Nguyễn Hiền
Việt Nam trong ngày sinh nhật NCDO
“Chuc Mung Nam Moi” là những lời chấm dứt bài diễn văn khai mạc của ông Jan-Willem Bertens, Phó Chủ tịch cơ quan NCDO (National Commissie voor Internationale Samenwerking en Duurzame Ontwikkeling – Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Quốc tế và Phát triển bền vững), mở màn cho buổi hội ‘Ngày sinh nhật' của NCDO, được tổ chức vào buổi chiều 22/01/2008 tại Học viện Hoàng gia về Vùng Nhiệt đới (Koninklijk Instituut voor de Tropen – Amsterdam). NCDO là một tổ chức độc lập, được thành lập năm 1970 do chính phủ Hòa Lan, đặt căn bản trên cương lĩnh thành lập Liên Hiệp Quốc (1945) và Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948). Sinh hoạt của NCDO được hoàn toàn tài trợ do Bộ Hợp tác Phát triển. Mỗi năm, NCDO tổ chức ‘ngày sinh nhật', đặt trọng tâm vào một quốc gia mà Hòa Lan có quan hệ mật thiết. Năm nay (2008), Việt Nam được chọn làm trọng tâm cho ‘ngày sinh nhật'.
Chương trình buổi sinh hoạt chính thức, diễn ra trong hội trường, được điều khiển bởi cô Vũ Thị Vân Anh.
Trong phần đầu mang chủ đề ‘Việt Nam xưa và nay', trong tiết mục ‘Bốn thế kỷ Hòa Lan – Việt Nam', ông Hà Huy Thông, đại sứ Việt Nam tại Hòa Lan đã lược qua mối quan hệ giữa hai nước. Phần lớn những dữ kiện ông nêu ra được trích từ quyển ‘ Leeuw en Draak, vier eeuwen Nederland en Vietnam ' vừa được xuất bản vài tháng trước (với sự tài trợ của Lãnh sự quán Hòa Lan tại Saigon). Trong phần này, ở cương vị đại diện quốc gia Việt Nam, và cũng nhằm mục đích quảng cáo cho một nước Việt Nam tốt đẹp ngày nay, bài đọc mang nhiều ‘cliché' cần thiết. Ông đã nhấn mạnh đến những quan hệ ngoại giao và thương mại trong thời gian vừa qua giữa hai nước, được đánh dấu bằng những thành quả giao thương giữa hai quốc gia, bằng cảm tình của thế giới đối với Việt Nam và bằng những cuộc thăm viếng của các viên chức cao cấp trong chính phủ của cả hai bên. Năm 2001 thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm Hòa Lan và năm 2005 Hoàng thái tử Willem Alexander cũng đã đến Việt Nam trong khuôn khổ hội nghị quốc tế về nước. Những người Việt hải ngoại về Việt Nam ngày càng tăng. Đương nhiên những lời ca ngợi sự trở về giúp Việt Nam và chính sách dành cho những người này cũng là một phần không thể thiếu trong bài diễn văn.
Trong phần tiếp theo, ‘Tìm tự do', như để đối lại, là câu chuyện về một khoảng đời của một thuyền nhân Việt Nam đã được bà Carolien van Doorn đọc. Nhân vật trong câu chuyện thực đời mình (vì lý do riêng không muốn xuất hiện) là một phi công trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi được thả ra từ trại cải tạo, ông đã 5 lần tìm đường vượt thoát nhưng đều thất bại. Lần thứ 6, ông đã để vợ con ở lại, ra đi trên một chiếc tàu do ông cùng một số người thân tổ chức. Sau 100 giờ lênh đênh trên biển, ông đã được tàu Nedlloyd vớt, mang vào Singapore. Ngày 04/11/1980 ông đến Hòa Lan, khi đó ông mới 30 tuổi. Tiếp đến là chuỗi ngày trong những trại tị nạn Leerdam, Boxtel, những ngày đầu khổ cực, cho đến khi gia đình được đoàn tụ. Tuy phải làm việc cực nhọc, không khá giả, nhưng ông rất sung sướng, theo như lời của ông để kết thúc câu chuyện, ‘là đã tìm được tự do.'
Người tham dự đã nôn nóng chờ đợi tiết mục kế tiếp về những thế hệ trẻ người gốc Việt ở Hòa Lan, với tựa đề hấp dẫn ‘Loempia's, Hyves en hutspot', nhưng sau đó đã khá thất vọng với phần phỏng vấn cô Nguyễn thị Thùy Trang và anh Phạm Sĩ Khanh, do anh Rutger Bults, cộng tác viên NCDO thực hiện. Trong một hoàn cảnh gần giống nhau (cha đi vượt biển trước bỏ vợ con lại và sau đó được đoàn tụ), cuộc sống giữa hai nền văn hóa đã đưa cả hai đến những suy nghĩ và quyết định riêng cho mình. Thùy Trang ra ở riêng khi được 19 tuổi, một phần vì để có thể tham gia vào những sinh hoạt riêng của mình ngoài xã hội, và một phần cũng vì ‘bực mình khi thấy anh mình lớn hơn 2 tuổi mà không phải làm công chuyện nhà nhiều như mình'. Sĩ Khanh vẫn giữ những nghi thức cổ truyền thờ cúng tổ tiên… Thời gian quá giới hạn với những câu hỏi mở đầu về cảm nghĩ của họ khi ở phi trường, trong ngày đoàn tụ, gặp lại người cha đã quên mặt, cảm nghĩ về những ngày đầu đến trường v.v…. đã khiến cho những từ ngữ ‘Loempia', ‘Hyves', ‘Hutspot' không một lần được nhắc đến!!!
Bà Mirjam Letsch trong phần kế tiếp đã đưa người tham dự vào một lãnh vực khác. Là nhiếp ảnh gia, kiêm nhà văn (tác phẩm mới xuất bản 2007: ‘ Wereldwijzer Vietnam ' – viết chung với Hans de Clercq, và tập ảnh ‘ Made in Vietnam ', sẽ xuất bản năm 2008), bà đã lưu luyến đất nước Việt Nam sau 3 chuyến đi du lịch săn ảnh. Xúc động khi tiếp xúc với một số trẻ em tật nguyền bà gặp trong các bản làng ở vùng Tây Bắc, bà đã vận động lập ra hội Child Surgery, quyên góp tiền bạc để thực hiện những công tác y tế giúp những trẻ em này. Trong khi cho trình chiếu một bộ ảnh chụp cảnh sinh hoạt của người thiểu số và những công tác y tế, bà đã kể những khó khăn bà đã gặp khi muốn thực hiện vật lý trị liệu sau những cuộc giải phẫu chỉnh hình. Từ những thực tế đầy trở ngại, bà đã nẩy ra ý định thành lập những Toán Y tế Lưu động để huấn luyện cho thân nhân (thường là cha hay mẹ) những bài thực tập để họ về tập lại cho con. Bà cho biết có những chuyện rất nhỏ đã làm bà rất vui như có lần bà gặp một em nhỏ bị dị tật sứt môi hai chỗ và hở hàm trên. Em mắc cở tới mức không dám đi học và có thói quen lấy tay che miệng mỗi khi nói chuyện. Sau khi giúp em được giải phẫu, mấy tháng sau gặp lại em, bà thấy vết mổ tiến triển tốt, em đã đi học và không còn mắc cở che miệng mỗi khi nói chuyện nữa.
Sau màn trình bày một số những thể điệu nhạc đặc thù Việt Nam: hát chèo, đàn môi, đàn K'ny (một nhạc khí của dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc) của Ngô Hồng Quang, giảng viên Nhạc viện Quốc gia (Hà Nội), là một tiết mục hứa hẹn nhiều hấp dẫn, nằm trong phần hai của chương trình, với chủ đề: ‘Việt Nam có đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ (1) không'. Đây là một cuộc tranh luận với sự tham dự của các ông Đỗ Mạnh Hanh (nhân viên tư vấn công ty Vienam Consult & Trading), ông André Vording, nhân viên ICCO (Interkerkelijke Organisatie voor Ontwikkelingssamenwerking), đặc trách chính sách thị trường địa phương, và bà Veronique Ehlen, nhân viên Hội Y Tế Hòa Việt (Medisch Comité Nederland-Vietnam) đặc trách các kế hoạch y tế. Cuộc hội luận bỏ túi được điều hợp bởi tiến sĩ Nhân học John Kleinen của Trường Đại học Amsterdam, và xoay quanh 3 nhận định sau:
– Câu hỏi không phải là Việt Nam có đạt được ‘Mục đích Thiên niên kỷ' không, mà là khi nào và trong những điều kiện nào.
– Hình ảnh mà Hòa Lan có được từ Việt Nam được thành hình từ cuộc chiến tranh và những di hại của nó trong thập niên 70 - 80. Việt Nam ngày nay là một nước chậm tiến đang đạt nhiều thành quả kinh tế. Điều này đã có ảnh hưởng thế nào trên hình ảnh của chúng ta (Hòa Lan – ghi chú của người viết) về Việt Nam?
– Việt Nam thực hiện những đổi mới lớn về kinh tế mang theo nhiều hậu quả xã hội quan trọng. Một cơ chế chính trị độc đảng hiện nay là một cản trở cho sự thúc đẩy tiến trình cải tổ kinh tế.
Cũng như bà Mirjam Letsch trong phần trước, ông Đỗ Mạnh Hanh cũng bày tỏ mối hoài nghi về những thành quả Việt Nam tuyên bố đã đạt được, vì người ta chỉ thấy những thay đổi ở thành phố lớn, còn so với đời sống ở làng quê thì vẫn còn quá cách biệt. Nhưng có những biện pháp cải tổ xã hội mà theo ông Đỗ Mạnh Hanh, chỉ có Việt Nam mới làm được trong một thời gian ngắn mà không gặp chống đối đáng kể của người dân, như biện pháp bắt người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm được ban hành trong tháng 12 mới đây. Ông John Kleinen cho biết ông đã thấy những vụ biểu tình chống đối khi ông ở Hà Nội. Nhưng trong Việt Nam có nhiều ‘nước Việt Nam' nhỏ, mỗi vùng mỗi luật lệ riêng…
Những lời đối đáp giữa điều hợp viên với ba vị khách trong bàn hội luận đã khiến bầu không khí trở nên căng thẳng khi có ý kiến đưa ra là nền kinh tế có thể phát triển trong chế độ độc đảng. Nhiều người, cả Hòa Lan lẫn Việt Nam, đã lộ vẻ bất bình. Ông Đào Công Long, Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan và Ông Nguyễn Điền Lăng, Phó Chủ tịch Ngoại vụ đã cực lực lên tiếng phản đối những luận điệu mà hai ông cho là đánh bóng chế độ. Hai ông đã gay gắt phản biện bằng những chứng cớ lấy từ những báo cáo của Tổ chức Amnesty International, Human Rights Watch về tình trạng nhân quyền (bị chà đạp) ở Việt Nam, tù nhân lương tâm…; và từ những bài báo ở Hòa Lan và quốc tế cho thấy những thống kê, sắp hạng về lạm phát, tình trạng giáo dục, y tế tồi tệ ở Việt Nam đã đưa ra một hình ảnh Việt Nam khác hơn… Những ý kiến chống đối được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tham dự. Nhận thấy chiều hướng có thể đưa tới tranh luận thuần chính trị với những dị biệt không thể giải quyết, và vì thời gian có hạn, buổi tranh luận đã phải chấm dứt sau lời giải thích của điều hợp viên.
Một số thành viên trong Ban Chấp hành CĐVNTNCS/HL sau đó đã phân phát cho thính giả ngồi trong phòng những tập tài liệu tố cáo tội ác cộng sản Việt Nam, với bức hình chụp cảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị công an bịt miệng trong phòng xử, bức hình đã đi vào lịch sử tranh đấu của người Việt tị nạn. Một phong bì đựng tài liệu cũng được trao cho ông Phó Chủ tịch NCDO Jan-Willem Bertens.
Chương trình chính thức chấm dứt lúc 17:20 giờ bằng đoạn phim ghi lời chúc Tết của các em học sinh ở Việt Nam gửi đến quan khách. Hơn 300 người tham dự sau đó đã có cơ hội trao đổi riêng với nhau, thưởng thức chả giò, gỏi cuốn Việt Nam, uống cà phê sữa đá, hay thăm những gian hàng triển lãm. Ba gian hàng được nhiều người chú ý là gian hàng của Hội Y tế Hòa Việt, gian hàng của hội Child Surgery được trang hoàng bằng những tấm ảnh chụp phong cảnh và người phóng lớn, và gian hàng trưng bầy nhạc khí Việt Nam cổ truyền. Tại đây anh Ngô Hồng Quang đã cùng anh Nguyễn Thanh Hùng, chị Thụy Lãnh… luân phiên trình bày một số bài dân ca Việt Nam quen thuộc. Nhiều người (Hòa Lan và Việt Nam) đã được mời hát chung bài ‘Trống cơm', một bài hát phỏng theo điệu quan họ Bắc Ninh.
Với Ban Tổ chức, ‘ngày sinh nhật NCDO' năm 2008 coi như thành công. Đối với khán thính giả, đại đa số cho rằng chương trình vì trải rộng và cố ôm đồm nên nội dung quá hời hợt. Những người Việt tị nạn thì cho là Ban tổ chức cố tình tô vẽ và đề cao thành quả của Đảng Cộng sản Việt Nam một cách trắng trợn. Nhưng một điều người ta thấy rõ nét là mối quan hệ giữa Hòa Lan và Việt Nam hiện nay đang trên đà tiến triển đáng mừng, hiểu theo cả hai nghĩa.
Nguyễn Hiền
(01/2008)
________________
Chú thích:
(1) Mục đích Thiên niên kỷ: Vào năm 2000, 189 nước đã cùng nhau ước hẹn sẽ giải quyết những vấn đề quan trọng của thế giới và đặt ra 8 mục tiêu chính phải được thực hiện trước năm 2015. Đó là:
1.- Nạn đói nghèo cùng cực phải được xóa bỏ.
2.- Tất cả trẻ em trai gái đều tới trường.
3.- Đàn ông và đàn bà được hưởng quyền lợi giống nhau.
4.- Nạn trẻ em tử vong phải giảm nhiều.
5.- Giảm tử vong do hậu quả thai nghén.
6.- Chấm dứt sự lan truyền của những bệnh như Aids và sốt rét.
7.- Có nhiều người được sống trong một môi trường sinh sống mang tính bền vững.
8.- Có thêm những giao thương bình đẳng, giảm thiểu nợ và gia tăng sự trợ giúp (liên quốc gia).