Phạm Đình Lân
Bạn, Thù Trên Thế Giới
Các quốc gia trên thế giới như các nóc gia trong một xóm nhỏ. có nhà lớn, giàu có và đông con. Có những nhà nghèo nhưng cũng đông con. Có nhà ít con nhưng phát đạt. Có nhà lớn đông con và luôn luôn bị vận nghèo chiếu cố triền miên. Người giàu và nghèo đều có nguyên nhân của họ.
Có người làm giàu nhờ siêng năng, cần cù lao động, có nhiều sáng kiến và sáng tạo. Có người sống thoải mái nhờ tánh tình lương thiện nên gặp quí nhân tận tình hướng dẫn để thành công trong cuộc sống. Cũng không ít người làm giàu vì có óc mạo hiểm hay có nhiều xảo kế. Có người giàu được người khác kính trọng thương yêu vì có lòng khoan dung, độ lượng và lòng nhân ái. Cũng lắm người giàu bị ghét bỏ vì ích kỷ, tham lam và nham hiểm.
Sự neo đơn, an phận, câu nệ, lười biếng học hỏi, kiêu sa trong ngôn từ và hành động gây ra mọi khó khăn trong cuộc sống cũng như trong mọi quan hệ giữa người và người trong xã hội loài người.
Trong cộng đồng thế giới cũng có nước giàu mạnh, nước nghèo và yếu kém về mọi mặt. Trong quá trình lịch sử người ta thấy có những nước bạn và nước thù. Trên thế giới các quốc gia kết bạn với nhau dựa trên cơ sở quyền lợi, chủng tộc. tôn giáo (1), cùng chung một hướng phát triển. Việc kết bạn không ngoài những nhận xét dưới đây:
Ngưu tìm ngưu,
Mã tìm mã.
Đồng sàng dị mộng.
Qui se ressemble s'assemble.
(Những người giống nhau kết hợp với nhau).
Người Anh có óc bảo thủ và tôn trọng quân vương. Họ từng tạo ra một đế quốc rộng lớn trên thế giới. Nhưng họ là những người rất nhân bản, linh động, thực tế và không có óc câu nệ. Sau khi độc lập, các nước thuộc địa của Anh phần lớn được ổn định. Singapore là một đảo quốc nhỏ, ra đời từ năm 1965, là một nước phồn vinh nhất ở Đông Nam Á. Nước nầy do ông Lee Kwan Yew (Lý Quang Diệu, 1923 - ) khai sinh sau khi học hỏi nhiều kinh nghiệm quí báu từ Anh Quốc. Chính sự khôn ngoan nầy đã biến Lee Kwan Yew, một người có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành người bảo thủ. Anh Quốc không câu nệ cho rằng mình từng là chủ nhân ông của Hoa Kỳ. Trái lại họ rất thực khi hướng về bên kia bờ Đại Tây Dương mỗi khi an ninh xứ họ bị đe dọa trong hai thế chiến vừa qua (1914 - 1918, 1939 - 1945) cũng như sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Họ trao trả độc lập cho thuộc địa đúng lúc để tránh những thất bại quân sự chua chát mà Pháp trải qua ở Việt Nam và Algeria, ý thức rằng không có gì làm cho quốc gia suy lụn khủng khiếp bằng chiến tranh.
Nhưng con đường suy lụn và phá vỡ đoàn kết dân tộc đó lại được ông Hồ Chí Minh chọn ở Việt Nam từ năm 1945 đến 1975. Stalin của Liên Sô và Mao Zedong (Mao Trạch Đông) của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) không phải là bạn của ông mà là minh chủ. Chiến tranh mà ông khởi xướng trông có vẻ có đầy đủ chánh nghĩa. Thực chất nó chỉ phục vụ cho minh chủ của ông mà thôi. Năm 1938 theo lịnh của Stalin, ông giả làm người hành khất vượt biên giới Nga-Hoa để đến Yenan (Diên An) trong tỉnh Shaanxi (Thiểm Tây) để kết hợp với Cộng Sản Trung Hoa dụ quân Nhật về phía Nam để họ đừng tấn công vào Liên Sô. Việc ông cướp chánh quyền ở Hà Nội năm 1945 nhằm biến Việt Nam thành một nước Cộng Sản đầu tiên ở Đông Nam Á để hiến dâng thành tích cho Liên Sô, thành trì Xã Hội Chủ Nghĩa thế giới. Nhưng ông lạc lõng và ngỡ ngàng vi Stalin không để ý gì đến thành tích nầy vì nhà độc tài Liên Sô nầy thừa biết nó chỉ có lợi cho Trung Hoa mà thôi (lúc ấy Cộng Sản Trung Hoa chưa chiếm lục địa). Khẩu hiệu tự lực cánh sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946 cho thấy ông rất cô đơn vì Stalin hoàn toàn không để ý đến Việt Nam.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ (Tư Bản) và Liên Sô (Cộng Sản) các nước dân chủ Tây Phương đứng về phía Hoa Kỳ. Các nước Cộng Sản và một số các quốc gia tự gọi mình là phi liên kết đứng về phía Liên Sô hay thân Liên Sô. Trong các nước dân chủ Tây Phương, Pháp là quốc gia có thái độ đối lập với Hoa Kỳ, nhất là sau khi tướng De Gaulle trở lại chánh quyền lần thứ hai. Tướng De Gaulle có những cay đắng đối với Đồng Minh Anh-Hoa Kỳ trong đệ nhị thế chiến. Sự bại trận của Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954 và sau sự rút quân chủa Pháp ở phía nam vĩ tuyến 17 năm 1956 làm cho danh dự và quyền lợi của Pháp bị tổn thương nặng nề. Pháp là một trong Ngũ Cường bị bại trận. Kinh tế Pháp suy lụn sau chín năm chiến tranh trên chiến trường Đông Dương giữa lúc Hoa Kỳ, Liên Sô và Anh đều là cường quốc nguyên tử. Đó là động lực thúc đầy De Gaulle làm sao để có võ khí nguyên tử hầu cứu vãn địa vị của Pháp trên chánh trường quốc tế mặc cho những ý kiến bất thuận lợi từ phía Hoa Kỳ.
Trong khối Cộng Sản sự tranh giành quyền lãnh đạo giữa Liên Sô và CHNDTQ càng ngày càng rõ nét. Khi còn sống Stalin hoàn toàn không ưa Mao Zedong. Ngược lại Mao Zedong cũng không ưa gì người Nga. Ông học tiếng Anh và Pháp nhưng không bao giờ để ý đến Nga ngữ. Mao Zedong vội vã đưa quân rầm rộ sang Sinjiang (Tân Cương) để phỗng tay trên với Liên Sô. Cuộc tranh chấp Trung Sô diễn ra vào năm 1957 dưới thời Khrushchev. Uy tín của Khrushchev suy sụp sau khi CHNDTQ thử nghiệm thành công trái bom nguyên tử đầu tiên (1964). Đến năm 1969 hai nước Cộng Sản to lớn nầy không ngần ngại chạm súng nhau trên đảo Damansky mà người Trung Hoa gọi là Chen Bao (Chân Bảo). CHNDTQ đụng chạm với Ấn Độ về vấn đề Tây Tạng và biên giới giữa hai nước trong vùng Hy Mã Lạp Sơn. Liên Sô kết thân với Ấn Độ như ngầm tạo thăng bằng với CHNDTQ. Beijing (Bắc Kinh) thân thiện với Pakistan, quốc gia thù nghịch với Ấn Độ. Hồ Chí Minh thân thiện với Ấn Độ, Miến Điện và Indonesia ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp. Trong thời kỳ đất nước qua phân, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) thân thiện với Ấn Độ mặc dù nước nầy bị Mao Zedong ghét bỏ sau cuộc chiến Trung-Ấn năm 1962. Nhưng đường lối ngoại giao ấy phù hợp với đường lối của Liên Sô.
Các nước trong phe Trục bại trận trong đệ nhị thế chiến đều được Hoa Kỳ giúp đỡ phục hồi kinh tế nhanh chóng. Họ trở thành bạn của Hoa Kỳ.
Ở Âu Châu các nước trong khối NATO (Minh Ước Bắc Đại Tây Dương) là bạn của Hoa Kỳ.
Ở Á Châu Hoa Kỳ có SEATO (Minh Ước Đông Nam Á) gồm các thành viên: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Pakistan, Thái Lan và Phi Luật Tân. Miến Điện, Indonesia không phải là thành viên của SEATO. Mã Lai lúc ấy chưa độc lập. Pakistan là một thành viên gượng gạo. Nước nầy gắn bó với CHNDTQ để chống Ấn Độ hơn là chống Cộng Sản trong SEATO.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh các quốc gia dân chủ Tây Phương bị các quốc gia Á, Phi và Châu Mỹ La Tinh xem như những cựu đế quốc. Họ tỏ ra thân thiện với Liên Sô, CHNDTQ hơn là Hoa Kỳ. Phần lớn các quốc gia ấy tự nhận là quốc gia không liên kết theo chủ nghĩa trung lập của Ấn Độ. Năm 1962 quốc gia khởi xướng chủ nghĩa trung lập (Ấn Độ) bị Trung Hoa Cộng Sản đánh bại trong một cuộc chiến biên giới ngắn ngủi. Không một quốc gia trung lập hay không liên kết nào trên thế giới lên tiếng binh vực cho Ấn Độ. Ấn Độ thân thiện với Anh, Liên Sô và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhưng luôn luôn giữ khoảng cách với Hoa Kỳ. Nước nầy cô đơn về ngoại giao trong cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ hai mà sách báo Hoa Kỳ gọi là cuộc chiến tranh của người Mỹ.
Sau cuộc nổ súng ở Damansky năm 1969, Mao Zedong không còn xem Hoa Kỳ là kẻ thù. Hoa Kỳ muốn kéo CHNDTQ về phía mình để gây sức ép với Liên Sô. Chánh sách kết thân với Hoa Kỳ được Deng Xiaoping (Đặng Tiểu Bình) tiếp nối sau khi Mao Zedong mất. Deng Xiaoping dựa vào Hoa Kỳ để học hỏi và thực hiện Bốn Hiện Đại Hóa của ông. Những thành quả mà ông mang lại cho Trung Hoa đưa tên tuổi ông vào danh sách danh nhân thế giới như Minh Trị (Meiji) của Nhật với cuộc canh tân năm 1868, Stalin của Liên Sô với các kế hoạch ngũ niên phát động năm 1928 và Lee Kwan Yew với việc lập quốc Singapore năm 1965.
Người có nhiều tiền và có nhiều thế lực đương nhiên được nhiều người nể phục và muốn được gần gũi. Khi còn sống, Den Xiaoping chứng kiến chiến tranh biên giới và hải đảo Trường Sa với Việt Nam. Ông cũng thấy được các nhà lãnh đạo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) sang Trung Hoa tạ tội về đường lối chống Deng Xiaoping dưới thời Lê Duẩn và xin hàng phục Beijing như các vua chúa ngày xưa. Anh Quốc hứa trả Hong Kong năm 1997. Bồ Đào Nha hứa trả Ma Cao năm 1999. Sau khi ông mất, khuynh hướng Taiwan (Đài Loan) độc lập hoàn toàn bị dập tắt. Các quốc gia Phi Châu và Mỹ Châu có quan hệ ngoại giao với Taiwan bắt đầu hướng về Beijing.
Hoa Kỳ rời khỏi Cam Ranh, Đà Nẳng và Nam Việt Nam. Năm 1992 Hoa Kỳ rời khỏi căn cứ Subic Bay ở Phi Luật Tân. Bang giao giữa Hoa Kỳ và các nước Hồi Giáo xấu đi vì Hoa Kỳ là cường quốc ủng hộ Do Thái mạnh mẽ nhất ở Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi Giáo duy nhất không chống Do Thái từ ngày lập quốc năm 1948. Saudi Arabia luôn luôn thân thiện với Hoa Kỳ nhưng không vì thế mà thân thiện với Do Thái. Tổng thống Carter thành công trong việc mang lại sự sống chung hòa bình giữa Do Thái-Ai Cập và Jordan. Saudi Arabia không cực đoan trong việc chống đối Do Thái như Syria, và nhất là Iran sau khi chế độ quân chủ Iran bị lật đổ và được thay thế bằng nền Cộng Hòa Hồi Giáo (1979). Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Bahrain, Qatar, Yemen, Saudi Arabia, Indonesia, Morocco là những nước Hồi Giáo thân Hoa Kỳ.
Pakistan tỏ ra là một người bạn Hồi Giáo không thật lòng với Hoa Kỳ. Trong cuộc chiến tranh chống khủng bố Al Qaeda và Taliban của Hoa Kỳ và các nước Đồng Minh NATO, Pakistan nhận hàng năm lối 2 tỷ Mỹ Kim của Hoa Kỳ, nhưng cuối cùng trùm khủng bố Al Qaeda sống trên lãnh thổ Pakistan trong một căn nhà lầu rộng lớn với tường cao cửa rộng. Đặc vụ Hoa Kỳ phải mở một cuộc hành quân chớp nhoáng giết chết ông ta mặc cho Pakistan phản đối. Hoa Kỳ làm cho Pakistan lúng túng khi hỏi tại sao Osama Bin Laden sống ở Pakistan với người vợ trẻ từ năm 2005 mà Pakistan không hề hay biết? Không biết? Hay dung chứa?
Tổng thống Karzai của Afghanistan nhiều lần than phiền Pakistan về những hoạt động của Taliban và những nhóm khủng bố địa phương ngoài Al Qaeda. Năm 2011 một người Pakistan ám sát ông Rabbani, chủ tịch Thượng Hội Đồng Hòa Bình, thương thuyết với đại diện Taliban nhằm chấm dứt những cuộc đổ máu ở Afghanistan. Ông Karzai thất vọng tuyên bố không thương thuyết với Taliban, ngụ ý nói rằng Pakistan quyết định hòa bình chớ không phải Taliban. Pakistan không ngừng cho rằng Hoa Kỳ vi phạm chủ quyền của họ trong vụ ám sát Osama Bin Laden và phản đối hoạt động của máy bay không người lái nhắm vào các lãnh đạo khủng bố ngoài biên giới và trên lãnh thổ Pakistan, viện lẽ gây tử thương cho thường dân và vi phạm chủ quyền quốc gia của Pakistan. Đô đốc Mullen, tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, nói thẳng rằng nhóm khủng bố Haqqani là cánh tay của tình báo Pakistan dính líu vào cuộc tấn công vào tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Kabul suốt 20 tiếng đồng hồ vào tháng 9 năm 2011. Pakistan cho rằng Hoa Kỳ coi chừng mất đồng minh Pakistan!
CHNDTQ không bỏ lỡ cơ hội tốt để khai thác sự rạn nứt ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Pakistan bằng cách gởi người sang Islamabad và được chánh phủ nước nầy trải thảm đỏ đón rước. CHNDTQ mơn trớn Iran để mua dầu hỏa hầu giảm bớt việc mua dầu hỏa và võ khí của Nga. Trước kia CHNDTQ mua võ khí của Nga để học hỏi kỹ thuật sản xuất võ khí. Nay các loại võ khí ấy đã lỗi thời. Kỹ thuật mà CHNDTQ học được hay ăn cắp của Hoa Kỳ giúp cho nước nầy trở thành quốc gia sản xuất võ khí cạnh tranh với Nga. Ngày nay Nga là quốc gia sản xuất nhiều dầu hỏa. Nếu CHNDTQ giảm hay không mua dầu của Nga thì kinh tế của Nga phát triển chậm lại để CHNDTQ và Hoa Kỳ chiếm địa vị nhất, nhì trên thế giới. Trong sòng bạc ước muốn của người đánh bạc là mình thắng canh bạc chớ ai muốn bạn của mình thắng. Beijing dùng Bắc Triều Tiên để giao dịch kỹ thuật nguyên tử với Iran vì Iran không ham muốn gì hơn là có bom nguyên tử để hù dọa Do Thái và làm thủ lãnh các nước Hồi Giáo ở Trung Đông như đại tá Nasser của Ai Cập đã làm trước kia. Ai Cập, Saudi Arabia theo Hồi Giáo phái Sunni. Họ không ưa thích gì Iran nếu nước nầy có bom nguyên tử để hù dọa họ. Iran theo Hồi Giáo Shiite.
Á Châu là sân khấu chánh trị quan trọng trên thế giới trong những ngày sắp tới. CHNDTQ và Ấn Độ, hai quốc gia đông dân và đang vươn lên, sẽ có vai trò quan trọng trên sân khấu chánh trị Á Châu và thế giới. Nổi bật nhất vẫn là CHNDTQ, vừa đông dân vừa phát triển nhanh chóng dưới sự lãnh đạo của Deng Xiaoping. Sự vươn lên trong hai thập niên qua của CHNDTQ làm cho các nước láng giềng nơm nớp lo sợ, khiến cho cả thế giới cũng giựt mình. CHNDTQ đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của VNCH năm 1974 và một phần của quần đảo Trường Sa của CHXHCNVN vào năm 1988. Họ phát triển hải quân và dùng sức mạnh quân sự để tự cho mình có chủ quyền trên 80% biển Đông, tức gần 3 triệu km2. Họ gây hấn với các quốc gia ven biển Đông, với Nhật Bản và Đại Hàn nữa.
Mục đích bành trướng của CHNDTQ rất lộ liễu. Họ ngụy biện về chủ quyền của họ trên cái lưỡi bò rộng 3 triệu km2 trên biển Đông. Ngư phủ Trung Hoa ngang nhiên đánh cá trong vùng biển mà họ dùng sức mạnh của tàu chiến để đảm bảo chủ quyền vô luật pháp do họ tự ban cho mình. Họ bắt giữ ngư phủ Việt Nam, Phi Luật Tân đánh cá ngay cả trong hải phận của các quốc gia nầy. Họ có thái độ khiêu khích đối với bất cứ tàu bè nào chạy trong vùng lưỡi bò to lớn do họ vẽ ra dù đó là tàu Hoa Kỳ, Nhật Bản hay bất cứ nước nào có tàu lai vãng trong vùng lưỡi bò của họ. Vì hành sự thô bạo và vô luật pháp, CHNDTQ luôn luôn bác bỏ đề nghị của Hoa Kỳ giải quyết các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông bằng một hội nghị quốc tế trên căn bản luật pháp quốc tế để tàu bè các nước lưu thông trên biển Đông được bảo đảm hơn.
Năm 2011 tàu CHNDTQ xâm phạm lãnh hải Việt Nam và Phi Luật Tân. Việt Nam phản đối yếu ớt, lại còn ra lịnh cho công an bắt bớ những người biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn chống đối CHNDTQ hô to khẩu hiệu Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Phản ứng của Phi Luật Tân có vẻ quyết liệt hơn. Tổng thống Aquino III thăm viếng Beijing rồi Tokyo. Trước khi đi Nhật, ông tổ chức hội nghị các nước ASEAN bao gồm cả Nhật tại Manila. Nhật bắt đầu quan tâm đến vấn đề biển Đông vì đa số hàng hóa của họ và dầu hỏa nhập cảng từ Trung Đông đều đi ngang qua biển Đông trên lưỡi bò rộng 3 triệu km2 mà CHNDTQ tự nhận thuộc chủ quyền của họ. Trong hội nghị nầy không có Lào và Cambodia. Hai nước nầy nghiêng theo CHNDTQ và không ủng hộ lập trường của Việt Nam. Lý do đon giản khiến họ không tham dự hội nghị các nước ASEAN ở Manila là họ không có phần biển nào trên biển Đông! Tàu chiến CHNDTQ cảnh cáo một tàu chiến Ấn Độ chạy gần bờ biển Việt Nam mà CHNDTQ cho là vùng biển thuộc chủ quyền của họ! Họ cũng lớn tiếng đe dọa công ty Ấn Độ thăm dò dầu hỏa ngoài khơi hai tỉnh Phú Yên và Bình Định với cùng lý do. Trong khi đó các chuyên viên Trung Hoa Cộng Sản viết báo cổ xúy hải chiến với Việt Nam và Phi Luật Tân.
Trung Hoa Cộng Sản trên đường Nam tiến và Tây tiến.
Ấn Độ tìm đường Đông tiến.
Ở Đông Bắc Á, Nhật tìm cách khai thông biển Đông. Một sự xung đột võ trang do Trung Hoa Cộng Sản gây ra rất khó tránh khỏi. Hoa Kỳ tuy ở xa nhưng là quốc gia quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình trong vùng. Việt Nam khiếp sợ Trung Hoa Cộng Sản nhưng cũng có uốn éo ngoại giao với Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật và Nga với hy vọng ngăn chận mọi ý đồ tấn công của Trung Hoa Cộng Sản. Ấn Độ tôn thờ ahimsa (bất bạo động), nhưng hiện nay họ không còn cách lựa chọn nào khác hơn là phải đối đầu với Trung Hoa Cộng Sản vì nước nầy dùng Pakistan, Miến Điện, Sri Lanka bao vây Ấn Độ. Trong nội địa du kích theo chủ nghĩa Maoism hoạt động chống chánh quyền Ấn Độ ở một vài địa phương hẻo lánh. Du kích Maoist có thực lực lớn ở Nepal.
Phi Luật Tân kết thân với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đại Hàn lúc nào cũng sát cánh với Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây Hoa Kỳ và Ấn Độ có vẻ thân thiện và thông hiểu nhau nhiều hơn xưa. Ấn Độ có cảm tình với chánh phủ Karzai của Afghanistan và từng bị khủng bố đe dọa. Hoa Kỳ không có bang giao với Đài Loan nhưng luôn luôn bán võ khi cho đảo nầy để tự vệ, phòng khi bị Trung Hoa Cộng Sản tấn công. Úc Đại Lợi luôn luôn có chánh sách thân Hoa Kỳ. Giống như Singapore, cả hai nước ý thức rằng chỉ có Hoa Kỳ mang cho họ chiếc phao an ninh mà thôi. Nên nhớ rằng trong thập niên 1970 khi quân Hoa Kỳ còn ở Nam Việt Nam, Singapore không thân Hoa Kỳ. Trái lại bây giờ, trước sự bành trướng của Trung Hoa Cộng Sản, Singapore mới thấy sự hiện diện của Hoa Kỳ rất cần thiết trong việc cân bằng lực lượng với Trung Hoa Cộng Sản.
Việt Nam trong trạng thái thập thò nên không có định hướng rõ rệt. Các nước ASEAN e dè trước Trung Hoa Cộng Sản và dè dặt lẫn nhau. Cambodia được Beijing cho mượn tiền để mua trực thăng. Lào được Trung Hoa Cộng Sản viện trợ để xây đập trên sông Mekong. Cả hai nước âm thầm tách rời khỏi quĩ đạo Việt Nam. Cambodia mời Thaksin, cựu thủ tướng Thái Lan gốc Hoa bị lật đổ trong cuộc đảo chánh năm 2006, làm cố vấn và tranh chấp chủ quyền với Thái Lan về một ngôi đền cổ ngoài biên giới. Khi em gái Thaksin, Yingluck, lên làm thủ tướng, bang giao giữa Thái Lan và Cambodia được cải thiện. Trung Hoa Cộng Sản há không có ảnh hưởng gì trong sự căng thẳng và cải thiện bang giao nầy hay sao?
Người Pháp có câu:
Dis moi qui tu hantes, je dirai qui tu es.
(Hãy cho tôi biết bạn giao du với ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai).
Sự kết bạn giữa các quốc gia cũng không ngoài nhận xét nầy.
Trong Ngũ Cường trong tổ chức Liên Hiệp Quốc, CHNDTQ là quốc gia Cộng Sản. Nga trước kia là nước đứng đầu khối Cộng Sản. Hai quốc gia nầy thường dùng ảnh hưởng và quyền phủ quyết của mình để binh vực cho các nhà độc tài trên thế giới như Saddam Hussein của Iraq, Mahmoud Ahmadinejad của Iran, Qadafi của Libya, Assad của Syria v.v. Dù vậy mâu thuẫn giữa Nga và CHNDTQ ngấm ngầm như ngọn lửa trong hỏa diệm sơn. Năm 2012 Putin sẽ ra tranh cử tổng thống trong nhiệm kỳ mới 6 năm để rộng thì giờ củng cố địa vị cá nhân và khôi phục những gì nước Nga đã mất thời hậu Cộng Sản. Một dòng tu Chính Thống Giáo ở Bolshata Elnya do Mẹ Fotina điều khiển thánh hóa Putin khi cho rằng ông là hiện thân của Thánh Paul. Sự thánh hóa lãnh đạo nầy cho thấy Putin sẽ là tổng thống Nga từ năm 2012 đến 2018, rồi 2018 đến 2014. Putin không ngớt ca ngợi Stalin rồi Brehznev và luôn luôn chiếu cố đến các Cộng Hòa Sô Viết cũ trong Liên Sô hiện đang bị Trung Hoa Cộng Sản dòm ngó vì có đất đai rộng rải và dồi dào dầu khí, lại gần kề lục địa Trung Hoa nhân mãn trên đà phát triển kỹ nghệ và kinh tế cạnh tranh với Hoa Kỳ. Nga và Trung Hoa là hai nước láng giềng. Sự va chạm quyền lợi của họ rất đậm nét dưới triều nhà Thanh. Gần đây Cơ Quan Tình Báo FSB của Nga cho biết một người Trung Hoa tên Tun Sheniyun bị bắt về tội hối lộ để lấy tài liệu hỏa tiễn do Nga sản xuất. Chỉ vỏn vẹn có một trường hợp nầy mà thôi?
Phạm Đình Lân, F.A.B.I.
___________________
(1) Trường hợp các quốc gia Hồi Giáo trong lập trường chống Do Thái.