Thanh Tâm
“Tình Ca Người Hát Rong”, buổi nhạc đàm với Nguyễn Ðức Quang
Sau một quãng đời hoạt động không ngơi nghỉ, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang, một người có công khai mở và làm lớn dậy phong trào Du ca ở Việt Nam – cũng là “trưởng xưởng” Du ca – đang làm một chuyến Rong ca, vừa hát vừa thăm bạn bè và các Du ca viên trên toàn thế giới. Chiều ngày chủ nhật 05/09/2010, tại Hội trường ‘t Veerhuis (Nieuwegein) – một địa chỉ quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng ở Hòa Lan, ông đã đến gặp gỡ những người mến mộ trong buổi nhạc đàm mang chủ đề “Tình Ca Người Hát Rong”.
Với người Việt ngoại ngũ tuần, Nguyễn Ðức Quang không phải là một tên tuổi xa lạ. Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước – theo ông cho biết trong buổi nhạc đàm – khi nghe nhạc sĩ Phạm Duy trình bày những bài “Tâm Ca”, ông đã thấy con tim mình thôi thúc, bảo “phải làm một cái gì đi”. Trong bối cảnh khi đó chiến tranh bắt đầu chớm dậy ở miền Nam Việt Nam, nhận thức được thân phận nhược tiểu của dân Việt trong cuộc chiến anh em: “Tôi trót sinh ra vào nước chia cắt” (Nỗi Buồn Nhược Tiểu), ông đã cùng với 6 người bạn lập ra ban Trầm Ca, sáng tác và truyền bá những bài ca khai phá với mục đích tạo cho giới thanh niên sinh viên một hùng khí trong một nhận thức đứng đắn. Sau đó, bắt nguồn từ Trầm Ca, Du ca – như một tiếp nối để mở rộng sinh hoạt nhạc cộng đồng – đã ra mắt ngày 19/12/1966. Nhanh chóng, phong trào thu hút được nhiều thanh niên, thành lập những toán Du ca, sinh hoạt ca hát những bài do Du ca viên sáng tác tại các sân trường đại học, trại hè…, ở bất cứ nơi nào có dịp “hát cho nhau nghe” đồng thời cũng là dịp trao đổi những suy tư tuổi trẻ với nhau.
Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang cùng những thành viên Du ca nòng cốt đã hướng dẫn giới sinh viên vào con đường sinh hoạt lành mạnh như thế. Khi miền Nam sụp đổ, ông tị nạn ở Hoa Kỳ và tiếp tục giữ lửa cho phong trào Du ca cho tới ngày nay. Du ca viên có mặt ở gần khắp các nước có người Việt tị nạn. Ngoài sinh hoạt ca hát, người anh cả của Du ca còn cộng tác mật thiết với báo Người Việt (California), có thời làm chủ bút tờ Viễn Ðông Kinh Tế (cũng tại Cali.)
Buổi nhạc đàm được các Du ca viên Hòa Lan – với con chim đầu đàn là nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng – cùng chung tổ chức để giới thiệu nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang qua 3 mặt sáng tác của ông, là Nhận Thức Ca, Tình Ca và Sinh Hoạt Ca.
Trong buổi này khán thính giả đã được nghe, ngoài những bài hát tiêu biểu cho từng loại nhạc của ông, những mẩu ký ức đáng ghi nhớ trong đời sáng tác và ca hát. Như chuyến đi xe đạp 300km từ Ðà Lạt xuống Sài Gòn năm 1964 đúng lúc vụ tàu Maddox nổ ra. Rồi một ngày năm 1967 trên đường về Nha Trang ông ghé Tuy Hòa, làm được bản nhạc “Chiều Qua Tuy Hòa”. Chuyến lưu diễn Âu châu cũng cùng năm đó với một nhóm ca sĩ tân và cổ nhạc “mang chuông đi đấm xứ người” trong 30 buổi diễn khắp nơi trong vòng 2 tháng. Sự ra đời của tập nhạc “Ruồi và Kên Kên”, 11 bản cáo trạng đầu tiên về tình trạng xã hội tồi tệ ở Việt Nam khi đó. Câu chuyện quanh bản nhạc “Trên Ðồi Arlington”, được viết như lời trao đổi giữa những hồn ma trên ngọn đồi tử sĩ Hoa Kỳ. Những gửi gấm của ông trong bản “Thèm”, có những thèm muốn giản dị mà cũng thật khó khăn…. Và thật xúc động khi người nhạc sĩ bùi ngùi nhắc đến người vợ sau 45 năm chung sống vừa qua đời, để lại trong ông nhiều trống vắng “khi một buổi sáng thức dậy, quơ tay sang bên cạnh mới cảm thấy hết cái cô quạnh của cuộc đời”.
Nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang có một phong cách nói chuyện hấp dẫn, khi sôi nổi, lúc tâm tình, khi đàn khi hát khi đọc thơ… Giọng hát của ông vẫn hừng hực sinh khí, lôi cuốn. Chen vào những đoạn tâm sự, đàn hát của chính tác giả, là những giọng hát quen thuộc của sinh hoạt cộng đồng Hòa Lan như Lưu Phát Tấn, Phương Ân, Vũ Thủy, Ðào Công Long, Thy Hà, Quách Túy Phượng v.v…, đương nhiên không thể thiếu những màn góp tiếng của vợ chồng nhạc sĩ Du ca Nguyễn Quyết Thắng – Minh Chiến. Nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng đã kể lại vài kỷ niệm vui ông đã có được trong những lần sinh hoạt cùng với Nguyễn Ðức Quang trong thời sinh viên.
Những người không quen biết nhiều sinh hoạt Du ca đã có dịp nghe lại những bài Tình ca nổi tiếng của Nguyễn Ðức Quang như “Bên Kia Sông”, “Vì Tôi Là Linh Mục” (có người nói với tôi: bây giờ mới biết bài này của Nguyễn Ðức Quang), “Tình Tôi Con Dốc Nhỏ”... Cũng không thể thiếu hai bản nhạc đã đưa tên tuổi ông trở thành bất tử trong lịch sử nhạc Việt hùng tráng: “Ðường Việt Nam” (Ai từng đi trên đường Việt Nam, Bước âm thầm và tim nát tan) và “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” (Hỡi những ai gục xuống ngoi dậy hùng cường đi lên).
Nguyễn Ðức Quang cũng đã giới thiệu sơ qua về sự hình thành hai tập nhạc mới của ông là “Về Ðây Nhé” và “Quê Hương Mênh Mông”, mà ông cho biết đã bỏ nhiều công soạn đi soạn lại, cuối cùng chọn được có tổng cộng 15 bài, cho dù bạn bè thúc giục
Hơn 70 người tham dự một buổi sinh hoạt âm nhạc có ý nghĩa, đơn giản nhưng đậm chất văn nghệ, tình bạn bè. Buổi nhạc đàm dài 4 tiếng (13:30 – 17:30 giờ), quá ngắn để có thể giới thiệu đầy đủ về một người nhạc sĩ có nửa thế kỷ ăn, ngủ và thở cùng âm nhạc. Bịn rịn chia tay bạn bè, nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang lại lên đường tiếp tục chuyến Rong ca, chưa biết bao giờ mới trở lại.
Thanh Tâm