Thanh Tâm


Nhà sư Việt Nam trong rừng lan Hà Lan

   

Đúng là do cái duyên không ngờ mà tôi đã may mắn gặp được người tu sĩ đặc biệt ‘có một không hai’ đó. Theo một nhà nghiên cứu về giao tiếp, hai người ‘tưởng như không cách nào gặp nhau mà lại gặp’, trung bình qua 6 trung gian, trong trường hợp giữa tôi và Thượng tọa Thích Huệ Đăng có lẽ đã được chứng nghiệm. Thầy qua ba người, tôi cũng qua ba người. Trong lần gặp gỡ không tưởng được đó, Thầy đã nhiều lần nhắc đến bốn chữ thường thấy trong kinh: ‘bất khả tư nghi’ (không thể nghĩ bàn) để tóm cho cuộc du hành tìm Địa lan tại Hà Lan của thầy, vị tu sĩ ‘làm kinh tế’ với ba mực đích: tự nuôi bản thân, hoằng pháp (Giảng viên Cao Đẳng Chuyên khoa Phật học, Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương) và làm việc xã hội. Với Thầy, cũng là sự ‘bất khả tư nghi’, chỉ trong một ngày đã thâu tóm hầu hết những gì thầy muốn biết trong hai lãnh vực sở trường của Thầy là công nghệ trồng Địa lan và Hồng môn!

Được cú điện thoại và câu hỏi ngắn: ‘Bữa nay tôi qua chú được không?’ ‘Thầy đang ở đâu vậy?’ ‘Orly. Thầy đi chuyến tàu… giờ sẽ đến Am. Tôi mặc áo ba-đờ-suy đen, đi giày đen.’ ‘Đến Amsterdam Thầy cứ ra quầy vé đứng chờ nhé.’ Bỏ điện thoại xuống tôi mới giật mình, không hiểu Thầy gọi cho tôi bằng cách nào, và làm sao liên lạc lại được khi cần. Thầy không có số di động của tôi, tôi cũng chẳng có số điện của thầy. Mặc áo ba-đờ-suy đen, đi giày đen ở Hà Lan mười người hết sáu bảy, làm sao đây? Chỉ còn phó mặc cho cơ duyên đưa đẩy. Thế là tối đó tôi đã ở sân ga Amsterdam, thấp thỏm chờ chuyến tàu Thalys màu đỏ sậm từ Paris đến. Nhưng khi nhân viên quầy chỉ dẫn cho tôi biết giờ Thầy hẹn là giờ đến của chuyến tàu xuyên lục địa ICE màu trắng phát xuất từ Berlin, tôi ngẩn người. Nhưng không còn cách nào để phối kiểm, thôi thì đành… chờ cầu may. Khi thầy bước xuống tàu, tôi vội hỏi: ‘Sao Thầy gọi điện từ Orly mà lại đáp tàu Đức?’ Thầy cho biết khi điện cho tôi là lúc thầy sắp lên máy bay từ Paris đi Berlin có việc riêng, để rồi từ đó khăn gói một mình đáp tàu trở sang Amsterdam, một vòng gần hai ngàn cây số. Một mình, tuổi đời gần bảy mươi, tới một nơi chưa bao giờ tới để gặp một người chưa quen chỉ qua một lời hẹn bằng cú điện thoại hai phút. Tôi thất kinh và chợt nghĩ đến tính xông xáo mạo hiểm của người Hà Lan một thời cùng hai đế quốc Anh Pháp làm bá chủ một vùng biển rộng. Tôi nhìn thầy một lần nữa, dáng vẻ xông xáo nhưng vẫn giữ được an nhiên tự tại. Phải nói, nếu không có bộ áo nâu và chiếc đầu không tóc vướng bận, trông thầy giống một doanh nhân đang lo công việc hơn là một nhà tu. Máy quay phim bỏ túi, máy ảnh kỹ thuật số tối tân, điện thoại hộp hai màn hình…

Thầy cho biết vì một vài trở ngại của gia đình người quen mà thầy tá túc, không có người đưa, còn thầy nhất định phải đi Hà Lan cho bằng được để xem tận mắt công nghệ trồng Địa lan nổi tiếng thế giới của Hà Lan mà thầy chỉ biết qua sách vở, mặc dù thầy chuyên về Địa lan (Cymbidium) của Hà Lan và của Úc. Tôi tròn mắt ngó thầy. Ở Hà Lan đã phần tư đời người tôi chỉ biết có hoa tulip, ngoài ra tôi vốn không mặn mà với hoa lan, thứ hoa kiều nữ đòi hỏi một sự chăm sóc kỹ lưỡng, nhiệt độ, độ ẩm phải đúng mức… làm sao, và biết chỗ nào để đưa thầy đi xem lan trong ngày chủ nhật giữa kỳ nghỉ hè của mọi người, nói gì đến vào trong bếp xem công nghệ của họ. Một lần nữa đành trông vào cơ duyên vậy.

Trong tối đó, tai nghe thầy nói về Phật pháp và Cơ sở Sản xuất hoa lan Thanh Quang của thầy ở Đà Lạt với hai trại trồng Địa lan và Hồng môn, trong khi mắt dán vào màn ảnh vi tính cố tìm một địa chỉ trong mạng web toàn cầu. Lúc thầy đi ngủ, tôi vẫn còn lục tìm và điện hỏi lung tung. Sáng hôm sau, khi thức dậy, đã thấy thầy ngồi tham thiền trong phòng khách. Khi mãn tuần, tôi pha ấm trà và bảo: ‘Thật may, hôm nay mình có thể đi xem hai cơ sở trồng lan, một nơi họ mở ngày chủ nhật, còn nơi kia mỗi tháng họ có một ngày chủ nhật đặc biệt giới thiệu về lan.’ Thầy cười vui vẻ: ‘Thấy không, thầy đã nghĩ cái duyên nó tới thì nó tới vậy đó.’

Con đường xa mù mù, xuyên qua vùng đất tân bồi của Hà Lan dẫn đến cơ sở trồng lan Orchidëenhoeve trong làng Luttelgeest hẻo lánh. Một chủ nhật mưa dầm dề, dư vị cơn bão rớt còn đậm đất trời. Trên xe, trao đổi với thầy về những chuyện đạo và đời. Về cuộc đời của thầy, trước kia phục vụ trong quân đội chế độ cũ, sau năm 1975 gặp cơ duyên thầy xuất gia vào chùa ở núi Cấm (Châu Đốc) và ở Đồng Nai, sau đó năm 1988 thầy quyết định theo con đường riêng, lên Đà Lạt gầy dựng cơ sở Thanh Quang, ‘lấy đời nuôi cái đạo, lấy đạo xiển dương cái đời’. Nhất quyết không trông cậy vào sự cúng dường của thế gian, thầy cười: ‘Thầy làm kinh tế, không chịu lệ thuộc ai. Chịu thì thầy là Thích Huệ Đăng, không chịu thì thầy trở về Nguyễn Văn Sáu trồng lan.’ Giọng thầy trở nên nghiêm túc, thầy nói: ‘Đạo Phật là đạo trí tuệ, đem trí tuệ vào đời làm lợi lạc an vui cho đời, đó là mục đích tối thượng của đạo Phật. Vì thế, ai mời Thầy giảng thì Thầy đi, không đòi hỏi gì thêm ngoài tiền xe di chuyển. Về những nhu cầu của đời sống, thầy đã có cơ sở trồng lan. Như kỳ này, sang Âu châu, Thầy có mấy buổi giảng pháp ở Đức và Pháp, và một bài thuyết trình về nghề trồng lan ở Hội Hoa Flomart 2004 sẽ mở từ 17 tới 19/07/2004 tại Padova (Ý)…’

Khi đến nơi hai thầy trò mới biết cơ sở Orchideënhoeve có vườn lan lớn nhất Âu châu, và khi hỏi tới, mới hay nơi đây là cơ sở trồng địa lan lớn nhất Hà Lan. Thật là cá gặp được nước. Chúng tôi lần tới cuối vườn, nơi ươm những cây độ ba bốn tuổi. Thầy hăm hở lách mình vào giữa những chậu lan để thẳng hàng dài mấy chục mét, săm soi rễ, đất, sờ nắn những vật liệu ươm trồng, phân bón, lấy máy chụp, quay… Lần đầu tiên tôi thấy một vườn lan qui mô nhu vậy, nhưng khi hỏi, thầy nói cơ sở của thầy cũng ít nhất có một diện tích tương tự. Thầy hăng hái giảng về lan, bàn về những kỹ thuật, nhất là những tiểu xảo thầy bắt gặp ở đây và luôn luôn nghĩ rằng sẽ áp dụng như thế nào trong cơ sở của thầy ở Việt Nam. Tôi nghe mà chỉ ừ hử, và luôn tránh né câu thầy hay hỏi: ‘Thầy nghĩ thế chú thấy có đúng không?’ Thật là khó trả lời khi tôi chẳng có chút kinh nghiệm nào về lan đất cũng như lan trời.

Qua bữa ăn trưa bên đường vội vàng, thầy trò lại lên xe tiến dần về phía bắc. Càng đi lên phong cảnh như càng dãn ra và thấp đi. Nhà thưa thớt dần, bò bắt đầu nhiều hơn người. Vườn lan Reinhart Orchideën ở Harenemolen, một ‘thôn’ quá nhỏ không có chỗ trên tấm bản đồ của tôi. Nhưng bề thế của vườn không thua sút vườn Orchideënhoeve bao nhiêu, và khi hỏi ra mới biết nơi đây tập trung nhiều loại lan nhất Âu châu, và vườn có rất nhiều loại lan ‘mini’, cao chưa tới nửa gang tay!!! Thật là dịp may hiếm thấy. Ông chủ vườn, một người say mê rất mực với nghề, vạm vỡ, đi guốc, áo thun xăn đến khuỷu tay. ‘Lan là hobby của tôi,’ ông nói. Rất ít nơi tôi thấy khách hàng có thể mang chậu cây sắp chết đến cho ông tỉa lại, cắt gốc, sang chậu…, tất cả được làm với một sự chăm chú tối đa, hẳn đây cũng là một hình thức quảng cáo cho cơ sở. Tôi giới thiệu Thưọng tọa Thích Huệ Đăng với ông, nhìn tấm thiệp và khi biềt thầy là Phó Hội trưởng Hiệp hội Hoa lan Đà Lạt, ông mừng như gặp bạn cố tri. Ông thố lộ là suốt mười hai năm coi vườn, ông chỉ có được ba kỳ nghỉ hè, rằng ông rất muốn đi một chuyến sang Á châu du lịch, tới Việt Nam xem cách trồng lan. Qua ông, cũng như với sự xác nhận của Hòa thượng Huệ Đăng, tôi mới biết rằng ở Việt Nam muốn xuất khẩu lan phải qua một địa chỉ duy nhất! Tuy ngôn ngữ bất đồng, nhưng ông rất vui vẻ, bảo cô gái trông hàng (mặc dù chủ nhật, trời mưa, ở nơi hẻo lánh khách chẳng có mấy ai) kéo chúng tôi qua phòng bên đàm đạo chuyện lan. Những kinh nghiệm về ngừa tật bệnh, ươm cây con… được mang ra trao đổi. Thật may, nhờ câu chuyện với thầy trên quãng đường dài tôi đã học lóm được một số từ chuyên môn về công nghệ lan, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để ứng phó. Như từ ‘cấy mô’, tiếng Hà Lan dùng trong nghề lan là ‘klonen’, nếu tôi dịch là ‘nhân bản’ thì chắc chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Duy có một điều thầy muốn tìm học là làm sao cho lan nở đúng ngày (qua thầy tôi được biết ở Việt Nam hiện nay có màn biếu xén, quà cáp bằng lan, phải làm sao cho nở đúng dịp Tết, một chậu lan mười giò bông bảng A+ trong dịp này giá hơn một triệu!) là không đạt kết quả. Thì ra con người vẫn còn phải lệ thuộc vào tạo hóa ở điểm này.

Vườn của ông Reinhart không những chuyên về lan mà còn về Hồng môn (Anthurium). Thật tình cờ, đây cũng là sở trường thứ hai của thầy. Chúng tôi lại một lần chui vào trong những bụi Hồng môn, có những bụi cao quá đầu người, một chiếc lá xòe che kín mặt. Thầy khám phá là nơi đây có bảy loại, hơn cơ sở của thầy 2 loại. Tôi thì lóa mắt, nhìn bụi nào cũng như bụi nấy. Lại một lần máy quay, máy chụp hoạt động không nghỉ. Thầy tỏ ra rất tâm đắc với cách tưới Hồng môn, từ dưới tưới lên: ‘Đúng rồi, vậy mà không nghĩ ra. Hồng môn lá to bản, từ trên tưới xuống chỉ hao nước, lá ướt mà rễ vẫn khô,’ thầy khoái chí nhìn giàn tưới hoài, cũng như hệ thống giàn để chậu lan, có bánh xe cơ động di chuyển dọc ngang tiết kiệm chỗ, hay những dây treo tự động để kéo giò lan cho thẳng, cho cao. Thầy cứ chặc lưỡi hoài: ‘Chừng nào ở Việt Nam mới có đủ phương tiện làm như ở đây?’ Mặc dù theo như thầy cho biết, một sợi dây như vậy ở Việt Nam chỉ khoảng 10 tới 20 ngàn, số tiền này tính ra tiền Euro quá rẻ, nhưng để trang bị cho một vườn lan 50000 chậu như qui mô của thầy thì không phải là chuyện đơn giản.

Trên con đường về kết thúc chuyến đi dài gần 600 cây số thầy có vẻ trầm ngâm, những hình ảnh mới thấy, những chuyện mới nghe đã bắt thầy phải suy nghĩ, nên nhiều lúc thầy như nói với một người vô hình về những suy nghĩ, dự tính trong đầu. Thấy thầy bận rộn, tối đó tôi chỉ xin phép thầy cho một cuộc phỏng vấn ngắn dưới đây, làm tóm lược cho chuyến đi:

*

– Xin Thầy cho biết cảm tưởng sau khi xem vườn lan lớn nhất Âu châu? Nhất là về khu ươm trồng Địa lan của nơi này. Nếu so vói những vườn lan ở Việt Nam thì có được gọi là có tầm cỡ (về diện tích) hay không?

Địa lan rất khó trồng, cây đòi hỏi một khí hậu ôn đới, không lạnh quá, và phải có đủ thời gian, trên 5 năm cây lan mới đủ lớn để có thể bán được. Nếu so sánh về số lượng gốc lan, thì khu vườn này ở Việt Nam chỉ cỡ hạng 3 thôi.

– Qua chuyến thăm hai vườn lan, thầy có nhìn thấy loại lan nào lạ, Việt Nam không có?

Rất tiếc thời gian quá ngắn, thầy không biết đã xem đưọc hết chưa, nhưng trong ngày nay thầy chưa thấy giống lan nào lạ ở đây mà Việt Nam chưa có. Những loại như tím hột, xanh chiểu, vàng trùm, trắng bệt, hồng bệt… đều có ở Việt Nam.

– Và có loại lan nào thầy thấy ở Việt Nam có nhưng không gặp ở đây?

Nói về Địa lan thì sau này ở Việt Nam họ có nhập loại Hồng phấn có màu đỏ từ Úc, loại này cũng có ở Trung Quốc mà ở Hà Lan cũng như ở Đức thầy không thấy, cũng như một vài loại lan nhập từ Nhật cũng không thấy có ở đây.

– Về chất lượng của Địa lan, thầy thấy Việt Nam có thể cải tiến được gì?

Việt Nam có thể phát triển được bằng công nghệ (công nghiệp) đơn giản. Đây là điểm mạnh mà Việt Nam có thể để ý tới. Hà Lan dùng công nghiệp tiên tiến, họ có những mặt mạnh về kỹ thuật tân tiến, nhưng trong đó cũng có những mặt yếu, vì điều kiện khí hậu, thiết bị đòi hỏi vốn đầu tư nhiều.

Theo kinh nghiệm riêng của thầy trên 15 năm trong nghề trồng Địa lan thì chất lượng không có gì khác biệt giữa Hà Lan và Việt Nam. Có khác biệt là do vốn đầu tư ở Việt Nam còn rất hạn chế (thí dụ dàn mái che chưa nơi nào làm được), trong khi đó ở Hà Lan số vốn đầu tư rất dồi dào. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao đảm bảo phẩm chất được liên tục.

Nhiều vườn lan ở Đà Lạt có kế hoạch trồng đặc chủng, thí dụ thầy có đặc chủng ba màu: vàng, đỏ, xanh, do đó có thể xuất khẩu đồng loạt với số lượng lớn đuợc. Nói vậy chứ vườn lan của thầy bán trong nước cũng không đủ. Ngoài phần đặc chủng, nhà vườn cũng trồng các loại khác, như thầy có hơn mười loại, nhưng những loại này có số lượng ít hơn.

– Qua một ngày, thầy có thâu thập được gì của người Hà Lan về nghề trồng lan?

Hà Lan là nước áp dụng được công nghệ cao trong ngành trồng hoa. Ngoài ra họ đi trước Việt Nam về phần trang trí vườn trại, tạo được sự quyến rũ người đến thăm vườn qua cảnh trí thay đổi mà đơn giản. Về phần kỹ thuật, nhà vườn Hà Lan có hệ thống tưới nước hiện đại, tự động điều chỉnh nước và độ ẩm như ý muốn. Có những chuyện như phên chắn gió mở đóng tự động thì tuy rất có thể áp dụng ở Việt Nam để giảm bớt độ ẩm trong những khi mưa, nhưng điều kiện tài chánh của ta chưa cho phép làm chuyện ấy.

– Như vậy thầy có tìm đuợc khung cảnh quen thuộc nơi những vườn lan ở Hà Lan không, hay thấy bỡ ngỡ trong một môi trường lạ?

Về lan và hồng môn, nói chung về các loại hoa thì ở đâu cũng vậy thôi, có khác chăng là hình thức bề ngoài, còn đại thể thì không khác Việt Nam bao nhiêu. Hà Lan xứ lạnh nên phải làm nhà kiếng, trong khi đó Việt Nam trồng hoa ngoài trời. Ngoài ra ở Việt Nam người ta không dùng chậu mà dùng bịch nylon, hay thầy đang nghiên cứu dùng vỏ cà phê để làm giá thể cho lan mọc, rất có hiệu quả mà tiền đầu tư ít. Vỏ cà phê vốn là chất thải của công nghệ làm cà phê, chỉ có điều phải loại bỏ chất đắng và chất chát thì mới dùng được. Thầy đã thử nghiệm nhiều và đã thành công trong khâu này, nay nếu áp dụng trong công nghệ trồng lan thì có thể giải quyết vấn đề môi trường và xử lý chất thải.

– Thầy có nhận xét gì về phần quảng cáo, giới thiệu các loại lan của những vườn ở Hà Lan nói riêng và Âu châu nói chung?

Tại Đà Lạt, cũng như tới nay theo thầy được biết, về ngành trồng lan cũng như trồng bông, Việt Nam chưa có tổ chức quảng cáo một cách khoa học và qui mô như ở Hà Lan. Có lẽ vì ở Việt Nam chưa ai thấy mô hình quảng cáo theo kiểu hiện đại bao giờ. Trong tương lai chắc chắn Việt Nam cũng sẽ phải tổ chức những mô hình như vậy để giới thiệu sản phẩm cho người nước ngoài. Khi về lại Đà Lạt thầy sẽ tìm cách cải tiến thêm về mặt này, theo thầy có thể làm một cách đơn giản nhưng vẫn có mỹ thuật.

– Xin được trở lại cơ sở trồng lan của thầy tại Đà Lạt. Xin thầy cho biết thêm về liên quan giữa cơ sở trồng lan và hành trình tu tập Phật giáo, nói cách khác là sự liên lạc giữa đạo với đời.

Cơ sở Thanh Quang có hai chi nhánh: Cơ sở 1 (26/6 Tô Hiến Thành Đà Lạt) là phương tiện hoằng pháp. Với số lợi nhuận thu được, thầy sẽ cố gắng hoàn tất 12 cuốn luận giảng 12 bộ kinh Đại thừa. Hiện nay thầy đã hoàn thành 3 bộ, ngoài cuốn ‘Những bước thăng trầm Bồ Tát Đạo’. Những cuốn còn lại đang ở trong bước phác thảo. Tất cả đòi hỏi công trình suy tư và nghiên cứu, đọc sách tham khảo… con đường còn dài nhưng thầy nghĩ là trong ít năm nữa thầy có thể hoàn tất và sau đó thầy sẽ giao cơ sở lại cho người khác, để chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp.

Còn cơ sở 2 (Khu Du lịch Hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt) được lập ra với mục đích từ thiện. Tùy theo thu nhập, lợi nhuận thu được sẽ được sử dụng để giúp các hội từ thiện toàn quốc. Những giúp đỡ này là do thầy tự chọn chứ không lệ thuộc tổ chức nào, thí dụ giúp trẻ thất học, bụi đời có điều kiện học hành, hay giúp các học sinh, sinh viên nghèo. Còn nhiều việc phải làm lắm…

– Thầy nghĩ sao về việc giao truyền cơ sở lại cho người khác, khi nghề trồng lan đòi hỏi không những hiểu biết về kỹ thuật ươm trồng, mà còn đòi hỏi người trồng sự say mê?

Đúng vậy. Nghề trồng lan đòi hỏi sự yêu lan, và một sự lao động dữ dội suốt ngày không nghỉ. Nhưng thầy tin vào sự cần cù của người Việt mình, điều này Thầy nghĩ người Hà Lan khó có được sự cần cù như vậy, ít nhất là trong công nghệ trồng lan như Thầy thấy trong ngày hôm nay. Ở Việt Nam thầy và những người làm trong cơ sở Thanh Quang theo dõi từng chậu lan, không thấy có chuyện để cây lan tùm lum, rễ khô, lá héo như thầy thấy ở đây.

– Về những bộ luận giảng, thầy có thể cho biết thầy muốn nhấn mạnh ở điểm nào?

Thầy muốn nói đến chữ ‘Tâm’. Mọi sự trên đời đều khởi do tâm. Tuy nhiên chữ ‘Tâm’ đã được nhiều vị tu hành luận giảng rồi. Thầy chỉ muốn nói rộng hơn về chữ ‘Tâm’, nói đến ‘Diệu Tâm’ và ‘Dụng Diệu Tâm’… Thầy trao cho tôi hai bộ sách: Luận Giảng Kinh Duy Ma Cật và Luận giảng Kinh Lăng Già, và bảo: ‘Thầy đưa chú đọc thêm và có gì không hiểu thì hỏi thầy, chớ vấn đề này không thể nói gọn trong ít tiếng được.’

*

Tôi cố cầm thầy ở lại Hà Lan ít ngày để đưa thầy đi xem cảnh, xem hoa cho xứng đáng với chuyến đi, nhưng thầy chỉ cười với vẻ mãn nguyện: ‘Với thầy chuyến đi thế này là đủ lắm rồi. Thầy chỉ nguyện đi được sang Hà Lan, vào xem công nghệ trồng lan của họ, nay đuợc xem mãn nhãn, vô tận nơi ươm trồng coi, không những lan mà còn cả hồng môn cũng là sở trường của thầy, rồi còn được nói chuyện với mấy người trong đó nữa thì với thầy là quá đủ.’

Thế là sáng hôm sau thầy quảy ba lô với mấy gói đồ ăn chay mang theo trong chuyến đi (‘để khỏi làm phiền ai,’ thầy nói) lên xe lửa trở về Berlin, còn tôi vẫn chưa hết bàng hoàng về nhà sư Việt Nam mình thoáng gặp, bốn chữ ‘bất khả tư nghi’, và cho tới giờ, đây là một người khách lần đầu tiên có dịp đến Hà Lan, nhờ tôi dắt đi du ngoạn mà không thèm để ý đến phố phường. Amsterdam với những kinh rạch chằng chịt, được mệnh danh là Venice của vùng Bắc Âu cũng không màng, nói chi đến hai mục xem hút cần sa tự do và vào thăm ‘khu đèn đỏ’ nổi tiếng thế giới.


Thanh Tâm


Cái Đình - 2004