Thanh Tâm
Ra mắt ‘400 năm Sư Tử và Rồng'
Hội trường ‘Công ty Đông Ấn' (VOC) của đại học Amsterdam quả là một địa điểm quá lý tưởng cho một buổi nói chuyện về mối liên hệ giữa Hòa Lan và Việt Nam kéo dài 400 năm, một chủ đề rất ít người Việt cũng như người Hòa Lan biết tường tận. Những liên hệ này đã được tổng hợp trong một cuốn sách dầy hơn 250 trang, mang tựa đề ‘Leeuw en Draak – Vier eeuwen Nederland en Vietnam' (*) (tạm dịch: Sư tử và Rồng – Bốn thế kỷ Hòa-Việt) gồm 11 bài biên khảo và tài liệu, với những tác giả là người Việt và Hòa Lan, đã được trân trọng giới thiệu đến quan khách. Sau lời mở đầu của ông Ton van Zeeland, Tổng Lãnh sự Hòa Lan tại Saigon, Tiến sĩ John Kleinen, trong ban chủ biên, đã giới thiệu cuốn sách bằng một lướt sơ qua những diễn tiến của mối quan hệ ngoại giao và thương mại giữa Hòa Lan và Việt Nam, bắt đầu từ những năm đầu thế kỷ 17, trước cả khi thành lập công ty Đông Ấn (VOC) vào năm 1602, khi hai tàu buôn Hòa Lan ghé Việt Nam lấy nước ngọt. Bắt đầu từ Hội An, những công ty Hòa Lan dần dần đã bành trướng sự có mặt của họ ra đến Hưng Yên và Thăng Long (Hà Nội) 40 năm sau đó. Và từ đầu thế kỷ 19, triều đình Huế cũng đã cử sứ giả sang Batavia và Java thăm dò... |
Nhưng mối liên hệ giữa ‘Sư Tử' và ‘Rồng' không phải lúc nào cũng thuận thảo, suông sẻ. Điển hình là 23 thủy thủ Hòa Lan đã thiệt mạng khi tàu của họ bị tấn công trong chuyến viếng thăm đầu tiên. Có những thời kỳ hưng thịnh, nhưng cũng có những triều đại chủ trương bế quan tỏa cảng. Trong thế kỷ 20, cuộc diện Việt Nam nói riêng và Á châu nói chung càng phức tạp hơn với chủ trương bành trướng thuộc địa của Napoleon III, dàn xếp giữa Anh, Pháp và Hòa Lan về vấn đề thuộc địa, và sự có mặt của những quốc gia có dính dáng đến cuộc chiến Việt Nam từ khi thế chiến thứ 2 bùng nổ. Liên hệ giữa Hòa Lan – Việt Nam trong hơn 400 năm nói tóm lại đã đặt trọng tâm trong lãnh vực giao thương.
Một số tài liệu như hình ảnh và văn thư cổ của cả hai quốc gia đã mang lại những phút thú vị, tô điểm cho bài giới thiệu viết công phu về một chủ đề tầm cỡ. Tuy nhiên, có lẽ vì đại đa số khán thính giả là người Hòa Lan, bài giới thiệu đã không chú trọng đến cái nhìn của người Việt về mối quan hệ này. Hoặc giả những tư liệu trong văn/thư khố Việt đã thất lạc trong chiến tranh. Nhưng cũng rất có thể vì trong quan hệ Hòa – Việt, người Hòa Lan luôn luôn chủ động. Hơn nữa, óc mạo hiểm, khoa học đã giúp họ ghi chép cẩn thận sự việc theo như thói quen viết trong nhật ký hải hành.
Trong phần dành cho mình, ông Jan Herman van Roijen, Xử Lý Thường Vụ Đại sứ Hòa Lan tại Việt Nam Cộng Hòa với nhiệm sở đặt tại Saigon, đã nói về lại những ngày cuối cùng của ông và ông thư ký. Với giọng dí dỏm pha lẫn chua cay nhưng rất cảm động, ông đã kể lại những mẩu chuyện ngắn bên lề về những nhân vật cao cấp Mỹ - Việt ông đã gặp trong những ngày sôi động của một cuộc chuẩn bị di tản cấp tốc khi tình hình nhanh chóng trở nên tồi tệ, chuyện hai vợ chồng ông vừa lo cho mấy trẻ mồ côi, vừa theo dõi biến động, những phút chót trước khi leo lên máy bay với quyết định chớp nhoáng phải chọn một trong hai chiếc cặp táp ông mang theo, một đựng tài liệu ngoại giao cùng với số vàng dự trữ của tòa đại sứ, một đựng tất cả những vật dụng tùy thân. Một đoạn phim do chính ông và người phụ tá quay vội trong những ngày cuối tại Saigon đã được chiếu sau đó, đã mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc, sau 32 năm, khi được nhìn thấy bộ mặt thực của cuộc chiến Việt Nam từ một phía khác. Giờ đây, khi được xem lại những đoạn phim ‘rất người', tôi đã trực diện với một sự thực phũ phàng là những nhận định của mình trong những ngày cuối đó đã thiếu vắng hoàn toàn một sự khách quan cần thiết. Có thể coi đó là sự tự trấn an mình chăng, để che dấu sự bất lực trước một cơn lốc? Với ông Jan Herman van Roijen, phút giây cảm xúc nhất chắc hẳn là những phút giây cuối cùng trong văn phòng, khi ông cùng viên phụ tá phá hủy hộp đựng mật mã, và khi ngồi trên máy bay nhìn lại phía sau, ‘Farewell to Saigon'.
Hai cuốn sách đầu tiên đã được đại diện tác giả trao cho một đại diện thay mặt ông Max van der Stoel, cựu ngoại trưởng Hòa Lan (vắng mặt vì lý do sức khỏe) và ông Van Dongen, cựu đại sứ Hòa Lan tại Thái Lan (kiêm Đại sứ Hòa Lan cuối cùng tại Việt Nam Cộng Hòa). Được biết cuốn sách đang được dịch ra tiếng Anh và tiếng Việt, hai ấn bản này sẽ được phát hành vào đầu năm 2008. Hy vọng trong bản dịch ra tiếng Việt những tên người và tên địa danh sai lỗi chính tả (khá nhiều) sẽ được biên tập lại.
Trong một buổi ra mắt sách nặng tính xã hội lịch sử như hôm nay, những chuyện chính trị thường không được nhắc đến, cũng như trong phần giới thiệu, tiến sĩ John Kleinen đã lưu ý là cuốn sách không đưa ra cái nhìn chính trị nào. Thế nhưng, ông Van de Stoel, một nhân vật theo khuynh hướng xã hội, thường xuyên tranh đấu cho nhân quyền, trong bài đáp từ được đọc cũng không thể không lược kê một vài diễn biến ‘không mấy đẹp' trong xã hội Việt Nam trong khoảng thời gian vừa qua, để kết thúc bài đọc bằng sự “hy vọng sẽ có thêm những cơ hội để thảo luận về những vấn đề như dân chủ và nhân qưyền tại Việt Nam.”
Tôi bất giác nhìn lên một vị khách ngồi trên hàng ghế danh dự xem ông ta có phản ứng gì về nhận định này không, nhưng ông ta tuyệt nhiên không có một vẻ gì bực bội. Bỗng dưng tôi chợt nhớ ra rằng vị đại sứ nhà ta, vì không thuộc diện cư dân mới của Hòa Lan, nên không bị bắt buộc học khóa ‘inburgering' mà trong đó môn tiếng Hòa Lan chiếm một phần quan trọng.
Buổi tổ chức (ngày 26/09/2007) qui tụ được khoảng 80 người, có phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam thu hình, phỏng vấn. Tuy thế, có lẽ để thỏa mãn khán giả trong nước, máy quay nhiều lúc lại chú mục đến một nhân vật ‘phụ', nhưng được nhiều người Việt Nam biết hơn là những vị áo mão, tai to mặt lớn người Hòa Lan: đó là ca sĩ Đan Trường. Anh cho biết đi theo đoàn lần này để thực hiện vài đoạn phim tài liệu, giới thiệu Hòa Lan đến người Việt, trong đó anh hãnh diện sẽ được mặc đồng phục hãng TNT, đi xe đạp bỏ thơ. Một số cảnh quay sẽ được thâu trong đĩa DVD ‘Dan Truong in Holland' phát hành đầu năm 2008.
Thanh Tâm
(10/2007)
______________
(*) Muốn biết thêm chi tiết về cuốn sách xin xem trong mục ‘Nieuwe boeken' trong phần tiếng Hòa Lan (chú thích của BBT)