Phạm Văn Thuận


Người Việt ở Hà Lan hôm nay

 

Hà Lan vào những năm cuối thập niên bảy mươi của thế kỷ hai mươi là một trong những nước ở Âu châu phát triển mạnh mẽ về kinh tế và là một nước giàu tình thương nhân loại.

Với bản tính hiệp sĩ, nên người Hà Lan thường hay giúp đỡ những cá nhân, những dân tộc nào kêu gọi đến sự trợ giúp của họ.

Những tháng năm đất nước Hà Lan đón nhận người Việt đến định cư tại đây là những người Việt mà chính bản thân họ hoặc người thân trong gia đình họ đã ít nhiều dính dáng đến cuộc chiến trên quê hương nên người Việt đến đây thường mang nặng một nỗi buồn xa xứ. Đa số những người Việt đó, ngoài những giờ học tập để mau hội nhập vào đời sống xã hội thì thường tổ chức những buổi gặp gỡ nhau để hàn huyên tâm sự.

Kinh tế Hà Lan thuở đó tăng trưởng đều mỗi năm. Nạn thất nghiệp rất ít nên người Việt Nam hầu như không bị bắt buộc phải kiếm việc làm. Tiền trợ cấp xã hội vào thời đó với vật giá còn rất rẻ, người Việt Nam thường mong đón nhận bạn bè và người bản xứ đến nhà để cùng vui bên ly café hoặc ly rượu.

Sau một vài năm, nỗi buồn nhớ quê hương và người thân còn ở quê nhà tuy vẫn vậy, nhưng thực tế cuộc sống trong gia đình là thiết thực, nên người Việt đã bung ra tìm những công việc làm để tăng thêm ngân quỹ cho gia đình. Dĩ nhiên là cho những ngày vui cuối tuần với bè bạn.

Công việc làm ăn đầu tiên của một số thật nhỏ người Việt trên đất nước Hà Lan đã làm đó là nghề buôn bán thực phẩm lưu động.

Trước tiên những người Việt này đã trang bị cho mình một chiếc xe chở hàng lớn, nhỏ, hoặc xe du lịch bốn chỗ ngồi tùy theo khả năng tài chánh. Sau đó số người Việt này qua tận bên Paris mua thực phẩm khô (mà thời đó chỉ có rất ít những tiệm của người Trung Hoa tập trung ở Amsterdam mới có bán), đem về bán lại cho các người Việt còn đang ở trong các trại tiếp cư khắp nước Hà Lan. Những người làm công việc buôn bán này đã mau chóng trở nên giàu có hơn vì biết mua bán thêm các loại thuốc tây bên Pháp để người Việt gởi về quê hương cho thân nhân.

Nhưng có ba công việc tiêu biểu mà người Việt đã làm khá lâu bền và rất nổi tiếng vào thuở đó là: Lượm và lặt củ bông Tulips và Làm trong các hãng sản xuất cá và may gia công.

 

Lượm và lặt củ bông Tulip

Vùng Bắc Hà Lan (North - Holland) với những cánh đồng bát ngát trồng hoa tulips nhiều màu sắc mà vào những tháng của mùa xuân, người chủ nông trại cần thu hoạch những củ bông tulips để kịp bán ra các siêu thị trên toàn quốc và đóng gói để xuất cảng.

Những anh chàng thanh niên rất trẻ người Hà Lan là những người mà qua bao thế hệ và cho đến tận ngày hôm nay vẫn thường làm những công việc như thu lượm và lặt củ bông để có tiền chi cho trong những tháng nghỉ hè.

Người Việt Nam nhận thấy đây là một công việc không đòi hỏi chuyên môn. Công việc cũng không cần dùng đến sức lực nhiều nên đã rủ nhau tìm đến những nông trại trồng bông để xin việc.

Trên những cánh đồng trồng bông tulips, bông đã được cắt trước đó từ vài tuần. Ngày mà người chủ nông trại quyết định thu hoạch những củ bông thì sẽ cho một xe máy cày chạy trước để xới những củ bông lên. Người lượm củ bông sẽ bò theo sau các xe máy cày đó bằng hai đầu gối. Vừa bò vừa lượm củ bông và bỏ vào một cái thùng cây nhỏ đã được người của nông trại đặt sẵn một bên của luống bông.

Người lặt củ bông thì không phải bò theo các xe mà được ngồi trong nhà bên cạnh một cái máy để lựa củ bông. Củ bông khi được thu hoạch từ ngoài đồng sẽ được để môt thời gian ngắn cho khô. Sau đó củ bông sẽ được đem vào một cái bồn lớn đặt sát bên cạnh cái máy. Từ bồn này củ bông sẽ được chuyển tự động ra một mặt phẳng bằng sắt dài khoảng ba mét để sàng. Mặt sàng này sẽ luôn luôn rung chuyển để củ bông Tulips từ trong cái bồn sẽ di chuyển đến điểm cuối của mặt sàng. Vì sự rung chuyển đó mà củ bông Tulips sẽ không còn bị dính đất. Đất và các củ bông quá nhỏ không đủ tiêu chuẩn sẽ được loại ra bởi những lỗ nhỏ trên mặt sàng. Người lặt củ bông có nhiệm vụ lựa những củ bông còn lại theo kích cỡ và lặt bỏ những vỏ khô bao quanh củ bông. Những củ bông tốt được tuyển lựa kỹ và được giữ lại làm giống cho mùa vụ tiếp theo. Thường thì những người sau một thời gian luợm củ bông ngoài đồng sẽ tiếp nối công việc lặt củ bông.

Từ sáng sớm vào khoảng bảy giờ đến bảy giờ ba mươi, mọi người sẽ tụ tập tại một địa điểm nào đó rồi sẽ được xe rước đến nơi làm việc. Công việc được bắt đầu vào lúc tám giờ ba mươi. Mười hai giờ ba mươi nghỉ ăn trưa. Một giờ ba mươi bắt đầu làm cho đến năm giờ ba mươi thì ngừng công việc và ra xe để được chở về nơi đã được đón rước.

Tiền công sẽ do người chủ nông trại ấn định theo công sức của người làm mà người chủ nông trại đã đánh giá. Giá thấp nhất là bốn guldens môt giờ (khoảng 1,82 €) và cao nhất là tám guldens một giờ (khoảng 3,63 €) vào thời điểm của những năm 1980. Mỗi tuần làm từ thứ hai đến thứ sáu.

Công việc lượm và lặt củ bông tulips khá dễ dàng và nhẹ nhàng đối với người Việt Nam nên tại một thị xã gần nơi có những cánh đồng trồng bông mà trước đó chỉ có khoảng ba mươi người Việt sinh sống, bổng chốc đón nhận một số người Việt từ các nơi đổ về mà thời điễm có số người Việt đông nhất là gần bảy trăm người.

Với bản tính cần cù chịu khó nên chủ các nông trại trồng bông thích mướn người Việt Nam làm việc hơn là mướn người bản xứ và những dân tộc khác.

 

Nghề làm cá

Một thị xã vùng Friesland thuộc miền Bắc nước Hà Lan, nơi có những nhà máy chuyên thu mua cá biển và các loại hải sản để chế biến lại và xuất cảng. Những nhà máy này có những công nhân người bản xứ và một vài dân tộc khác đã và đang làm trước khi có người Việt về sinh sống tại thị xã đó và những vùng lân cận.

Công việc làm là lóc những con cá để lấy thịt nạc (filet). Công việc này thì đòi hỏi sức chịu đựng cái lạnh. Nhà máy luôn luôn lạnh. Cá luôn luôn lạnh. Mùa đông thì…cũng luôn luôn lạnh, nên cần những người có sức khỏe để chịu lạnh.

Từ khi có người Việt Nam vào làm ở những hãng chế biến cá thì năng xuất tăng hơn gấp đôi vì người Việt thường sẵn sàng làm luôn cả những ngày cuối tuần và ngày lễ. Hầu như không có một người Việt Nam nào sau một vài tháng thử việc mà không được các chủ hãng cá mời ký hợp đồng làm dài hạn.

Anh Nguyễn Hữu Huệ hiện cư ngụ tại Nijeveen, miền Bắc Hà Lan là một công nhân kỳ cựu trong hãng cá cho biết: “Lạnh lắm! Mình mới từ một xứ mà khí hậu quanh năm luôn nóng qua đây và phải đối diện với mùa đông lạnh cóng ở xứ này. Mỗi sáng tôi phải thức dậy vào khoảng sáu giờ ba mươi. Bên ngoài thì trời vẫn còn tối thui và có nhiều tuyết. Sau khi ăn sáng xong, đạp xe đến chỗ làm gần ba cây số. Trong hãng cá thì lúc nào và chỗ nào cũng lạnh. Mùa hè thì chỉ có vài ba tuần là ấm thì đã bước sang mùa thu mưa bão liên miên… nhưng vui lắm. Người Việt mình siêng năng nên số lượng cá dự định làm trong một năm, thì chỉ trong nửa năm là người Việt mình thanh toán hết. Từ đó người chủ muốn tôi giới thiệu bạn bè người Việt Nam đến làm. Từ từ trong hãng cá chỗ tôi làm chỉ còn toàn là người Việt…”

Sự chăm chỉ và tính hiền hòa của người Việt đã được các báo chí Hà Lan đăng tải và ca ngợi. Một trong những tờ báo lớn nhất của nước Hà Lan là tờ Algemeen Dagblad số ra ngày thứ năm 24 tháng mười hai năm 1992, có đăng lời phát biểu của một vị cảnh sát trưởng phụ trách an ninh của thành phố Amsterdam khi được một phóng viên của tờ báo này phỏng vấn: “Người Việt Nam hả? Chúng tôi không có một vấn đề gì với dân tộc đó cả. Nếu chính phủ có gởi thêm năm ngàn người Việt nữa về thành phố này thì cũng không có gì là trở ngại”.

 

Nghề may gia công

Nghề may là một nghề đòi hỏi khéo tay và có kỹ thuật. Qua báo chí đã đăng tải, những người chủ hãng may hể nghe nói người Việt Nam muốn nhận đồ về nhà may thì những người chủ đó sẵn sàng giao đồ ngay với những ưu đãi hơn những dân tộc khác, vì những người chủ này biết là nếu mướn người Việt thì không bao giờ lo giao hàng cho những công ty không đúng hẹn. Nếu các người chủ đó cần phải nhận thêm hàng của các công ty thì người Việt sẵn sàng làm luôn cả ngày lẫn đêm và cả những ngày nghỉ để cho đủ số để người chủ giao hàng.

Làm nghề may gia công thì người Việt cần phải có một số vốn để đầu tư vào máy móc. Nếu ít vốn thì bước đầu chỉ cần đầu tư vào những máy may thường mà chúng ta đã biết qua từ những ngày còn ở quê nhà. Những gia đình có vốn nhiều thì đầu tư vào những máy may công nghiệp hiện đại.

Nghề may gia công thường phải dành một diện tích rộng lớn trong nhà cho công việc. Thường thì vợ chồng con cái trong gia đình đều phụ giúp nhau vào công việc. Nghề may gia công đôi khi cũng lắm gian truân khi phải bị tháo chỉ ra và may lại tất cả vài ngàn cái sản phẩm đã hoàn thành bởi… may không đúng. Vì khi nhận đồ may, người may đã vì một lý do nào đó không nắm vững chi tiết mà sản phẩm phải hoàn thành.

Những người làm công việc này ít khi có thì giờ rảnh rỗi, và nhà thường hay bị nhiều bụi của vải nên cũng có rất ít người… có da, có thịt.

Gia đình anh chị Phạm Văn Ngọc và Nguyễn Thị Anh Thư ở Breda, miền Nam Hà Lan là một trong những gia đình tham gia nghề may gia công lâu dài nhất ở Hà Lan đã cho biết cảm nghĩ: ”Tụi em may gia công cho rất nhiều hãng may. Em không phải là thợ may nên lúc đầu hay bị may hư phải tháo chỉ ra may lại. Công việc thì nhiều quá nên anh Ngọc phải nghỉ làm ở hãng thuộc da để ở nhà phụ giúp em. Từ từ anh Ngọc may cũng giỏi, thế là em sắm một lúc hai cái máy may công nghiệp. Cũng nhờ nghề này mà tụi em mua được căn nhà to lớn này. Nhưng như anh thấy đó, bụi vải nhiều quá mà mùa đông thì mình không dám mở cửa sổ nên cứ hít bụi vải vào phổi. Cũng may mắn là tụi em không còn làm nghề này nữa vì các ông chủ đã chuyển công việc qua các mước Đông Âu.”

 

Những ngành nghề hôm nay

Đến hôm nay thì những công việc nói trên hầu như chẳng còn bao nhiêu người Việt Nam tham gia nữa. Những người lượm và lặt củ bông thời đó bây giờ đã chuyển qua những ngành nghề nhàn hạ hơn và nhiều lợi tức hơn. Đa phần trong số này, nay đã chuyển qua nghề bán chả giò ngoài chợ trời kể từ khi món ăn nổi tiếng của nước Việt Nam được truyền bá đến người bản xứ.

Những người làm trong những hãng cá, sau một thời gian tích góp được một số vốn cũng đổi qua mở nhà hàng, snack bar, hoặc những gian hàng buôn bán thực phẩm v.v…

Từ khi các nước Đông Ấu mở cửa thì các chủ hãng may đã qua các nước đó mướn nhân công may vì vừa rẻ hơn và không bị thuế nặng như tại Hà Lan.

Những người thợ may gia công cho những hãng may đó, nay cũng đã chuyển ra mở tiệm bán quần áo. Mở tiệm sửa quần áo cũ, hoặc những ngành nghề khác nhẹ nhàng hơn.

Tôi đã đến thăm rất nhiều các gia đình đã tham gia vào ba công việc tiêu biểu nói trên. Những gia đình đó bây giờ đều có một cuộc sống thật thoải mái và ổn định. Họ thường tâm sự là những công việc nói trên tuy có cực nhọc nhưng những số tiền mà họ kiếm được, họ đã đầu tư vào việc ăn học của những người con. Những người con của đa số những gia đình đó nay đều đã thành đạt với các ngành nghề như thương mại, bác sĩ, kỹ sư, dược sư, luật sư v.v…

Gần đây, tôi cũng đã hơn một lần đến thăm một ông chủ của một nông trại trồng bông mà có một thời gian ngắn tôi đã làm việc với ông. Ông bây giờ đã già và đã về hưu từ lâu. Nông trại của ông đã được những thành viên trong gia đình ông tiếp nối.

Khi nhắc lại những công việc đồng áng năm xưa, ông phát biểu: “Thật tuyệt vời! Tôi không bao giờ quên được những khuôn mặt của những người Việt Nam đã giúp tôi trong những năm tháng đó. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao người Việt Nam các bạn lại chịu đựng được một cuộc chiến dai dẳng hàng mấy chục năm trời. Tôi tin rằng xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp là một việc không có gì khó khăn với dân tộc các bạn. Tôi mãi mãi nuối tiếc là đã không đến thăm nước Việt Nam của bạn vài năm trước, khi tôi còn sức khỏe…”

Với con số được công bố ngày 01.01.2005 có tổng cộng là 17.998 (gần mười tám ngàn) người Việt Nam đang sinh sống trên xử sở của bông hoa Tulip, của những cái quạt gió, của những đôi guốc truyền thống và của… nước, vẫn mãi mãi là một dân tộc may mắn được người bản xứ thương yêu và trọng nể.

Phạm Văn Thuận (Hà Lan)


Cái Đình - 2005