Trương Thị Diệu Đế


Hướng dẫn trẻ em thực tập chánh niệm

Từ khi ngưng làm cán sự xã hội kể từ tháng 10 năm 2001, tôi đã tự nhủ sẽ tìm một hướng đi mới vừa thảnh thơi, vừa có ý nghĩa. Lòng dặn lòng mình vẫn thực tập hạnh lắng nghe cho người vơi bớt nỗi khổ nhưng đồng thời cũng làm một việc gì đó để tạo nguồn cảm hứng mới trong cuộc sống hiện tại.

 

Cố tìm thì sẽ gặp.

Tôi gặp duyên may xin được vào dạy yoga cho trẻ em người Pháp học tại trường ở thành phố La Haye, Hòa Lan.

Sau khi tan học, bọn học trò chạy vào lớp thể dục thể thao để học yoga với tôi.

Bằng cấp không có, chỉ nhờ biết tiếng Pháp và có thực tập được chánh niệm với thầy với bạn nên tôi cũng có chút vốn liếng đem ra sử dụng với bọn con nít.

Các chú học trò, sau giờ học thì quậy vô cùng, nào là xoay tít như bông vụ, nào là đấm đá nhau, nào là lời qua tiếng lại nếu không vững tâm, kiên trì thì cũng nhức đầu với các chú chớ không phải chơi đâu.

Sau một thời gian hai năm làm việc với bọn trẻ tôi xin ghi lại một vài kinh nghiệm để các bạn cùng đọc cho vui.

 

Tâm động và tâm tĩnh:

Mỗi khi bọn trẻ động thì tôi nương theo chúng nhưng vẫn cố giữ tâm mình cho tĩnh.

Nói thì dễ, làm thì hơi khó.

Nhưng tôi vẫn làm đúng theo lời thầy dạy:

Cũng như biển động thì mình không dùng những đợt sóng được, nhưng mình thả neo (hơi thở sâu và chậm) giữ thuyền cho chặt để khỏi bị trôi dạt đi nơi khác và mình cứ bập bềnh trên sóng, đợi gió lặng thì sóng cũng êm.

Ngồi yên lặng, thở đều và tạo không gian cho chính mình, mặc cho các chú múa may quay cuồng như những con rối, nhưng không ngồi chịu trận, không bực mình vì sự ồn ào và cũng không gào thét vô hiệu quả cũng như không thỉnh chuông khi tâm mình chưa tĩnh mà mình muốn bọn trẻ chú ý.

Những lúc ấy tôi quán tâm mình và thực tập ngồi cho vững chãi và thở cho đều đặn.

Vừa nhắm mắt lại, mở mắt ra là bọn trẻ đã leo lên xà ngang của phòng tập thể dục, chúng như đám khỉ con đang chót chét trên trần nhà, lời qua tiếng lại đôi lúc rất là chói tai.

Nhưng tôi vẫn ngồi yên và kiên nhẫn đợi chờ. Khi tâm đã tĩnh thì thỉnh một tiếng chuông lên là cả bọn trèo xuống nhanh như chớp và ngồi quây quần bên tôi để nghe chuông.

Trước mặt tôi bọn trẻ ngồi kiết gìà, tay bắt ấn, mắt lim dim, miệng lẩm boẩm như đang đọc thần chú. Bọn trẻ bắt chước giống như phim ở Tây Tạng.

Đây là lúc mà tiếng chuông chánh niệm sẽ giúp bọn trẻ trở về với chính mình để tâm động trở thành tâm tĩnh. Dù chỉ được vài phút nhưng nhiều giọt nước hợp lại thì sẽ được một dung lượng lớn hơn.

Bọn trẻ rất thích nghe chuông, thỉnh chuông và phát những âm trầm và bổng như tiếng chuông.

Chỉ có việc nghe chuông cũng đã thấy sự khác biệt của các em rất nhiều:

Mỗi em nghe với một lỗ tai khác, có em nghe được rất lâu, lỗ tai rất thính, có em không thể chú ý đến quá hai phút, có em thì nghe chuông là thư giãn đến ngủ luôn lúc nào không hay biết.

Muốn phối hợp nhịp nhàng với bọn trẻ thì cần nhận xét cá tính từng em, nhận diện đưọc trẻ ưa cầm đầu cả bọn và ngăn chặn đúng lúc những trường hợp hùa nhau, tâm động của một trẻ làm động cả lớp và động luôn đến cô giáo.

Viết đến đây tôi mới hiểu ý nghĩa của danh từ: “động chúng.”

Khi về làng (Làng Mai, tu viện của thiền sư Thích Nhất Hạnh – chú thích của Ban Biên Tập) tu tập trong lúc giúp nấu ăn ở bếp, tôi vẫn còn hành xử theo tạp khí cũ, nói năng cười đùa đôi lúc thiếu chánh niệm nên đã được quý sư cô nhắc nhở như sau: “Con nên cẩn trọng kẻo động chúng.” Khi ấy tôi chưa hiểu được ý nghĩa của câu này, mãi cho đến vài năm sau khi mình biết quan sát trong sự im lặng, biết thực tập im lặng hùng tráng thì mới thấm được ý nghĩa của câu chỉ dạy này.

Trở về với bọn trẻ ở trường Pháp. Trong số bảy tám em, có nhiều em rất động nhưng cũng có nhiều em rất tĩnh. Nhưng động thường ảnh hưởng đến tĩnh, ngược lại cũng có những khó khăn hơn. Có em chỉ thích ngồi nghe chuông, thực tập các động tác yoga và lựa các loại ngũ cốc mà tôi trộn lộn lại và bảo các em lựa ra từng loại, và dùng đôi đũa để gắp những vật li ti bỏ vào những cái ly cái chén tí hon.

Việc động chúng xảy ra lia chia do các chú bé rất muốn tĩnh mà không biết cách tĩnh.

Phần lớn của sự động tâm nầy là do môi trường lớp học và ở nhà. Các chú chỉ biết hướng ra ngoài, trò chơi điện tử, phim hoạt họa, phim đầy dẫy bạo động, bắn phá chém giết diệt kẻ thù. Các chú bị các yếu tố bên ngoài lôi kéo đến độ không còn có khả năng để dừng lại tâm cũng như thân. Vậy mà các chú ấy khi đã chú ý vào được tiếng chuông, nghe chuông kết hợp với hơi thở là các chú ngủ lăn quay chỉ trong vài phút thực tập.

Một yếu tố được chú ý nữa là con cừu ‘Parnurge.’

Theo điển tích xưa, khi một con cừu nhảy xuống nước là các con cừu khác cũng nhảy theo một cách tự động, và người chăn cừu bất lực trước đàn cừu. Một hôm tôi đi dạy yoga cho trẻ em hai lớp mẫu giáo. Mỗi lớp có 14 em và thời gian học là 30 phút cho mỗi lớp.

Khi bước vào lớp tôi đã nhìn thấy hai cô giáo thở phào nhẹ nhõm vì hai cô có cơ hội giao bọn trẻ lại cho tôi để nghỉ giải lao 30 phút.

Bọn trẻ ngồi quây quần dưới đất, nhe hàm răng mở cửa sổ cười toe toét. Chú thì đang lơ lửng chín tầng mây, miệng nhơi bánh mì thiếu điều chảy nước mà quên cả nuốt. Chú thì thọt lét bạn ngồi bên trái rồi quay sang thọt lét bạn ngồi bên phải, cười đến chảy nước mắt vẫn chưa tha. Chú thì uống ly nước rất chánh niệm, chăm chú nhìn vào ly nhưng hai phần ba đã đổ ra áo và ra sàn nhà. Chú khác thì lí la lí lắc như con lật đật, đứng ngồi không yên và được cô giáo huyên thuyên nhắc đến tên mình mà chú cứ giả câm giả điếc để quay các bạn xung quanh. Tôi ngồi xuống cạnh chú ấy, chắp tay búp sen, xá một cách thành kinh những vị Bụt tương lai và không ngưng niệm Phật để giữ tâm khỏi bị động.

Sau khi đã giúp cách chú dọn dẹp thức ăn, quét sàn nhà và lau sạch sẽ thì tôi mới bắt đầu làm việc.


Từ động đến tĩnh:

Trước tiên tôi hướng dẫn các chú đứng lên và dậm chân như đàn voi đang di chuyển trong rừng, tha hồ đám chân nhịp độ càng lúc càng tăng và sau đó thì giảm dần và im bặt, không còn động tĩnh gì cả.

Hai tay cử động nhịp nhàng, nhắm mắt lại và bơi bằng hai tay y như con sứa đang bơi dưới nước.

Sau đó tôi dặn các chú giữ im lặng bằng cách để ngón tay trỏ lên môi và hít vào thở ra bằng cách chu mỏ thổi nhẹ vào ngón tay trỏ và phát ra âm shuuuuuuuuut.

Quay từ trái sang phải sau đó lập lại động tác này tử phải sang trái.

Sau năm đến bảy hơi thở là các chú đã tĩnh được rất nhiều.

Kế đến là thỉnh chuông, nghe chuông ngân đến khi dứt tiếng chuông thì đưa tay lên.

Vừa thỉnh một tiếng chuông là các chú giơ tay cao lên đến trần nhà.

Hỏi tại sao? Bộ không nghe chuông ngân hay sao?

Thì các chú trả lời nghe thích quá nên giơ tay cho biết là vui.

Thế là tôi tiếp tục thỉnh chuông và đổi bài tập. Khi nghe chuông thì đưa tay lên, chuông dứt tiếng thì bỏ tay xuống.

Chuông đã ngưng từ lâu nhưng vẫn còn vài ngón tay lác đác đưa lên. hỏi tại sao thì các chú ấy trả lời còn dơ tay để xin đi ra ngoài xả bầu tâm sự. Một chú được đi thì cả lớp đòi đi.

Ý thức được con cừu Parnurge tôi bèn căn dặn rõ ràng: “chỉ một em đi thôi, khi em ấy trở về thì em khác được đi, chớ nếu không thì cả lớp ra nhà vệ sinh sắp hàng còn cô giáo thì ngồi ngáp ruồi sao?”

Việc hướng dẫn các em rất giản dị nhưng đòi hỏi sự chánh niệm của cô giáo một trăm phần trăm. Nếu cô hơi chểnh mảng hoặc lơ đễnh cho tâm đi dạo là đụng chạm xô xát xảy đến ngay tức thời.

Ngay cả việc vui mừng trong bụng khi mình nhận thấy là mình nắm được bí quyết là mình cũng mất chánh niệm dễ như chơi. Mỗi kinh nghiệm có một chức năng riêng của nó. Nếu mình đem kinh nghiệm của trường hợp A đem áp dụng vào trường hợp B thì phải cẩn thận nếu không thì khó mà thành công.

Căn cơ mỗi em một khác, phải theo dõi, nhận xét cho rành mạch đừng quá lạc quan mà lầm to.

Khi có mặt tôi thì mọi chuyện êm xuôi nhưng mình vừa rời lớp đi cất mấy tấm nệm là gà đã vọc niêu cơm tưng bừng.

Bọn trẻ thay đổi từ cừu ra sói và từ sói ra cừu trong khoảnh khắc.

Chúng tôi dùng hình ảnh: hít vào tôi còn là sói, thở ra tôi vẫn còn là sói, tiếp tục hít vào tôi vẫn còn là sói, thở ra tôi biến thành cừu. Đôi khi sói mạnh hơn cừu nhưng hơi thở thì vẫn thực tập đều đặn.

Mỗi khi chúng là sói thì cần có sói già để trị chúng chứ nếu chúng là sói mà mình là cừu thì chúng xơi tái mình lúc nào không hay.

Tôi đối xử với trẻ thành thật và chân tình: nói ra những gì mình không hiểu rõ về thái độ của chúng và khi chúng bạo động thì tôi có thái độ rõ ràng và cương quyết không chấp nhận sự bạo động trong lớp yoga là để thực tập bất bạo động.

Trẻ con dậy cho tôi những phương cách xử lý với bạo động: dùng thẻ màu vàng để cảnh cáo các trò đã vi phạm nội quy của nhóm đúng theo tinh thần của các cầu thủ đá banh, nếu trò ấy không sửa đổi thì dùng đến thẻ đỏ để loại ra khỏi lớp học. Nhờ ơn trên che chở, cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ phải sử dụng thẻ đỏ.

Chúng rất thích nghe kể chuyện hồi xưa ở Việt Nam, mẹ bắt quỳ hương để tránh gây gổ hoặc đừng làm cho kẻ khác đau nếu mình không muốn kẻ khác làm mình đau.

Đôi lúc chúng nghe rất chánh niệm nhưng cũng có lúc cái tạp khí của các chú mạnh hơn các chú nên cô giáo chỉ biết nhìn sự việc để hiểu và thương.

Trương Thị Diệu Đế


Cái Đình - 2004