Nguyễn Chinh Tường


Oriana Fallaci
1929 - 2006

 


Oriana Fallaci, New York 1974

Nhà văn kiêm ký giả người Ý Oriana Fallaci vừa từ trần vào tháng chín vừa qua tại Florence, quê hương của bà, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh ung thư.

Cuối cùng thì bà cũng chấm dứt trận chiến chót của đời mình. Người chiến binh nầy, chỉ với cây bút và chiếc máy ghi âm, đã đi suốt hết chiều dài của những tương tranh nóng bỏng nhất trong thế kỷ 20, để ghi nhận và tường thuật lại cho chúng ta tất cả những gì phi lý nhất của chiến tranh, và về những số phận bi tráng, hào hùng của những con người được tạo nên bởi lịch sử để rồi từ đó thay đổi hướng đi của lịch sử.

Sinh ngày 29 tháng 6 năm 1929 trong bối cảnh một nước Ý Phát xít, với cha là lãnh tụ kháng chiến của nhóm Giustizia e Liberta, chủ trương đấu tranh vũ trang chống Mussolini, Fallaci đã làm quen với chiến tranh từ năm 10 tuổi. Khuynh hướng độc lập và sự cứng rắn không khoan nhượng trước sự bất công, đàn áp đã nẩy mầm trong bà từ đó.


Oriani Fallaci, Việt Nam 1968

Chiến tranh luôn luôn là chủ đề của công việc và đời sống của bà. Theo Fallaci thì bà bị ám ảnh bởi sự vô nghiã, ngu xuẩn, tàn nhẫn và điên cuồng của chiến tranh. Năm 1968 bà sang Việt Nam làm phóng sự và sau đó cho ra đời tác phẩm Niente a cosi sia (Niets en zo zij het / Chẳng có gì và chỉ vậy mà thôi) về chiến tranh Việt Nam.

Bản dịch tiếng Hòa Lan Niets en zo zij het của Henry Rip đã tái bản đến lần thứ 6: Giữa một Sài Gòn hừng hực lửa Tết Mậu Thân, Fallaci phỏng vấn một vị tư lệnh cảnh sát chỉ mới 37 tuổi của miền Nam, vài ngày trước khi người ta chụp một tấm hình biến ông trở thành lịch sử: chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan.

Về một cuộc nội chiến tưong tàn nồi da nấu thịt và cũng không phần kém phần kinh khủng khác là chiến tranh tại Libanon, bà viết Insciallah (Insjallah (1)/ Ý của Allah) xuất bản năm 1992.

Ðam mê của Oriana Fallaci là viết văn bên cạnh nghề ký giả của mình. Nhưng danh vọng thật sự đến với bà từ những bài phỏng vấn các nhân vật tạo nên thời cuộc của thế kỷ 20. Fallaci đã "hỏi chuyện" Yasset Arafat, Indira Gandhi, Khomeini, Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Võ Nguyên Giáp... trùm CIA William Colby, vua đi đêm Henry Kissinger... Trong những lần đối thoại nầy, bà đã khéo léo đặt câu hỏi để đưa đến những phát biểu đầy chấn động từ những nhân vật lịch sử nầy. Ngoại trưởng Kissinger, một phù thủy trong ngành ngoại giao cũng đã phải than thở là cuộc phỏng vấn bởi Oriana Fallaci là một cuộc phỏng vấn có hậu quả thê thảm nhất đời ông (2)!

Bà là phụ nữ đầu tiên và duy nhất, trong lần phỏng vấn lãnh tụ Hồi giáo Khomeini, đã dám giật bỏ khăn trùm đầu của mình!

Tác phẩm đắc ý nhất của Fallaci là Un uomo (Een man / Môt người đàn ông), về Alekos Panagoulis, lãnh tụ phe đối lập dưới chế độ quân phiệt Hy Lạp (1967 - 1974). Ông cũng là mối tình lớn duy nhất trong đời bà. Hai ngày sau khi Panagoulis được trả tự do, bà phỏng vấn ông để rồi hai người yêu nhau, sống với nhau cho đến ngày Panagoulis bị ám sát chết vào năm 1976.

Bà quyết định không giữ đứa con chung của hai người mà trục đi. Trong quyển Lettera a un bambino mai nato (Brief aan een nooit geboren kind / Thư cho con không bao giờ được sinh ra) ra), bà giãi bầy về quyết định phá thai nầy và những lưa chọn bất khả thực hiện được của một người mẹ không chồng. Quyển nầy được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các phong trào tranh đấu cho nữ quyền.

Sau biến cố 11 tháng 9 năm 2003, Fallaci cho xuất bản La rabbia e l'orgoglio (De woede en de trots / Sự phẫn nộ và lòng kiêu hãnh) đưa đến sư kiện bà bị một nhóm Hồi giáo tại Thụy Sĩ kiện ra tòa với chứng cớ là bà đã viết trong sách nầy: " ... người Hồi giáo sinh sản như chuột và những đứa con của Allah thì giết thì giờ bằng cách chổng mông lên trời để cầu nguyện 5 lần trong ngày...". Bộ tư pháp Thụy Sĩ ra trát yêu cầu nước Ý cho dẫn độ Oriana Fallaci, nhưng bộ trưởng tư pháp Ý Roberto Castelli không chấp thuận với lý do tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân Ý.

Thái độ cứng rắn của bà đối với Hồi giáo ngày càng đưa bà đến gần đạo Ky Tô hơn, vốn là một tôn giáo mà trước đây bà cũng từng chỉ trích. Năm 2005, Fallaci đã hội kiến với đức giáo hoàng Benedictus. Sau lần hội kiến nầy, bà thuật lại là hai người đã đồng ý về việc Âu châu đã già nua và trở thành nạn nhân của sự vong thân. Nhưng bà lại không đồng ý với việc giáo hoàng vẫn còn tin tưởng vào một cuộc đối thoại với người Hồi giáo.

Trong tác phẩm cuối cùng, La forza della ragione (De kracht van de rede / Sức mạnh lý lẽ), Fallaci tiếp tục đã phá đạo Hồi, bà viết: "...Âu châu là một gái điếm về già đã bán linh hồn mình cho cuộc xâm lăng Hồi giáo... Âu châu là một điạ phận của Hồi giáo ... Âu châu không còn là Europa mà là Eurabia!.." Lần nầy, phe Hồi giáo ngay tại Ý mang bà ra tòa. Tòa án tại Bergamot quyết định gọi bà ra hầu tòa vào tháng 12 năm nay.

Ðể rồi định mệnh khiến bà không bao giờ phải ra tòa nữa!

Fallaci từ lâu đi đi về về giữa Manhattan và Toscane. Bà ở lại New York ngày càng lâu hơn, thật sự chua chát do những phản ứng mạnh mẽ về hai tác phẩm nói trên của mình. Và cũng để chống chỏi với căn bệnh ung thư, mà theo Fallaci thì bà mắc phải do hít thở khói từ đám cháy những mỏ dầu trong chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất, lúc bà đang làm phóng sự tại đây.

Ðây là một trong số những trận chiến ít ỏi mà Oriana Fallaci phải chấp nhận thất bại.

 

Nguyễn Chinh Tường

(theo:
- NRC Handelblad và Financiële dagblad số 16 tháng 9 năm 2006,
- http://nl.wikipedia.org/wiki/Oriana_Fallaci
- http://en.wikipedia.org/wiki/Oriana_Fallaci)

_____________________

Chú thích:

(1) Insjallah: Thể theo ý muốn của Allah, lời kinh cầu của Hồi giáo.

(2) Trong lần phỏng vấn nầy, Kissinger bị hỏi khéo đến độ phải công nhận là cuộc chiến ở Việt Nam là vô nghĩa (cho Hoa Kỳ), Intervista con la Storia , (Interview met de Geschiedenis / Phỏng vấn lịch sử)


Cái Đình - 2006