PTTPGGT


Hòa thượng Thích Quảng Độ được trao giải nhân quyền Rafto 2006

 

Hội đồng Chỉ đạo Quỹ Tài trợ Rafto quyết định tặng thưởng năm 2006 Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto cho một trong những người Việt Nam lỗi lạc nhất đã không ngừng bảo vệ dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền: Hòa thượng Thích Quảng Độ . Đoạt giải này, vì suốt ba mươi năm qua Hòa thượng dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc.

Hòa thượng Thích Quảng Độ , một sĩ phu lãnh đạo và là thế lực kết hợp nơi quê hương ngài. Là một Tăng sĩ Phật giáo, học giả và nhà văn, Hòa thượng đem suốt đời mình phục vụ tận tụy cho công lý thăng tiến cũng như tiếp nối truyền thống Phật giáo bất bạo động, khoan dung và từ bi. Thông qua các kiến nghị chính trị, Hòa thượng Thích Quảng Độ mời gọi Nhà cầm quyền tham gia cuộc đối thoại nhằm cải cách dân chủ, tính đa nguyên, tự do tôn giáo, nhân quyền và hòa giải dân tộc. Đây là điều đã tạo nên sức mạnh và phương hướng cho phong trào dân chủ. Vì sự dấn thân này mà Hòa thượng phải trả một giá quá đắt. Tiêu phí mất 25 năm tù đày và hiện nay, vào năm 77 tuổi, Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn còn bị quản chế. Nhưng cũng từ nơi quản chế ấy, Hòa thượng tiếp tục cuộc đấu tranh. Là Viện trưởng Viện Hóa Đạo của một Giáo hội bị cấm đoán là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Quảng Độ được quần chúng Phật tử Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ. Hòa thượng cũng được sự hậu thuẫn rộng rãi của những cộng đồng tôn giáo khác và những cựu đảng viên Cộng sản. Hòa thượng đóng vai trò chủ đạo trong công cuộc hòa hợp những nhà ly khai từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam.

Qua cuộc tặng thưởng hôm nay, Quỹ Rafto mong ước nói lên sự hỗ trợ tất cả những người Việt Nam đang đấu tranh để chuyển hóa ôn hòa sang nền dân chủ. Kể từ tháng tư vừa qua, trên 2000 công dân đã ký tên vào những bản kiến nghị "Kêu gọi cho quyền Tự do lập Đảng" và "Tuyên ngôn cho Tự do Dân chủ Việt Nam". Các bản kiến nghị này đòi hỏi tôn trọng các quyền tự do cơ bản, đa nguyên chính trị, tự do tôn giáo và tự do lập hội. Đây là lần đầu tiên trong những năm qua có nhiều người ký tên vào các kiến nghị công khai. Những kiến nghị được ký tên trên bình diện rộng rãi, đến từ các Linh mục Công giáo, các Tăng sĩ Phật giáo, cựu tù nhân chính trị, cựu viên chức Cộng sản, cựu đảng viên, giáo sư đại học, giáo viên, y tá, kỹ sư, nhà văn, nhà kinh doanh và nhiều thường dân khác. Ở Việt Nam, riêng sự kiện ký tên vào các tài liệu như thế là đã chuốc vào thân sự sách nhiễu, bị bắt bớ và nhiều khi bị cầm tù.

Việt Nam phấn đấu không ngừng để đạt địa vị chính thống trên trường quốc tế và đệ đơn xin làm thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới. Kinh tế được tự do mở rộng, nhưng đất nước vẫn sống dưới chế độ độc đoán. Nhà nước độc đảng không chấp nhận bất đồng chính kiến hay sự phê phán thông qua cơ quan truyền thông, đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo hoặc các công đoàn, mặc dù Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Hàng trăm tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo vẫn còn bị cấm cố. Điều kiện giam giữ tù nhân vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế và nhiều bằng chứng cho thấy sự tra tấn và hành hạ người tù. Tù nhân sống cách ly trong những ca sô chật chội, tối tăm, dơ bẩn. Nhiều phúc trình cho biết tù nhân bị đánh, đá, và quất bằng dùi cui điện. Bắt bớ không giấy phép là chuyện thường tình, và chế độ chính trị tạo áp lực lên hệ thống pháp lý. Các bị cáo thường không được luật sư độc lập bảo vệ. Các phiên tòa xử kín, không cho quần chúng và báo chí tham dự, nhiều khi ngăn cấm cả thân nhân bị cáo.

Gần đây, tân Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng, lên tiếng hứa hẹn gia tăng không gian cải cách, nhằm xây dựng một nhà nước pháp quyền và cam kết dân chủ. Ngay lúc này đây, lời hứa hẹn ấy cần thể hiện cụ thể qua hành động. Quỹ Rafto kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt mọi sự tấn công vào giới bất đồng chính kiến và mở ngay cuộc đối thoại cải cách với các nhà dân chủ chống đối, để cùng tham gia hợp tác và tôn trọng nhân quyền, tự do tín ngưỡng và tự do chính trị tại Việt Nam.

*

Trên đây là trích dịch một đoạn trong bản thông báo của Quỹ Rafto ngày 21/09/2006. Dưới đây là bản tường thuật lệ trao giải cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ, trích từ trang mạng của Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế.

 

Lễ trao giải Nhân quyền Quốc tế Rafto 2006 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ tại cố đô Bergen, Na Uy

BERGEN (Na Uy), ngày 5.11.2006 (PTTPGQT) - Bergen là cố đô nước Na Uy vào đầu thế kỷ XI, đến giữa thế kỷ XIV mới dời về Oslo là thủ đô hiện tại. Bergen là thành phố núi tráng lệ, hiền hòa nằm cạnh bờ biển phía Tây. Từ phi trường tiến về trung tâm thành phố, chúng tôi mừng vui thấy những bích chương in hình Hòa thượng Thích Quảng Độ dán khắp lối đi thông báo ngày trao giải.

Vào đúng 12 giờ trưa ngày thứ bảy, 4.11.2006, lễ trao giải Nhân quyền Quốc tế Rafto 2006 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ cử hành trang trọng tại Hí viện Quốc gia ở thành phố Bergen.

Dưới sự chứng minh của ông Thorbjom Jagland , Chủ tịch Quốc hội Na Uy (theo hệ thống chính trị Na Uy, chủ tịch Quốc hội đứng hàng quan trọng thứ hai sau Nhà Vua) và ông Herman Friele , Đô trưởng thành phố Bergen. Đông đảo chính giới, đại biểu quốc hội, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và nhân dân Na Uy tham dự buổi lễ trao giải. Đặc biệt là sự có mặt của 11 vị đoạt Giải Rafto trong quá khứ, trong số này có bà Shirin Ebadi, người Iran, Giải Nobel Hòa bình, và hai bà Leyla Zana, người Kurdistan, bà Rebiya Kadeer, người Uighur, vừa mới được trả tự do. Vì lý do sức khỏe hoặc còn bị tù đày 8 người kia không đến được.

Có nhiều đồng bào người Việt cư ngụ thành phố hoặc đến từ các tỉnh xa tham dự, như từ thủ đô Oslo, v.v... Ngoài những khách mời, ai cũng có thể mua vé vào cửa, nên sự đông đảo ngồi chật Hí viện cho thấy sự quan tâm của nhân dân Na Uy đối với Hòa thượng Thích Quảng Độ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Trong số người Việt tham dự, chúng tôi nhận thấy sự có mặt của chư Tăng thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Châu Âu : Hòa thượng Thích Minh Tâm, Hòa thượng Thích Trí Minh, Hòa thượng Thích Tánh Thiệt và Thượng tọa Thích Giác Thanh, và hai Thượng tọa Thích Viên Lý và Thích Giác Đẳng đến từ Hoa K ỳ, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại tại Hoa K ỳ - Văn phòng II Viện Hóa Đạo.

Chương trình buổi lễ kết hợp hòa hài giữa văn hóa và nhân quyền, chứng tỏ tinh thần nhân văn cao của dân tộc Na Uy. Nhân quyền, dân chủ hay chính trị là một bộ môn sinh hoạt bình thường, vui tươi như ca hát, hòa nhạc, ngâm thơ. Những ca sĩ và nhạc công nổi tiếng ở Na Uy tham dự chương trình lễ trao giải, làm cho không khí nhẹ nhàng, phiếu diễu, nhưng không kém phần quyết tâm son sắc cho những người bị đàn áp trên thế giới và tại Việt Nam. Khai mạc bằng tiếng hồ cầm của nghệ sĩ nổi danh Sebastian Dorfler cất lên khi tha thiết khi diệu vợi, đến những tiếng hát tuyệt vời... như ca sĩ Nathalie Nordnes, và kết thúc bằng màn hòa tấu đàn tranh do Đoàn Phượng Ca Oslo thực hiện trong y phục Việt Nam, khăn đóng, áo dài vàng và xanh địa.

Từ phần văn nghệ dẫn nhập chuyển sang phần trao giải. Ông Arne Lynngård , Chủ tịch Sáng hội Rafto lên sân khấu đọc bài diễn văn tán thán Hòa thượng Thích Quảng Độ, nhận định tình hình Việt Nam, cũng như nói lên ý nghĩa của Giải Rafto 2006, cũng là năm kỷ niệm lần thứ 20 Giải Rafto. Nguyên văn bài Diễn văn ấy như sau :

DIỄN VĂN TRAO GIẢI
CỦA ÔNG ARNE LIJEDAHL LYNNGÅRD,
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG SÁNG HỘI RAFTO
Bergen, 4.11.2006

 

Kính thưa Chủ tịch Quốc hội,
"Kính thưa quý vị Đoạt Giải Rafto,
"Kính thưa chư Liệt vị, Quan khách, quý Bà, quý Ông,


"Nhân danh Sáng hội Rafto tôi ngỏ lời cảm tạ sự có mặt của chư liệt vị hôm nay để cùng tham dự tôn vinh Nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam lỗi lạc, Hòa thượng Thích Quảng Độ. Hòa thượng là người đoạt giải lần thứ 20 Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto. Thật đáng buồn là vào giờ này, Hòa thượng bị quản chế trong ngôi chùa của ngài ở Saigon. Nhà cầm quyền Hà Nội không cho phép Hòa thượng sang Na Uy nhận giải.

"Đâu phải chuyện tình cờ mà một số người đoạt Giải Rafto vắng mặt khi chúng ta tôn vinh họ. Chư vị Jirí Hájek ở nước cựu Tiệp Khắc, Doina Cornea ở Lỗ Mã Ni, Aung San Suu Kyi ở Miến Điện, Leyla Zana ở Kurdistan và Rebiya Kadeer ở Đông Turkestan đã không tự mình đến lãnh Giải Rafto vì các chính quyền đàn áp nơi nước họ muốn bóp giết tiếng nói của họ. Kể đến hôm nay là 11 năm rồi, bà Aung San Suu Kyi vẫn còn bị cấm cố. Chúng ta đang đếm từng ngày cho đến khi bà được trả tự do !

"Tuy nhiên, điều làm cho chúng ta vui mừng vô hạn, là hai bà Leyla Zana và Rebiya Kadeer vừa được ra khỏi tù, và có mặt hôm nay nơi hội trường, đánh dấu 20 năm kỷ niệm Giải Rafto cùng với 9 vị đoạt giải khác. Chúng ta hãy cùng vỗ tay hoan nghênh họ.

"Trên phương diện chính trị, nước Việt Nam ngày nay là Ba Lan và Tiệp Khắc vào những năm 1970, thời mà Công đoàn Đoàn Kết và phong trào Hiến chương 77 xuất hiện. Đó cũng là thời kỳ Giáo sư Thorolf Rafto vận động cho các nhà ly khai sau bức màn sắt.

"Giống như nước Tiệp Khắc 30 năm trước, đa số người dân Việt sợ hãi khi phải nói lên ý kiến họ. Bộ máy công an đàn áp có mặt khắp nơi. Chỉ những ai thực sự dũng cảm mới dám cất lên tiếng nói. Đặc biệt khắt nghiệt cho giới người trẻ và những ai đang có gánh nặng gia đình. Nếu họ có cử chỉ gì khiến công an giương mắt cú, tức khắt họ sẽ bị theo dõi, đe dọa, cô lập và sách nhiễu. Công an có đủ phương tiện ngăn cấm họ hành động.

"Thật xứng đáng khi Hội đồng Sáng hội Rafto chọn trao Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto năm 2006 cho một trong những người Việt Nam bảo vệ dân chủ, tự do tôn giáo và nhân quyền lỗi lạc nhất, là Hòa thượng Thích Quảng Độ.

"Hòa thượng đoạt giải này, vì suốt ba mươi năm qua Hòa thượng dũng cảm và kiên trì chống đối ôn hòa chế độ Cộng sản Việt Nam, và trở thành biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên trên toàn quốc.

"Chính quyền Hà Nội chẳng ưa thích Giải Rafto năm nay, và tỏ lộ sự bất đồng giữa Na Uy và Việt Nam qua cuộc viếng thăm Hà Nội của Ủy ban Đối ngoại thuộc Quốc hội Na Uy hôm 27 tháng 9. Nhà cầm quyền Việt Nam tố cáo Hòa thượng Thích Quảng Độ có những hoạt động thúc đẩy sự chia rẽ. Nhưng Hội đồng Sáng hội Rafto phản bác mạnh mẽ luận điệu này của Hà Nội.

"Hòa thượng Thích Quảng Độ, một sĩ phu lãnh đạo và là thế lực kết hợp nơi quê hương ngài. Là một Tăng sĩ Phật giáo, học giả và nhà văn, Hòa thượng đem suốt đời mình phục vụ tận tụy cho công lý thăng tiến, cũng như tiếp nối truyền thống Phật giáo bất bạo động, khoan dung và từ bi. Thông qua các kiến nghị chính trị, Hòa thượng Thích Quảng Độ mời gọi Nhà cầm quyền tham gia cuộc đối thoại nhằm cải cách dân chủ, tính đa nguyên, tự do tôn giáo, nhân quyền và hòa giải dân tộc. Đây là điều đã tạo nên sức mạnh và phương hướng cho phong trào dân chủ

"Thế nhưng, Hoà thượng phải trả một giá quá đắt. Tiêu phí mất 25 năm tù đày và hiện nay, vào năm 77 tuổi, Hòa thượng Thích Quảng Độ vẫn còn bị quản chế. Nhưng cũng từ nơi quản chế ấy, Hòa thượng tiếp tục cuộc đấu tranh. Là Viện trưởng Viện Hóa Đạo của một Giáo hội bị cấm đoán là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa thượng Thích Quảng Độ được quần chúng Phật tử Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ. Hòa thượng cũng được sự hậu thuẫn rộng rãi của các cộng đồng tôn giáo khác và những cựu đảng viên Cộng sản.

"Việt Nam là nơi mà sự bất hòa và chia rẽ còn mãi mãi ăn sâu - chia rẽ giữa miền Bắc với miền Nam, chia rẽ giữa người cộng sản với người quốc gia, chia rẽ giữa tôn giáo với tôn giáo, giữa nhóm chính trị này với nhóm với chính trị kia, chia rẽ giữa các giai cấp, giữa các thế hệ. Hòa thượng Thích Quảng Độ đóng vai trò chủ yếu cho việc hòa hợp giới bất đồng chính kiến từ Bắc đến Nam Việt Nam.

"Dân tộc Việt Nam sống trong sợ hãi từ 50 năm qua. Riêng một chữ "Công an" là đủ làm cho nhân dân khiếp sợ. Hòa thượng Thích Quảng Độ giải thích rằng sợ hãi đã thành thiên tính thứ hai của người Việt. Đây là một trong những lý do chính khiến phong trào dân chủ tại Việt Nam phát triển chậm.

"Hòa thượng Thích Quảng Độ luôn luôn nhấn mạnh rằng, dân chủ chỉ thực hiện được tại Việt Nam khi tất cả các thành phần dân tộc kết hợp thành khối, đem tất cả tài năng riêng biệt, khả năng chuyên môn, kiến thức và nhiệt tình kết liên nhau trong một phong trào đầy sinh lực.

"Tuy nhiên gần đây, người công dân Việt đã vượt thắng sợ hãi, vượt thắng sự bao vây ngay giữa lòng xã hội, để hợp nhất thành những tổ chức phản kháng với hằng nghìn người, xuất bản báo chí mà không cần xin phép nhà nước, và kêu gọi cho nền dân chủ đa đảng. Sử dụng Internet, người công dân Việt tìm ra phương thức mới để trao đổi ý kiến và điều hợp hành động.

"Nhà cầm quyền Hà Nội với chế độ Cộng sản vẫn quyết tâm bám giữ quyền bính độc tài này bắt đầu phản ứng, bằng sách nhiễu hơn là bằng đối thoại. Mới đây trong cuộc đàn áp phong trào dân chủ đang lên, sáng ngày 15.10.2006 công an bắt giam 3 nhà dân chủ nổi tiếng mà theo ba người này cho biết là họ dự trù một cuộc họp để thảo luận cho sự hình thành một Liên minh Dân chủ và Nhân quyền.

"Dù rằng Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị, Nhà nước độc đảng vẫn không chấp nhận quyền phê bình. Truyền thông, đảng phái chính trị, tổ chức tôn giáo và các công đoàn không được quyền hiện hữu, khi không chịu trực thuộc vào hệ thống quản lý nhà nước, hoặc chẳng được làm gì trái chống với chính sách của Đảng cộng sản.

"Bằng cách tôn vinh Giải Rafto lần thứ 20 cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, chúng tôi đánh giá cao những khó khăn cực kỳ rộng lớn mà các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam đang đối diện, với quyết tâm đấu tranh ôn hòa nhằm thay thế chế độ độc đảng Cộng sản bằng một thể chế dân chủ, một nhà nước đa đảng xây dựng trên pháp quyền và tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Chúng tôi biết rằng các nhà dân chủ Việt Nam đang đối diện với hiểm nguy bị nhà cầm quyền đàn áp. Nhưng chúng tôi kỳ vọng rằng mỗi dấu hiệu đoàn kết tương liên là một hậu thuẫn và củng cố cho các nhà dân chủ này.

"Tuy nhiên, như Giải Nobel Hòa bình và là người đoạt Giải Rafto trước đó, bà Shirin Ebadi nói rằng : Dân chủ không là món quà do nước ngoài trao tặng. Tiến trình dân chủ phải nẩy nở ngay trên chính quê hương mình. Trong cuộc phỏng vấn vào tháng tư năm nay, Hòa thượng Thích Quang Độ có cùng một quan điểm, khi Hòa thượng tuyên bố rằng, tiến trình dân chủ tại Việt Nam nằm trong tay nhân dân Việt Nam.

"Cho phép tôi kết thúc bài phát biểu hôm nay bằng những lời của Hòa thượng Thích Quảng Độ : "Sẽ đến lúc nhà cầm quyền không thể nào bịt miệng nhân dân mãi mãi được. Đó là lúc toàn dân đứng lên như tức nước vỡ bờ. Tất cả 80 triệu dân sẽ đồng thanh đòi hỏi dân chủ và nhân quyền. Lúc ấy chính quyền không thể làm ngơ trước yêu sách ấy, vì phải trực diện trước một thực tại áp đảo. Đây là lúc tình hình Việt Nam bó buộc phải đổi thay, và tiến trình dân chủ sẽ ló dạng".

"Ngày hôm nay đây tại thành phố Bergen, nhân dân Na Uy cùng với chư liệt vị quan khách nắm lấy tay những bằng hữu Việt Nam để cùng chia sẻ toàn thể viễn kiến dân chủ của Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Thành thật cám ơn quý liệt vị.

"Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đặc biệt ủy quyền cho ông Võ Văn Ái thay ngài lãnh Giải Rafto. Ông Võ Văn Ái là nhà hành động chính trị ưu tú, nhà báo, sử gia và thi sĩ sống lưu đày tại Paris. Ông không ngừng phát ngôn cho dân chủ qua các triều đại chính trị tại Việt Nam.

" Ông Võ Văn Ái thường xuyên điều trần tại Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế, biên soạn những phúc trình và hồ sơ nhân quyền, dân chủ cũng như tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ông cũng không ngừng mở những cuộc vận động quốc tế đòi hỏi trả tự do cho những tù nhân vì lương thức, và đã thành công huy động các áp lực quốc tế nhằm xóa bỏ án tử hình và đạt nhiều thành quả trong việc trả tự do cho những tù nhân chính trị và tù nhân tôn giáo tại Việt Nam.

"Xin mời ông Võ Văn Ái bước lên sân khấu nhận văn bằng Rafto."


Tiếng vỗ tay nồng nhiệt vang lên không dứt, rồi bỗng nhiên cả hội trường cùng đứng lên vỗ tay khi ông Võ Văn Ái bước lên sân khấu. Sau đây là nguyên văn đáp từ của ông Ái :

Thay mặt Hòa thượng Thích Quảng Độ
Ông Võ Văn Ái đáp từ cảm tạ Giải Rafto 2006
Bergen, 4.11.2006

"Kính Ngài Chủ tịch Quốc hội và quý vị Đại biểu Quốc hội
"Kính thưa Ông Đô trưởng thành phố Bergen
"Kính thưa Ông Chủ tịch và chư vị Thành viên Sáng hội Rafto,
"Kính thưa chư vị từng đoạt Giải Rafto,
"Kính thưa các Nhà Bảo vệ Nhân quyền,
"Kính thưa quý Bà quý Ông và các Bạn,


"Tôi cực kỳ xúc động đứng trước quý vị hôm nay để thay mặt Hòa thượng Thích Quảng Độ lãnh giải. Xin trân trọng tạ ơn Sáng hội Rafto đã vinh danh một Người Việt Nam Bảo vệ Nhân quyền với tặng thưởng sáng giá.

"Tôi mơ ước Hòa thượng Thích Quảng Độ có mặt ở đây để chứng kiến một hội trường vinh diệu của những nhà bảo vệ nhân quyền vân tập về thành phố Bergen dự lễ kỷ niệm 20 năm Giải Rafto. Hòa thượng sẽ ấm lòng thấy mình không cô độc. Hòa thượng xiết bao mơ ước đến Na Uy. Nhưng lâm cảnh quản chế, tù đày ngay trong ngôi chùa của mình. Hơn thế, Hòa thượng không muốn phiêu lưu ra đi, khi nghi ngại nhà cầm quyền Hà Nội không cho Hòa thượng trở về. Hòa thượng nói với tôi : "Chỗ đứng của tôi là trên quê hương Việt, cạnh kề đồng bào tôi. Tôi không thể bỏ rơi đồng bào tôi cho đến khi nào Việt Nam có tự do".

"Quý vị vừa vinh danh Hòa thượng Thích Quảng Độ như một "thế lực kết hợp", và là một biểu tượng cho phong trào dân chủ đang bùng lên tại Việt Nam. Nhưng đã từ lâu trước, suốt cuộc đời dài đề kháng bạo lực độc tài, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã đem lại cho đồng bào Việt Nam sự tự do cao quý nhất : đó là Tự do thoát ly khỏi Sợ hãi.

"Ngày nay dưới chế độ Độc đảng ở Việt Nam, các nhà dân chủ đối diện thường trực với hiểm nguy để bảo toàn cho tinh thần tự do sống sót. Chỉ cần biểu tỏ ôn hòa những bất đồng chính kiến, là họ có thể bị bắt giam, bị sách nhiễu, bị bỏ tù. Con cái họ sẽ bị đuổi ra khỏi trường học tức khắc, bản thân họ bị sa thải, gia đình họ lâm cảnh nghèo túng. Con người Việt ngày nay cảm thấy vô vọng và trơ trọi trước bộ máy Nhà nước khổng lồ đang theo dõi và kiểm soát.

"Với sự tự tại và dũng cảm, Hòa thượng Thích Quảng Độ giúp người dân vượt qua sợ hãi. Đây là vai trò cốt yếu độc nhất vô nhị của ngài cho phong trào dân chủ tại Việt Nam. Đương đầu với đàn áp và tù đày, Hòa thượng làm dấy lên một phong trào bất tuân dân sự, cầm đầu các phái đoàn cứu trợ nạn dân lũ lụt, công khai đòi hỏi nhà cầm quyền cho tư nhân được xuất bản báo chí tự do, yêu cầu xóa bỏ án tử hình, vận động cho tự do tôn giáo và kết hợp toàn dân chung quanh một kế hoạch chuyển hóa dân chủ. Được gợi hứng và khích lệ theo gương Hòa thượng, mà ngày nay các nhà lãnh đạo tôn giáo, cựu đảng viên Cộng sản, các nhà ly khai sử dụng Internet, và những người bảo vệ nhân quyền... thuộc mọi thành phần dân tộc đã gan dạ lấy lại tự tin đứng lên thách thức nhà cầm quyền Cộng sản, một phong triều chưa từng có cho việc yêu sách cải tổ chính trị.

"Chính nơi thế giới của tù ngục, sợ hãi, và đấu tranh bảo vệ Quyền Sống, mà tôi kết liên với Hòa thượng Thích Quảng Độ. Do tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp giành độc lập dân tộc, tôi bị bắt, bị tra tấn vào năm 13 tuổi. Đến thăm tôi trong tù, thân phụ tôi mang cho tôi nhiểu bộ kinh Phật. Thời trẻ tuổi ấy, tôi chấn động trước hình ảnh chư vị Bồ Tát, những vị khước từ quả vị Phật để ở lại trong đời cứu độ quần sinh. Tôi cực kỳ mủi lòng với Bồ Tát Địa Tạng. Ngài hiện thân vào địa ngục cứu những ai đang bị hành hạ, rên siết khổ đau. Ngài lập nguyện và thề sẽ không thành Phật khi còn một người bị giam hãm trong địa ngục. Lời nguyện ấy nghiễm nhiên trở thành lý tưởng của đời tôi, và cũng từ đó, tôi nguyện hiến đời mình cho việc giải thoát những người tù vì lương thức mắc hàm oan, ức chế trong thế giới địa ngục của những nhà tù trên toàn cõi Việt Nam. Tôi tìm thấy nơi con người Thích Quảng Độ tinh thần bồ tát đạo với lòng từ bi vô hạn. Hòa thượng chẳng bao giờ nghĩ đến sự an nhàn hay an toàn cho riêng cá nhân Hòa thượng. Bởi vậy, tôi tự thấy vô vàn vinh dự khi được ngài giao phó thay mặt ngài đến lãnh giải hôm nay.

"Thưa các Bạn,

"Qua trường kỳ hai nghìn năm lịch sử, đất nước Việt Nam chúng tối sống mãi với chiến tranh, với những cuộc xâm lăng dồn dập. Nhưng với dũng khí và quyết tâm, dân tộc chúng tôi không ngừng đánh bật quân ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, để gìn giữ tự do cho đất nước trước bao trở lực bất lợi khó ngờ. Chữ Việt trong ngôn ngữ nước tôi, ngoài mấy nghĩa khác, còn có nghĩa là "vượt". Sau một nghìn năm Bắc thuộc, một trăm năm Pháp thuộc, và ba thập kỷ tàn phá không sao kể xiết trong cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua, người Việt đã anh dũng vượt thắng biết bao trở lực để bảo toàn bản sắc và nền độc lập dân tộc.

"Tuy nhiên, hôm nay đây, nhân dân Việt Nam đang đối diện với một hình thái chiến tranh mới - một cuộc chiến không thể thắng bằng sự can đảm và anh hùng mà thôi. Vì cuộc chiến hôm nay không là cuộc chiến chống đoàn quân xâm lăng đến từ nước ngoài. Đây là cuộc NỘI XÂM, một cuộc chiến dấy lên từ giữa lòng đất nước, như nạn sư tử trùng. Đó là cuộc chiến tranh do Đảng Cộng sản gây hấn nhân dân họ, một cuộc chiến áp đặt ý thức hệ ngoại lai vào não trạng Việt Nam, nhằm nắm giữ quyền bính bằng cách triệt tiêu mọi tiếng nói khác biệt với chủ nghĩa Cộng sản. Chúng tôi không sợ hãi trước cuộc NỘI XÂM này. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi không thể thắng trận một mình như hai mươi thế kỷ trước đây. Trong thế giới tương duyên, tương sinh hôm nay, chúng tôi cần sức mạnh của một lực lượng kết liên quốc tế, của công luận thế giới, của cộng đồng dân chủ toàn cầu, hậu thuẫn chúng tôi đi tới thắng lợi.

"Chính vì vậy mà Giải Nhân quyền Quốc tế Rafto mang ý nghĩa vĩ đại cho dân tộc Việt Nam hôm nay. Tôi tin rằng Giải Rafto là bước ngoặt của phong trào dân chủ trên đất nước tôi.

"Từ ngày chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, các quốc gia dân chủ Tây phương đã nhắm mắt trước các vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Hà Nội. Đồng thời với việc giải phóng kinh tế theo chính sách Đổi Mới, nhà cầm quyền Cộng sản vẫn duy trì một xã hội đóng kín trên phương diện chính trị. Thế mà các quốc gia dân chủ Tây phương cứ bình chân như vại "coi như mọi sự bình thường" với nhà cầm quyền Hà Nội. Biết bao là cuộc bắt bớ giới bất đồng chính kiến và các nhà bảo vệ nhân quyền không được báo chí, truyền thông quốc tế nhắc nhở, nên chẳng đem lại áp lực nào cho việc cải cách chính trị.

"Nhưng hôm nay đây, Sáng hội Rafto phá đổ bức tường lặng câm (omertà (1) tại Việt Nam. Khẳng định và xác định Quyền, nếu không là Nghĩa vụ, của các quốc gia dân chủ hậu thuẫn những dân tộc bị tướt đoạt tự do và nhân quyền. Trong tinh thần nhân đạo, nghĩa vụ ấy gọi là "Quyền Can thiệp" (Right to interference). Quyền này luôn bị các chế độ độc tài hay độc đoán phản chống, khi họ bô bô tố cáo "xâm phạm nội bộ quốc gia họ"làm cớ cấm ngăn người hiền lương cứu người hiền lương. Các chế độ độc tài hay độc đoán này đã lầm. Mọi dân tộc đều có quyền hưởng những nhân quyền cơ bản và dân chủ. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ liên đới để hậu thuẫn các cuộc đấu tranh ôn hòa ấy, và bảo đảm cho các quyền tự do cơ bản được duy trì. Việt Nam đã tham gia ký kết các Công ước chủ yếu về Quyền Con Người, và không có một ngoại lệ nào cho phép tránh né những qui tắc quốc tế.

"Quyền Can thiệp" có mới mẻ gì với Việt Nam đâu. Trong cuộc chiến vừa qua, Nhà cầm quyền Hà Nội không thắng trên chiến trường, mà thắng nhờ sự hậu thuẫn của Stockholm, Hoa Th ịnh Đốn, Luân Đôn, Paris, Tokyo, v.v... sự hậu thuẫn của những ngọn hải triều công luận quyết tâm chấm dứt chiến tranh Việt Nam . Quyết tâm ấy thật cao quý, nhưng tiếc thay đã thất bại trong việc đem lại nền hòa bình chân thật cho toàn dân Việt. Tôi còn nhớ vào giữa thập niên 60 "Hội nghị Stockkholm" lần đầu tiên tổ chức để thống nhất các phong trào hòa bình thế giới cho Việt Nam, nhằm cụ thể hóa "Quyền Can thiệp", bắt các phe lâm chiến chấp nhận giải pháp hòa bình và hòa hợp hòa giải dân tộc. Thời đó, tôi phát ngôn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trên trường quốc tế, tích cực đề xướng một giải pháp Hòa bình dân tộc theo tinh thần của đạo Phật. Thế nhưng, khi các đại biểu Cộng sản Việt Nam biết rằng tôi được mời tham dự Hội nghị Stockkholm, họ liền tuyên bố tẩy chay nếu tôi có mặt. Một nhân vật trong ban tổ chức đã từ Stockholm đến gặp tôi, năn nỉ tôi đừng đến. Vị này nói với tôi rằng, đây là cơ hội duy nhất "mang lại may mắn cho hòa bình Việt Nam ". Vì việc chung của thế giới tôi nhận lời. Nhưng từ thâm tâm tôi lúc đó, tôi biết rõ như đinh đóng cột rằng, nếu người Cộng sản Việt Nam đầu cơ hòa bình, thì cũng sẽ đến lúc họ yêu sách chiếm giữ độc quyền chính trị trên đầu người dân Việt.

"Bởi vậy, Giải Rafto do Na Uy tặng thưởng, mà Na Uy là một quốc gia Bắc Âu, mang ý nghĩa trọng đại cho toàn dân nước tôi. Mấy thập kỷ trước, Hội nghị Stockholm cố tìm "một may mắn cho hòa bình Việt Nam ". Thảm thương thay, nền hòa bình họ tìm kiếm ấy không mang lại tự do và tình huynh đệ cho dân nước tôi. Nhưng hôm nay, chẳng ai khác hơn là Sáng hội Rafto đang kêu gọi khắp mặt địa cầu và Chính phủ Việt Nam hãy mang lại "niềm may mắn cho dân chủ Việt Nam ". Chúng ta hãy nắm lấy cơ hội nghìn vàng này.

"Trong những ngày tới đây, Hà Nội là chủ nhà của Thượng đỉnh APEC và tiếp đón các nguyên thủ quốc gia trong thế giới, trong số này có Tổng thống Hoa K ỳ, George W. Bush. Tôi hy vọng các vị khách nguyên thủ này sẽ lắng nghe bức Thông điệp do Sáng hội Rafto gửi tới, để hậu thuẫn cho tiến trình dân chủ hóa ôn hòa tại Việt Nam .

"Kịch tác gia Henrik Ibsen, mà năm nay nhân dân Na Uy kỷ niệm một trăm năm ngày mất, từng viết rằng : "Dễ biết bao cho ta ẩn náu trong lâu đài trên mây. Và cũng dễ biết bao để xây dựng những lâu đài như thế !"

"Ngày 4 tháng 11 năm 2006 tại thành phố Bergen này, nhân dân Na Uy đã đưa lâu đài trên chín từng mây kia xuống xây trên mặt đất. Cho phép tôi làm mấy câu thơ tặng Henrik Ibsen và Sáng hội Rafto :

Hòa bình là một nụ hoa
nở giữa tình yêu và tiếng hát
Ôi cho tôi xin thêm muôn nghìn Đôi Mắt
để tôi khóc lớn Niềm Vui
và nhìn quanh
mong manh bông hoa nhỏ
chưa một lần ngưng nở đã thiên thu.

"Xin biết ơn sự lắng nghe của quý vị và các Bạn".

________________

(1) Omertà là chữ Ý, phương ngữ có nguồn gốc từ chữ umiltà trong nghĩa bị lăng nhục. Omertà xuất hiện vào đầu thập niên 50 trong giới Mafia theo nghĩa Luật câm miệng hến (loi du silence/law of silence), luật này khiến dân chúng không dám tố cáo những hành vi phi pháp, giết người của bọn Mafia, ai nói ra, ai tiết lộ sẽ bị chúng ám sát.

*

"Giải Rafto ra đời sau khi Giáo sư Thorolf Rafto mất vào năm 1986, nhằm tri ân công trình dài hơi của Giáo sư đã không ngừng cứu giúp những ai bị đàn áp, khủng bố, và để cho công trình của Giáo sư tiếp tục thể hiện. Mỗi năm, Qũy Rafto tặng thưởng Giải Tưởng niệm Giáo sư Thorolf Rafto (gọi là Giải Rafto). Đây là giải nhân quyền giành cho những người có địa vị quốc tế, một số trong những người đoạt giải Rafto, như Aung San Suu Kyi, Josè Ramos-Horta, Kim Dae-jung và Shirin Ebadi, sau đó lại được lãnh Giải Nobel Hòa bình. Giải Rafto góp phần định hình các tiêu điểm vi phạm nhân quyền và những người hay những cộng đồng cần thiết được thế giới chú tâm. Năm nay Qũy Rafto đánh dấu 20 năm hoạt động cho nhân quyền. Nhân dịp này, tất cả các vị đoạt giải Rafto trong quá khứ sẽ được mời đến thành phố Bergen tham dự".

 


.Cái Đình - 2006.