Minh Hạnh


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hòa Lan (2011)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và vợ vừa cùng một phái đoàn viên chức cao cấp trong chính phủ vừa kết thúc một cuộc viếng thăm Hòa Lan chính thức 4 ngày, từ 27/09/2011 đến 01/10/2011.

Trong thời gian thăm Hòa Lan, Nguyễn Tấn Dũng, ngoài buổi hội kiến với Nữ hoàng Beatrix, đã có những cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng Mark Rutte, Chủ tịch Hạ viện Gerdi Verbeet, Phó Chủ tịch Thượng viện Kim Putters. Vì mục tiêu chính của cuộc thăm viếng này là những hợp tác trong lãnh vực biến đổi khí hậu, quản lý nước, nông nghiệp, kinh tế biển, năng lượng và cung ứng tiếp liệu (logistiek), Nguyễn Tấn Dũng cũng đã được hướng dẫn thăm hải cảng Rotterdam, hệ thống đê ngăn nước biển và đê chắn sóng v.v… Trong những buổi đi thăm này đã diễn ra những cuộc trao đổi mang tính chuyên môn với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới (Economische Zaken, Landbouw & Innovatie) Maxime Verhagen, Ngoại trưởng Uri Rosenthal, Thị trưởng Amsterdam – Eberhard van de Laan (năm 1985 dân Amsterdam đã quyên góp để xây tặng Việt Nam Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, hiện là một trường hàng đầu ở Việt Nam) và Thị trưởng Rotterdam – Ahmed Aboutaleb (thành phố có mối liên lạc mật thiết với Saigon). Ông Dũng cũng đã lại tái ngộ Hoàng Thái tử Willem Alexander và công nương Máxima sau lần thăm viếng Việt Nam của cặp vợ chồng hoàng gia cuối tháng 3 vừa qua (xem bài tường thuật nơi đây). Willem-Alexander đã nhiều năm đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển về quản lý nước uống có tầm mức toàn cầu.

Một diễn đàn về hợp tác năng lượng HL-VN đã được tổ chức, buổi gặp gỡ với một số doanh nghiệp Hòa Lan và Việt Nam..., tóm lại người ta có thể cảm nhận sự hợp tác giữa Hòa Lan và Việt Nam đang ở trên đà phát triển mạnh. Mặc dù Hòa Lan vào tháng 3 năm nay đã quyết định đưa Việt Nam vào quy chế chuyển tiếp, trước khi đưa đến cắt viện trợ (chiếu theo quy chế ORIO – Ontwikkelingsrelevante Infrastructuurontwikkeling – ban hành từ năm 2008, trong đó Việt Nam được xếp vào hạng ORIO-B, tức là những quốc gia đang có chuyển biến tốt đẹp về những mặt căn bản trong xã hội), nhưng qua những quan hệ mậu dịch và ngoại giao song phương hiện nay giữa hai quốc gia, có thể nói là viện trợ phát triển dành cho Việt Nam đã được chuyển sang một hình thức mới, trong đó cả hai bên đều có lợi. Sự hỗ trợ và hợp tác của Hòa Lan trong những chương trình đầu tư ở Việt Nam sẽ mở ra một lối mới cho kinh tế Hòa Lan. Hòa Lan hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất của Việt Nam và là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu, với hơn 150 dự án đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn đầu tư 5,6 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2011 thương mại hai chiều giữa 2 quốc gia đã đạt hơn 1,76 tỷ USD, theo số liệu đưa ra từ Việt Nam. Trong tương lai chắc chắn quan hệ thương mại này sẽ được mở rộng thêm, khi Hòa Lan nói riêng và khối EU nói chung đang cầm tìm một giải pháp cứu nguy cho sự suy trầm kinh tế, trong khi đó Việt Nam là một quốc gia tương đối ổn định (xét về mặt đầu tư) trong khối những quốc gia đang phát triển. Ðiều này có được một phần do những biện pháp đàn áp cứng rắn của nhà cầm quyền Việt Nam áp dụng cho những cá nhân và tổ chức chống đối. Nhiều nhân vật bất đồng chính kiến đã bị truy tố về những tội danh vu vơ, một số bloggers vạch trần tệ nạn quan chức bị đóng cửa...

Tối ngày 29/09 Cộng Đồng Người Việt Tỵ nạn Cộng sản tại Hòa Lan đã tổ chức biểu tình tại Prinsenhof (Den Haag) trước giờ khai mạc buổi tiệc khoản đãi phái đoàn. Cộng Đồng và một số hội đoàn người Việt ở Hòa Lan đã gửi thỉnh nguyện thư lên chính phủ Hòa Lan nhấn mạnh về những vi phạm nhân quyền và đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, nhưng dường như những lời kêu gọi này đã không được đề cập đến trong suốt nghị trình (xem nơi đây bài phát biểu của Ngoại trưởng Uri Rosenthal trong bữa ăn tối 29/09). Những ký kết giữa hãng Shell và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, giữa tập đoàn xây dựng Boskalis với tập đoàn Vinaminco v.v... với giá trị hàng tỉ euro không được để bị vấy bẩn bởi những chuyện "không vui" cho cả hai bên. Trong chuyến công du của Hoàng thái tử Willem-Alexander và công nương Máxima tại Việt Nam tháng 03/2011, Hòa Lan đã cử giáo sư Cees Veerman làm cố vấn của chính phủ Việt Nam trong lãnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số báo ở Việt Nam khi tường thuật chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã cho biết là "Thị trưởng Ahmed Aboutaleb đề xuất ý tưởng cảng Rotterdam sẽ thuê đất của Việt Nam từ 50-100 năm để đầu tư xây dựng một cảng biển quốc tế hiện đại", như thế chuyện Trung quốc âm mưu chiếm đất chiếm biển Việt Nam cũng không có gì lạ trong con mắt của các nhà đầu tư Hòa Lan để họ phải lên tiếng chỉ trích.

 

Minh Hạnh
(10/2011)

 


Cái Đình - 2011