Trịnh Bình An
Herta Müller – Nobel Văn chương 2009
Bà nội bảo tôi, “Bà biết con sẽ trở về.”
Tôi không cố tình nhớ câu nói đó. Nhưng tôi đã đem nó vào trại cải tạo mà không nghĩ gì hết. Tôi hoàn toàn không biết rằng nó đi cùng với tôi. Nhưng một câu nói như vậy có tính độc lập của riêng nó. Nó ảnh hưởng tới tôi hơn tất cả những cuốn sách tôi mang theo. Bà biết con sẽ trở về trở thành cái xẻng hình trái tim phù trợ cho tôi và là thiên thần đối nghịch với cơn đói. Rồi vì tôi đã trở về nên tôi có quyền tuyên bố rằng, một lời nói như thế sẽ giúp bạn sống sót.
(Trích Tiểu thuyết “Everything I Own I Carry With Me” của Herta Müller) (1).
Đó là một đoạn trong tác phẩm văn học “Atemschaukel” của Herta Müller, nhà văn được giải Nobel Văn chương 2009. Ủy ban Nobel Văn học nhận xét, Herta Müller là “người, với sự cô đọng của thơ ca và sự thẳng thắn của văn xuôi, đã mô tả được dáng vẻ của một mảnh đất bị tước đi quyền làm chủ chính mình.” (2)
Nhà văn phản kháng
Herta Müller sinh ngày 17/08/1953 tại thị trấn nói tiếng Đức Nitzkydorf, vùng Banat (Romania). Theo học môn văn chương Đức và Romania tại Đại học Timisoara (Temeswar). Müller tham gia nhóm Aktionsgruppe Banat của các nhà văn đấu tranh cho tự do ngôn luận dưới chế độ độc tài Ceauşescu. Ra trường Müller làm thông dịch viên tại một nhà máy (1976). Tại đó bà bị bắt hợp tác với mật thám, nhưng đã thẳng thắn từ chối. Bọn công an Securitate cảnh cáo, “Mày sẽ hối hận, chúng tao sẽ dìm mày xuống sông” (3)Nhưng cay đắng hơn sự đe dọa là thái độ của những người làm chung trong nhà máy, họ lớn tiếng chửi Müller là “đồ chỉ điểm.” Bà nói, “Tôi bị chính những người tôi đang bảo vệ giết vì đã từ chối không rình rập họ.” Cuối cùng Müller bị đuổi việc (1979) nhưng cũng vẫn bị dằn mặt hết sức dã man. Bà kể lại:
Khi tôi đang trên đường đến tiệm cắt tóc, một người công an bắt tôi phải đi theo anh ta. Qua cánh cửa sắt hẹp đến một tầng hầm một căn nhà. Đã có 3 người đàn ông mặc thường phục ngồi ở bàn. Một người nhỏ con gầy gò là trưởng nhóm. Hắn ta đòi coi thẻ căn cước của tôi rồi nói: “Con điếm kia, lại gặp mày nữa.” Tôi chưa bao giờ gặp hắn. Hắn bảo tôi đã làm tình với 8 sinh viên Arab để đổi lấy vớ dài và son phấn. Tôi chưa hề quen một sinh viên Ả Rập nào. Khi tôi nói như thế, hắn trả lời, “Nếu tụi tao muốn, tụi tao có thể kiếm được 2 chục thằng Ả Rập làm nhân chứng. Để mày coi, sẽ có một phiên tòa hết xẩy.”
Thỉnh thoảng hắn ném thẻ căn cước của tôi xuống đất, tôi phải cúi xuống lượm lại, khoảng 3 chục hay 4 chục lần. Khi tôi cúi người, hắn đá vào sau lưng tôi, nơi gần xương cùng. Đằng sau cánh cửa cuối bàn, tôi nghe thấy có tiếng đàn bà thét lên. Bị tra tấn hay bị hãm hiếp, tôi mong sao đó chỉ là máy ghi âm mà thôi. Rồi tôi bị bắt ăn 8 cái trứng luộc với hành và muối. Tôi cố lèn tất cả vào họng. Rồi gã ốm mở cửa, ném thẻ căn cước của tôi ra ngoài và đá đít tôi. Tôi té xấp mặt xuống cỏ cạnh những bụi cây. Tôi nôn thốc nôn tháo không ngửng đầu. Tôi chậm rãi nhặt tấm thẻ của mình lên và đi về nhà. Bị chặn giữa đường còn kinh hoàng hơn là bị gọi lên “làm việc”.
Những bủa vây tứ phía cộng thêm cái chết của người cha khiến cho Müller vô cùng đau đớn. Tập truyện ngắn đầu tiên “Niederungen” đã được viết trong khoảng thời gian đen tối đó. Tập truyện bị kiểm duyệt gắt gao. Chỉ đến năm 1984, sau khi được bí mật chuyển qua Tây Đức, tập truyện mới được in với nguyên nội dung của nó.
Sau khi bị sa thải, Müller sống bằng nghề giữ trẻ và dạy kèm tiếng Đức. Năm 1987, Müller cùng chồng (nhà văn Richard Wagner) được Tây Đức cho nhập cư vì dám gay gắt chỉ trích chính quyền, và tính mạng 2 người bị đe dọa. Tại đây, bà viết văn và làm giáo sư thỉnh giảng tại một số trường đại học ở Đức và ở nước ngoài.
Những tác phẩm tiêu biểu
Phần lớn tác phẩm của Müller đều bằng tiếng Đức. Dưới đây là giới thiệu một số tác phẩm đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha (Spanish). (4)
Niederungen (Những vùng đất thấp - Bản Anh ngữ có tên: “Nadirs”)
Những truyện ngắn mô tả cuộc sống ảm đạm của vùng nông thôn dưới chế độ độc tài. Một bé gái phải chứng kiến và chịu đựng hàng ngày sự tàn nhẫn và lãnh đạm của những nông dân trong làng. Chế độ cai trị vô nhân đã biến thôn quê hiền hòa thành những nơi ngột ngạt đến kinh người.
Trích đoạn truyện ngắn “Bài giảng ngày đưa đám” (The Funeral Sermon) – Linh mục Müller đã từng phục vụ trong lực lượng Wafffen SS thời Thế chiến II:
Cha mày đã giết rất nhiều người, một người đàn ông nhỏ bé với giọng say lè nhè nói với tôi. Tôi nói: ông ấy có mặt trong chiến trận. Cứ giết 25 người thì được một tấm mề đay. Ông ta đem về nhà khá nhiều mề đay.
Cha mày hãm hiếp một người đàn bà trên cánh đồng củ cải, người đàn ông nhỏ bé lại nói, cùng với 4 người lính khác. Cha mày nhét một củ cải giữa hai đùi bà ta. Khi cha mày đi khỏi thì bà ta vẫn còn chảy máu. Bà ấy là một người Nga. Nhiều tuần sau, bọn tao gọi mọi thứ khí giới là “củ cải.”
(Trích “Nadirs” – The Funeral Sermon – trang 3)
Herztier (Trái tim thú - Bản Anh ngữ có tên: “The Land of Green Plums”)
Như nối tiếp “Những vùng đáy”, truyện ngắn “Trái tim thú” kể lại chuyện một nhóm thanh niên rời thôn quê lạc hậu và nghẹt thở lên đại học trên thành phố với ước mơ tìm thấy sự đổi mới, kiến thức và tình bạn. Nhưng chỉ ít lâu sau, họ nhận ra sự thật cay đắng: thành phố cũng chẳng hơn gì nông thôn, vẫn mang hằn dấu ấn tàn khốc của bàn tay cường quyền. Cách cai trị độc đoán của giới lãnh đạo đang hủy hoại cuộc sống của các sinh viên trẻ: họ phản bội nhau, thù ghét nhau, khom lưng nghe lệnh nếu không muốn bị đày đọa.
Lola, một sinh viên và Đảng viên, sau khi bị một giảng viên cưỡng dâm, cô đã treo cổ tự tử trong tủ áo.
Vào lúc 4 giờ chiều, tại sảnh đường, hai ngày sau khi đã treo cổ tự vẫn, Lola bị khai trừ khỏi Đảng và bị xóa tên khỏi trường đại học. Hàng trăm người có mặt trong sảnh.
Một người đứng trên bục và nói: Nó đã phản bội lại tất cả chúng ta, nó không xứng đáng là một sinh viên của đất nước chúng ta hay là thành viên của Đảng chúng ta. Mọi người vỗ tay. Tối hôm đó trong phòng riêng có ai đó thốt lên: Mọi người đều muốn khóc nhưng không thể, vì thế họ phải vỗ tay thật lâu. Chẳng ai dám là người đầu tiên ngưng vỗ tay. Vài người ngưng một lúc, nhưng vì quá sợ hãi họ lại vỗ lại. Đến lúc đó thì hầu như mọi người đều muốn ngưng vỗ tay, có thể biết như thế vì tiếng vỗ trong phòng đã bắt đầu rời rạc, nhưng vì có một số vỗ tay lại nên mọi người phải tiếp tục. Cuối cùng khi có tiếng đùng đùng như giày to đá vào tường thì người đứng trên bục mới đưa tay ra dấu im lặng.
(Trích “The Land of Green Plums” – trang 25)
Atemschaukel (Hơi thở xích đu - Bản Anh ngữ có tên: “Everything I Own I Carry With Me”)
Một thanh niên 17 tuổi cố nén sự lo sợ khi gia đình giúp anh chuẩn bị đồ dùng lên đường đến trại tập trung Sô Viết. Dựa vào kinh nghiệm của nhà thơ Oskar Pastior, một người rất thân thiết với nhà văn, Müller tả lại hoàn cảnh lao khổ của những người Đức ở Romania bị bắt vào các trại Gulag dưới thời Stalin. Chính mẹ của Müller cũng đã từng trải qua 5 năm lao khổ trong trại (5)
Reisende auf einem Bein (Du hành với một chân - Bản Anh ngữ có tên: “Traveling on one leg”)
Truyện ngắn với nhân vật chính là Irene, một cô gái Romania vượt biên và xin tị nạn ở Đức. Trong khi chờ đợi nhập tịch, Irene đi qua nhiều thị trấn nhỏ. Cô gặp nhiều loại người trong đó có những người đàn ông trở thành tình nhân của cô.
Irene nhắm mắt lại nhưng vẫn bước đi. Cô trượt chân và đâm hoảng. Chẳng có gì hết nơi Irene vừa bị trượt chân. Mặt đường cũng chẳng cao hơn hay thấp hơn.
Một chiếc xe cảnh sát phóng nhanh qua cầu. Còi xe hú vang như đe dọa. Và từ xa, giữa những hàng cây, tiếng còi réo lên như thể nó đang rất khoái trá: nơi nào đó trong thành phố đã có máu đổ.
Cô đã từng sống ở đâu, người quản lý nhà trọ hỏi.
Ở một khu trại tị nạn
Cô từ đâu tới
Irene nói tên quốc gia
Cô quen ai ở đó
Irene nói tên gã độc tài
Không có gì tốt về hắn đâu nhỉ, người quản lý nói
(Trích “Traveling on one leg” – trang 29)
Heute wär ich mir lieber nicht begegnet (Hôm nay, nếu tôi không phải gặp tôi thì tốt hơn - Bản Anh ngữ có tên: “The Appointment”)
Nhân vật chính là một cô gái làm nghề thợ may. Cô bị công an thường xuyên gọi lên “làm việc” vì cô bị bắt quả tang đang đính vào tấm vải lót trong các bộ trang phục sắp sửa xuất khẩu ra nước ngoài những một mẩu vải có hàng chữ “Hãy cưới tôi”.
Trên đường đi đến nơi bị thẩm vấn, cô gái nhìn kỹ những cảnh đời. Cô quan sát những người cùng đi xe điện với mình. Cô sực nhớ đến Lili, một người bạn đã bị đàn chó săn cắn cho đến chết khi toan vượt biên. Cô nhớ đến người yêu là chàng Paul đã sa vào rượu chè vì không thể tiếp tục chịu đựng cảnh một chiếc xe công an ngày đêm theo dõi anh ta. Cô nhớ lại lớp cha anh, người thì bị vào trại cải tạo, kẻ khác bán rẻ lương tâm cho các tín điều mù quáng.
Paul uống rượu và không còn là anh ta nữa, rồi anh ta lăn ra ngủ và lại trở thành anh ta. Cứ vào giấc trưa, mọi sự dường như ổn, nhưng một lần nữa lại thành hỏng bét. Tôi thì cứ nghĩ hoài về chuyện anh ta và tôi thật ra là những thứ gì cho đến khi tôi không còn nghĩ ngợi được gì nữa. Trong bữa ăn trưa, chúng tôi ngồi với nhau ở bàn nhà bếp, và bất cứ điều gì nhắc tới việc anh ta say khướt ngày hôm qua đều là chuyện khó nói. Thế nhưng, thỉnh thoảng tôi vẫn ráng cho ra một vài lời:
Uống rượu chẳng giải quyết được gì.
Tại sao em cứ phải làm cho đời tôi khổ thêm.
Bạn có thể sơn hết căn bếp này với những thứ mà ngày hôm qua bạn không muốn nhắc tới nó.
Quả thực, căn chung cư thì nhỏ, và tôi không muốn tránh mặt Paul; nhưng khi chúng tôi ở nhà, chúng tôi ngồi quá lâu ở trong bếp. Tới giữa trưa là anh ta đã say khướt, tới chiều thì càng tệ hơn. Tôi im vì nếu tôi nói là Paul thêm cáu gắt. Tôi phải đợi qua đêm, khi anh ta lè nhè say và ngồi trong bếp với cặp mắt như củ hành. Thế nhưng tới lúc đó thì cái gì tôi nói anh ta cũng chẳng còn nghe thấy nữa. Tôi muốn Paul công nhận điều tôi nói là đúng, dù chỉ một lần. Nhưng những kẻ say rượu không bao giờ công nhận bất cứ điều gì, ngay cả công nhận một cách im lặng cũng không - và họ cũng sẽ chẳng để ai bóp ra được lời lời thú nhận của họ, đặc biệt với những ai đang chờ đợi. Điều Paul nghĩ đến đầu tiên khi vừa thức giấc là uống, mặc dù anh ta chối phắt. Vì thế chẳng bao giờ có chút sự thật nào. Nếu anh ta không ngồi im ở bàn mặc cho tôi nói thì anh ta sẽ lải nhải suốt ngày những câu như thế này:
Đừng lo, tôi không uống rượu vì chán nản đâu. Tôi uống vì tôi thích uống.
(Trích “The Appointment” – trang 10)
Cuộc chiến đấu vẫn chưa chấm dứt
Trong gần 30 năm cầm bút với hơn 24 tác phẩm (tiểu thuyết và thơ), Müller đã đoạt hơn 20 giải thưởng văn học trong đó có những giải danh giá như: giải Kleist, giải Aristeion và giải IMPAC. Tuy nhiên, so với những nhà văn đã từng được giải Nobel Văn chương trước đây như V.S. Nailpaul (2001) hay Doris Lessing (2007) Herta Müller vẫn còn là một cái tên xa lạ với thế giới. Có lẽ vì lý do đó nên nhà văn đã hết sức kinh ngạc khi biết mình được trao giải Nobel 09. Müller nói: “Tôi rất bất ngờ và vẫn còn chưa tin đó là sự thật. Trong lúc này tôi vẫn chưa biết phải nói thế nào”
Ông Michael Krüger, giám đốc nhà xuất bản Carl Hanser tại Munich (German) nhận xét về Herta Müller:
Hai mươi năm sau sự phân chia Đông-Tây của nước Đức, Herta Müller đã được tưởng thưởng vì bà đã duy trì những ký ức về sự vô nhân của chế độ cộng sản. Bà là điển hình cho một dòng văn chương châu Âu quyết tâm đem lịch sử vào hiện tại với sự sắc sảo của phân tích và sự chính xác của thi ca.
Mặc dù Ủy ban Nobel đã không nói rằng việc trao giải cho một nhà văn phản kháng Romania là có ý nhắc nhở đến sự xụp đổ của chế độ cộng sản, nhưng nhiều người đã không nghĩ như thế. Chính thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã phát biểu: “Hôm nay, 20 năm sau ngày bức tường Berlin xụp đổ, đó là một tin tuyệt vời vì nó cho ta thấy những tác phẩm văn chương giá trị viết về những kinh nghiệm sống (dưới chế độ cộng sản) đã được vinh danh với giải Nobel”.
Được trao giải thưởng văn chương cao quý nhất là điều ngoài sự mong đợi của Herta Müller nhưng cũng không phải là mục đích cuối cùng. Nhà văn hôm nay vẫn như cô sinh viên ngày nào, vẫn tiếp tục tranh đấu cho tự do. Bà nói:
Trải nghiệm sâu sắc và nặng nề nhất của tôi vẫn là thời gian sống dưới chế độ độc tài Romania. Và sống ở Đức, cách đó vài trăm ki-lô-mét, không làm sao xóa đi những hồi ức đó. Tôi mang theo tôi quá khứ, và tôi nhớ rằng sự độc tài vẫn đang là một đề tài hiện nay tại Đức.
Và như thế, đối với nhà văn vừa được giải Nobel, cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt, người chiến sĩ vẫn còn phải đối đầu với rất nhiều khó khăn trở ngại. Trong cuộc chiến đó, điều cần nhất có lẽ sẽ giống như một câu nói trong “Cuộc hẹn”: “Cái chính là đừng để mình bị phát điên” (6)
Trịnh Bình An
Trích từ: DCVOnline
___________________________________
Chú thích:
(1) Herta Müller’s novel “Everything I Own I Carry With Me” - an excerpt
(2) Herta Müller at the complete review, complete-review.com, 2009
(3) Herta Müller: Securitate in all but name, pwf.cz, 11/07/09
(4) Phỏng vấn Herta Müller: Qua ngôn ngữ tìm thấy chân lý Lothar Schroeder, Chuyển ngữ: Thái Kim Lan, damau.org, 12/10/09
(5) Có thể đọc một phần các tác phẩm của Herta Müller trên Google Book
(6) German Writer Herta Müller: Another Nobel Surprise, Lev Grossman, time.com, 08/10/09
Cái Đình - 2009