Dương Thạch


Chuyện nước Đức và một tổng thống phải từ chức

 

Từ cuối năm 2011, suốt hai tháng nay truyền thông Đức dồn dập đưa tin về những vấn đề của Tổng thống đương nhiệm Christian Wullf. Dư luận bàn tán xôn xao, các hãng thăm dò ý kiến liên tục phỏng vấn thăm dò ý kiến quần chúng. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Đức gặp phải những vấn đề khá “nhạy cảm” khi bị báo chí phanh phui một số việc mà đúng ra một Tổng thống không nên làm.

Chiều 16-2-2012 vừa qua, công tố viện Hannover chính thức nộp đơn lên Quốc hội Liên bang xin truất quyền miễn tố của Tổng thống Christian Wulff với lý do có tình nghi sơ khởi ông này nhận và cấp ưu đãi nhờ chức vụ (Hannover là thủ phủ của tiểu bang Niedersachsen, nơi ông Wulff làm thống đốc 7 năm), đây là điều chưa từng có trong lịch sử Đức. Chỉ khi nào tổng thống Christian Wulff mất quyền miễn tố thì công tố viện mới có thể điều tra.

Qua sáng 17-2-2012, trước báo chí trong lâu đài Bellevue (dinh tổng thống), ông Christian Wulff tuyên bố từ chức tổng thống.

Christian Wullf 53 tuổi, là con thứ hai trong một gia đình công giáo thủ cựu, cha mẹ ly dị năm ông mới 2 tuổi. Sau đó người cha ghẻ cũng rời bỏ gia đình và Wulff năm 16 tuổi vừa đi học vừa phải săn sóc mẹ bị bệnh nan y. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, Christian Wulff cố gắng học và trở thành luật sư. Ông là một chính trị gia thuộc đảng CDU (đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo), gia nhập Đảng từ lúc còn là học sinh. 1994 ông là Chủ tịch đảng bộ CDU tại tiểu bang Niedersachsen, 2003 đảng CDU thắng trong cuộc bầu cử nghị viện tiểu bang và Christian Wullf trở thành Thống đốc tiểu bang này. Từ 30-06-2012 Christian Wullf là vị tổng thống thứ 10 của CHLB Đức cho đến nay.

Cơn bão tố xẩy đến trong cuộc đời chính trị của Christian Wullf cuối năm 2011 khi báo chí phanh phui ông có “vấn đề”. Để có thể hiểu rõ hơn rõ hơn xì căng đan đã quật ngã Tổng thống Đức, người viết xin kê sơ lược sau đây đầu đuôi câu chuyện kéo dài suốt 2 tháng qua.

1) Ngày 12-12-2011, nhật báo Bild đưa tin như sau: ông Wulff khi mua một căn nhà năm 2008 đã vay nửa triệu euro của bà Edith Geerkens, vợ nhà kinh doanh Egon Geerkens nhưng vào tháng 2 năm 2010 khi khối dân biểu đảng Xanh (Die Grüne, The Green) trong nghị viện Niedersachsen đặt câu hỏi thống đốc Wulff có liên hệ giao dịch gì với nhà kinh doanh Egon Geerkens thì ông Wulff lại trả lời không. Chỉ ít ngày sau cuộc chất vấn ông Wulff trả lại tiền cho bà Geerkens và chuyển sang vay tiền của ngân hàng LBBW theo quy chế ngắn hạn mà bây giờ người ta mới được biết ông Wulff chỉ phải trả lãi suất từ 2,1 đến 2,9%, rẻ hơn giá thị trường nhiều (4,5 – 5%) và cứ 3 tháng một lần nhà băng điều chỉnh lãi suất.

2) Ngày 13-12-2011 ông Wulff đi công du vùng vịnh Trung Đông, ông không nói gì về tin của báo Bild nhưng văn phòng phủ tổng thống thừa nhận có việc vay tiền kể trên và nói ông Wulff đã trả lời đúng vì ông Wulff không vay tiền của Egon Geerkens mà vay của bà vợ là Edith Geerkens.

3) Ngày 15-12-2011 ông Wulff tuyên bố rất tiếc đã không trả lời rõ ràng câu hỏi của đảng Xanh tại nghị viện nên có thể đã gây nhiều ngộ nhận. Ông cũng cho hay tiền vay của ngân hàng LBBW từ quy chế ngắn hạn sang quy chế dài hạn.

4) Ngày 16-12-2011 tuần san Der Spiegel loan tin rằng Egon Geerkens tuyên bố chính ông ta đã tham dự vào việc thương lượng điều kiện cho vay tiền và dàn xếp việc trao tiền cho ông Wulff, lời tuyên bố này đã phản bác câu trả lời của ông Wulff nêu trong điểm 1.

5) Ngày 18-12-2011 báo chí lại loan tin rằng trong 7 năm làm Thống đốc tiểu bang, ông Wulff khi đi nghỉ hè đã 6 lần ở miễn phí trong các biệt thự ở Ý, New York, Florida, đảo Mallorca Tây Ban Nha, chủ nhân cuả những biệt thự này đều là những doanh gia quen biết với ông Wulff. Luật sư của ông Wulff khẳng định các chuyến nghỉ hè này không dính líu gì đến chức vụ của ông Wulff cả.

6) Ngày 19-12-2011 báo chí lại đưa tin rằng mùa thu 2007 trong lúc vận động tranh cử tại tiểu bang Niedersachsen, ông Wulff cho xuất bản một cuốn sách nhan đề “Besser die Wahrheit” (Sự thật thì tốt hơn) và nhà kinh doanh Carsten Maschmeyer đã chi hơn 40.000 euro cho việc quảng cáo cuốn sách. Theo báo Bild Zeitung thì cuốn sách – kể về đời sống riêng tư và đời sống chính trị của Wulff – cũng nhằm hỗ trợ cho cuộc vận động tranh cử. Nhà xuất bản thừa nhận có việc tài trợ hơn 40.000 euro này nhưng ông Wulff tuyên bố không biết gì về việc quảng cáo. Phân nửa số sách được bạn trong đảng và bạn doanh gia mua.

7) Ngày 21-12-2011 trong một thư gửi nhật báo Die Welt, luật sư của nhà kinh doanh Egon Geerkens công nhận sự việc mà tuần san Der Spiegel (điểm 4) loan tin là đúng.

8) Ngày 22-12-2011 ông Wulff tuyên bố đã không thẳng thắn trả lời câu hỏi của các dân biểu đảng Xanh mà đúng ra ông nên trả lời rõ ràng hơn và rất lấy làm tiếc về việc này. Ông Wulff cũng nói đúng về mặt pháp luật không có nghĩa mọi sự đều đúng đắn.

10) Ngày 1-1-2012, giới truyền thông loan báo rằng một ngày trước khi báo Bild đưa tin vụ vay tiền (12-12-2011), ông Wulff trong khi đang công du ở Trung Đông đã gọi điện thoại cho chủ biên báo Bild Kai Diekmann để ngăn cản Bild đăng tin về việc vay tiền của ông Wulff. Ông Wulff cũng gọi điện thoại cho Mathias Döpfner Giám đốc nhà xuất bản Springer để than phiền và ngăn cản việc Bild đăng tin (nhà xuất bản Springer là hãng mẹ cuả Bild). Đây là một cáo buộc nặng nề cho ông Wulff vì đụng chạm đến quyền tự do báo chí.

11) Ngày 2-1-2012 báo Bild công nhận rằng ông Wulff có gọi điện thoại cho chủ biên Kai Diekmann hôm 11-12-2011, không gặp nên nói vào máy ghi âm, hai ngày sau đó ông Wulff đã xin lỗi nên Bild đã không loan tin về cú điện thoại này.

12) Ngày 4-1-2012 trong một cuộc phỏng vấn dành cho hai đài truyền hình công ARD và ZDF, ông Wulff tuyên bố rằng ông không hề có ý muốn ngăn cản báo Bild loan tin mà chỉ muốn đình hoãn một ngày đợi ông từ Trung Đông trở về.

13) Ngày 5-1-2012 Giám đốc văn phòng Bild ở thủ đô Berlin Nikolaus Blome đã phản bác lời tuyên bố của ông Wulff và nói rõ ràng là ông Wulff muốn ngăn cản việc loan tin. Báo Bild cũng công bố nội dung một bức thư gửi tổng thống Wulff, trong đó chủ biên Kai Diekmann yêu cầu ông Wulff cho phép công bố toàn văn ghi lại những gì ông Wulff đã nói vào máy ghi âm trong cú điện thoại ngày 11-12-2011 nhưng ông Wulff từ chối.

Những ngày kế tiếp báo chí phanh phui thêm nhiều vụ như sau:

14) 2008 gia đình ông Wulff đi máy bay của Air Berlin qua Florida nghỉ hè, mua vé thường nhưng chỗ ngồi thì được “nâng cấp” (upgrade) lên hạng nhất nhờ quen với Joachim Hunold, xếp của hãng máy bay này. Bị chỉ trích, ông Wulff đành bỏ tiền trả bù đắp sai biệt.

15) Trong những cuộc họp mặt “Nord-Süd-Dialog” (Đối thoại Bắc Nam) năm 2007 và 2009 nhằm hỗ trợ các hợp tác của giới doanh thương giữa hai tiểu bang Niedersachsen (ở Bắc Đức) và Baden-Württemberg (Nam Đức), chính phủ Niedersachsen của ông Wulff tuyên bố không chi tiền gì cho việc này và đó hoàn toàn là việc tư của doanh gia Manfred Schmidt. Nhật báo Hannoversche Allgemeine Zeitung chỉ trích chính phủ đã nói dối vì Bộ Canh nông Niedersachsen đã chi tiền mua một số sách để tặng cho khách tham dự, ngoài ra phần phục vụ chiêu đãi do Trường Cao đẳng Y khoa Hannover (MHH) đảm nhận mà không tính tiền theo lời yêu cầu của Olaf Glaeseker, phát ngôn viên cấp thứ trưởng của Christian Wulff. Đến khi bị báo chí phanh phui thì MHH mới gửi hóa đơn trong tháng Giêng 2012 đến người tổ chức là Manfred Schmidt. Đồng tác giả cuốn sách này lại là vợ của ông Olaf Glaeseker.

16) Với tư cách là Thống đốc Niedersachsen, ông Wulff là thành viên trong Hội đồng Quản trị (Aufsichtsrat) của công ty ô tô VW (Volkswagen) mà tiểu bang Niedersachsen giữ 20% cổ phần. Hãng xe Porsche định mua VW nhưng không xong và bị VW nuốt lại. Theo nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung ngày 6-1-2012 thì khoảng 70 ngân hàng, hãng bảo hiểm đòi ông Wulff bồi thường 1,8 tỉ euro vì đã gây thiệt hại cho họ trong vụ Porsche nuốt không trôi VW khi ông Wulff đã không thông tin đúng lúc và thông tin sai trong việc nàỵ

17) Ngày 8-2-2012 báo chí lại đưa tin nhà sản xuất phim David Groenewold đã trả tiền khách sạn hạng sang cho ông Wulff trong chuyến du lịch đảo Sylt (Bắc Đức) năm 2007, cùng trong năm này David Groenewold đã lập dự án xây dựng hãng phim ở Hannover, xin tài trợ và được chính quyền tiểu bang Niedersachsen hứa sẽ bảo đảm 4 triệu euro. Văn phòng tổng thống tuyên bố ông Wulff đã thanh toán lại phí tổn khách sạn cho David Groenewold bằng tiền mặt.

Trên đây là những quan hệ giữa ông thống đốc Wulff với giới doanh gia khiến người ta liên tuởng đến những móc ngoặc mà đôi bên cùng được lợi mà về phía ông Wulff có thể là vô tình nhiều hơn cố ý nhưng phía những bạn bè ông Wulff trong giới doanh gia có lẽ là ngược lại.

 

Tại sao tổng thống Đức Christian Wulff phải từ chức?

Sau khi báo chí loan tin vụ ông Wulff vay tiền, dân chúng Đức tuy phê phán nghiêm khắc việc này nhưng không đòi hỏi ông Wulff phải từ chức. Giới đối lập cũng rất thận trọng và không công kích nặng nề nhưng đòi hỏi ông Wulff cần chấm dứt xì căng đan này bằng cách minh bạch hóa mọi chuyện. Thế nhưng sau vụ vay tiền báo chí tiếp tục phanh phui thêm nhiều vụ “nhạy cảm” khác trong khi ông Wulff tiếp tục phạm nhiều lỗi lầm, ông đã không minh bạch hóa mọi chuyện mà thường chống chế cho đến khi không làm khác được nữa thì mới thừa nhận.

Về chuyện vay tiền này của ông Wulff, một số người Việt ở Đức nghĩ rằng ông Wulff là người đáng thương hại vì ông ta trong sạch không có đủ tiền mua nhà mới phải đi vay, như vậy có gì đâu mà lên án ông ta, họ cho rằng phe tả cố ý chống phá ông Wulff, thậm chí có người còn kêu gọi bày tỏ cảm tình và ủng hộ ông Wulff nữa. Những nhận định này hoàn toàn sai lầm, có lẽ do thiếu thông tin. Thật ra ông Wulff đã có một đời vợ trước vốn là bạn thời sinh viên, ly dị năm 2006.  Luật Đức bảo vệ phụ nữ nên các ông chồng khi ly dị thường rất tốn kém, ông Wulff cũng không thoát khỏi hoàn cảnh này.

Báo Bild, tờ báo đã phanh phui sớm nhất vụ ông Wulff vay tiền, không phải phe tả mà là phe hữu. Đây là một tờ báo thuộc loại “lá cải” chạy tít thật lớn nhưng tin thì rất ngắn, chuyên đưa tin giật gân nhưng có số báo bán cao nhất nước Đức và là hãng con của nhà xuất bản Springer, một công ty tư nhân lớn được coi là cánh hữu và thân cận với đảng CDU. Bild cũng được coi là cánh hữu thân CDU. Nhiệm vụ của báo chí là thông tin. Sự việc báo chí điều tra tin tức (investigative journalism) là một chuyện bình thường ở các nước tự do dân chủ. Khi báo chí đi quá đà vào đời sống riêng tư hay loan tin sai lạc gây thiệt hại vật chất hay tinh thần cho một cá nhân, bị nạn nhân kiện ra tòa và phải bồi thường cũng là một việc rất bình thường trong một nền dân chủ pháp trị.

Sau đây là những yếu tố chính khiến Tổng thống Đức Christian Wulff bị cáo buộc, chỉ trích và cuối cùng phải từ chức:

* Ông Wulff đã không nói thật khi trả lời câu chất vấn của đảng Xanh trong nghị viện tiểu bang Niedersachen.

* Ông Wulff đã thiếu trung thực khi tuyên bố lãi suất giống như ngoài thị trường. Nếu ông Wulff phải trả lãi suất như giá thị trường thì chẳng có ai chỉ trích ông được. Sự thực lãi suất mà ông được hưởng thấp hơn ngoài thị trường. Tại sao hưởng lãi suất thấp lại bị lên án? Dưới mắt báo chí, đây là một sự nói theo tiếng Việt là “có qua có lại” vì nhà kinh doanh Egon Geerkens thường đuợc đi theo ông Wulff trong phái đoàn doanh gia tháp tùng ông Wulff khi đi công du ngoại quốc, trong các chuyến công du bao giờ cũng có sự gặp gỡ hay thương lượng giao dịch của các nhà kinh doanh giữa hai nước. Như thế cả hai bên đều có lợi, và ông Wulff hưởng lợi nhờ chức vụ của ông và vi phạm Luật Bộ trưởng. Vào thời điểm đó lãi suất thị trường là 5% mỗi năm nhưng vay của Egon Geerkens ông Wulff chỉ phải trả 4%. Hoặc lãi suất 2,9% của LBBW như ông Wulff được hưởng, một người dân thường không bao giờ có được.

* Ông Wulff đã tìm cách ngăn cản báo Bild trong việc loan tin. Đây là một lỗi lầm trầm trọng nhất của ông Wulff. Hiệp hội Nhà báo Đức đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt. Quyền tự do báo chí là một quyền căn bản được ghi trong Hiến pháp Đức, không ai được xâm phạm.

* Ông Wulff có thể đã vi phạm Luật Bộ trưởng, nhận ưu đãi lợi lộc (lãi suất thấp, chi phí khách sạn, nghỉ hè miễn phí…) hay cấp ưu đãi bổng lộc trong lúc làm Thống đốc. Luật Bộ trưởng của tiểu bang Niedersachsen nghiêm cấm các thành viên của chính phủ không được nhận hay cấp ưu đãi bổng lộc trong khi tại chức. Cho dù công tố viện sau khi điều tra không tìm đuợc bằng cớ ông Wulff vi phạm Luật Bộ trưởng nhưng những điều báo chí phanh phui ra chính là những điều mà ở cương vị Tổng thống, nhất là về mặt đạo đức, ông Wulff cần phải tránh né để không mất uy tín, không đánh mất lòng tin của dân chúng.

Trong những tuyên bố đầu tiên, ông Wulff nói ông đã làm lỗi lầm nhưng không vi phạm luật pháp. Điều này có thể đúng, nhưng không vi phạm luật pháp chưa đủ, vì chức Tổng thống là chức vụ cao nhất của nước Đức và là đại diện của 80 triệu dân Đức, do đó Tổng thống phải là người có trách nhiệm, có đạo đức để làm gương cho dân chúng và cần được dân chúng kính trọng. Dưới mắt nhiều người, nhất là các bình luận gia, ông Wulff đã không phân biệt được ranh giới giữa công và tư, giữa công việc của Tổng thống và giao du bạn bè riêng tư. Có thể là Tổng thống Wulff đã vô tình để cho những người quen biết trong giới doanh gia lôi cuốn vào những cám dỗ mà ông không nhận ra. Mãi đến khi công tố viện xin truất quyền miễn tố để điều tra thì ông mới nhận thấy sự việc đã vượt khỏi tầm tay. Theo cuộc thăm dò chớp nhoáng của đài truyền hình ARD, 60% dân chúng Đức nghĩ sự từ chức của ông Wulff là đúng. Báo chí đều nhận định ông Wulff từ chức quá muộn màng.

 

Quyền miễn tố (quyền bất khả xâm phạm)

Tại Đức, Tổng thống, thành viên trong nội các và các dân biểu liên bang hay tiểu bang được hưởng quyền bất khả xâm phạm (quyền miễn tố) nhưng luật không bảo vệ họ trước các truy tố đòi bồi thường theo luật dân sự. Luật này chỉ nhằm mục đích đảm bảo khả năng làm việc của Quốc hội. Quyền miễn tố sẽ đương nhiên chấm dứt khi những người này mãn nhiệm.

Khi công tố viện đệ đơn xin truất quyền miễn tố thì Quốc hội sẽ phải quyết định, tiểu ban Nội vụ của Quốc hội sẽ xét xem tình nghi sơ khởi của công tố viện có hợp lý không hay chỉ nhằm tấn công đương sự về mặt chính trị, nếu hợp lý thì tiểu ban này sẽ đề nghị Quốc hội chấp thuận. Đơn xin truất quyền miễn tố của Tổng thống sẽ được chấp thuận khi tối thiểu 25% dân biểu đồng ý. Khi đó không có nghĩa là đương sự bị truy tố mà chỉ có nghĩa là công tố viện được phép tiến hành việc điều tra. Bị truy tố hay không tùy thuộc vào kết quả điều tra của công tố viện.

Sau một năm rưỡi ở chức vụ Tổng thống Đức, Christian Wulff đã phải từ chức và quyền miễn tố của ông cũng chấm dứt, như thế công tố viện có thể tiến hành điều tra về sự vi phạm Luật Bộ trưởng.

 

Tìm tổng thống mới

Tổng thống Đức không do dân bầu trực tiếp mà do Nghị hội Liên bang (Bundesversammlung) bầu lên, trong đó một nửa là dân biểu liên bang đương nhiệm (620), nửa còn lại (620) là phần của các tiểu bang do đảng phái đề cử theo tỉ lệ số ghế dân biểu của các đảng trong nghị viện tiểu bang. Theo Hiến pháp Đức, trong vòng 30 ngày sau khi ông Wulff từ chức phải có tổng thống mới.

Trong lần bầu tổng thống trước, ông Wulff là ứng cử viên của liên minh cầm quyền CDU (Dân chủ Thiên Chúa giáo) và FDP (Dân Chủ Tự Do) do bà Angela Merkel, Thủ tướng kiêm Chủ tịch CDU đề cử. Ứng cử viên của đối lập là Joachim Gauck, không đảng phái nhưng rất có uy tín. Dù CDU-FDP chiếm đa số trong Nghị hội Liên bang nhưng ở hai vòng đầu, cả hai ứng cử viên đều không đạt được đa số tuyệt đối (50%), đến vòng bầu thứ ba ông Wulff mới thắng cử với đa số tương đối.

Lần này, vì hai đảng CDU và FDP đều suy thoái trong các nghị viện tiểu bang nên đa số của liên minh cầm quyền rất khít khao so với đối lập, do đó bà Merkel đề nghị tìm một ứng cử viên mà cả hai bên đều chấp nhận được và hơn nữa tổng thống mới cần được sự tin tưởng của dân chúng. Các đảng phái đang ráo riết tìm ứng cử viên thích hợp vì một nhân vật hội đủ các điều kiện trên không phải dễ tìm. Cũng nên nói thêm đảng FDP mà Chủ tịch đảng hiện nay là Philipp Rössler (gốc Việt) trong thời gian qua đã bị loại ra khỏi nghị viện ở 4 trong số 16 tiểu bang của Đức vì không đạt đủ số phiếu tối thiểu.

 

Rút ra bài học gì trong sự kiện này?

– Christian Wulff khi từ chức, mặc dù chịu áp lực nặng nề của dư luận, vẫn chứng tỏ ông còn tư cách và lòng tự trọng. Giả thử ông cứ cố đấm ăn xôi không từ chức, khi công tố viện điều tra xong, hoặc không khởi tố hoặc đưa ra tòa nhưng tòa xử trắng án thì ông vẫn là Tổng thống. Ở một nước nhược tiểu hay toàn trị khó có chuyện tổng thống từ chức này.

– Quyền tự do báo chí là một quyền căn bản và cao quý trong một quốc gia dân chủ thực sự. Báo chí có quyền điều tra, phê bình chỉ trích ngay cả tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, tướng tá đương nhiệm. Vì thế ở những nước thực sự có dân chủ, báo chí cũng hay được gọi là “quyền thứ tư” sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong một nước độc tài toàn trị chỉ có báo chí “lề phải”, nếu có một xì căng đan như báo chí và Tổng thống Đức Christian Wulff thì có lẽ báo bị đóng cửa, nhà báo đã bị tống vào tù, thậm chí còn bị giết.

– Trong một nhà nước dân chủ pháp trị như CHLB Đức, nền tư pháp hoàn toàn độc lập, không bị chính quyền, nhà nước chi phối, gây áp lực. Tư pháp được quyền điều tra các quan chức trong chính quyền nếu họ bị nghi ngờ vi phạm luật pháp. Trong các nước độc tài toàn trị cũng có viện này viện nọ tòa này tòa kia nhưng tư pháp chỉ để trưng bày cho đẹp, còn viện này tòa nọ khi xử lý cứ phải chờ “chỉ đạo” của thủ tướng, của bộ trưởng, của cấp trên, và bản án đã được định trước từ bao giờ.

Đau lòng khi trông người mà nghĩ đến ta!

 

Đức Quốc 18-2-2012.
Dương Thạch

(Trích từ boxitvn.wordpress.com)

 


Cái Đình - 2012