Bùi Văn Đỗ
Buổi sinh hoạt văn thơ nhạc tại Hòa Lan
Tôi đi tham dự buổi sinh hoạt Văn, Thơ, Nhạc của nhóm Cái Đình tổ chức tai Hòa Lan, để ra mắt một tác phẩm mới, cũng là tác phẩm đầu tay của một cây viết khá quen thuộc tại vùng đất thấp xứ Hòa nổi danh thế giới với loài hoa Uất Kim Hương, tuyển tập Gió Thoảng Hương Yêu của Đào Quốc Bảo.
Đến hội trường Eetcafé De Kleine Geer đường Snoeksloot 64 Houten vào lúc 14 giờ 30 ngày 29-05-2010. Thời tiết những ngày mùa xuân có nắng nhẹ và ấm, vạn vật như sống dậy sau một mùa đông dài giá lạnh. Gặp lại những anh chị em trong người có chất văn, thơ và nhạc lòng thấy rộn hẳn lên niềm vui.
Mở đầu anh Nguyễn Hiền nói sơ qua về thời gian thai nghén của tuyển tập Gió Thoảng Hương Yêu, nỗi trăn trở của người viết muốn thực hiện những điều tác giả viết từ trên 20 năm qua thành sách, để làm kỷ niệm cho chính tác giả, cho những người thân trong gia đình và bạn hữu. Qua những lời giới thiệu dí dỏm về tác giả, khách tham dự còn biết thêm. Tác giả Đào Quốc Bảo ngoài viết văn xuôi, còn làm thơ và nhiều bài thơ đã được phổ nhạc. Về phần tác giả cũng chân tình thố lộ, chất liệu đã có, vì đã viết từ ngày ra nước ngoài, đã góp tiếng nói ở nhiều tạp chí Việt nhiều năm qua, ở Hòa Lan, ở Âu Châu và và ở những tạp chí Việt trên nhiều châu lục khác, chưa kể sau này, từ ngày có internet thì có những bài còn được đưa lên các website cho đọc gỉa có dịp thưởng lãm.
Cho nên buổi sinh hoạt này gồm đủ ba mục:
Văn xuôi.
Tác giả viết về nhiều thể loại, thuộc nhiều lãnh vực, nhưng cụ thể và tựu trung nhất vẫn là những đề tài đậm tình gia đình, bạn hữu và quê hương. Về quê hương tác giả quan tâm nhiều về cảnh, về hoa, về những cái đẹp mà nhờ có dịp ở trong quân ngũ tác giả được chứng kiến. Sau đó, tác giả quan tâm đặc biệt đến những món ăn, uống có tính quốc hồn quốc túy, đã đi vào văn hóa của người Việt như các loại bánh: bánh cốm, bánh giò, bánh chưng, bánh tét..., các loạ̣i dưa món dưa hành dùng trong các dịp tết, các loại trà. Và đặc biệt nói về phở. Nghe một trích đoạn đọc trong dịp ra mắt sách làm cho người viết nhớ đến, và thèm ăn đến nỗi bụng muốn đói và hình dung ra như có tô phở nóng hổi đang tỏa khói, gậy nên với mùi beo béo, thơm thơm của thịt bò, những sợi bánh phở mềm mại, với nước dùng đậm đà cùng với mùi tiêu, hành, ớt, chanh, ngò gai, húng quế, tương đỏ, tương đen. Đọc lên mà đã thấy thèm ăn. Ngồi trong một căn phòng ấm cúng, sống trong một đất nước đầy đủ đồ ăn thức uống đã lâu, thậm chí có nhiều người phải giảm ăn vì sợ quá cân, mà nghe tác giả viết còn muốn thèm, thì thử hỏi. Sau năm 1975, bao nhiêu người phải vào trại tù, phải lao động quá sức mình, không cho ăn đủ no. Lúc đó đọc được những trang này thì còn khao khát và thèm thuồng đến chừng nào. Phải kể, lời văn của Đào Quốc Bảo thật trau chuốt và sắc nét.
Thơ
Tác giả còn làm thơ mỗi khi gặp những cảnh ngộ sinh tình, nhớ, thương, ly biệt. Như dịp đến Paris vào mùa hạ năm 1988, tác giả có viết một bài đề tên
Mộng Hương Quan
Paris chớm heo may
Lá vàng lác đác bay
Hồn Thu chừng đã ngự
Lữ khách hồn như say.
Sông Seine mờ hơi sương
Lờ lững tựa giòng Hương
Gió vờn cau mặt nước
Trạnh lòng nhớ cố hương!
Tháp Eiffel vào mây
Ôm ấp cả trời Tây
Người thân giờ xa quá
Tâm tình gởi ngàn mây!
Nửa phần đời qua nhanh
Băn khoăn nhạt tóc xanh
Sông Seine xa sông Nhị
Mộng Hương Quan có thành?
Tác giả dùng lời thơ để khóc mẹ, khóc chị, tiễn bạn. Lời thơ gọt dũa rất công phu, câu và đoạn đúng với niêm luật, không phải là thứ thơ tự do mà giới không chuyên nghiệp hay làm.
Nhạc
Đây là những lời thơ được phổ thành nhạc, do bào đệ Đào Tuấn Ngọc và một số thân hữu phổ thành nhạc, để hát trong những dịp có hội hè, sinh hoạt. Phải kể là một kẻ đa tài, chưa kể đến tài nấu các món ăn thuần túy dân tộc như món: bún thang, món phở... Những kẻ đa tài hẳn là cũng đa tình lắm.
16 giờ nghỉ giải lao khoảng 20 phút. Đây là dịp các thân hữu đến chia vui cùng tác giả, mua sách và lấy chữ ký. Đào Quốc Bảo vào thời năm 1967 với một bông mai vàng nở ở cổ áo ngồi ở ở văn phòng tiểu khu ở Bảo Lộc, một chàng trai trẻ nhiều nhựa sống. 43 năm sau với bao vật đổi sao dời, lưu lạc nơi xứ người, nhẫn nại miệt mài ghi chép làm nên tuyển tập Gió Thoảng Hương Yêu. Giờ đây trao đến bạn hữu, gói trọn cả một tấm lòng, thật thân thương thật qúy mến, không còn hình ảnh nào sắc nét hơn.
***
Sau khi nghỉ giải lao, hội trường lại đông kín người để thưởng thức một chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục mà các nhạc cụ thuần chất Việt Nam như: đàn bầu, đàn nhị, trống cơm, sáo. Đặc biệt có những loại nhạc cụ tạo âm thanh bằng môi rất đặc sắc, mà chỉ có những dịp đặc biệt khi trình diễn về những nét đặc trưng về văn hóa, âm nhạc Việt mới được đem ra trình diễn với khách thưởng ngoạn.
– Cả hội trường được nhìn, được nghe nghệ thuật gõ sinh tiền do anh Nguyễn Thanh Hùng và chị Bùi Tố Nga trình diễn.
– Rồi chúng ta lại được nghe, được thấy cây đàn nhị, cây đàn bầu do nhạc sĩ Ngô Hồng Quang trình diễn, thêm với tài nghệ xử dụng những nhạc cụ khác của miền Tây Nguyên Việt Nam như đàn môi.
– Đặc biệt có màn độc tấu vĩ cầm của một thiếu niên Việt, em Thanh Niệm, con của anh chị Nguyễn Hoàn Nguyên cũng là một thành viên đắc lực của nhóm Cái Đình.
– Phần trao quà lưu niệm cũng là để kết thúc buổi sinh họat văn thơ nhạc, giới thiệu tác phẩm đầu tay của Anh Đào Quốc Bảo: Gió Thoảng Hương Yêu.
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Những hình ảnh mang nhiều dấu ấn trong tôi là nơi xứ Hoa tulpen, số người Việt Nam tỵ nạn không đông, nhưng những sinh hoạt có tính văn hóa thì đã trên 30 năm qua vẫn tồn tại, anh chị em trong một nhóm nhỏ có cái tên rất Việt Nam “Cái Đình”, vẫn có những sinh hoạt hàng năm như ra mắt những cuốn sách mới được ấn hành, đưa lên website những bài viết rất bổ ích cho những người Việt Nam tự do lưu lạc ở nhiều vùng đất trên thế giới, cùng đọc để duy trì, bảo tồn một di sản văn hóa. Vốn quý cho các thế hệ Việt Nam mai sau ở nước ngoài.
Bùi Văn Đỗ