VOA


Thành quả của người Việt ở Hoa Kỳ

Phỏng vấn Tiến sĩ Ðoàn Viết Hoạt

do đài VOA thực hiện
ngày 01/06/2004

Tại Hoa Kỳ, tháng 5 là tháng dành để vinh danh những đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương vào sự phát triển chung của nước Mỹ, làm phong phú và đa dạng thêm đời sống mọi mặt của quốc gia được mệnh danh là đất nước của những di dân này. Nhân dịp này, Ban Việt ngữ đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã phỏng vấn Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt về những thành quả của cộng đồng người Việt nam sau 30 năm sinh sống ở Hoa Kỳ. Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt là một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng, và những hoạt động cho nhân quyền và tự do dân chủ tại Việt Nam sau năm 1975 đã khiến ông bị chế độ mới cầm tù nhiều năm. Những nỗ lực đó cũng mang lại cho ông nhiều giải thưởng về nhân quyền của Hoa Kỳ và quốc tế. Năm 1998, ông được nhà cầm quyền cộng sản trả tự do và sang định cư tại Hoa Kỳ.


VOA: Thành công của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ là một thực tế đã được mọi người công nhận. Ngay trong thế hệ đầu tiên, những người Việt đến đất nước này, phần lớn với hai bàn tay trắng, chẳng những đã ổn định được đời sống cho chính mình, và tạo được điều kiện cho thế hệ kế tiếp hội nhập thuận lợi vào đồi sống chính mạch, mà còn có tích lũy để gửi về giúp thân nhân ở Việt Nam mỗi năm 3- 4 tỷ đô-la. Thưa Tiến sĩ Hoạt, theo ông những thành công đáng kể nhất của cộng đồng này là gì?


Đoàn Viết Hoạt:
Theo tôi thì phải xét nó trên thời gian của cộng đồng, từ 1975 cho tới giờ cũng là gần 30 năm rồi, coi như là 30 năm. Tôi thấy có 3 lĩnh vực mà cộng đồng người Việt hải ngoại tại Mỹ đã đạt được, mỗi lãnh vực như vậy có một thời gian và tính chất khác nhau một chút. Lãnh vực thứ nhất là lãnh vực về chính trị, thì cộng đồng người Việt hải ngoại sở dĩ thành hình chính là vì tỵ nạn chế độ Cộng sản, bỏ chạy sang Hoa Kỳ và nhiều nơi khác sau năm 1975. Cho nên hoạt động mạnh nhất và nổi bật nhất của người Việt tỵ nạn là hoạt động chính trị, tức là đấu tranh liên tục từ sau 1975 tới giờ cho một nước Việt Nam tự do, không có chế độ Cộng sản. Do đó cái tính chất chính trị này nổi bật nhất, ngay bây giờ vẫn còn.

Tuy nhiên có một lãnh vực thứ hai, tạm gọi là lãnh vực văn hóa, thì người Việt tỵ nạn cũng đã hoạt động rất nhiều và rất mạnh trong lãnh vực này. Nó đã hình thành dưới hai hình thức: Hình thức thứ nhất là những hoạt động mà ta tạm gọi là những hoạt động của các tổ chức bất vụ lợi NGO, những hoạt động có tính cách của một xã hội dân sự, mang hình thái một xã hội dân sự. Chúng ta thấy rất nhiều những hình thức hoạt động như hội ái hữu, những hoạt động về văn nghệ, học thuật, những nhà xuất bản, báo chí, tạp chí. Có thể nói là khắp nơi, bất cứ nơi nào có cộng đồng là đều có những hoạt động này. Rồi đến những hoạt động thuộc về lãnh vực như là văn hóa, nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt, duy trì tiếng Việt cho các thế hệ trẻ. Tôi nghĩ đây là những hoạt động cũng khá là mạnh, khá là rộng ở khắp nơi, và thường thường là nó chìm hơn những hoạt động về chính trị. Nhưng mà tôi nghĩ nó càng ngày càng có tác dụng tốt.

Cái lãnh vực thứ ba là lãnh vực mà tôi tạm gọi là lãnh vực đời thường. Thực sự nó không phải là hoạt động, nhưng mà chính sự hiện diện của người Việt tại nước Mỹ và làm cho đời sống mang tính chất Việt càng ngày ảnh hưởng lên đời sống Mỹ, mà cụ thể nhất là chúng ta thấy ba mặt. Mặt thứ nhất là ngôn ngữ Việt vẫn còn tồn tại ở nước Mỹ, đặc biệt là những nơi đông người Việt như là California . Thứ hai là lãnh vực về văn hóa, văn học, nghệ thuật, người Mỹ cũng bắt đầu hiểu biết đến những hoạt động văn nghệ của Việt Nam. Và cái thứ ba là cái có thể nói là người Mỹ đã biết rõ nhất là thức ăn của Việt Nam, chẳng hạn. Thức ăn Việt Nam hiện nay đã trở nên rất là phổ biến ở Mỹ. Đặc biệt là những món ăn như là phở, đã được người Mỹ rất là thích. Tôi nghĩ đấy là cái lãnh vực mà tôi tạm gọi là lãnh vực đời thường, đời sống thường thôi, nó cũng đã đi vào cái dòng chính mạch của Mỹ rồi.
Nếu mà xét cả ba lãnh vực chính trị, văn hóa và đời sống thường ngày, thì trong giai đoạn đầu lãnh vực chính trị đã nổi bật và bây giờ vẫn nổi bật. Nhưng mà cái lãnh vực về đời thường là cái lãnh vực càng ngày càng đi sâu vào chính mạch Mỹ. Và tôi hy vọng rằng lãnh vực văn hóa sẽ càng ngày càng ảnh hưởng đến chính mạch của Mỹ.


VOA: Cái gì đã làm cho cộng đồng người Việt này đạt được những thành công đó, mặc dù họ đã đến nước Mỹ trong những điều kiện cực kỳ khó khăn của những người tỵ nạn từ một đất nước bị lâm vào cảnh chiến tranh ác liệt trong mấy chục năm trời?


Đoàn Viết Hoạt:
Theo tôi thì có nguyên nhân gần và nguyên nhân xa của nó, hay nguyên nhân hiện đại và nguyên nhân lịch sử. Nguyên nhân gần và có tính cách hiện đại là chuyện tỵ nạn cộng sản. Cộng đồng người Việt ở Mỹ có một đặc điểm khác với các cộng đồng khác, nhất là cái cộng đồng Á châu, là nó được hình thành chính vì biến cố 30 tháng tư 1975--tức là biến cố đã gây ra một chấn động rất là lớn cho Việt Nam nói chung, cho miền Nam nói riêng. Sau đó là chính sách của Cộng sản ở Miền Nam Việt Nam cũng như trên toàn nước Việt Nam đã làm cho hàng triệu người không thể nào sống được và đã phải bỏ nước ra đi. Cái đó là một động cơ rất là lớn, nó thúc đẩy, khi sang được một nước tự do như Mỹ, nó đã làm cho người Việt thấy rằng mình cần phải tồn tạo và đã đem hết sức của mình ra, từ sức lực thân thể đến trí óc của mình, để mà tồn tại. Tôi nghĩ đó là một sức mạnh, và sức mạnh đó đã làm cho cộng đồng người Việt vươn lên rất nhanh chóng, chỉ trong vòng chưa đầy một thế hệ là người Việt đã có chỗ đứng rất rõ ràng và mạnh mẽ ở Mỹ rồi. Đó là nguyên nhân mà tôi tạm gọi là nguyên nhân do thời cuộc hiện đại.

Cái nguyên nhân thứ hai mà tôi nghĩ nó cũng nằm trong thành công này là chính bản thân người Việt. Dân tộc chúng ta một dân tộc rất kiên trì và có nhiều ý chí. Lịch sử dân tộc chúng ta đã trải qua rất nhiều những biến động lớn như 1 ngàn năm lệ thuộc người Tàu, hay những thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh, rồi những thời kỳ chia đôi đất nước năm 1954, cả triệu người từ Bắc vào Nam, và cuối cùng đến 30 tháng tư năm 1975. Tất cả những cái đó cho thấy người Việt chúng ta có một bản chất rất là mạnh, khi gặp biến cố, thì đem sức mình ra để tồn tại, vượt qua tất cả mọi khó khăn. Tôi nghĩ đấy là nguyên nhân sâu xa khiến cho cộng đồng người Việt hải ngoại ở Mỹ đã thành công nhanh chóng, sớm hơn, nhanh hơn. Chúng ta chỉ chưa đầy 30 năm, vẫn còn ở thế hệ thứ nhất, mới bắt đầu có thế hệ 1 rưỡi, và thế hệ thứ hai còn rất trẻ, mà chúng ta đã đạt được những thành công như thế này thì tôi nghĩ cũng có cái nguyên nhân sâu xa đó nữa.


VOA: Trong những năm gần đây, đã có những sự kiện cho thấy cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ đã bắt đầu biết vận dụng sức mạnh kinh tế-xã hội mới xây dựng được của mình để tác động vào đời sống chính trị của nước Mỹ, ít ra cũng là ở cấp quận hạt, thành phố. Tiến sĩ đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của xu thế này?


Đoàn Viết Hoạt:
Nhận xét đó rất đúng. Theo tôi nhận xét, tôi thấy rằng cộng đồng người Việt hải ngoại đã qua được 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tôi tạm gọi giai đoạn của một cộng đồng tỵ nạn cộng sản. Tất nhiên bây giờ vẫn còn cái cộng đồng như thế. Nhưng mà sau 30 năm, cũng đã ra đời một hình thái cộng đồng khác nữa, tức là cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Đại đa số, nếu không nói gần như toàn bộ người Việt ở Mỹ hiện nay là công dân Mỹ, và đặc biệt là những thế hệ trung niên, tức là trên dưới 30- 40, và thế hệ trẻ hơn là trên dưới 20 đã là người Mỹ theo cả hai nghĩa: công dân theo nghĩa luật pháp, và đồng thời cũng là người Mỹ hiểu theo nghĩa là họ đã quen và đã hội nhập được vào cái dòng chính mạch của nước Mỹ trên cả vấn đề tư tưởng, tinh thần, lẫn trên cách hoạt động, sinh hoạt, hành xử ở trong xã hội Mỹ.

Cộng đồng người Mỹ gốc Việt này hiện nay đang lớn mạnh lên và nó đã vào được chính mạch. Chính cái sự lớn mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt nó đã làm cho người Việt tỵ nạn hội nhập được vào dòng chính mạch Mỹ. Chính sự hội nhập đó đã giúp cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt hiện nay có được tiếng nói trong xã hội Mỹ, kể cả về mặt chính trị nữa thí dụ, như chúng ta thấy sự vận động đối với Quốc hội Mỹ về nhân quyền cho Việt Nam và những vận động đặc biệt là cái lá cờ vàng trong dòng chính mạch, tức là lá cờ vàng bây giờ nó có một ý nghĩa khác, là ý nghĩa nó là đại biểu của cộng đồng người thiểu số sắc tộc có tinh văn hóa Việt, đó là cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Lá cờ vàng khi đã trở thành biểu tượng của một cộng đồng trong xã hội Mỹ thì nó sẽ có một chỗ đứng vững vàng hơn và bền vững hơn, và từ đó chúng ta có thể sử dụng như là một biểu tượng của tự do trong cuộc đấu tranh.

Theo tôi, đó là một sự trưởng thành và sẽ đóng góp rất lớn cho tiến trình tới đây, khi mà thế hệ thứ một rưỡi đang đạt được một số thành công trong đủ mọi mặt. Chúng ta thấy cả mặt rất đời thường như anh hề Phan Đạt mà chúng ta thấy đã đạt được giải nhất trong một cuộc thi vừa qua, rồi đến những lĩnh vực như thể thao trong dòng chính mạch Mỹ như Nguyễn Đạt về football, vv và vv . Tôi nghĩ rằng đó là những cái thành công mà cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã đạt được, tức là một bước trưởng thành của cộng đồng người Việt di tản.


VOA: Thưa Tiến sĩ, hình như có một biểu hiện tích cực khác trong bước trưởng thành đó. Với những thành quả vững vàng trên nhiều lãnh vực như thế, trong những năm gần đây cộng đồng người Việt ở Mỹ đã đủ tự tin để nhìn vào chính những mặt còn yếu kém và bất cập của mình để tìm biện pháp cải thiện. Theo tiến sĩ, có những điều cần chấn chỉnh và sửa đổi?


Đoàn Viết Hoạt:
Nhất định là chúng ta, mọi người đều thấy khi quan tâm tới tình hình cộng đồng người Việt hải ngoại ở Mỹ, những khuyết điểm hay những điều bất cập khiến cho cộng đồng chúng ta chưa phát huy được hết cái tiềm năng và sức mạnh thật có của của mình.

Tuy nhiên, trước khi nói đến cái làm thế nào, thì có lẽ cái quan trọng nhất là phải tìm ra được cái nguyên nhân, mà theo tôi thì cái nguyên nhân nó rất đương nhiên, tự nhiên thôi. Bởi vì chúng ta là một cộng đồng khá là trẻ so với những cộng đồng khác ở Mỹ.

Thứ hai là chúng ta phát xuất từ một trường hợp rất là đặc biệt, tức là tỵ nạn cộng sản sau ngày 30 tháng tư 1975. Thứ ba là do đó, thì như tôi vừa trình bày, có 2 hình thái cộng đồng, hay hai cộng đồng cùng tồn tại song song với nhau. Một cái là cộng đồng tỵ nạn cộng sản, và một cái là cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Tôi cho là cái cộng đồng người Mỹ gốc Việt là cái cộng đồng đang lớn lên và trưởng thành và càng ngày càng lâu bền hơn. Còn cái cộng đồng tỵ nạn cộng sản tất nhiên là càng ngày nó sẽ càng ít đi, bởi vì thực sự ra vấn đề tình hình trong nước cũng như tình hình thế giới, và đặc biệt là những cái phong trào đòi dân chủ tự do nó sẽ tiến đến thành công ở trong nước trong cái thời gian mà tôi tin rằng không lâu nữa. Thì tất nhiên là cái cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Mỹ sẽ trở thành một cộng đồng lâu bền và tương lai của người Việt ở tại Mỹ. Do đó nó có một thời kỳ chuyển tiếp, chuyển tiếp từ cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản sang cộng đồng người Mỹ gốc Việt.

Chính cái sự chuyển tiếp đó là một trong những giải pháp để giải quyết những vấn đề khuyết điểm của cộng đồng người Việt tỵ nạn. Bởi vì khi chúng ta tỵ nạn sang đây thì chúng ta phải có rất nhiều vấn đề phải điều chỉnh, trong đó xã hội Việt Nam trước năm 1975 ở Sài gòn, dù nó tự do, đã có một phần nào dân chủ, nhưng chắc chắn là so với xã hội Mỹ, đặc biệt là xã hội Mỹ từ thập niên 80- 90 cho tới bây giờ, là một xã hội càng ngày càng vi tế, tinh tế, về nhiều mặt, có nhiều tiến bộ mà chúng ta cần phải điều chỉnh lắm thì mới có thể hội nhập vào nó được. Do đó, đó là nguyên nhân mà tôi nghĩ là căn bản nhất khiến cho cộng đồng người Việt tỵ nạn gặp rất nhiều khó khăn và rất nhiều vấn đề.

Tuy nhiên, vì cái sự lớn dậy dần dần của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, hiện nay chúng ta đang bắt đầu không những là vừa diều chỉnh được những cái khuyết điểm, mà chúng ta đang bắt đầu bộc lộ ra được sức mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là trong cái giới mà tôi tạm gọi là giới trung niên, tức là 30- 40 tuổi, dưới 50 tuổi, là cái giới mà vẫn có được cả hai cái, một mặt vẫn nối kết được với cộng đồng tỵ nạn, đồng thời lại mở ra vào được cái cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Thì đây là một thành phần trung gian đề chuyển sang một cộng đồng người Mỹ gốc Việt ngày càng vững mạnh hơn. Tôi tin rằng tất cả những khuyết điểm, những yếu kém của cộng đồng người Việt tỵ nạn đang càng ngày được sửa đổi, và sức mạnh của cộng đồng người Mỹ gốc Việt đang càng ngày càng được tăng lên.


VOA: Xin cám ơn Tiến sĩ Đoàn Viết Hoạt.


Cái Đình - 2004