Nguyễn Ðình Thắng


25 năm Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển

 

Lời BBT:
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển có cho ấn hành một bản lược trình những hoạt động của ủy ban này dưới quyền điều hành của Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng. Bản lược trình gồm những đoạn sau đây:

 

Chúng ta đang chuẩn bị bước sang năm thứ 30 của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Năm 2005 cũng đánh dấu 25 năm hoạt động của Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển mà tiền thân là Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển. Sau đây là lược về giai đoạn 10 năm đầu của Ủy Ban.

Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển được thành lập vào đầu năm 1980, và chấm dứt hoạt động vào cuối năm 1990. Văn Phòng Ủy Ban đặt tại 6970 Linda Vista Road, San Diego, CA 92111. Hoạt động của Ủy Ban được chia ra làm 2 giai đoạn:

1.- Báo động về cảnh huống thuyền nhân lên diễn đàn quốc tế để tìm cách chấm dứt thảm trạng này.

2.- Trực tiếp cứu vớt thuyền nhân trên Biển Ðông.

 

Giai đoạn một: Báo động về cảnh huống của thuyền nhân

Ðầu năm 1980, khi làn sóng người tỵ nạn lên cao nhất, tệ nạn hải tặc cũng bi thảm nhất, Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S Committee) đã được thành lập do Tiến Sĩ Nguyễn Hữu Xương, giáo sư Ðại Học University of California San Diego, làm chủ tịch với sự hợp tác của nhiều nhân vật uy tín tại địa phương. Giám Ðốc Ðiều Hành Ủy Ban là nhà văn Phan Lạc Tiếp. Như tên gọi, Ủy Ban lúc đầu chỉ có một mục đích là theo dõi những thảm nạn của thuyền nhân, phổ biến rộng rãi những thảm nạn ấy trước dư luận, can thiệp với các tổ chức quốc tế để nhờ các nơi này cứu vớt thuyền nhân. Sau đây là những công tác cụ thể mà Ủy Ban đã lần lượt thực hiện.

Vụ Hải tặc trên đảo Kra

Khởi đi từ những lá thư kêu cứu của nhà văn Nhật Tiến, vợ chồng nhà báo Dương Phục-Vũ Thanh Thủy đại diện cho 157 nạn nhân bị hải tặc bắt và hành hạ tại đảo Kra. Ủy Ban đã can thiệp với chính phủ Thái Lan đem vụ đảo Kra ra xét xử, đồng thời can thiệp để 157 nạn nhân của vụ này được vào Mỹ nhanh chóng, tránh cho họ phải trải qua những ngày bị đe dọa, sợ hãi tại trại tỵ nạn Thái Lan. Can thiệp để chính phủ Thái Lan cho cảnh sát kiểm soát đảo Kra, tránh cho nơi này là sào huyệt của bọn hải tặc tiếp tục hành hạ thuyền nhân trên đường đi tìm Tự Do.

Vụ Building 9

Tháng 6 năm 1981, Building 9 là nơi nhà đương cuộc Thái Lan giam giữ hơn 300 người Việt Nam, đa số là thanh niên còn trẻ, với tội danh là “tù binh chiến tranh”. Vì họ là những đào binh của quân đội Cộng Sản Việt Nam, nhưng thực tế họ là con em của chúng ta tại Miền Nam, bị bắt đi lính cho Cộng Sản, hành quân xâm lăng Cambochia. Căn cứ trên tài liệu do họ cung cấp, Ủy Ban đã trình bày, phân tích hoàn cảnh của những thanh niên này gửi cho chính quyền Thái Lan và Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn, nên đa số họ đã được lập thủ tục đi đoàn tụ với thân nhân tại các quốc gia đệ tam.

19 thuyền nhân bị vu cáo là hải tặc

Năm 1981, 19 thuyền nhân Việt Nam và gia đình họ bị nhà đương cuộc Thái Lan bắt giam, vì trên đường vượt biên họ đã chống lại bọn hải tặc để tự vệ. 19 người này do sự can thiệp của Ủy Ban, được tòa án Thái Lan tha bổng ngày 27 tháng 12 năm 1981. Họ và gia đình họ đã được đi định cư. Lá thư cám ơn của 19 người này gửi tới Ủy Ban đã được loan báo trước hàng ngàn đồng bào trong ngày Hội Tết tại San Diego.

Ðiều trần tại quốc hội Hoa Kỳ

Năm 1982, làn sóng người Việt Nam ra đi vẫn còn mạnh mẽ. Tệ nạn hải tặc và sóng gió của biển khơi vẫn còn là những đe dọa khủng khiếp cho người Việt trên đường đi tìm Tự Do, trong khi đó chính quyền Thái Lan có chủ trương không tiếp nhận người tỵ nạn nữa. Ngày 29 tháng 4 năm 1982, Ủy Ban đã ra điều trần trước Tiểu Ban Á Châu Thái Bình Dương (Asia Pacific Subcommitte) để xin Hạm Ðội 7 cứu vớt thuyền nhân, xin chính phủ Thái Lan tiếp tục cho thuyền nhân Việt Nam tạm thời nhập nội, xin chính phủ Hoa Kỳ can thiệp để nhà đương cuộc Hà Nội xúc tiến chương trình ra đi có trật tự (ODP).

700 cô nhi

Tại các trại tỵ nạn Thái Lan, do nhiều hoàn cảnh bi thảm trên đường đi tìm tự do, có trên 700 trẻ nhỏ thất lạc cha mẹ, không thân nhân. Viện lẽ trẻ nhỏ cần được ở gần cha mẹ, Chính phủ Thái Lan dự trù trả các trẻ nhỏ này về bên kia biên giới Cambochia. Ủy Ban đã vận động để những trẻ nhỏ này được các hội từ thiện quốc tế tiếp nhận và định cư ở những quốc gia đệ tam.

Trại Sikiew

Tháng 10 năm 1982, Ủy Ban đã can thiệp để thảm cảnh của đồng bào tại Sikiew được cải thiện. Hàng trăm đồng bào ta ở quá lâu tại Immigration Center Room No 14 được đi định cư. Các trẻ em sơ sinh của 70 phụ nữ, nạn nhân của hải tặc, được nuôi dưỡng, chăm sóc do 1500 Mỹ kim từ Ủy Ban gửi đến.

Trại tỵ nạn NW82

Năm 1982, Ủy Ban đã vận động, can thiệp để đồng bào vượt biên qua ngả đường bộ, tạm trú tại đây được đi định cư, như những đồng bào vượt biển tìm tư do, không phải trả về bên kia biên giới.

Các phụ nữ Việt Nam bị bắt

Tháng 9 năm 1982, Ủy Ban phát động chiến dịch tìm kiếm những người con gái bị hải tặc bắt đi. Tài liệu liên hệ đã được gửi đến 1500 tổ chức và các cơ quan quốc tế. Kết quả có 10 cô gái được may mắn giải thoát. Sau đó, bắt đầu từ năm 1986, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đồng ý với Ủy Ban, thành lập mộ tổ chức đặc nhiệm để giải cứu những cô gái nạn nhân này, và có 3 cô gái đã được giải cứu. Ðây là một vấn đề tế nhị, khó khăn cho bất cứ ai lưu ý tới từ nhiều năm qua.

 

Giai Ðoạn 2: Chiến dịch vớt người biển Ðông

Sau 5 năm hoạt động, với những thành quả cụ thể, được dư luận và đồng bào khắp nơi hỗ trợ, trong khi làn sóng người vượt biển tìm Tự Do vẫn không chấm dứt, Ủy Ban đã liên kết với những tổ chức nhân đạo quốc tế đem tàu ra biển trực tiếp cứu vớt thuyền nhân.

Tàu Jean Charcot năm 1985

Ủy Ban đã hợp tác với Hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp (Medecins du Monde) đem con tàu Jean Charcot ra Biển Ðông cứu vớt thuyền nhân. Chiến dịch này khởi đầu ngày 30 tháng 4 năm 1985, đúng 10 năm Việt Cộng cưỡng chiếm Miền Nam, và chấm dứt ngày 7 tháng 6 năm 1985, vớt được 520 thuyền nhân. Ða số những thuyền nhân này được chính phủ Pháp cấp chiếu khán để định cư tại Pháp. Và suốt thời gian hoạt động, Hải Quân Pháp đã biệt phái chiến hạm Schoelcher tháp tùng để hỗ trợ và bảo vệ.

Kết quả khích lệ này đã khiến cộng đồng người Việt khắp nơi mừng rỡ, nhiệt tình hỗ trợ, mở đầu cho những Chiến Dịch Vớt Người Biển Ðông sau này.

Tàu Cap Anamur

Năm 1986, Ủy Ban đã hợp tác với Ủy Ban Cap Anamur của Ðức Quốc cùng với Hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp, gửi con tàu Cap Anamur II ra khơi, dưới sự điều động của Ủy Ban Cap Anamur.

Trong thời gian 5 tháng hoạt động, tàu Cap Anamur II qua 3 lần ra khơi, đã gặp được 14 chiếc ghe tỵ nạn và vớt được tổng cộng 888 thuyền nhân. Trong số đó 530 thuyền nhân đã được trao cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại đảo Palawan để đi định cư tại các quốc gia đệ tam đã cấp chiếu khán cho họ. Vì số chiếu khán đã hết, 358 thuyền nhân còn lại được tàu Cap Anamur II chở thẳng về hải cảng Hambourg, Ðức hôm 5 tháng 5 năm 1986. Tại hải cảng này, các thuyền nhân Việt Nam đã được đón tiếp rất trọng thể, và được chính thức vinh danh là Những Chiến Sĩ của Tự Do. Hình ảnh cuộc đón tiếp này đã được phổ biến rất rộng rãi trên khắp thế giới.

Trong chuyến công tác này, Ủy Ban đã đóng góp 300 ngàn Mỹ Kim và gửi 2 thành viên theo tàu đảm trách công tác điều hành, thông dịch và hỗ trợ thuyền nhân trên nhiều lãnh vực.

Tàu Rose Schiaffino

Năm 1987, với sự hợp tác của cả 3 tổ chức (Hội Y Sĩ Thế Giới, Ủy Ban Cap Anamur và Ủy Ban Boat People SOS), con tàu Rose Schiaffino đã ra Biển Ðông, khởi hành hôm 3 tháng 4 năm 1987. Cho đến cuối tháng 6, tàu Rose Schiaffino đã vớt được 906 thuyền nhân, trừ 1 người đã bị tàu duyên phòng của Cộng Sản Việt Nam săn đuổi, bắn chết.

Trong công tác này Hải Quân Pháp đã biệt phái 3 chiến hạm hộ tống, tham gia chiến dịch. Và đây cũng là công tác có sự hiện diện đông đảo của các cơ quan truyền thông và báo chí, gồm 12 ký giả và 3 toán chuyên viên thu hình từ Âu Châu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngày 22 tháng 7 năm 1987, tàu Rose Schiaffino cặp bến Rouen, thuộc bờ biển Normandi, Pháp Quốc, đem theo gần 300 thuyền nhân, trong đó có gần 200 người đã ở quá lâu tại các trại tỵ nạn. Từ cửa biển vào đến hải cảng, con tàu chở người tỵ nạn đã được chính quyền cũng như dân chúng dành cho những cuộc đón tiếp rất trọng thể. 4 vị bộ trưởng trong chính phủ Pháp đã chờ đón thuyền nhân tại cầu tàu, và lần lượt lên diễn đàn ngỏ lời chào mừng, và một lần nữa vinh danh sự ra đi vì Tự Do của thuyền nhân Việt Nam. Một lần nữa hình ảnh thuyền nhân Việt Nam lại xuất hiện trên trang nhất những tờ báo lớn, cũng như trên các màn ảnh truyền hình khắp thế giới, nhất là ở Âu Châu.

Tàu Mary Kingstown năm 1988

Năm 1988 Ủy Ban hợp tác song phương với Hội Y Sĩ Thế Giới (Ủy Ban Cap Anamur không tham dự chiến dịch này). Con tàu Mary Kingstown khởi hành từ hải cảng Singapore hôm 25 tháng 4 năm 1988, dưới sự hộ tống của chiến hạm chuyên chở trực thăng Jeanne D'Arc và soái hạm Boudet của Hải Quân Pháp. Bà Vũ Thanh Thủy, một thành viên của Ủy Ban, người được trao danh hiệu Tiến Sĩ Danh Dự, người của Thế Kỷ 21, đã trực tiếp tham gia công tác này, cùng với các chuyên viên thu hình của đài ABC khởi hành từ Hoa Kỳ. Các hình ảnh trong công tác này sau đó đã được chiếu trong chương trình 20/20 hôm 5 tháng 8 năm 1988. Trong khi đó các vị Bác Sĩ Việt Nam từ Hoa Kỳ và Canada cũng trực tiếp hiện diện trên tàu để cứu giúp thuyền nhân, gồm có Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ, Bác Sĩ Nguyễn Thượng Vũ, Bác Sĩ Bùi Ðồng và Bác Sĩ Trang Châu.

Chiến dịch này đã chính thức chấm dứt ngày 7 tháng 6 năm 1988, với kết quả 494 thuyền nhân đã được cứu vớt, 43 thuyền nhân khác gặp trên Biển Ðông, vì không đủ chiếu khán, đã được giúp đỡ và hướng dẫn để họ tự đến đảo Pulau Bidong an toàn. 302 thuyền nhân ở quá lâu ở các trại tỵ nạn Hồng Kông và Pulau Bidong cũng được Ủy Ban can thiệp để đi định cư tại Pháp, Áo và Bỉ. Chi phí cho chuyến công tác này vào khoảng 1 triệu Mỹ kim, trong đó Ủy Ban đã đóng góp 300 ngàn Mỹ kim.

Tàu Mary Kingstown 1989

Năm 1989 Ủy Ban trực tiếp hợp tác vời chủ nhân con tàu Mary Kingstown, nhà tỷ phú Andre Gille, thuộc xứ Monaco, thực hiện công tác Vớt Người Biển Ðông. Tàu khởi hành từ Singapore hôm 1 tháng 4 năm 1989, và chấm dứt vào cuối tháng 6 năm 1989. Kết quả có 259 thuyền nhân được cứu vớt, được đưa vào trại tỵ nạn để nơi đây làm thủ tục đi định cư cho họ tại những quốc gia đã cấp chiếu khán. Trong khi đó có 41 thuyền nhân khác gặp được trên Biển Ðông, vì không đủ chiếu khán, nên họ đã được giúp đỡ và hướng dẫn vào trại tỵ nạn.

***

Vì nhiều lý do như lương tâm thế giới đã mệt mỏi, không quốc gia nào muốn cấp chiếu khán cho người tỵ nạn nữa, cũng như một số thuyền nhân được vớt đưa lên tạm trú tại các trại tỵ nạn, đã không chịu trình diện để đi định cư tại các quốc gia đệ tam đã cấp chiếu khán cho họ, mà chỉ muốn đi định cư tại Hoa Kỳ, nên chương trình Vớt Người Biển Ðông không có lý do để tồn tại.

Như thế giữa cao trào người Việt bỏ nước ra đi tìm Tự Do, trong 5 năm, từ năm 1985 đến năm 1989, qua 5 chiến dịch Vớt Người Biển Ðông, Ủy Ban đã liên kết với những tổ chức nhân đạo thế giới, vớt và lo định cư tất cả 3103 thuyền nhân; can thiệp cho hàng ngàn người ở quá lâu trong các trại tỵ nạn được đi định cư ở các quốc gia đệ tam, trợ giúp một số thuyền nhân khác từ biển khơi tới các trại tỵ nạn an toàn.

***

Bảo trợ người tỵ nạn vào Canada

Tuy chương trình Vớt Người Biển Ðông không thể thi hành được nữa, nhưng người vượt biển tìm Tư Do vẫn không chấm dứt, tạo nên cảnh ứ đọng, khốn khổ của người tỵ nạn trong vùng Ðông Nam Á. Lúc ấy Canada là quốc gia còn tương đối rộng mở đón tiếp người tỵ nạn, nên Ủy Ban đã chính thức hỗ trợ Chương Trình Bảo Trợ Người Tỵ Nạn vào Canada. Với ngân khoản 40,000 Mỹ kim do Ủy Ban gửi tới, nhiều đoàn thể trong cộng đồng ta tại Canada phấn khởi và hưởng ứng mạnh mẽ. Chương Trình này cũng được chính quyền Canada chính thức hỗ trợ, nên số người tỵ nạn được vào Canada mỗi lúc mỗi nhiều, tuy so với nhu cầu còn quá khiêm tốn.

Hỗ trợ chương trình vớt người trên biển của Liên Hiệp Quốc

Song song với chương trình Vợ Người Biển Ðông của Ủy Ban, Chương Trình Vớt Người Trên Biển (Rescue at Sea) của Liên Hiệp Quốc đã được thi hành, và có hàng chục ngàn thuyền nhân được các tàu buôn cứu vớt, rồi trao lại cho Phủ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc để định cư họ, Liên Hiệp Quốc sẽ bồi hoàn phí khoản cho những tàu buôn khi phải dừng lại giữa hải trình để cứu vớt thuyền nhân. Cho đến năm 1990, chương trình này tưởng phải chấm dứt vì ngân khoản không còn. Biết được nhu cầu này, Ủy Ban đã phát động rộng rãi chương trình này trong cộng đồng người Việt khắp nơi. Ủy Ban đã gửi tới Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ Chương Trình Vớt người Trên Biển một ngân khoản là 300 ngàn Mỹ Kim. Các quốc gia khác như Nhật Bản, Ðức, Pháp, Anh và Hoa Kỳ cũng đóng góp vào chương trình này. Tính từ đầu năm cho đến ngày 22 tháng 9 năm 1990, đã có 2288 thuyền nhân được cứu vớt.

Hỗ trợ hội nghị về người tỵ nạn Ðông Dương

Vào giữa năm 1988, tại Ðông Nam Á có khoảng 150,000 người tỵ nạn, trong đó có khoảng 50,000 người Việt Nam. Họ bị nhốt trong các trại tỵ nạn trong điều kiện sinh sống rất đáng quan tâm. Có người ở trong tại đã trên 10 năm. Bao nhiêu trẻ nhỏ đã được sinh ra không được đi học, không biết thế nào là Tự Do. Ðể tìm hiểu căn kẽ vấn đề hầu đưa ra một yêu cầu hợp lý, chuyển tới Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn hầu giải tỏa hoàn cảnh bi thương cho các trại tỵ nạn tại Ðông Ban Á, Ủy Ban đã hỗ trợ cho Trung Tâm Tác Vụ Ðông Dương (IRAC) do Giáo Sư Lê Xuân Khoa làm chủ tịch, một ngân khoản là 30,000 Mỹ Kim để góp vào ngân quỹ tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế về Các Vấn Ðề Người Tỵ Nạn Ðông Nam Á. Hơn 300 đại biểu của cộng đồng người Việt đến từ 33 tiểu bang Hoa Kỳ và 14 quốc gia đã tham dự hội nghị này. Hội nghị họp tại Hoa Thịnh Ðốn trong 3 ngày, ngày 6 - 8 tháng 6 năm 1988.

***

Ủy ban ngưng hoạt động

Khởi đầu, trước hoàn cảnh bi thương của đồng bào vượt biển, đặc biệt qua những lá thư kêu cứu của nhà văn Nhật Tiến, Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, như đã nói ở phần trên, Ủy Ban được thành lập để kêu cứu thay cho những thuyền nhân mà thôi. Ủy Ban cũng không ngờ những can thiệp của Ủy Ban đã đem lại những thành quả tuy khiêm tốn nhưng cụ thể như thế. Ủy Ban cũng không ngờ được sự hỗ trợ nồng nhiệt của cộng đồng người Việt khắp nơi từ Mỹ, Canada đến Úc hỗ trợ mạnh mẽ như thế. Do đó từ vai trò kêu cứu, Ủy Ban đã chuyển sang nhiệm vụ cứu vớt thuyền nhân. Từ đó, suốt trên 10 năm sinh hoạt, những tổ chức của cộng đồng tự phát khắp nơi đã được thành hình, liên hệ với Ủy Ban để cùng nhau sinh hoạt. Những buổi văn nghệ gây quỹ, những buổi tiếp đón những vị ân nhân, đón tiếp thuyền nhân tới bến đã là những sinh hoạt đầy hào khí và chan chứa tình thương yêu đùm bọc. Quý vị trong giới truyền thông, báo chí của cộng đồng khắp nơi liên tục phổ biến những biến cố này hầu như không dứt. Những nghệ sĩ, văn nhân cũng đã đóng góp thật là tích cực. Tất cả những hình thức sinh hoạt ấy đã làm nên ngân khoản để Ủy Ban đóng góp vào các công tác ý nghĩa nói trên, đồng thời đó còn là những khích lệ vô giá cho những người khởi xướng, cũng như làm chất men gắn bó khắng khít của cộng đồng ta nơi hải ngoại. Nhưng trên đời bất cứ sự việc gì có bắt đầu, ắt cũng phải có kết thúc. Bình tâm nhìn vào thực chất của sự việc, trước khi công tác Vớt Người Biển Ðông chấm dứt, Ủy Ban thấy rằng trong tương lai việc bênh vực, lên tiếng cho người tỵ nạn trước diễn đàn quốc tế sẽ là công tác chính. Do đó từ tháng 11 năm 1987, chi nhánh Ủy Ban tại Thủ Ðô Hoa Thịnh Ðốn đã được thành lập, do ngân khoản của Ủy Ban từ San Diego đài thọ. Ngày chuyển giao trách nhiệm đã đến, đó là ngày 22 tháng 9 năm 1990 trong ngày đại hội Tình Thương Dưới Ánh Mặt Trời 6, tại San Jose, thủ phủ của tình thương, giữa Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương và bà Trương Anh Thụy. Trên pháp lý, đây là 2 tổ chức hoàn toàn khác nhau, nhưng trên tinh thần, Ủy Ban mới có tên là Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People S.O.S.), rất gần với tên Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S. Committee), vì Ủy Ban sau sẽ tiếp nhận mọi sự hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất từ Ủy Ban trước. Cụ thể là 2 nhân vật nòng cốt của Ủy Ban cũ là Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương và nhà văn Phan Lạc Tiếp đã nhận lời làm cố vấn cho Ủy Ban sau.

Trong lời công bố của Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương cũng như của bà Trương Anh Thụy, Ủy Ban ở San Diego chính thức ngưng hoạt động và Ủy Ban ở Hoa thịnh Ðốn chính thức hoạt động kể từ 1 tháng 10 năm 1990. Từ đó đến nay, Ủy Ban mới, những thành viên mới đã liên tục hoạt động rất hữu hiệu và không ngừng phát triển. Những thành quả của họ là những sự việc được liệt kê ở phần dưới đây.

 

Những ấn phẩm và phim ảnh liên hệ

Ðể hỗ trợ cho công tác nêu trên, Ủy Ban đã lần thực hiện và cho phát hành những tài liệu sau đây:

- Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan (sách tiếng Việt).

- Pirates On The Gulf Of Siam (sách tiếng Anh).

- Report On The Vietnamese Land Refugees (sách tiếng Anh)

- Vớt Người Biển Ðông, video, dài 27 phút (tiếng Việt).

- Rescue Mission On The High Seas, dài 27 phút (tiếng Anh).

- Bản Tin của Ủy Ban, tiếng Việt, phát hành hàng tháng, liên tục trong 10 năm.

Những tài liệu này đã được các cơ quan truyền thông Việt, Mỹ, các đài truyền hình, các nhà phát hành băng nhạc sử dụng khi nói đến thảm cảnh của thuyền nhân liên tục từ hơn 2 thập niên qua. Những tài liệu ấy bây giờ không những đã trở thành những chứng cớ lịch sử bi hùng, độc nhất của người Việt Nam liều chết ra đi vì Tự Do, mà còn là một biến cố khốc liệt chối từ chủ nghĩa Cộng Sản, làm bừng tỉnh lương tâm nhân loại ở cuối thế kỷ 20.

Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng

_______________________________________________

Bài phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc điều hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển do đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) thực hiện ngày 27/04/2004


Mỗi năm vào những ngày cuối tháng Tư, người Việt tị nạn ở hải ngoại lại nhớ đến những ngày di tản đầy kinh hoàng sau khi miền Nam thất thủ, trong đó có rất nhiều người đã vượt biên bằng đường biển. Mặc dù những làn sóng của hàng triệu thuyền nhân tị nạn ngày nay không còn nửa nhưng những di tích, lịch sử, và ký ức về thuyền nhân tị nạn Việt Nam vẫn còn tồn tại. Bao nhiêu người đã ra đi, bao nhiều người đã chết hay mất tích hay bị trả về nước? Mời quí vị theo dõi những sự kiện này qua những chi tiết được ghi nhận trong một số tài liệu về thuyền nhân và qua cuộc phỏng vấn tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc điều hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, hiện có Văn phòng trong vùng thủ đô Washington.

Sau khi Sài Gòn bị thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, hàng trăm ngàn người đã bỏ nước ra đi bằng mọi phương tiện mà nhiều nhất là đường biển. Nhiều người đã dùng những chiếc thuyền gỗ mong manh để vượt đại dương đầy sóng gió với hy vọng đến được một nước không phải là Cộng Sản để xin tị nạn. Con số thuyền nhân đã gia tăng nhanh chóng, từ vài chục ngàn người vào giữa năm 1975 đã lên đến nhiều trăm ngàn người trong thập niên 1980.

Nhiều chiếc thuyền chở người tị nạn đã bị hỏng máy, bị mất phương hướng và trôi giạt nhiều ngày trên biển cả mênh mông trong khi không còn thực phẩm, nước uống và xăng nhớt để tiếp tục cuộc hành trình vô vọng. Hàng trăm ngàn người đã bị chết vì đói khát, bệnh tật, bảo tố và nạn hải tặc Thái Lan. Biển Đông đã trở thành mồ chôn không biết bao nhiêu nạn nhân người Việt trên đường đi tìm tự do, gây nên một thảm trạng thuyền nhân khiến cho thế giới phải bàng hoàng xúc động. Trước hoàn cảnh đó, nhiều tổ chức trên thế giới đã thực hiện các nỗ lực để giúp đỡ những người tị nạn. Một trong các tổ chức này là Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển tại Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, đã cho biết một số chi tiết về các hoạt động của Ủy Ban:

Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển được hình thành vào năm 1980 do cái lời kêu gọi thống thiết của một số đồng bào thuyền nhân mà lúc đó họ đã đến Thái Lan sau một cuộc hành trình vượt biển rất là gian nan và đã gặp nạn hải tặc. Trong số những nạn nhân đó có các nhà báo, nhà văn rất nổi tiếng như là nhà báo Dương Phục, cô Thanh Thủy và nhà văn Nhật Tiến đã gióng lên tiếng gọi từ trại tị nạn Thái Lan, kêu gọi quốc tế hãy chú tâm đến vấn đề thuyền nhân vượt biển và bị hải tặc cướp bóc hãm hiếp và giết chết.

Ở bên Hoa Kỳ này có một số nhân vật đã đứng ra tổ chức thành lập ủy ban lúc đó còn được gọi là Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển và đặt trụ sở tại San Diego. Trong vòng 10 năm đầu, từ năm 1980 đến năm 1990 thì ủy ban này đã tổ chức những đoàn tàu để mà đưa ra biển và giúp cứu vớt thuyền nhân, tổng cộng có 3000 thuyền nhân đã được cứu vớt ngoài biển.

Trần Nam: Thưa ông, ngoài những người tại Hoa Kỳ, Ủy ban có được sự hỗ trợ của tổ chức nào khác trên thế giới trong các hoạt động cứu vớt thuyền nhân hay không?

Dr. Nguyễn Đình Thắng: Nỗ lực này không phải chỉ riêng rẽ của cộng đồng người Việt mà Ủy ban đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như là Tổ Chức Y Sĩ Không Biên Giới và Tổ Chức Cap Adamour . Tổ Chức Y Sĩ Không Biên Giới ở Pháp, và Tổ Chức Cap Adamour ở Đức.

Qua đến năm 1989, quốc tế đã thay đổi cách nhìn của họ đối với thuyền nhân Việt Nam và muốn đẩy lùi các chuyến tàu vượt biển để mà chóng vánh dứt điểm các làn sóng vượt biên, do đó quốc tế đã đưa ra cái gọi là chương trình hành động toàn diện, và qua chương trình này, tất cả thuyền nhân đến được các trại đã không được xem là tị nạn nữa mà chỉ được xem là tạm lánh nạn và phải qua một kỳ thanh lọc rất là khắt khe và rất nhiều bất công. Phần lớn những người đã bị đàn áp rất nhiều ở trong nước đã không được hưởng quyền tị nạn và bị giao trả về Việt Nam. Đồng thời nhiều chuyến tàu đã bị các chính quyền đẩy lùi ra biển và gây nên chết chóc rất nhiều.

Trần Nam: Trước sự thay đổi cách nhìn của quốc tế đối với thuyền nhân Việt Nam như vậy, Ủy ban có những phương cách nào khác để giúp đỡ người tị nạn hay không?

Dr. Nguyễn Đình Thắng: Thì từ năm 1990, để đáp ứng với tình hình thay đổi ấy, ủy ban cứu nguy giúp người vượt biển đã ngưng, không đưa những chuyến tàu ra ngoài biển nửa và đổi tên thành tên mới như mọi người đã biết là Ủy Ban Cứu Người Vượt biển, và thay vào những chuyến tàu thì chúng tôi đã gửi các phái đoàn luật sư và các trợ luật viên đến các trại để mà can thiệp từng hồ sơ một để giành lại cái quyền tị nạn và cái sự được bao vệ cho các thuyền nhân, và đồng thời chúng tôi cũng đẩy mạnh các nỗ lực vận động chính sách, mà cuối cùng đã đưa đến chương trình một cơ hội định cư cho thuyền nhân hồi hương mà nhiều người còn gọi là chương trình Rover, và từ năm 1996 đến giờ này thì chương trình này đã đem được khoảng gần 20 ngàn đồng bào của chúng ta sau khi hồi hương về Việt Nam đã được định cư tại Hoa Kỳ. Còn từ năm 97 trở đi, tất cả các trại đã đóng cửa, các thuyền nhân không còn bao nhiêu người ra đi nữa, ngoại trừ một số nhỏ hãy còn kẹt bên Phi Luật Tân khoảng 2000 người.

Do đó chúng tôi đã chuyển hướng, và chúng tôi tập trung vào việc xây dựng các cộng đồng ở đây, đáp ứng những nhu cầu cấp bách của những người đã định cư vào Hoa Kỳ và từ từ tạo dựng những thực lực cho cộng đồng người Việt ở tại Hoa Kỳ. Đó hoạt động từ năm 1997 cho đến nay.

Trần Nam:Thưa ông ngoài các nỗ lực của Ủy Ban trong thời gian qua, hiện nay sự kiện nào đang được chú ý nhất có liên quan đến vấn đề thuyền nhân?

A: Một vấn đề mà chúng ta có lẻ nhiều người cũng đã biết đến trong thời gian gần đây, đó là chính sách của Hoa Kỳ và Phi Luật Tân hợp tác với nhau để giải quyết 1 lần cho trọn số lượng gần 2 ngàn đồng bào thuyền nhân còn kẹt lại ở Phi Luật Tân sau khi chương trình hành động toàn diện, tức là cái chương trình của quốc tế để mà đóng cửa tất cả các trại, đã kết thúc vào năm 1996.

Dr. Nguyễn Đình Thắng: Số đồng bào ở Phi Luật Tân tuy được ở lại nhưng không có một qui chế chính thức nào cả về vấn đề cư trú, do đó họ sống rất là vất vưởng, không có công ăn việc làm chính thức, không được đi học, không được đi du lịch, không được quyền có tài sản. Tuần rồi chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt bên Bộ Ngoại Giao, đã đạt được sự thỏa thuận hợp tác giữa hai chính phủ Hoa Kỳ và Phi Luật Tân, mà qua đó chính phủ Hoa Kỳ sẽ cứu xét càng đông càng tốt cho những người hội đủ tiêu chuẩn để vào Hoa Kỳ định cư như là người tị nạn hoặc là di dân.

Trần Nam: Thưa ông, như vậy những người không hội đủ tiêu chuẩn để vào Hoa Kỳ thì như thế nào?

Dr. Nguyễn Đình Thắng: Số người không đi được vì không hội đủ tiêu chuẩn thì chính phủ Phi sẽ cố gắng bằng mọi cách để cho họ được hưởng quyền thường trú chính thức và vĩnh viễn tại Phi Luật Tân. Đây là một điều hết sức quí báu bởi vì nó sẽ đem lại một sự kết thúc trong nhân phẩm và nhân đạo cho một trang sử dài và có rất nhiều máu và nước mắt của người Việt vượt biển đi tìm tự do.

Trần Nam: Thưa tiến sĩ, hiện nay Ủy Ban có những hoạt động nào khác trong cộng đồng người Việt, nhất là sau 29 năm kể từ sau tháng 4 năm 1975, thuyền nhân không còn là một vấn đề thời sự hàng đầu như trong thập niên 1980 nữa?

Dr. Nguyễn Đình Thắng: Hiện nay Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển có 3 lãnh vực hoạt động. Lãnh vực thứ nhất là các dịch vụ trực tiếp chẳng hạn như giúp cho người già, người trẻ, các bác HO, tức là các bác cựu tù cải tạo, phụ nữ, các nạn nhân của sự buôn người, nạn nhân của vấn đề bạo hành gia đình v. v. trong đời sống hàng ngày của họ, để họ hội nhập vào đời sống Hoa Kỳ, để họ có thể được bảo vệ trong đời sống hàng ngày của họ về mọi lãnh vực, từ sức khỏe tinh thần cho đến quyền lợi công dân, quyền lợi pháp lý.

Thứ hai là lãnh vực xây dựng cộng đồng. Chúng tôi có một số chương trình để giúp cho các hội đoàn nhỏ từ từ thăng tiến và phát triển để rồi họ có được những chương trình phục vụ cho đồng hương của họ và cho các thành viên trong tổ chức của họ, và tôi tin rằng chỉ khi nào những người Việt chúng ta đi tị nạn hoặc di dân tập hợp lại được để mà tổ chức với nhau thì lúc đó chúng ta mới có tiếng nói, mới có ảnh hưởng về mặt chính trị, về mặt pháp lý, về mặt tổ chức, về mặt đời sống xã hội ở cái xứ sở dân chủ này. Lãnh vực thứ ba là lãnh vực vận động về chính sách. Đây là sự nối dài của các cuộc vận động từ trước đây, từ những năm 1980 cho đến giờ này. Trước đây chúng tôi vận động nhiều cho thuyền nhân của chúng ta, qua chương trình cơ hội định cư cho thuyền nhân hồi hương như tôi vừa mới trình bày. Hiện nay chúng tôi vẩn tiếp tục vận động, chẳng hạn như chính sách rộng lượng đối với các thuyền nhân của chúng ta, của đồng bào của chúng ta ở tại Phi Luật Tân. Hiện nay chúng tôi cũng đang vận động về chính sách tị nạn đối với lại đồng bào Việt Nam ở một số quốc gia như là Thái Lan, như là Campuchia.

Trần Nam: Thưa ông ngoài những người tị nạn Việt Nam, công cuộc vận động đó có bao gồm các sắc tộc khác ở Việt Nam, chẳng hạn như các cộng đồng dân tộc thiểu số?

Dr. Nguyễn Đình Thắng: Rất gần đây mọi người đều đã nghe đến tình trạng của những người Thượng biểu tình và bị đàn áp phải tìm đường chạy thoát, nhưng khi đến biên giới của Campuchia thì họ đã bị chặn lại bởi vì Campuchia đã không muốn những người tị nạn từ Việt Nam tràn vào đất nước của họ. Tôi đang làm việc với Phủ Cao Ủy tị Nạn Liên Hiệp Quốc, với Quốc Hội Hoa Kỳ và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để thuyết phục chính phủ Cam Bốt mở cửa biên giới cho một số đồng bào Thượng chúng ta được vào đó lánh nạn, cũng như vận động với chính phủ Hoa Kỳ can thiệp để có thể làm sao đưa các nạn nhân bị đàn áp trong những vụ đàn áp vừa mới xảy ra tại Ban Mê Thuột đi Hoa Kỳ định cư để mà được bảo vệ. Chúng tôi cũng đang làm việc để mở lại chương trình HO ở trong nước cho các cựu tù cải tạo, và mở lại chương trình dành cho các cựu nhân viên chính phủ Hoa Kỳ, chương trình cho con lai. Tôi đang vận động ở tại Hoa Kỳ để làm sao Quốc Hội ban hành một đạo luật thừa nhận quyền quốc tịch, quyền công dân Hoa Kỳ cho tất cả những con lai đã được đưa vào Hoa Kỳ định cư theo chương trình kể từ năm 1988 và có cái tên là hồi hương những người con lai về lại cố quốc Hoa Kỳ.

Trần Nam: Xin cám ơn tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ Tịch Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.


Cái Đình - 2004