Ca Dao


Những Cây Số Nhân Quyền
(Ghi lại về cuộc biểu tình Nhân Quyền tại Genève ngày 8 tháng 5 năm 2009)

 

3 giờ chiều, thứ năm ngày 7 tháng 5, Paris, porte Choisy. Trời tháng năm nắng hanh vàng trên màu tím nhạt của những ngọn cây Paulownia. Những đóa hoa tim tím, xinh xinh được trồng rải rác trong khu phố Á châu của quận 13 đã điểm cho khu thương mại này một chút mềm mại của tuổi thơ, một chút trữ tình thật nhẹ nhàng như bài thơ “Tuổi 13” của nhà thơ Nguyên Sa. Không biết từ một hội ngộ nào giữa màu tím xinh xinh của cây Paulownia trong khu thương mại Á châu và bài thơ của thi sĩ Nguyên Sa mà có lúc, tôi đã hứa với một người bạn là, hôm nào đó, tôi sẽ viết một bài về quận 13, về những kỷ niệm trong 2 năm gắn bó tại đây, bài viết ấy tôi sẽ đặt tựa đề là “Tím 13” . Tựa đã có, tư liệu để viết cũng không thiếu, nhưng cho mãi đến hôm nay, tôi cũng chưa đánh được một con chữ nào về bài viết đã hứa. Nhưng, đó là chuyện bên lề của một lời hứa, chuyện sẽ đến..................

Bây giờ, tôi xin được trở lại với porte Choisy và cái nắng hanh vàng của tháng 5. Phía bên này của đường rầy xe tram mới được thành lập đã thấp thoáng những bóng người ngồi, đứng, túi xách, valise, cờ vàng, biểu ngữ..., làm sinh động hẳn cái vỉa hè của đại lộ Massena. Rất thành thật để thú tội rằng, chưa bao giờ tôi đến một nơi để ăn uống, đi chơi, hội họp, biểu tình... sớm như thế này, tôi đến điểm hẹn sớm hơn giờ khởi hành khoảng nửa tiếng. Thường thì tôi canh để chỉ đến đúng giờ hoặc sớm hơn 5 phút vì tôi nghĩ rằng đến sớm quá thì phải chờ đợi người khác, uổng phí thì giờ, trong khi đó, ở nhà tôi làm được nhiều việc khác hơn. Lần này, tôi sợ đến trễ sẽ bị bỏ lại nên đến thật sớm, ấy thế mà vẫn có rất nhiều người đến sớm hơn tôi. Sau màn chào hỏi cho đúng thủ tục, tôi được dịp làm quen với một vài người bạn mà tôi chỉ nghe tên chứ chưa biết mặt. Những khuôn mặt đấu tranh quen thuộc của Paris có mặt hầu như đầy đủ. Câu chuyện giữa những người đã từng quen biết nhau, giữa những người mới quen nhau nổ râm ran vang động cả một khúc vỉa hè. Đã quá giờ ấn định, xe vẫn chưa đến, mọi người bắt đầu sốt ruột, những câu hỏi được đặt ra, những nhà tiên tri tài tử giải đáp lưng chừng “ah, chắc kẹt xe...., chắc xe hư..., chắc có biểu tình hay tai nạn ở đâu đó...” Thậm chí có nhà tiên tri nửa đùa nửa thật cho rằng “Ừ, chắc cộng sản phá hoại cho mình hổng đi biểu tình...”. Cuối cùng, mọi người đồng ý chọn một giải pháp hiện đại nhất cho câu hỏi là nhờ thầy điện thoại di động đoán dùm tại sao xe đến trễ, câu trả lời rất nhanh và rất chính xác “bị kẹt xe”. Kẻ thở phào, người lo lắng..., những câu chuyện dở dang lại được tiếp tục.

Đến khoảng 4 giờ rưởi chiều thì chiếc xe bus khổng lồ đã lừ lừ tiến tới. Tôi đến sớm nửa giờ, xe bus đến trễ nửa giờ, tổng cộng tôi đến sớm 1 tiếng đồng hồ, một kỷ lục đối với tôi !!!

Mọi người tuần tự lên xe nhận chỗ ngồi. Rất nhanh, xe lăn bánh, hơn 700 km đang chờ đợi chúng tôi trên con đường trước mặt.

Xe nhọc nhằn chen lấn giữa dòng xe cộ của đại lộ vòng đai Paris, có lúc phải nhích từng thước một, có lúc dừng hẳn lại... Cuối cùng thì tôi cũng thở phào cùng chiếc xe bus nặng nề khi nó thoát ra khỏi đám bụi mù của khói CO2 để ra xa lộ chính dẫn về hướng Nam của nước Pháp. Buổi chiều xuống rất chậm, Chân trời bị cắt ngang bởi những thảm cỏ xanh non, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những cánh đồng cải vàng tươi, màu vàng tươi mát ngút ngàn trải rộng hết một khoảng đồi đem đến một cảm giác thanh bình của một đất nước ấm no. Phút chốc, tôi tạm quên đi những âu lo đã trải qua trong những ngày chuẩn bị cho cuộc biểu tình, phút chốc tôi tạm quên đi bên kia bờ đại dương, vẫn còn những cảnh đời khổ ải. Bao giờ quê hương tôi mới có màu xanh thanh bình của đồng lúa tự do? Bao giờ non nước tôi mới có được những thảm cải vàng ngút mắt trong không khí nhân quyền? Bao giờ và bao giờ??? Câu trả lời còn ở phía bên nửa kia của quả địa cầu...

Những cánh đồng cải vàng bạt ngàn được tưới thêm bởi cái nắng tháng năm nên rất tươi, rất chói chang, rất ngợp... Hàng triệu triệu bông cải vàng san sát nhau nằm đó, như cô gái biết mình đẹp và hãnh diện uốn éo khoe khoang trước những mắt nhìn. Những đồng cỏ xanh tiếp nối những đồng cải vàng, chiếc xe vẫn tiến về phía trước, chân trời tiếp nối chân trời...

Chiếc xe đầy người, những khuôn mặt “đã toan về chiều” bên những tiếng cười rất trẻ như một phối hợp hài hòa giữa nhiều thế hệ. tiếng cười nói, ca hát, tiếng thăm hỏi, trao nhau những tin tức cuối cùng của những chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Thoát chốc, bóng tối xuống thật nhanh, xe chạy qua những ánh đèn loang loáng nước, hình như trời đang mưa. Một ý nghĩ rất cải lương thoáng qua: “Trời đang khóc cho thân phận của những người dân Việt sao lắm nỗi đoạn trường”. 34 năm tưởng đã thanh bình, nhưng chúng ta vẫn phải còn gào lên tiếng nói của một dân tộc bị áp bức, thét lên tiếng kêu của một dân tộc bị tước đoạt đến tận cùng những gì căn bản nhất mà con người sinh ra đều phải có, đó là cái quyền được làm con người theo đúng ý nghĩa của nó. Xe chạy thật êm, giấc ngủ đến ngập ngừng trong tiếng hát của anh Hiệp (MC của đoàn) và ban hợp ca tài tử của đoàn: “Vận nước trong tay ta, là quyền của quân dân ta..., ta thề chết chứ không hề lui, quyết không hề phản bội quê hương......”

Place des Nations, tức công trưòng Liên Hiệp Quốc, 9 giờ sáng ngày 8 tháng 5 năm 2009. Điểm đến cuối cùng của chuyến đi, mục đích của mọi chuẩn bị trong gần 2 tháng qua. Màu vàng của cánh đồng cải trên con đường tôi đi qua không rực rỡ bằng màu vàng của rừng cờ đang ngự trị tại công trường này. Màu vàng của cánh đồng cải nhẹ nhàng và êm đềm. Màu vàng của rừng cờ trên quảng trường này rực rỡ, mạnh mẽ, oai hùng như tiếng nói quật khởi của một dân tộc không chịu khuất phục trước những điêu linh.

Chào hỏi, bắt tay, nhận ra và được nhận ra bởi những người thân, quen. Nhân dịp này mà tôi có cơ hội gặp gỡ những người bạn trên PT, những người bạn một thời ‘gặp' nhau hàng ngày trên mạng, tưởng chừng như thân thiết mà thật ra chưa một lần gặp mặt. Khi nhận ra nhau nơi này, chúng tôi tay bắt mặt mừng như đã thân nhau từ lâu lắm. Màu cờ và sắc áo, những chiếc áo dài truyền thống và cả những chiếc áo lính hải quân, lính biệt động, áo cà sa của các thầy tu, áo chùng của các linh mục và có cả sari của người Khmer Krom, người Ấn Độ, tất cả đều góp mặt tô điểm cho công trường một hỗn hợp đầy màu sắc sinh động.

Công trường khá rộng nên mặc dù rất đông người đến biểu tình, tôi vẫn phải đến từng khu một mới nghe được phát biểu của từng nhóm, từng người. Tiếng tụng kinh râm ri, tiếng hát vang vang, tiếng kêu gọi hoan hô, đả đảo... Mỗi nhóm tạo nên một sắc thái riêng của nhóm mình, sự khác biệt tất nhiên trong sinh hoạt dân chủ, tuy nhiên tất cả đều đến đây vì – và chỉ vì – một mục đích thiêng liêng chung: nói lên nguyện vọng đòi hỏi Nhân quyền trên đất nước mình. Hai chữ Nhân Quyền viết hoa mà nhiều người đã tốn bao nhiêu bút mực, công lao, sinh mạng chỉ để đòi lại cái quyền mà vốn dĩ khi sinh ra chúng ta đã có, nay đã bị tước đoạt bởi những chế độ độc tài.

Dưới những mái che được căng ra để che nắng và mưa, tôi ngạc nhiên khi thấy những anh chị em tham dự đã chuẩn bị thật đầy đủ: máy móc, âm thanh, dụng cụ y tế, thức ăn, nước uống, kể cả ghế xếp để ngồi khi mệt mỏi... Mỗi người một việc, mọi người đều bận rộn nhưng ai cũng rất nhiệt tình và hăng hái.

Trong tất cả các cuộc biểu tình của người Việt hải ngoại đều có sự hiện diện của lá cờ VNCH dưới nhiều hình thức khác nhau tùy theo những sáng kiến khác nhau: áo dài, khăn quàng, cravate, áo thun, nón, dù v.v.... Lá cờ như một điểm tựa để những người Việt tha hương tìm đến nhau, màu cờ như một nhớ về để làm đòn bẩy cho tinh thần đấu tranh. Có lần, tôi hỏi một người bạn đã sinh ra và lớn lên dưới chế độ Cộng Sản, hiện đang định cư tại hải ngoại: “anh nghĩ gì về lá cờ VNCH của chúng tôi?” Anh cười buồn và trả lời: “Các bạn may mắn còn có một lá cờ để mà chào, một quá khứ để ấp ủ, chúng tôi bây giờ chẳng còn gì nữa.”. Thật tội nghiệp cho những người đã bị một chế độ lừa dối suốt cuộc đời, bây giờ, ngoảnh lại, họ chẳng còn một niềm tin để tạm trú tâm hồn. Tôi hiểu họ lắm!!!

Nắng vẫn trải đều lên công trường Liên Hiệp Quốc, nắng bây giờ tưới lên rừng cờ một màu vàng kiêu sa, rực rỡ. Những lá cờ VNCH ngày nào vẫn tiếp tục bay trên bầu trời tự do. Bên kia góc công trường, lá cờ của những người Khmer Krom cũng phất phới bay, số lượng người của họ tuy ít hơn chúng ta, nhưng dù sao cũng là một cố gắng to lớn của họ để có thể đến Genève để nói lên tiếng kêu gọi Nhân quyền cho quê hương của họ.

Một sự kiện đặc biệt sẽ xảy ra trong ngày hôm nay, một chương trình mà chúng tôi đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước với sự hội ý của nhiều đảng phái, đoàn thể và hội đoàn: sự tái xuất hiện lá Đại Kỳ của VNCH.

Đây là lá Đại Kỳ của Tòa Đại Sứ VN tại Washington, DC ( Hoa K ỳ) trước năm 1975.

Đại Kỳ này đã được một nhân viên Đại Sứ Quán cất giữ gần 33 năm kể từ ngày Cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm Miền Nam VN. Mãi tới ngày 7 tháng 3 năm 2008 lá Đại Kỳ mới được trao lại cho Bảo Tàng Viện Fresno Discovery Museum (California, Hoa K ỳ) để cất giữ.

Đại Kỳ, dệt bằng lụa quí đặc biệt, chiều ngang 5 thước ( 15 feet ) chiều dài hơn 8 thước ( 25 feet ) và cân nặng 7 kilo ( 13 lb .)

Lá Đại Kỳ VNCH Lịch Sử đã được sử dụng trong những đại lễ tiếp đón nhiều vị quốc khách, nhiều nhân vật chính trị tên tuổi trên thế giới. Đại Kỳ đã một thời biểu trưng cho sức mạnh hào hùng, ý chí bất khuất và tinh thần yêu chuộng Tự Do Dân Chủ của nhân dân miền Nam Việt Nam trước 1975.

Đây là báu vật của Dân Tộc Việt Nam và của Cộng Đồng Người Việt yêu Tự Do Dân Chủ. Bảo Tàng Viện chỉ có nhiệm vụ cất giữ Đại Kỳ và đem đến những nơi nào có yêu cầu.

Hai ngày trước cuộc biểu tình cho Nhân quyền, anh S. (tôi tạm gọi là anh S. vì nhân sĩ này muốn được dấu tên) là người đầu tiên nêu ý kiến về việc rước lá Đại Kỳ đến Genève. Anh S. đã cùng với nhà văn Đinh Lâm Thanh * đến Thụy Sĩ để rước lá Đại Kỳ do anh Jimmmy Nhan Vu – marketing manager của Bảo Tàng Viện Fresno Discovery – mang sang. Chuyến đi khá vất vả và nhiều trục trặc vì nhân viên phi trường khám phá ra anh Jimmy ôm kè kè trong người một chiếc valise đựng một bảo vật của một viện bảo tàng. Mặc dù có giấy phép đầy đủ nhưng họ cũng gây rất nhiều khó khăn cho anh Jimmy. Ph ải vận dụng những cách tránh né khéo léo, đi đường vòng, cuối cùng thì qua 3 lần chuyển máy bay, anh Jimmy cũng đến được Genève vào tối ngày thứ năm, 7 tây tháng 5 để trao lá Đại Kỳ lại cho anh Đinh Lâm Thanh và anh S.

Theo chương trình đã dự thảo thì lá Đại kỳ sẽ được căng rộng ra giữa công trường Liên Hiệp Quốc bởi 20 phụ nữ trong đồng phục áo dài vàng và trắng. Chung quanh lá Đại Kỳ sẽ có một hàng rào an ninh do các anh Võ B ị Đà Lạt phụ trách, các anh Võ B ị sẽ cầm những lá cờ đại diện cho Liên Châu. Sau đó anh Lưu Phát T ấn (Cộng Đồng Hòa Lan) sẽ điều khiển nghi thức chào Đại Kỳ và mặc niệm. Tuy nhiên vào giờ cuối, vì một vài sơ sót trong phối hợp nên chương trình đã không diễn ra theo trình tự như dự định. Nhưng trong bất cứ một tổ chức nào cũng vậy, đều có những trục trặc xảy ra vào giờ cuối, nhất là những phối hợp giữa những tổ chức liên châu lại càng khó khăn hơn vì lý do không gian và thời gian.

10 giờ sáng ngày thứ sáu 8 tháng 5, công trường Liên Hiệp Quốc chan hòa ánh nắng, những ngày nắng hiếm hoi tại một xứ sở nhiều đồi núi, lắm sương mù này như một món quà ưu ái của thượng đế dành cho những người còn có một tấm lòng. Chiếc Ghế Gãy vĩ đại được dựng lên từ năm 1997 để đòi quyền lợi cho những người tàn tật vẫn sừng sững ở một góc công trường, ngạo nghễ đối diện với Điện Quốc Liên, nơi sẽ diễn ra cuộc điều trần trong vài giờ sắp tới. Có chiếc Ghế Gãy nào cho quê hương tôi? Một quê hương tàn tật cả Tự Do lẫn Nhân Quyền??

Không biết từ lúc nào, anh S. đã đến bên tôi, hai tay anh nâng lá Đại Kỳ được xếp gọn ghẽ, anh chọn một thế đứng đối diện với tôi và nói: “Ca Dao tuyên bố vài lời trước khi anh trao lại lá Đại Kỳ.”. Tôi thoáng bất ngờ vì lúc đó anh Lưu Phát T ấn chưa chuẩn bị xong dàn âm thanh, nhưng đã quá trễ để có thể thay đổi nên tôi phát biểu ngắn gọn về lịch sử của lá Đại Kỳ và nhận lá Đại Kỳ từ tay anh S. Lá Đ ại Kỳ từ từ được các chị mặc áo dài mở ra giữa khuôn viên của công trường. Trong khi tôi còn ngơ ngác chưa định nghĩa được cảm xúc của mình lúc đó thì tiếng Quốc Ca VNCH đã trổi lên từ lúc nào, thiết tha, trầm hùng và hình như có cả những giọt nước mắt xúc động. Lá cờ vĩ dại đã được tung ra, toàn vẹn và oai hùng, ngạo nghễ chiếm một khoảng giữa rộng lớn của công trường. Quanh lá Đại Kỳ, những bài ca được hát lên một cách tự phát để vinh danh những linh hồn đã nằm xuống, những nhớ tiếc về một quê hương đã xa và những hoài vọng cho những ngày sắp tới.

Vào lúc tôi đang ngồi viết những dòng này, tôi đã nhận được nhiều bài tường thuật gửi đến từ những góc nhìn khác nhau, những đoạn phỏng vấn của các đài truyền thông. Tất cả những ý kiến được phát biểu của những người có mặt, nói chung đều toát lên một tinh thần rất phấn khởi khi đến đây tham dự, tất cả mọi người đều có một cái nhìn đoàn kết về cuộc đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho Việt Nam.

Có lẽ những anh chị em đã tham dự vào Ban Tổ Chức (Cộng Đồng ở Đức, Hoà Lan, Pháp) cho ngày biểu tình này đều đồng ý rằng điều mà chúng ta rất lo lắng trong khi chuẩn bị cho ngày biểu tình đã không xảy ra. Dù có những sự việc xảy ra ngoài dự định, nhưng nói chung, những sự việc ấy cũng đã diễn tiến một cách rất tự nhiên. Nếu không có một phát biểu nào đó về “phe, nhóm”, thì bên ngoài nhìn vào họ sẽ chỉ thấy một khối hải ngoại đoàn kết từ bốn phương đổ về đây chỉ vì một mục đích duy nhất: Nhân Quyền cho Việt Nam. Những phát biểu có tính cách tiêu cực như thế trước công chúng có thể sẽ bị cộng sản lợi dụng để gây chia rẽ. Rất may, lời phát biểu lẻ loi đó chỉ là một chấm đen nhỏ nhoi không đủ làm hoen ố bức tranh Nhân Quyền rực rỡ được tô điểm bằng những con tim rực lửa đấu tranh, bằng dòng máu Lạc Hồng đang cuồn cuộn chảy.

Trời đổ mưa, những giọt mưa xuân rất nhẹ nhàng trong cái nắng chiều đến vội. Mọi người tìm chỗ trốn mưa. Tuy nhiên, những cuộc phỏng vấn vẫn được tiếp tục, những tiếng hát vẫn vang vang dưới những chiếc lều trú mưa. Thấy tôi co ro trong chiếc áo dài mỏng manh, chị Thái Thanh Thủy hỏi tôi có muốn mượn lá cờ của chị để phủ quanh người cho ấm không, trong khi tôi thấy chính chị cũng cúm rúm dưới chiếc dù nhỏ để tránh mưa. Nếu lúc này có ai hỏi tôi: Tình người ở đâu? thì tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng: “Tình người ở đây, trên khoảng đất xa lạ này.” Này là áo dài của chị Hạnh cho mượn, cờ của chị Thủy quấn cho ấm, xôi của chi Lợi lúc tôi đói buổi trưa, nước của chị Duyên, miếng chip của anh chị Tuấn, cục kẹo của anh Răn, trái xí muội của anh Hà, bánh mì của các anh chị bên phái đoàn Đức, thỏi fromage của một anh bạn không biết tên, cái... vai của anh Bắc Ninh (mang dùm cái giỏ), vv. và vv....

Trên con đường đấu tranh, chúng ta sẽ gặp trùng trùng những chân tình như thế. Đó là những chiếc phao ân tình cho tôi bám vào những khi mệt mỏi trên đường.

Khoảng 2 giờ 30, trong khi phái đoàn cộng sản Hà Nội báo cáo về tình trạng Nhân Quyền tại Việt Nam bên trong với sự hiện hiện của phái đoàn người Việt hải ngoại: ông Vũ Qu ốc Dụng, ông Võ văn Ái, ông Nguyễn Quốc Nam, bà Nguyễn Thể Bình, bà Xuân Lan, ông Nguyễn Ngọc Bảo..., thì bên ngoài, đoàn biểu tình vẫn tiếp tục cầu nguyện, ca hát, hô to những khẩu hiệu đòi hỏi Nhân Quyền cho Việt Nam. Cạnh đó, phái đoàn Khmer Krom và Ấn Độ cũng hô vang những khẩu hiệu đòi Nhân Quyền cho đất nước của họ. Mặc dù có nhiều nhóm biểu tình, mặc dầu không cùng ngôn ngữ, mỗi người lo thực hiện phần việc của nhóm mình, nhưng tất cả những nhóm biểu tình hôm đó đã tạo thành một bức tranh hài hòa với tinh thần kết đoàn cao đẹp.

6 giờ chiều, phái đoàn Pháp lên xe chuẩn bị ra về, những cái bắt tay vội vã, những tiếng chào nghẹn ngào, trao vội cho nhau một địa chỉ email, hẹn với nhau ở một lần đấu tranh tới....

Xe lăn bánh, tôi nghĩ mình sẽ phải ngủ một giấc dài trên xe sau bao nhiêu mệt mỏi. Những chuẩn bị cho ngày Quốc Hận 30 tháng 4, rồi cho biểu tình Genèeve đã ở lại sau lưng, bây giờ phải nghỉ mệt, phải ngủ một giấc để lấy sức cho những công tác sắp tới. Ai cũng mệt cả rồi! Nhưng tôi lầm! Mọi người vẫn còn khỏe lắm. Một chương trình bỏ túi được tiếp tục trên xe bus. Anh Nguyễn Quốc Nam tường thuật những gì xảy ra trong Điện Quốc Liên khi CS Hà Nội báo cáo về Nhân Quyền, anh Đinh Lâm Thanh thuật lại những khó khăn gặp phải để có được lá Đại Kỳ tại Genève. Để thu ngắn quãng đường dài trở về, anh Hiệp hát vài bài nhạc đấu tranh rồi kể chuyện vui và được sự hưởng ứng của mọi người. Cũng trong dịp này, tôi học được thêm một nghĩa thứ hai của chữ ‘cóc'. Mọi người thấm thía lắm nên thành ngữ này được áp dụng suốt chuyến trở về, và cũng rất tình cờ mà bác sĩ Liễu đã trở thành đề tài cho mọi người chọc ghẹo, tuy nhiên ông bác sĩ già này “cóc có giận ai bao giờ”!!!

Nắng đã tắt tự bao giờ trên những ngọn đồi chập chùng của núi rừng Thụy Sĩ, đêm xuống nhẹ nhàng trong lòng những kẻ lưu vong, nhưng đêm tha hương hôm nay thật ấm tình người. Trong bóng tối nhập nhòa, giọng ca trầm buồn của anh Phan Toàn Châu như chứa đựng những giọt nước mắt: “Vạn ngày buồn trôi qua, tim tôi đã chết rồi... đã chết rồi theo tiếng thở của quê hương...”. Con đường trước mặt hãy còn dài và lắm chông gai. Hãy thức dậy những con tim đã ngủ yên, Mở rộng tấm lòng để đón nhận mọi đóng góp cho quê hương, hãy góp từng cơn gió nhỏ để tạo nên bão lớn.

12 giờ đêm, Paris, porte Choisy. Những hàng cây Paulownia đã ngủ yên. Đêm thổi đi những nhọc nhằn đã qua. Ngày mai sẽ là một ngày mới với những niềm tin và hy vọng mới.

 

Chúa Nhật, 10 tháng 5 năm 2009.
Ca Dao

 


Cái Đình - 2009