Thanh Tâm


Tiến sĩ Oscar Salemink nhận chức Giáo sư Đại học

Trong một buổi lễ trang trọng ngày 09/06/2006 , đại học Vrij Universiteit Amsterdam đã phong tước vị Giáo sư Đại học cho Tiến sĩ Oscar Salemink.

Tiến sĩ Oscar Salemink tốt nghiệp khoa Nhân chủng học và Lịch sử tại đại học Amsterdam. Để có thể nghiên cứu thực địa tại Việt Nam, ông đã bỏ ra hai năm học tiếng Việt, và từ 1990 ông đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu, phần lớn chú trọng vào những nhóm dân tộc thiểu số Cao nguyên Trung phần. Trong khoảng thời gian từ 1996 đến 2001, ông làm việc cho hiệp hội Ford Foundation tại Thái Lan và Việt Nam trong những chương trình giúp đỡ văn hóa. Sau đó, khi trở lại Hòa Lan, ông được đại học Vrij Universiteit Amsterdam nhận làm giảng viên trong bộ môn xã hội và văn hóa nhân học. Tháng 9/2005 ông đã được đề cử giữ chức vụ Trưởng bộ môn này.

Ngoài rất nhiều báo cáo và tường trình về những cuộc khảo cứu của ông về Việt Nam, được nhiều nhà nghiên cứu trích làm tài liệu tham khảo, ông còn có một số tác phẩm, trong đó có những cuốn sách viết về Việt Nam như: Colonial Subjects: Essays on the Practical History of Anthropology (soạn chung với Peter Pels – 1999); Viet Nam's Cultural Diversity: Approaches to Preservation (2001); The Ethnography of Vietnam's Central Highlanders: A Historical Contextualization, 1850-1990 (2003); Vietnam – Journeys of Body, Mind, and Spirit. Exhibition Book, American Museum of Natural History (2003). Trong những năm gần đây ông đã dành nhiều thời gian cho công cuộc nghiên cứu về sự phục hoạt của những sinh hoạt thần linh địa phương ở Việt Nam. Tóm lại Giáo sư Oscar Salemink là một người đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng tư liệu nghiên cứu văn hóa Việt. Giáo sư cũng thường xuyên nhận làm giáo sư hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh Việt Nam thực hiện luận án về nhân học.

Trong bài diễn văn nhận chức, mang tựa đề ‘ Nieuwe rituelen en de natie: Nederland in de spiegel van Vietnam ' (tạm dịch: những nghi thức tế lễ cận đại và quốc gia: Hà Lan nhìn qua tấm gương Việt Nam), ông đã dùng những ‘hiện tượng xã hội' Tây phương như cái chết của Theo van Gogh, công nương Diana, Pim Fortuyn, André Hazes... cho tới những nhân vật Hòa Lan có nhiều tác động đến quần chúng như Paul de Leeuw, Job Cohen, cầu thủ Johan Cruijff... để đưa ra nhận định là những nghi lễ, thói tục dân gian khi phát sinh đều chứa đựng một phần chính trị và chịu ít nhiều ảnh hưởng của chính trị; và người ta có thể sử dụng những nghi lễ để tạo nên sự phân biệt giữa ‘ta' và người khác. Ông đã dẫn chứng nhận định này qua những tiết mục đã được chính phủ Việt Nam bày thêm ra trong những thập niên mới đây khi tổ chức Hội Đền Hùng với trống đồng Đông Sơn, có sự tham dự của cấp lãnh đạo nhà nước (xem nguyên văn bài thuyết trình trong mục Forum phần tiếng Hòa Lan).

Trong buổi dạ tiệc mừng buổi tối, một số bạn Việt Nam đã cùng nhau đóng góp một chương trình văn nghệ, gồm những tiết mục đọc thơ (tiếng Việt và tiếng Hòa Lan), trình diễn tân nhạc và nhạc dân gian Việt Nam.

Thanh Tâm
(06/2006)


Cái Đình - 2006