Trần Ngọc
Đạp xe xuyên lục địa vì Trái Ðất
Hành trình ‘Ride Planet Earth’ (Ðạp Xe Vì Trái Ðất) và Kim Paul Nguyễn
“Hãy cùng tôi đạp xe vì sự sinh tồn của Trái đất!” (Kim Paul Nguyễn)
Sinh ngày 18/2/1981 tại Canberra (Úc), Kim Paul Nguyễn miệt mài với công tác xã hội sau khi tốt nghiệp đại học năm 2003. Kim có nhiều hoạt động chăm sóc trẻ em ở Melbourne, Sydney, Darwin v.v... Cha anh là nhà nghiên cứu sử Nguyễn Phạm Ðiền, mẹ là người Úc.
Trong thời gian làm công tác xã hội, Kim luôn nghĩ mình sẽ phải làm một cái gì đó thức tỉnh mọi người quan tâm hơn đến môi trường và xã hội. Ý định này càng mạnh hơn khi anh đến Ðức năm 2006 để theo dõi tranh cúp bóng đá thế giới và có dịp trao đổi với vài người đồng chí hướng. Thế là kế hoạch ‘Ride Planet Earth’ ra đời.
“Từ vài năm nay, tôi đã có suy nghĩ rất nhiều về môi trường, về những vùng đất ở khắp nơi trên địa cầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, ô nhiễm. Tôi muốn làm một điều gì đó, tôi muốn kêu gọi ý thức của mọi người hãy ứng xử thân thiện với môi trường. Chúng ta có thể ngăn chặn tác hại của biến đổi khí hậu, trước hết bằng việc thay đổi thói quen sử dụng phương tiện đi lại”, Kim cho biết.
Dự án của Kim được nhiều nhà tài trợ hưởng ứng. Cứ mỗi 1.000 cây số Kim đạt được, những người hưởng ứng và tham gia cùng anh trong kế hoạch sẽ tự nguyện đi 100 cây số với phương tiện ‘bảo vệ môi sinh’ thay vì dùng xe hơi.
Ngày 10/08/2008, Kim Paul Nguyễn chất đồ đạc lên chiếc xe đạp đua ở Brisbane (Bắc Úc), bắt đầu chặng đường xuyên qua hàng chục quốc gia, những vùng đất với đủ thứ khí hậu, chưa kể hiểm nguy, bệnh tật, tai nạn... và nhất là khó khăn trong việc giao tiếp do khác biệt văn hóa, ngôn ngữ. Có nhiều lúc nản chí muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến những người khác còn khổ hơn, anh đã cố gắng vượt qua. Trên đường đi, anh còn dành nhiều thời giờ để nói chuyện với những người dân trong những làng anh ghé thăm về kế hoạch của anh. Dĩ nhiên người hưởng ứng cũng có mà người nghĩ anh điên khùng cũng có. An ủi thường xuyên của Kim là những đoạn khuyến khích từ khắp nơi gửi cho anh trong blog nơi website do anh lập ra (www.rideplanetearth.org). Vốn là một nhà quay phim video tài tử, Kim đã ghi lại những đoạn đường mình trải qua. Những khúc phim ghi lại hình ảnh về cuộc sống và con người ở những quốc gia đang phát triển, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và trái đất nóng lên. Kim nói: “Sự thật quan trọng nhất và cũng là điều tôi buồn nhất khi chứng kiến môi trường bị hủy hoại đã và đang tác động sâu sắc đến đời sống những người dân nghèo.”
Một người bạn học, Tristan Frost đã đi xe đạp cùng với anh trong một chặng đường 6 tuần lễ ở những nước Á châu, hay những vận động tích cực của Richard Kimberley, một nghệ sĩ sống ở Staffordshire (Anh quốc) cũng là nguồn an ủi lớn cho Kim. Những chiến dịch ủng hộ anh, như chiến dịch Ride Planet Earth Challenge đã gây được tiếng vang khắp nơi. Một số hội xe đạp cũng thành lập vòng đạp xe trong phạm vi quốc gia của mình, trong số đó có cả đội ở Việt Nam, để cùng nhau tổ chức ‘Ngày đạp xe vì Trái đất’ vào chủ nhật 06/12/2009, mặc dù Kim không ghé qua đây và anh cũng không nói được tiếng Việt.
Một điều không ai có thể chối cãi là nghị lực phi thường của anh. Cũng chính nhờ nghị lực này cuối cùng đã cho anh thực hiện hoàn toàn giấc mơ của mình. Ngày 05/12/2009, sau 16 tháng trên con ngựa sắt, vượt qua 25.000 cây số từ Úc châu, xuyên ngang Á châu và Âu châu (anh chỉ sử dụng phi cơ khi phải vượt đại dương), Kim Paul Nguyễn đã cùng một đoàn người đạp xe ủng hộ anh trong chặng chót tiến vào thủ đô Copenhagen của Ðan Mạch, đúng theo như dự định là anh sẽ phải đến đây trước ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu (từ ngày 07 đến 18/12/2009). Ðoàn đã mang theo một số tư liệu về chuyến đi để quảng bá. Ngoài ra, hàng triệu chữ ký, thông điệp của người dân mà dự án ‘Ride Planet Earth’ thu thập sẽ được gửi đến Hội nghị, nhằm đánh động lương tâm con người và gây sức ép đến các chính phủ phải hành động cương quyết và mạnh mẽ vì môi trường. Ở Copenhagen Kim đã tham gia những diễn đàn dân sự song hành cùng hội nghị, ở đó anh kêu gọi sự đồng thuận của mọi người để bảo vệ tương lai của Trái đất trước tác hại của biến đổi khí hậu.
Báo chí đã ca tụng cuộc hành trình của anh là một bản hùng ca cho vấn nạn ô nhiễm môi sinh trên toàn thế giới.
Trần Ngọc
12/2009