Phạm Đình Lân


Bắc Hàn - Việt Nam - Miến Điện

 

Bắc Hàn, Việt Nam và Miến Điện là ba quốc gia Á Châu có biên giới chung với Trung Hoa. Bán đảo Triều Tiên và Việt Nam là hai nước có liên hệ văn hóa và lịch sử với Trung Hoa như là quốc gia bộ thuộc chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Hoa. Trong thời kỳ tự chủ, các vua chúa Việt Nam và Triều Tiên đều phải triều cống cho hoàng đế Trung Hoa và chỉ giữ được ngôi báu sau khi được triều đình Trung Hoa công nhận. Tình trạng nầy chấm dứt ở Việt Nam sau năm 1884 khi Pháp thiết lập sự bảo hộ của họ ở Trung và Bắc Kỳ và Trung Hoa phải ký hiệp ước Tianjin (Thiên Tân) từ bỏ ảnh hưởng của họ ở Việt Nam. Trung Hoa không còn ảnh hưởng chánh trị trên bán đảo Triều Tỉên sau khi bị Nhật đánh bại và phải ký hiệp ước Shimonoseki năm 1895. Năm 1905 Nhật đánh bại Nga. Như vậy Nhật đã loại các đối thủ tranh giành ảnh hưởng của họ trên bán đảo Triều Tiên: Trung Hoa và Nga. Năm 1910 Nhật thiết lập sự bảo hộ của họ ở Triều Tiên.

Miến Điện có liên hệ sắc tộc với Trung Hoa vì tổ tiên người Miến xuất phát từ Tây Tạng và Vân Nam. Miến Điện có 2.185 km biên giới với Trung Hoa, 1.463 km với Ấn Độ, 1.800 km với Thái Lan. Miến Điện chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Chữ viết của họ hao hao giống chữ viết của Ấn Độ, Á Rập hơn là chữ Hán tượng hình của Trung Hoa. Kiến trúc của Miến Điện là kiến trúc bằng đá, đất nung của Ấn Độ hơn là kiến trúc bằng gỗ với bốn góc cong của Trung Hoa. Cách ăn mặc và quan niệm về màu sắc của người Miến giống Ấn Độ hơn là Trung Hoa. Trong quá khứ Miến Điện không bị Trung Hoa đô hộ mặc dù năm 1287 Miến Điện bị quân Mông Cổ xâm lăng. Những đợt người Shan tiến vào miền tây bắc Miến Điện trong thời kỳ binh lửa nầy. Vào thế kỷ XVIII Miến  Điện đẩy lui bốn đợt xâm lăng của Trung Hoa thời nhà Thanh (1765 - 1769). Đó cũng là thế kỷ chiến tranh liên tục giữa Miến Điện và Xiêm La tức Thái Lan bây giờ. Đến thế kỷ XIX Anh tiến hành cuộc xâm lăng vào Miến Điện qua ba đợt chiến tranh xuất phát từ Ấn Độ nhắm vào Hạ Miến (1824 - 1826), Trung Miến (1852) và Thượng Miến (1885) sau khi Pháp bảo hộ Trung và Bắc Kỳ và dòm ngó Lào, quốc gia có biên giới chung với Miến Điện.

Năm 1940 quân Nhật tiến vào Bắc Bộ để kiểm soát đường tiếp tế quân trang, quân dụng và võ khí cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng bằng cảng Hải Phòng và đường hỏa xa Hà Nội-Yunnan (Vân Nam). Đường Miến Điện [Burma Road Đường Ledo (1) - Đường Stilwell (tên của tướng Hoa Kỳ, cố vấn cho Chiang Kaishek trong đệ nhị thế chiến)] là đường núi ngoằn ngoèo được Đồng Minh dùng để tiếp tế võ khí cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Đến năm 1942 Nhật chiếm Miến Điện, việc tiếp tế được tiến hành bằng đường hàng không.

Trong đệ nhị thế chiến trên bán đảo Triều Tiên xuất hiện Kim Il Sung (1912 - 1994) (Kim Nhật Thành). Ở Việt Nam xuất hiện Hồ Chí Minh (1890 - 1969) và ở Miến Điện xuất hiện Aung San (1915 - 1947).

Kim Il SungKim Il Sung (Kim Nhật Thành) tên thật là Kim Song Ju. Ông gia nhập vào đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1931 lúc ông mới 19 tuổi. Năm 1936 ông chỉ huy Sư Đoàn VI khi mới 24 tuổi. Năm 1937 ông nổi danh khi đánh thắng quân Nhật trong trận Pochombo. Lúc ấy Cộng Sản Trung Hoa chưa có chánh quyền. Không biết do đâu Triều Tiên có Sư Đoàn VI nầy dưới thời Nhật thuộc. Sư đoàn nầy do một thanh niên họ Kim 24 tuổi chỉ huy trong khi Kim là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Hoa trước khi Triều Tiên có đảng Cộng Sản? Nhiều huyền thoại bao quanh nhân vật họ Kim nầy. Năm 1940 quân Nhật đánh bại quân của Kim, ông chạy sang Liên Sô và sống ở Khabarovsk, nơi Liên Sô lập trại huấn luyện thanh niên Triều Tiên võ trang chống Nhật. Lúc bấy giờ chống Nhật được dân chúng nhiệt liệt hoan hô vì Nhật thi hành chánh sách cai trị hà khắc trên bán đảo Trều Tiên. Người ta cho rằng Kim Song Ju lấy tên một sĩ quan đã chết có nhiều chiến tích kháng cự quân Nhật ngoài biên giới Triều Tiên - Liên Sô. Đó là Kim Il Sung (Kim Nhật Thành có nghĩa họ Kim trở thành vầng Thái Dương). Từ đó tên Kim Song Ju biến mất để mang tên đầy huyền thoại nầy. Kim là đại úy trong quân đội Liên sô dưới tên Irsen.

Giữa Việt Nam, Triều Tiên và Hồ Chí Minh, Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) có nhiều điểm tương đồng sau đệ nhị thế chiến:

– Hội nghị Postdam quyết định để quân Liên Sô giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên. Đó là phần đất bây giờ gọi là Bắc Hàn. Quân Hoa Kỳ giải giới quân Nhật ở phía nam vĩ tuyến 38 trên phần đất mà bây giờ gọi là Nam Hàn (Đại Hàn). Bán đảo Triều Tiên bị chia đôi và đặt dưới ảnh hưởng của hai cường quốc thắng trận (1948). Kim Il Sung được Liên Sô yểm trợ để lãnh đạo chánh phủ Cộng Sản ở Bắc Hàn.

– Việc chia đôi Việt Nam chưa thực thi sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt nhưng theo tinh thần của hội nghị Postdam quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Chiang Kaishek giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 và quân Anh sẽ làm nhiệm vụ nầy ở phía nam vĩ tuyến 16. Mãi đến năm 1954 Việt Nam mới bị qua phân sau khi Việt Minh đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ. Hồ Chí Minh phải nghe lời Zhou Enlai (Châu Ân Lai) và Molotov chấp nhận sự chia đôi đất nước để Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) tránh đụng độ với Hoa Kỳ và Liên Sô yên ổn với chánh sách hòa hoãn với Tây Phương sau cái chết của nhà độc tài Stalin. Sự qua phân Việt Nam là cái chắn an toàn bảo vệ hòa bình cho Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản. Đó là thắng lợi của Cộng Sản Quốc Tế với hai quốc gia đàn anh Liên Sô và Trung Hoa Cộng Sản vì khối Cộng Sản có nửa nước Việt Nam ở phía Bắc. Nó đánh dấu sự nổi danh của Hồ Chí Minh trên thế giới. Nhưng đó là sự tổn hại to lớn của quốc gia và dân tộc Việt Nam sau tám năm chinh chiến đẫm máu để có sự qua phân đất nước và sự phân ly dân tộc báo hiệu cho những cuộc chém giết ghê rợn trong những năm sắp tới với sự cương quyết đốt dãy Trường Sơn của Hồ Chí Minh để "giải phóng miền Nam"!

– Kim Il Sung và Hồ Chí Minh đều là hai đảng viên Cộng Sản. Cả hai đều thay đổi tên. Kim Il Sung là tên của một sĩ quan cao cấp có nhiều thành tích chống Nhật đã chết và được Kim Song Ju nhận làm tên của mình với những huyền thoại của một anh hùng dân tộc sau nầy. Nguyễn Tất Thành là đảng viên Cộng Sản Pháp được Liên Sô huấn luyện. Nguyễn Tất Thành lấy bí danh Hồ Chí Minh của đại tá Hồ Học Lãm. Hồ Học Lãm là một nhà yêu nước Việt Nam, theo Việt Nam Quang Phục Hội của Phan Bội Châu và hoạt động ở Trung Hoa. Sau ông học trường Võ Bị Paoting (Bảo Định) và phục vụ cho quân đội Quốc Dân Đảng với tư cách là một đại tá. Kim hoạt động chống Nhật ở Bắc Triều Tiên và tạo được thành tích quân sự trong trận Pochombo (1937). Vào lúc nầy Hồ Chí Minh (lúc ấy chưa mang bí danh nầy) sống căng thẳng và hồi hộp ở Liên Sô trong thời kỳ Đại Thanh Trừng của Stalin. Nếu không có sự đỡ đầu của Dimitrov thì ông cũng có chung số phận với những đảng viên Comintern ngoại quốc khác bị Stalin ra lịnh thủ tiêu hay hành quyết. Kim là sĩ quan của Liên Sô dưới tên Nga Irten. Hồ Chí Minh mang lối 120 tên khác nhau, trong đó có hai tên Nga: LinNilovsky.  Kim được Stalin chọn lãnh đạo chánh phủ ở Bắc Hàn. Hồ cướp chánh quyền ở Việt Nam ngày 19-08-1945 nhưng chánh quyền của ông không được Stalin nhìn nhận. Năm 1948 Stalin làm ngơ trước yêu cầu của Hồ xin cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) được gia nhập vào Liên Hiệp Quốc. Năm 1948 Kim Il Sung là người lãnh đạo nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên tức Bắc Hàn. Đó là lãnh tụ Cộng Sản trẻ tuổi nhất lúc bấy giờ: 36 tuổi. Hồ Chí Minh vẫn là chủ tịch VNDCCH nhưng trong chiến khu. Cả hai lãnh tụ Cộng Sản Á Châu nầy đều độc tài, tôn thờ sự suy tôn cá nhân và ngưỡng mộ nhà độc tài Stalin.

Cuộc chiến tranh Việt-Pháp (1946 - 1954) do Hồ Chí Minh lãnh đạo và chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) do Kim Il Sung khởi động đã đưa Hồ Chí Minh, một cán bộ Quốc Tế Cộng Sản được đào luyện ở Moscow, và Kim Il Sung, một lãnh tụ do Stalin nâng đỡ, lệ thuộc vào Trung Hoa Cộng Sản. Hồ Chí Minh nhận viện trợ võ khí, thuốc men, lương thực, cố vấn chánh trị của Cộng Sản Trung Hoa để chống đỡ những đợt phản công ồ ạt của quân Liên Hiệp Quốc dưới sự chỉ huy của tướng Mac Arthur, rồi tướng Ridway. Trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, Cộng Sản Việt Nam bắt buộc phải đi dây giữa Liên Sô và CHNDTQ vì Hà Nội cần nhận viện trợ của cả hai nước Cộng Sản đàn anh để đánh chiếm miền Nam.

– Hồ Chí Minh và Kim Il Sung là hai lãnh tụ Cộng Sản Á Châu có liên hệ với Cộng Sản Nga lẫn Cộng Sản Trung Hoa. Cả hai đều say sưa với chủ nghĩa anh hùng để có những cống hiến lớn trong khối cộng Sản bằng sự hy sinh xương máu của chính đồng bào của mình.

Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên do Kim Il Sung khởi động, dân chúng và quân sĩ Nam Hàn bị quân Bắc Hàn chém giết không một chút thương tâm. Bốn triệu người chết trong trong cuộc chiến tranh kéo dài trong ba năm nầy. Ngày 09-10-1983 đặc vụ Bắc Hàn làm thông hành giả vào Miến Điện đặt bom ám sát tổng thống Nam Hàn lúc bấy giờ là Chun Do Hwan (Toàn Đẩu Hoán) và các viên chức cao cấp Nam Hàn thăm viếng Rangoon. 13 viên chức cao cấp Nam Hàn là những chuyên viên lỗi lạc bị giết chết. Tổng thống Chun Do Hwan thoát chết vì đến trễ trong một buổi lễ đặt vòng hoa trước Đài Tử Sĩ Miến Điện. Những vụ pháo kích, đặt thủy lôi giết các chiến sĩ Hải Quân Nam Hàn năm 2010 và những lời đe dọa biến Nam Hàn thành tro bụi của Bắc Hàn cho thấy họ không xem dân Nam Hàn là đồng bào mặc dù họ nhận gạo từ phần đất ở phía nam bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam mà người Hoa Kỳ gọi là chiến tranh Việt Nam, quân Cộng Sản không ngừng khủng bố tinh thần dân chúng bằng những cuộc ám sát, giết người ghê rợn và biến mỗi địa điểm ở miền Nam, kể cả bịnh viện, học đường, chùa chiền, giáo đường, chợ búa, rạp hát, nhà hàng, khu dân cư,... trở thành mục tiêu để bắn phá hay đặt bom. Cảnh giết chóc ghê rợn nhắm vào trí, phú, địa, hào; sự tàn sát dân Huế năm 1968; sự trừng phạt các quân nhân, công chức bằng chánh sách cải tạo hay trừng phạt toàn dân miền Nam bằng chánh sách kiểm soát lương thực, ngăn chận không cho con cái những gia đình liên hệ đến chánh phủ miền Nam trước kia không được học đại học hay có công việc làm trong nước sau năm 1975 cho thấy người Cộng Sản tôn thờ bạo lực, tôn thờ chủ nghĩa Cộng Sản hay đảng Cộng Sản đến quên hẳn tình đồng bào và quyền lợi của quê hương. Người sống không ấm no. Người chết không yên mồ, yên mả. Dân chúng thiếu ăn, mất tự do, mất bình đẳng, mất công lý và mất tất cả quyền làm người. Ở khía cạnh nào đó tự do và đời sống của họ còn kém hơn tiền nhân của họ dưới thời Nhật thuộc (dân Bắc Hàn) và dưới thời Pháp thuộc (dân Việt Nam).

Chủ nghĩa Cộng Sản được hiểu là chủ nghĩa đại đồng như lời hiệu triệu của Karl Marx trong Tuyên Ngôn Cộng Sản: “Hỡi những người vô sản trên thế giới! Hãy đoàn kết lại”. Lenin thành công khi dùng chủ nghĩa nầy để chinh phục các nước thuộc địa nghèo khổ, khát khao độc lập mà không tốn một viện đạn hay một giọt máu. Một quốc gia nhỏ bên cạnh quốc gia to lớn và đông dân, tán đồng chủ nghĩa đại đồng vô biên giới, vô quốc gia đương nhiên bị sát nhập vào quốc gia láng giềng to lớn. Estonia, Lithuania và Latvia là những quốc gia nhỏ ven Biển Baltic trở thành những Cộng Hòa Sô Viết vì bị Liên Sô dùng bạo lực để áp đặt. Các quốc gia Đông Âu cũng vậy.

Trường hợp ông Hồ Chí Minh hoàn toàn khác hẳn. Ông tự nguyện làm người Cộng Sản tận tụy phục vụ cho Liên Sô (Cominterchick). Ông được Liên Sô huấn luyện và trợ cấp để làm công tác cho Đệ Tam Quốc Tế do Lenin thành lập năm 1919. Ở Pắc Bó ông đặt tên Núi Karl Marx, Suối Lenin. Ông treo ảnh của Lenin và Stalin trong văn phòng làm việc trong chiến khu. Sau năm 1954 còn có thêm ảnh của Mao Zedong vì 100% cố vấn chánh trị và trên 80% võ khí, thuốc men, lương thực viện trợ cho Việt Minh trong chiến tranh Việt-Pháp xuất phát từ CHNDTQ. Dân chúng miền Bắc không hề biết đến những anh hùng dân tộc kháng Trung Hoa hay kháng Pháp mà chỉ biết Hồ Chí Minh, Mao Zedong, Karl Marx, Lenin, Stalin. Tượng lớn nhất ở Hà Nội hiện nay là tượng của Lenin đội bê-rê. Năm 2010 mới có thêm tượng Lý Thái Tổ Hán hóa được đúc từ lục địa Trung Hoa đem về.

Trong hội nghị Panmunjom (1951 - 1953) phái đoàn quân sự của Trung Hoa Cộng Sản đóng vai trò nòng cốt trong việc thương thuyết với phái đoàn quân sự Hoa Kỳ. Vai trò của phái đoàn Bắc Hàn và Nam Hàn hoàn toàn lu mờ.

Trong hội nghị Genève năm 1954 người hoạt động năng nổ tại hội nghị là Zhou Enlai (Châu Ân Lai) trong khi Phạm Văn Đồng (VNDCCH) và Nguyễn Quốc Định, rồi Trần Văn Đỗ (Quốc Gia Việt Nam - Etat du Vietnam) hầu như không có vai trò rõ rệt. Nếu Trần Văn Đỗ đã khóc vì đất nước bị chia đôi thì Phạm Văn Đồng nhục nhã với chiến thắng Điện Biên Phủ. Tiếng nói của Phạm Văn Đồng hoàn toàn không có trọng lượng khi ông "phải" chấp nhận chia đôi Việt Nam và khi ông đề nghị lấy vĩ tuyến 13 làm đường ranh. Hội nghị không quan tâm gì đến đề nghị nầy.

***

Tổ tiên của Shu Maung là người Miến Điện gốc Hoa. Ông là sinh viên y khoa ở Rangoon năm 1929. Bỏ học y khoa, ông gia nhập vào các tổ chức Miến Điện yêu nước, bí mật hoạt động chống sự đô hộ của người Anh. Trong đệ nhị thế chiến Shu Maung chọn bí danh Ne Win có nghĩa là người chỉ huy tỏa ánh sáng mặt trời. Ne Win cùng Aung San được người Nhật huấn luyện trên đảo Hainan (Hải Nam). Ne Win chỉ huy quân đội sau khi Miến Điện độc lập năm 1948. Năm 1962 ông đảo chánh lật đổ tổng thống Sao Shwe Thaik (1896 - 1962), một nhà chánh trị uy tín của người Shan, và thủ tướng U Nu (1907 - 1995). Tổng thống Sao Shwe Thaik chết trong ngục tù. Một người con trai của ông 17 tuổi bị giết chết trong ngày đảo chánh. Thủ tướng U Nu là nhà cách mạng uy tín. Năm 1968 Ne Win mời ông làm cố vấn. Ông yêu cầu cải tổ chánh phủ thay vì duy trì chế độ độc đảng (đảng Kế Hoạch Xã Hội Chủ Nghĩa) và chánh quyền độc tài quân phiệt. Ne Win từ chối. Ông U Nu trốn sang London. Năm 1988 ông lập chánh phủ sau khi Ne Win tuyên bố từ chức. Chánh phủ U Nu lại bị tướng Saw Maung lật đổ. Saw Maung tái lập chế độ độc tài quân sự đến năm 1992 thì bị lật đổ. Hoa Kỳ và các nước dân chủ Âu Châu lên án chế độ độc tài và vi phạm nhân quyền ở Miến Điện và dùng nhiều biện pháp trừng phạt nước nầy. Việc ngoại giao giữa Hoa Kỳ, các nước dân chủ Âu Châu và chế độ độc tài quân phiệt Miến Điện gián đoạn từ năm 1988.

Ne Win (cầm quyền từ 1962 - 1988), Saw Maung (1988 - 1992) rồi Than Shwe (1992 - 2011) đều là những nhà độc tài quân nhân. Miến Điện theo chế độ độc đảng và quân nhân lãnh đạo. Chế độ chánh trị của nước nầy là chế độ xã hội chủ nghĩa riêng biệt của Miến Điện, khác với xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa Marx-Lenin của các nước Cộng Sản. Miến Điện có quan hệ ngoại giao, kinh tế thương mại tốt với Việt Nam, Bắc Hàn, CHNDTQ. Ne Win tỏ ra là người chống Cộng Sản để các nước Đồng Minh quên quá khứ đã từng hợp tác với Nhật trong đệ nhị thế chiến. Người Hoa nắm quyền lợi kinh tế và thương mại ở Miến Điện. Chánh phủ Rangoon không kiểm soát nổi các sắc tộc Wa, Shan ở Thượng Miến. Các hầm đá quí, vùng trồng á phiện và buôn ma túy đều do người Hoa nắm giữ. Kun Sa, vừa buôn á phiện trên thế giới, trở thành người được Ne Win hậu thuẫn khi bị Hoa Kỳ truy tố.

Từ ngày độc lập đến nay chánh phủ Miến Điện gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát Thượng Miến và biên giới Miến-Yunnan (Vân Nam). Miến Điện là quốc gia công nhận CHNDTQ ngay từ năm 1948. Nhưng đến năm 1967 có nhiều cuộc biểu tình của dân chúng Miến Điện ở Rangoon đòi trục xuất cộng đồng người Hoa về nước. Từ năm 1988 đến năm 2009 chánh quyền quân phiệt của Saw Maung, rồi Than Shwe phải dựa vào Trung Hoa Cộng Sản để tồn tại. Khác với Hoa Kỳ và các nước Tây Âu dân chủ, CHNDTQ không quan tâm đến vấn đề nhân quyền vì chính CHNDTQ là nước vi phạm nhân quyền không ít. Họ dùng sức mạnh kinh tế, tài chánh mà họ có hiện nay đề mưu đồ bành trướng sức mạnh Hán tộc ở Á Châu Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, tràn sang Trung Đông và xuống lục địa Phi Châu. Beijing viện trợ cho Miến Điện, ủng hộ chánh sách độc tài của Than Shwe tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc để Trung Hoa Cộng Sản có ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương hầu dòm ngó và bao vây Ấn Độ, quốc gia đông dân khả dĩ có ảnh hưởng lớn ở Á Châu để cạnh tranh với Trung Hoa Cộng Sản.

Aung San Suu KyiChánh quyền quân phiệt Saw Maung và Than Shwe bất chấp dư luận thế giới khi bắt giam bà Aung San Suu Kyi và phủ nhận kết quả cuộc bầu cử năm 1990 theo đó đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm 82% ghế trong Quốc Hội. Than Shwe là tướng lãnh ít xuất hiện trước quần chúng vì mang nhiều chứng bịnh hiểm nghèo. Suốt thời kỳ lãnh đạo của ông ngay cả các sư sãi biểu tình chống chế độ cũng bị bắt bớ, đánh đập và cầm tù. Số tù nhân chánh trị gia tăng. Sự nghèo khổ của dân chúng do hậu quả của tệ nạn tham nhũng và sự kiệt quệ kinh tế càng ngày càng rõ nét. Quốc gia nghèo nhưng chánh quyền xa hoa phung phí. Tướng Than Shwe xài 50 triệu Mỹ kim để tổ chức đám cưới cho con gái. Số tiền nầy lớn hơn ngân sách y tế quốc gia gấp ba lần. Để củng cố quyền hành và thụ hưởng giàu sang giữa lúc Miến Điện bị các nước dân chủ trên thế giới cô lập và tự cô lập, các nhà lãnh đạo quân phiệt phải lệ thuộc vào Trung Hoa Cộng Sản nhiều hơn. Càng thất nhân tâm thì họ càng bám sát Beijing để được bảo vệ chánh quyền. Muốn vậy họ phải chấp nhận những yêu cầu của Beijing. CHNDTQ sửa sang hải cảng Sittwe (Akyab) trên vịnh Bengal gần Ấn Độ, xây dựng thủ đô mới Nai Pyi Taw, lập đường chiến lược dọc theo sông Irrawaddy nối liền tỉnh Yunnan (Vân Nam) với vịnh Bengal, lập đường ống dẫn dầu 2.380 km nối liền duyên hải Arakan đến Yunnan, lập căn cứ điện tử trên đảo Great Coco Island của Miến Điện trong vịnh Bengal cách đảo Andaman của Ấn Độ không đến 20 km v.v…

Ở miền bắc tiểu bang Shan có Đặc Khu Kokang. Kokang là từ ngữ dành cho người Hán ở Miến Điện. Đặc Khu Kokang là khu tự trị do một người Hoa trông coi việc cai trị, nổi tiếng về việc buôn lậu ma túy, lầu xanh và sòng bạc. Năm 2009 quân đội Miến Điện đụng độ với các sắc tộc trong Đặc Khu và vùng lân cận. 30.000 người trong Đặc Khu Kokang chạy về Yunnan. Từ đó chánh quyền quân phiệt Miến Điện bắt đầu thức tỉnh về thảm họa mà họ sẽ gặp trong một tương lai không xa như trường hợp Việt Nam bây giờ sau khi ký các hiệp ước 1999, 2000 để nhường đất ngoài biên giới, biển, dảo trong Vịnh Hạ Long cho CHNDTQ; cho Trung Hoa thuê đất ở các tỉnh dọc theo biên giới Việt-Hoa để trồng rừng; cho Trung Hoa Cộng Sản khai thác bauxite trên Cao Nguyên Nam Trung Bộ; cho công nhân Trung Hoa ồ ạt vào Việt Nam không cần chiếu khán; lập đường nối liền Yunnan-Lào-Việt Nam dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh trước kia. Ngoài biển họ chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và đặt tên là Xisha (Tây Sa) và một phần của quần đảo Trường Sa. Ngư dân Quảng Ngãi, nhất là dân trên đảo Lý Sơn, luôn gặp khó khăn khi đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa. Có khi họ bị bắt và phải đóng tiền phạt lên đến hàng chục ngàn Mỹ kim. Có khi họ bị tịch thâu tàu bè và cá đánh bắt được, bị giam cầm và bị đánh đập tàn nhẫn. Có khi họ bị tàu Trung Hoa Cộng Sản đụng chìm chết mất tích v.v…

Tướng Thein Sein (1945 - ), thủ tướng của tổng thống Than Shwe, đã dân sự hóa. Năm 2011 ông đắc cử tổng thống. Ông chấm dứt tình trạng quản thúc tại gia của bà Aung San Suu Kyi, hủy bỏ việc xây đập thủy điện trên sông Irrawaddy do một công ty Trung Hoa Cộng Sản đầu tư, cho phép đảng của bà Aung San Suu Kyi hoạt động và tham dự cuộc bầu cử bổ túc. Đảng của bà Aung San Suu Kyi chiếm 42/43 ghế trong cuộc bầu cử được xem là nghiêm túc vào cuối tháng 03-2012. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu thiết lập bang giao và nghiên cứu kế hoạch đầu tư, viện trợ cho Miến Điện. Nhật hủy bỏ 3 tỷ Mỹ kim mà Miến Điện nợ của Nhật. Tổng thơ ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon thăm viếng Miến Điện và cho rằng Miến Điện cải cách bằng con đường chật hẹp nên không thể quay ngược lại được. Có lẽ đó là lời khen ngợi của người đứng đầu tổ chức thế giới khi thấy Miến Điện trở về với cộng đồng thế giới sau nhiều năm dài tự cô lập và bị cô lập. Trước đó ít ngày bà Aung San Suu Kyi và các dân biểu của đoàn thể chánh trị của bà vừa đắc cử không chịu tuyên thệ vì muốn sửa chữ bảo vệ Hiến Pháp thành tôn trọng Hiến Pháp vì Hiến Pháp do chế độ quân nhân soạn nên không được xem là Hiến Pháp dân chủ theo quan điểm của bà Aung San Suu Kyi. Sau chuyến viếng thăm của ông Ban Ki Moon bà có thái độ mềm dẻo hơn.

Người viết bài nầy dè dặt về công cuộc xây dựng dân chủ ở một quốc gia nông nghiệp có quá khứ thuộc địa đã trải qua gần nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân phiệt. Dù sao có bước đầu dân chủ chông gai còn hơn là không có. Các quốc gia Châu Mỹ La Tinh độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của Tây Ban Nha từ thế kỷ XIX nhưng cho đến nay nhiều quốc gia vẫn có một nền dân chủ èo uột. Trong các quốc gia thuộc địa Á-Phi thâu hồi độc lập sau đệ nhị thế chiến, chỉ có Ấn Độ thực thi chế độ dân chủ đại nghị trơn tru mà thôi. Tây Đức, Ý và Nhật từng sống dưới chế độ phát xít. Họ đã thành công trong việc thực thi chế độ dân chủ vì đó là những quốc gia kỹ nghệ, dân sinh cùng dân trí cao và không có quá khứ thuộc địa. Một điểm đáng nhớ là hiến pháp hiện hành ở Nhật không do Quốc Hội Nhật soạn thảo mà do các luật gia Hoa Kỳ viết ra. Việc thực thi dân chủ là do tinh thần trọng pháp và yêu dân chủ chớ không phải do những mỹ từ trong Hiến Pháp.

Bắc Hàn, Việt Nam và Miến Điện nằm trong trục tam giác Á Châu của Trung Hoa Cộng Sản. Trục tam giác Bắc Hàn-Việt Nam-Miến Điện giúp cho họ bành trướng thế lực từ Hoàng Hải, Tây Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương. Cả ba quốc gia trên đều trân quí chế độ độc tài với hậu thuẫn mạnh mẽ của Beijing. CHNDTQ hậu thuẫn cho chế độ độc tài của chế độ quân chủ Cộng Sản ở Bắc Hàn để nước nầy quấy rối Hoa Kỳ, Nam Hàn, Nhật bằng bom nguyên tử và hỏa tiễn. Bắc Hàn dùng những võ khí nầy để khoa trương với dân trong nước về tiến bộ kỹ thuật của Bắc Hàn dưới sự lãnh đạo của vương triều Cộng Sản do họ Kim đại diện giữa lúc Bắc Hàn thiếu ăn phải nhờ viện trợ của Trung Hoa Cộng Sản, sự giúp đỡ lương thực nhân đạo trên thế giới, nhất là của Hoa Kỳ và Nam Hàn.

Beijing dùng Việt Nam làm bàn đạp nối liền các nước Đông Nam Á lục địa và quần đảo. Họ dùng Miến Điện làm bàn đạp tiến ra Vịnh Bengal, dòm ngó Ấn Độ và khống chế Ấn Độ Dương.

Chế độ độ tài Miến Điện là chế độ độc tài quân phiệt không quá khắt khe và chặt chẽ như chế độ độc tài Cộng Sản ở Bắc Hàn và Việt Nam. ĺt ra ở Miến Điện còn có những cuộc biểu tình của dân chúng và các sư sãi đòi dân chủ và có những ngượi thực tâm yêu nước và yêu dân chủ như U Nu, Aung San Suu Kyi, v.v. Ne Win là nhà độc tài nhưng ông vẫn còn trọng nể lòng yêu nước của U Nu mà ông lật đổ năm 1962. U Nu bị cầm tù nhưng sau đó được Ne Win mời làm cố vấn. Saw Maung và Than Shwe là hai nhà lãnh đạo độc tài và tham quyền nhưng họ vẫn trọng nể bà Aung San Suu Kyi. Bà bị quản thúc tại gia chớ không bị cầm tù. Nói cách khác, họ tiên liệu sẽ có ngày phải dùng đến khả năng và uy tín của bà để đưa Miến Điện ra khỏi chánh sách tự cô lập. Phải chờ một thời gian mới xác định được việc xây dựng dân chủ ở Miến Điện có kết quả hay không? Và mang lại những lợi ích gì? Hay nền dân chủ nầy theo vết xe chánh trị ở các nước Châu Mỹ La tinh, nơi thường xảy ra đảo chánh như Miến Điện.

Sự kiểm soát của Beijing đối với Bắc Hàn và Việt Nam chặt chẽ hơn đối với Miến Điện vì hai nước nầy đều theo chế độ Cộng Sản và có quan hệ lịch sử với Trung Hoa. Nhân sự lãnh đạo từ trung ương đến địa phương ở Bắc Hàn và Việt Nam đều do Beijing sắp xếp, theo dõi và kiểm soát. Trước và sau đại hội đảng Cộng Sản Bắc Hàn và Việt Nam, hai nước nầy phải gởi người sang Beijing báo cáo tình hình. Bắc Hàn là nước Cộng Sản quân chủ cha truyền con nối. Trước khi "lên ngôi" Kim Jong Il (1941 - 2011) (1) và Kim Jong Un (1981?, 1982? - ) đều phải sang Beijing vả được sự chấp thuận của Deng Xiao Ping (Đặng Tiểu Bình), Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) và Hu Jintao (Hồ Cẩm Đào). Trường hợp các tổng bí thơ và ủy viên Bộ Chánh Trị hay Ủy Viên Trung Ương Đảng ở Việt Nam đều phải báo cáo và được sự chuẩn nhận của Beijing. Những người có tư tưởng bất lợi cho Trung Hoa Cộng Sản bị hạ bệ và hạ nhục tối đa như trường hợp Ung Văn Khiêm, Võ Nguyên Giáp, Phan Văn Khải (có thái độ lưng chừng về các hiệp ước cắt nhường đất ngoài biên giới và biển đảo trong vịnh Hạ Long) v.v…

Kim Il Sung (1912 - 1994) và Kim Jong Il (1941 - 2011) được thánh hóa trong một nước Cộng Sản vô thần. Kim Jong Il sinh ngày 16-02-1941 tại Vyatskoye gần Khabarovsk trên lãnh thổ Liên Sô, nơi có trại huấn luyện thanh niên Triều Tiên chống Nhật do Liên Sô bảo trợ. Tên Nga của ông là Yuri Irsennovich Kim. Tên Nga của cha ông, Kim Il Sung, là Irsen, lúc ấy là đại úy trong quân đội Sô Viết. Để thần thánh hóa Kim Jong Il, tài liệu chánh thức của Bắc Hàn ghi rằng ông sinh ngày 16-02-1942 trên núi Baekdu cao nhất của Triều Tiên. Trước khi ông ra đời có chim yến báo tin, có hai mống cầu ngũ sắc xuất hiện và một ngôi sao mới sáng rực mọc lên! Năm 1941 là năm Tân Tỵ, được đổi thành 1942 là năm Nhâm Ngọ. Vì tuổi Nhâm cao hơn tuổi Tân, nhất là đối với nam giới (nam Nhâm, nữ Quí). Đó là chuyện thần thoại trong một nước Cộng Sản quân chủ như Bắc Hàn. Trong một quốc gia nghèo đói liên tục như Bắc Hàn, một quốc gia khép kín với thế giới bên ngoài, lãnh tụ Kim Jong Il là người giàu thứ 13 trên thế giới, là người sưu tầm đủ các loại xe hơi, phim ảnh, máy ảnh và các bảo vật hảo hạng trên thế giới. Ông không dám đi phi cơ mà chỉ đi xe lửa. Mỗi lần đi đâu, ông có một đoàn phụ nữ phục dịch và nhiều toa xe lửa chở thức ăn tươi và rượu ngon đắt hiếm. Kim Jong Il là một trong những người quyền uy nhất trên thế giới. Ngày ông mất (cuối năm 2011) dân chúng Bắc Hàn mặc đồng phục đứng sắp hàng dưới những lớp tuyết trắng giá lạnh để cùng khóc than thương tiếc người đã cướp tự do và sự sống của họ bằng những động tác bi thương như nhau. Năm 1924 Hồ Chí Minh cũng khóc như vậy khi hay tin Lenin đã mất. Năm 1953 Tố Hữu đã khóc sướt mướt khi được biết Stalin đã ra người thiên cổ bằng câu thơ để đời:
Thương cha thương một, thương ông thương mười.

Ở Việt Nam, sau năm 1975, không biết 17 tấn vàng của Việt Nam Cộng Hòa được chia cho các lãnh tụ Cộng Sản ra sao? Các đảng viên trung ương và địa phương có bao nhiêu vàng do tổ chức vượt biên và đăng ký bán chánh thức đem lại? Đó là chưa kề đến của cải tịch thâu của các tư sản mại bản, ngụy quân, ngụy quyền ra đi trước ngày 30-05-1975,  của những người vượt biên; tiền tham nhũng từ mọi thứ dịch vụ từ học tập cải tạo, nghĩa vụ quân sự đến giấy tờ xuất cảnh v.v. Từ năm 1990 về sau các lãnh tụ Cộng Sản và cán bộ Cộng Sản địa phương càng giàu có hơn. Một chủ tịch xã của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bây giờ cũng có nhiều tài sản và tiền bạc hơn tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Tiền bạc làm ra dễ dàng đến nổi người nào cũng cho con xuất ngoại học các trường đại học vang danh thế giới như Harvard, Oxford với học phí bằng hai lần đồng lương một kỹ sư mới ra trường ở Hoa Kỳ. Khi về nước, họ nắm giữ những chức vụ quan trọng với nhiều lợi lộc như các con của Nguyễn Tấn Dũng, Tô Huy Rứa v.v... Các đại gia ở Việt Nam ngày nay lái xe trị giá cả triệu Mỹ kim. Người nào cũng có hàng chục villas rải rác khắp nơi trong nước và nhiều gia sản ở ngoài nước như Úc, Canada, Hoa Kỳ, Anh, Pháp. Họ quân chủ hóa mồ mả của tổ tiên họ khi xây dựng những LǍNG (2) đồ sộ hơn cả lăng của các vua nhà Nguyễn trước kia. CHXHCNVN không phải là quốc gia quân chủ Cộng Sản như Bắc Hàn nhưng phỏng theo chế độ hoàng tử công thần Cộng Sản luân phiên lãnh đạo như Trung Hoa Cộng Sản. Ở Hoa Kỳ, sau khi làm tổng thống tám năm trong hai nhiệm kỳ, ông Clinton phải trả góp như mọi người để mua một căn nhà gần New York với giá 1 triệu Mỹ kim. Sau khi về hưu, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Nông Đức Mạnh,... sống vinh hiển trong những lâu đài nguy nga tráng lệ với vô số đồ cổ hiếm quí. Người ta khen ngợi Lê Khả Phiêu biết giữ gìn sức khỏe khi có một vườn rau lối 20.000 Mỹ kim được tưới bằng nước lọc! Khi bịnh lại có phi cơ bí mật chở ra ngoại quốc (hơặc Trung Hoa lục địa, hoặc Singapore,...) chữa trị. Những đặc ân, sự đãi ngộ đặc biệt dành cho các lãnh tụ Cộng Sản và bằng lối sống ngạo nghễ của họ và người Cộng Sản cầm quyền đương thời, không thể tìm thấy ở các quốc gia dân chủ có nền kinh tế phồn vinh như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc, Nhật, v.v.

Do đâu những nhà lãnh đạo Bắc Hàn và CHXHCNVN có nếp sống như vậy? Câu trả lời có lẽ không khó khăn mấy vì nó xuất phát từ kết quả những việc làm phương hại đến đất nước và dân tộc của họ xuất phát từ sự say mê quyền hành và lợi lộc. Đất nước cùng dân tộc Hàn và Việt Nam đón nhận mội hậu quả tai hại do họ mang về. Trong tăm tối của đường hầm người ta chỉ còn một hy vọng duy nhất là tìm thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Đất nước và dân tộc phải trường tồn chẳng những bằng niềm tin và hy vọng mà bằng cả sức mạnh của ý chí muốn trường tồn nữa.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

__________________

Chú thích:

(1) Ledo, một thành phố ở Assam, Ấn Độ, là đầu cực Tây của đường Miến Điện. Từ Ledo đường nối vào Miến Điện ở Mông Yu. Điểm cuối ở cực Đông đường Miến Điện là Kunming (Côn Minh) trong tỉnh Yunnan (Vân Nam). Đường Miến  Điện dài 1.152 km, nối từ Ledo (Ấn Độ) đi xuyên qua miền thượng Miến vào Yunnan đến Kunming.

(2) Lăng: mồ mả của vua chúa.

 


Cái Đình - 2012