Nguyên Hoàng Bảo Việt


Ngày Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù

 

Chủ nhựt 15 tháng 11 năm 2009 là Ngày Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị đàn áp và cầm tù kỳ thứ 29. Trong 12 tháng qua, Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế đã kiểm tra hơn 900 cuộc tấn công nhắm vào những nhà văn và nhà báo dám hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm và ý kiến. Hầu hết những người này đã bị sách nhiễu, bị bắt giữ, bị tra tấn hoặc bị nhốt tù. Khoảng 200 người đang bị cưỡng bách chấp hành hình phạt tù nặng nề. Tệ hại hơn nữa: hơn hai mươi người khác bị làm cho im lặng tuyệt đối bằng những cuộc ám sát, hình thức tối hậu và ghê rợn của chế độ kiểm duyệt. Văn Bút Quốc Tế nhấn mạnh đến năm trường hợp tiêu biểu cho năm khu vực trên thế giới: ở Cameroun, ông Pierre Roger Lambo Sandjo, ca sĩ kiêm nhà soạn lời hát; ở Trung Hoa, ông Liu Xiaobo, nhà văn đối kháng và chủ tịch Trung tâm Văn Bút Trung Hoa độc lập; ở Ba Tư, ông Maziar Bahari, nhà báo Ba Tư - Gia Nã Đại, nhà viết kịch và làm phim (nộp tiền bảo chứng để được tại ngoại hầu tra); ở Mễ Tây Cơ, ông Miguel Angel Gutiérrez Avila, nhà nhân chủng học, ngôn ngữ học và tác giả của nhiều cuốn sách về người bản xứ của Tiểu bang Guerrero (bị đánh đập đến chết ngày 25/26 tháng 7 năm 2008) và ở Nga, bà Natalia Estemirova, một nhà báo dũng cảm và nhà bảo vệ nhân quyền không biên giới (bị bắt cóc và sát hại tại Tchéchénie ngày 15 tháng 7 năm 2009).

Ngày hôm nay, chúng tôi không thể quên được hàng trăm nạn nhân khác. Cuối tháng 10 năm 2009, Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc tế kỳ thứ 75 tại thành phố Linz, nước Áo, đã thông qua nhiều Quyết Nghị lên án cuộc đàn áp và đe dọa đối với các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà bất đồng chính kiến, nhà dân chủ đối kháng, luật sư bảo vệ nhân quyền ở Trung Hoa, Cuba, Erythrée, Géorgie, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Dưới chế độ cộng sản Việt Nam, nhiều người đã bị giam giữ kéo dài, thường quá 12 tháng trước khi xử án, giam cầm suốt nhiều năm qua trong các trại lao động cưỡng bách sau các vụ án theo kiểu mẫu Staline. Tội của các phạm nhân: phát biểu quan điểm bất đồng hoặc đối kháng của mình, viết bài trên Internet tố cáo tham nhũng và vi phạm nhân quyền. Các điều kiện của trại giam thật là vô nhân đạo. Thiếu dinh dưỡng, chăm sóc y tế và vệ sinh, một số tù nhân ngôn luận và lương tâm, kể cả nhứt là phụ nữ, còn bị tra tấn, hành hung hoặc bị làm nhục bởi các tù nhân hình sự. Trong số tù nhân ngôn luận và lương tâm (nhiều người ít được báo chí nói đến) có Hòa thượng Thích Quảng Độ (thế danh Đặng Phúc Tuệ) 81 tuổi, nhà thơ và trí thức bị quản chế từ năm 2003; linh mục Nguyễn Văn Lý, biên tập viên tạp chí Tự Do Ngôn Luận (không được thừa nhận hợp pháp), 8 năm tù; hai cộng tác viên biên tập, ông Nguyễn Phong và ông Nguyễn Bình Thành,  6 và 5 năm tù; hai luật sư bênh vực nhân quyền và dân chủ đối kháng, bà Lê Thị Công Nhânông Nguyễn Văn Đài, 3 và 4 năm tù; bà Lê Thị Kim Thu, phóng viên độc lập và nhà bất đồng chính kiến, 18 tháng tù; ba nhà bênh vực nhân quyền và dân chủ đối kháng, bác sĩ Lê Nguyên Sang, luật sư Nguyễn Bắc Truyển và luật sư Trần Quốc Hiền, 4, 3 và 5 năm tù; hai nhà bất đồng chính kiến, ông Trương Quốc Huy và ông Phạm Bá Hải, 6 và 5 năm tù; hai nhà báo độc lập, ông Trương Minh Đức và ông Nguyễn Văn Hải (bút ký điện tử Điếu Cày), 5 và 2 năm 6 tháng tù; bà Phạm Thanh Nghiên, nhà báo độc lập và dân chủ đối kháng, bị giam cầm từ ngày 17 tháng 9 năm 2008; ông Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà thơ, nhà văn và dân chủ đối kháng, 6 năm tù; ông Vũ Văn Hùng, nhà giáo, nhà văn và nhà bảo vệ nhân quyền, 3 năm tù, bị tra tấn trong trại giam; bốn nhà dân chủ đối kháng, sinh viên Ngô Quỳnh, nhà văn Phạm Văn Trội, nhà thơ Nguyễn Văn Túc và nhà thơ Trần Đức Thạch, 3, 4, 4 và 3 năm tù; ông Nguyễn Văn Tính, nhà giáo, cộng tác viên biên tập tạp chí Tổ Quốc (không được thừa nhận hợp pháp), 3 năm tù; ông Nguyễn Kim Nhàn, nhà dân chủ đối kháng và nhà bảo vệ nhân quyền, 2 năm tù; ông Nguyễn Mạnh Sơn, nhà thơ và nhà dân chủ đối kháng, 3 năm tù; bốn nhà bất đồng chính kiến và bảo vệ nhân quyền, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Lê Thăng Long, bà Trần Thị Thu và bà Lê Thị Thu Thu, bị bắt giam ngày 24 tháng 5 và ngày 4 tháng 6 năm 2009; luật sư Lê Công Định, nhà bênh vực nhân quyền và nhà bất đồng chính kiến, bị bắt giam ngày 13 tháng 6 năm 2009; hai nhà bất đồng chính kiến, ông Nguyễn Tiến Trung và ông Trần Anh Kim, bị bắt giam ngày 7 tháng 7 năm 2009.

Thêm nữa, ngày 8 tháng 10, nhà thơ kiêm nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, nguyên tù nhân ngôn luận và lương tâm, đã bị bắt sau khi các nhân viên an ninh mặc thường phục đến nhà bà, gây sự để sách nhiễu bà và thân nhân gia đình. Bà Trần Khải Thanh Thủy đã bị những kẻ bạo hành tấn công bằng gạch và thân nhân lo sợ bà có thể bị một chấn thương đầu. Giới truyền thông chính thức của nhà nước CS lại tung tin rằng bà Trần Khải Thanh Thủy và chồng bà đả thương một người khác. Tuy nhiên, chỉ một mình bà bị khởi tố về tội ‘’cố ý gây thương tích’’ và chỉ một mình bà bị câu lưu vô hạn định. Sự giam cầm độc đoán (và vô nhân đạo) đó còn khiến cho bà Trần Khải Thanh Thủy không tiếp nhận được thuốc men, chăm sóc y tế cần thiết để trị bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và áp huyết thấp. Cần nhắc lại, bà Trần Khải Thanh Thủy từng mắc bệnh lao phổi nặng vừa chữa lành. Cũng giống như trường hợp nhà báo dân chủ đối kháng Taoufik Ben Brik bị bắt giữ mới đây ở nước Tunisie, nhà văn dân chủ đối kháng Trần Khải Thanh Thủy là nạn nhân của một vụ khiêu khích hoàn toàn được tổ chức (và điều khiển trong bóng tối nhằm gây sự để đánh đập bà rồi vu oan để bắt giữ bà). Công an CS đã công bố một tấm hình cho thấy một người đàn ông bị thương. Thật ra, các nhà viết nhựt ký điện tử Việt Nam đã mau lẹ phát hiện sự ngụy tạo của công an CS. Bức ảnh đó đã được chụp ngày 28 tháng 2 năm 2005 chớ không phải ngày 9 tháng 10 năm 2009 (như công an CS đã phao tin sau khi giam nhốt bà Trần Khải Thanh Thủy).

Genève ngày 15 tháng 11 năm 2009
Nguyên Hoàng Bảo Việt
Hội viên Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại
và Trung tâm Nhà Văn Việt Nam lưu vong (CEVEX).

 

Nguyên tác: Écrivains et journalistes persécutés, emprisonnés et assassinés
Trích từ: www.protectionline.org
Nguyễn Ngọc chuyển dịch

 


Cái Đình - 2009