Phạm Ðình Lân
Chuyện gì ở Syria?
Nếu tổng thống Obama ra lịnh oanh tạc hay bắn phá Syria cũng là một quốc gia Hồi Giáo thì ông mang tiếng là Thần Hòa Bình lại gây chiến tranh. Kết quả việc oanh tạc ra sao chưa đoán trước được. Nếu tổng thống Obama không có thái độ khi biết rõ Assad vượt đường ranh đỏ thì ông bị xem như người không giữ lời hứa và không có phản ứng hữu hiệu trước những diễn biến chánh trị phức tạp trên thế giới.
Hình: Sau cuộc chạm súng ở Adra, ngoại ô Damascus ngày 07/08/2013.
Nguồn: SANA, hãng thông tấn chính thức của Syria
***
Từ ngày đệ nhị thế chiến chấm dứt đến nay không vị tổng thống Hoa Kỳ nào được yên ổn với những vấn đề quốc tế. Tổng thống Truman (Dân Chủ) phải đương đầu với chiến tranh Triều Tiên (1950). Tổng thống Eisenhower (Cộng Hòa) chứng kiến Fidel Castro nắm chánh quyền ở Cuba (1959) và khối Cộng Sản có được nửa nước Việt Nam (1954). Tổng thống Kennedy (Dân Chủ) thất bại trong việc đổ bộ lên Bahia de Cochinos (Bay of Pigs: Vịnh Con Heo) ở tây nam đảo Cuba (1961), đương đầu với chiến tranh nhân dân ở Nam Việt Nam (1960), việc thiết lập hỏa tiễn Liên Sô trên đảo Cuba (1961), vấn đề trung lập Lào (1962), khủng hoảng Berlin (1962). Tổng thống Johnson (Dân Chủ) đau đầu vì chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Nixon (Cộng Hòa) tìm cách Việt Nam hóa chiến tranh và tìm một lối thoát danh dự cho chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Carter gặp khó khăn vì 53 con tin bị Iran bắt giữ năm 1979. Tổng thống Reagan phải đương đầu với khủng bố Hezbollah ở Lebanon, khủng bố do Quadafi, nhà độc tài Libya, chủ trương nhắm vào Tây Phương. Thời tổng thống Bush I (Cộng Hòa) có chiến tranh Vùng Vịnh đánh Iraq ra khỏi Kuwait (1991). Thời ổng thống Clinton (Dân Chủ) có chiến tranh Kosovo (1999). Thời tổng thống Bush II có vụ 11-9-2001, nói theo Hoa Kỳ là vụ 911, dẫn đến chiến tranh Afghanistan (2001) và Iraq (2003). Tổng thống Obama (Dân Chủ) là vị tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ phải đối đầu với nhiều khó khăn xuất phát từ các quốc gia Hồi Giáo sau Mùa Xuân Ả Rập (2011) và nội chiến ở Syria.
***
Chuyện khó khăn đối với các nhà ngôn ngữ học là tiếng Hebrew. Chuyện khó khăn trên trường chánh trị quốc tế đối với Hoa Kỳ là chuyện Hồi Giáo và chuyện Do Thái - Ả Rập.
Cái khó xử hiện nay của tổng thống Obama là cuộc nội chiến Syria. Chúng tôi đã có bài viết về Syria: Tranh Chấp Nội Bộ hay Tranh Chấp Quốc Tế? Trong bài viết dưới đây chúng tôi không nhắc lại những gì đã viết mà chỉ tóm lược những gì vừa xảy ra vì bài viết trước đã có trên một năm.
Ðến tháng 11 năm 2011 những người chống đối chế độ Assad đã biến sự chống đối của họ dưới dạng nội chiến. Họ bạo động võ trang.
Assad được sự ủng hộ tích cực của Nga, Iran, tổ chức Hezbollah ở nam Lebanon, một tổ chức Hồi Giáo phái Shiite được Hoa Kỳ xem như một tổ chức khủng bố, cực đoan và có nhiều võ khí do Iran cung cấp. Assad được sự hỗ trợ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc tại tổ chức Liên Hiệp Quốc. Assad có một quân đội lối 180.000 quân với đầy đủ các binh chủng (Hải Lục Không Quân) được trang bị bằng võ khí của Nga. Trong hàng ngũ quân chánh phủ Syria có 150 cố vấn Iran và từ 2000 đến 5000 chiến binh Hezbollah.
Phe nổi dậy gồm có: Quân Ðội Syria Tự Do, Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Syria, Lữ Ðoàn Al-Tawhid và những nhóm ngoại nhập như Mặt Trận Hồi Giáo Syria, Mặt Trận Al-Nusra, Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Lebanon và nhiều nhóm khác. Phe nổi dậy có hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabi, Qatar và xa hơn là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ðức hay nói tổng quát hơn là Liên Âu.
Quân Ðội Syria Tự Do có từ 50.000 đến 80.000 người trong đó có nhiều quân sĩ và sĩ quan của quân sĩ chánh phủ đào ngũ.
Mặt Trận Giải Phóng Hồi Giáo Syria có lối 37.000 người.
Al-Nusra, Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Lebanon có từ 15.000 đến 20.000 người. Ðến năm 2012 phe nổi dậy kiểm soát một phần đất rộng lớn ở miền bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều trận đánh lớn diễn ra từ thủ đô Damascus, Homs đến Aleppo và các vùng dọc theo biên giới Syria – Lebanon. Phe nổi dậy chiếm Douma, gây sức ép cho thủ đô Damascus, tấn công căn cứ Không Quân Taftanaz, kiểm soát căn cứ 46 gần thành phố Aleppo. Người chỉ huy tấn công căn cứ này là hàng tướng Mohamad Ahmed al-Faj. Ngày 06-03-2013 quân nổi dậy chiếm thành phố Raqqa. Tượng của tổng thống Hafez Assad, thân sinh của đương kim tổng thống Bashar Assad, bị lật nhào. Phe nổi dậy kiểm soát vùng ven biên Lebanon và đồi Golan nơi quân đội Do Thái chiếm ngự từ cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Ðịa vị của tổng thống Syria, Assad, lay động mạnh. Nhiều viên chức cao cấp trong chánh phủ trốn khỏi Syria. Tổng trưởng bộ Quốc Phòng bị chết vì bom của phe nổi dậy. Ðây là lúc Hezbollah can thiệp vào cuộc nội chiến Syria để cứu Assad. Nếu Assad bị lật đổ, tổ chức Hezbollah mất nguồn tiếp tế từ Iran. Sự tồn tại của họ trở nên bấp bênh. Về phía Iran, nếu Assad bị lật đổ, họ mất đường trung gian liên lạc với tổ chức Hồi Giáo Shiite Hezbollah ở Lebanon. Ðó là con đường giúp họ tìm ra Ðịa Trung Hải tranh giành địa vị lãnh đạo với Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập trong vùng.
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, một quốc gia có quan hệ tốt với Do Thái (ngoại trừ thời Erdogan năm 2010).
Ai Cập không còn chống Do Thái kể từ năm 1979. Nước này thiết lập bang giao với Do Thái và nhận hàng tỷ Mỹ Kim viện trợ của Hoa Kỳ hàng năm.
Saudi Arabia là quốc gia giàu có không thích Do Thái nhưng không quyết liệt với nước nầy và luôn luôn là một đồng minh tốt của Hoa Kỳ.
Iran dùng chiêu bài chống Do Thái. Họ được Syria và tổ chức Hezbollah hưởng ứng nhiệt liệt.
Khác với Quadafi, Assad có Nga ủng hộ triệt để. Cố tổng thống Hafez Assad là một quân nhân do Liên Sô huấn luyện. Liên Sô bán võ khí, quân trang, quân cụ cho Syria để đánh nhau với Do Thái năm 1967. Syria cho Liên Sô hiện diện ở cảng Tartus năm 1970. Năm 1991 Liên Sô sụp đổ, tàu chiến của Nga vẫn hiện diện ở Tartus. Nếu Assad ra đi, Nga phải rời Tartus và mất một khách hàng mua võ khí quan trọng. Rời khỏi Tartus là mất thế đứng chiến lược ở Ðịa Trung Hải, Trung Ðông và thế giới Hồi Giáo.
Hezbollah giúp cho Assad lấy lại Al-Qusayr và tiền trạm gần đồi Golan.
Nga và Iran tích cực giúp cho Assad củng cố địa vị và phản công lại phe nổi dậy. Từ tháng 04 năm 2013 người ta bắt đầu đề cập đến việc chánh phủ Assad có thể dùng võ khí hóa học để chận đứng sự tiến quân của phe nổi dậy. Tháng 06 năm 2013 tổng trưởng bộ Quốc Phòng Iraq cho biết đã bắt một tổ AlQaeda sản xuất hơi độc sarin và mustard. Chánh phủ Iraq hiện nay thuộc Hồi Giáo phái Shiite. Dưới thời Saddam Hussein người Iraq phái Shiite ở miền Nam Iraq có liên hệ ít nhiều với Iran cùng phái. Gần đây người ta cho rằng phi cơ chở võ khí cung cấp cho Syria bay ngang qua không phận Iraq.
Al-Nusra là tổ chức chủ trương thánh chiến. Thủ lãnh nhóm này là Golani rất trung thành với Ayman al-Zawahiri, một bác sĩ Ai Cập lãnh đạo Al Qaeda sau khi Osama Bin Laden bị giết chết. Ayman al-Zawahiri cổ xúy việc lật đổ Assad để biến Syria thành một quốc gia Hồi Giáo nghĩa là dùng luật Sharia chớ không dùng luật thế tục. Nhóm Al-Nusra có từ 6.000 đến 10.000 người. Nhóm này cùng nhóm Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Lebanon, Ahrar Al-Sham liên hệ đến Al Qaeda hợp lại để có có từ 15.000 – 20.000 người Hồi Giáo cực đoan trong hàng ngũ phe nổi dậy. Họ đã dùng luật Sharia ở những vùng họ kiểm soát. Họ khủng bố những người theo Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo hay Hồi Giáo không cùng phái với họ. Họ thi hành chánh sách nghiêm khắc khiến cho dân chúng sợ sệt phải tìm đường tỵ nạn. Ảnh chụp một người trong phe nổi dậy giết chết một quân sĩ của chánh phủ rồi moi tim ăn, cảnh chặt đầu những tu sĩ Thiên Chúa Giáo hay hành quyết một em bé 14 tuổi vì tội phạm ngôn đối với Giáo Chủ làm cho người ta hoài nghi tương lai nếu những người này nắm chánh quyền. Chúng làm cho Hoa Kỳ và các quốc gia Liên Âu chùn bước trong việc viện trợ võ khí cho phe nổi dậy vì e ngại võ khí vào tay khủng bố. Ðến tháng 08 năm 2013 đã có 100.000 người chết. Gần 2 triệu người bỏ nước để lánh nạn ở các nước láng giềng.
Tên nước nhận tỵ nạn | Số người Syria tỵ nạn |
---|---|
Lebanon | 714.000 người |
Jordan | 500.000 người |
Thổ Nhĩ Kỳ | 460.000 người |
Iraq | 160.000 người |
Ai Cập | 110.000 người |
Những người nổi dậy có liên hệ với Al Qaeda rất bạo. Họ tỏ ra thiện chiến và được võ trang đầy đủ hơn những người trong tổ chức Quân Ðội Syria Tự Do. Họ gây sợ hãi cho cả những người trong Quân Ðội Syria Tự Do. Có lối 25% người của Quân Ðội Syria Tự Do đào ngũ theo nhóm Al Nusra. Ngày 10-07-2013 Kamal Hamani tức Abu Basir, thủ lãnh Quân Ðội Syria Tự Do, bị nhóm Quốc Gia Hồi Giáo Iraq và Lebanon ám sát chết sau khi cãi vã với lãnh tụ của nhóm này ở Latakia. Nhóm này còn dọa sẽ giết những thành phần lãnh đạo Liên Minh Quốc Gia Syria vừa bầu Ahmad Assi Jarba làm thủ lãnh (06-07). Như vậy trong hàng ngũ phe nổi dậy đã có những đường lối khác nhau và có sự tranh chấp quyền hành lãnh đạo.
***
Tổng thống Obama do dự trước các diễn biến ở Syria. Ông cho rằng nếu Syria dùng võ khí hóa học thì Hoa Kỳ mới hành động. Ðó là đường ranh đỏ mà ông vạch ra cho Assad. Nỗi khổ của Hoa Kỳ là can thiệp vào các vấn đề quốc tế thì bị gán tội làm sen đầm quốc tế (sen đầm là chữ âm từ chữ gendarme của Pháp). Bất động không làm gì trước cảnh giết chóc đẫm máu thì bị gán tội thấy chết mà không cứu.
Ngày 21-08-2013 được xem là ngày tổng thống Assad của Syria vượt qua đường ranh đỏ do tổng thống Obama vạch ra. Người ta ghi nhận võ khí hóa học được dùng ở miền đông Ghouta làm cho hàng ngàn người chết. Theo ông Kerry, bộ trưởng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, có 1.429 người chết, trong đó có 426 trẻ em. Từ tháng 04 năm 2013 Anh và Pháp đã đặt vấn đề này. Tổng thống Nga, Putin, rất khó chịu về sự tố cáo của Anh và Pháp tới hội nghị G-8 ở Ái Nhĩ Lan vừa qua. Bây giờ Putin cũng lên tiếng cho rằng lời buộc tội Assad dùng võ khí hóa học là vô căn cứ, Ông yêu cầu Hoa Kỳ trưng bằng chứng. Putin và Assad như ngầm nói rằng khủng bố đã sử dụng võ khí hóa học. Các quan sát viên ngoại quốc kể cả Liên Hiệp Quốc hỏi ngược lại rằng nếu như vậy tại sao Syria không cho quan sát viên vào điều tra ngay từ lúc đầu như họ yêu cầu mà phải trì hoãn vài ngày sau mới cho vào và phái đoàn còn bị bắn sẻ nhưng may mắn là không ai tử thương? Phó tổng thống Biden cũng cho rằng chánh phủ Syria đã dùng võ khí hóa học để diệt phe đối kháng.
Chuyện Syria lần này không giống với chuyện Iraq năm 2003. Việc đánh Iraq của Hoa Kỳ năm 2003 bị sự phủ quyết của Pháp. Hoa Kỳ vẫn hành động. Ông Powell lúc ấy là bộ trưởng bộ Ngoại Giao trình bầy những bằng chứng cho rằng Saddam Hussein có võ khí hóa học. Những tiết lộ sau nầy cho thấy ngược lại. Hoa Kỳ gặp phản ứng bất thuận lợi trước dư luận thế giới mặc dù Anh sát cánh với Hoa Kỳ trong vụ nầy. Trong chuyện Syria và việc sử dụng võ khí hóa học đều được Liên Hiệp Quốc, Anh, Pháp xác nhận. Beijing (Bắc Kinh) dửng dưng. Nga phủ nhận việc nầy thay cho Syria. Tổng thống Obama bị đặt vào thế khó xử vì đường ranh đỏ đã bị vượt qua. Bây giờ ông phải làm gì? Hạm đội Hoa Kỳ tiến về miền đông Ðịa Trung Hải. Tàu chiến của Nga cũng xuất hiện. Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Hagel, cho rằng Hoa Kỳ chờ lịnh của tổng thống Obama và mọi chuẩn bị đã sẵn sàng để đối phó với tình hình ở Syria. Dư luận Hoa Kỳ bị phân tán rõ rệt. Vài tướng lãnh không tin vào sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ sẽ mang lại thắng lợi ở Syria.
Cái khó của tổng tống Obama là:
– Năm 2008 ông được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ nhằm mục đích giải kết chiến tranh Iraq rồi Afghanistan để phục hồi kinh tế và giải quyết những bài toán xã hội trước mắt trong tình thế một nước Hoa Kỳ có một nền kinh tế suy kém; nợ nần quốc gia cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong lịch sử Hoa Kỳ.
– Ông đuợc xem là Thần Hòa Bình với giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2009.
– Cuối năm 2011 Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Iraq và dự trù sẽ rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014. Hoa Kỳ va chạm tâm lý nẩy lửa ở Iraq, Afghanistan, Pakistan (vụ Osama Bin Laden), Iran (về vấn đề sản xuất bom nguyên tử và các biện pháp trừng phạt kinh tế dành cho Iran), Ai Cập (không bày tỏ lập trường sau vụ lật đổ Morsi, vị tổng thống thuộc Huynh Ðệ Hồi Giáo được đắc cử trong một cuộc bầu cử được xem là tự do và trong sạch). Các nước kể trên đều là quốc gia Hồi Giáo. Nếu tổng thống Obama ra lịnh oanh tạc hay bắn phá Syria cũng là một quốc gia Hồi Giáo thì ông mang tiếng là Thần Hòa Bình lại gây chiến tranh. Kết quả việc oanh tạc ra sao chưa đoán trước được. Hậu quả có thể là chiến tranh sẽ nới rộng từ Syria sang các nước láng giềng như Jordan, Lebanon, Do Thái v.v… Nếu tổng thống Obama không có thái độ khi biết rõ Assad vượt đường ranh đỏ thì ông bị xem như người không giữ lời hứa và không có phản ứng hữu hiệu trước những diễn biến chánh trị phức tạp trên thế giới.
– Oanh tạc vì ‘thể diện’ và không có kết quả gì thì đó là sự khích lệ cho các nhà độc tài khác trên thế giới dùng võ khí độc hại để khử trừ những ai đối kháng lại họ. Oanh tạc hay bắn phá vì ‘thể diện’ vô tình giống như việc tổng thống Clinton ra lịnh bắn phá Sudan, Pakistan, Afghanistan năm 1998 vì vụ Monica Lewinsky.
– Phe đối kháng Assad nương vào sự oanh tạc hay bắn phá của Hoa Kỳ để đẩy mạnh các cuộc tấn công và lật đổ Assad ở Damascus. Thành phần nào của phe đối kháng khả dĩ thành công trong việc lật đổ nhà độc tài cha truyền con nối này? Ôn hòa? Cực đoan? Ai là thành phần cực đoan võ trang hiện nay trong cuộc chiến Syria? Câu trả lời sẽ không khó khăn lắm. Lúc ấy Hoa Kỳ được hưởng lợi gì?
– Khả năng can thiệp của Nga không thể loại bỏ vì, nếu Assad bị lật đổ, họ không còn hiện diện ở cảng Tartus. Từ khi bị mất ảnh hưởng ở Ai Cập sau cuộc chiến tranh 6 ngày, Nga chỉ bấu víu vào Syria ở Trung Ðông mà thôi. Ðó là quốc gia Hồi Giáo duy nhất trong khối Ả Rập chịu ảnh hưởng sâu đậm của Nga, nước bán võ khí và huấn luyện quân sự cho Syria và có cố vấn tham dự trận đánh đồi Golan trong chiến tranh 6 ngày năm 1967. Trải qua bao thế kỷ, các Nga hoàng không thể đặt chân trên bờ Ðịa Trung Hải. Phải đến năm 1970 Liên Sô có mặt ở cảng Tartus, Syria, sau khi Hafez Assad thành công trong việc nắm chánh quyền bằng một cuộc đảo chánh. Nếu vì vấn đề Syria mà Nga và Hoa Kỳ đụng chạm nhau như nó suýt xảy ra năm 1962 về vấn đề hỏa tiễn Cuba thời Kennedy và Krushchev, (Cộng Hòa) Nhân Dân Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất. Ðó là giây phút trông đợi của Mao Zedong (Mao Trạch Ðông), người muốn ngồi trên núi xem hai con hổ đấu nhau để chờ nhặt thịt. Liệu chuyện này có thể xảy ra theo sự mong đợi (có thể có) của Xi Jinping (Tập Cận Bình)?
– Iran khong có khả năng trực tiếp đương đầu với Hoa Kỳ nhưng họ có thể xúi giục Hezbollah quậy phá Do Thái và ngầm tiếp tế cho Hamas (thuộc Hồi Giáo Sunni) pháo kích Do Thái từ Gaza. Không nên xem nhẹ khả năng đe dọa các tòa đại sứ và cơ sở thương mại của Hoa Kỳ ở ngoại quốc của họ.
Tổng thống Obama khéo léo khi muốn chia xẻ trách nhiệm với Quốc Hội theo gương Cameron ở Anh. Vấn đề trở nên cực kỳ nghiêm trọng vì đây là một sự tuyên chiến được sự tán đồng của Quốc Hội.
Anh Quốc lên tiếng cáo buộc Assad dùng võ khí hóa học nhưng Quốc Hội Anh ngăn chặn không cho Hành Pháp để Cameron can dự vào chuyện Syria.
NATO cũng tuyên bố không nhập cuộc.
Lần này Pháp lại cương quyết sát cánh với Hoa Kỳ. Pháp từng được Hội Quốc Liên trao quyền ủy trị ở Syria sau đệ nhất thế chiến đến năm 1946. Họ cũng có chút tình cảm đối với phần đất này.
Dù Quốc Hội Hoa Kỳ đồng ý hay không đồng ý can dự vào vấn đề Syria thì ông Obama được tháo gỡ mọi trách nhiệm lẫn ‘thể diện’ với đường ranh đỏ để xứng đáng là vị tổng thống được giải Nobel Hòa Bình. Ông không phải hồi hộp về hậu quả của quyết định của mình cũng như không phải lo lắng nhiều phe nào chiếm ưu thế ở Syria. Ðến đây một phần trách nhiệm chánh trị trọng đại được trao cho đảng Cộng Hòa vì đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số trong Hạ Viện. Ðược thì ông hưởng trọn 100%. Không được thì đảng Cộng Hòa chia lỗ 50% với ông và đảng Dân Chủ.
Phạm Ðình Lân, F.A.B.I.