Nguyễn Hiền


Vietnam – Tage: Ngày Việt Nam giữa lòng Âu châu

Một chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam mang tên ‘Vietnam – Tage' đã được phân khoa Việt Học (Viện Á Phi – Đại học Tổng hợp Hamburg) cùng phối hợp với Viện Bảo Tàng Dân tộc học Hamburg và Hội Việt Học Hamburg tổ chức vào hai ngày cuối tuần 20 – 21/05/2006 tại thành phố Hamburg, miền bắc nước Đức.

Có thể nói đây là lần đầu tiên tại Đức (và tại Âu châu) có một buổi giới thiệu văn hóa Việt mang tầm cỡ lớn, với nhiều diễn giả tên tuổi (người Việt và Đức). Ngoài ra còn một số thuyết trình viên đến từ Pháp, Nga và Việt Nam . Xem chương trình với nhiều tiết mục sử dụng Đức ngữ, ta cũng có thể nhận ra mục đích của ban tổ chức là giới thiệu những mặt tiêu biểu của văn hóa Việt đến người Đức và tạo cơ hội cho giới trẻ tiếp cận văn hóa Việt Nam từ mọi khía cạnh.

Ngày Văn hóa Việt Nam được khai mạc vào trưa thứ bảy 20/05 tại Viện Á Phi thuộc Đại học Hamburg . Sau phần đọc văn thơ của một số cây bút Việt hải ngoại, đã có một cuộc hội luận về văn học Việt Nam
trong chủ đề ‘Văn học di dân Việt Nam', với sự tham dự của các nhà văn Lê Minh Hà (Đức), Ngô Nguyên Dũng (Đức), Mai Ninh (Pháp) và nhà phê bình Đặng Tiến (Pháp). Qua phần này, thính giả có thể nhận ra ngay những vấn đề nóng bỏng hiện nay trong sinh hoạt văn học Việt tại hải ngoại, nảy sinh từ những hệ luận bắt buộc của một sự thông lưu văn học giữa trong và ngoài nước ngày càng gia tăng: thế nào là văn hóa Việt hải ngoại, vị thế và sự tham gia của văn học hải ngoại vào dòng văn học trong nước, và thái độ ứng xử của người viết trước tình hình xã hội Việt Nam. Về điểm này có lẽ không ai không đồng ý là văn học và sự sáng tác có liên quan mật thiết đến xã hội, chính trị..., tuy nhiên sự liên quan ở cấp độ như thế nào (để từ đó người sáng tác phải có thái độ đáp ứng ra sao) vẫn còn là một điểm còn phải chờ nhiều thời gian để có thể tìm được một đồng thuận tương đối.

Trong ngày này khách đến xem cũng rất tán thưởng tiết mục giới thiệu chiếc ào dài Việt Nam qua suốt chiều dài lịch sử, từ thời Hai Bà Trưng cho đến ngày hôm nay, với những cô người mẫu người Việt lẫn người nước ngoài. Chỉ tiếc một điều là những chiếc áo thời xưa đã bị ‘hiện đại hóa' quá nhiều trong cách chọn vật liệu và trong kỹ thuật may cắt, việc trọng sự đẹp mắt vì thế đã làm mất phần lớn tính trung thực lịch sử xã hội.

Chương trình âm nhạc cũng khá phong phú, đặc sắc nhất là phần giới thiệu nhạc cổ truyền Việt Nam và một số điệu vũ dân tộc. Làm nền cho suốt buổi là những quầy hàng sách, khu triển lãm sách, tranh và – không thể thiếu – những món ăn Việt Nam quen thuộc.

Ngày thứ hai của Vietnam – Tage (chủ nhật 21/05/2006 ) được thực hiện trong Viện Bảo tàng Dân tộc học Hamburg . Ngoài những tiết mục trình diễn bắt cuộc phải có trong một ngày giới thiệu văn hóa Việt Nam (múa lân, trình diễn trang phục cổ truyền và tấu nhạc truyền thống, nhạc dân tộc…), quan khách còn được cơ hội tham dự một cuộc hội luận về những vấn đề liên quan đến văn hóa Việt Nam qua đề tài ‘Vietnam – Ein Land im Aufbruch: Chancen, Herausforderungen und Zukunfsperspektiven' (Việt Nam – Một đất nước đang chuyển mình: Cơ hội, thách thức và viễn cảnh tương lai). Khi nhìn và nghe ba ông tiến sĩ Đức bàn sâu nói rộng về văn hóa Việt Nam cho một cử tọa 100 người đa số da trắng, khách Việt chắc chắn sẽ được một cảm giác lạ, nhưng ít nhất họ đã có thể nghe được những tâm tình bộc trực của các vị học giả có nhiều nghiên cứu về Việt Nam. Vì đứng ngoài vòng, nên những nhận định về các chuyển biến xã hội, văn hóa (cũng ít nhiều dính dáng và chi phối văn học) của họ đã mang lại cho người nghe một số ý kiến khơi mở. Tuy nhiên, ý kiến chung của những tham dự viên vẫn khá phổ quát, là Việt Nam cần phải có dân chủ nhiều hơn, trong các lãnh vực tôn giáo, pháp luật, văn học (sáng tác, xuất bản…). Ngoài ra chính phủ cần phải tạo được nhiều hòa hợp hơn trong mọi lãnh vực.

Ngoài buổi tọa đàm, trong ngày này cũng có bốn bài thuyết trình về các khía cạnh khác nhau trong văn hóa Việt Nam , nhấn mạnh đến vai trò tôn giáo trong văn hóa Việt. Tiết mục trình chiếu bộ phim ‘ Vietnam – Land und kein Krieg' của đạo diễn Phan thị Minh Khải ( Munich ) đã kết thúc Ngày Văn Hóa Việt Nam 2006, với đánh giá chung là thành công.

Được biết Đại học Tổng Hợp Hamburg là nơi duy nhất trên toàn nước Đức giảng dạy Việt học như một bộ môn chính.

Nguyễn Hiền
(06/2006)


.Cái Đình - 2006.