 2007, nhà cầm quyền CSVN kết án Linh Mục Nguyễn Văn Lý thuộc Giáo Hội Công Giáo Việt Nam 8 năm tù giam vì những hoạt động mà họ coi là chống đối chính quyền. Phiên tòa xử vị linh mục này được toàn thể thế giới biết đến với hình ảnh ông bị một công an đưa tay bịt chặt lấy miệng, không cho nói trước tòa.
- Ngày 3 Tháng Tư, 2007, Lý Tống được phóng thích khỏi nhà giam tại Thái Lan, nơi ông bị cầm tù vì sử dụng đất Thái Lan làm nơi xuất phát một phi vụ rải truyền đơn chống Cộng Sản Việt Nam xuống thành phố Sài Gòn ngày 17 Tháng Mười Một năm 2000.
- Ngày 20 Tháng Năm, 2007, Việt Nam bầu ra một quốc hội mới. Các ứng cử viên thuộc Ðảng Cộng Sản Việt Nam đang cầm quyền thắng hơn 91% số phiếu bầu, giành được hầu hết mọi ghế trong quốc hội do cộng sản lãnh đạo gồm 493 đại biểu.
- Ngày 21 Tháng Sáu, 2007, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đến Washington trong chuyến thăm viếng chính thức Hoa Kỳ. Trong khi hằng chục nghìn người Việt định cư tại nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chuyến viếng thăm này, các nhà lập pháp Mỹ lên tiếng cảnh cáo vị thủ tướng Cộng Sản rằng mối quan hệ gia Hoa kỳ và CSVN sẽ không thể nào được cải thiện nếu CSVN không chịu chấm dứt việc bóp nghẹt nhân quyền và đàn áp các phong trào đòi dân chủ trong nước.
- Ngày 17 Tháng Mười Một, 2007, công an Sài Gòn bắt hai công dân Mỹ gốc Việt, một công dân Pháp gốc Việt và một công dân Thái lan, cáo buộc họ tội cấu kết với các nhà hoạt động đòi dân chủ trong nước.
- Ngày 1 Tháng Giêng, 2008, Việt Nam chính thức trở nên thành viên không thường trực tại hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong một cơ chế gồm 15 thành viên, với 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết và 10 thành viên không thường trực (với nhiệm kỳ 2 năm) chỉ có quyền bỏ phiếu.
- Ngày 22 Tháng Giêng, 2008, Hoa Kỳ cho hay hằng nghìn người Việt Nam sinh sống bất hợp pháp tại Mỹ sẽ bị trục xuất về nước sau khi hai chính phủ liên hệ đạt được một thỏa thuận về di trú.
- Ngày 20 Tháng Ba, 2008, viên tổng biên tập báo VietnamNet của CSVN mất chức vì cho đăng bài nói về chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau vụ Cộng Sản Trung Quốc tiếp tục lấn chiếm các quần đảo này. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam, từ lâu thần phục Cộng Sản Trung Quốc, đã cấm toàn dân không được nhắc nhở gì tới vụ quân Trung Cộng lấn chiếm hai quần đảo trên Biển Ðông (Nam Hải) mà Việt Nam từng xác nhận chủ quyền.
- Ngày 25 Tháng Ba, 2008, Bộ Giáo Dục và Ðào Tạo của CSVN quyết định cắt giảm thời lượng và nội dung dạy môn lý luận chính trị Mác-xít Lê-nin-nít tại các trường đại học và trung học trên toàn quốc. Vì sự suy tàn không gượng lại được của chủ nghĩa cộng sản trên khắp thế giới và vì những nghịch lý sờ sờ của chế độ cộng sản ngày nay, môn này luôn được dân chúng tại CSVN coi là “môn thầy không muốn dạy mà trò cũng chẳng muốn học.”
- Ngày 1 Tháng Tư, 2008, đánh dấu một năm “phiên tòa bịt miệng” tại CSVN với việc Linh Mục Nguyễn văn Lý bị kết án 8 năm tù vì đấu tranh cho tự do, dân chủ cho Việt Nam.
- Ngày 19 Tháng Tư, 2008, vệ tinh VINASAT-1 của CSVN được đưa vào quỹ đạo địa cầu. Vệ tinh viễn thông đầu tiên này của Việt Nam đã được hãng Lockheed Martin của Hoa Kỳ chế tạo và do hỏa tiễn Ariane 5 của Cơ Quan Không Gian Âu Châu (ESA) phóng đi từ Trung Tâm Không Gian Guiane ở Guiane thuộc Pháp. (V.P.)
Vann Phan
(Trích từ: Người Việt online, 25/04/2008 – www.nguoi-viet.com)