Thanh Tâm
Thăm ‘Nhà Mỹ thuật Việt Nam'
Dù đã tự hứa với mình cũng như đã hứa với ông bạn khi được tin ông khai mạc phòng tranh là sẽ tới coi liền, nhưng rồi rốt cuộc cho tới sau ngày mở cửa hơn 2 tháng và sau ngày chính thức khai trương gần tháng, tôi mới tìm được dịp thuận tiện tới thăm. Vậy mà hóa may. Ông bạn bảo: “Nếu tháng trước bạn mà tới thì còn eo sèo lắm. Hai đứa tụi tôi mới đi Việt Nam một chuyến, tậu được khá nhiều tranh.”
Khi đọc đến đây, có thể bạn sẽ nghĩ phòng tranh là của một người Việt Nam nào đó. Thưa không, đây là một phòng tranh của người Hòa Lan, và điều lạ nữa là nơi đây chỉ chuyên về tranh Việt Nam. Phòng tranh mang tên ‘Het Huis van de Vietnamese Kunst', nằm ở Hillegom!!!
Hillegom là một làng nhỏ phía Tây Bắc Hòa Lan. Nói đến vùng này là nói đến kỹ nghệ trồng hoa tulip, những ruộng hoa bạt ngàn, vườn hoa Keukenhof nổi tiếng thế giới ở làng bên dưới (Lisse), những trung tâm bán bông qua catalogue nằm rải rác khắp vùng và lễ hội diễu hành xe hoa (bloemencorso) mỗi năm vào cuối tháng 4. Khoảng thời gian này cũng là mùa Phục sinh, ngày lễ Phục sinh được coi như mốc thời gian để bắt đầu mùa du lịch thưởng lãm hoa, ngắm cảnh mùa xuân vào lúc cây lá vừa lên chồi. Hillegom cũng như những làng lân cận, sinh sống nhờ du khách, dân bản địa nhiều người giàu, trong phố có nhiều con ngõ hẹp chạy quanh quẹo, quán xá xinh xinh. Những buổi chiều lạnh, ít gió, có sương mù, mùi thơm của đồ chiên xào, thịt nướng, của súp… từ những quán ăn bay ra ngào ngạt.
Tôi đã đến Hillegom một buổi chiều như thế, nhưng vào đầu mùa thu, trời bắt đầu trở lạnh. Tôi vừa đi vừa nghĩ đến ông bạn, Coert Huijbregsen. Một bác sĩ, nhưng chưa bao giờ hành nghề bác sĩ. Sau hơn chục năm làm trong lãnh vực Marketing & Sales, ông nhảy ra buôn bán cổ phần ít năm, để bây giờ cùng vởi người bạn thời sinh viên mở phòng bán tranh. Đời thật có những bước không ai ngờ. Tôi đang tìm lại những kỷ niệm một thời gian ngắn làm chung với nhau, vừa ngắm phố sắp chuẩn bị vào giờ ăn, thì bước chân đã dắt đến phòng tranh. Căn nhà nhỏ, nằm khiêm nhường ở đầu con phố chính. Đơn giản. Chỉ có một hàng chữ màu đỏ làm tên: ‘Het huis van de Vietnamese Kunst'. Nhưng quá đủ. Vì nhìn qua cửa kính, đã thấy một rừng tranh bên trong. Chỉ có cái tên (nhà Mỹ Thuật Việt Nam) gợi thêm trí tò mò của khách qua lại muốn biết thêm xuất xứ.
Tôi bước vào phòng, và làm như một người khách tình cờ đi ngang, ghé vào xem. Đã cả năm không gặp nhau, nhưng ông bạn vẫn nhận ra tôi liền. Dân marketing có khác. Ăn mặc chỉnh tề, nói năng bặt thiệp. Tôi đo lường, và tự hỏi ông ta đã thấm được bao nhiêu chất nghệ sĩ vào người. Nhưng ông thật thà bảo: “Trước kiếm tiền đã, rồi sau tính…”
Ông bạn tâm sự: vào khoảng 7 năm trước, trong chuyến du lịch ở Việt Nam, ông đã ngạc nhiên thấy nền hội họa ở đây rất phong phú. Nhất là sau thời ‘đổi mới', rất nhiều họa sĩ đã chọn nhiều sắc màu mới và chủ đề táo bạo hơn, đường nét mang nhiều khai phá và phong phú hơn. Ông chỉ những bức tranh trên tường: “Chừng mười năm nay, tranh Việt Nam đã tăng giá khoảng 15% mỗi năm. Đó là điều đáng ngạc nhiên. Có những họa sĩ Việt Nam có tranh được bán đấu giá ở Sotherby, như Bùi Xuân Phái hay Nguyễn Gia Trí chẳng hạn, tranh của những ông này hiện nay phải trả hàng chục, có khi vài trăm ngàn đô la một bức.” Qua con mắt nhìn của một nhà đầu tư hơn là một nhà hội họa, ông thấy rằng đây là một hướng làm ăn mang lại nhiều hy vọng. “Nhưng người ta còn ít biết đến hội họa Việt Nam quá,” ông nói. “Nói đến Việt Nam là người ta nghĩ ngay đến chả giò ‘Vietnamese loempia'. Có nhiều người ở Việt Nam tôi gặp và nói chuyện không tin rằng những bức tranh này do họa sĩ Việt Nam vẽ…”
Quả thực vậy. Nếu chỉ nhìn qua những tranh bày bán dọc đường Pasteur Sài Gòn và những tranh, lọ sơn mài, tranh thêu bầy trong những cửa hàng bán đồ mỹ thuật lưu niệm ở Lê Thánh Tôn, Đồng Khởi, trong những thương xá lộng lẫy... thì ta có cảm tưởng ngành hội họa Việt Nam rất nghèo nàn. Ít có người biết là năm 1925 Pháp đã mở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, và số họa sĩ Việt Nam thành danh hiện nay trên thế giới không ít. Chỉ có điều, sự thưởng thức nghệ thuật hội họa ở Việt Nam dường như vẫn chỉ dành cho một số ít dân thượng lưu và nhà giàu, những người có tiền tậu xe hơi hai ống bô và cuối tuần đánh tennis, chơi golf. Tranh nhiều khi lại được coi như một thứ quà cáp cho ‘sếp' trong dịp Tết, thay cho chậu lan quý hiện đã thành lỗi thời.
Biết vậy, tôi đẩy đưa:
“Có lẽ vì người ta nghĩ rằng tranh Việt Nam giống tranh Tàu, chỉ đi coi những tiệm chuyên vẽ theo đơn đặt hàng, theo thị hiếu của khách du lịch...”
“Quá uổng,” ông bạn tôi than. “Tranh của những họa sĩ Việt Nam đặc biệt hơn tranh của các nước Á châu lân cận nhiều lắm. Ở đường nét, ở chất màu và sự sáng tạo…”.
A. Cái ông này giờ cũng rành chuyện sơn vẽ ghê. Nhưng để tránh cuộc bàn cãi giữa tên mù và tên chột mắt, tôi xoay sang hướng khác, bằng cách hỏi ông và ông bạn đồng chủ tiệm, Tom Schaatsbergen, về những cảm nghĩ về Việt Nam trong những chuyến đi săn lùng tranh.
Ông bạn hăng hái chỉ cho tôi những bức tranh và giảng giải, những điều ông đã thu lượm được qua những chuyến ‘buôn' tranh. Thật sướng tai, khi nghe một chuyên viên marketing chào hàng. Chúng tôi đi dọc theo mấy bức vách, ông nói liền miệng, tôi im lặng ngắm tranh, nhìn giá tiền và tên họa sĩ. Có nhiều người tôi đã biết qua sách vở, báo chí…
Tôi chỉ ngạc nhiên thấy những bức tranh treo trên tường có số tuổi chỉ vài năm, nhưng tác giả của chúng nhiều vị đã sống hơn nửa đời người, mà tôi tình cờ có dịp nghe nhắc đến tên trong những sinh hoạt triển lãm và trong sách báo.
Tôi thấy Trần Lưu Hậu, vừa qua tuổi 80, một họa sĩ nổi tiếng thuộc trường phái ‘xuất biểu' (expressionist); Văn Thơ, ở tuổi ‘xưa nay hiếm' (70) chuyên vẽ mấy ông già buồn rầu khắc khổ. Đỗ Sơn, đã 65 mà vẫn thường vẽ tranh khỏa thân rất tợn, trong phòng tranh này cũng có treo ba bức của ông. Hay Lê Thiết Cương (40), ông bạn tôi nói là Cương có tranh treo trong trụ sở ngân hàng ABNAmro ở Singapore. Như Nguyễn Thanh Bình (54), tôi đã có lần được xem một buổi triển lãm của ông và rất thích những bức tranh thiếu nữ tóc dài, cổ cao, nhìn từ phía sau, với đường nét mềm mại đặc biệt trong một ‘phông' dịu mắt. Xem tranh của ông tôi liên tưởng đến Đinh Cường với nét vẽ những thiếu nữ có tóc dài bay theo gió, bàn tay với những ngón rất dài và thân người thon mảnh…
Bày tỏ điều này với ông bạn, bị ông phản đối liền và chỉ tôi xem những bức tranh của những họa sĩ trẻ… ‘nhưng có tài năng và nhiều triển vọng', ông nhấn mạnh với vẻ quả quyết. Dừng lại ở góc dành cho Lê Minh Đức, ông chỉ mấy bức tranh vẽ phố và bảo: “Như cậu này mới 27 tuổi mà nét vẽ thật tuyệt.” Ông bạn kia tự hào chêm vào “Cậu ấy vẽ cho tôi bức chân dung thằng Stijn con tôi nữa…” Hai ông còn chỉ cho tôi xem tranh của một số họa sĩ ‘trẻ', ba mấy bốn chục. Trẻ nhưng cũng đã có tranh triển lãm ở nhiều quốc gia. Nghe chuyện, dường như cả hai ông có những mối giao tình với giới hội họa Việt Nam trên cả chuyện mua bán tranh. Chẳng biết họ nói chuyện với nhau ra sao? Ông bạn tôi cho biết người Việt Nam hiếu khách, nhiều lần được đến nhà chơi, đến xưởng vẽ của họ, đi ăn chung… Thích nhất là được họ cho xem những bức tranh tâm đắc ‘không bao giờ bán'. Ông cảm phục Tạ thị Thanh Tâm “bà ấy đi cà nhắc mà vẽ thì không chê vào đâu được. Nền tranh đều một màu…”. Hay Trần Nhật Thắng, “trẻ và có những đường cọ rất lạ, rất khỏe…”
Ngắm chán, tôi buột miệng:
“Sao tôi thấy anh dường như chỉ chú trọng đến tranh của những họa sĩ sống ở miền Bắc?” tôi hỏi trong khi nhìn lướt qua gần trăm bức họa của hơn 20 họa sĩ treo trên ba bức vách còn thơm mùi sơn. Sự thực câu hỏi mang nhiều tính ganh tị, vì tôi biết rằng ở miền Nam, nhất là Huế và Sài Gòn khi trước, có nhiều tay danh họa như Nguyễn Gia Trí, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Tạ Tỵ, Trịnh Cung, Bé Ký, Thái Tuấn v.v… mà chẳng thấy ông ta nhắc tới một lời. Chứ nói thật, về hội họa thì tôi mù mờ, bàn chuyện vẽ vời chắc chỉ được ba câu là tịt.
Nhưng ông bạn đã giải thích, lý do đơn giản, là hai ông chỉ mới bắt được nhịp cầu với một số họa sĩ ở Hà Nội thôi. “Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu và mở rộng sự liên lạc…” Đến khi ông hỏi ngược tôi có thể giúp gì về chuyện này không, thì tôi lại đành lắc đầu. Quê hương, tưởng như gần đó mà sao xa quá… Tôi ừ ào, nói là để xem…, vả lại, thực tình mình cũng chẳng quen ai ở bên đó. Có ông họa sĩ Thái Tăng An, nhưng ở Hòa Lan. Tôi chỉ thêm cho ông hai vợ chồng già chủ phòng tranh Amber ở Leiden, nói là thỉnh thoảng họ cũng tổ chức triển lãm tranh Việt Nam ở đó. Ông cho tôi hay là cũng có biết họ, ‘thế giới nhỏ lắm', nhưng chưa có dự tính gì. Dường như ông bạn tôi còn đang sống trong niềm tự hào về phòng tranh đặc biệt Việt Nam. Theo lời ông, đây rất có thể là một phòng tranh chuyên bán tranh Việt Nam duy nhất ở Âu châu. “Tôi đã hỏi thăm nhiều nơi. Trước đây có một phòng tranh chuyên về tranh Việt Nam nữa ở Paris, nhưng họ đóng cửa rồi.”
Rồi ông chỉ cho tôi xem một bức sơn mài và hỏi: “Vậy chứ anh biết bức này là của ai không?” Tôi nhìn tên, Hồ Hữu Thủ, với tôi lạ hoắc, nhưng thấy ông cười ruồi, tôi đành lảng ra, trở lại bàn để cùng hai ông bạn cạn ly rượu nho chúc mừng (tới khi về, tôi tra cứu sách vở mới biết Hồ Hữu Thủ trước là Giáo sư Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Saigon, tới khi đó chợt thấy mắc cở đỏ mặt, may là chỉ có một mình mình biết!)
*
Chúng tôi ngồi nói chuyện bâng quơ trước khi từ giã. Ông bạn tỏ ra rất đắc ý với bức ‘Artist' của Đặng Xuân Hòa, lấy bố cục một họa sĩ đang vẽ tranh, nhìn từ phía lưng giá vẽ. Những vật thể trong tranh được giản lược tối đa, chỉ là những nét thẳng và cong đơn giản, pha một ít tính chất của trường phái lập thể. Tôi nghe ông nói say mê, thì lại nghĩ đến nỗi đau của người chủ phòng tranh (nếu có thực đây là nỗi đau) khi phải rứt ruột lìa xa một bức tranh đẹp. Ông hỏi lại tôi rằng trong phòng tôi chấm bức tranh nào. Đắn đo, tôi chỉ bức ‘Schoolgirls' của Nguyễn Thanh Bình, những tà áo dài trắng bay mềm trong gió tưởng như có thể nhìn xuyên suốt qua được. Có lẽ tôi cũng phải chấm thêm bức ‘Summer Sun' của Lê Minh Đức, bức vẽ con ngõ nhỏ vắng lặng với nắng dịu, cành lá dường như có hồn rung nhẹ phất phơ. Nhưng tôi không dám mạnh miệng, sợ hai ông quen nghề, nài ép mua.
Từ giã ông bạn, tôi đi lang thang trong phố. Buổi tối thứ năm, nhiều cửa tiệm mở nhưng đìu hiu như phố chết. Ghé vào một nhà hàng nhỏ, sau khi kêu một món khai vị, ngồi duỗi chân, tôi bỗng bật cười khi nghĩ lại về phòng tranh và câu chuyện trao đổi vừa qua. Phòng tranh này có khác gì một xe chả giò có ‘ông Tây' đứng bán ‘Vietnamese loempia's' cùng với ‘pastei'. Phải chi những bức tranh có được một cái tên Việt Nam, tôi tự nhủ, chắc là hay hơn. Nhưng Việt Nam đang bơi ra biển lớn, phải thích ứng với thị trường, kinh tế toàn cầu. Có lẽ đây là một cách thích ứng, như những người bạn Việt của tôi đang được người bản xứ gọi bằng tên Johnny hay Kimberly. Một phương cách có lợi cho tất cả mọi CÁ NHÂN!!! Trong thâm tâm, tôi cầu chúc hai ông thành công, để ít ra mình có chút tự hào là nước Hòa Lan nhỏ mà có được một gallery chuyên về tranh Việt.
Thanh Tâm
(10/2008)
______________
Ghi chú: Địa chỉ phòng tranh: Het huis van de Vietnamese Kunst, Hoofdstraat 152, Hillegom, Hòa Lan. Website: www.hethuisvandevietnamesekunst.nl