Thanh Tâm


Xem phim Maroc nhớ Việt Nam

Phòng chiếu phim Venster 1 ở Rotterdam tối nay chặt cứng dân ‘đầu đen'. Không phải đầu đen Việt Nam, mà đầu đen Maroc!!!

Khi nói đến dân Maroc, nhiều người Việt hình dung ra một sắc dân hung dữ, tóc quăn, môi dầy, da đen. Chắc hẳn định kiến này phát xuất từ thời Pháp thuộc, qua câu chuyện được nghe lại từ những thế hệ xấp xỉ trăm tuổi, về lũ ‘tây đen mặt gạch', từ những nước Phi châu được Pháp tuyển mộ để đưa sang Việt Nam chịu chết thay cho người da trắng. Thực ra dân Maroc không đen như lọ nồi, và qua nhiều pha trộn với những sắc dân Âu châu, tóc họ có quăn nhưng thường không xoắn tít trôn ốc như dân Trung Phi. Nhiều thiếu nữ Maroc, nhất là những cô sống ở thành thị, có một vẻ đẹp quyến rũ nhờ nước da ngăm và dáng khỏe mạnh. Tuy nhiên, giống như những dân tộc ở xứ nóng, sống trong môi trường ồn ào, sinh hoạt đặt ngoài đường phố, thanh niên, đàn ông Maroc thường lớn tiếng với nhau trong tất cả mọi câu chuyện. Sự ồn ào, thích khoa chân múa tay, thích lối chơi nổi, cộng thêm thành phần của thế hệ Maroc đầu tiên ào ạt nhập cư Hòa Lan làm những công việc chỉ cần bắp thịt, đã góp một phần trong mối ác cảm nơi người bản xứ với sắc dân này.

Ở Hòa Lan, làn sóng nhập cư của người Maroc bắt đầu từ những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, qua dạng thợ khách, được thuê mướn để giải quyết những công việc tay chân đơn giản. Cho tới nay con số người gốc Maroc ở Hòa Lan đã xấp xỉ 300000. Với cộng đồng lớn về con số, mang theo những phong tục riêng ràng buộc cá nhân, thì chuyện họ tổ chức Đại hội Điện ảnh riêng cho mình cũng là một điều dễ hiểu. Cũng như cộng đồng người gốc Việt ở Hoa Kỳ trước đây không lâu cũng đã tổ chức được kỳ đại hội điện ảnh VIFF lần thứ ba. Nhưng chuyện đáng nói là đại hội điện ảnh Maroc ở Hòa Lan này (năm 2007 là lần thứ năm), với tên Cinemar, kéo dài hai tuần, lại do một hiệp hội mang tính địa phương tổ chức. Al Jisr, có nghĩa là ‘Cây Cầu'.

Anh Ahmed, một người bạn Maroc, từ mấy tháng trước ngày tổ chức đã rủ tôi tham dự. Rất hấp dẫn, anh nói. “Xôm tụ lắm. Tôi giới thiệu bạn với mấy người trong ban tổ chức nhé.” Ừ thì đi. Nhưng buổi tối đó anh ta lại lặn luôn, mobile không mở, hóa ra cuối cùng lơ ngơ một mình.

Nhưng sự thực không đến mức bi thảm như thế. Buổi hội mà, ai cũng như ai, trước lạ sau quen. Cũng như mọi người khách khác, chúng tôi được Ban Tổ chức ân cần mời dùng một ít đồ ăn thức uống Maroc trong căn sảnh đường ngập khói thuốc và ầm ầm tiếng người. Ban nhạc lưu động đang dẫn đội hình đi diễu một vòng quanh phòng chiếu phim, tiếng chiêng trống lùng tùng xòe như một hình thức chào mừng. Tôi lấy một chiếc bánh Pastei, thứ bánh tương tự Paté chaud này ở Hòa Lan đã được nhiều dân tộc chế biến theo khẩu vị của nước mình. Có thể nói là nhìn bánh biết người được không nhỉ? Bánh Pastei của Maroc ngoài thịt (hay cá), gia vị hành tỏi còn có cả mì sợi và cơm càri. Nhưng đặc điểm chung của bánh là phải ăn nóng hổi, từ lò nướng mới lấy ra. Thấy tôi người lạ, không biết xuất xứ từ đâu, anh chàng phục vụ ân cần hỏi thăm. Thôi thì đành bắt chước người Hòa Lan, cái gì cũng khen cho đẹp lòng. Anh mời tôi thêm một chiếc bánh nhân cá, bảo là ‘cứ ăn đi, tụi tôi làm nhiều quá', nhưng tôi từ chối: bánh quá lớn, ăn một cái đủ no rồi. Tôi nói thêm: ‘xứ anh có nhiều cá sardine rất ngon.' Anh chỉ tay vô chiếc bánh trên khay, nhanh nhẩu cho biết cá sardine nằm trong đó, ý muốn mời tôi ăn thêm, nhưng tôi chỉ xin anh một ly trà nóng có mấy là rau húng, thứ đồ uống dân gian phổ thông ở những xứ Hồi giáo và là thứ bạn luôn luôn được mời uống miễn phí trong những tiệm hớt tóc người Hồi. Giờ khai mạc đã đến rồi!

Không giống nhiều buổi lễ hội của người Việt Nam, với những bài diễn văn dài lê thê, mở đầu và kết thúc bằng một tràng cám ơn từ quan tới dân, tối nay chỉ trong nửa giờ bốn diễn giả đã lên và xuống, trước khi đèn tắt, màn mở. Ông Orhan Kaya, Phó Thị trưởng Rotterdam đặc trách văn hóa, một cách văn vẻ, đã ví Hội Al Jisr (= cây cầu) với cây cầu Erasmus nổi tiếng ở Rotterdam. Ông hy vọng Al Jisr cũng sẽ là cây cầu nối liền hai nền văn hóa. Mọi người cổ võ nhiệt liệt, nhưng có lẽ họ không biết những khó khăn Al Jisr đang gánh chịu khi đơn xin trợ cấp để mở rộng sinh hoạt ra toàn quốc vừa bị từ chối, mặc dù có nhiều cố gắng lobby, và hậu thuẫn của một số chính khách. Một người trong số này cũng là một khách danh dự tối nay. Ahmed Aboutaleb, một nhân vật gốc Maroc nổi tiếng ở Hòa Lan. Đến Hòa Lan cùng gia đình năm 1971 khi còn nhỏ, nay ông đã trở nên một nhân vật chính trị có nhiều hậu thuẫn của người đồng chủng. Xuất xứ từ vùng Berber, vùng của những sắc dân du mục, nhưng ông thông thạo cả tiếng Ả Rập và có thể sử dụng những từ ‘của giới trí thức' một cách nhuần nhuyễn, theo lời anh bạn Maroc cho biết. Là thứ trưởng đặc trách Xã hội và Lao động, bài phát biểu của ông được nhiều người ưa thích chuyện chính trị xã hội chăm chú theo dõi, nhưng dân ghiền phim và mấy bà mấy cô thì đã bắt đầu nhấp nhổm xầm xì… Thế là đèn tắt, màn mở. Phim bắt đầu.

Hương Biển ' (Parfume de la Mer), câu chuyện xoay quanh gia đình một tù nhân chính trị trong một làng đánh cá miền bắc Maroc, bị cường quyền và bộ hạ dùng mọi thủ đoạn hà hiếp. Cuốn phim không có những nét quay đột phá, chuyện phim không đặc sắc, một kiểu dựng phim cổ điển theo lối đi dọc thời gian, lẽ phải cuối cùng đã thắng, kẻ ác phải đền tội. Phim tuy thường nhưng các diễn viên diễn xuất tự nhiên, phim là phim, khác với nhiều phim Việt Nam, tuy phim mà là kịch nói. Cũng như những buổi liên hoan phim khác, phần đặc sắc là ở tiết mục sau khi chiếu phim, khi đạo diễn và diễn viên chính ra mắt, kể vài giai thoại khi làm phim, và khán giả có thể đặt trực tiếp câu hỏi với họ. Mặc dù tối nay ông đạo diễn đã cố gắng đưa ra mục đích chính của ông khi thực hiện cuốn phim này là khai thác đề tài tình dục và nữ quyền trong phim, ông nói tới những ẩn dụ, những khó khăn khi quay. Nhưng nói thì cứ nói, người xem vẫn lơ mơ không thấy ra được điều ông muốn diễn tả. Cuộc tranh luận sôi nổi tới mức ban tổ chức phải cầu cứu ông thứ trưởng Aboutaleb với tài ăn nói từ ghế khách mời danh dự lên làm thông dịch tại chỗ. Một khán giả còn tinh mắt nhìn ra được cảnh quay bến cá không phải cảnh ở nơi đó, làm tôi nhớ đến một người bạn, khi xem phim Vượt Sóng mới chiếu ở liên hoan phim Á châu lần thứ nhất, cũng tại Rotterdam cuối năm qua, anh phang một câu ngắn gọn “vùng Cà Mau làm gì có ngọn núi to chần dần như vậy” làm tôi mất cả hứng xem lại cuốn phim lần thứ hai, dù đã mất công download lậu để giữ làm tài liệu. Đêm nay, xem phim Maroc, tôi chợt liên tưởng đến những phim Việt Nam, và nhận ra một điểm chung, là kiểu ‘phim dĩ tải đạo' như phim ‘ Hương Biển ' tối nay thật khó mà chen chân vào thị trường điện ảnh Âu châu, còn với Hollywood thì vô phương. Nhưng quả là có những người không dám đi ra ngoài con đường thế hệ trước đã vạch ra sẵn, và cũng có những người vẫn thích xem người ta đi trên đường mòn.

Những người không thích phần sau đã lần lượt rời phòng chiếu phim. Anh chàng Juan trong ban tổ chức khẩn khoản mời tôi tham dự buổi thảo luận hôm sau của nhóm thanh niên trong hội Al Jisr với chủ đề tình dục, mà theo anh thì sẽ có nhiều vấn đề nóng bỏng đặt ra như đồng tính, dị tính, và tự do quan hệ tình dục, bỏ qua rất uổng. Nhưng tôi nghĩ, nó sẽ khó hấp dẫn vì với văn hóa Maroc chắc sẽ chỉ có mấy tên đàn ông con trai cãi lộn om sòm với nhau. Mấy bà mấy cô còn lo đi dạo phố mua đồ ở chợ trời Rotterdam Blaak hay ở nhà nấu couscous cho chồng và cho gia đình ăn. Cầm tấm phiếu cho điểm, tôi xé dọc số 6, một mức điểm trung bình. 5 cho phẩm chất phim, và 1 cho cố gắng của ban tổ chức, tuy trong một hiệp hội văn hóa non trẻ nhưng đã làm được một buổi liên hoan phim dài hai tuần lễ. Với tôi, điểm đáng chú ý nhất vẫn là không khí Maroc, và nhất là mùi dân Maroc, mùi của hương liệu, dầu thơm nguyên chất, brillantine bôi tóc, và cũng không thể bỏ qua mùi thịt trừu. Tôi chợt nghĩ rằng người Hòa Lan rất có thể khi đi tham dự những buổi sinh hoạt của người Việt, hay người Mỹ tham dự liên hoan phim Việt cũng sẽ nhận ra cái mùi đặc thù của người Việt. Khó mà phân tích đó là tổng hợp của những mùi gì. Mùi chả giò? Mùi nước hoa đắt tiền? Mùi ‘mắm và rau'? Hay mùi mà người Việt vẫn gọi là ‘mùi quê hương'?

 

Thanh Tâm
(12/2007)

___________________

Liên hoan phim Maroc Cinemar lần thứ 5 kéo dài 15 ngày (28/11 tới 12/12/2007) với hơn 20 phim được trình chiếu tại một số rạp ở Rotterdam, Den Haag và một số vùng phụ cận.

 


Cái Đình - 2008 .