Thanh Tâm
Chợ Tết ở Chinatown Holland
Mỗi năm, khi hương vị bánh oliebollen đã phai gần hết, thì dân Việt và Tàu lại rộn rã (tuy chỉ trong gia đình) bàn đến ngày Tết âm lịch. Với người Việt, đã qua rồi cái thời chúng ta mỗi kỳ cận Tết chạy đôn chạy đáo mua quà, gởi tiền cho người thân để bên nhà có được cái Tết đơn giản, có mâm cỗ tươm tất cúng tổ tiên. Bây giờ vào dịp cuối năm người ta rủ nhau thu xếp công việc, lấy phép nghỉ Tết về thăm nhà. Cũng chỉ trong gia đình biết với nhau thôi đấy nhé. Đã không hiếm trường hợp dân mình bị trộm, cướp viếng vào những ngày gần lên máy bay, lúc chiếc bóp dày cộm tiền chắt mót cả năm để trong nhà, hay những ngày một tên đạo chích nào đó bỗng hứng tình nhìn qua khe thùng thư thấy một đống báo quảng cáo vất trên sàn không ai lượm nên phá cửa vô dọn sạch giùm.
Có thể nói đã hơn ba mươi năm rồi nhiều người trong chúng ta không còn được thấy lại khung cảnh chợ Sài Gòn chăng đèn nhấp nháy, kết hoa giả chung quanh nhà lồng, một cô gái tươi cười chỉ chiếc TV Denon thù ng gỗ có chân (mô-đeo rất xịn thời đó nhưng nay đã thành collector's item) hay anh chàng phong nhã, quần áo chải chuốt đeo kiếng mát ngồi trên xe Suzuki màu đen láng bóng. Trên một tấm pa-nô hình anh Bảy chà Hynos cười nhe hàm răng trắng, từ ô-pạc-lơ phát ra ong óng những tình khúc Trịnh Công Sơn (thật không thể hiểu được vì lý do nào người ta đã để radio phát những bài như ‘Ru em từng ngón xuân nồng' hay ‘Nắng thủy tinh' trong dịp này. Hay chợ hoa Nguyễn Huệ với những chậu quất thật và quất ‘cắm tăm làm màu'. Ở Hòa Lan từ trước tới nay tôi chưa bao giờ thấy một chợ Tết, hay chỉ một không khí Tết thôi, theo như tôi thường nghĩ. Có chăng là những hộp mứt và bao giấy đỏ bán trong các tiệm Tàu, những cuộn lịch hai tháng in chung một tờ kèm theo, tặng những khách quen, lịch này nhiều khi cũng in ngày Tết âm lịch tầm bậy (năm Đinh Hợi 2007 lịch Tàu và Ta xê xích một ngày) và một đôi lần dự những buổi tổ chức tất niên với những tiết mục ba mươi năm không đổi bao nhiêu. Với người Tàu, họ có may mắn được nhà nước cho phép đốt pháo ở khu vực ‘Chợ Mới' (Nieuwmarkt – Amsterdam) trong phút giao thừa, và ở Den Haag mỗi năm có tổ chức múa lân, đấu quyền… rất nhộn. Có những khu người ta gọi là ‘Chinatown' như ở Amsterdam, Den Haag và Rotterdam, nhưng chỉ là một dãy phố với những tiệm ăn, tiệm thực phẩm, hãng lữ hành…
Vì vậy năm vừa qua, khi chợ Tàu Chinatown Holland được cất lên trong khuôn viên khu chợ nhà lồng lớn nhất Âu châu (Chợ Đen – De Zwarte Markt, ở Beverwijk) và rầm rộ khai trương đầu tháng tư (2007), tôi đã thầm nghĩ người Tàu sẽ dồn mọi nỗ lực thực hiện cái Tết Tàu đầu tiên thật ‘hoành tráng' trong chợ. Đó là lý do chính tôi đã để công đi tìm một không khí Tết ở Chinatown Holland. Chắc ăn, tôi chọn ngày hai mươi sáu, vào ngày này ông Táo đã yên vị trên Trời chờ mọi người mua sắm đồ đạc đón mình về.
Chinatown Holland chiếm một khoảng đất rộng ngay đầu chợ. Ngôi chợ lừng lững, đỏ rực màu máu, màu tượng trưng may mắn của người Trung Hoa. Nhìn xa, nó giống bức tường thành bao quanh cung điện xây dối. Tên chợ, Chinatown Holland, không được treo trước chợ, mà dựng ngoài đường cái. Chợ có hai cửa, trước mỗi cửa có đôi mãnh sư nặng vài tấn ngồi chầu và một bụi trúc ba người ôm. Hai bên hông chợ dựng hai dãy cờ quốc tế, trong số này có hai chiếc người Việt tị nạn hay bị dị ứng, là cờ Trung quốc, và cờ Thổ Nhĩ Kỳ, cờ này nếu Việt Nam thặng dư thì có thể bán cho họ để họ vẽ vô thêm một mảnh trăng lưỡi liềm kế bên, thành cờ của họ liền.
Nói đến Thổ Nhĩ Kỳ và khu Chợ Đen Beverwijk là phải nói đến chợ ‘Phương Đông' (Oosterse Markt), có cấu trúc nhái theo những đền Hồi giáo có những mái hình trứng nằm sát nhau. Nhìn tấm băng-rôn giăng trước cửa, kỷ niệm 25 năm, tôi chợt nhớ ra hai mươi lăm năm trước, ít lâu sau khi ngôi chợ ‘Phương Đông' khai mạc, một ‘hiện tượng xã hội' của Hòa Lan báo hiệu sự xâm nhập mạnh mẽ văn hóa và nếp sống Hồi giáo, tôi đã có dịp đến thăm, và lúc đó quả thực tôi đã kinh hoàng lẫn kinh rợn khi đối mặt với một nền văn hóa tuy cũng là Đông phương nhưng quá khác lạ so với văn hóa Việt, hay văn hóa Không giáo của Tàu. Nhưng lâu dần rồi cũng quen, cũng thấy nền văn hóa nào cũng có cái hay riêng của nó. Vào chợ Phương Đông, bạn có cảm giác như được đi vào trong những ngôi chợ Kasbah vùng Trung Đông, nơi những người bán hàng la lớn chế diễu mỗi khi đám du khách Hòa Lan đi ngang. “Kijken! Kijken! Niet kopen!”, họ truyền miệng nhau, cười khằng khặc. “Coi thôi! Coi thôi! Đừng có mua!”, chừng đó chữ cũng đã nói lên được tính ‘hà tiện' của người Hòa Lan, đi nghỉ hè kéo xe caravan, mang theo cả bơ và margarine quẹt bánh mì!! Tuy thế những người đứng sạp chợ Phương Đông bây giờ đã học được phong cách Hòa Lan ít nhiều, là không còn chào mời ráo riết và dửng dưng, mua cũng được, không mua cũng xong. Những tấm bảng nước sơn đã mờ, cạc tông quăn góc với hàng chữ đậm kẻ dối theo kiểu ‘mai ăn khỏi trả tiền': ‘Chỉ có ngày hôm nay! Áo khoác 39,95 euro!', ‘Hạ giá vòng chót'... và những tấm posters có thể đặt mua từ những đại lý cung cấp với những ngôn từ thật hấp dẫn: ‘Ngày cuối! Hạ giá tới 50%' và ‘Dẹp tiệm, bán hết!'...
Đi một vòng, lỗ mũi bắt từ mùi đường của mứt và của trái sung khô của Thổ Nhĩ Kỳ, qua tới những hương liệu quế, hồi, nước hoa nhái nhãn hiệu, sang tới những khu mùi da bò của áo blouson nhập từ Pakistan, sạp vải thơm mùi bông mới, sạp quần áo với những hộp carton lớn một người ôm, bên trong là bộ khăn trải giường chung bao gối hay bộ đồ cho con nít. Với dân Hồi giáo, đây là một thứ quà tặng phổ thông của những người lười suy nghĩ, nó tương tự như đồng hồ reo ở Việt Nam hay bộ lọ tiêu muối tôi nhận được của mấy người bạn già Hòa Lan. Đi vòng qua bên kia, những sạp trái cây, rau trái xứ nóng ê hề. Bữa nay tôi thấy có cả một trái mít mập. Thèm ăn, hỏi giá, một kí lô bảy euro, trái mít trông bắt mắt có giá tương đương ba đầu máy DVD nhập từ xứ con Trời và từ những nước Đông Âu xếp thành chồng ở một gian hàng cách đó không xa!!!
Và những dãy hàng ăn, mùi thịt trừu sộc nực mũi. Shoarma và Döner Kebab chiếm đa số. Và quần áo, áo quần, dây nịt, đồ chơi, dãy hàng điện thoại di động với dịch vụ thẻ điện thoại quốc tế và phá SIMlock. Thôi thì thứ gì cũng có, duy có thịt heo bạn có đi mười vòng chợ Đông Phương, tìm đỏ con mắt cũng không thấy thịt giống vật ‘dơ bẩn' này, nói theo ngôn ngữ Hồi giáo. Và đừng có trông mong gì ở họ một cái Tết âm lịch. Ngày ‘lễ đường' (suikerfeest) chấm dứt mùa chay Ramadan vừa mới qua hai tháng.
Vây thì ta đành trở lại chợ Tàu Chinatown Holland để xem Tết vậy. Tôi bước vào chợ, đi dọc theo hành lang. Mọi ngõ đều có mắc đèn lồng hai bên. Lại cũng màu đỏ. Dãy đèn lồng màu đỏ như trong một phim của Trương Nghệ Mưu ‘Raise the Red Lantern', nhưng ở đây không có cung nữ, mà là hàng quán, cửa tiệm. Cũng máy móc, đồ trang sức. Cũng quần áo, nhưng rõ ràng có một không khí khác hơn những xứ đạo Hồi.
Tôi bước ngang một tiệm làm móng tay, người Việt thường gọi một cách văn hoa là tiệm ‘nai' hay tiệm ‘neo', mặc dù từ ‘làm nai' hay ‘làm neo' thực ra chẳng dính dáng gì đến nghề ‘nai/neo' (nail). Trong tiệm một cô gái đang ngồi tự dũa móng tay cho mình. ‘Sao không có ai vậy?' ‘Giờ còn sớm, chiều người ta mới tới.' ‘Sao không thấy tết nhất gì hết?' ‘Tết nhất gì chú? Làm cả ngày còn chưa đủ ăn mà.' Nhưng nghề này có lẽ thịnh suy là do truyền miệng, bởi lát sau đi sang một dẫy khác tôi bắt gặp tiệm Nail Miss Saigon, 6 cô đeo khẩu trang ngồi cặm cụi sơn và đánh bóng, còn mấy người khách nữa đang ngồi chờ. Ái ngại, nhưng quả thực tôi không có đủ bạo dạn và óc hài hước để nói họ qua bên kia làm cho lẹ.
Háo hức đi tìm không khí Tết, rảo cẳng bước mười phút đã về lại chốn cũ. Quả thực cả ngôi nhà lồng chợ này, hôm nay hai mươi sáu Tết mà hoàn toàn vắng bóng một không khí Tết, trừ lũ đèn lồng lắc lư trên cao. Tôi đi một vòng nữa, tìm những bóng dáng Việt Nam. Nhưng chỉ thấy vài hàng bán đồ ăn liền, với những món chả giò, bánh nướng nhưn thịt, tôm chiên... Có lúc tôi tưởng như thấy một chiếc áo dài Việt Nam, nhưng coi lại mới biết áo xường xám kiểu hiện đại. Ngẫm lại, đúng là Chinatown, tại sao ta lại đòi một Việt Nam ở đây nhỉ!
Đi dọc khu hành lang bán đồ ăn, một thứ food court Á đông nhưng không có Asian fusion. Có tiệm Nhật Bổn, sushi nằm ngay hàng thẳng lối trong tủ kiếng, Waroeng (Wa-rung, tiệm/quán Inđô) với món rau kho với trứng Gadogado, bánh da lợn spekkoek, và đương nhiên là những tiệm cơm tàu. Ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây, người ta nói vậy. Nhà Tây tôi đang ở, lỡ lấy vợ Việt rồi, thôi thì cơm Tàu vậy. Tôi ghé đại vô một tiệm. Sự thực, nếu ở đó có tiệm ăn Việt Nam bán những món phở, bánh cuốn, bánh bèo thì tôi đã dừng bước ở đó rồi. Hy vọng lần sau thôi. Cơm Tàu (không thể nín cười khi nghĩ sẽ gọi là cơm Trung quốc cho đúng mốt) ở đây mọi tiệm ghi đồng một giá: cơm (hay mì) đĩa 1 món 7 euro, 2 món 8 euro, 3 món 9 euro. 1 đĩa đủ làm một người sắp chết đói căng bụng. Tôi chưa tới nỗi chết đói, nên nói cô bán hàng bỏ hộp mang về.
Nhận gói đồ ăn, tôi chào cô ‘Cung hỉ phát xồi'. Ngạc nhiên, cô chào lại và xổ một tràng líu lo. Thôi đành phải dở thứ ngôn ngữ thứ hai, tiếng Hòa Lan ra vậy. Hỏi cô chuyện Tết. Cô cho biết Tết này chẳng có gì vui, cả gia đình bên nhà chồng sắp chết cóng vì cái lạnh đột nhiên ập xuống quốc gia đông dân nhất thế giới. Cô nói chắc phải bỏ vé máy bay đã mua. Chồng cô đã cố gọi điện và internet (?), nhưng chưa bắt được liên lạc. Mắt cô buồn xa vắng. Làm dân một nước lớn cũng khổ, đi làm xa một năm về thăm quê có một lần, nay lại gặp chuyện không may. Nước Việt Nam không lớn, nhưng cũng có những người đi làm xa hai ba năm mới về thăm quê một lần. Một lần tôi đã mua vé, nhưng bịnh bất thần, đành bỏ, hẹn lại năm sau, năm sau lại mê đi tắm biển Địa Trung Hải, lại khất lần nữa. Tới khi về thì chú bác người đã qua đời, người đầu bạc trắng.
Thơ thẩn đi ra đến cửa, đụng đầu siêu thị Đông Phương (Oriental, hệ thống siêu thị Tàu lớn nhất Hòa Lan). Thôi thì mua đại một hộp mứt, trước làm kỷ niệm một cuộc đi tìm hương vị Tết thất bại, sau là để ba ngày nữa cúng giao thừa. Và đã lỡ gởi xe ba đồng, tiền vô cửa hai đồng thì phải tìm cái gì gỡ gạc lại chớ.
Thanh Tâm
(02/2008)