Cái Đình


Hai bản nhạc ngoại lời Việt gặp khúc đoạn trường


Sinh hoạt âm nhạc tại Việt Nam đầu thiên niên kỷ thứ ba đã chuyển sang một hướng mới. Bên cạnh những sáng tác của các nhạc sĩ Việt Nam, phong trào hát những bản nhạc chuyển ngữ/phỏng dịch từ những nhạc phẩm viết bằng Anh và Pháp ngữ đang nở rộ, bên cạnh những bản nhạc dịch từ những nhạc phẩm có xuất xứ từ những nước Á châu (Trung quốc, Hàn quốc…) đa phần bắt nguồn từ phim ảnh. Nhiều ca sĩ trẻ trong nước như Thu Phương, Mỹ Tâm bổng nhiên nổi bật hẳn lên với những ca khúc ngoại quốc lời Việt. Nhu cầu tăng cao vọt, sức sáng tác (= dịch) của các người làm công việc chuyển lời có hạn. Điều này đã đưa đến những lục tìm trong kho tàng nhạc dịch của miền Nam klhi trước, đã một thời khởi sắc trong những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, khi phong trào nhạc trẻ được dấy lên trong giới học sinh sinh viên Saigon.

Và như thế, ‘Họa mi tóc nâu’ Mỹ Tâm đã bay cao trong bản nhạc dịch từ bài ‘Bang bang’ có tựa tiếng Việt là ‘Khi Xưa Ta Bé’ và ‘Búp Bê Không Tình Yêu’, dịch từ bài ‘Poupée de Cire Poupée de Son’.

‘Bang bang’ được biên soạn bởi đôi danh ca nổi tiếng Hoa Kỳ là Sonny & Cher, sau đó được chuyển lời sang tiếng Pháp và được ca sĩ Sylvie Vartan trình bày. Người Việt thuở đó biết đến bản này do tiếng hát của cô và bản lời Việt do Thanh Lan trình bày. ‘Poupée de Cire Poupée de Son’ là một bản nhạc nổi tiếng lời Pháp được nhiều người biết đến qua tiếng hát của nữ ca sĩ France Gall, bản nhạc lời Việt khi đó được ca sĩ Thanh Mai trình bày.

Trong một chương trình thi hoa hậu năm 2002, Mỹ Tâm đã trình bày nhạc phẩm ‘Búp Bê Không Tình Yêu’. Bản nhạc được cô giới thiệu là nhạc ngoại, lời Việt của nhạc sĩ Lê Quang. Còn trong những lần trình diễn bản ‘Khi Xưa Ta Bé’ cũng như trong đĩa CD, Mỹ Tâm không hề nhắc tới tên người đã viết lời ca tiếng Việt cho bản nhạc này.

Thực sự, người viết lời Việt cho ca khúc ‘Búp Bê Không Tình Yêu’ là Vũ Xuân Hùng. Điều này đã được hai nhạc sĩ tiền phong trong phong trào nhạc trẻ tại (Nam) Việt Nam, Trường Kỳ (hiện cư ngụ tại Montréal, Canada) và Nam Lộc (cư ngụ tại California – là người đã chuyển lời Việt của bản ‘Tell Laura I Love Her’ thành ‘Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu’, là một nhạc phẩm hiện nay thường được ca sĩ Trần Thu Hà trình bày trong những buổi diễn của cô xác nhận trong một cuộc phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do RFA.

Khi nghe lời giới thiệu bản ‘Búp Bê Không Tình Yêu’ là của nhạc sĩ Lê Quang, báo giới và những người nghe nhạc trong nước khi đó đã rất bất bình. Được biết, trước đó nhạc sĩ Lê Quang đã bị một thành viên trong Hội đồng phúc khảo nhắc nhở chuyện mạo nhận này. Cũng theo tin trong nước, khi hay tin nhạc sĩ Lê Quang nhận là tác giả lời Việt bài ‘Búp Bê Không Tình Yêu’, bà Xuân Hòa, vợ của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đã yêu cầu nhạc sĩ Lê Quang không được tiếp tục ngộ nhận nữa. Tiếc rằng, sự việc kéo dài hơn một năm vẫn không thay đổi và ca sĩ Mỹ Tâm vẫn tôn trọng bản quyền đối với nhạc sĩ Lê Quang. Quá uất ức, bà đã điện thoại gặp anh Thái Huân – bầu sô ca sĩ Mỹ Tâm để yêu cầu chấm dứt thái độ ‘xem thường người khác’ như vậy. Điều bất ngờ nhất là anh Thái Huân chỉ chấp nhận sự biên tập của nhạc sĩ Lê Quang chứ không chấp nhận hay xác minh lại theo yêu cầu của bà Xuân Hòa. Trong khi đó, gia đình nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng cho biết chỉ cần ca sĩ Mỹ Tâm chấp nhận lời Việt bài hát ‘Búp Bê Không Tình Yêu’ không phải của Lê Quang và không đề cập gì đến chuyện tiền bạc. Có vẻ thấy sự việc diễn tiến theo chiều hướng căng thẳng, gần đây ca sĩ Mỹ Tâm đã không còn hát bài ‘Búp Bê Không Tình Yêu’ nữa.

Trong một buổi họp báo live show của ca sĩ Mỹ Tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Lê Quang cũng đã xác nhận trước đây không biết lời Việt bài ‘Búp Bê Không Tình Yêu’ của ông Vũ Xuân Hùng, nên ghi tên mình vào cho... dễ xin phép! Trong buổi họp báo này, báo chí một lần nữa nhắc nhở nhạc sĩ Lê Quang về bài hát ‘Khi Xưa Ta Bé’ được ghi trong danh mục là nhạc ngoại lời Việt của Lê Quang. Những người hiểu thủ tục xét duyệt biểu diễn tại Việt Nam, khi nghe Lê Quang trả lời như trên, đều hiểu ngầm rằng ‘cho dù bây giờ có đề tên người dịch là Phạm Duy thì chưa chắc đã được cấp giấy phép’(1). Tuy thế nhạc sĩ Lê Quang sau đó đã ‘thận trọng’ hơn: Cắt bỏ tên mình, chỉ ghi đơn giản là ‘nhạc ngoại, lời Việt’. Trong DVD live show ca sĩ Mỹ Tâm mới phát hành, bài ‘Khi Xưa Ta Bé’ cũng được ghi một cách lơ mơ là ‘nhạc ngoại lời Việt’.

Khi được hỏi về vấn đề này (trong chương trình phỏng vấn do đài Á Châu Tự Do RFA phát ngày 24/10/2004), nhạc sĩ Phạm Duy trả lời: ‘Cấm thì họ cứ cấm thôi, còn bây giờ họ cho phép thì họ cứ cho phép thôi, đối với tôi không có quan hệ gì cả, tôi không có ý kiến gì cả, bởi vì sự thực ra thì tôi là một người nghệ sĩ mà, làm ra cái gì xong rồi quên nó ngay, đẻ ra một cái gì ra xong rồi thì cái đó thuộc của quần chúng chứ còn cái gì nữa, đối với tôi thì cái đó không còn sơ hà gì nữa, nhưng mà ai mà còn xuyên tạc thì tôi kiện thôi, có thế thôi...’

Trong một trao đổi giữa phóng viên Vietnamnet với ông Lê Nam, Trưởng phòng Quản lý Băng đĩa nhạc thuộc Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn (thuộc Bộ Văn Hóa Thông Tin), ông này đã cho biết: “Trước đây bài Sérenate của Schubert có nhiều thư gửi đến nói là của Phạm Duy dịch lời Việt. Chúng tôi đã phải cử người đi đến thư viện quốc gia xác định. Thậm chí thanh tra của Bộ VHTT đã vào cuộc và gặp những nhạc sĩ lớn tuổi để tìm hiểu, nhưng vẫn chưa xác định được (?). Nếu chúng tôi xác định được lời Việt bài hát ‘Khi Xưa Ta Bé’ (Bang bang) là của nhạc sĩ Phạm Duy thì chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo lên lãnh đạo Bộ Văn Hóa Thông Tin để có phương pháp giải quyết”.

*

Những rắc rối quanh chuyện nhạc ngoại lời Việt, sau hai ‘sự cố’ Bảo Chấn (2) và Quốc Bảo (3) đạo nhạc ngoại, đã làm giới tổ chức đại nhạc hội Việt Nam khựng lại, và dĩ nhiên trong tương lai mọi người sẽ rất thận trọng trong việc lựa bài bản để lên chương trình biểu diễn. Vụ việc ‘nhạc ngoại lời Việt của những nhạc sĩ có ca khúc bị cấm hát’ đã là một minh xác cho các tiêu chuẩn xét duyệt âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung tại Việt Nam. Với người Việt hải ngoại, việc xét duyệt một tác phẩm theo cách: trước dựa trên căn bản ‘lập trường chính trị’, thứ đến mới xét nội dung, được so sánh với việc ‘bài thi không rọc phách’, và như thế, trên quan điểm nghệ thuật, rõ ràng là có hai khuynh hướng đối chọi nhau, ngay trong lúc này khó thể nói đến chuyện tìm ra một mẫu số chung. Vấn đề này cũng là một trong những mấu chôt làm Nghị quyết 36 (NGHỊ QUYẾT số 36/NQ-TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ) thiếu tính thuyết phục. Về phần các cơ quan xét duyệt, đây cũng là một vấn đề ‘đau đầu’ trong việc kiểm chứng ai là tác giả thực của bài hát. Thực tế cho thấy ngay như bản Sérénade mà Thanh tra bộ Văn Hóa Thông Tin đã gặp khó khăn khi đi tìm xác minh (4) thì nói gì đến những bản nhạc ít phổ biến, hay trong trường hợp những nhạc sĩ có nhiều tên khác nhau như Lê Dinh (ngoài tên thật ông còn có những nhạc phẩm ký tên Mạc Phong Linh – Mai Thiết Lĩnh, Dạ Cầm, Vũ Chương, Nhật Nguyệt Hồ, Tôn Nữ Thị Khương, Mạnh Quỳnh, Ngọc Văn, Văn Minh Sơn..., chưa kể ông đã đặt nhạc chung với Minh Kỳ, Anh Bằng dưới tên Lê Minh Bằng). Ngoài ra, lời bản nhạc cũng có thể là một cái bẫy cho những người mang trách nhiệm xét duyệt mà thiếu kiến thức. Thí dụ lời của bản ‘Khi Xưa Ta Bé’ bắt đầu bằng ‘Khi xưa đôi ta bé ta chơi, đôi ta chơi bắn súng khơi khơi, chơi công an đi bắt quân gian, anh hiên ngang đưa súng ngay em... Bang bang’, có lẽ từ ‘công an’ đã làm bộ phận xét duyệt biểu diễn không ngờ bản nhạc đã được chuyển lời Việt ở miền Nam Việt Nam từ năm 1972.

Riếng đối với bản gốc ‘Bang bang’, quyết định rút lại giấy phép đã cấp cho bản ‘Khi Xưa Ta Bé’ (nếu điều này xảy ra) là một ‘án tử’ trên lãnh thổ Việt Nam, vì theo nhận xét của dân nghe nhạc, khó ai có thể chuyển lời bản này hay cho bằng Phạm Duy, ‘người phù thủy âm nhạc Việt Nam’. Nói chung, nhạc dịch cũng như sách dịch tại Việt Nam sắp bước vào chặng đường chông gai, sau khi Việt Nam đã ký vào công ước Berne (có hiệu lực từ 26/10/2004), có nghĩa là kể từ ngày này tất cả các nhà xuất bản, các cơ sở sản xuất băng đĩa nhạc, các cuộc biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp muốn sử dụng tác phẩm nước ngoài phải được phép bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hoặc tổ chức đại diện hợp pháp quyền tác giả. Bộ phận có trách nhiệm duyệt văn hóa chắc chắn sẽ e dè vì theo luật pháp họ là người đại diện chính thức của nhà nước trong việc triển khai công ước Berne.

_____________________________

Chú thích:

(1) Theo điều 3 trong Thông báo số 2 (số 1435 của Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch – nay là Bộ Văn Hóa Thông Tin – ký ngày 10/8/1991) có ghi chi tiết cấm sử dụng một số bài hát như sau: “Cấm sử dụng toàn bộ các bài hát, bản nhạc của các nhạc sĩ bỏ Tổ quốc ra đi đã có thái độ và việc làm chống lại Cách mạng và nhân dân ta như: Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Nguyệt Ánh, Việt Dũng. Các bài hát, bản nhạc của các tác giả đã bỏ Tổ quốc ra đi hiện chưa rõ thái độ chính trị của họ thì tạm không sử dụng.”

(2) Bảo Chấn đã làm chấn động giới âm nhạc Việt Nam khi ông bị tố là bản ‘Tình Thôi Xót Xa’, một bản nhạc thuộc loại top (và là một bản nhạc đã đưa ca sĩ Lam Trường lên đài danh vọng, ở hải ngoại bản này đã được ca sĩ Thảo My, vợ nhạc sĩ Đức Huy, trình bày lần đầu tiên) có nhiều đoạn copy từ bài ‘Frontier’ của Keiko Matsui, kể luôn cả phần dàn dựng của nhà hòa âm nổi tiếng Gary Stockdale, từng được đề cử giải Emmy 1999. Ngoài ra bản ‘Tình Thôi Xót Xa’ cũng rất giống bản ‘I’ve never been to me’ của Charlene trong album nhạc cùng tên. Để làm rõ sự việc, Hội nhạc sĩ Việt Nam đã cử nhạc sĩ An Thuyên – trưởng ban kiểm tra của hội – vào Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu làm sáng tỏ vấn đề, và qua bản đúc kết sau 3 ngày làm việc từ 29 đến 31/05/2004, Hội âm nhạc Việt Nam đã quyết định cảnh cáo nhạc sĩ Bảo Chấn và thông báo đến toàn thể hội viên vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp, gây hậu quả xấu trong công chúng yêu nhạc, đồng thời yêu cầu nhạc sĩ Bảo Chấn 'cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, cố gắng trau dồi nâng cao nghiệp vụ để có được những tác phẩm tốt, tránh không để xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trên'.

(3) Quốc Bảo bị tố là đã sao chép gần y nguyên bản trong các trường hợp: ‘Tuổi 16’ với ‘Renaissance fair’ của nhạc sĩ Ritchie Blackmore (trong đĩa ‘Blackmore’s night’), ‘Ánh trăng’ với ‘Can’t wait’ của Yoo Seung Jun Feat Yuki, và ‘Để anh cháy cùng em’ với ‘Dance with me’ của Debelah Morgan. Sau nhiều cuộc họp, với cả sự có mặt của nhạc sĩ Quốc Bảo, vào ngày 01/07/2004, Hội Âm Nhạc Thành Phố Hồ Chí Minh kết luận là “Một số bài hát của nhạc sĩ Quốc Bảo với mức độ khác nhau, đã giống với nhiều bài hát nước ngoài. Đặc biệt, bài ‘Tuổi 16’ đã sao chép nguyên xi bài ‘Renaissance fair’ của ‘Blackmore’s night.’”

(4) Trước kia, những người thích nghe nhạc Việt ở miền Nam Việt Nam và dĩ nhiên nhiều nhạc sĩ đều biết là bản Sérénade khi đó được Phạm Duy dịch và Thái Thanh hát. Ở Hoa Kỳ, ca sĩ Mai Hương trong đĩa CD ‘Sérénade – Nhạc cổ điển lời Việt’ của bà (CD Diễm Xưa 105) cũng ghi ‘Lời Việt Phạm Duy’. Có thể Thanh tra Bộ Văn Hóa Thông Tin đã hỏi không đúng người hoặc những người được hỏi đã vì một lý do nào đó tránh né không trả lời. Vì theo tin của Vietnamnet đưa, phóng viên báo này đã tìm gặp Duy Quang (con nhạc sĩ Pham Duy) tình cờ lúc đó đang ở Việt Nam để hỏi và Duy Quang đã xác nhận: “Lời Việt của bài hát Bang Bang là do ba tôi (nhạc sĩ Phạm Duy) viết vào khoảng năm 1970" (trích bản tin của Vietnamnet đăng ngày 15/10/2004)



Cái Đình - 2004