Phạm Đình Lân


Á Châu dậy sóng

 

Lửa chiến tranh bắt đầu cháy trên lục địa Á Châu từ Tây sang Đông...

 

Á Châu là lục địa to lớn và đông dân nhất so với các lục địa còn lại. Lục địa nầy rộng 48.330.000 km2 với 4 tỷ dân (60% dân số hoàn cầu). Á Châu được bao bọc bởi:

- Bắc Băng Dương ở phía bắc.
- Thái Bình Dương ở phía đông
- Ấn Độ Dương ở phía nam.
- Địa Trung Hải, Hắc Hải, Caspian ở phía tây.

Á Châu là nơi xuất phát các tôn giáo lớn của nhân loại: Ấn Giáo (Bà La Môn), Phật Giáo, Lão Giáo, Khổng Giáo, Do Thái Giáo (Judaism), Thần Giáo (Shintoism), Ky Tô Giáo (Christianism), Hồi Giáo, Sikhhism, Jainism, đạo Bahai.

Hồi Giáo có ảnh hưởng rộng lớn trên bán đảo Á Rập, Jordan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran, Pakistan, Turmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Afghanistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Tân Cương (Sinkiang), Vân Nam (Yunnan), Mã Lai, Indonesia, Mindanao (Phi Luật Tân), Brunei.

Ấn Giáo có nhiều tín đồ nhưng chỉ tập trung trên tiểu lục địa Ấn Độ mà thôi.

Phật Giáo có ảnh hưởng ở Tây Tạng (Tibet), Mông Cổ, Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cambodia, Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam. Trung Hoa và Việt Nam thực tế chịu ảnh hưởng tam giáo: Khổng, Lão và Phật Giáo. Ở Việt Nam còn có hai tôn giáo địa phương: đạo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo. Triều Tiên ngày nay chịu ảnh hưởng Phật Giáo và Tin Lành. Ở Nhật Phật Giáo phát triển song hành với Thần Giáo. Ở miền Nam nước Nhật có một số tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Đạo Thiên Chúa quan trọng ở Phi Luật Tân (90%) và Papua New Guinea (54% Tin Lành + 24% Thiên Chúa Giáo). Đạo Thiên Chúa có tín đồ rải rác khắp các quốc gia Á Châu. Tại Việt Nam tỷ lệ tín đồ Thiên Chúa Giáo vào khoảng 8,5% tổng số dân trong nước.

Về tài nguyên Tây Á tức Trung Đông, các nước Kuwait, Saudi Arabia, Iraq, Iran sản xuất nhiều dầu hỏa. Ấn Độ và Trung Hoa là hai nước đông dân nhất thế giới và cũng là hai nước sản xuất và tiêu thụ nhiều lúa gạo và nông sản nhất thế giới. Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam có những đồng bằng phì nhiêu sản xuất lúa gạo nổi tiếng thời tiền đệ nhị thế chiến. Lâm sản là tài nguyên dồi dào ở các quốc gia Đông Nam Á. Trước đệ nhị thế chiến Anh, Pháp, Hòa Lan đã biến Mã Lai, Indonesia, Việt Nam thành những quốc gia sản xuất nhiều cao su, cây ép dầu và cây thuốc nổi tiếng trên thế giới. Miến Điện, Indonesia, Brunei là những vùng sản xuất dầu hỏa ở Đông Nam Á. Đến cuối thế kỷ XIX Nhật là quốc gia Á Châu duy nhất kỹ nghệ hóa như các nước Tây Phương. Đến hậu bán thể kỷ XX Nhật, Trung Hoa lục địa, Taiwan (Đài Loan), Nam Hàn, Singapore, Do Thái, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Indonesia là những quốc gia Á Châu kỹ nghệ hóa.

Vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX hầu hết các nước Á Châu ngoại trừ Nhật, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thuộc địa của các đế quốc Âu-Mỹ. Trung Hoa không phải là thuộc địa của các đế quốc Thây Phương, nhưng Macao bị Bồ Đào Nha chiếm từ thế kỷ XVI; Hong Kong bị người Anh Chiếm vào thế kỷ XIX; Lữ Thuận (Lushun tức Port Arthur) bị Nga chiếm vào thế kỷ XIX. Taiwan bị nhường lại cho Nhật năm 1895 (hoàn trả lại cho Trung Hoa năm 1945). Bán đảo Shandong (Sơn Đông) bị Đức chiếm. Năm 1932 Nhật thành lập Mãn Châu Quốc (Manchukuo), tách rời vùng đất nầy ra khỏi nước Trung Hoa. Vào thập niên 1920 Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan trở thành những Cộng Hòa Sô Viết của Liên Sô.

Tây Á là vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa Anh, Pháp, Nga sau khi đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu.

Nam Á là vùng ảnh hưởng của Anh. Thuộc địa to lớn nhất của Anh trong vùng là Ấn Độ. Trước năm 1947 chưa có nước Pakistan.

Trung Á là vùng tranh chấp ảnh hưởng giữa Anh và Nga. Sau cách mạng 1917 của Lenin, Liên Sô ra đời (1922). Các dân tộc Hồi Giáo ở Trung Á bị Nga hóa. Mãi đến năm 1991 các Cộng Hòa Sô Viết gốc Hồi Giáo ấy mới được độc lập.

Đông Nam Á chịu ảnh hưởng của Anh, Pháp, Hòa Lan, Hoa Kỳ và Bồ Đào Nha. Hoa Kỳ trả độc lập cho Phi Luật Tân từ năm 1948. Anh trả độc lập cho Miến  Điện năm 1948, nhưng mãi đến năm 1957 mới trả độc lập cho Mã Lai. Hòa Lan công nhận độc lập của Indonesia năm 1949. Đến năm 1975 Anh mới trả độc lập cho Papua New Guinea.

Sau đệ nhị thế chiến nước Do Thái được hình thành (1948). Bán đảo Triều Tiên, thuộc địa của Nhật từ năm 1910 - 1945, bị chia đôi. Đảo Taiwan (Đài Loan) được giao hoàn lại cho Trung Hoa sau khi Nhật bị bại trận.

Vai trò của Hoa Kỳ nổi bật khắp lục địa Âu-Á sau đệ nhị thế chiến. Quân đội Hoa Kỳ chiếm đóng trên quần đảo Okinawa. Hoa Kỳ có ảnh hưởng lớn ở Nam Triều Tiên, quần đảo Phi Luật Tân, cựu thuộc địa của Hoa Kỳ. Ở Tây Á Hoa Kỳ là cường quốc đầu tiên công nhận sự ra đời của nước Do Thái. Hoa Kỳ quan tâm nhiều đến Á Châu Thái Bình Dương sau khi Cộng Sản Trung Hoa đánh bại quân của Chang Kaisheik (Tưởng Giới Thạch). Năm 1950 quân Cộng Sản Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều Tiên khiến cho quân Liên Hiệp Quốc dưới sự chỉ huy của tướng Mac Arthur phải can thiệp vào chiến tranh Triều Tiên. Chí nguyện quân Cộng Sản Trung Hoa tiếp cứu quân Bắc Triều Tiên. Chiến tranh Triều Tiên là cuộc đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa Cộng Sản. Hiệp ước Panmunjom (Bàn Môn Điến) chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Vĩ tuyến 38 vẫn là đường ranh phân chia bán đảo Triều Tiên.

Việc hội nghị Potsdam dùng vĩ tuyến 16 làm đường ranh cho Anh giải giới quân đội Nhật ở phía nam và quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Chang Kaishek giải giới quân Nhật ở phía bắc vĩ tuyến 16 như báo trước sự qua phân nước Việt Nam vào năm 1954 sau khi Việt Minh đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ nhờ vào sự viện trợ võ khí và cố vấn chánh trị lẫn quân sự từ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ). Hồ Chí Minh không làm  gì hơn là phải chấp nhận sự chia đôi đất nước để CHNDTQ tránh né việc đụng độ với Hoa Kỳ và Liên Sô được hòa hoãn với Hoa Kỳ thời hậu Stalin.

Sự can thiệp của Cộng Sản Trung Hoa vào chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt-Pháp cho thấy Mao Zedong (Mao Trạch Đông) muốn Trung Hoa có một vai trò trên thế giới, đồng thời Trung Hoa muốn tái lập ảnh hưởng của họ ở hai nước từng lệ thuộc họ. Qua hai cuộc chiến tranh trên bán đảo Đông Dương, tướng De Lattre de Tassigny thuyết phục chánh quyền Washington rằng nếu Pháp thua thì Cộng Sản thắng. Cộng Sản Việt Nam do Cộng Sản Trung Hoa chỉ đạo sẽ cộng sản hóa Đông Nam Á và ảnh hưởng của Trung Hoa Cộng Sản sẽ lan rộng đến tận Trung Đông! Có phải chăng thuyết Domino và Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á (SEATO) ra đời từ ý kiến nầy của De Lattre de Tassigny?

De Lattre mất năm 1952. Thuyết Domino và Liên Minh Phòng Thủ Đông Nam Á ra đời năm 1954 dẫn theo sự can dự của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam lần thứ hai sau nầy. Trong cuộc chiến tranh nầy Hoa Kỳ rất cô đơn mặc dù có nhiều võ khí tối tân. Anh quốc là đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ nhưng không gởi quân tham chiến trên chiến trường Nam Việt Nam. Pháp không ủng hộ Hoa Kỳ mà chủ trương trung lập hóa Nam Việt Nam. Dĩ nhiên Liên Sô và CHNDTQ không ủng hộ Hoa Kỳ. Họ phải thi đua nhau viện trợ cho Cộng Sản Việt Nam ở Hà Nội và miền Nam để đánh nhau với Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Hoa Kỳ không thành công trong chiến tranh Việt Nam. Số người Hoa Kỳ phản chiến không nhỏ. Những người khác không muốn Hoa Kỳ tốn kém tiền bạc và xương máu ở vùng nhiệt đới xa xôi. Một số khác đau đớn vì không thấy viễn ảnh chiến thắng vẻ vang như đã thấy trong hai thế chiến.

Nhưng Hoa Kỳ thành công trong việc ngăn chận sự lớn mạnh của Cộng Sản Trung Hoa trên quần đảo Indonesia (1965); gây sự rạn nứt giữa Cộng Sản Việt Nam thân Liên Sô với Khmer Đỏ (1978) và Cộng Sản Việt Nam với Cộng Sản Trung Hoa (1979). Cuối cùng đến năm 1989 chế độ Cộng Sản sụp đổ ở Đông Âu. Năm 1991 chế độ Cộng Sản cáo chung ở Liên Sô.

Dù vậy kết quả cuộc chiến tranh Việt Nam không làm tăng tín lực của Hoa Kỳ trên thế giới. Sự đối xử của Hoa Kỳ đối với chánh quyền Sài Gòn làm cho nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới suy nghĩ nhiều. Hoa Kỳ há không im lặng khi tàu chiến Trung Hoa Cộng Sản tấn công Hải Quân VNCH trên quần đảo Hoàng Sa năm 1974? Chánh quyền Cộng Sản Hà Nội ví quá say sưa với chủ nghĩa Marx-Lenin đã giữ im lặng hoàn toàn để nhìn một phần đất của tổ tiên rơi vào tay ngoại nhân. Họ xem trọng chủ nghĩa Marx-Lenin hơn quê hương khi xem thường xương máu của người đồng chủng, đồng loại và đồng bào của họ đã đổ vì đương đầu lại với ngoại nhân cướp một phần đất nước họ. Sự không thương tiếc xương máu của người đồng loại, đồng chủng và đồng bào là bản chất thực của Cộng Sản Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh và hậu chiến sau hai cuộc chiến tranh đẫm máu và tàn khốc (1945 - 1954, 1960 - 1975).

Hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam làm lung lay ảnh hưởng của Hoa Kỳ ngay trên lục địa Mỹ Châu. Cuba trở thành quốc gia Cộng Sản từ năm 1958. Ở các quốc gia Trung và Nam Mỹ khuynh hướng thiên về Marxist và Maoist nẩy nở mạnh. Hugo Chavez của Vezezuela, Morales của Bolivia, Ortega của Nicaragua,... công khai chống Hoa Kỳ. Chavez tự xem mình là đệ tử của Fidel Castro.

Hoa Kỳ sa lầy ở Việt Nam, Liên Sô sa lầy ở Afghanistan. Cộng Sản Việt Nam sa lầy ở Cambodia. Hoa Kỳ và các nước dân chủ Tây Phương không ngừng bị khủng bố Hồi Giáo đe dọa. Các quốc gia Hồi Giáo có nhiều lý do để thù ghét các quốc gia dân chủ Tây Phương.

- Về phương diện tôn giáo: Giữa Hồi Giáo và các nước Thiên Chúa Giáo Âu Châu thường xảy ra chiến tranh. Người Hồi Gáo Moors từng đánh chiếm Tây Ban Nha và vượt qua dãy Pyreneés tiến đánh Pháp nhưng bị Charles Martel (688 - 741) đánh bại ở Poitiers năm 731. Vào thời Trung Cổ cuộc Thánh Chiến giữa tín đồ Thiên Chúa Giáo Âu Châu và Hồi Giáo ở Tây Á diễn ra khốc liệt. Vùng Trung Đông bây giờ là bãi chiến trường giao tranh của hai bên.

Giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Thiên Chúa Giáo Coptic, Anh Quốc Giáo, Tin Lành Giáo có nhiều dị biệt. Tín đồ Hồi Giáo không ăn thịt heo. Tín đồ của chúa Jesus không kiêng cử như vậy. Phụ nữ trong xã hội Hồi Giáo phải chấp nhận sự bất bình đẳng trước nam giới. Đàn ông được đa thê nhưng không quá bốn vợ. Phụ nữ phải mang vải che mặt. Dưới thời Taliban nắm quyền ở Afghanistan phụ nữ không được ra đường một mình. Họ phải mặc đồ phủ kín cả mặt. Con gái không được đi học, v.v... Ở xã hội Tây Phương chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành Giáo, Thiên Chúa Giáo Coptic hay Anh Quốc Giáo, nam nữ được bình quyền, xã hội độc thê. Tín đồ Hồi Giáo không được uống rượu. Các nước Thiên Chúa Giáo Âu Châu nổi tiếng về việc trồng nho và sản xuất rượu nho. Rượu lễ được làm từ nho. Xã hội các nước Tây Phương là xã hội dân chủ. Xã hội Hồi Giáo là xã hội bảo thủ xa lạ và đối kháng với những làn sóng văn hóa khác với văn hóa cổ truyền của họ. Đó là những nét khác biệt căn bản giữa văn hóa Hồi Giáo và văn hóa Thiên Chúa Giáo cùng các hệ phái thờ đấng Christ khác. Hoa Kỳ là quốc gia dân chủ tiêu biểu thế giới nơi đời sống con người được đảm bảo, nhân phẩm được tôn trọng. Con người được hưởng mọi quyền tự do căn bản từ khi sinh ra đời cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Tinh thần tôn trọng tự do và dân chủ của Hoa Kỳ đôi khi gây khó chịu cho những người sủng ái xã hội đa thê, trọng nam và kính lão theo tinh thần Khổng Giáo và Hồi Giáo.

- Về phương diện chánh trị các nước Hồi Giáo tìm cách phục hận các đế quốc Tây Phương từng thiết lập sự đô hộ và khai thác dầu hỏa trên quê hương họ.

- Các nước dân chủ Tây Phương, đứng đầu là Hoa Kỳ, tận tình yểm trợ sự ra đời của nước Do Thái ở Trung Đông. Hoa Kỳ trở thành đối tượng thù oán của các quốc gia Hồi Giáo tuy rằng trong quá khứ Hoa Kỳ không xâm chiếm một nước Hồi Giáo nào ở Bắc Phi và Trung Đông cả. Hoa Kỳ có liên hệ ngoại giao lâu đời với Morocco từ thế kỷ XVIII, Saudi Arabia từ ngày vương quốc nầy được thành lập (1932) và là đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ suốt thời kỳ chiến tranh lạnh. Jordan, Qatar, Kuweit, Yemen thân thiện với Tây Phương. Ai Cập chỉ thiết lập bang giao với Do Thái sau khi không thắng nổi nước nầy trong cuộc chiến năm 1973. Sự hòa hoãn với Do Thái có lợi cho họ vì họ sẽ thu hồi lại bán đảo Sinaivà nhận viện trợ hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm từ Hoa Kỳ.

Trong Ngũ Cường thực tế chỉ có ba nước có tầm vóc lớn vì có diện tích rộng lớn, đông dân cư và dồi dào tài nguyên: Trung Hoa lục địa, Liên Sô và Hoa Kỳ. Anh và Pháp không còn quan trọng sau khi mất thuộc địa.

Liên Sô sụp đổ năm 1991 sau khi sa lầy và rút quân khỏi Afghanistan. Các Cộng Hòa Sô Viết tuyên bố độc lập. Liên Bang Nga vẫn còn là một nước rộng lớn nhưng diện tích và dân số nhỏ hơn Liên Sô trước kia. Nước Nga đang tập tễnh trong việc xây dựng dân chủ và lặn hụp với những vấn đề kinh tế lẫn xã hội khi chuyển từ một quốc gia Cộng Sản độc tài sang một nước dân chủ dẫy đầy du đãng, tệ nạn tham nhũng và tứ đổ tường. Nga chỉ còn tiềm năng quân sự do Liên Sô để lại chớ chưa có địa vị kinh tế đáng kể trên thế giới ngoại trừ việc xuất cảng dầu hỏa. Putin lẩn quẩn trong việc củng cố địa vị của một nhà lãnh đạo độc tài trong một nền dân chủ ấu trĩ.

Hoa Kỳ mất ít nhiều uy tín nhưng vẫn còn là một siêu cường quốc sau chiến tranh Việt Nam. Hoa Kỳ vẫn có tiềm năng kinh tế và quân sự quan trọng nhất trên thế giới nhưng dư luận Hoa Kỳ phân hóa rõ rệt giữa Dân Chủ phản chiến, lãng mạn tư tưởng, tự do phóng túng và Cộng Hòa bảo thủ với ước muốn Hoa Kỳ là một siêu cường dựa trên công Thức Bạch Chủng + Tin Lành + Dân Chủ + Tư Bản Chủ Nghĩa. Đó là hình ảnh của một người to lớn trông mạnh khoẻ nhưng nội tạng bắt đầu có dấu hiệu bi thương tổn.

Trung Hoa Cộng Sản bắt đầu vươn lên dưới sự lãnh đạo của Deng Xiaoping và trở thành một cường quốc kinh tế lẫn quân sự ở Đông Á. Chế độ Cộng Sản vẫn tồn tại nhưng lục địa Trung Hoa theo kinh tế thị trường và gởi nhiều sinh viên sang học hỏi kỹ thuật của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ rời khỏi Cam Ranh và Đà Nẵng từ giữa thập niên 1970. Dưới thời tổng thống Clinton (Dân Chủ) Hoa Kỳ rời khỏi Subic Bay (Phi Luật Tân). Sự sụp đổ của Liên Sô làm cho Cộng Sản Việt Nam lạnh chân vì đã ôm chân Liên Sô chống lại Cộng Sản Trung Hoa sau khi VNCH sụp đổ. CHXHCNVN phải hàng phục CHNDTQ như xưa và nhục nhã chấp nhận nhiều điều kiện do Beijing đưa ra để tiếp tục giữ chánh quyền ở Việt Nam.

Năm 1974 Trung Hoa Cộng Sản thành công khi thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ bằng cách đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa mà Trung Hoa gọi là Xisha (Tây Sa). Năm 1979 họ thăm dò thái độ của Liên Sô sau khi hiệp ước an ninh Sô-Việt ký kết (1978) bằng cách tấn công Cộng Sản Việt Nam ngoài biên giới như để trả đũa việc quân Cộng Sản Việt Nam xâm lăng Canbodia do Khmer Đỏ thân Beijing cầm quyền. Năm 1988, một lần nữa Cộng Sản Trung Hoa tấn công Cộng Sản Việt Nam để chiếm một phần trên quần đảo Trường Sa trước sự hiện diện của Hải Quân Liên Sô ở Cam Ranh và Đà Nẵng. Đến đầu thế kỷ XXI Cộng Sản Trung Hoa còn gặp nhiều thuận lợi hơn sau 30 năm thực hiện thành công Bốn Hiện Đại Hóa của Deng Xiaoping. Trung Hoa lục địa bây giờ là cường quốc kinh tế hạng nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ và là quốc gia cho Hoa Kỳ mượn nhiều nợ nhất. Sự phát triển kinh tế dẫn đến sự phát triển quân sự. Suốt hai nhiệm kỳ của tổng thống Bush II (Cộng Hòa), Hoa Kỳ không để ý đến các nước trong khối ASEAN. Trung Hoa Cộng Sản nuôi dưỡng mộng bành trướng bá quyền trong vùng mà không gặp trở ngại gì. Ở Đông Bắc Á Beijing dùng Bắc Hàn gây mất ngủ cho Nam Hàn, Nhật Bản và 28.000 quân sĩ Hoa Kỳ ở Nam Hàn.

Hoa Kỳ bị khủng bố tấn công ngay trên lãnh thổ của mình (2001). Để trả đũa và chận đứng khủng bố quốc tế, Hoa Kỳ và NATO tấn công Afghanistan, lật đổ chánh phủ Taliban vì đã cho khủng bố Al Qaida dùng lãnh thổ Afghanistan huấn luyện khủng bố Hồi Giáo hoạt động khắp nơi trên thế giới (Tây Á, Bắc Phi, Đông Nam Á, Âu Châu). Năm 2003 Hoa Kỳ lại mở cuộc xâm lăng Iraq để lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein. Dư luận quốc tế không hài lòng về cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ vào Iraq. Pháp và Đức là hai quốc gia NATO phản đối mạnh mẽ nhất. Chánh quyền Cộng Hòa do tổng thống Bush II và phó tổng thống Cheney đại diện không được dư luận thuận lợi trong nước. Kinh tế Hoa Kỳ bị suy thoái nặng nề. Hoa Kỳ phải gánh vác hai cuộc chiến tranh trên lãnh thổ Hồi Giáo. Cảm tình giữa người Hồi Giáo và Hoa Kỳ càng sứt mẻ thêm.

Lửa chiến tranh bắt đầu cháy trên lục địa Á Chấu từ Tây sang Đông. Ở Tây Á ngoài ngọn lửa chiến tranh giữa Á Rập và Do Thái lúc nào cũng âm ĩ, khi cháy bùng rồi được dập tắt, nhưng nhiệt vẫn không bao giờ dứt. Sự thắng cử của Huynh Đệ Hồi Giáo ở Ai Cập, lập trường bất thân thiện của tổng thống Ai Cập Morsi đối với Do Thái, việc Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu công nhận quốc gia Palestine, việc tiến tới sự hợp nhất giữa Fatah và Hamas trong những ngày vừa qua được xem là những bất lợi cho Do Thái.
Netanyahu có nhiều hy vọng đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 22-01-2013 tới. Ông tiêu biểu cho lập trường cứng rắn đối với Palestine và Iran. Giữa ông và tổng thống Hoa Kỳ Obama có nhiều dị biệt. Việc tổng thống Obama chọn cựu nghị sĩ Hagel của Nebraska làm bộ trưởng Quốc Phòng thay thế ông Panetta cho thấy sự bất đồng ý kiến giữa Obama và Netanyahu về vấn đề Iran, Palestine. Do Thái cương quyết sát nhập Đông Jerusalem vào lãnh thổ Do Thái và cho phép cất thêm nhà cửa ở Đông Jerusalem trên lãnh thổ West Bank của Palestine thuộc nhóm Fatah. Nhiều đảng viên Cộng Hòa xem Hagel cũng là người có lập trường chống Do Thái. Hiện nay Do Thái như bị cô lập ngoại giao. Liệu Netanyahu có đơn phương tấn công Iran mà không cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ không? Điều nầy rất khó cho cho Netanyahu vì Iran là một nước rộng lớn, có võ khí tối tân, lại quá xa Do Thái. Một sự tấn công đơn phương như vậy rất liều lĩnh. Về phía Hoa Kỳ, họ đã rút quân ra khỏi Iraq và có chương trình rút quân khỏi Afghanistan năm 2014 để tránh mọi chi phí quá lớn trong thời kỳ ngân sách quốc gia bị thâm hụt nặng nề, nợ nần chống chất. Nếu ủng hộ Do Thái tấn công Iran thì Hoa Kỳ mang tiếng là tấn công thêm một nước Hồi Giáo thứ ba! Đó là chưa nói đến những kinh phí quân sự và những tổn thất do sự trả thù của Iran đối với các cơ sở kinh doanh của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Do Thái là quốc gia dân chủ nhỏ bé dám cưỡng lại ý muốn của Hoa Kỳ. Obama là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên có đường lối không thuận lợi cho nước Do Thái nhưng hấp dẫn 77% cử tri Hoa Kỳ gốc Do Thái bằng đường lối "thời thượng" của một số ít nhân loại giàu có và quyền thế trên trái đất trong kỳ bầu cử năm 2012.

Syria tham gia chiến tranh chống Do Thái trong các cuộc chiến tranh năm 1948, 1967, 1973 với Ai Cập. Ai Cập bang giao với Do Thái nhưng Syria thì không. Iraq có tham gia chiến tranh chống Do Thái năm 1948 và không ký kết một hiệp ước nào với Do Thái. Saddam Hussein, một đồng minh của Hoa Kỳ thời tổng thống Reagan, trở thành kẻ thù của Hoa Kỳ sau khi xua quân xâm lăng Kuwait và bị liên quân 34 nước dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ đánh đuổi ra khỏi Kuwait năm 1991. Đến năm 2003 liên quân Anh-Hoa Kỳ tấn công Iraq. Hussein bị bắt và bị tòa án của tân chánh phủ Iraq xử treo cổ (2006). Dưới thời Saddam Hussein người Hồi Giáo phái Sunni cầm quyền. 60% dân số Iraq là Hồi Giáo phái Shiite. Sau khi chánh quyền của nhà độc tài Saddam Hussein bị lật đổ, tân chánh phủ Iraq do phái Shiite lãnh đạo. Năm 2011 quân đội Hoa Kỳ rút ra khỏi Iraq. Nhiều vụ nổ bom diễn ra. Các chánh sách Hồi Giáo Sunni lên án thủ tướng Nuri al-Maliki là nhà độc tài kỳ thị người Hồi Giáo Sunni. Thủ tướng Maliki ra lịnh bắt phó tổng thống Tareq al-Hashemi thuộc Hồi Giáo Sunni. Ông nầy bị bắt tại phi trường Baghdad vào cuối năm 2011 nhưng được thả. Ông bị buộc tội cầm đầu những cuộc khủng bố ở Iraq. Hashemi chạy lên miền bắc Iraq và vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 09-12-2012 ông bị xử tử khiếm diện. Người Iraq Hồi Giáo Sunni biểu tình chống Maliki thuộc Hồi Giáo phái Shiite. Họ lên án Maliki độc tài, kỳ thị người Hồi Giáo Sunni, làm lợi cho Iran đồng đạo và đồng phái Shiite. Nga và Trung Hoa Cộng Sản gấm ghé giao thương và khai thác dầu hỏa ở Iraq. Trong cuộc nổi dậy ở Syria có tin phi cơ Iran chở võ khí cho tổng thống Assad xuyên qua không phận Iraq. Chắn chắn chánh quyền Iraq có cảm tình với Assad đồng đạo và đồng phái Shiite hơn là nhóm chống đối Assad vì 70% dân Syria theo Hồi Giáo Sunni.

Mùa Xuân Á Rập năm 2011 dẫn các nước Tunisia, Libya, Ai Cập đến với luật Sharia hơn là đến với dân chủ. Lật đổ một chế độ độc tài thì dễ. Nhưng thay thế chế độ độc tài bằng chế độ dân chủ thì không dễ. Tinh thần dân chủ không thể đi đôi với tinh thần cố chấp tôn giáo và thiên kiến văn hóa, chủng tộc. Huynh Đệ Hồi Giáo nắm quyền Hành Pháp và Lập Pháp ở Ai Cập. Nước nầy có khuynh hướng trở thành Cộng Hòa Hồi Giáo phái Sunni để tranh giành quyền lãnh đạo các quốc gia Hồi Giáo trong vùng (Bắc Phi và Tây Á tức Trung Đông) với Cộng Hòa Hồi Giáo thuộc phái Shiite của Iran. Muốn giành quyền lãnh đạo các nước Hồi Giáo thì Morsi không ngần ngại dùng ván bài chống Do Thái mà ông gọi là hậu duệ của heo và khỉ.  Iran và Ai Cập đều có quá khứ lịch sử rực rỡ. Cả hai quốc gia cổ nầy từng đày đọa người Do Thái và biến họ thành những người nô lệ. Trong thời cận đại vua Farouk, đại tá Nasser, tướng Sadat lại bị thất bại chua cay trước một quốc gia tân lập nhỏ bé.

Iran chưa có chiến tranh với Do Thái. Từ năm 1980 - 1988 Cộng Hòa Hồi Giáo Iran chỉ có chiến tranh với Iraq. Kết quả cuộc chiến không minh định nước nào thắng trận cả. Iran ủng hộ gia đình Assad ở Syria để dùng nước nầy tiếp sức cho tổ chức Hezbollah ở nam Lebanon và Hamas ở dải Gaza. Nga ủng hộ Syria theo truyền thống đã có từ thời Sô Viết. Syria mua võ khí, quân nhu, quân cụ, phi cơ của Liên Sô và cho Hải Quân Liên Sô có mặt tại cảng Tartus trên bờ đông Địa Trung Hải. Nếu phe đối lập ở Syria lật đổ được tổng thống Bashar al-Assad thì Hải Quân Nga còn hiện diện ở Tartus không? Nếu tổ chức bầu cử tự do thì 70% người Syria Hồi Giáo Sunni chắc chắn thắng cử. Syria có thiên về Ai Cập của Huynh Đệ Hồi Giáo như họ từng sát nhập vào Ai Cập để thành lập Cộng Hòa Á Rập thống nhất (1958 - 1961) hay không? Liệu có sự tranh giành ảnh hưởng giữa Ai Cập Sunni và Iran Shiite ở Syria không?

Một điều đáng sợ và đáng lưu ý là những người nổi dậy ở Libya và Syria xử dụng võ khí nhuần nhuyễn và chiến đấu linh động hơn cả quân của chánh phủ. Trong quốc gia độc tài Hồi Giáo ai là người xử dụng võ khí nhuần nhuyễn nếu không phải là những người khủng bố được huấn luyện ở núi rừng Afghanistan, Pakistan, Sudan, Somalia hay những người được một quốc gia nào đó tài trợ và huấn luyện? Khó có dân chủ đối với những người chủ trương cướp chánh quyền bằng bạo lực. Khủng bố đe dọa cướp chánh quyền ở Mali cho đến nỗi Pháp phải dùng phi cơ oanh tạc nơi quân khủng bố tập trung để giúp cho chánh quyền nước nầy. Khủng bố Hồi Giáo hiện hoạt động mạnh mẽ ở Mali, Somalia, Sudan và nói chung trên lục địa Phi Châu.

Trong cuộc nổi dậy chống chánh quyền Assad vào năm 2011 cho đến nay có khoảng trên 100.000 người bị giết chết và trên một triệu người tỵ nạn. Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia thành viên của NATO, bị Syria xem như quốc gia đối nghịch. NATO giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ hỏa tiễn Patriot để bảo vệ biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Nước nầy cũng lo âu về người Kurds ở miền Nam dùng du kích chiến chống chánh quyền Ankara để đòi tự trị. Cuộc nổi dậy ở Syria chẳng những gây căng thẳng giữa Syria-Thổ Nhĩ Kỳ mà còn là sự căng thẳng ngầm giữa Iran-Thổ Nhĩ Kỳ. Iran đe dọa sẽ oanh tạc các giàn hỏa tiễn của NATO ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu bị Hoa Kỳ và Do Thái tấn công. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga từng có nhiều chuyện đáng tiếc trong quá khứ. Dòng lịch sử u buồn thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ xích gần Đức trong đệ nhất thế chiến và gần Hoa Kỳ sau đệ nhị thế chiến. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia Hồi Giáo Á Châu duy nhất trong khối NATO.

Cho đến nay Iran vẫn không từ bỏ chương trình nguyên tử với lý do duy nhất rằng chương trình không nhằm sản xuất bom nguyên tử mà chỉ phục vụ cho mục tiêu hòa bình. Những biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ và các nước Liên Âu dành cho Iran xem chừng không có kết quả cụ thể mặc dù thống kê cho biết Iran chỉ thu nhập 45% lợi tức dầu hỏa mà thôi do hậu quả của những biện pháp trừng phạt của các nước Tây Phương.

Tình hình Ấn Độ-Pakistan âm ỉ như tình hình Do Thái-Á Rập. Điều đáng suy nghĩ là hai quốc gia nầy đều có bom nguyên tử. Từ năm 1947 đến nay Pakistan vẫn chưa áp đảo Ấn Độ lần nào trong chiến tranh Kashmir. Pakistan thân thiện với Trung Hoa Cộng Sản hơn là Hoa Kỳ mặc dù nhận viện trợ của Hoa Kỳ vì Pakistan và Trung Hoa Cộng Sản đều xem Ấn Độ là quốc gia đối nghịch. Pakistan từng là thành viên của SEATO nhưng là một thành viên bất đắc dĩ. Khi Taliban cướp chánh quyền và thi thành chánh sách khắt khe đối với dân chúng, không quốc gia dân chủ Tây Phương nào công nhận chánh phủ Taliban với thủ lãnh Omar, nhưng Pakistan là quốc gia láng giềng đồng đạo có nhiều quan hệ mật thiết với chánh quyền Taliban ở Kabul.

Khi Hoa Kỳ tấn công Afghanistan, họ dùng phi trường của Pakistan. Taliban bị đánh bại nhưng không đầu hàng. Osama Bin Laden và Omar chạy trốn. Hoa Kỳ phải mất hàng trăm tỷ Mỹ kim cho chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan và việc tìm kiếm Osama Bin Laden, trùm khủng bố quốc tế. Thì ra ông ta sống an lành với vợ con trên lãnh thổ Pakistan, nơi có trường Võ Bị và nhiều dinh thự của các tướng lãnh Pakistan! Vị bác sĩ hợp tác với CIA trong việc đưa tin tức về Osama Bin Laden hiện bị chánh quyền Pakistan giam giữ. Ở Pakistan thường có nhiều cuộc biểu tình bạo động chống Hoa Kỳ, phản đối chánh phủ Islamabad thân Hoa Kỳ khiến Pakistan phải lên án Hoa Kỳ dùng máy bay không người lái gây thiệt mạng cho thường dân ngoài biên giới Pakistan-Afghanistan. Nhóm Hồi Giáo quá khích ở Pakistan cũng có Taliban Pakistan và tổ chức khủng bố như Al Qaida. Tổng thống Karzai của Afghanistan thời hậu Taliban không ngớt than phiền Pakistan như ngầm nói rằng Pakistan bao che cho Taliban gây rối chánh quyền Kabul. Trong vấn đề nầy Karzai hướng về Ấn Độ. Một bài toán nan giải khác của Pakistan là sự hiềm khích giáo phái giữa Sunni (đa số ở Pakistan) và Shiite. Đầu năm 2013 hàng trăm người Pakistan thuộc phái Shiite bị chết vì bị đặt bom. Sự xung đột giáo phái nầy dẩn đến sự nghi kỵ giữa Iran (Shiite) và Pakistan (Sunni). Ngọn lửa xung đột giữa phái Sunni và Shiite bộc phát ở Iraq, Pakistan. Ở Bahrain đa số dân là Hồi Giáo Shiite trong khi vua và giới cầm quyền là tín đồ Hồi Giáo Sunni.

Afghanistan là quốc gia rộng lớn, kinh tế nghèo nàn, khí hậu khắc nghiệt. Nhưng đó là nơi chôn vùi tên tuổi của các đạo quân lừng danh như quân của Alexander Đại Đế xứ Macedonia, Genghis Khan, quân viễn chinh Anh, Liên Sô, Hoa Kỳ và NATO. Chiến tranh Afghanistan không đẫm máu như chiến tranh Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam Hoa Kỳ có vẻ cô đơn ngoại trừ các đoàn quân tượng trưng của Thái Lan, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Nam Hàn (Đại Hàn) và đoàn Dân Sự Vụ Phi Luật Tân. Trong chiến tranh chống khủng bố ở Afghanistan Hoa Kỳ được sự tán trợ của NATO. Người Hoa Kỳ, và trước đó là người Pháp, gọi chiến tranh Việt Nam là chiến tranh dơ bẩn (dirty war) vì nơi nào cũng có thể là bãi chiến trường để chết: chợ búa, rạp hát, nhà hàng, trường học, nhà thờ, chùa chiền, quán nước vệ đường, tiệm hớt tóc, v.v... Nhưng không có người Pháp hay Hoa Kỳ nào bị những người Việt Nam do họ huấn luyện giết chết ngay tại thủ đô như Taliban và lính của Karzai đã làm với các quân nhân Hoa Kỳ và NATO. Hoa Kỳ can dự vào chiến tranh Việt Nam đến tám năm (1965 - 1973) và can dự vào chiến tranh Afghanistan mười hai năm tính đến 2013. Đó là một cuộc chiến tranh quá dài đối với sự kiên nhẫn của người Hoa Kỳ. Viễn ảnh chiến thắng chưa thấy rõ ràng. Các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa chưa đầy đủ để thấy viễn ảnh chiến thắng.

Thiên thời: khí hậu khắc nghiệt, khi thì nóng bức như sa mạc, khi thì băng giá.

Địa lợi: nhiều núi non hiểm trở. Việc tiếp quân lương, quân nhu, quân cụ dễ bị phục kích ở những đoạn đường đèo hiểm trở.

Nhân hòa: dân chúng có thể không ưa thích Taliban nhưng họ sợ và ít nhiều cũng tán đồng sự đối kháng ngoan cường của nhóm nầy trước ngoại nhân. Taliban dùng khủng bố và con tin để biến quân sĩ của chánh quyền Kabul trở thành nội ứng hay tình báo của họ. Họ bám vào các bộ lạc dọc theo biên giới rừng núi để sống, hoạt động và được sự che chở của dân. Nếu bị oanh tạc, họ cho dư luận thế giới biết là phi cơ Hoa Kỳ và NATO bắn giết thường dân vô tội! Một số khá lớn dân Afghanistan sống bằng việc trồng cây thẩu để sản xuất á phiện. Việc chặt phá cây thẩu va chạm đến quyền lợi của những nông dân sống bằng nghề nầy từ nhiều đời. Đây là một vấn đề tế nhị giống như việc đốn chặt cây coca ở Bolivia đụng chạm đến quyền lợi và văn hóa truyền thống của thổ dân ở đó.

Yếu tố văn hóa, quốc gia và chủng tộc đều bất lợi cho Hoa Kỳ và NATO. Chánh quyền Karzai còn yếu kém chưa đủ sức đảm bảo an ninh cho dân chúng Afghanistan khi bị Taliban khủng bố. Khách quan mà nói chánh quyền của tổng thống Karzai rất bấp bênh trước đoàn quân Taliban hung hăng và thiện chiến khi quân đội Hoa Kỳ và NATO rời khỏi Afghanistan năm 2013 (các nước NATO) và 2014 (Hoa Kỳ). Hy vọng rằng Kabul năm 2014 không phải là Sài Gòn năm 1975 mặc dù quân đội của Karzai không thể so sánh với quân đội VNCH về quân số và kỹ thuật tác chiến.

Bò ngã nhiều gã cầm dao.

Hai gã cầm dao ở gần Afghanistan là Iran (Shiite) và Pakistan (Sunni). Gã thứ ba có vẻ mập mạnh, cầm dao to và túi đầy tiền. Đó là Trung Hoa Cộng Sản. Có thể ba gã nầy trúng thịt bò độc mà lâm bịnh? Hay giành thịt bò mà đối nghịch nhau?

*

Trờ về Đông Á ta thấy Trung Hoa Cộng Sản đang nắm ưu thế trong vùng. Liên Sô tạo cảnh giậu đổ thì bìm leo khi rút quân ra khỏi Afghanistan (1988). Các nước  Đông Âu vùng lên để thoát khỏi chế độ Cộng Sản (1989). Chỗ dựa của CHXHCNVN bị lung lay. Cộng Sản Việt Nam chịu áp lực quốc tế, nhất là từ phía Trung Hoa Cộng Sản và Hoa Kỳ, phải rút quân ra khỏi Cambodia để tập sống hòa hợp với cộng đồng thế giới, nhưng họ sợ mất quyền hành nên phải phục tùng Trung Hoa Cộng Sản và chấp nhận mọi điều kiện do Beijing đưa ra.

Trung Hoa Cộng Sản mở cuộc Nam Tiến bằng đường biển. Họ tự nhận chủ quyền 80% Đông Hải, tranh chấp biển, đảo với Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Taiwan, Nam Hàn và Nhật Bản. Họ thiết lập vòng đai bao vây Ấn Độ ở Ấn Độ Dương bằng cách viện trợ và bang giao thân thiện với Miến Điện, Sri Lanka, Pakistan. Trung Hoa Cộng Sản mua hàng không mẫu hạm của Ukraine về tân trang. Họ gấp rút đóng nhiều tàu chiến, phi cơ chiến đấu dựa theo kiểu phi cơ chiến đấu mua của Nga và sản xuất nhiều hỏa tiễn để dương oai diệu võ với các nước láng giềng. Họ cho ngư phủ võ trang xâm phạm ngư trường của Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Mã Lai, Brunei để thăm dò phản ứng của các nước nầy. Dần dần họ công bố bản đồ lưỡi bò để xác nhận chủ quyền của họ ở Đông Hải và chòm đảo Senkaku của Nhật. Họ ngụy biện với những bằng chứng vu vơ về chủ quyền của họ ở các vùng nói trên. Có những vùng xa xứ họ thì họ ngầm như muốn nói đến trường hợp Falklands, nơi tranh chấp và xảy ra chiến tranh giữa Anh và Argentina năm 1982. Để minh chứng chủ quyền bằng sức mạnh, họ bắt thuyền đánh cá của ngư dân Quảng Ngải, tịch thu cá, cướp tàu bè và phạt tiền rồi mới thả. Họ hành động như các hải tặc quốc tế. Họ cho tàu hải giám tiến sâu vào hải phận Việt Nam và Phi Luật Tân, ngăn chận các công ty dầu khí ngoại quốc ký kết và khai thác dầu khí trong lãnh hải của các quốc gia nầy. Họ xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa bằng võ lực, lập cơ sở hành chánh, lập hải đăng và đưa dân chúng ra cư trú trên các đảo để tạo một chuyện đã rồi. Đầu năm 2013 họ tiến thêm một bước xa hơn bằng cách cho nhiều tàu bè ra Đông Hải thi hành lệnh khám xét tàu "ngoại quốc" lưu thông trong vùng Lưỡi Bò do họ tự vẽ và tự ban chủ quyền. Họ vẽ Lưỡi Bò trên hộ chiếu bao gồm luôn cả một vùng đất của Ấn Độ. Họ tự ban chủ quyền của họ trên hàng trăm đảo đá, đảo san hô ở phía Tây Thái Bình Dương bất chấp luật pháp quốc tế. Hành động ngang ngược nầy giống như việc sát nhập Sudetenland của Tiệp Khắc vào Đức mà Hitler đã làm với sự chấp thuận thầm lặng của Anh và Pháp (1938).

Sự đe dọa của Trung Hoa Cộng Sản ở Đông Nam Á làm cho Nga, Hoa Kỳ và Anh thu được một số tiền to lớn nhờ bán võ khí. Các nước ASEAN đặt mua tàu chiến, tiềm thủy đĩnh, phi cơ, hỏa tiễn. Taiwan sợ Trung Hoa Cộng Sản tấn công để hoàn thành việc thống nhất lãnh thổ sau khi thu hồi Hong Kong và Ma Cao từ Anh và Bồ Đào Nha. Phi Luật Tân kỳ vọng vào hiệp ước an ninh Hoa Kỳ-Phi Luật Tân năm 1951 mặc dù nữ tổng thống Aquino từng thúc giục Hoa Kỳ rời khỏi Subic Bay vào thập niên 1990. Mã Lai, Brunei, Singapore và Indonesia đều mua thêm tàu bè, phi cơ và võ khí. Để đánh ai? Chưa rõ hay đã rõ, nhưng chưa dám nói vì có đánh cũng chỉ biết thua mà thôi. Năm 2010 ngoại trưởng Hoa Kỳ xác định có quyền lợi trên Biển Đông nhưng Hoa Kỳ luôn luôn nhấn mạnh họ đứng ngoài các cuộc tranh chấp về biển đảo giữa các quốc gia tranh chấp. Lời tuyên bố của bà Hillary Clinton và bộ trưởng Quốc Phòng Panetta có đủ sức ngăn chận tham vọng của Beijing không? Hay đó là một lời mời thành viên để lập liên minh tân SEATO (South East Asia Treaty Oraganisation) ngăn chận sự bành trướng của Trung Hoa Cộng Sản trên đường Nam Tiến và Tây Tiến.

Về địa lý chiến lược, Việt Nam đóng một vai trò vô cùng quan trọng vì Việt Nam là quốc gia đông dân cư, tương đối thiện chiến trên lục địa Đông Nam Á và có biên giới chung với lục địa Trung Hoa. Việt Nam hướng ra Thái Bình Dương ở phía Đông và Ấn Độ Dương (Vịnh Thái Lan) ở phía Tây Nam. Đó là giao điểm của cuộc Nam Tiến của Trung Hoa Cộng Sản và cuộc Đông Tiến của Ấn Độ. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ đều quan tâm đến Việt Nam mặc dù hiện nay Việt Nam là một nước Cộng Sản nằm trong quĩ đạo của Trung Hoa Cộng Sản. Họ đang bị ràng buộc bởi Bốn Tốt và 16 Chữ Vàng.

Trong thời kỳ đất nước qua phân ở miền Bắc có hai khuynh hướng Cộng Sản: khuynh hướng thân Liên Sô và khuynh hướng thân Trung Hoa. Hồ Chí Minh thuộc khuynh hướng thân Liên Sô. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có liên hệ ngoại giao mật thiết với Ấn Độ. Hồ Chí Minh và Nehru quen biết nhau từ năm 1928. Trong chiến tranh Việt-Pháp Ấn Độ luôn luôn ủng hộ tinh thần cho chánh phủ Hồ Chí Minh. Bang giao tốt đẹp giữa VNDCCH với Ấn Độ vẫn duy trì mặc dù Trung Hoa Cộng Sản có thái độ thù nghịch đối với Ấn Độ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Liên Sô và CHNDTQ rạn nứt từ năm 1957. Cả hai nước Cộng Sản to lớn từng đánh nhau trên đảo Damansky mà Trung Hoa gọi là Chen Pao (Chân Bảo) năm 1969. Liên Sô củng cố bang giao thân thiện với Ấn Độ

Trường Chinh, Nguyễn Sơn, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, Hoàng Quốc Việt,... là những người Cộng Sản Việt Nam thuộc khuynh hướng Maoist. Năm 1956 Trường Chinh mất chức tổng bí thơ đảng Lao Động Việt Nam nhưng ông vẫn là nhân vật thứ ba trong Bộ Chánh Trị vì số đảng viên thuộc khuynh hướng Maoist ở miền Bắc rất đông. Đa số họ hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa từ thời Pháp thuộc. Vả lại trong chiến tranh Việt-Pháp Việt Minh nhận nhiều viện trợ và cố vấn chánh trị từ Trung Hoa Cộng Sản. Chánh ủy các cấp đảng đều là những đảng viên thuộc khuynh hướng Maoist. Mặc dù Trường Chinh không còn lãnh đạo đảng Lao Động Việt Nam, khuynh hướng Maoist lấn át ở miền Bắc và trên chiến trường miền Nam. Nguyễn Chí Thanh là chánh ủy Trung Ương Cục Miền Nam (mất năm 1967). Năm 1967 Hồ Chí Minh được Liên Sô cấp Huân Chương Lenin nhân kỷ niệm 50 năm Cách Mạng Tháng Mười do Lenin lãnh đạo thành công. Ông khéo léo khước từ không dám nhận vì sợ phật lòng Mao Xedong (Mao Trạch Đông). Từ năm 1971 Hà Nội ngã hẳn theo Liên Sô để nhận xe tăng và hỏa tiễn phòng không để đương đầu với các oanh tạc cơ của Hoa Kỳ ở miền Bắc và và để xua quân tấn công vào Quảng Trị, Đông Hà, Kontum, An Lộc năm 1972. Sau khi chiếm được miền Nam, Lê Duẩn dựa hẳn vào Liên Sô chống lại Deng Xiaoping và bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Hiện nay khuynh hướng thân Liên sô trước kia đều bị loại ra khỏi chánh quyền ngoại trừ Phạm Bình Minh, con trai của Nguyễn Cơ Thạch. Nga vừa bán võ khí cho Trung Hoa Cộng Sản vừa bán võ khí cho CHXHCNVN cùng luôn miệng lên tiếng rằng họ đứng ngoài các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Khuynh hướng thân Hoa Kỳ chắc chắn cũng hình thành trong bí mật.

Cộng Sản Việt Nam lọng cọng trước sự đe dọa của Trung Quốc. Họ không có hành động cụ thể nào để bảo vệ ngư dân, chủ quyền đảo của quê hương, cũng không có một lời lên tiếng trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Họ có nhiều kinh nghiệm với Nga và biết một ít kinh nghiệm về Hoa Kỳ qua những diễn biến chánh trị ở miền Nam Việt Nam trước kia. Kết thân với Ấn Độ? Ấn Độ là quốc gia đông dân đang trên đà phát triển và có quan hệ ngoại giao mật thiết từ lâu. Triết lý bất bạo động (ahimsa) được người Ấn Độ sủng ái sẽ giúp ích gì cho việc ngăn chận cuộc Nam Tiến và Tây Tiến của Trung Hoa Cộng Sản? Việc thủ tướng Abe thăm viếng Việt Nam và tặng tàu cho Phi Luật Tân có một ý nghĩa chánh trị đặc biệt. Việc Nhật Bản gia tăng ngân sách quốc phòng, tập trận giữa đảo và việc phi cơ và tàu bè Trung Hoa Cộng Sản xâm nhập vòm trời và vùng biển của Nhật cho thấy tình hình rất căng thẳng. Có lẽ lần nầy Trung Hoa Cộng Sản mở đầu cho cuộc thử sức quân sự với Nhật bằng phi cơ, tàu chiến và võ khí do chính Trung Hoa Cộng Sản sản xuất. Khác với các nước ASEAN, Nhật là quốc gia khả dĩ đương đầu với Trung Hoa Cộng Sản mặc dù từ năm 1945 đến nay Nhật không được phép tái võ trang và không có quân đội. Dân Nhật bây giờ được xem như "già nua". Nhưng không vì thế mà thuật chỉ huy và tinh thần chiến đấu của họ suy giảm. Năm 1894 họ đánh bại Trung Hoa trên bán đảo Triều Tiên và năm 1904 họ đánh bại Nga ở Mãn Châu không phải nhờ số đông hay nhiều võ khí mà nhờ sự chỉ huy quân sự khéo léo, tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân sĩ và việc xử dụng võ khí Tây Phương điêu luyện. Năm 1905 đô đốc Togo chỉ huy Hải Quân Nhật đập tan hạm đội Nga trong vòng 35 phút. Lúc ấy họ tập tễnh học hỏi kỹ thuật Tây Phương. Không lẽ bây giờ họ xa lạ với kỹ thuật mới trong khi hãng điện tử kỹ nghệ cơ khí của họ được toàn thế giới hưởng ứng và khâm phục?

Một mặt Việt Nam tỏ ra hàng phục Trung Hoa Cộng Sản. Mặt khác họ tìm cách giao tiếp với những quốc gia mà Trung Hoa Cộng Sản không ưa thích như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ. Có phải chăng họ được Beijing cho phép hành sử như vậy để trấn an dư luận trong nước và để Beijing tìm hiểu các nước bị họ liệt vào loại đối nghịch qua quốc gia vệ tinh? Công an Cộng Sản Việt Nam tận tình trấn áp những người biểu tình vì thể hiện lòng yêu nước. Sự tận tụy đàn áp ấy đã giúp cho Công An Việt Nam có người chỉ huy là tướng bốn sao và gần đây có hàng chục tướng công an được thăng chức. Hàng loạt tướng công an được thăng chức cho thấy công an đàn áp những người đối kháng sự xâm lăng và ngang ngược của Trung Hoa Cộng Sản hữu hiệu. Beijing rất hài lòng về họ.

Trung Hoa Cộng Sản đang phát động chiến tranh từ Đông Bắc Á đến Đông Nam Á. Thời cơ thuận lợi cho họ vì các quốc gia dân chủ Tây Phương trong tình trạng khủng hoảng tài chánh nghiêm trọng. Hoa Kỳ cũng không ngoại lệ. Trong đệ nhị thế chiến Anh, Pháp, Liên Sô và Hoa Kỳ cùng các nước Âu Châu phải mất gần sáu năm mới đánh bại Đức. Nước Đức thời Hitler so với Trung Hoa Cộng Sản bây giờ quá nhỏ về diện tích, dân số lẫn tiềm năng kinh tế và quân sự. Thời Hitler Hoa Kỳ bị khủng hoảng kinh tế 1929 - 1930 nhưng không nợ và chưa biết thất bại ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Trung Hoa Cộng Sản còn được thêm một thuận lợi khác về nhân sự gốc Hán sống khắp nơi trên thế giới nhưng tập trung nhiều ở Đông Nam Á. Nhiều nhà lãnh đạo ở các quốc gia Đông Nam Á mang huyết thống Hán. Kinh tế các nước Đông Nam Á bị Hoa kiều và Beijing chi phối. Vì có nhân sự khắp thế giới, sự hiểu biết về tập tục, ngôn ngữ, văn hóa của Trung Hoa Cộng Sản đối với các nước láng giềng rốt ráo hơn các nước Tây Phương. Nghệ thuật dùng văn hóa "hối lộ", "mỹ nhân", "hù dọa", "hủ hóa" bằng Danh Lợi, Quyền Lực và Tứ Đổ Tường của họ rất tinh vi và hữu hiệu. Trung Hoa là quê hương của tướng số nên sự nghiên cứu về những ưu khuyết điểm của con người của họ tương đối hoàn hảo để ứng dụng vào thực tế chánh trị.

Sự khôn ngoan nào cũng bị sự tham lam lấn át khiến nó trở thành sự u tối. Trung Hoa Cộng Sản dù là do Mao Zedong, Deng Xiaoping, Jiang Yangmin, Hu Jintao hay Xi Jinping (Tập Cận Bình) lãnh đạo đều có tham vọng làm chủ thế giới, tóm thu thế giới làm đất của họ hay biến nó thành quốc gia vệ tinh triều cống cho họ. Thái độ kiêu ngạo ấy được bộc lộ rõ ràng trong thập niên qua. Bây giờ đã đến lúc họ phải thực hiện mộng gồm thu thiên hạ của họ. Lửa chiến tranh nhen nhóm từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á. Nếu ngọn lửa thực sự bùng cháy thì nó sẽ diễn ra trên không và trên mặt biển.  Ở Đông Nam Á họ không gặp sự kháng cự nào cả vì không có nước nào liều lĩnh nổ súng trước sự gây hấn của Trung Hoa Cộng Sản để họ có cớ đè bẹp. Trung Hoa Cộng Sản không có nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên không và trên biển nhưng họ sản xuất được phi cơ, tàu chiến, bom đạn, hỏa tiễn. Các nước Đông Nam Á không có kinh nghiệm không chiến, hải chiến, cũng không sản xuất bom đạn, phi cơ, tàu chiến gì cả. Beijing nắm vững tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và quân sự của các nước Đông Nam Á trong khối ASEAN. Họ tách Lào và Cambodia ra khỏi ảnh hưởng của Cộng Sản Việt Nam. Họ thừa sức tạo rối loạn chánh trị ở Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Phi Luật Tân và Mã Lai. Họ chỉ còn lo ngại Hoa Kỳ, một nước có bề ngoài có vẻ dễ hiểu nhưng thực sự họ không đơn giản và dễ hiểu như vậy.

Ở Đông Nam Á Trung Hoa Cộng Sản trở thành võ sĩ đánh không khí.

Ở Đông Bắc Á, Nhật và Trung Hoa Cộng Sản sẽ xung đột nhau vì cả hai đều mắc lời thề với dân mình khi cương quyết giành chủ quyền trên tám đảo đá không người ở, Senkaku, tuy rằng cả hai đều nể mặt nhau và cần nhau về phương diện kinh tế thương mại. Nhật cần tự vệ và giữ phần đảo của mình. Trung Hoa Cộng Sản cần chứng minh sức mạnh của Hán tộc để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng trong một xã hội tham nhũng, bất công với 500 triệu người sống trong mức độ nghèo đói với muôn ngàn mâu thuẫn và nghịch lý khác.

Về phương diện địa lý, chuyện tranh chấp Senkaku, nếu nổ bùng, sẽ liên hệ đến Nam Hàn (có Hoàng Hải là phần biển chung với Trung Hoa Cộng Sản), Taiwan (Đài Loan gần Senkaku), Hoa Kỳ (có quân đội ở Nam Hàn và Okinawa). Để có điểm tựa Taiwan có thể bị Trung Hoa Cộng Sản tấn công và chiếm giữ. Khi Taiwan bị tấn công, chắc chắn Nhật và Hoa Kỳ không thể nào ngồi yên. Nếu Nhật bị Trung Hoa Cộng Sản tấn công mà Hoa Kỳ làm ngơ thì hiệp ước an ninh và hợp tác hỗ tương Nhật-Hoa Kỳ năm 1951 và 1960 chỉ là tờ giấy có chữ mà không có nghĩa. An ninh quân sĩ Hoa Kỳ ở Okinawa, Nam Hàn không bảo đảm. Nếu Trung Hoa Cộng Sản làm chủ Tây Thái Bình Dương thì Đông Thái Bình Dương cũng không thể yên ổn được. Thế là Hoa Kỳ tham chiến. Sự tham chiến của Hoa Kỳ lúc nào cũng chậm trễ vì cần chuẩn bị dư luận trong và ngoài nước đầy đủ để có nhiều đồng minh. Trong đệ nhất thế chiến Hoa Kỳ tham chiến vào năm 1917 tức ba năm sau khi chiến tranh bùng nổ. Trong đệ nhị thế chiến Hoa Kỳ tham chiến vào đầu năm 1942, tức gần ba năm sau khi Hitler tấn công và chiếm Ba Lan mở đầu cho đệ nhị thế chiến.

Bức tranh chiến tranh Đông Nam Á tạm phác họa như sau:

1- Về phía phe gây hấn có Trung Hoa Cộng Sản. Bắc Hàn và Cộng Sản Việt Nam (có thể) là hai đồng minh của Trung Hoa Cộng Sản.

2- Về phía phe bị tấn công: Nhật, Nam Hàn, Hoa Kỳ, Taiwan (Đài Loan), Ấn Độ, Úc Đại Lợi, vài quốc gia ASEAN (?), Anh, Pháp (?), v.v…

Nga chưa vội nhập phe. Trong thâm tâm họ không ưa thích gì Trung Hoa Cộng Sản ngay trong thời gian hai nước đều theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Sự vượt trội của Trung Hoa Cộng Sản có hại cho họ nhiều hơn là sự vượt trội của Hoa Kỳ. Đó là quốc gia láng giềng từng có liên hệ lịch sử không mấy tốt đẹp với Nga và từng xung đột đẫm máu với họ năm 1969 trên sông Hei Long Jiang (Hắc Long Giang).

Chiến tranh không chỉ giới hạn ở Tây Thái Bình Dương mà còn lan rộng sang Ấn Độ. Vai trò của Pakistan vẫn lập lờ như cũ (bề ngoài thân Hoa Kỳ, bên trong mật thiết với Trung Hoa Cộng Sản vì thù ghét Ấn Độ).

Chúng ta thấy những lợi điểm của Trung Hoa Cộng Sản trong những trang trước, bây giờ chúng ta ghi nhận những điều thất lợi của họ trong trường hợp chiến tranh bùng nổ:

a- Họ không được dư luận quốc tế hưởng ứng với thái độ ngang ngược và hung hãn của họ. Sự gây hấn của Trung Hoa Cộng Sản chỉ đưa họ vào thế cọp lẻ chống cáo bầy mà thôi.

b- Về quân sự Trung Hoa Cộng Sản có lượng nhưng không có phẩm. Khả năng đánh thắng Nhật và Hoa Kỳ rất nhỏ. Kỹ thuật không chiến hay hải chiến của họ còn non trẻ. Phi cơ, tàu chiến, võ khí của Trung Hoa Cộng Sản không lợi hại bằng phi cơ, tàu chiến và võ khí của Hoa Kỳ, Nga và Nhật Bản.

c- Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào người gây hấn cũng thắng trước vì họ chuẩn bị chiến tranh trong khi quốc gia bị tấn công còn sơ hở. Trong đệ nhị thế chiến Nhật từng quét ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân; của Anh ở Hong Kong, Miến Điện, Mã Lai, của Pháp ở Việt Nam, Cambodia, Lào; của Hòa Lan ở Indonesia, nhưng không đến năm năm sau thì họ bị thảm bại.

Trung Hoa Cộng Sản bây giờ không đủ khả năng như Nhật đã làm trong đệ nhị thế chiến. Nội tình của Nhật vào những năm 1944, 1945 tương đối ổn định và trật tự mặc dù quân đội Nhật suy yếu và bị Đồng Minh đánh bại ở nhiều nơi. Nội tình của Trung Hoa Cộng Sản rối ren và không ổn định ngay trong lúc họ có nền kinh tế hạng nhì trên thế giới, làm bom nguyên tử, đóng tàu ngầm, làm phi cơ tàng hình, phóng vệ tinh nhân tạo, sản xuất hỏa tiễn, v.v... Giữa những người lãnh đạo Cộng Sản Trung Hoa cũng có những tranh chấp ngấm ngầm hoặc bộc phát. Dân chúng Trung Hoa chỉ thấy xã hội mà họ sống có nhiều mâu thuẫn, nghịch lý và thối nát hơn cả xã hội thời Cộng Hòa Bắc Dương (1912 - 1928) và chánh phủ Quốc Dân Đảng (1928 - 1949). Càng mỉa mai hơn là đời sống của người Trung Hoa từ Cách Mạng Tân Hợi (1911) đến nay không thể so sánh với đời sống của người Trung Hoa ở Ma Cao và Hong Kong dưới sự quản trị của người Bồ Đào Nha và người Anh.

Chế độ chuyên chính vô sản sinh ra hàng loạt đảng viên Cộng Sản có hàng tỷ Mỹ Kim và vô số tài sản, tiền bạc ở nước ngoài. Dân nghèo bị chánh quyền địa phương cướp giựt đất. Trí thức đòi tự do. Tân Cương (Sinkiang), Tây Tạng (Tibet) đòi tự trị, chống chánh sách Hán hóa và chánh sách tiêu diệt văn hóa cổ truyền của họ. Nội Mông và Mãn Châu sẽ theo gương Tân Cương và Tây Tạng để có những đấu tranh tương tự. Khu tự trị người Choang (Zhoang) ở Guangxi (Quảng Tây) và người Hồi ở Yunnan (Vân Nam) cũng không ngồi yên. Tỉnh Guangdong (Quảng Đông), sinh quán của Sun Yat-sen (Tôn Dật Tiên), người khai sinh ra Dân Quốc Trung Hoa và Quốc Dân Đảng với Tam Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I) luôn luôn tự hào với địa phương và tiếng nói của mình như là một sự đối kháng với văn hóa miền Hoa Bắc, nơi phát sinh ra đảng Cộng Sản Trung Hoa và tiếng Quan Thoại.

Trung Hoa Cộng Sản giống như một người to lớn, nặng cân, nhưng có thể có đủ loại vi trùng khác nhau chưa có thuốc trị. Người ấy không thể là người khỏe mạnh được. Đó là những yếu tố dẫn đến sự bại vong của Trung Hoa Cộng Sản vậy.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2013