Ngô Lâm


John Kleinen: ông Tây thuộc sử ta

 

 

Giáo sư John Kleinen trong ngày từ giã để về hưu

 

Tôi biết đến John Kleinen ngay từ những năm đầu đến Hòa Lan, vào lúc mà đài truyền hình NOS chuẩn bị chỉnh sửa bộ phim tài liệu ‘Vietnam: A Television History’ của Stanley Karnow trước khi đem trình chiếu ở Hòa Lan. Bộ phim này khi được PBS cho trình chiếu ở Mỹ vào năm 1983, đã tạo nên một làn sóng phản đối mãnh liệt trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Stanley Karnow bị cáo buộc là đã tỏ ra quá ‘thân cộng’ trong bộ phim này.

Rút kinh nghiệm ở Mỹ, cũng như ở Pháp khi phiên bản này được Henri de Turenne chỉnh sửa và đem trình chiếu vào năm 1984, đài NOS đã mời một số người Việt đến trụ sở của đài ở Hilversum để cùng xem bộ phim đã chỉnh sửa này hầu xin ý kiến. Tôi còn nhớ tất cả chúng tôi vẫn tỏ ra bất bình với nhiều điều, dù là ban biên tập NOS đã chỉnh sửa không ít. Nên nhớ là phong trào khuynh tả ở Hòa Lan vào những năm ấy đang khá mạnh. Dưới cái nhìn của những người Việt tỵ nạn thì họ là những người ‘thân cộng’ và ‘bài Mỹ’. Ý kiến chúng tôi được lịch sự lắng nghe, nhưng người có ảnh hưởng đến sự chỉnh sửa ở nhiều đoạn lại chính là John Kleinen. Ngay từ đầu, John Kleinen đã xác định là ông không giải thích lịch sử theo quan điểm của Hà Nội (1). Trong quyển ‘Vietnam: echo in Nederland’ xuất bản trên cơ sở bộ phim này, John Kleinen sau đó đã viết là trái với hình ảnh những cuộc biểu tình ở Amsterdam nhằm chống Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam vào đầu thập niên bảy mươi với những khẩu hiệu như ‘Johnson là kẻ sát nhân’, thì trong bộ phim này khán giả Hòa Lan lại thấy Johnson là một nhân vật có thiện cảm nhưng đầy bi kịch. Ngoài ra, ban biên tập ở Hòa Lan đã tạo điểm nhấn là nhân vật Hồ Chí Minh có nhiều chất cộng sản hơn là dân tộc. Thêm vào đó là họ có quan tâm đến vai trò của các tổ chức cách mạng quốc gia, đệ tứ quốc tế và các giáo phái ở miền nam. Trong phần 2 và 3 của bộ phim, ban biên tập ở Hòa Lan quan tâm đến vai trò tích cực của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến và phần phỏng vấn cố vấn Hoàng Đức Nhã đã cho thấy chính phủ của ông Thiệu không phải lúc nào cũng đồng ý với quan điểm của người Mỹ. Ở phần cuối, bộ phim đem trình chiếu ở Hòa Lan còn cho thấy hình ảnh của hơn một triệu người Việt đã phải bỏ nước ra đi sau năm 1975.

Giáo sư John Kleinen và tác giả trong ngày ra mắt cuốn tự điển Việt-Hòa Hòa-Việt (1994)

 

Những năm về sau, do công việc nên tôi có điều kiện tiếp xúc với John Kleinen nhiều hơn. Từ đó tôi hiểu về ông hơn và càng ngày càng có thiện cảm với nhà Việt Nam học này. Tốt nghiệp danh dự ngành xã hội và nhân học tại Đại học Amsterdam, ông trình luận án tiến sĩ vào năm 1988 về đề tài phong trào kháng Pháp của nông dân từ năm 1880 đến năm 1940 ở Trung Kỳ. Sang Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1979, nhưng chỉ ở được một tháng, ông phải trở về Hòa Lan vì không thể nghiên cứu ở địa bàn Quảng Ngãi trong những năm ấy. Mãi đến sau khi trình luận án tiến sĩ, ông mới có điều kiện trở lại Việt Nam. Đến năm 1992 do có quan hệ tốt với giáo sư Phan Huy Lê, ông có được điều kiện thuận lợi hơn để thường xuyên sang Việt Nam nghiên cứu thực địa. Kết quả là vào năm 1999 ông đã cho xuất bản quyển ‘Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ (Facing the Future, Reviving the Past. A Study of Social Change in a Northern Vietnamese Village’). Đây là công trình nghiên cứu những biến đổi xã hội tại làng Tơ thuộc tỉnh Hà Tây. Để thực hiện công trình này, ông đã có một thời gian dài sống chung với dân làng. Có một giai thoại rất hay là hàng ngày mỗi lần ông ra đường thì dân làng hay hỏi là ‘bác Giôn đi đâu đấy?’ thì ông hồn nhiên trả lời đùa là ‘đi thẳng, đi thẳng’. Tuy thế những ngày ở làng Tơ này không phải lúc nào cũng vui như thế, vì công an Hà Tây cũng chiếu cố đến các hoạt động của ông.(2)

Trong bài thuyết trình tại đại học Amsterdam hôm chia tay các đồng nghiệp trước khi về hưu, John Kleinen cho thấy hình ảnh làng Tơ của ông đang bị những khu chung cư cao tầng nuốt chửng. Trước kia đứng ở bìa làng, ông còn thấy được trung tâm Hà Đông phía xa xa. Trước tốc độ đô thị hóa này, thì chẳng bao lâu làng Tơ sẽ trở thành một phường của Hà Nội. Ông nói: ‘Trong nhiều trường hợp, sự phát triển này đem lại kết quả tích cực, nhưng đặc biệt ở Hà Nội, ông thấy một sự phát triển ngược. Những người giàu có nhiều quyền lực mua lại đất đai, nhà cửa của những nông dân nghèo khó. Hệ quả buồn cho dân chính gốc ở đó là họ phải dời đến ở trong những căn hộ chung cư nhỏ hẹp, nơi họ vẫn tiếp tục lối sống từ xưa khi còn quần tụ trong một cộng đồng ở nơi chốn cũ, là nuôi gà trên ban công, bán bia hơi ở lối ra vào... Ngay ở quanh làng Tơ của tôi giờ đây, tôi biết rõ là có nhiều đất được bán hoặc chuyển nhượng cho những kẻ đầu cơ vốn chẳng có dây mơ rễ má gì với ngôi làng’.(3)

Hơn ba mươi năm gắn bó với Việt Nam Học, John Kleinen không những đã tạo nhiều ấn tượng với đồng nghiệp bằng một danh sách dài những đầu sách và bài nghiên cứu khoa học, ông còn để lại ấn tượng tốt đối với bạn bè Việt Nam trước những hiểu biết sâu rộng về lịch sử, địa lý Việt Nam. Phóng viên Kim Vân khi viết về John Kleinen hôm ra mắt quyển ‘Sư tử và Rồng’, trình bày về mối quan hệ 400 năm giữa hai nước Hòa Lan và Việt Nam tại Sài Gòn đã viết là: ‘Tôi thực sự kinh ngạc khi ông có thể thuộc lòng những con số về ngày, tháng, năm diễn ra từng sự kiện, điều mà ngay bản thân người Việt cũng khó mà làm được’.(4)

Quan tâm đến Việt Nam từ những năm chiến tranh, chọn đề tài về Việt Nam để viết luận án, do không có điều kiện sang nghiên cứu ở Việt Nam, ông sang Pháp vào hai năm 1979-1980 để nghiên cứu tư liệu về Việt Nam. Sau khi trình luận án tiến sĩ vào năm 1988, ông được cử sang Phi Luật Tân điều hành chương trình nghiên cứu với Đại học Phi Luật Tân trong những năm 1989-1991. Nhưng khi có điều kiện trở lại Việt Nam vào năm 1992, ông đã bày tỏ nguyện vọng với đại học để xin được tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam. Theo như giáo sư Otto van den Muijzenberg, là người bảo trợ luận án tiến sĩ cho ông, thì bộ môn Nam và Đông Nam Á của đại học Amsterdam lúc ấy thấy cần thiết là ở Hòa Lan cần có một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, nên đã quyết định bổ nhiệm John Kleinen làm phó giáo sư chuyên ngành Việt Nam học. John Kleinen vì thế đã trở thành nhà Việt Nam học đầu tiên ở Hòa Lan.

Trong lời cuối trước khi chia tay, ‘ông Tây thuộc sử ta’ này đã xúc động phát biểu là: ‘người ta luôn quay về với những tình yêu đầu’ (On revient toujours à ses premiers amours). Và một trongnhững mối tình đầu ấy chính là lòng đam mê nghiên cứu về Việt Nam của ông, cho dù mối tình đầu này không phải lúc nào cũng được suôn sẻ. Cũng nhưbao nhà khoa học khác, phó giáo sư John Kleinen tuy chính thức về hưu, nhưng vẫn chưa hưởng thú điền viên, vì trong những năm sắp tới ông còn tiếp tục gắn bó với Việt Nam, như hướng dẫn một nghiên cứu sinh Việt Nam làm luận án tiến sĩ tại Đại học Amsterdam, là nơi mà ông đã nghiên cứu và giảng dạy trong hơn ba thập niên vừa qua.

 

Ngô Lâm

_________

Chú thích

(1) Kleinen, John. Framing ‘the other’: A critical review of Vietnam War movies and their representation of Asians and Vietnamese. Trong:  Asia in Europe, Europe in Asia. (Singapore: ISEAS and IIAS, 2004). Tr. 293
(2) Kleinen, John. Facing the Future Reviving the Past. A Study of Social Change in a Northern Vietnamese Village’. (Singapore: Institute of Southeast Asian Studies, 1999). Tr. 22
(3) Khi người làng trở thành công dân thủ đô. http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Khi-nguoi-lang-tro-thanh-cong-dan-thu-do/20103/835.vnplus
(4) Ông Tây thuộc sử ta. http://maivang.nld.com.vn/205357p0c1020/ong-tay-thuoc-su-ta.htm

 


Cái Đình - 2013