Nguyễn Trung


Cách mạng ở các quốc gia Á Rập – Biến cố cách mạng ở Ai Cập

 

Sau biến cố cách mạng ở Tunisia, làn sóng cách mạng đã lan đến Ai Cập. Qua các kênh truyền hình, thế giới đã thấy được các hình ảnh lịch sử lịch sử ở Ai Cập. Sau tám ngày xuống đường biểu tình phản kháng chế độ độc tài của tổng thống Hosni Mubarak, con số người tập trung biểu tình đã lên đến cao điểm hàng trăm ngàn người (theo kênh al Jazeera con số này lên đến khoảng hai triệu người) trên quảng trường Tahrir thuộc thủ đô Caïro. Quân đội đã hứa không sử dụng bạo lực. Mubarak đã thành lập chính phủ mới và muốn thương thuyết với các tổ chức đối lập. Tuy nhiên tất cả các thành phần dân chúng đều có một đồng thuận duy nhất: Mubarak phải từ chức, và Ai Cập trở thành một quốc gia dân chủ. Cuộc biểu tình chống đối chế độ lan ra các thành phố khác như Suez, Alexandria,... Tuy nhiên, trong những ngày sau đó Mubarak vẫn cương quyết không chịu từ bỏ quyền hành và đã cho tổ chức cuộc biểu tình của phe ủng hộ mình, gây căng thẳng, xung đột bạo lực với đại đa số thành phần nhân dân biểu tình ôn hòa. Nhiều người đã bị tử thương trong thời gian này.

Những nhượng bộ của tổng thống Mubarak như giải tán chánh phủ và hứa hẹn sẽ không ra tranh cử, cũng như sẽ tổ chức bầu cử sau tám tháng... không đủ thỏa mãn nguyên vọng tự do dân chủ của nhân dân. Sau 18 ngày xuống đường biểu tình ôn hòa, vào ngày thứ sáu 11-02-2011, phó tổng thống Ai Cập Omar Suleiman đã thông báo qua kênh truyền hình nhà nước tin tổng thống Mubarak từ chức sau 30 năm cầm quyền và trao quyền lãnh đạo cho Hội Đồng Quân Đội Tối Cao. Thế giới chứng kiến sự reo hò mừng rỡ và niềm hãnh diện "chúng tôi là người Ai Cập" của hàng trăm ngàn người Ai Cập khi đón nhận được tin mình mong mỏi trong những ngày căng thẳng trên.

Vào ngày thứ sáu 18-02 vừa qua, dân Ai Cập lại xuống đường biểu tình đông đảo để mừng sự ra đi của Mubarak, tưởng niệm 365 người bị tử thương trong "cuộc cách mạng của những người trẻ", cũng như áp lực quân đội và chính phủ phải thực hiện những lời hứa đã được cam kết. Một số điểm đáng được ghi nhận qua cuộc cách mạng ở các quốc gia Á Rập:

 

Giọt nước làm vỡ đê

Biến cố lịch sử được khởi đầu từ Mohamed Bouazizi, một người bán trái cây trong một thành phố nhỏ Sidi Bouzid ở Tunisia. Sống nghèo khổ trong một quốc gia độc tài với nạn tham nhũng trầm trọng và số thất nghiệp cao, Bouazizi không có tiền hối lộ các viên chức nhà nước để có được giấy phép bán hàng. Vì thế xe bán hàng rong của anh đã bị công an thường xuyên bắt giữ, trái cây bị tich thu hoặc bị ném xuống đường. Hoạt cảnh đó lại tái diễn vào ngày 17 tháng 12 năm 2010, trái cây bị niêm phong, công an đã chửi bới và một công an nữ đã tát tai Bouazizi. Anh đã tìm mọi cách khiếu nại ở thị xã nơi anh ở và cả cấp tỉnh. Không ai tiếp thu và xử lý vấn đề. Quá phẫn uất, Bouazizi đã mua một can xăng, tưới lên người, châm lửa tự thiêu trước cơ quan tỉnh ủy. Khi được đưa đến bệnh viện, Bouazizi đã hôn mê và trút hơi thở cuối cùng sau hơn hai tuần. Mọi sự có thể sẽ chìm vào quên lãng nếu không có sự hiện diện của một người anh em họ của Bouazizi. Anh đã thu hình ảnh xe trái cây ngã trên đường, thân thể cháy nám của Bouazizi và sự phản đối của một thiểu số nhân dân bất mãn ở Sidi Bouzid. Tất cả những hình ảnh đó đã được đưa lên mạng internet. Phát súng lệnh cho cuộc cách mạng ở Tunìsia đã được khai hỏa.

 

Cách mạng hoa nhài.

Từ Sidi Bouzid, làn sóng phẫn nộ đã dâng cao và lan rộng ra đến thủ đô Tunis và các thành phố khác. Tunisia là thuộc địa Pháp, được độc lập vào năm 1956 với tổng thống Habib Bourguiba. Vào năm này Zine El Abidine Ben Ali 19 tuổi, đang học ở các trường võ bị ở Pháp và Mỹ. Sau đó Ben Ali làm việc trong ngành tình báo và vào năm 1985 trở thành bộ truởng bộ An Ninh Quốc Gia. Vào năm 1987, Ben Ali chiếm quyền và trở thành tổng thống Tunisia. Ông đã hứa hẹn sẽ dần dần chuyển hóa đất nước sang tình trạng dân chủ. Tuy nhiên Ben Ali đã nắm quyền tổng thống trong suốt 23 năm.

Dưới thời Ben Ali, Tunisia là quốc gia công an trị, với tình trạng tham nhũng trầm trọng và tỷ số thất nghiệp cao. Khoảng 40% thành phần trẻ, có bằng cấp cao bị thất nghiệp. Vào năm 1999, cuộc bầu cử đấu tiên được tổ chức và Ben Ali đã đắc cử với con số... 99,4%. Vào năm 2009, Ben Ali lại thắng cử và là lần đầu tiên với tỷ số thấp hơn 90% cho nhiệm kỳ thứ năm. Tuy nhiên Ben Ali lại được sự ủng hộ của Pháp và Mỹ và được xem như là đồng minh để đối phó với thành phần Hồi Giáo cực đoan. Vì thế các quốc gia nầy đã làm ngơ về các vi phạm nhân quyền dưới chế độ của Ben Ali.

Sự bất mãn chế độ càng ngày càng dâng cao, nhất là sự thù ghét tổng thống phu nhân Leila Trabelsi và đại gia đình của bà này. Kể từ cuộc hôn nhân với Ben Ali vào năm 1992, Leila Trabelsi và gia đình đã nắm giữ tất cả những vị trí then chốt trong chính trị và kinh tế. Các hành xử của gia đình nầy được xem là theo phương cách của xã hội đen mafia. Khi con số người xuống đường biểu tình ngày càng rầm rộ và tình thế trở nên bất lợi, Ben Ali đã hứa hẹn sẽ thực hiện một số những biện pháp cải cách và sẽ giữ vai trò tổng thống cho đến năm 2013. Những biện pháp đề ra không gây tin tưởng và làm dịu làn sóng phẫn nộ của nhân dân. Các biệt thự, cơ sở xí nghiệp của gia đình Trabelsi bị đốt cháy. Sau 28 ngày xuống đường phản kháng và bị đàn áp, hàng chục ngàn người đã đã tập trung biểu tình trước bộ nội vụ, con số được xem là cao nhất từ trước đến nay ở thủ đô Tunis. Chưa đầy 24 giờ sau những hứa hẹn, Ben Ali cùng gia đình đã trốn khỏi Tunisia và tỵ nạn ở Saudi Arabia. Cuộc cách mạng Á Rập không ngừng lại nơi đây mà chuyển dần sang Ai Cập

 

Những ngày kế tiếp

Thực tế lịch sử đã cho thấy là làm cách mạng đã khó, nhưng bảo vệ thành quả cách mạng lại càng khó hơn. Tương tự như ở Tunisia, các tổ chức đối lập ở Ai Cập không có những nhân vật đối lập có tầm vóc lớn như Nelson Mandela của Cộng Hòa Nam Phi. Ở Tunisia chính phủ lâm thời đã được thành lập, nhưng đại diện của các tổ chức đối lập không nắm được các bộ quan trọng nên nhân dân lại xuống đường phản đối để thành lập lại chính phủ lâm thời khác. Ở Ai Cập Mubarak đã trao quyền laị cho Hội Đồng Quân Đội Tối Cao dưới sự lãnh đạo của bộ trưởng quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi (75 tuổi) và tổng tư lệnh quân đội Sami Haler Enan (63 tuổi). Tuy nhiên qua tài liệu của WikiLeaks, cựu đại sứ Mỹ ở Ai Cập năm 2008 đã đánh giá hai vị tướng trên không đủ năng lực và viễn kiến để có thể thực hiện những cải cách. Tuy nhiên đa số nhân dân Ai Cập vẫn đặt tin tưởng vào quân đội. Cũng cần nói thêm, ngoài quân sự, quân đội Ai Cập cũng nắm các cơ chế kinh tế quan trọng. Trong những ngày xuống đường đấu tranh, phe đối lập đã đưa Mohamed El Baradei, người lãnh giải thưởng Nobel và là người đã điều hành cơ quan kiểm soát võ khí hạt nhân IAFA của Liên Hiệp Quốc làm khuôn mặt đối lập. Ông Baradei cũng đã mong muốn sẽ đóng vai trò chuyển hóa sang chế độ dân chủ trong chánh phủ lâm thời.

 

Vai trò của quân đội

Quân đội đóng vai trò vô cùng quan trọng, có thể được chế độc tài sử dụng để dùng bạo lực đàn áp dẹp tan làn sóng cách mạng như trường hợp biến cố Thiên An Môn ở Trung Quốc năm 1989. Ở Tunisia trong những ngày đầu, các lực lượng công an, cảnh sát dã chiến, cảnh sát chìm mặc thường phục đã được Ben Ali sử dụng để đàn áp các cuộc biểu tình chống đối chế độ. Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, các biện pháp đàn áp, bắt bớ, kiểm duyệt không ngăn chận được làn sóng cách mạng của nhân dân, quân đội đã được tổng thống Ben Ali điều động và ra lịnh đem các xe tăng về thủ đô để dẹp tan các cuộc biểu tình. Tuy nhiên tướng Rashid Ammar đã từ chối ra lệnh quân sĩ bắn vào dân chúng. Nhờ thế các cuộc biểu tình đã được tiếp diễn. Tướng Ammar đã bị Ben Ali cách chức ngay sau đó. Nhưng khi chánh phủ lâm thời được thành lập, ông đã được phục chức. Các nguồn tin sau đó được kiểm chứng ít nhiều cho thấy dưới áp lực của tướng Ammar, Ben Ali bắt buộc phải rời khỏi Tunisia. Chính quân đội sau đó đã đóng vai trò giữ gìn an ninh trật tự trong những ngày hỗn loạn sau khi chế độ Ben Ali sụp đổ. Khi nhân dân vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình vì không tin tưởng vào thành phần của chánh phủ lâm thời, tướng Ammar đã tuyên bố tiếp tục ủng hộ và bảo vệ thành quả cách mạng của nhân dân.

Trong trường hợp ở Ai Cập, quân đội đã được điều động về thủ đô Caïro. Nhưng trong những ngày nhân dân đổ xô xuống đường biểu tình, quân đội chỉ giữ gìn trật tự và không can thiệp. Khi làn sóng chống đối dâng cao nhất qua các cuộc biểu tình, chiếm đóng quảng trường Tahrir, quân đội đã hứa không sử dụng bạo lực để đàn áp nhân dân. Khi Mubarak từ chức và trao quyền lãnh đạo cho Hội Đồng Quân Đội Tối Cao, quân đội đã thi hành cách biện pháp cải tổ theo ý nguyện của nhân dân và chuẩn bị tổ chức bầu cử trong vòng sáu tháng.

 

Vai trò truyền thông

Một chuyện tếu Ai Cập đã được truyền miệng trong những ngày đấu tranh: Tổng thống Mubarak sau khi chết xuống cõi âm, gặp các linh hồn khác dang ở dưới đó. Mubarak tò mò hỏi:

– Các ông vì sao bị chết?

Các linh hồn trả lời:

– Tôi chết vì bị thủ tiêu.

– Tôi chết vì bị xử bắn.

– Tôi chết vì bị ám sát.

Các linh hồn tò mò hỏi lại Mubarak:

– Còn ông vì sao bị chết?

Mubarak trả lời:

– Tôi chết vì Facebook!

Trong nhiều quốc gia Á Rập, hơn phân nửa dân chúng trẻ hơn 40 tuổi, cũng là thành phần sử dụng internet nhiều nhất. Nạn thất nghiệp trong giới trẻ lại rất cao nên những thành phần này thường la cà trong các quán cà phê internet. YouTube, Facebook và Twitter trở nên vô cùng phổ biến và trở nên văn hóa digital trong thành phần này. Điều này cho thấy rõ internet không chỉ đơn thuần là vấn đề kỹ thuật truyền thông mà còn đóng vai trò tích cực trong văn hóa, xã hội, chính trị. Cũng cần nhắc lại, cuộc cách mạng hoa nhài ở Tunisia được khởi động bằng đoạn phim về người bán trái cây Abouzizi trên internet. Trong 80 triệu dân Ai Cập, khoảng hơn 21% dân chúng sử dụng internet. Ngoài vấn đề liên lạc nhau, theo dõi tình hình thế giới và nhất là dùng internet như là phương diện thông tin cũng như phối trí các hoạt động đấu tranh, họ đã đưa lên mạng các hình ảnh áp bức, các bất công xã hội trong chế độ độc tài, hình ảnh của "những hoàng thái tử", con trai của các nhà độc tài được bố chọn để kế vị sau khi mình không còn nắm quyền lãnh đạo. Các buổi đọc thơ của các nhà thơ phản kháng cũng được nhân dân phổ biến và xem trên mạng (dân Ai Cập rất yêu thi ca). Họ có những cách né tránh sự kiểm soát của chánh quyền qua hệ thống internet. Ngoài ra kênh truyền hình al Jazeera (CNN của thế giới Á Rập) đã đóng vai trò thông tin vô cùng tích cực trong những ngày cách mạng. Chính ký giả của họ đã bị hành hung và văn phòng al Jazeera ở thủ đô Caïro đã bị phá hoại.

Sau biến cố ở Tunisia và Ai Cập, nhân dân Iran đã lại xuống đường phản đối chế độ độc tài. Mỹ, qua tổng thống Obama và ngoaị trưởng Clinton, đã hứa cho các phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ ở Iran và các quốc gia khác ở Trung Đông có những kỹ thuật hỗ trợ cho sự liên lạc tự do qua internet. Trung quốc đã có những phản ứng gay gắt về điều này. Quốc gia này cũng đã phong tỏa hệ thống internet trong những ngày nhân dân Ai Cập xuống đường để bưng bít thông tin, cố ngăn chận các ảnh hưởng bất lợi có thể xảy ra cho chế độ cộng sản do cuộc cách mạng Á Rập mang đến.

 

Phản ứng của Tây Phương

Liên Âu và Mỹ bị đặt vào hoàn cảnh khó xử. Ai Cập nhận viện trợ hàng năm của Mỹ, là đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, đóng vai trò quan trọng trong bang giao với Do Thái và trong vấn đề mưu tìm hòa bình giữa Do Thái và Palestina. Hơn nữa tổng thống Ai Cập Mubarak đã ngăn chận hữu hiệu việc lén đưa võ khí của tổ chức Hồi Giáo Hamas vào Palestina và là đối trọng của Iran trong vùng. Mỹ cũng như Liên Âu đã ủng hộ các chế độ độc tài Á Rập, duy trì nguyên trạng (status quo) trong vùng với lý do bảo vệ sự ổn định vì lo sợ ảnh hưởng của Hồi Giáo cực đoan và các tổ chức khủng bố ở Trung Đông. Trong những ngày đầu của cuộc cách mạng ở Ai Cập, các nhân vật chính trị của Mỹ và Liên Âu có những những tuyên bố khá dè dặt, không rõ ràng công khai ủng hộ nhân dân Ai Cập, cộng với việc ủng hộ các nhà độc tài trong quá khứ đã làm hình ảnh giương cao ngọn cờ tự do dân chủ của Tây Phương bị xấu đi nhiều đối với nhân dân Á Rập. Khi được các ký giả hay các nhân sự trong các tổ chức đấu tranh nhân quyền phỏng vấn, rằng chúng ta có ủng hộ cuộc đấu tranh và quyền tự quyết của nhân dân Ai Cập không, nhiều nhân vật chính trị Tây Phương đã có những câu trả lời không đi thẳng vào vấn đề.Trong một số ngày biến động, chính Mỹ cũng không có nhiều ảnh hưởng ở Ai Cập và cũng không biết rõ chính xác chuyện gì sẽ xảy ra sau dó. Tây Phương lo ngại tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo (có ảnh hưởng trên khoảng 20 đến 25 % dân Ai Cập), một tổ chức đối lập có qui củ nhất so với các tổ chức đối lập khác, sẽ cầm quyền trong tương lai. Có thể tổng thống Obama sẽ mất ảnh hưởng ở Ai Cập như trường hợp tổng thống Jimmy Carter đã mất Iran. Báo chí của Mỹ đã cho thấy sau đó có những phương cách ngoại giao khác nhau giữa các cố vấn "trẻ" của tống thống Obama và các cố vấn "già hơn" của ngoại trưởng Clinton. Mặc dù nguyên vọng của đa số người biểu tình chỉ đòi hỏi tự do dân chủ, Mỹ và Liên Âu chỉ có thái độ rõ ràng hơn khi phần thắng lợi đã nghiêng hẳn về nhân dân Ai Cập. Một mặt Mỹ ủng hộ cuộc cách cách mạng, tôn trọng sự chọn lựa của nhân dân Ai Cập và yêu cầu sự thay đổi từ phía nhà nước Ai Cập. Mặt khác, Mỹ gia tăng liên lạc ngoại giao với quân đội Ai Cập để có thể giữ sự ổn định và duy trì các quyền lợi chiến lược của Mỹ trong vùng. Đây cũng có thể là vấn đề cho nhiều người đấu tranh cho tự do dân chủ suy nghĩ khi đấu tranh không dựa vào tiềm lực dân tộc, mà chỉ hoàn toàn dựa vào thế lực và ý thức hệ các nước ngoài.

 

Làn sóng cách mạng trong thế giới Á Rập

Cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập đã là nguồn hứng khởi, phát động làn sóng cách mạng lan ra đến các quốc gia Á Rập trong vùng. Có thể các nhà độc tài Á Rập đã cảm thấy tình thế trở nên nghiêm trọng, chế độ có thể bị sụp đổ, sự an toàn của bản thân và gia đình bị đe dọa nên đã đề ra một số các biện pháp cải cách. Tuy nhiên sự nhượng bộ đã đến quá muộn và không đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân. Sự phản kháng đã dâng cao ở một số quốc gia tiêu biểu trong vùng:

Bahrain: Là một vương quốc nhỏ nằm trong vùng Vịnh dưới sự cai trị của vua Hamas bin Isa al-Khalifa. Dòng họ này đã cai trị Bahrain từ 1783. Bahrain có dầu hỏa cũng như các quốc gia khác trong vùng Vịnh. Tuy nhiên Bahrain giữ vai trò vô cùng quan trọng trong sự quan hệ với Mỹ vì là nơi Mỹ có căn cứ quân sự quan trọng để phối trí các hoạt động của hải và không quân ở Iraq và Afghanistan. Hạm Đội số 5 của Mỹ đã hoạt động từ Bahrain để có thế đặt áp lực quân sự lên Iran. Vì thế chính phủ Mỹ chỉ phản đối sự đàn áp nhân dân chống đối ở quốc gia nầy một cách chiếu lệ. Ở Bahrain nhân dân đã xuống đường phản đối chế độ ở thủ đô Manama và dự định sẽ thực hiện một "quảng trường Tahrir" thứ hai ở Bahrain. Mặc dù bị đàn áp bằng công an, quân đội, và nhà nước đã ban hành luật cấm tụ họp đông người, dân chúng vẫn tiếp tục xuống đường biểu tình. Qua hình thức cử hành đám tang của những người biểu tình bị giết chết do đàn áp trong những ngày trước, làn sóng biểu tình dâng cao. Đoàn biểu tình đã bị công an và quân đội bắn sẻ từ các tòa nhà và máy bay trực thăng.

Yemen: Nhân dân đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Sanaa, thành phố cảng Aden phản đối chế độ độc tài của tổng thống Ali Abdullah Saleh, nắm quyền lãnh đạo Yemen trong suốt 32 năm. Yemen cũng là đồng minh của Mỹ chống Al Qaida. Tương tự như các quốc gia khác trong vùng, nhân dân đã quá chán ngán cảnh nghèo đói (40% dân sống dưới 1,5 Euro mỗi ngày), bất công, tham những. Chánh quyền Saleh đã đàn áp các người biểu tình. Để xoa dịu làn sóng chống đối, tổng thống Saleh đã hứa hẹn không ra tái cử trong nhiệm kỳ tới, cũng như không đề cử con trai ra ứng cử, thực hiện một số biện pháp nhượng bôvà đã mời các lãnh đạo của các bộ lạc ở Yemen đến thương thuyết. Khác hơn ở Ai Cập, sự phản kháng ở Yemen không do những người trẻ mà do các tổ chức đối lập truyền thống phát động, đa số là các tổ chức Hồi giáo.

Lybia: Ở thành phố Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Lybia, và các thành phố khác, dân chúng đã xuống đường biểu tình phản đối chế độ độc tài của đại tá Muammar al-Gaddafi, đã nắm quyền từ 41 năm. Các hình ảnh và tin tức có thể kiểm chứng được từ quốc gia dầu hỏa nầy rất hiếm do chế độ kiểm duyệt gay gắt của chế độ. Tuy nhiên có thể biết được là trong những ngày qua, lực lượng công an và quân đội đã đàn áp thẳng tay, bắn đạn thật vào những người chống đối. Có thể đã có hàng chục người bị tử thương (theo tổ chức Human Rights Watch khoảng 24 người tử thương trong vòng hai ngày). Phong trào phản kháng mạnh nhất ở phía đông của quốc gia dầu hỏa này, nơi đối lập đã đụng độ với công an và quân đội. Lực lượng đối lập đã được sự hỗ trợ của thành phần công an, cảnh sát đứng về phe nhân dân. Môt website liên hệ với con trai của Gaddafi đã đăng tin Nghị Viện Quốc Gia Lybia chuẩn bị một số biện pháp để cải tổ chính phú.

Saudi Arabia: Sự chống đối của nhân dân ở Bahrain đã làm hoàng gia của quốc gia này rúng động. Saudi Arabia là quốc gia gia độc tài và cũng là đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Mặc dù sinh hoạt đảng phái chính trị là điều cấm kỵ ở vương quốc dầu hỏa này, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hoạt động của các tổ chức đối lập, nhất là qua hệ thống internet. Tương tự như ở Bahrain, đa số nhân dân Hồi Giáo Shi’ites ở đây bị cai trị do dân Hồi Giáo thiểu số Sunni. Chánh quyền ở thủ đô Riyad đã xem dân Shi’ites là cánh tay nối dài của Iran..

Jordan: Cách mạng ở Tunisia và Ai Cập cũng đã gây hứng khởi cho nhân dân Jordan. Khoảng 60% dân trẻ hơn 25 tuổi. Jordan là nước Á Rập thân Tây Phương, quan hệ ngoại giao tốt với Do Thái, nhận hàng trăm triệu viện trợ của Mỹ mỗi năm. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Amman, đòi hỏi bầu cử tự do và giải thể chính phủ của thủ tướng Samir Rifai. Tuy nhiên thực quyền nằm trong tay vua Abdallah II. Nhưng nhân dân Jordan quí trọng hoàng gia và sự phê phán vua bị xem là điều cấm kỵ. Vua Abdallah II cũng đã tìm các biện pháp để làm giảm làn sóng chống đối. Ông yêu cầu quốc hội nhanh chóng thi hành các cải cách về kinh tế xã hội cũng như chính trị. Sau đó ông giải thể chính phủ Rifai và lập Maroul Rachit làm tân thủ tướng. Jordan là quốc gia bị khủng hoảng kinh tế trong thập niên qua, chánh quyền tham nhũng, ranh giới giữa giàu nghèo ngày càng lớn, nhân dân ngày càng bất mãn nhà nước vì giá thực phẩm ngày càng cao hơn.

Maroc: Sau biến cố cách mạng ở Tunisia và Ai Cập, thế hệ trẻ mong muốn phải có sự thay đổi ở Maroc. Dân chúng không tin tưởng vào thủ tướng Abbas el Fassi và chính phủ. Tình trạng thiếu dân chủ, nghèo đói, nạn thất nghiệp của những người trẻ, nền giáo dục kém cỏi, y tế tồi tệ, tham nhũng là những vấn nạn của Maroc từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, khác với Tunesia và Ai Cập, trong thập niên 90 đã có những nhiều cải cách được thực hiện do vua Mohammed VI. Tương tự như ở Jordan, nhân dân Maroc ủng hộ hoàng gia. Tuy nhiên những thay đối tích cực hầu như đã ngưng lại trong những năm gần đây, nhất là sự tu sửa hiến pháp để có thêm tính sinh hoạt dân chủ và giới hạn bớt quyền hành của hoàng gia. Ký giả bị bắt bớ, giá cả thực phẩm gia tăng là những vấn nạn mới.

Iran: Các tổ chức đối lập đã huy động khoảng hàng chục ngàn người tụ tập ở các quảng trường trong thủ đô Teheran để bày tỏ sự ủng hộ và liên đới với nhân dân Ai Cập. Công an đã sử dụng môtô, lựu đạn cay, dùi cui, đạn cao su để giải tán người biểu tình. Phóng viên đài BBC đã mô tả quang cảnh ở Teheran là vô cùng hỗn loạn. Nhiều người đã bị thương và bị bắt giữ. Cuộc đàn áp cứng rắn của các lực lượng công an gợi cho mọi người nhớ đến cuộc đàn áp vào tháng 6 năm 2009 khi nhân dân Iran xuống đường phản đối kết quả bầu cử của tổng thống Ahmadinejad. Cũng cần nói thêm, trong lúc Mỹ chưa có những phản ứng rõ rệt về cuộc cách mạng của nhân dân Ai Cập, nhà nước Iran đã công khai bày tỏ sự ủng hộ cách mạng ở Ai Cập.

Algeria: Là một quốc gia có 35 triệu dân với hai phần ba dân số trẻ hơn 30 tuổi. Quốc gia này thu rất nhiều lợi tức do xuất cảng dầu và khí đốt. Tuy nhiên một phần tư dân số vẫn sống trong nghèo khổ, thiếu thốn gia cư, mức thất nghiệp khoảng 10%. Sau những ngày biến động ở Tunisia, có nhiều điểm cho thấy Algeria cũng sẽ theo gương Tunisia. Hàng ngàn người trẻ cũng đã xuống đường biểu tình chống lại giá thực phẩm và chất đốt quá cao. Nhà nước đã đàn áp, gây ra năm người chết và 800 người bị thương, 1200 người bị bắt giữ. Nhà nước đã điều chỉnh lại giá thực phẩm và cuộc chống đối đã tạm thời lắng dịu.

***

Khi một phóng viên đặt câu hỏi: "Ông nghĩ sao nếu chúng ta ủng hộ cuộc cách mạng ở Ai Cập, nhưng nhân dân Ai Cập sau đó sẽ bầu cho tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo lên cầm quyền?", ông Frans Timmermans, cựu thứ trưởng ngoại giao Hà Lan đặc trách về Hợp tác Âu châu (2007-2010) đã trả lời: "Dân chủ không dành cho những người sợ hãi. Cơ chế dân chủ cũng có những rủi ro. Nhưng một tổ chức hay đảng phái được dân bầu lên nắm quyền không tôn trọng quyền tự do dân chủ cũng sẽ bị nhân dân và lịch sử đào thải như trường hợp Ben Ali ở Tunisia hay Mubarak ở Ai Cập. Chúng ta không thể áp đặt, cho một quốc gia này được hưởng chế độ dân chủ, còn quốc gia khác không được. Điều hay nhất phải làm là hãy trợ giúp và đặt nền móng dân chủ vững chắc để dân chủ được trưởng thành và tiếp tục phát triển."

 

Nguyễn Trung

 


Cái Đình - 2011