Minh Hạnh


Vui buồn ba mươi năm người Việt ở Hòa Lan

 

Với con số vừa vượt mức 18 ngàn người (17998 người Việt vào thời điểm 01/01/2005 – theo số liệu của Văn phòng Thống Kê Trung Ương) trên tổng số hơn 16 triệu cư dân Hòa Lan, cộng đồng người Việt chiếm một tỷ lệ tương đối nhỏ trong một quốc gia được tiếng là nước có chính sách dung nhập bậc nhất Âu châu (theo đánh giá mới đây). Cộng đồng người Việt tại Hòa Lan có thể chia thành 4 nhóm chính: Đông nhất là những thuyền nhân ra đi từ miền nam Việt Nam, được tàu Hòa Lan vớt trong những năm cuối thập niên ‘70 đầu ‘80.

Đợt thuyền/bộ nhân thứ hai đến ít năm sau đó, đa phần là những người được nhận theo diện nhân đạo từ những trại tị nạn Đông Nam Á. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ cuốn theo sự tan rã của khối Đông Âu, hơn năm trăm người Việt đang lao động ở Tiệp, Đức… trốn sang đã được Hòa Lan chấp nhận cho tị nạn sau nhiều dằng dai trong vấn đề thủ tục.

Ngoài ba nhóm ‘người Việt tị nạn’ này còn một nhóm thứ tư ‘không tị nạn’ là những người đến Hòa Lan theo bảo lãnh gia đình và kết hôn đa chủng tộc, chưa kể vài trăm sinh viên du học và một số nhỏ từ Việt Nam sang tu nghiệp ngắn hạn hay có việc làm ở Hòa Lan.

Với người Việt tị nạn, nhất là những người trước đây sinh sống ở miền Nam, sự rời bỏ một nước ‘xã hội chủ nghĩa’ với những ràng buộc, kiểm soát chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu, hành vi… để rồi lại rơi vào một nước đang áp dụng chủ nghĩa xã hội là một chuyện không mấy thú vị. Cũng lại chế độ hộ khẩu, phường khóm, không được tự do đổi chỗ ở, không được tự tìm nhà thuê, rồi khám bệnh phải đúng tuyến, họp tổ dân phố, lập đội dân phòng, học sinh đi xin báo cũ (làm kế hoạch nhỏ)… mọi chuyện sao có vẻ giống Việt Nam quá. Chưa kể xe đạp lủ khủ đầy đường cho dù khí hậu lạnh buốt xương (con số xe đạp cho mỗi đầu người – 1,2 chiếc/người – cao hơn ở Việt Nam!) không như hình ảnh trong đầu người tị nạn về một xứ sở Âu châu tự do và sung túc. Thuở ấy người ngoại quốc ở Hòa Lan chỉ có vài sắc dân: những người đến từ các quốc gia cựu thuộc địa (Inđô, Suriname, quần đảo Antilles…), và dân thợ nhập cư trong thập niên 60 – 70, phần lớn từ Thổ Nhĩ Kỳ và Maroc. Người Việt tỵ nạn khi đó là một cái gì rất mới với xứ Hòa Lan, họ chào đón và giúp đỡ tận tình, dĩ nhiên trong khả năng có thể. Mỗi hộ được giới thiệu một gia đình Hòa Lan để làm bạn, và là người hướng dẫn bước đầu, nhưng mối liên lạc này thường chóng tan vỡ trong cuộc sống chung giữa hai nền văn hóa, cách sống với nhiều điểm quá khác biệt nhau. Thể như nhạc dân gian Hòa Lan phần lớn viết theo điệu Foxtrot, Quickstep và vắng bóng Boléro, ngược hẳn với tân nhạc bình dân xứ Việt.

*

Ba mươi năm trước Hòa Lan và Việt Nam chưa đặt quan hệ ngoại giao cấp đại sứ. Trong thời Đệ nhất Cộng Hòa (chính phủ Ngô Đình Diệm), Việt Nam Cộng Hòa và Hòa Lan đã đặt quan hệ ngoại giao với nhau, văn phòng đại diện ngoại giao của Việt Nam đặt ở Den Haag (The Hague), do Tòa Đại sứ VNCH tại Anh cai quản, và sau khi hiệp định Paris ký kết năm 1973 Hòa Lan cũng thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với Hà Nội, qua trung gian Đại sứ Bắc Việt ở Paris. Theo lời ông đại diện VNCH cuối cùng tại Hòa Lan, nhà thơ/văn Cao Xuân Tứ (ông đã có nhiều sáng tác văn thơ đăng trên các tạp chí văn học thế giới), những năm chiến cuộc sôi động, chẳng mấy ngày mà không có đám biểu tình trước văn phòng. Cũng những màn trao kháng thư, hoặc hàng chồng thư gửi đến theo lời kêu gọi của Amnesty International. T hế cờ lật ngược, giờ lại đến lượt ‘phe ta’ chăng cờ, biểu ngữ và hô khẩu hiệu! Cao Xuân Tứ cùng 6 sinh viên đang du học ở Hòa Lan là những người Việt đầu tiên tị nạn tại quốc gia này, hai năm trước khi đợt sóng vượt biển bắt đầu dâng cao sau những chiến dịch đánh tư sản mại bản và cải tạo công thương nghiệp khắp miền nam Việt Nam..

Trong những năm cuối thập niên 70, sự hiện diện của quân đội Đồng Minh và sự gia tăng xâm nhập đánh phá của Bắc Việt đã đưa mức tàn phá tài nguyên và con người lên với một tốc độ không kịp thở. Hòa Lan khi đó là một trong những nước có phong trào đòi chấm dứt chiến tranh mạnh nhất. Phong trào này ít nhiều đã tạo nên thiên kiến trong cái nhìn của người Hòa Lan về cuộc chiến và về vai trò của Việt Nam Cộng Hòa. Trong một khoảng thời gian trên dưới một thập kỷ, người Việt tị nạn ở Hòa Lan đã phải mất rất nhiều công sức để đưa đến cho người dân bản xứ một nhận định khác hơn về cuộc chiến vừa chấm dứt. Điều này nói lên sự khó khăn của thế hệ người Việt đầu tiên tại Hòa Lan mà người Việt ở nước khác khó thể hình dung được. Người Hòa Lan có cơ hội tiếp cận với cả hai khối siêu cường, vì thế họ đòi hỏi một sự giải thích có lý luận chấp nhận được và tài liệu dẫn chứng, so sánh cụ thể, đó là chưa kể đến những bất đồng trong quan niệm xã hội, chính trị. Nói đến hai từ ‘quốc gia’, người Hòa Lan liên tưởng ngay đến chế độ Đức Quốc Xã (Nazi) với những đau thương còn in hằn trong óc của lớp người trên năm mươi tuổi. Còn nói đến cái hay của chủ nghĩa tư bản đối lại cái dở của chủ nghĩa cộng sản thì chẳng ai nghe, người Hòa Lan đã chối bỏ cả hai thứ cực đoan này. Điều nhiều báo Việt hải ngoại chỉ trích và chê cười Việt Nam là ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ xin chớ nói lại với người Hòa Lan, họ sẽ hỏi ngay: ‘vậy chứ Hòa Lan đang theo đường lối quản lý kinh tế kiểu gì?’ Dân Hòa Lan là một dân tộc hiền hòa, họ vừa trải qua một cuộc chiến tranh tuy ngắn nhưng bạo tàn, họ hiểu rõ nỗi khổ của người dân, vì vậy tuy họ có thể không đồng ý với chính kiến của bạn, nhưng họ cũng sẵn sàng cưu mang khi nghe tả lại thảm cảnh thuyền nhân. Chẳng những không đòi hỏi, người Hòa Lan trong những năm đó còn dành cho người Việt tị nạn một số quyền ưu tiên, như công nhận là ‘người tị nạn được mời’ và ưu tiên cấp nhà to rộng hơn người bản xứ, trong một hoàn cảnh kinh tế không mấy thuận lợi của những năm đó. Chỉ riêng có thủ đô Amsterdam và ba thành phố lớn nhất Hòa Lan (Rotterdam, Den Haag và Utrecht) là không nhận người tị nạn (thuộc tất cả mọi sắc dân) định cư vì chính sách riêng của chính quyền sở tại.

Thuở những người Việt mới đến, chính trường Hòa Lan khá đơn giản, dưới con mắt Quốc–Cộng của ta. Trước nan đề Việt Nam đang gây nên thảm trạng thuyền nhân, kết quả của chính sách trù dập có hệ thống của nhà cầm quyền đối với thành phần ‘không có công với cách mạng’ hay bị kết tội ‘phản cách mạng’, có hai khuynh hướng giải quyết: Đảng hữu VVD (Đảng Tự Do Dân Chủ Nhân Dân), chủ trương dùng áp lực bắt Việt Nam giải quyết mâu thuẫn, Đảng Lao Động PvdA tả phái chủ trương nâng cao mức sống người dân tại Việt Nam và nâng cao dân trí, từ đó xã hội sẽ được cải tổ ngay từ nội bộ. Quan niệm nào đúng hiện vẫn là một tranh cãi, nhưng có lẽ cả hai sẽ phải bổ khuyết cho nhau, dưới cái nhìn của trào lưu hiện nay.

Với người Việt, vào thời điểm thập niên ‘80, bầu khí đấu tranh còn sôi sục với quan niệm chỉ có võ lực mới giải quyết, chủ trương hòa với cộng sản là không tưởng và không thực tế. Đó là lý do vì sao tuyệt đại đa số dân ta ủng hộ đảng hữu VVD trong khi đảng này vốn là ‘đảng nhà giàu’ và hướng giải quyết phúc lợi xã hội, công ăn việc làm của họ không mấy thuận tiện cho người có lợi tức thấp và cho người nước ngoài. Phải chờ hơn chục năm sau người Việt mới nhận ra được điều này, để bây giờ có những người đã dồn phiếu bầu đại biểu quốc hội cho đảng hữu VVD như một biểu tỏ quan điểm tán thành một sách lược quốc gia cứng rắn trong bang giao với Việt Nam, trong khi đó lại bỏ phiếu cho đảng Lao Động PvdA hay Đảng Tả Xanh (Groen Links) trong những cuộc bỏ phiếu bầu nghị viên hội đồng tỉnh hay hội đồng thành phố để hy vọng quyền lợi của mình khá hơn. Đây là một chuyện dân Việt ở nhiều nước không hiểu nổi.

Bắt đầu từ con số không, trong một nước ‘theo xã hội chủ nghĩa’ hoàn toàn xa lạ, những người Việt mới đến Hòa Lan cảm nhận lập tức tâm trạng bơ vơ không người dìu dắt. Đây là một yếu tố khiến họ cần đến một sự đoàn kết nương tựa nhau vô điều kiện. Một Cộng Đồng Người Việt đã được nhanh chóng khai sinh. Ít có sắc dân thiểu số nào trên thế giới có được một sinh hoạt đoàn thể như người Việt tị nạn ở Hòa Lan. Tuy sau này có nhiều hội đoàn địa phương ở những vùng đông người Việt, cộng thêm những chi bộ của các đảng phái chính trị quốc tế, nhưng mọi người đều mặc nhiên công nhận Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan có vai trò điều hợp những sinh hoạt chung, cả văn hóa xã hội lẫn chính trị. Những xung đột giữa các tổ chức gần như không có, ngoại trừ vào đầu thập niên ‘80, khi Hòa Lan có hai tổ chức Cộng Đồng Người Việt – một với danh xưng ‘Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan’, một mang tên ‘Tị Nạn Cộng Sản Việt Nam tại Hòa Lan’, nhưng sau hai năm, qua một cuộc phổ thông đầu phiếu đã trở lại thành một đoàn thể, hiện nay với danh xưng là ‘Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan’. Tờ ‘Việt Nam Nguyệt San’, cơ quan ngôn luận của Cộng Đồng này cũng là một trong rất ít tờ báo ở hải ngoại có một chiều dài lịch sử gần 25 năm. Ngoài tờ báo này (và vài tờ ‘Bản Tin’ của một số hội đoàn), còn tạp chí Quyết Tâm thiên về văn hóa, xã hội, cũng đã sống được hai mươi năm.

Để duy trì sinh hoạt theo tôn chỉ, Cộng Đồng VNTNCS/HL không phải là không gặp khó khăn. Trong những năm mới thành lập, Cộng Đồng nhận tài trợ của chính phủ cho những sinh hoạt, số tiền tài trợ có thời gian lên đến hơn 100 gulden (tức khoảng 50 euro hay 65 Mỹ kim theo thời giá hiện nay) cho mỗi đầu người Việt tị nạn. Chỉ với một điều kiện: không được dùng tiền chi cho những sinh hoạt chính trị! Một tổ chức đại diện cho người tị nạn chính trị mà không được sinh hoạt chính trị thì làm sao tổ chức biểu tình hay đêm không ngủ. Vấn đề gian nan, nhưng ta vốn sáng trí, cộng với sự đóng góp bất vụ lợi của một số anh chị em có nhiệt huyết, cho nên cuối cùng cũng tìm được phương cách giải quyết một phần. Tuy nhiên, từ 10 năm nay, chính phủ cho rằng thời gian giúp đỡ người Việt để hội nhập trong xã hội mới đã hết, trợ cấp vì thế đã bị cắt giảm lần cho tới con số không. Hiện tại mọi chi phí duy trì sinh hoạt chỉ trông cậy vào vài nguồn lợi tức: niên liễm, tiền bán nước giải khát và cho mướn các sạp hàng trong dịp Tết Nguyên Đán. Sinh hoạt thường niên do Cộng Đồng tổ chức cũng vì vậy đành phải thu gọn trong một số công tác cố định hàng năm: tổ chức hội thảo hay biểu tình trong dịp ba mươi tháng tư, Tết Nguyên Đán, và những công tác biểu dương chính trị đột xuất tùy theo biến động trong giới người Việt tị nạn tại Hòa Lan cũng như trên toàn thế giới. Một ‘màn ngoạn mục’ chỉ có ở Hòa Lan trong những năm gần đây là những vụ hạ cờ đỏ sao vàng. Thành phố Rotterdam được chọn là thành phố văn hóa, mỗi lần có lễ hội văn hóa quốc tế ban tổ chức cho treo cờ sao (sách Atlas ghi sao họ làm như vậy), thế là phe ta lại đi hạ, có khi bằng lời yêu cầu, có khi bằng áp lực mạnh.

Chính vì những sinh hoạt chính trị biểu dương trong suốt ba mươi năm nay đều theo một truyền thống hợp nhất, người Việt ở Hòa Lan đã gây được một hình ảnh đáng quí trong cộng đồng người Việt hải ngoại toàn thế giới. ‘Một sự nhịn chín sự lành’, người Việt sống trong một xã hội đa văn hóa Hòa Lan chắc cũng lây nhiễm thái độ tránh bạo động. Ai không ủng hộ thì không tham dự. Chỉ trừ một lần một số các thành viên của Mặt Trận Kháng Chiến Hoàng Cơ Minh đã đã hành hung nhóm Thông Luận (tiền thân của ‘Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên’) trong một buổi sinh hoạt trước sự hiện diện của quan khách và đồng hương được nhiều người đánh giá là một vết nhơ trong sinh hoạt dân chủ khó xóa mờ.

Không khí sinh hoạt ‘đoàn kết’ có một không hai này đã tạo được một số kết quả có tầm cỡ, như những Trại hè Hùng Vương cấp Ấu châu thu hút nhiếu người Việt tham dự, khởi xướng Nghị hội Âu châu với sự tham dự của nhiều đoàn thể Bỉ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Ý… hay hiện nay Cộng Đồng đang xúc tiến công tác xây dựng làng Hùng Vương, một khu dưỡng lão dành cho người Việt. Vai trò điều hợp cũng còn được thấy qua những buổi tổ chức Tết Nguyên Đán hàng năm, với lượng người tham dự có lần lên đến hơn 10% dân Việt tị nạn, một con số đáng thèm của bất cứ một tổ chức nào. Tuy nhiên, nó cũng có thể đi đến một tình trạng không hay, vì dễ bị khuynh loát. Cuộc cách mạng nhung do ‘một đoàn thể với những tổ chức ngoại vi vận động các cảm tình viên ồ ạt tham dự buổi phổ thông đầu phiếu bầu Ban Chấp hành Cộng Đồng’ đã xảy ra vào năm 1990 như một hệ quả của sinh hoạt dân chủ thiểu số phải tuyệt đối phục tùng đa số. Một tổ chức chính trị hoạt động nhắm vào việc phát triển thế lực của mình là điều dễ hiểu. Nhưng phải chăng mục tiêu cần nhắm tới là việc phục vụ cho quyền lợi chung của cộng đồng vì thế dễ trở thành điều thứ yếu so với việc xem cộng đồng là phương tiện để phát triển quyền lực của tổ chức? Trong các cuộc bầu cử Ban Chấp Hành Cộng Đồng, nếu chỉ lo các ứng cử viên không cùng lập trường ‘đứng sau lưng tôi’ thay vì đi tìm một đồng thuận giữa những ý kiến đưa đến một đường lối đấu tranh thích hợp hay phục vụ sinh hoạt cho người Việt, thì cuối cùng sẽ không tránh khỏi tình trạng ‘một mình đứng la giữa chợ’. Tệ hơn, ở đây có nghĩa là những người đại diện của khối đa số sau cuộc bầu cử chỉ muốn hoạt động theo phương cách và nhìn vấn đề từ góc độ riêng của mình. Vì thế yếu tố truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng Hòa Lan là vai trò điều hợp của Cộng Đồng mà người Việt ở Hòa Lan từ xưa đến nay đã ngầm công nhận, hiện tại đã bị giảm thiểu rất nhiều. Từ đó khả năng động viên mọi thành phần cùng tham gia công tác phát triển sinh hoạt chung để phục vụ người Việt cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện tại, sinh hoạt cộng đồng vẫn chưa có một mô thức rõ ràng để đáp ứng được cho tất cả các thành phần người Việt khác nhau tại Hòa Lan như đã đề cập ở phần trên, vì thế việc mở rộng cuộc vận động dân chủ đa nguyên cho toàn thể khối quốc dân trong nước (do hoàn cảnh lịch sử, xã hội, địa phương… nên sự dị biệt còn lớn lao hơn nhiều) cũng sẽ thiếu tính thuyết phục. Đã có thời những người ‘lỡ dại về Việt Nam’ hay ‘có liên lạc với Việt Nam’ (chủ tiệm thực phẩm, chuyển tiền…) bị Cộng Đồng cúp báo, và cũng có lúc người ta đã nghĩ rằng: ‘nếu những người này nắm quyền không chừng mình sẽ lại phải vào trại cải tạo dài hạn mất thôi’. Điểm qua những cộng đồng người Việt hải ngoại ở khắp nơi, chúng ta thấy rõ một điểm là báo chí và truyền thông ít nhiều có mang theo tính tư pháp, và đây thực là một điều không mấy đẹp bên trong một cộng đồng hay trong một xã hội mà quyền thứ tư này bị tập trung và chỉ đạo.

Vì những hoạt động của Cộng Đồng phần lớn mang màu sắc chính trị thuần túy, một số bạn thích văn thơ từ những năm đầu thập niên ‘80 đã có ý định tạo một sinh hoạt nghiêng về nghệ thuật, từ đó nhóm Cái Đình đã thành hình vào năm 1983, với mục đích tạo một diễn đàn văn học nghệ thuật. Nhóm đã thực hiện được hơn chục tác phẩm của các cây bút tại Hòa Lan, tổ chức nhiều buổi ra mắt sách hay những buổi sinh hoạt mang chủ đề văn hóa văn học với các diễn giả từ khắp nơi. Cho tới nay nhóm Cái Đình được coi là một nơi tập hợp những người yêu thích sinh hoạt văn học, có đóng góp sáng tác văn thơ cho hầu hết các tạp chí văn học Việt trên thế giới và là một địa chỉ liên lạc tại Hòa Lan về văn hóa văn học. Nhóm Cái Đình có những nỗ lực nhắm vào việc giới thiệu văn hóa văn học Việt đến người bản xứ (và ngược lại) qua trang mạng caidinh.com. Điểm đặc biệt của sinh hoạt sáng tác ở Hòa Lan là tuy có khá đông (trên 20) người viết nhưng mỗi người có một sắc thái riêng, không ai lấn sân của ai, vì thế suốt 30 năm chưa một lần xảy ra bút chiến. Một số cây bút ở Hòa Lan được nhiều người Việt hải ngoại biết là Cao Xuân Tứ, Nguyễn Lê Hồng Hưng, Phạm Hải Anh… Về nhạc chắc chắn nhiều người đã biết nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng, một con chim đầu đàn của phong trào Du Ca. Hiện tại nhạc sĩ vẫn tiếp tục công tác vun xới cho gia đình Du Ca trong website ducavn.com.

Với người Hòa Lan, họ không chú ý nhiều đến những sinh hoạt chính trị của ta. Có chăng chỉ một vài năm đầu. Người Hòa Lan đã quá quen với những cuộc biểu tình, tuyệt thực của mọi phe nhóm. Trong khoảnh sân trước quốc hội gần như ngày nào cũng có một đám đứng căng biểu ngữ, hò hét và phát truyền đơn, chưa kể những cuộc tuần hành. Biểu tình ở Hòa Lan được ví như một thứ gia vị cuộc đời, không có không vui, và mỗi khoảng thời gian lại có một cái ‘mốt’ mới. Việt Nam đã phải nhường sân chơi lại cho những vấn đề thời sự nóng hơn. Ít người Hòa Lan biết đến nỗi khổ của người Việt, suốt ba mươi năm chưa lần nào tổ chức được cuộc biểu dương ‘giương cao ngọn cờ chính nghĩa’ vào đúng ngày ba mươi tháng tư, vì ngày này là ‘Ngày Nữ Hoàng’, một ngày lễ hội đông và vui nhất trong năm! Phần khác có thể do người Việt không chú trọng đến việc vận động sâu rộng nhắm đến các cơ quan truyền thông và chính giới, lý do chính có thể đượv xem là chưa trang bị được đủ lý luận thuyết phục. Trong khi ta mê mải lý luận chủ nghĩa, thì người Hòa Lan chỉ chú trọng đến con người, và sự tự do đúng nghĩa. Chỉ có một tổ chức (Hội Phát Triển Việt Nam – SOV) có những liên lạc khá chặt chẽ với vài dân biểu sẵn có cảm tình từ lâu với người Việt tị nạn, thế nhưng vì một số lý do, tổ chức này đã không thu phục được cảm tình đồng hương ở Hòa Lan, tuy nhận được nhiều ủng hộ từ những quốc gia khác.

Người Hòa Lan chú ý nhiều hơn đến cá tính chung của người Việt và sự ứng xử trong tiến trình hội nhập. Người Việt ở Hòa Lan được đánh giá là siêng năng, chịu khó và ít đòi hỏi. Qua lời khen có thể hiểu rằng người Việt ở Hòa Lan cho tới nay chưa mấy người đạt đến tầng lớp ‘chủ’, ngoại trừ những người tự làm chủ cơ sở tư mang tính cách gia đình. Cộng đồng người Việt tuy mở, nhưng chỉ là bề mặt, còn đi sâu thì cũng khép kín như cộng đồng người Hoa, tức là sự giao tiếp với dân bản xứ chỉ ở mực xã giao hời hợt. Đó là sự nhận xét chung của người Hòa Lan. Điều làm họ thán phục là sự hiếu học của người Việt. Có một cái chung trong ước muốn của các bậc cha mẹ hai miền Nam Bắc cho việc thành đạt của con cái (Bắc: Nhất Y nhì Dược tạm được Bách Khoa, Nam: Y Dược Kỹ Nha Hành). Con số gần 30 vị đã tốt nghiệp bác sĩ và gần 20 dược sĩ cho một số dân 18 ngàn người (có lẽ là tí lệ y dược sĩ cao nhất trong tất cả các sắc dân, kể cả người Hòa Lan) đáng để chúng ta tự hào. Lớp trẻ Việt Nam ở Hòa Lan cũng thích học các bộ môn kinh tế, quản trị… Hai lãnh vực du lịch và khách sạn/nhà hàng cũng đặc biệt được các bạn trẻ chú ý. Chỉ có bộ môn luật là chưa cuốn hút được nhiều người, tuy rằng ai cũng thấy là xã hội toàn cầu nói chung và cộng đồng người Việt trong tương lai rất cần những chuyên viên am hiểu về luật, nhất là về luật quốc tế và luật xí nghiệp.

Người Việt ở Hòa Lan cũng đã mang được một món ăn đi vào văn hóa ẩm thực của người Hòa Lan: đó là ‘Vietnamese loempia’ (chả giò Việt Nam cải biến, cuốn độn nhiều rau, có cả khoai tây, trong bánh bột mì và ăn với sốt cà chua cay). Từ ‘loempia’ vốn là tên một thứ bánh xếp có nhân thịt xào với rau của người Inđô. Chả giò khởi thủy được chiên và bán ngoài chợ lộ thiên dưới một hình thức rất ‘dã chiến’: một chảo dầu, một bếp ga, một tủ đông và một tủ kiếng. Dần dà, quán chả giò đã ‘lên đời’: chảo dầu bếp ga đã hiện đại hóa và vào nằm trong những chiếc xe lưu động, hay trở thành những quán ‘snack’. Đi chợ, ghé vào xe chả giò Việt Nam mua một chiếc vừa đi vừa thổi vừa ăn trở thành một hình ảnh quen thuộc tại Hòa Lan. Rất tiếc món ăn nóng Việt tại Hòa Lan không thể đi xa hơn chả giò và vài món bánh chiên bao nhiêu bước. Đã có nhiều cố gắng trong việc mở nhà hàng Việt Nam, nhưng kết quả còn rất hạn hẹp để cuối cùng lui trở về hình thức quán bán snack và hay một số món ăn mang về nhà. Ở Hòa Lan, nhà hàng Việt Nam đúng nghĩa đếm được bằng số ngón của một bàn tay! Có lẽ vì chế độ thuế má cao, nhân công mắc, nhưng cũng có thể vì món ăn Việt chỉ thích hợp trong một khung cảnh hơi ‘bình dân’, chén đũa lóc nhóc, nói cười vang rân. Chính người Việt chúng ta cũng chẳng thường đặt tiệc cưới ở nhà hàng Tàu hay sao. Lớp người Việt ‘khẩn đất hoang’ ở Hòa Lan hai mươi mấy ba mươi năm trước, vì những món đặc thù Việt Nam chỉ biết trông cậy vào một số người đánh xe sang Paris mua về bán lại, dần dần đã trở thành những người đầu bếp khéo tay. Các thứ bánh trái phải tự mò, tự học mà làm thì mới có ăn, và cũng chính vì thế chúng ta không cần phải ra tiệm, tới nhà bạn bè nấu ăn với nhau, vừa rẻ vừa vui. Hòa Lan không có khu chợ riêng cho người Việt, ngay cả hai cửa hàng Việt Nam cạnh nhau cũng chẳng có. Nói đến chả giò chúng ta cũng phải nhắc đến ông ‘vua chả giò’ Trịnh Vĩnh Bình, người đã phát minh ra máy cuốn chả giò, nhưng thất bại khi chạm thực tế với nhiều trở ngại mà ông không lường trước được.

Ngoài chả giò, người Việt muốn có một công việc tự mình làm chủ cũng khá thành công trong lãnh vực may gia công. Ngành này đã giúp nhiều gia đình có một thu nhập phụ, cả trắng lẫn đen. Dân Việt ‘làm chui’ ở Hòa Lan phần lớn làm nhân công trong các trại trồng hoa. Nghề ‘lặt củ’ đã giúp nhiều bạn trẻ có tiền tậu xe, mua máy nhạc và cúng cho thần Casino. Cũng nhờ nghề này một số lớn người Việt tị nạn đến từ các nước Đông Âu đã có thể tạm ‘an cư’ trong thời gian khó khăn ban đầu. Bạn nào đi thăm Hòa Lan, nếu có dịp để mắt đến những luống hoa tulip bạt ngàn, xin dành một phút nhớ đến những người Việt đang đổ mồ hôi nơi đây mỗi mùa hè, khi hoa đã tàn.

Khách du lịch đến Hòa Lan, khi vào những khu phố cổ hay làng nhỏ chắc sẽ nhận ra ngay một điểm là khi vừa an cư thì dân làng liền xây nhà thờ ở nơi trung tâm, mọi con đường đều đổ về đó. Những người Việt ở Hòa Lan theo Phật giáo cũng vậy, sau nhiều năm phải chịu cảnh di dời tượng Phật và nhang đèn từ nơi này đến nơi khác trong những dịp lễ, đã quyên góp được đủ tiền để mua lại một nông trại vào năm 1993, cải biến chuồng bò thành chánh điện, từ đó dân Việt có thêm một chỗ lui tới mỗi khi lễ tết, người nghe kinh, kẻ tìm người quen thăm hỏi. Tết Nguyên Đán ở chùa Vạn Hạnh nằm trên đường Trung Đạo (Middenweg = Midway) của một làng nhỏ miền trung Hòa Lan ‘vui như tết’ với cả ngàn người cầu gặp Phật cũng như cầu gặp tình yêu. Chùa Vạn Hạnh đặc biệt có một vị sư người Hòa Lan đã đi tu nhiều chục năm, và chùa cũng thường làm lễ qui y cho người bản xứ. Những vị thờ Chúa khi trước mỗi dịp Giáng Sinh cũng tổ chức được một buổi lễ chung cho hàng trăm người Việt, nhưng vì cung cách sinh hoạt của Thiên Chúa Giáo (linh mục chịu trách nhiệm phần hồn cho mỗi giáo phận, bất kể chủng tộc) làm sự liên hệ giữa con chiên và chủ chăn khác hơn Phật giáo, buổi lễ Noël cho người Việt vì thế cũng lần lần phải chịu ảnh hưởng, để bù lại không khí trang nghiêm trong những thánh lễ chung có phần hơn những buổi lễ tại chùa.

Trong khi hơn mười ngàn người Việt ở Sydney xuống đường phản đối SBS tiếp vận đài Việt Nam VTV4 vào những tháng cuối năm 2004 thì hơn một nửa người Việt (tị nạn lẫn không tị nạn) ở Hòa Lan đã mời ông VTV4 vào ngự trong phòng khách bằng máy bắt sóng vệ tinh, chẳng cần ai tiếp vận! Xin các bạn bên Úc và Hoa Kỳ nếu đọc tới đây đừng nổi nóng. Ở Little Saigon, Footscray hay Cabramatta có sinh hoạt tập trung của người Việt, cửa tiệm, hàng quán mỗi góc phố; báo chí, truyền thanh truyền hình mỗi ngày. Ở đây không có những thứ đó, báo gửi từ Mỹ Úc sang mười mấy euro một tờ làm sao mua đọc. Nếu nhìn bằng con mắt lạc quan, truyền hình tiếng Việt cũng như hát karaoke và phim tập, đã giúp nhiều em nhỏ làm quen, nói và hiểu tiếng Việt. Mặc dù rất có thể em sẽ nói bằng ngôn ngữ phim tập, hay ngôn ngữ truyền hình Việt Nam, nhưng những suy nghĩ và phán đoán của các em chắc chắn không phải là suy nghĩ phim tập hay suy nghĩ VTV4. Yếu tố có tác động trực tiếp vào nhận định của người Việt nước ngoài về xã hội ở Việt Nam và cung cách của nhà cầm quyền chính là mức sống và mức độ yên ổn của gia đình bên đó. Từ khi Đài Việt Nam Hải Ngoại phát sóng qua vệ tinh, số người chuyển sang nghe đài này tại Hòa Lan ngày càng tăng, điều đó chứng tỏ sự cạnh tranh trong một thế giới mở cũng có cái hay của nó. Hai đài truyền hình truyền thanh này trên thực tế đã phụ thêm và sẽ thay thế môn tiếng mẹ đẻ trong chương trình cấp 1, được Bộ Giáo Dục đề ra vào năm 1985 và vừa chấm dứt vào mùa hè 2004, với lý do là mục tiêu (duy trì sự liên lạc giữa các thế hệ với nhau và giúp cho việc hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc riêng) đã không đạt được, hay nói một cách khác: kết quả thu lượm được không tương xứng với ngân khoản đã sử dụng cộng thêm sự chống đối của nhà trường trong việc xếp thời khóa biểu. Mấy chục thầy cô giáo Việt thất nghiệp. Và rất tiếc cho bộ sách dậy đọc tiếng Việt đồ sộ gồm 24 cuốn do một ban biên soạn người Việt ở Hòa Lan và Anh quốc thực hiện, dựa theo phương pháp giảng dạy của Hòa Lan, với sự cộng tác của một số nhân sự ở Pháp và Việt Nam, được Cộng Đồng Âu châu tài trợ, ra mắt bảy năm trước (1998), tức là rất ít em nhỏ có dịp được học hết cả bộ, chưa kể một số vị ‘dị ứng’ với tựa bộ sách (Học Kĩ Đọc Đúng), đã từ chối không sử dụng.

*

Nhìn chung, xứ nào cũng có chuyện vui buồn riêng của nó. Còn trong tương lai sinh hoạt người Việt ở Hòa Lan sẽ ra sao, câu trả lời khá rõ ràng. Truyền thống ‘mọi sinh hoạt đều hợp nhất và tập trung’ sẽ không thể giữ mãi, nhất là trong tình trạng khối người tị nạn ngày càng giảm, con số những người ‘không tị nạn’ ngày càng tăng. Cộng đồng người Việt ở Hòa Lan cũng như ở mọi nơi đang phải đối diện với một Việt Nam thực tế và ngay trước mắt. Nhất là Cộng Đồng VNTNCS/HL đã khai sinh trong hoàn cảnh mọi người rất cần một sự đoàn kết để giúp đỡ nhau trong bước đầu lập nghiệp. Đã có những dấu hiệu cho thấy một sự chuyển hướng trong sinh hoạt cộng đồng với những cọ sát không thể tránh. Nhưng tôi tin rằng truyền thống bất bạo động của người Việt ở Hòa Lan vẫn mãi mãi được duy trì, miễn là làm sao để cho sinh hoạt người Việt ở Hòa Lan không trở thành một thứ ‘hòa bình tủ lạnh’, mỗi người xây nên một ốc đảo cho riêng mình. Trong một xứ có truyền thống dân chủ cao độ, thẳng thắn và can đảm đối thoại với nhau, không sử dụng bạo lực mới là điểm cần gìn giữ. Riêng với tôi, cho dù thế nào đi nữa, Hòa Lan cũng đã để lại trong tôi rất nhiều chuyện vui lẫn buồn. Nhớ khi xưa có lần chú tôi kể chuyện ông đi xe đò bị mấy ‘ông nội giải phóng’ chặn lại. Họ lùa tất cả hành khách vào đám ruộng gần đó và bắt mọi người đưa chân coi. Những người có đôi bàn chân trắng trẻo, gót không nứt nẻ bị dẫn vào sâu trong trảng tranh nơi bìa rừng, nghe giảng mấy giờ về chính trị, Mỹ Ngụy và hăm he nếu còn bắn giết đồng bào thì coi chừng. Ba mươi mấy năm sau, ở Hòa Lan cũng vẫn còn những người khi đọc bài viết khi thấy tác giả dùng từ ‘Hà Lan’ thay vì ‘Hòa Lan’ thì bảo: ‘coi chừng thằng cha này là tay sai Việt Cộng’. Thật là cười ra nước mắt. Hay những lần tôi chợt nghĩ đến ngày còn nhỏ, mẹ cùng mấy dì mấy cô kéo nhau đi xem gánh hát về làng diễn trong những căn rạp tạm dựng, vách căng vải dù gió thổi lật phật, ngồi cạnh mấy bà nước mắt nước mũi tèm lem liệng quạt lên sân khấu để thưởng đào kép độc. Cảnh đó có khác chi bây giờ nghe thiên hạ í ới rủ nhau đi xem những buổi Đại Nhạc Hội hiếm hoi một năm đôi bận, được tổ chức trong những hội trường hở nguyên bộ sườn sắt mái tôn, ngồi ghế xếp trị giá chưa tới mười Euro một chiếc trước sân khấu là mấy chiếc bục kê lại còn lòi ván, con nít chạy rần rần khóc nhoi trời đất, xem Duy Khánh hay Phi Nhung lấy nước mắt và hoa hồng của khán giả một cách ngon ơ. Xem mà để nhớ đến một quê hương rất xa, xa cả về không gian lẫn thời gian. Một quê hương chỉ còn trong quá khứ.

 

Minh Hạnh
(Tháng 04/2005)


Cái Đình - 2005