Hoàng Giang


Aboutaleb và Obama: Hai người hai khuôn mặt

Ahmed Aboutaleb, Thị trưởng Rotterdam từ 01/01/2009 Barrack Obama, Tổng thống Hoa Kỳ từ 20/01/2009

 

Vào ngày 05/11/2008 thế giới đã ghi nhận một sự kiện lịch sử: Lần đầu tiên một người da đen được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ, quốc gia hiện được coi là số 1 trên thế giới.

Thực là một tin gây chấn động toàn cầu. Hàng tỉ người theo dõi những chuyển biến của cuộc vận động tranh cử, rồi kết quả vừa công bố, nhanh chóng, nó đã tạo thành một làn sóng vui mừng trong giới da màu. Barrack Obama chứng tỏ cho cả thế giới thấy một qui tắc sinh hoạt ở Hoa Kỳ: nếu bạn có thực tài, bạn có thể làm được mọi chuyện. Những nước hiện sống dưới chế độ độc tài, quân phiệt, những nước còn vương quyền bị bỏ xa lắc về qui cách sinh hoạt dân chủ và bình đẳng.

Trước đó không lâu, dân chúng Hòa Lan đã ‘gặp sốc' khi nghe tin một người Maroc sẽ được bổ nhiệm vào chức vụ Thị trưởng Rotterdam, thành phố lớn thứ hai, sau Amsterdam: Ahmed Aboutaleb, hiện đang giữ chức vụ Thứ trưởng Xã Hội và Công Ăn Việc Làm. Ông sẽ nhận chức Thị trưởng Rotterdam vào ngày 01/01/2009.

Tuy ông Aboutaleb không phải là Thị trưởng người ngoại quốc đầu tiên ở Hòa Lan (người có gốc ngoại quốc đầu tiên được bổ nhiệm làm Thị trưởng ở Hòa Lan là ông Roy Ho Ten Soeng, người gốc Trung quốc, sinh tại Suriname. Ngày 01/01/2000 ông được bổ nhiệm làm thị trưởng Venhuizen, một làng nhỏ với 2500 dân), tin ông Ahmed Aboutaleb được chọn làm Thị trưởng Rotterdam cũng được dân da màu ở Hòa Lan, nhất là những sắc dân theo Hồi giáo, đón nhận một cách tưng bừng chẳng khác khi nghe tin Obama đắc cử tổng thống Hoa Kỳ bao nhiêu.

Những sự kiện trên đã cho thấy một sự đóng góp ngày càng nhiều của những người ‘da đậm màu' trong những xã hội từ trước đến nay do người da trắng chi phối, qua mấy thế kỷ chiếm đất làm thuộc địa ở các quốc gia ngoài Âu châu. Ước mơ mà mục sư Martin Luther King nói ra ngày 28/08/1963 (Tôi có một giấc mơ là bốn đứa con nhỏ của tôi một ngày sẽ được sống ở một quốc gia trong đó người ta không bị đánh giá bằng màu da mà được đánh giá qua cá tính của họ) đã trở thành hiện thực chỉ trong vòng 45 năm. Một sự đóng góp không còn nằm trong lãnh vực kinh tế, mà đã sang đến lãnh vực chính trị, tức là chính thức nói lên tiếng nói tranh đấu cho quyền lợi của khối người da màu, hay nói đúng hơn, tranh đấu cho một sự tiến tới bình đẳng không lệ thuộc màu da.

Hai người đồng tuổi (Obama sinh ngày 04/08/1961, Aboutaleb 29/08/1961) và cùng có một tuổi thơ được trui rèn qua nhiều phấn đấu và sóng gió. Cha mẹ Obama ly dị lúc ông lên ba tuổi, sau đó mẹ ông tái giá với Lolo Soetoro, một người Indonesia, ông theo gia đình về sống ở Jakarta cho tới năm lên 10 thì trở lại quê mẹ là Hawaii. Mẹ ông sau đó cũng ly dị người chồng mới và trở về quê nhà. Aboutaleb là con của một vị trưởng giáo, sinh ở vùng núi đá phía bắc Maroc (Rif-geberte, nơi đa phần dân chúng có trình độ học vấn và xã hội thấp). Năm 15 tuổi, ông theo mẹ và anh em đến định cư ở Hòa Lan, bắt đầu học làm thợ (LTS) rồi dần ngoi lên đến cán sự (MTS) và kỹ sư (HTS). Obama thuộc đảng Dân Chủ, Aboutaleb thuộc đảng Lao Động, là những đảng được biết đến qua chính sách mang tính tương trợ xã hội. Trong khi có một số người đặt dấu hỏi về nơi sinh đích thực của ông Obama (người ta cho rằng ông sinh ra ở Kenya chứ không phải ở Honolulu, tức là không hợp lệ để ứng cử tổng thống Hoa Kỳ) thì rõ ràng ông Aboutaleb có hai quốc tịch, vì Maroc không chấp nhận cho công dân của họ bỏ quốc tịch, tức là trên nguyên tắc (luật pháp, tinh thần và tôn giáo) ông phải phục vụ cho cả hai quốc gia Hòa Lan và Maroc!!!

Tuy thế, giữa Obama và Aboutaleb không phải là không có nhiều khác biệt. Khác biệt lớn nhất là trong giai đoạn chót của cuộc vận động tranh cử, và kể từ sau khi đắc cử, Obama lúc nào cũng nhấn mạnh và lập đi lập lại từ ‘Thay đổi' (Change). Chúng ta phải thay đổi lối suy nghĩ, thay đổi hành động. Ông đã hứa sẽ đóng cửa trại giam Guantanamo Bay ở Cuba nơi đã gây nhiều tai tiếng cho Hoa Kỳ qua những hành xử vô nhân đạo nhằm ép cung những ai bị nghi ngờ có hành động khủng bố. Ông cũng cho người ta thấy rõ một chính sách đặt nặng đối thoại với những ‘kẻ thù'. Ông đã bổ nhiệm một đội ngũ nhân sự hùng hậu thuộc nhiều thành phần, trong đó ta có thể kể đến bà Hillary Clinton, một cựu đối thủ chính trị của ôngtrong chiến dịch vận động đảng Dân Chủ chọn ứng viên tổng thống.

Trong khi Obama liên tiếp cho ra những dự tính táo bạo, Aboutaleb dường như mang dáng vẻ một chính trị gia ‘sống lâu lên lão làng'. Người ta bắt đầu biết nhiều đến ông từ sau vụ ám sát Theo van Gogh vào tháng 11/2004 do Mohammed Bouyeri, một người Hòa Lan gốc Maroc. Aboutaleb đã cố gắng dùng uy tín của ông trong cộng đồng người Maroc ở Hòa Lan để giữ cho cuộc xung đột không trở thành một làn sóng thanh toán và khủng bố giữa khối Hồi giáo và những kẻ cuồng tín cực hữu đang có nguy cơ bùng nổ lúc đó. Ông là thành viên của nhiều ủy ban và tổ chức có sinh hoạt trong lãnh vực xã hội và văn hóa, nhưng giữ vai phụ nhiều hơn. Về xã hội, ông cũng có một số biện pháp cải tổ, nhưng không thu hút được nhiều chú ý, ngoài những chỉ trích. Kể từ khi tin ông sẽ trở thành Thị trưởng Rotterdam loan ra, cho tới nay, sau gần 2 tháng, chưa thấy ông hé mở một ý kiến nào về một đường lối cải tổ. Dĩ nhiên Rotterdam không thể so sánh với Hoa Kỳ, hiện nay đang chìm sâu trong cơn suy trầm kinh tế, nhưng Rotterdam cũng là nơi đang có nhiều tệ nạn xã hội, nhất là dân Maroc ở đó đang bị mang tiếng xấu (ở Hòa Lan có những từ khinh miệt dân gian thường dùng để chỉ dân Maroc như Marokkanse jochies – mấy thằng lỏi Maroc, hay kut Marokkaan – thằng Maroc cà chớn). Ở Hòa Lan có những chiến dịch của cảnh sát cũng đặc biệt nhắm vào đối tượng ‘có ngoại hình Maroc', điển hình là chiến dịch ‘Lord of the Ring' chặn toàn bộ xe scooter trong suốt 4 ngày đầu tháng 12 ở Amsterdam để kiểm soát tình trạng hợp pháp của xe và người lái. Trong hoàn cảnh đó, những biện pháp cải tổ xã hội của ông Aboutaleb trong thời gian cuối còn trong chức vụ hiện tại lắm khi mang lại sự bất mãn nơi những người trong những bực thang dưới của xã hội. Ngay cả rất nhiều người Maroc đang sống ở Hòa Lan cũng không đồng ý với những gì Aboutaleb đang (và như một sự suy diễn nối dài, là sẽ) làm cho họ. Cố gắng cải thiện sự giao tiếp giữa hai khối (khối Hồi giáo và khối không Hồi giáo) đương nhiên phải đặt trên căn bản tương nhượng lẫn nhau, nhưng chính vì thế mà người gốc Maroc nói riêng và nhiều người da màu đã có cảm giác họ bị lấn áp.

Sự thiếu vắng những sôi nổi sau hiện tượng Aboutaleb ở Hòa Lan có lẽ thể hiện phần nào tính trầm lắng của người Hòa Lan, khác với xã hội Hoa Kỳ. Không ồn ào, không cần có một khẩu hiệu để cho giới truyền thông có cớ để theo dõi và đăng tin. Sự thực quốc gia Hòa Lan quá nhỏ để có thể có một sự ồn ào. “Cứ làm như bình thường đi, bạn cũng đã làm đủ chuyện khùng điên rồi”, người Hòa Lan đã có câu như thế (Doe maar normaal, dan doe je gek genoeg). Aboutaleb phải chăng đã thấm được văn hóa ấy?

Ngoài những nét tương đồng và dị biệt kể trên, nếu khách quan mà xét chúng ta cũng thấy một sự kiện nổi bật, là từ cả hai ông, chưa có một biện pháp nào mang tính thiên vị đem phần lợi một cách bất công đến cho dân da màu và cho quốc gia gốc của họ. Điều này những người Việt Nam ở hải ngoại có lẽ cũng nên biết để rút ra bài học là không nên kỳ vọng quá nhiều ở những vị dân biểu gốc Việt là họ sẽ tranh đấu cho cộng đồng người Việt hay tranh đấu cho một nước Việt Nam theo đường lối một số người Việt muốn.

 

Hoàng Giang
(12/2008)

 


Cái Đình - 2008 .